“Với
thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy hữu tình chết và tái sinh, người
hạ liệt kẻ cao sang, người may mắn kẻ bất hạnh tùy theo hạnh nghiệp của
chúng.”
The Tibetan Book Of Living And
Dying
Sogyal Rinpoche
PHẦN MỘT: SỐNG
6.
TIẾN HÓA, NGHIỆP VÀ TÁI SINH
Vào cái đêm lớn lao ấy, khi đức Phật giác ngộ, tương
truyền rằng ngài đã kinh quá nhiều giai đoạn của sự tỉnh thực. Đầu tiên, “với
tam định tĩnh, thuần tịnh, không lỗi lầm, không cấu nhiễm, được làm cho
mềm mại, dễ sử dụng, an trú bất động,” ngài xoay chú ý về sự nhớ lại
những đời quá khứ. Ngài kể lại cho ta kinh nghiệm ấy như sau:
- Ta
nhớ lại nhiều đời trước: một đời, hai, ba, bốn, năm đời,.. năm mươi, một
trăm đời... trăm ngàn đời, trong các thời kiếp khác nhau. Ta biết mọi sự
về những thời ấy: chỗ ở, tên họ, gia đình, và ta đã làm gì. Ta kinh quá
trở lại những may mắn bất hạnh của mỗi đời, cái chết của ta trong mỗi đời,
rồi lại tái sinh trở lại nhiều lần. Như thế ta nhớ lại vô số đời trước với
những nét đặc biệt chính xác, và những hoàn cảnh. Minh này ta đã chứng vào
canh đầu của đêm.
Từ thuở
bình minh của lịch sử, sự tái sinh và niềm tin có đời sau đã chiếm một chỗ
quan trọng trong hầu hết các tôn giáo lớn của nhân loại. Sự tin có tái
sinh vẫn hiện hữu trong những người Ki tô vào thuở sơ khai của lịch sử Ki
tô giáo, và tồn tại dưới nhiều hình thức cho đến thời Trung cổ. Origen,
một trong những người có ảnh hưởng nhất trong những nhà thờ, đã tin tưởng
“sự có-trước của linh hồn” và đã viết vào thế kỉ thứ ba:
- “Mỗi
linh hồn đến thế giới này được tăng cường bởi vinh quang hay bị yếu kém
bởi những thất bại trong những đời trước của nó.”
Mặc dù
Ki tô giáo cuối cùng đã chối bỏ niềm tin tái sinh, ta vẫn có thể tìm dấu
vết niềm tin ấy qua tư tưởng thời Phục sinh, trong những trước tác của
những thi sĩ lãng mạn chính như Blake và Shelley, và cả đến
trong một con người như tiểu thuyết gia Honoré de Balzac. Từ
khi có sự nổi lên ưa chuộng các tôn giáo đông phương vào cuối thế kỉ
trước, một số khá lớn những người Tây phương đã bắt đầu chấp nhận tri kiến
của Ấn giáo và Phật giáo về tái sinh. Một trong những người này là
Henry Ford, kỹ nghệ gia nổi tiếng thương người, đã viết:
- Tôi
theo lý thuyết tái sinh vào năm tôi hăm sáu tuổi. Tôn giáo không cho biết
tí gì về vấn đề này. Ngay cả sự nghiệp cũng không đem lại cho tôi niềm
thỏa mãn. Sự nghiệp thật vô bổ nếu ta không thể đem theo cái kinh nghiệm
ta thu nhập để sử dụng trong đời kế tiếp. Nhưng khi tôi khám phá thuyết
tái sinh, thì thời gian không còn bị hạn chế nữa. Tôi không còn là một tên
nô lệ cho cái kim đồng hồ... Tôi muốn san sẻ với người khác sự an tịnh mà
cái thấy ấy đã đem lại cho chúng ta.
Một cuộc
trưng cầu ý kiến của viện Gallup vào năm 1982 chứng tỏ cứ bốn người
Mỹ thì có một người tin có luân hồi. Đây là một thống kê làm ta giật mình,
khi xét đến một nơi mà triết lý khoa học duy vật hầu như tiềm tàng trong
mọi phương diện của đời sống hàng ngày.
Tuy
nhiên, phần đông người ta chỉ có khái niệm lờ mờ về đời sống sau khi chết,
và hoàn toàn không biết nó ra như thế nào. Luôn luôn người ta bảo tôi rằng
họ không thể nào tin nổi một chuyện không có bằng cứ hiển nhiên. Nhưng sự
“không tin” của họ đâu phải là bằng chứng để nói không có đời sau
chứ? Voltaire nói:
- Chung
quy, sinh ra lần nữa cũng không là chuyện lạ lùng gì hơn chuyện sinh ra
lần này.
Tôi
thường hỏi: “Nếu ta đã từng sống trước đây, thì tại sao ta không nhớ?”
Nhưng tại sao “ta không nhớ” lại có nghĩa rằng trước kia ta chưa
từng sống? Chung quy, những kinh nghiệm tuổi thơ, hay của hôm qua, hay cả
đến những điều ta vừa nghĩ một giờ trước, rất sống động khi chúng xảy ra,
nhưng kí ức về chúng hầu như hoàn toàn phai mờ, như thể chưa từng xảy đến.
Nếu những gì chúng ta làm hay nghĩ vào thứ hai tuần trước mà ta còn không
nhớ được, thì làm sao ta nghĩ là có thể dễ dàng hay bình thường, để nhớ
những gì ta làm trong đời trước?
Đôi khi
tôi đùa người ta và hỏi:
- Cái gì
làm bạn cương quyết cho rằng không có đời sau như vậy? Bạn có bằng chứng
gì? Nếu bạn chết mà thấy quả thực có đời sau thì bạn tính sao? Có phải là
bạn phải tự giới hạn mình, khi bạn tin rằng không có đời sau nào cả? Có
phải là có lý hơn nếu bạn cứ đặt một nghi vấn về đời sau, hay ít nhất có
thái độ cởi mở về điều ấy, mặc dù không có cái mà bạn gọi là “bằng
chứng cụ thể”? Cái gì sẽ làm bằng chứng cụ thể là có đời sau?
Tôi lại
muốn người ta hãy tự hỏi mình:
- Tại
sao bạn thấy tất cả tôn giáo lớn đều tin có đời sau, tại sao hàng trăm
triệu người suốt lịch sử, kể cả những triết gia lỗi lạc nhất, thánh hiền
và những thiên tài của Á châu, đều sống niềm tin này như một phần cốt yếu
của đời họ? Phải chăng họ đều ngu cả?
Ta hãy
trở lại vấn đề bằng chứng cụ thể. Không phải chỉ vì ta chưa bao giờ nghe
về Tây Tạng, hay chưa từng đến đấy, mà ta nói rằng không có xứ Tây Tạng.
Trước khi lục địa khổng lồ Mỹ châu được “tìm ra,” có ai ở châu Âu
ngờ rằng nó có đấy? Ngay cả sau khi tìm ra châu Mỹ, người ta còn tranh cãi
về sự có mặt của nó. Tôi nghĩ chính cái tri kiến hạn hẹp của ta về cuộc
đời đã ngăn cản ta chấp nhận hay khởi sự tư duy nghiêm chỉnh về khả tính
của tái sinh.
May
thay, chuyện chưa hết. Những người nào trong chúng ta có tu tập tâm linh,
như tu thiền chẳng hạn, sẽ khám phá nhiều chuyện về tâm thức chúng ta, mà
từ trước ta chưa biết đến. Vì khi tâm ta càng mở ra cho kinh nghiệm kỳ lạ,
bao la về hiện hữu của tự tính tâm, thì ta bắt đầu thấy một chiều không
gian khác hẳn, trong đó mọi quyết đoán của chúng ta về lai lịch mình và về
thực tại, mà ta tưởng mình biết thật rõ, bây giờ khởi sự tan rã, và trong
đó ta thấy đời sau ít nhất cũng là một chuyện có thể xảy đến. Ta khởi sự
hiểu rằng mọi sự mà các bậc thầy nói về sống chết và đời sau, quả là thực
có.
VÀI “BẰNG CHỨNG” VỀ TÁI SINH
Hiện nay
đã có rất nhiều sách nói về những chứng cứ của những người tuyên bố họ có
thể nhớ lại đời trước. Tôi đề nghị nếu bạn thực tình muốn hiểu về tái
sinh, thì hãy điều nghiên việc này với tâm trạng cởi mở, và càng nhiều
tinh thần phân tích càng tốt.
Trong số
hàng trăm câu chuyện về tái sinh có thể kể ra đây, có một chuyện làm tôi
thích thú đặc biệt. Đó là câu chuyện của một người đàn ông trung niên ở
Norfolk, Anh quốc, tên Arthur Flowerdew. Năm mười hai tuổi ông
ta có kinh nghiệm về những tâm ảnh sống động của một đô thị lớn nào đó ở
giữa một sa mạc. Một trong những hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong trí
ông là một ngôi đền chạm trổ từ một mỏm đá. Những hình ảnh lạ lùng này cứ
trở lại trong trí ông, nhất là khi ông nhặt những hòn sỏi màu hồng và màu
cam trên bờ biển cạnh nhà. Khi lớn lên, những chi tiết về đô thị trong tâm
trí càng rõ hơn, ông thấy thêm nhiều tòa nhà, đường sá, lính, và đường đến
đô thị xuyên qua một con kênh hẹp.
Mãi lâu
về sau, hoàn toàn tình cờ, ông xem một phim tài liệu về đô thị Petra cổ
của Jordan. Ông rất ngạc nhiên khi trông thấy lần đầu tiên, hình
ảnh mà ông đã thấy nhiều lần trong trí qua nhiều năm. Ông cho biết ông
chưa hề đọc sách vở gì về Petra. Những linh kiến của ông trở thành
nổi tiếng, và sự xuất hiện của ông trên truyền hình của đài BBC làm chính
phủ Jordan lư ý, đề nghị đưa ông bằng phi cơ đến Jordan cùng
với một phóng viên quay phim của BBC.
Trước
khi phái đoàn xuất hành, Arthur Flowerdew được giới thiệu với một
nhà khảo cổ chuyên về Petra, đã viết một quyển sách về thành phố
này. Nhà khảo cổ lấy làm lạ lùng trước sự hiểu biết rành mạch của ông ta,
một vài điều ông nói ra chỉ có một chuyên gia khảo cổ về vùng ấy mới biết
được. Đài BBC ghi lại sự mô tả của Arthur Flowerdew về Petra
trước khi đi, để so sánh. Flowerdew nêu lên ba địa điểm trong linh
kiến của mình về Petra: Một mỏm đá hình núi lửa ở ngoài đô thị, một
ngôi đền nhỏ ở đấy ông tin rằng ông đã bị giết vào thế kỷ thứ nhất trước
Thiên chúa, và một xây cất bất thường trong thành phố, mà các nhà khảo cổ
rất quen thuộc, nhưng họ không biết để làm gì.
Chuyên
gia khảo cổ không nhớ có mỏm đá nào như vậy, và tỏ vẻ hoài nghi. Khi ông
ta đưa cho Flowerdew xem một bức ảnh chụp đô thị Petra, ông
lấy làm kinh ngạc vì Flowerdew chỉ đúng cái nơi có di tích ngôi
đền. Rồi người đàn ông trung niên này thản nhiên giải thích, mục đích của
cái cấu trúc kỳ lạ kia là cái vọng gác trong đó ông ta đã làm lính canh,
cách hai ngàn năm về trước.
Một
số lớn những tiên đoán của ông chứng tỏ rất chính xác. Khi đoàn đến gần
thành Petra, Arthur Flowerdew chỉ chỗ mỏm đá kỳ bí, và khi vào thành, ông
đến ngay vọng gác, không cần nhìn bản đồ, và chứng minh cái cách lạ lùng
mà thời xưa đã sử dụng để điểm danh lính gác. Cuối cùng ông đi đến nơi mà
ông bảo ông đã bị một mủi kiếm của kẻ thù đâm chết vào thế kỉ thứ nhất
trước Tây lịch, và lại chỉ ra những địa điểm, mục đích của những cấu trúc
chưa khai quật được tại đô thị này.
Làm sao
giải thích được sự hiểu biết lạ lùng của Arthur Flowerdew ngoại trừ
sự tái sinh luân hồi?
Rồi lại
có trường hợp những trẻ em nhớ lại một cách tự nhiên những chi tiết về đời
trước. Nhiều trường hợp như vậy đã được tiến sĩ Ian Stevenson thuộc
đại học Virginia sưu tập. Một tường thuật về những kí ức của một
trẻ em về đời quá khứ đã gây sự chú ý của đức Dalai Lama. Ngài đã
gửi một đại diện đến phỏng vấn và xác chứng những kí ức của em.
Tên em
bé là Kamaljit Kor, con một thầy giáo sống trong một gia đình theo
đạo Sikh ở tỉnh Punjab ở Ấn. Một ngày kia, khi đi coi hội
chợ với cha tại một khu làng, tình cờ cô bé bảo cha đưa đến một làng khác
cách đó không xa. Cha cô rất ngạc nhiên, hỏi tại sao. Cô bảo:
- Con
không có gì ở đây. Đây không phải nhà của con. Cha hãy đưa con đến làng
ấy. Một đứa bạn học và con đang cỡi xe đạp thì chúng con bị xe buýt đụng.
Bạn con chết ngay, con bị thương ở đầu, tai, mũi. Con được đưa đi khỏi chỗ
xảy ra tai nạn và đến nằm trên một ghế dài trước một tòa án nhỏ gần đấy.
Rồi người ta đưa con đến bệnh viện làng. Những vết thương của con chảy máu
thật nhiều, cha mẹ bà con đều theo con đến đấy. Vì bệnh viện làng không đủ
phương tiện, họ tính đưa con đi Ambala. Khi các bác sĩ nói không
cứu con được nữa, con đã yêu cầu đưa con về nhà.
Cha cô
bé lấy làm kinh ngạc, nhưng vì cô bé năn nỉ, ông phải đưa cô đến khu làng
cô muốn. Khi đến gần, cô bé nhận ra ngay, chỉ chỗ đụng xe, và gọi một
chiếc xích lô.
Cô bảo
xe ngừng khi họ đến một cụm nhà mà cô bảo đã từng ở đó. Người cha vẫn
không tin cô, nên hỏi những người ở đấy xem họ có biết gia đình mà cô
Kamaljit Kour đã mô tả. Họ xác nhận quả có việc như thế, và bảo người
cha cô bé rằng Rishma, tên cô gái trước kia, khi chết đã được mười
sáu tuổi, chết trong xe trên đường từ bệnh viện về nhà. Người cha hết sức
bực bội, bảo cô bé họ nên trở về, song cô đi ngay tới nhà cũ, đòi bức ảnh
cô chụp ở trường, và ngắm nhìn thích thú. Khi ông nội và chú của cô
Rishma đến, thì cô bé nhận ra ngay, nói đúng tên họ. Cô chỉ cái phòng
riêng của cô, và đưa cha cô đi xem những phòng khác trong nhà. Rồi cô đòi
những quyển sách học cũ, đôi vòng bạc và những cái nơ cùng với bộ áo quần
mới màu marông. Cô của Rishma giải thích, đấy là những vật
sở hữu cũ Rishma ngày xưa. Hôm sau cô gặp tất cả những bà con cũ,
và khi tới giờ lên xe buýt trở về, cô bé không chịu, bảo cha rằng cô sẽ ở
lại. Nhưng cuối cùng ông đã năn nỉ cô bé cùng về.
Gia đình
khởi sự ráp câu chuyện lại. Kamalljit Kour đã ra đời mười tháng sau
khi Rishma chết. Mặc dù chưa đi học, em bé vẫn thường làm bộ đọc
sách, và nhớ được tất cả tên bạn trong tấm ảnh trường học. Kamaljit
cũng thường đòi mặc áo marông. Cha mẹ cô bé khám phá ra rằng
Rishma đã được tặng một bộ quần áo màu ấy mà em rất thích, nhưng chưa
được mặc. Điều cuối cùng mà em bé nhớ về đời trước của mình là những ánh
sáng trên chiếc xe hơi bỗng vụt tắt trên đường từ bệnh viện về nhà; có lẽ
đấy là lúc em chết.
Ai muốn
khảo sát nghiêm túc khả tính về đời sau, tôi đề nghị họ xem những chứng cứ
cảm động về kinh nghiệm cận-tử. Rất nhiều người sống lại đã phát sinh một
niềm xác tín rằng cuộc đời vẫn tiếp tục sau khi chết; nhiều người trong đó
không có tín ngưỡng cũng chưa từng có kinh nghiệm tâm linh nào:
Bây
giờ, suốt đời tôi hoàn toàn tin chắc có đời sau, không một chút nghi ngờ
gì. Và tôi không sợ chết nữa, không. Nhiều người tôi biết rất sợ chết, sợ
quá. Tôi luôn luôn cười thầm khi nghe người ta hoài nghi về đời sau, hay
bảo, “Chết là hết.” Tôi tự nhủ: “Họ thực sự không biết gì cả.”
“Cái
điều xảy đến cho tôi lúc đó là kinh nghiệm lạ lùng nhất tôi chưa từng
thấy. Nó làm cho tôi nhận ra rằng có đời sau.”
“Tôi
biết là có đời sau. Không ai có thể lay chuyển lòng tin của tôi. Tôi không
hoài nghi gì nữa. Chết thật an ổn, không có gì phải sợ. Tôi không biết còn
gì ngoài ra cái mà tôi đã kinh nghiệm, nhưng với tôi, đã là tràn trề hạnh
phúc...”.
“Nó
cho tôi một giải đáp cho cái điều mà tôi nghĩ sẽ làm mọi người ngạc nhiên
vào lúc này hay khác trong đời. Vâng, có đời sau! Đẹp hơn bất cứ gì ta có
thể tưởng tượng! Khi bạn đã biết, thì không có một cái gì có thể sánh bằng
nó. Bạn chỉ biết thế!”
Những
khảo cứu về đề tài ấy cũng chứng tỏ những người đã chết hụt sau đó thường
cởi mở hơn và có khuynh hướng chấp nhận tái sinh luân hồi.
Và phải
chăng những thiên tài đặc biệt về âm nhạc hoặc toán nơi một số trẻ em có
thể suy từ sự phát triển của chúng trong những đời trước? Như Mozart
năm tuổi đã soạn những đoản khúc, và xuất bản những khúc sonatas
vào năm tám tuổi.
Bạn có
thể đặt câu hỏi:
- Nếu có
đời sau, thì tại sao quá khó để nhớ lại đời trước của mình như vậy?
Trong
tác phẩm “Myth of Er” (Huyền thoại về Er) Platon gợi
ý một giải thích cho sự thiếu trí nhớ này.
Er
là một quân nhân được xem đã chết trận, và dường như đã trải qua một kinh
nghiệm cận tử rồi sống lại. Y thấy nhiều chuyện trong khi “chết,”
và được bảo phải trở về lại cuộc đời để kể cho người khác nghe trạng thái
sau khi chết ra thế nào. Ngay trước khi trở về, y thấy những người đang
được chuẩn bị để tái sinh phải di chuyển trong hơi nóng ngột ngạt ghê gớm
qua “Cánh đồng quên lãng”, một sa mạc không có cây cối. Khi chiều
đến, họ cắm trại gần Con Sông Thất Niệm, mà nước của nó không thể
múc được. Tất cả đều được bảo uống một ít nước này, và một số người không
có được cái trí tuệ để ngăn họ uống nhiều. Mỗi người khi uống thì quên hết
mọi sự.
Er
không được phép uống nước, và khi thức dậy y thấy mình đang nằm trên giàn
hỏa, và có thể nhớ lại tất cả những gì y đã thấy nghe.
Có chăng
một định luật chung để làm cho ta hầu như quên hết mọi sự về thời gian và
nơi chốn ta đã sống trước kia? Hay chỉ vì quá nhiều kinh nghiệm, phạm vi
và cường độ của chúng quá lớn, đã xóa hết những kí ức chúng ta về những
đời quá khứ?
Đôi khi
tôi tự hỏi, chúng sẽ giúp ta được bao nhiêu nếu ta nhớ được? Hay lại còn
làm cho chúng ta rối ren thêm?
TÍNH TƯƠNG TỤC CỦA TÂM THỨC
Theo
quan điểm Phật giáo, luận cứ chính xác nhận có tái sinh là dựa trên một
hiểu biết sâu xa về tâm tương tục. Tâm thức từ đâu đến? Nó không thể không
từ đâu mà khởi lên. Mỗi sát na tâm không thể khởi nếu không có sát na tâm
đi trước nó. Đứa Dalai Lama giải thích tiến trình phức tạp này như
sau.
- Căn
bản trên đó Phật giáo chấp nhận có tái sinh, chính yếu là sự tương tục của
tâm thức. Hãy lấy thế giới vật chất làm ví dụ: tất cả yếu tố trong vũ trụ
hiện tại của chúng ta, cho đến mức vi tế nhất, có thể tìm về một nguồn
gốc, một khởi điểm ở đấy mọi vật thể của thế giới vật chất được cô đọng
lại thành cái mà khoa học gọi là “lượng tử”. Những phân tử này lại là kết
quả sự phân hóa của một vũ trụ có trước nó. Bởi thế có một chu kỳ miên
viễn trong đó vũ trụ thành và hoại, rồi lại tái sinh.
Tâm
cũng tương tự như thế. Sự kiện ta có một cái gọi là “tâm hay thức” thật rõ
ràng, vì kinh nghiệm chúng ta chứng tỏ sự hiện hữu của nó. Rồi kinh nghiệm
cũng cho thấy rõ rằng cái mà ta gọi là “tâm hay thức” luôn luôn thay đổi
theo hoàn cảnh, điều kiện. Điều này cho ta thấy bản chất liên tục và thay
đổi của tâm thức.
Một
sự kiện khác nữa cũng rõ ràng, là những tầng lớp thô của tâm thức liên lạc
mật thiết với những trạng thái vật lý của cơ thể, và kỳ thực tùy thuộc vào
chúng. Nhưng phải có một căn bản nào đó, một năng lực, nguồn gốc, khiến
cho tâm thức, khi tác động hỗ tương với những phân tử vật chất, có thể sản
xuất những hữu tình chúng sinh.
Cũng
như bình diện vật chất, tâm cũng phải có sự tương tục từ quá khứ. Bởi thế
nếu bạn theo dấu tâm trở về quá khứ, thì bạn sẽ thấy bạn đang tìm về nguồn
gốc của tâm tương tục - hệt như của thế giới vật chất – là một chiều không
gian vô biên; bạn sẽ thấy nó không có khởi thủy.
Bởi
thế, phải có những đời tái sinh tương tục thì dòng tâm thức tương tục mới
có ở đấy.
Bởi
thế, phải có những đời tái sinh tương tục thì dòng tâm thức tương tục mới
có ở đấy.
Phật
giáo tin ở lý duyên sinh theo đó mọi sự đều biến đổi, và đều có nguyên
nhân và điều kiện. Bởi thế không có chỗ cho một thần sáng tạo, hay những
thực thể tự-sinh. Đúng hơn, mọi sự phát sinh do kết quả của những nhân và
duyên hay điều kiện. Bởi vậy tâm hay thức cũng xuất hiện kể như hậu quả
của những tâm đi trước nó.
Khi
nói về nhân và duyên, có hai loại: những nguyên nhân thực thụ, chất liệu
từ đó một vật được sinh ra; và những yếu tố hợp tác góp phần vào sự tạo
nên vật ấy, hay pháp duyên sinh ấy. Trong trường hợp tâm và thân, mặc dù
cái này có thể ảnh hưởng cái kia, songc ái này không thể là chất liệu của
cái kia... Tâm và vật, mặc dù lệ thuộc lẫn nhau, song không phải là những
nguyên nhân thực thụ thuộc loại “chất liệu” cho nhau.
Đây
là cơ sở trên đó Phật giáo chấp nhận có tái sinh. (*)
Phần
đông người hiểu từ ngữ “tái sinh” như một “vật” sinh trở
lại, du hành từ đời này sang đời khác. Nhưng trong Phật giáo, chúng tôi
không tin có một thực thể độc lập bất biến như một linh hồn hay cái ngã
tồn tại sau khi thân xác chết đi. Cái yếu tố đem lại sự tiếp nối những đời
sống, theo Phật giáo, không phải là một thực thể, mà là tầng lớp vi tế sâu
xa tối hậu của tâm thức. Đức Dalai Lama giải thích:
-
Theo lối giải thích Phật giáo, nguyên lý sáng tạo tối hậu là tâm. Có nhiều
tầng lớp của tâm. Cái mà ta gọi là bản tâm sâu xa nhất vẫn luôn luôn hiện
diện ở đấy. Sự tương tục của bản tâm ấy hầu như là một cái gì trường cửu,
như những lượng tử không gian. Trong địa hạt vật chất, đấy là lượng tử
(phân tử không gian); trong địa hạt tâm thức, đấy là Ánh sáng Căn bản,
điểm Linh Quang... Điểm Linh Quang, với năng lực đặc biệt của nó, tạo nên
sự móc nối với tâm.
Cách tái
sinh xảy ra đã được minh họa rõ ràng trong ví dụ sau.
-
Những hiện hữu liên tiếp trong một chuỗi tái sinh không giống như những
hạt ngọc trong một chuỗi ngọc, được xâu lại với nhau bằng một sợi dây gọi
là “linh hồn,” xuyên qua tất cả hột châu; đúng hơn chúng như những con xúc
xắc chồng lên nhau, mỗi con xúc xắc là riêng biệt, nhưng nó chống đỡ con ở
trên nó, tự căn để có liên hệ với nhau. Giữa những con xúc xắc không có sự
giống nhau nhưng có điều kiện tính.
Kinh
điển Phật giáo nói rất rõ về tiến trình duyên sinh hay điều kiện tính này.
Bậc thánh tăng Nagasena giải thích cho vua Milinda trong một
loạt những giải đáp nghi vấn mà nhà vua đã hỏi ngài.
Vua hỏi:
- Khi
một người nào tái sinh, thì y là một với người vừa chết, hay là khác?
Nagasena trả lời:
- Không
phải một cũng không phải khác... Nếu một người đốt một ngọn đèn, có thể nó
cho ánh sáng suốt đêm không?
- Có
thể.
- Ngọn
đèn cháy trong canh một có phải là một với ngọn đèn cháy trong canh hai...
hay canh cuối?
- Không.
- Như
vậy có phải nghĩa là ngọn đèn canh một khác, ngọn đèn canh hai khác, ngọn
đèn canh ba khác?
- Không,
vì cũng chính ngọn đèn ấy cháy suốt cả đêm.
- Tái
sinh cũng giống như vậy: Một hiện tượng này khởi lên và hiện tượng kia
chấm dứt, hai cái đồng thời. Bởi thế tâm đầu tiên khởi lên trong đời sống
mới không phải một cũng không phải khác với tâm cuối cùng trong đời trước.
Nhà vua
xin một ví dụ khác để giải thích rõ bản chất của tương quan này, và
Nagasena đã so sánh với sữa:
- Ván
sữa, bơ, hay gia ua làm ra từ sữa không phải là một với sữa, nhưng
cũng không phải khác, vì hoàn toàn tùy thuộc vào sữa.
Khi ấy
vua hỏi:
- Nếu
không có thực thể nào di chuyển từ thân xác này qua thân xác khác, thì có
phải là ta sẽ thoát khỏi những nghiệp xấu mà ta đã làm trong các đời
trước?
Nagasena cho tỉ dụ sau đây:
- Một
người ăn trộm xoài người khác. Xoài y lấy không phải xoài người chủ đã
trồng, làm sao lại phạt y được? Lí do y bị phạt là, những trái xoài y ăn
trộm chỉ có được nhờ trước tiên người chủ có trồng ra. Cũng thế, chính vì
những nghiệp của ta trong quá khứ, thanh tịnh hay không thanh tịnh, mà ta
được nối liền với một đời khác, và không thể thoát khỏi hậu quả.
NGHIỆP
Vào canh
hai, khi Phật đạt giác ngộ, ngài chứng một loại hiểu biết hay minh thứ
hai, bổ túc cho trí biết về tái sinh hay túc mạng trí, đó là trí biết về
nghiệp, định luật tự nhiên của nhân và quả.
“Với
thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy hữu tình chết và tái sinh, người
hạ liệt kẻ cao sang, người may mắn kẻ bất hạnh tùy theo hạnh nghiệp của
chúng.”
(Tùy
nghiệp thú trí, liên hệ đến thiên nhãn. Dịch giả)
Sự thật
và năng lực điều động tái sinh là cái mà ta gọi nghiệp. Người ta
thường hiểu lầm nghiệp với định mệnh hay tiền định. Tốt nhất nên hiểu
nghiệp là luật nhân quả tất yếu điều khiển vũ trụ. Danh từ karma,
nghiệp, có nghĩa là “hành động,” và karma vừa là năng
lực tiềm tàng trong hành động vừa là hậu quả mà hành động đem lại.
Có nhiều
loại nghiệp: Nghiệp quốc tế, nghiệp quốc gia, nghiệp đô thị, và
nghiệp cá nhân. Tất cả đều tương quan mật thiết với nhau, và chỉ có
một người đã giác ngộ mới hiểu được sự phức tạp của chúng.
Nói giản
dị thì nghiệp là gì? Nó có nghĩa là bất cứ gì ta làm, qua thân, lời hay ý,
đều sẽ có một hậu quả tương ứng. Mỗi hành vi, dù nhỏ nhất, đều mang nặng
những kết quả của nó. Những bậc thầy nói rằng chỉ một chút độc dược cũng
có thể gây ra cái chết, một hột nhỏ có thể trở thành một cây khổng lồ. Và
đức Phật cũng dạy:
- Đừng
khinh việc ác nhỏ chỉ vì nó nhỏ; một đóm lửa nhỏ cũng có thể đốt cháy một
đống cỏ khô lớn như ngọn núi.
Ngài còn
dạy:
- Đừng
xem thường việc lành nhỏ, nghĩ rằng không lợi lạc; những giọt nước tuy nhỏ
cũng có thể làm đầy hồ.
Nghiệp
không hư hoại như những vật thể ở ngòai hay trở thành vô hiệu lực. Nó
không thể bị thời gian, lửa hay nước phá hoại. Năng lực của nghiệp sẽ
không bao giờ biến mất cho đến khi nó chín mùi. Mặc dù những hậu quả của
nghiệp chúng ta có thể chưa chín, nhưng chúng chắc chắn sẽ chín, khi gặp
điều kiện thích hợp.
Thường
chúng ta quên những gì mình làm, và thực lâu về sau những hậu quả mới đến
đuổi kịp chúng ta. Khi ấy ta không thể nào liên hệ chúng với những nhân,
sinh ra chúng. Jigmé Lingpa nói:
- Hãy
tưởng tượng, một con đại bàng đang bay cao trên bầu trời, không có bóng,
không có gì chứng tỏ nó có ở đấy. Rồi thình lình nó rình mồi, lặn xuống,
và sà xuống đất. Và khi nó rớt xuống, thì cái bóng đe dọa của nó xuất
hiện.
Những
hậu quả hành động chúng ta thường bị triển hạn, ngay cả vào những đời sau;
chúng ta không thế gán một nguyên nhân duy nhất, vì bất cứ biến cố nào
cũng có thể là một pha trộn vô cùng phức tạp của nhiều nghiệp chín cùng
một lúc. Bởi thế chúng ta có khuynh hướng cho rằng mọi sự “tình cờ”
xảy đến cho chúng ta, và khi mọi sự tiến hành tốt đẹp, ta chỉ gọi đấy là “may
mắn.” Tuy nhiên, cái gì khác ngoài nghiệp, có thể thực sự giải thích
thỏa đáng những sai khác kỳ lạ giữa chúng ta? Dù chúng ta có thể sinh ra
trong cùng một gia đình hay xứ sở, hay trong những hoàn cảnh giống nhau,
chúng ta đều có tính tình khác nhau, gặp những sự việc hoàn toàn khác
nhau, có tài năng khác nhau, khuynh hướng và số phận khác nhau.
Như lời
Phật dạy:
- Hiện
tại ta là những gì trong quá khứ ta đã từng là, và tương lai ta sẽ là gì
tùy thuộc vào hiện tại ta làm gì.
Padmasambhava cũng nói:
- Muốn
biết đời quá khứ, hãy nhìn tình trạng hiện tại của bạn; muốn biết đời vị
lai, hãy nhìn những hành động hiện tại.
THIỆN TÂM
Như vậy,
loại tái sinh mà ta sẽ có trong đời vị lai được định đoạt bởi bản chất của
những hành động ta trong đời hiện tại. Và điều thật quan trọng là đừng bao
giờ quên rằng hậu quả của hành động chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào ý
định hay động cơ đằng sau những họat động ấy, chứ không phải tùy theo phạm
vi tầm mức của chúng.
Vào thời
Phật, có một bà lão ăn xin tên gọi là “Nương tựa Niềm Vui.” Bà
thường ngắm những vua chúa và mọi người cúng dường Phật và đệ tử của Ngài.
Và không có gì bà thích hơn là được làm như họ. Bởi thế bà đi xin suốt
ngày, và được một đồng tiền nhỏ. Bà đem đồng tiền ấy đi mua một ít dầu.
Người bán dầu bảo bà không mua gì được với đồng tiền ít ỏi ấy, nhưng khi
nghe bà muốn cúng Phật, anh ta thương hại, cho bà một ít dầu bà cần. Bà
đem đến chùa đốt một cây đèn, và phát nguyện:
- Con
không có gì cúng dâng Phật, ngoại trừ cây đèn nhỏ này. Nhưng do sự cúng
dường này, mong cho con đời sau có trí tuệ. Mong cho con giải thoát tất cả
hữu tình ra khỏi bóng tối ngu si. Mong cho con tịnh hóa tất cả những cấu
uế chướng ngại của họ, và đưa họ đến giải thoát.
Đêm ấy
tất cả các ngọn đèn đều cháy hết cả dầu. Nhưng vào lúc bình minh, ngọn đèn
của bà lão vẫn tiếp tục cháy, khi tôn giả Mục kiền liên đi thâu lại những
cây đèn. Khi trông thấy ngọn đèn còn cháy sáng, đầy dầu và bấc mới, ngài
nghĩ: “Không lý gì để cho cây đèn này vẫn cháy vào ban ngày,” và ngài cố
thổi tắt. Nhưng cây đèn vẫn cháy. Ngài lấy tay bóp, lấy y chụp lên cho nó
tắt, mà nó vẫn tiếp tục cháy sáng. Đức Phật vẫn nhìn ngài từ lúc đầu, và
bảo:
- Mục
kiền liên, có phải ông muốn dập tắt ngọn đèn ấy không? Ông không làm được
đâu. Ông không di chuyển được nó, chứ đừng nói là dập cho nó tắt. Nếu ông
đem được bốn biển mà tưới lên cây đèn này, nó vẫn không tắt được, tại sao?
Vì cây đèn này đã được đốt lên để dâng cúng với tất cả niềm sùng kính, và
với tâm trí thanh tịnh. Chính động cơ ấy đã làm cho nó có công đức vô
cùng.
Khi đức
Phật nói lời này, thì bà lão ăn xin đi đến ngài, và ngài nói lời thọ kí
cho bà trong tương lai sẽ thành Phật, hiệu là “Ánh sáng ngọn đèn.”
Như vậy
chính động lực tốt hay xấu của chúng ta đã định đoạt kết quả hành động
chúng ta. Shantideva nói:
- Tất cả niềm vui có được trên đời
Đều do muốn an lạc cho kẻ khác,
Tất cả đau khổ trên đời này
Đều do muốn hạnh phúc cho chính mình.
Vì luật
nhân quả là không lầm lẫn và không thể tránh, mỗi khi ta hại người khác,
là ta đang tự hại mình; mỗi khi ta đem lại hạnh phúc cho người khác, là ta
đang đem lại cho chính chúng ta hạnh phúc tương lai. Bởi thế Đức Dalai
Lama nói:
- Nếu
bạn cố hàng phục những động lực ích kỉ, giận dữ vân vân... và phát triển
lòng từ bi đối với người khác, thì cuối cùng bạn sẽ được lợi lạc hơn
nhiều, cho chính bạn. Bởi thế tôi thường bảo những người ích kỉ khôn ngoan
nên thực hành kiểu đó. Những kẻ ích kỉ dại dột thì luôn luôn nghĩ về chính
mình, và kết quả là không được cái gì. Người ích kỉ khôn ngoan thì nghĩ
tới người khác, giúp đỡ người khác càng nhiều càng tốt, và được kết quả là
chính họ cũng nhận được lợi lạc.
Niềm tin
vào tái sinh cho ta thấy có một thứ công bằng tối hậu hay thiện tính trong
vũ trụ. Chính thiện tính ấy mà tất cả chúng ta đang cố phơi bày, làm cho
hiển lộ. Bất cứ khi nào chúng ta có hành động tích cực, là ta đang tiến về
phía nó; khi ta hành động tiêu cực, là ta bít lấp nó. Và khi ta không thể
biểu lộ nó trong đời sống và hành động của ta, thì ta cảm thấy đau khổ,
bất mãn.
Vậy nếu
bạn muốn rút ra một thông điệp từ sự kiện tái sinh, thì đó sẽ là:
- Phát
triển thiện tâm, mong muốn người khác được hạnh phúc lâu dài, và hành động
để có được hạnh phúc ấy.
Đức
Dalai Lama nói:
- Không
cần xây chùa; không cần triết lý rắc rối. Trí não ta, trái tim ta là ngôi
chùa của ta. Triết lý của tôi là lòng tốt.
TÍNH SÁNG TẠO
Nghiệp
như vậy không có tính cách định mệnh hay tiền định. Nghiệp là khả năng của
chúng ta có thể định đoạt cách thức và lý do chúng ta hành động. Chúng ta
có thể thay đổi. Tương lai nằm trong tay ta, và trong tay của trái tim ta.
Phật dạy:
- Nghiệp tạo tất cả, như một họa sĩ.
Nghiệp sáng tác như một vũ công.
Vì mọi
sự là vô thường, tuôn chảy, và hỗ tương lệ thuộc, nên cách làm và nghĩ của
ta đương nhiên thay đổi tương lai. Không có hoàn cảnh nào dù có vẻ ghê gớm
vô vọng tới đâu, - như một cơn bệnh tới thời kỳ chót – mà chúng ta không
có thể sử dụng để tiến hóa. Và không có tội ác hay sự tàn bạo nào mà không
được tịnh hóa nhờ sự sám hối chân thành và tu tâm thực sự.
Milarepa được xem như vị đạo sư Du già vĩ đại nhất ở Tây Tạng, một nhà
thơ, một bậc thánh. Tôi còn nhớ hồi nhỏ tôi đã ớn lạnh như thế nào khi đọc
câu chuyện đời ngài, và nghiền ngẫm những bức minh họa trong cuốn tập chép
tay của tôi về cuộc đời ngài. Khi còn trẻ, Milapera đã được huấn
luyện làm phù thủy, và với tà thuật ngài đã giết và tàn hại vô số người.
Thế nhưng nhờ ăn năn sám hối, và những nỗi đau khổ nhọc nhằn mà ngài đã
phải chịu đựng với vị thầy vĩ đại Marpa, ngài đã có thể lọc sạch
tất cả ác nghiệp. Ngài tiến lên đến sự giác ngộ, trở thành một nguồn cảm
hứng cho hàng triệu người sau qua nhiều thế kỉ.
Ở Tây
Tạng chúng tôi nói: “Ác nghiệp có một điều hay, đó là nó có thể được
tịnh hóa.” Bởi vậy luôn luôn còn có hy vọng. Ngay cả những kẻ sát nhân
và những kẻ trọng tội ghê gớm nhất cũng có thể thay đổi và vượt qua cái
hoàn cảnh đưa họ đến tội lỗi. Hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, nếu biết sử
dụng khéo léo, có trí tuệ, có thể gợi hứng cho ta thoát khỏi dây trói của
đau khổ.
Những gì
đang xảy ra cho ta hiện tại phản ảnh nghiệp quá khứ của ta. Nếu ta biết
điều ấy, và biết thực sự, thì mỗi khi đau khổ hay khó khăn giáng xuống cho
ta, ta sẽ không xem chúng đặc biệt như một thất bại hay tai họa, hay xem
đau khổ như một sự trừng phạt nào đó. Chúng ta cũng không trách kẻ khác,
hay tự ghét mình. Chúng ta xem đau khổ mà ta đang trải qua cũng như sự
hoàn tất của những kết quả của nghiệp quá khứ. Người Tây Tạng nói rằng đau
khổ là “một cái chổi quét sạch những nghiệp ác của ta.” Chúng ta
lại còn nên cám ơn (sự đau khổ) vì đấy là một cái nghiệp ta đang đi
đến kết thúc. Chúng ta biết rằng “sự may mắn” một kết quả tốt của
nghiệp, có thể trôi qua nếu ta không khéo sử dụng, nhưng “rủi ro”
kết quả của ác nghiệp, quả có thể đem cho chúng ta một cơ hội tuyệt diệu
để tiến hóa.
Với
những người Tây Tạng, nghiệp có một ý nghĩa thiết thực sống động trong đời
sống hàng ngày. Họ sống những nguyên lý của nghiệp, trong sự hiểu biết sự
thật của nó, và đây là căn bản của đạo đức Phật giáo. Họ hiểu nghiệp là
một tiến trình tự nhiên và công bằng. Bởi thế nghiệp gợi cho họ có được
một ý thức trách nhiệm cá nhân trong bất cứ việc gì họ làm.
Hồi tôi
còn bé, gia đình tôi có một nô bộc kỳ diệu tên là A pé Dorje thương
tôi rất mực. Ông ta thực là một người thánh thiện, suốt đời không bao giờ
hại ai. Mỗi khi tôi nói hay làm điều gì có hại, ông liền nhẹ nhàng nói: “Ồ,
thế là không phải.” bằng cách ấy ông gieo cho tôi một ý thức sâu xa về
sự có mặt khắp nơi của nghiệp, và hầu như một thói quen máy móc để chuyển
hóa những phản ứng của tôi, nếu tôi có một ý tưởng tai hại.
Có phải
thực sự khó thấy vận hành của nghiệp không? Há chẳng phải ta chỉ cần nhìn
lại đời mình, để thấy những hậu quả của một vài nghiệp chúng ta đã làm?
Khi chúng ta làm tổn thương một người nào, có phải là nó dội lại trên
chính ta? Có phải chúng ta còn lại một hoài niệm đen tối đắng cay, và bóng
đen của sự tự ghét? Hoài niệm và bóng đen đó chính là nghiệp. Những thói
quen và những nỗi sợ của chúng ta cũng thế, là do nghiệp, hậu quả những
hành động, lời nói, tư tưởng ta đã làm trong quá khứ. Nếu ta xem xét những
hành động của ta, và thực sự ý thức về chúng, ta sẽ thấy rằng có một mẫu
mực luôn luôn trở lại trong những hành động của ta.
Bất
cứ lúc nào ta có hành động xấu, nó liền đưa đến đau khổ; khi ta có hành
động tốt, cuối cùng sẽ có kết quả là hạnh phúc.
TRÁCH NHIỆM
Tôi vẫn
thường xúc đông về sự xác nhận của những báo cáo về kinh nghiệm cận tử, vì
nó cho thấy rõ ràng sự thật về nghiệp. Một trong những yếu tố chúng của
kinh nghiệm cận tử - một yếu tố đã gợi nhiều suy nghĩ – là “sự thấy lại
toàn cảnh cuộc đời.” Hình như rằng những người trải qua kinh nghiệm
này không những thấy lại những chi tiết sống động nhất của cuộc đời đã
qua, mà còn có thể chứng kiến những ẩn ý trọn vẹn nhất của những gì họ đã
làm. Quả thế, họ kinh quá toàn thể những hậu quả hành động của họ trên
người khác, và tất cả những cảm giác mà họ đã khơi dậy trong người khác,
có thể là rất kinh khủng.
“Mọi
sự trong suốt cuộc đời trải ra trước mắt tôi. Tôi hổ thẹn vì nhiều chuyện
tôi đã kinh quá, vì lúc đó dường như tôi có một cái biết khác... Không
những tôi thấy lại những gì tôi đã làm, mà còn thấy ảnh hưởng việc làm ấy
trên người khác... Tôi nhận ra rằng ngay những ý tưởng của ta cũng không
mất.
“Cuộc
đời tôi trải ra trước mắt tôi... mọi cảm xúc tôi đã từng có trong đời, tôi
đều cảm thấy. Và mắt tôi chỉ cho tôi thấy cái căn bản là những cảm xúc ấy
đã ảnh hưởng đến đời tôi như thế nào. Đời tôi đã làm gì bấy nay để ảnh
hưởng đến những cuộc đời người khác...
“Tôi
chính là những người mà tôi làm thương tổn, và tôi chính là người mà tôi
làm sung sướng.
“Đấy
là một sự sống lại mọi ý nghĩ tôi đã nghĩ, mọi lời tôi đã nói, mọi việc
tôi đã làm; cùng với hậu quả của từng ý nghĩ, lời nói, hành vi của tôi đối
với mọi người và bất cứ người nào ở trong tầm ảnh hưởng tôi, dù tôi có
biết họ hay không...; cộng thêm hậu quả của mỗi ý nghĩ, lời nói, và hành
động tôi đối với thời tiết, cây cối, loài vật, đất, nước, lửa, gió.”
Tôi nghĩ
rằng những chứng cứ này đáng được xem xét thực nghiêm túc. Chúng sẽ giúp
tất cả chúng ta nhận chân được những hành ẩn của hành động, lời nói và ý
nghĩ của chúng ta, và buộc chúng ta trở nên có trách nhiệm. Tôi đã để ý
rằng nhiều người cảm thấy bị đe dọa trước thực tại về nghiệp, vì họ bắt
đầu hiểu được họ không thể thoát khỏi định luât tự nhiên của nó. Có nhiều
người tuyên bố họ coi thường nghiệp, nhưng tận tâm để, họ vẫn có những
hoài nghi sâu xa về sự phủ nhận của họ. Ban ngày họ có thể hành động hoàn
toàn coