Pages

30 May 2012

Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Quyển VI

"Ta dạy Tỳ Kheo Trực Tâm là đạo tràng, tất cả hạnh nơi tứ oai nghi còn chẳng giả dối, làm sao lại tự xưng đã được pháp Thượng Nhân, ví như người nghèo vọng xưng là vua chỉ tự cầu tội chém, huống là trộm cắp danh hiệu của Pháp Vương!..."
                                                                   QUYỂN SÁU

Lúc bấy giờ, Quán Thế Âm Bồ Tát liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con nhớ khi xưa, từ vô số hằng sa kiếp trước có Phật Quán Thế Âm ra đời, con phát tâm Bồ Đề nơi Phật ấy, Phật dạy con từ Văn, Tư, Tu nhập Tam Ma Địa (Văn, Tư, Tu là Văn nơi tai, Tư nơi Tâm, Tu nơi Hạnh).
- Bước đầu ở trong sự nghe được nhập lưu (chẳng chạy theo lục trần) mà quên cái sở nghe (vong, sở: vong nghĩa là quên). Sở nhập đã tịch, thì hai tướng động và tịnh chẳng sanh, như thế dần dần tiến thêm, thì năng nghe và sở nghe đều hết; sự hết năng sở của nghe cũng chẳng trụ. Còn biết chẳng trụ thì còn năng giác và sở giác, nên phải Không cái năng giác sở giác, thì sự Không giác ấy mới cực viên tròn; năng giác sở giác được Không đến cùng tột, là nhập vào chỗ Không, nhập vào chỗ Không thì còn trụ nơi Không, nên năng không sở không cũng phải diệt. Năng sở của Không diệt rồi thì tất cả sự sanh và diệt đều hết, sanh diệt đã diệt, thì tịch diệt hiện tiền, thình lình siêu việt thế gian và xuất thế gian. Đến đây, khắp mười phương pháp giới đều sáng tỏ, được hai thứ thù thắng tròn đầy sáng tỏ:
l. Trên khế hợp với giác tâm vốn huyền diệu của mười phương chư Phật, với Như Lai đồng một Từ Lực (Phật độ chúng sanh cho vui, nhưng không có năng độ, gọi là Vô Duyên Từ).
2. Dưới khế hợp với tất cả mười phương chúng sanh lục đạo, với tất cả chúng sanh đồng một Bi Ngưỡng (chúng sanh cầu Phật độ lìa khổ, nhưng không có sở độ, gọi là Đồng Thể Bi).
Thế Tôn! Do con cúng dường Quán Âm Như Lai, Phật dạy con y tánh Văn như huyễn, huân tu Kim Cang Tam Muội. Vì với chư Phật đồng một Từ Lực, nên khiến con được thành tựu 32 ứng thân vào các quốc độ.
1. Thế Tôn! Nếu chư Bồ Tát vào Tam Ma Địa tu pháp vô lậu, thắng giải đầy đủ, thì con hiện thân Phật, thuyết pháp cho họ, khiến được giải thoát.
2. Nếu có hàng hữu học được tịch tịnh diệu minh, thắng giải đầy đủ, thì con hiện thân Độc Giác, thuyết pháp cho họ, khiến được giải thoát.
3. Nếu có hàng hữu học đoạn mười hai nhân duyên được thắng tánh hiện tiền, thắng giải đầy đủ, thì con hiện thân Duyên Giác, thuyết pháp cho họ, khiến được giải thoát.
4. Nếu có hàng hữu học tu Đạo nhập diệt, được pháp Không của Tứ Thánh Đế, thắng giải đầy đủ, thì con hiện thân Thanh Văn, thuyết pháp cho họ, khiến được giải thoát.
5. Nếu có chúng sanh, muốn tâm minh ngộ, chẳng phạm dục trần, muốn thân trong sạch, thì con hiện thân Phạn Vương, thuyết pháp cho họ, khiến được giải thoát.
6. Nếu có chúng sanh, muốn làm thiên chủ, lãnh đạo chư thiên, thì con hiện thân Đế Thích, thuyết pháp cho họ khiến được thành tựu.
7. Nếu có chúng sanh, muốn thân được tự tại, đi khắp mười phương, thì con hiện thân Tự Tại Thiên, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
8. Nếu có chúng sanh, muốn thân được tự tại, bay khắp hư không, thì con hiện thân Đại Tự Tại Thiên, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
9. Nếu có chúng sanh, muốn thống lãnh quỷ thần, cứu giúp quốc độ, thì con hiện thân Thiên Đại Tướng Quân, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
10. Nếu có chúng sanh, thích thống lãnh thế giới, bảo vệ chúng sanh, thì con hiện thân Tứ Thiên Vương, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
11. Nếu có chúng sanh, muốn sanh nơi thiên cung, sai khiến quỷ thần, thì con hiện thân Thái Tử của Tứ Thiên Vương, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
12. Nếu có chúng sanh, muốn làm vua cõi người, thì con hiện thân vua, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
13. Nếu có chúng sanh, thích làm chủ các dòng quý tộc, mọi người cung kính, thì con hiện thân trưởng giả, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
14. Nếu có chúng sanh, thích đàm luận những lời hay giữ mình trong sạch, thì con hiện thân Cư Sĩ, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
15. Nếu có chúng sanh, thích cai trị việc nước, trông coi các ban ấp, thì con hiện thân Tể quan, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
16. Nếu có chúng sanh, thích các số thuật, tự nhiếp tâm giữ thân, thì con hiện thân Bà La Môn, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
17. Nếu có thiện nam tử, ham học pháp xuất gia, giữ gìn giới luật, thì con hiện thân Tỳ Kheo, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
18. Nếu có thiện nữ nhân, ham học pháp xuất gia, trì các giới cấm, thì con hiện thân Tỳ Kheo Ni, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
19. Nếu có thiện nam tử, thích giữ ngũ giới, thì con hiện thân Ưu Bà Tắc, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
20. Nếu có thiện nữ nhân, tự giữ ngũ giới, thì con hiện thân Ưu Bà Di, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
21. Nếu có thiện nữ nhân, lập thân trong cung vua, chủ việc nội chính, giúp việc nước nhà, thì con hiện thân nữ chủ (hoàng hậu), hay phu nhân, mệnh phụ, đại gia (nữ giáo sư của hoàng hậu và các cung phi), thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
22. Nếu có con trai, chẳng hoại trinh nam, thì con hiện thân đồng nam, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
23. Nếu có con gái, muốn giữ trinh nữ, chẳng cầu sự xâm bạo, thì con hiện thân đồng nữ, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
24. Nếu có chư Thiên, muốn ra khỏi loài trời, thì con hiện thân chư Thiên, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
25. Nếu có con Rồng, muốn ra khỏi loài rồng, thì con hiện thân rồng, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
26. Nếu có Dược Xoa (l) muốn ra khỏi loài mình, thì con hiện thân Dược Xoa, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
27. Nếu có Càn thát Bà (2) muốn ra khỏi loài mình, thì con hiện thân Càn Thát Bà, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
28. Nếu có A Tu La, muốn thoát khỏi loài mình, thì con hiện thân A Tu La, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
29. Nếu có Khẩn Na La (3), muốn thoát khỏi loài mình, thì con hiện thân Khẩn Na La, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
30. Nếu có Ma Hầu La Già (4) muốn thoát khỏi loài mình, thì con hiện thân Ma Hầu La Già, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
31. Nếu có chúng sanh thích làm người, tu nghiệp người, thì con hiện thân người, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
32. Nếu có loài phi nhân, hoặc có hình, hoặc vô hình, hoặc có tưởng, hoặc vô tưởng, muốn thoát khỏi loài mình, thì con hiện thân như họ, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
- Ấy gọi là 32 ứng thân nhiệm mầu vào các quốc độ, những thân ấy đều do vô tác diệu lực của sự huân tu tam muội tự tại thành tựu.
- Thế Tôn! Con lại dùng vô tác diệu lực của sự huân tu Kim Cang Tam Muội này, cùng với tất cả chúng sanh lục đạo trong mười phương tam thế đồng một Bi Ngưỡng, nên khiến các chúng sanh nơi thân tâm con được 14 thứ công đức vô úy:
l. Do con chẳng quán âm thanh, tự quán kẻ quán, khiến chúng sanh khổ não mười phương tự quán âm thanh, liền được giải thoát.
2. Xoay tri kiến về bản tri, khiến chúng sanh dù vào đống lửa, lửa chẳng thể cháy.
3. Xoay cái nghe về bản văn, khiến chúng sanh bị nước cuốn trôi mà chẳng chìm đắm.
4. Vọng tưởng dứt sạch, tâm chẳng sát hại, khiến chúng sanh vào xứ quỷ, quỷ chẳng thể hại.
5. Huân tập cái nghe thành Bản Văn, tiêu cả lục căn thành một tánh Văn, khiến chúng sanh đang lúc bị giết hại, dao gãy từng đoạn, các binh khí chạm vào thân người, như cắt dòng nước, như thổi ánh sáng, mà bản tánh chẳng lay động.
6. Huân tập tánh Văn thuần nhất sáng tỏ, chiếu khắp pháp giới, dẹp tan tối tăm, khiến chúng sanh dù gặp các loài Dược Xoa, La Sát, yêu mị, quỷ thần ở gần bên cạnh mắt họ chẳng thể nhìn thấy.
7. Âm thanh tiêu sạch, tánh nghe trở vào, thoát khỏi trần vọng, khiến chúng sanh gặp những thứ gông, cùm, xiềng, xích đều chẳng thể trói buộc.
8. Âm thanh tiêu diệt, tánh Văn viên mãn, Từ Lực khắp nơi, khiến chúng sanh đi qua chỗ nguy hiểm, chẳng bị giặc cướp.
9. Huân tu tánh Văn, xa lìa cảnh trần, sắc dục chẳng thể lôi kéo, khiến tất cả chúng sanh đa dâm xa lìa tham dục.
10. Thuần âm vô trần, căn trần viên dung, chẳng năng sở đối đãi, khiến tất cả chúng sanh hay giận dữ lìa bỏ sân hận.
11. Xoay minh tiêu trần, trở về bản tánh, cả pháp giới, thân tâm đều như lưu ly, thấu triệt vô ngại, khiến những kẻ ngu muội chẳng tin Phật pháp, xa lìa hẳn sự si mê ám muội.
12. Tiêu dung hình thể, trở về bản Văn, ngồi bất động đạo tràng, vào thế gian mà chẳng hoại pháp thế gian, đi khắp mười phương, cúng dường vô số Như Lai, nơi mỗi Như Lai làm Pháp Vương Tử, khi pháp giới chúng sanh cầu sanh con trai, được con trai có phước đức trí huệ.
13. Lục căn viên thông, sáng và soi không hai, khắp mười phương thế giới, lập Đại Viên Cảnh, Không Như Lai Tạng, thừa nhận pháp môn bí mật của vô số Như Lai, chẳng có thiếu sót, khiến pháp giới chúng sanh cầu sanh con gái, được con gái có tướng tốt, đoan chính, phước đức, dịu dàng, được mọi người yêu mến.
14. Trăm ức nhựt nguyệt chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới này, trong đó có 62 hằng sa pháp vương tử đang trụ trì nơi thế gian, tu chánh pháp, làm mô phạm, mỗi mỗi dùng phương tiện và trí huệ chẳng đồng, tùy thuận căn tánh mọi người để giáo hóa chúng sanh.
- Do con được Nhĩ Căn viên thông, phát ra diệu dụng, nên thân tâm vi diệu, cùng khắp pháp giới, khiến chúng sanh người trì danh hiệu con so với người trì danh hiệu của 62 hằng sa Pháp Vương Tử, hai người được phước đức bằng nhau.
- Thế Tôn! Sở dĩ một danh hiệu của con cân xứng với nhiều danh hiệu kia, là do con tu tập đắc chơn viên thông, ấy gọi là mười bốn thứ sức vô úy, thí cho chúng sanh phước đức đầy đủ.
Thế Tôn! Do con tu chứng Vô Thượng Đạo, được căn viên thông này, nên khéo được bốn thứ diệu đức vô tác bất khả tư nghì:
l. Do con được Bản Văn huyền diệu, tâm diệu lìa văn: Kiến, Văn, Giác, Tri thành một bửu giác viên dung trong sạch, chẳng thể chia cách, nên hay hiện nhiều dung mạo vi diệu, thuyết vô biên bí mật thần chú, trong đó từ một đến tám vạn bốn ngàn con mắt và cánh tay, tùy nghi thị hiện, hoặc từ hoặc oai, hoặc định hoặc huệ, cứu giúp chúng sanh được tự tại.
2. Do sự Văn Tư của con thoát khỏi lục trần, như âm thanh vượt qua bức tường, chẳng bị ngăn ngại, nên con khéo hiện mỗi mỗi hình, mỗi mỗi chú, những hình những chú, đều hay thí cho chúng sanh được sức vô úy. Vì thế, mười phương vô số quốc độ đều gọi con là người Thí Vô Úy.
3. Do con tu tập Nhĩ Căn trong sạch, được diệu tâm viên thông, nên đi khắp thế giới, đều có thể khiến chúng sanh xả bỏ thân mạng và châu báu cầu con thương xót.
4. Con được ngộ tâm Phật, chứng nơi cứu cánh, hay dùng các thứ châu báu cúng dường mười phương Như Lai, cho đến chúng sanh lục đạo trong pháp giới, cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu sống lâu được sống lâu, cầu chánh định được chánh định, như thế cho đến cầu Đại Niết Bàn được Đại Niết Bàn.
- Phật hỏi về viên thông, con từ Nhĩ Căn vào Viên Chiếu Tam Muội, Tùy Tâm tự Tại, Từ Sự Nghe Nhập Lưu, cho đến Đắc Tam Ma Địa, Thành Tựu Bồ Đề là hơn cả.
- Thế Tôn! Như Lai khen con khéo được pháp môn viên thông, ở trong hội thọ ký cho con hiệu là Quán Thế Âm, do con quán âm sáng tỏ mười phương, nên danh hiệu QUÁN ÂM khắp mười phương thế giới.
Bấy giờ, Thế Tôn nơi tòa Sư Tử, từ ngũ thể cùng phóng hào quang, chiếu soi đỉnh đầu của mười phương vô số Như Lai, với các Pháp Vương Tử và chư Bồ Tát; các Như Lai ấy cũng trong ngũ thể cùng phóng hào quang, từ mọi nơi chiếu đến đỉnh đầu của Phật, với chư Đại Bồ Tát và A La Hán trong hội. Rừng cây, ao hồ đều diễn pháp âm, hào quang giao xen như lưới báu, đại chúng được pháp chưa từng có, tất cả đều được Kim Cang Tam Muội. Tức thời, trời mưa bách bửu liên hoa, xanh, vàng, đỏ, trắng, xen lộn lẫn nhau; mười phương hư không hóa thành màu sắc thất bửu, núi sông, đất đai nơi cõi Ta Bà này đều ẩn mất, chỉ thấy mười phương vô số quốc độ hợp thành một cõi, ca nhạc vang lừng, tự nhiên hòa tấu.
Lúc đó, Như Lai bảo Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử rằng:
- Ngươi hãy xem 25 vị vô học Đại Bồ Tát và A La Hán này, mỗi mỗi trình bày phương tiện thành đạo lúc ban đầu, đều nói tu tập viên thông chơn thật, lối tu của họ thật chẳng hơn kém và chẳng trước sau sai biệt. Nay ta muốn khiến A Nan khai ngộ, trong 25 lối tu, lối nào thích hợp, và sau khi ta diệt độ, chúng sanh trong cõi này muốn vào Bồ Tát thừa, cầu đạo Vô Thượng, từ cửa phương tiện nào để được thành tựu?
Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử vâng theo ý chỉ của Phật, liền đứng dậy đảnh lễ chân Phật, thừa oai thần của Phật, nói kệ đáp rằng:

CHÁNH VĂN DỊCH NGHĨA

- Giác hải tánh trừng viên, – Biển giác tánh trong lặng,
Viên trừng giác nguyên diệu, Vốn đầy đủ vi diệu,
Nguyên minh chiếu sanh sơ,û Chấp sáng sanh sở chiếu,
Sở lập chiếu tánh vong. Sở lập tánh chiếu mất.
- Mê vọng hữu hư không, – Mê vọng có hư không.
Y Không lập thế giới, Do Không lập thế giới,
Tưởng trừng thành quốc độ, Tưởng lặng thành Quốc Độ,
Tri giác nải chúng sanh. Tri giác là chúng sanh.
- Không sanh Đại Giác trung, – “Không” sanh nơi Đại Giác
Như hải nhất âu phát. Như biển nổi một bọt.
Hữu lậu vi trần quốc, Vô số nước hữu lậu,
Giai y Không sở sanh Đều từ Không sanh khởi,
Âu diệt Không bổn vô, Bọt bể Không đã diệt
Huống phục chư tam hữu. Đâu thể còn tam giới.
- Qui nguyên tánh vô nhị, – Về cội tánh chẳng hai,
Phương tiện hữu đa môn, Phương tiện có nhiều lối,
Thánh tánh vô bất thông, Bậc Thánh chẳng ngăn ngại,
Thuận nghịch giai phương tiện. Thuận nghịch đều tùy nghi.
Sơ tâm nhập tam muội, Sơ cơ vào chánh định,
Trì tốc bất đồng luân. Nhanh chậm chẳng đồng nhau.
- Sắc tưởng kết thành trần, – Quán Sắc thành nội trần,
Tinh liễu bất năng triệt. Tinh vi chẳng thấu triệt.
Như hà bất minh triệt, Nếu đã chẳng thấu triệt,
Ư thị hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Âm thanh tập ngữ ngôn, – Âm thanh lộn ngữ ngôn,
Đản y danh cú vị. Chỉ nương tựa lời Phật.
Nhất phi hàn nhất thiết, Một chẳng gồm tất cả,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Hương dĩ hiệp trung tri, – Hương do hợp mới biết,
Ly tắc nguyên vô hữu. Ly thì chẳng có mùi.
Bất hằng kỳ sở giác, Hợp ly tánh chẳng thường,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Vị tánh phi bổn nhiên, – Mùi vị chẳng tự sanh,
Yếu dĩ vị thời hữu, Đợi khi nếm mới có,
Kỳ giác bất hằng nhất, Vị giác chẳng thường còn,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Xúc dĩ sở xúc minh, – Xúc phải có sở xúc,
Vô sở bất minh xúc, Chẳng sở thì chẳng xúc,
Hợp ly tánh phi định, Hợp ly tánh chẳng định.
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Pháp xưng vi nội trần, – Pháp gọi là nội trần,
Bằng trần tất hữu sở. Nương trần ắt có sở.
Năng sở phi biến thiệp, Năng sở chẳng cùng khắp,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Kiến tánh tuy động nhiên, – Tánh kiến dù rõ ràng,
Minh tiền bất minh hậu, Thấy trước chẳng thấy sau,
Tứ duy khuy nhất bán, Bốn phía thiếu một nửa,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Tỷ tức xuất nhập thông, – Hơi Thở thông ra vào,
Hiện tiền vô giao khí, Quán đến chẳng giao khí, (Giống như nín thở)
Chi ly phi thiệp nhập, Lìa thở chẳng ngộ nhập,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Thiệt phi nhập vô đoạn, – Thiệt nhập chẳng vô cớ,
Nhân vị sanh giác liễu, Do vị sanh giác tri,
Vị vong liễu vô hữu, Vị mất giác cũng mất,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Thân dữ sở xúc đồng, – Thân với xúc đồng nhau, (5)
Các phi viên giác quán, Chẳng phải Viên Giác Quán,
Nhai lượng bất minh hội, Chẳng hội không ngằn mé,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Tri căn tạp loạn tư, – Ý căn lộn vọng tưởng,
Trạm liễu chung vô kiến, Chẳng thấy tánh trong lặng,
Tưởng niệm bất khả thoát, Tưởng niệm chẳng giải thoát,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Thức kiến tạp tam hòa, – Kiến, Tướng, Thức hòa hợp,
Cật bổn xưng phi tướng, Cả ba vốn chẳng tướng,
Tự thể tiên vô định, Tự thể đã chẳng định,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Tâm Văn động thập phương, – Tâm Văn khắp mười phương,
Sanh ư đại nhân lực, Sanh nơi đại nguyện lực,
Sơ tâm bất năng nhập, Sơ cơ, chẳng thể vào,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Tỷ Tưởng bổn quyền cơ, – Quán Mũi là phương tiện,
Chỉ linh nhiếp tâm trụ, Chỉ khiến nhiếp tâm trụ,
Trụ thành tâm sở trụ, Trụ thành tâm sở tru,ï (6)
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Thuyết pháp lộng âm văn, – Thuyết Pháp dùng âm thanh,
Khai ngộ tiên thành giả, Khai ngộ người đã thành,
Danh cú phi vô lậu, Lời nói chẳng vô lậu,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Trì Phạm đản thúc thân, – Trì Phạm chỉ trói thân,
Phi thân vô sở thúc, Phi thân chẳng thể trói,
Nguyên phi biến nhất thiết, Vốn chẳng khắp tất cả,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Thần Thông bổn túc nhân, – Thần Thông vốn sẵn đủ,
Hà quan pháp phân biệt, Chẳng do luyện mới có,
Niệm duyên phi ly vật, Tác ý không lìa vật,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Nhược dĩ Địa tánh quán, – Nếu quán theo tánh Địa,
Kiên ngại phi thông đạt, Ngăn ngại chẳng thông suốt,
Hũu vi phi thánh tánh, Hữu vi chẳng phải thánh,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Nhược dĩ Thủy tánh quán, – Nếu quán theo tánh Thủy,
Tưởng niệm phi chơn thật, Niệm tưởng chẳng chơn thật,
Như như phi giác quán, Giác quán chẳng như như,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Nhược dĩ hoả tánh quán, – Nếu quán theo tánh hỏa,
Yếm hữu phi chơn ly, Có chán chẳng phải chơn, (chơn giải thoát)
Phi sơ tâm phương tiện, Chẳng thích hợp sơ cơ,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Nhược dĩ Phong tánh quán, – Nếu quán theo tánh Phong,
Động tịch phi vô đối, Động tịch là đối đãi,
Đối phi vô thượng giác, Chẳng phải vô thượng giác,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Nhược dĩ Không tánh quán, – Nếu quán theo tánh Không,
Hỗn độn tiên phi giác, Ngoan không chẳng phải giác,
Vô giác dị Bồ Đề, Chẳng giác nghịch Bồ Đề,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Nhược dĩ Thức tánh quán, – Nếu quán theo tánh Thức,
Quán thức phi thường trụ, Sanh diệt chẳng thường trụ,
Tồn tâm mãi hư vọng, Trạm nhiên vẫn hư vọng,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Chư hạnh thị vô thường, – Các hạnh là vô thường,
Niệm tánh nguyên sanh diệt, Tánh niệm vốn sanh diệt,
Nhân quả kim thù cảm, Nhân với quả khác nhau,
Vân hà hoạch viên thông? Làm sao được viên thông?
- Ngã kim bạch Thế Tôn, – Nay con bạch Thế Tôn,
Phật xuất Ta Bà giới, Phật hiện cõi Ta Bà,
Thử phương chơn giáo thể, Giáo thể ở cõi này,
Thanh tịnh tại âm văn, Âm văn trong sạch nhất,
Dục thủ Tam Ma Đề, Muốn đắc Tam Ma địa,
Thiệt dĩ Văn trung nhập, Nên từ Văn mà vào,
Ly khổ đắc giải thoát, Lành thay Quán Thế Âm,
Lương tai Quán Thế Âm, Lìa khổ được giải thoát,
Ư hằng sa kiếp trung, Trải qua hằng sa kiếp,
Nhập vi trần Phật quốc, Vào vô số cõi Phật,
Đắc đại tự tại lực, Dùng sức đại tự tại,
Vô úy thí chúng sanh, Thí chúng sanh vô úy,
Diệu âm Quán Thế Âm, Diệu âm Quán Thế Âm,
Phạn âm hải triều âm, Phạn âm hải triều âm,
Cứu thế tất an ninh, Cứu thế đều an lành,
Xuất thế hoạch thường trụ. Xuất thế được thường trụ.
- Ngã kim khải Như Lai, – Nay xin bạch Như Lai,
Như Quán Âm sở thuyết, Theo lời Quán Âm nói,
Thí như nhân định cư, Như người đang yên tịnh,
Thập phương cụ kích cổ, Mười phương đồng đánh trống,
Thập xứ nhất thời văn, Mười chỗ nghe một lượt,
Thử tắc viên chơn thật. Là viên thông chơn thật.
- Mục phi quán chướng ngại, – Mắt chẳng thấu chướng ngại,
Khẩu tỷ diệc phục nhiên, Miệng mũi cũng như thế,
Thân dĩ hiệp phương tri, Thân xúc hợp mới biết,
Tâm niệm phân vô tự. Tâm niệm thì lăng xăng.
Cách viên thính âm hưởng, Cách tường nghe âm vang,
Hà nhĩ câu khả văn, Xa gần đều nghe được,
Ngũ căn sở bất tề, Ngũ căn chẳng thể bằng,
Thị tắc thông chơn thật. Là viên thông chơn thật.
- Âm thanh tánh động tịnh, – Âm thanh có động tịnh,
Văn trung vi hữu vô, Nơi nghe thành có không,
Vô thanh hiệu vô văn, Tiếng dứt gọi chẳng nghe,
Phi thật văn vô tánh. Đâu phải dứt tánh nghe.
Thanh vô ký vô diệt, Chẳng tiếng, nghe chẳng diệt,
Thanh hữu diệc phi sanh. Có tiếng, nghe chẳng sanh.
Sanh diệt nhị viên ly, Sanh diệt thảy đều lìa,
Thị tắc thường chơn thật, Ấy là thường chơn thật,
Túng linh tại mộng tưởng, Dẫu lúc đang nằm mơ,
Bất vi bất tư vô, Không tưởng nghe vẫn còn,
Giác quán xuất tư duy, Giác quán vượt suy tư,
Thân tâm bất năng cập. Thân tâm chẳng thể đến.
Kim thử Ta Bà Quốc, Nay cõi Ta Bà này,
Thanh luận đắc tuyên minh. Thanh giáo được giảng rõ.
Chúng sanh mê bổn văn, Chúng sanh mê Bản Văn,
Tuần thanh cố lưu chuyển, Đuổi theo tiếng lưu chuyển,
A Nan túng cường ký, A Nan dù nhớ hay,
Bất miễn lạc tà tư. Chẳng khỏi kẹt tà tưởng.
Khởi phi tùy sở luân, Theo vật bị chìm đắm,
Triền lưu hoạch vô vọng, Phản văn được lìa vọng,
A Nan ngữ đế thính, A Nan hãy lắng nghe,
Ngã thừa Phật oai lực, Ta thừa oai thần Phật,
Tuyên thuyết Kim Cang Vương, Khai giảng pháp Kim Cang,
Như huyễn bất tư nghì, Chánh định sanh chư Phật,
Phật mẫu chơn tam muội. Như huyễn bất tư nghì.
- Ngữ văn vi trần Phật, – Ngươi nghe vô số Phật,
Nhất thiết bí mật môn. Tất cả pháp bí mật.
Dục lậu bất tiên trừ, Nếu chẳng trừ dục lậu,
Súc văn thành quá ngộ, Chấp nghe thành lỗi lầm,
Tương văn trì Phật Phật, Dùng nghe, chấp lời Phật,
Hà bất tự văn văn? Đâu bằng nghe bản văn?
- Văn phi tự nhiên sanh, – Nghe chẳng tự nhiên sanh,
Nhân thanh hữu danh tự, Do tiếng có tên “nghe”,
Triền văn dữ thanh thoát, Xoay nghe thoát khỏi tiếng,
Năng thoát dục thùy danh? Đặt tên “nghe” cho ai?
- Nhất căn ký phản nguyên, – Nhất căn trở về cội,
Lục căn thành giải thoát, Lục căn thành giải thoát,
Kiến văn như huyễn ế, Kiến văn như bệnh nhặm,
Tam giới nhược không hoa. Tam giới như hoa đốm.
Văn phục ế căn trừ, Phản văn bệnh nhặm trừ,
Trần tiêu giác viên tịnh, Trần tiêu, giác trong sạch,
Tịnh cực quang thông đạt, Cực trong sáng thông suốt,
Tịch chiếu hàm hư không. Chiếu soi khắp hư không.
Khước lai quán thế gian, Trở lại xem thế gian,
Do như mộng trung sự. Đều như việc trong mộng.
Ma Đăng Già tại mộng, Ma Đăng Già trong mộng,
Thùy năng lưu nhữ hình! Sao nhiếp được thân ngươi!
- Như thế xảo huyễn sư, – Như người khéo huyễn thuật,
Huyễn tác chư nam nữ, Làm ra hình nam nữ,
Tuy kiến chư căn động, Dù thấy lục căn động,
Yếu dĩ nhất cơ trừu. Do sợi dây điều khiển
Tức cơ quy tịch nhiên, Vì huyễn vốn chẳng tánh,
Chư huyễn thành vô tánh. Dây ngưng thành vắng lặng.
Lục căn diệc như thị, Lục căn cũng như vậy,
Nguyên y nhất tinh minh, Dựa nhất tâm sáng tỏ,
Phân thành lục hòa hiệp, Chia thành lục hòa hợp,
Nhất xứ thành hưu phục. Nhất căn đã về cội.
Lục dụng giai bất thành. Lục dụng đều chẳng thành.
Trần cấu ứng niệm tiêu, Trần cấu ngay đó tiêu,
Thành viên minh tịnh diệu. Thành sáng tỏ trong sạch.
Dư trần thượng chư học, Ngôi học còn dính bụi, (7)
Minh cực tức Như Lai. Cực sáng tức Như Lai.
- Đại chúng cập A Nan, – Đại chúng và A Nan,
Triền nhữ đảo văn cơ. Xoay cái văn điên đảo.
Phản văn văn tự tánh, Phản văn bản tánh văn, (8)
Tánh thành vô thượng đạo, Mới thành vô thượng đạo,
Viên thông thật như thị. Viên thông thật như thế.
- Thử thị vi trần Phật, – Đây là vô số Phật,
Nhất lộ Niết Bàn môn. Một cửa vào Niết Bàn.
Quá khứ chư Như Lai, Quá khứ chư Như Lai,
Tư môn dĩ thành tựu, Do cửa này thành tựu,
Hiện tại chư Bồ Tát. Hiện tại chư Bồ Tát.
Kim các nhập viên minh, Mỗi mỗi vào diệu minh,
Vị lai tu học nhân, Người tu học vị lai,
Đương y như thị pháp. Nên y theo pháp này.
Ngã diệc tùng trung chứng, Chẳng những Quán Thế Âm,
Phi duy Quán Thế Âm, Ta chứng cũng cửa này,
- Thành như Phật Thế Tôn, – Đúng như lời Thế Tôn,
Tuân ngã chư phương tiện, Hỏi về các phương tiện,
Dĩ cứu chư mạt kiếp, Để cứu độ mạt kiếp,
Cầu xuất thế gian nhân, Người cầu pháp xuất thế,
Thành tựu Niết Bàn tâm, Thành tựu tâm Niết Bàn,
Quán Thế Âm vi tối. Quán Thế Âm hơn cả.
- Tự dư chư phương tiện, – Ngoài ra phương tiện khác,
Giai thị Phật oai thần, Đều là oai thần Phật,
Tức sự xả trần lao, Sâu cạn tùy cơ thuyết,
Phi thị thường tu học, Khiến xả bỏ trần lao.
Thiển thâm đồng thuyết pháp. Chẳng phải lối tu chánh.
- Đảnh lễ Như Lai tạng. – Đảnh lễ Như Lai tạng,
Vô lậu bất tư nghì, Vô lậu bất tư nghì,
Nguyện gia bị vị lai, Nguyện giúp đỡ đời sau,
Ư thử môn vô hoặc, Chẳng lầm nơi cửa này,
Phương tiện dị thành tựu, Phương tiện dễ thành tựu,
Khâm dĩ giáo A Nan, Để dạy cho A Nan,
Cặp mạt kiếp trầm luân, Và chúng sanh mạt kiếp,
Đản dĩ thử căn tu, Cứ theo căn này tu,
Viên thông siêu dư giả, Viên thông hơn pháp khác,
Chơn thật tâm như thị. Thế là tâm chơn thật.
GHI CHÚ
(l): Dược xoa (nhẹ nhàng, nhanh chóng), có ba loại:
Địa Dược Xoa: Dùng tài thí nên chẳng thể bay.
Không Dược Xoa: Thiên Dược Xoa: Dùng xe cộ bố thí nên bay được.
Khi Phật chuyển pháp luân. Địa Dược Xoa ca ngợi, Không Dược Xoa nghe. Thiên Dược Xoa ca ngợi. Tứ Thiên Vương cho đến Phạm Thiên nghe.
(2) Càn Thát Bà (tìm mùi hương): Nhạc thần của Đế Thích.
(3) Khẩn Na La: Phi nhân, giống người mà đầu có sừng.
(4) Ma Hầu La Già: Đại mãnh xà, bụng lớn.
(5) Thân với xúc đồng nhau, chẳng phải viên giác quán:
Sự xúc giác rõ ràng, chỉ có thân mới biết, quên thân thuần giác, cũng chẳng phải viên giác, phải như Viên Giác Quán, thân tâm đều siêu việt, chẳng có ngằn mé, mới có thể chẳng nhờ thân biết mà thầm hội (ngộ) vạn pháp. Nay có thân có xúc, thì sự biết có ngằn mé, chẳng phải viên thông vậy.
(6) Trụ thành chấp sở trụ, làm sao được viên thông.
Sự nhiếp tâm thật là khó, trước kia tán loạn chỉ e chẳng trụ, sau được tịch tịnh, lại thành sở trụ của tâm. Trụ và chẳng trụ đều chẳng phải bản thể của vô trụ, nên chẳng được viên thông.
(7) Ngôi học còn dính bụi, cực sáng tức Như Lai:
Theo Hoa Nghiêm Hợp Luận: Sơ tâm Bồ Tát vì lòng tin Chơn Như vững chắc, được thấy biết ít phần của thân Như Lai chẳng đoạn diệt, chẳng khứ lai, nhưng Bồ Tát này còn chưa thể lìa sự phân biệt vi tế, nên chỉ thấy thô dụng, chưa được vào ngôi pháp thân.
Tịnh tâm Bồ Tát còn thấy vi tế dụng, như thế dần dần tiến lên, cho đến bậc Bồ Tát cứu cánh, mới hết thấy vi tế dụng, gọi là thân thọ dụng.
Vì có nghiệp thức, mới có tâm thấy thọ dụng, nếu lìa nghiệp thức thì chẳng thể thấy. Tại sao? Vì tất cả Như Lai đều là pháp thân; pháp thân chẳng có sắc tướng sai biệt để thấy nhau, nên chẳng thể thấy.
Tại sao hết thấy vi tế dụng, gọi là thân thọ dụng? Vì còn có thân thọ dụng để biết sự “hết thấy”, vẫn là tướng vi tế của nghiệp thức. Các bậc hữu học và vô học còn dính mắc tướng vi tế này, như gương dính bụi, nên nói “Ngôi học còn dính bụi”. Nếu nghiệp thức vi tế đã sạch, chẳng thấy có sự thọ dụng, gọi là pháp thân Như Lai. Vậy bụi sạch gương sáng tỏ, nên nói “Cực sáng tức Như Lai”.
(8) Phản văn bản tánh văn:
Nếu chấp cái nghe là thật, thì không nghe ngoài phải nghe trong, không nghe động phải nghe tịnh. Nghe trong, ngoài, động, tịnh, đều là bỏ gốc theo ngọn, nên gọi là cái nghe điên đảo. Xoay cái nghe điên đảo này về chánh, chánh thì chẳng có năng văn, sở văn, vậy mới gọi là Phản văn, cũng là Bản tánh văn; nghịch cảnh trần, hợp giác tánh, nên gọi là chánh. Đã trở về bản văn, tức thấy bản lai diện mục, cũng là tánh Văn này, liền thành vô thượng Bồ Đề.
 
 A Nan cùng đại chúng được khai thị lớn, thân tâm sáng suốt, rõ biết đạo Bồ Đề và Đại Niết Bàn, cũng như có người đi xa, dù chưa được trở về, nhưng đã biết rõ con đường về nhà. Đại chúng trong hội với Thiên Long Bát Bộ, hàng nhị thừa hữu học và tất cả Bồ Tát mới phát tâm, gấp mười lần hằng sa, đều nhận được bản tâm, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn trong sạch. Tỳ Kheo ni Tánh nghe bài kệ xong, liền đắc quả A La Hán, vô số chúng sanh đều phát tâm Vô Đẳng Đẳng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
A Nan ở trong chúng sửa áo chỉnh tề, chắp tay đảnh lễ, nơi tâm sáng tỏ, lòng bi hoan hỷ. Vì muốn lợi ích cho chúng sanh vị lai, cúi đầu bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nay con đã ngộ pháp môn thành Phật, theo đó tu hành, chẳng còn nghi hoặc. Con thường nghe Như Lai nói: tự mình chưa ngộ mà độ người khác trước, ấy là chỗ phát tâm của Bồ Tát; Tự Giác đã trọn, hay giác ngộ người khác, ấy là sự độ thế của Như Lai. Con dù chưa được ngộ, nhưng nguyện độ tất cả chúng sanh trong đời mạt pháp. Thế Tôn, những chúng sanh này cách Phật ngày càng xa, bọn tà sư thuyết pháp như hằng sa, muốn nhiếp tâm họ nhập Tam Ma Địa, thì nên khiến họ dựng lập đạo tràng như thế nào để xa lìa các ma sự, được chẳng lui sụt nơi tâm Bồ Đề.
Bấy giờ, Thế Tôn ở trong chúng khen ngợi A Nan:
- Lành thay! Lành thay! Như ngươi hỏi về sự an lập đạo tràng, cứu giúp chúng sanh chìm đắm trong đời mạt pháp, ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ vì ngươi mà nói.
A Nan và đại chúng kính vâng lời dạy của Phật.
Phật bảo A nan:
- Ngươi thường nghe ta khai giảng ba nghĩa quyết định của sự tu hành trong Luật Tạng, ấy là: Nhiếp tâm thành giới, từ giới sanh định, từ định phát huệ, gọi là ba vô lậu học.
- A Nan! Làm sao nhiếp tâm gọi là Giới?
- Nếu chúng sanh lục đạo trong thế giới, tâm chẳng dâm dục, thì chẳng theo dòng sanh tử tương tục.
- Người tu chánh định, cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm dâm dục chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi, dẫu cho có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu chẳng đoạn dâm, ắt phải lạc vào ma đạo, hạng trên thành ma vương, hạng giữa thành ma dân, hạng dưới thành ma nữ. Bọn ma kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo vô thượng, sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp, bọn ma dân này sôi nổi trên thế gian, thịnh hành tham dâm, tự xưng là Thiện tri thức, khiến chúng sanh sa vào hầm ái kiến, lạc mất đạo Bồ Đề.
- Ngươi dạy người đời tu Tam Ma Địa, trước nhất phải dứt dâm dục, ấy là lời dạy bảo rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định thứ nhất của chư Phật.
- A Nan! Nếu chẳng dứt dâm dục mà tu thiền định, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dù trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chỉ là cát nóng. Tại sao? Vì cát vốn chẳng phải là cơm vậy. Nếu lấy thân dâm mà cầu diệu quả của Phật, dẫu được khai ngộ cũng chỉ là gốc dâm; cội gốc đã thành dâm thì phải trôi lăn trong tam ác đạo, chẳng thể thoát khỏi, vậy làm sao có thể tu chứng đạo Niết Bàn! Ắt phải khiến thân tâm đều dứt hết sự dâm, cả cái dứt cũng chẳng có, thì mới có thể hy vọng chứng quả Bồ Đề.
- Như lời ta thuyết gọi là Phật thuyết, chẳng thuyết như thế là tà ma thuyết.
- A Nan! Lại chúng sanh lục đạo trong thế giới, nếu tâm chẳng sát hại thì chẳng theo dòng sanh tử tương tục.
- Người tu chánh định, cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm sát hại chẳng trừ, thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền, mà chẳng dứt sát hại, ắt phải lạc vào đạo quỷ thần. Hạng trên thành đại lực quỷ, hạng giữa thành phi hành dạ xoa và các loại quỷ soái, hạng dưới thành địa hành la sát. Các loài quỷ thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo vô thượng, sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp, loại quỷ thần này sôi nổi trên thế gian, tự nói ăn thịt cũng được đạo Bồ Đề.
- A Nan! Sở dĩ ta tạm cho hàng Tỳ Kheo ăn Ngũ Tịnh Nhục, việc này đều do thần lực của ta hóa thành, vốn chẳng có sinh mạng. Vì xứ Bà La Môn đất đai phần nhiều ẩm ướt, lại thêm cát đá, rau cỏ chẳng sanh, nên ta dùng sức đại bi tạm thời hóa ra, giả danh là thịt, cho các ngươi được ăn. Nhưng tiếc thay, sau khi Như Lai diệt độ, người mang tên Phật tử lại ăn thịt chúng sanh!
- Các ngươi nên biết, những người ăn thịt, dù được khai ngộ tựa như Tam Ma Địa, nhưng đều là giống La Sát, khi hết phước báu, ắt phải chìm đắm trong biển khổ, chẳng phải đệ tử Phật. Những người như thế, giết nhau nuốt nhau, ăn nhau không thôi, làm sao được ra khỏi luân hồi!
- Ngươi dạy người đời tu Tam Ma Địa, phải dứt trừ sát sanh, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định thứ hai của chư Phật!
- A Nan! Nếu chẳng dứt sát hại mà tu thiền định, cũng như có người tự bịt lỗ tai, lớn tiếng kêu to mà mong người khác chẳng nghe, bọn này gọi là muốn giấu mà càng lộ. Hàng Tỳ Kheo trong sạch và chư Bồ Tát, đi trong đường tẻ còn chẳng dẫm trên cỏ, huống là nhổ cỏ. Làm sao người có lòng đại bi lại ăn thịt chúng sanh?
- Nếu Tỳ Kheo chẳng mặc tơ lụa, chẳng mang giày dép da cừu, chẳng ăn những tô lạc đề hồ… thuộc bộ phận thân thể của chúng sanh, thì Tỳ Kheo này nơi thế gian gọi là chơn giải thoát, khi nợ xưa trả sạch thì chẳng sanh vào tam giới. Tại sao? Vì dùng những bộ phận thân thể của chúng sanh để ăn mặc, thì phải trả nợ chúng sanh. Như người ăn lúa thóc từ đất mọc thì chân chẳng lìa đất. Cũng vậy, người mà đối với thân thể của chúng sanh đều chẳng ăn chẳng mặc, ta nói người này là chơn giải thoát.
- Như lời ta thuyết, gọi là Phật thuyết chẳng thuyết như thế tức là ma thuyết.
- A Nan! Lại như chúng sanh lục đạo trong thế giới, tâm chẳng trộm cắp thì chẳng theo dòng sanh tử tương tục.
- Người tu chánh định, cốt ra khỏi trần lao, nếu tâm trộm cắp chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền, mà chẳng dứt tâm trộm cắp, ắt phải lạc vào tà đạo. Hạng trên thành tinh linh, hạng giữa thành yêu mị, hạng dưới thành kẻ tà. Bọn tà đạo kia cũng có đồ chúng mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo vô thượng. Sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp, bọn tà ma kia sôi nổi trong thế gian, che giấu sự gian dối, tự xưng là thiện tri thức, đã được pháp Thượng Nhân, lừa gạt kẻ không biết, khiến lạc mất bản tâm. Hễ họ đến chỗ nào thì người chỗ đó gia tài bị tiêu tan.
- Ta dạy các Tỳ Kheo tùy nghi khất thực, xả bỏ lòng tham, mới thành đạo Bồ Đề. Các Tỳ Kheo chẳng tự nấu ăn, huyễn thân tạm gởi nơi tam giới, thị hiện một đời sanh tử, đi rồi chẳng về (giải thoát sanh tử thì ra khỏi luân hồi, chẳng về tam giới). Tại sao bọn giặc mặc áo đạo Phật, giả mạo Tỳ Kheo buôn bán Như Lai, tạo đủ thứ nghiệp đều nói là Phật pháp! Kỳ thật, họ chẳng phải người chánh thức xuất gia, có thọ giới Tỳ Kheo của đạo Tiểu Thừa. Do vậy, khiến vô số chúng sanh mắc phải nghi lầm, đọa địa ngục A Tỳ. Sau khi ta diệt độ, nếu có Tỳ Kheo phát tâm quyết định tu Tam Ma Địa, ở trước hình tượng Phật đốt một lóng tay hay đốt một liều trên thân, ta nói người ấy, những nợ xưa từ vô thỉ đều sẽ được dần dần trả hết, từ giã thế gian, thoát hẳn phiền não, dù chưa được ngộ đạo vô thượng, nhưng đối với Phật pháp đã có lòng tin quyết định. Nếu chẳng làm cái nhân xả thân nhỏ mọn này, thì dẫu thành vô vi, ắt phải còn sanh cõi người, trả các nợ xưa, như quả báo Mã Mạch của ta chẳng có sai khác (Mã Mạch: lúa mì để cho ngựa ăn).
LƯỢC GIẢI
Kinh Hưng Khởi Hành nói:
Vua nước Tùy La Nhiên thỉnh Phật và 500 vị Tỳ Kheo về nước kiết hạ, vua đích thân cúng dường vừa được sáu ngày thì bị thiên ma mê hoặc, khiến trở về cung vua chìm đắm ngũ dục, quên sự cúng dường. Các Tỳ Kheo phải đi khất thực, mà liên tiếp ba ngày đều chẳng khất được món ăn nào cả.
Lúc đó, có người nuôi ngựa nói với các Tỳ Kheo rằng: “Nay con có mã mạch, quí Thầy ăn được chăng? Nếu ăn được thì con sẽ cúng dường”. Từ đó ăn mã mạch cho đến mãn hạ.
Phật bảo: “Trong quá khứ đời Phật Tỳ Bà Diếp, ta làm Bà La Môn, thông đạt Tứ Vệ Đà Kinh, có dạy 500 đồng tử trên núi Phạn Chí. Khi ấy, vua thiết hội cúng dường Phật Tỳ Bà Diếp, có một Tỳ Kheo mắc bệnh chẳng đi được. Phật và đại chúng ăn xong, rồi thỉnh thực cho Tỳ Kheo mắc bệnh. Khi đi ngang núi Phạn Chí, Bà La Môn ấy ngửi được mùi cơm rất thơm, nói rằng: “Bọn Sa Môn trọc đầu nên ăn mã mạch, chẳng nên ăn cơm này”.
Các đồng tử cũng nói: “Bọn thầy trò này phải ăn mã mạch mới đúng”!
Bà La Môn thuở đó tức là ta, 500 đồng tử tức 500 Tỳ Kheo theo ta kiết hạ đây; Tỳ Kheo mắc bệnh tức là Di Lặc. Do nhân duyên này, vào địa ngục trải qua vô số kiếp, nay dù đã đắc đạo, vẫn còn phải chịu quả báo, ăn mã mạch ba tháng.
Theo nhân quả kể trên, Phật đã từng xả máu thịt cho diều hâu ăn, xả thân mạng cho cọp ăn, mà còn phải chịu quả báo mã mạch. Vậy đâu thể do đốt tay và đốt liều trên thân mà trả hết nợ xưa từ vô thỉ được!
Sự đốt tay, đốt liều là để tăng cường lòng chánh tín, quên thân vì đạo. Cần phải quên thân hành đạo, cuối cùng mới tự nhiên trả hết nợ xưa, trọn thành Phật đạo.
*****
- Ngươi dạy người đời tu Tam Ma Địa, phải dứt tâm trộm cắp, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định thứ ba của chư Phật.
- A Nan! Nếu chẳng dứt tâm trộm cắp, mà tu Thiền định, cũng như người lấy nước rót vào bình chảy, mong cho đầy bình, dù trải qua vô số kiếp, cũng không thể đầy.
- Nếu hàng Tỳ Kheo ngoài y bát ra, mảy may không tích trữ, xin ăn có dư, bố thí cho kẻ đói, giữa nơi nhóm họp, chắp tay đảnh lễ chúng, có người đánh mắng, đồng như khen ngợi, quyết định xả bỏ thân tâm, với tất cả chúng sanh cộng chung một da thịt xương máu. Chẳng lấy thuyết bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ hiểu của mình, rồi dạy lầm mà hại cho kẻ sơ học, thì Phật ấn chứng người ấy được chơn tam muội.
- Như lời ta thuyết gọi là Phật thuyết, chẳng thuyết như thế tức tà ma thuyết.
- A Nan! Chúng sanh lục đạo trên thế giới, dù nơi thân tâm chẳng còn Sát, Đạo, Dâm, nếu mắc phải đại vọng ngữ, thì với Tam Ma Địa chẳng được trong sạch, thành giống ma ái kiến, lạc mất giống Phật. Chưa đắc quả nói đã đắc, chưa chứng ngộ nói đã chứng; như bảo người khác rằng: “Nay tôi đã được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, cho đến Bồ Tát Thập Địa; hoặc vì cầu sự thù thắng bậc nhất nơi thế gian, hoặc vì tham sự cúng dường, bảo họ lễ sám. Bọn Nhất Xiển Đề này tiêu diệt giống Phật, như người lấy dao chặt cây Đa La (cây này hễ gãy thì chẳng sống được nữa), Phật thọ ký người ấy mất hẳn thiện căn, chẳng có Chánh kiến, chìm đắm trong tam ác đạo, chẳng thể thành tựu chánh định.
- Ta phó chúc các Bồ Tát và A La Hán, sau khi ta diệt độ, nên ứng thân trong thời mạt pháp, hiện đủ thứ hình tướng, cứu độ chúng sanh bị luân chuyển. Hoặc làm Sa Môn, Bạch Y Cư Sĩ, vua, chúa, quan lại, đồng nam, đồng nữ, như thế cho đến người dâm nữ, quả phụ, kẻ gian dối, trộm cắp, đồ tể v.v… cộng sự với họ, khen ngợi Phật thừa, khiến thân tâm họ được vào Tam Ma Địa. Trọn chẳng tự nói ta là Chơn Bồ Tát, chơn A La Hán, tiết lộ mật nhân của Phật để khinh kẻ hậu học, chỉ trừ đến khi lâm chung càng có sự phó chúc cho người nối pháp làm sao người ấy lại mê hoặc chúng sanh, tự tạo tội, thành đại vọng ngữ, để vào ngục A Tỳ!
- Ngươi dạy người đời tu Tam Ma Địa, sau cùng phải dứt trừ đại vọng ngữ, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định thứ tư của chư Phật.
- A Nan! Nếu chẳng dứt đại vọng ngữ, cũng như lấy phẩn người khắc hình cây Chiên Đàn, muốn được mùi thơm thì chẳng có chỗ đúng.
- Ta dạy Tỳ Kheo Trực Tâm là đạo tràng, tất cả hạnh nơi tứ oai nghi còn chẳng giả dối, làm sao lại tự xưng đã được pháp Thượng Nhân, ví như người nghèo vọng xưng là vua chỉ tự cầu tội chém, huống là trộm cắp danh hiệu của Pháp Vương!
- Cần phải biết, nhân địa chẳng chơn thì chiêu quả quanh co, nếu như thế mà cầu đạo Bồ Đề, cũng như người muốn tự cắn rốn mình, đâu thể thành tựu!
- Nếu các Tỳ Kheo, tâm ngay thẳng như dây đàn, tất cả chơn thật, vào Tam Ma Địa, hẳn không kẹt ma sự, ta ấn chứng người ấy thành tựu Bồ Tát vô thượng tri giác.
- Như lời ta thuyết gọi là Phật thuyết, chẳng thuyết như thế tức tà ma thuyết.

(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites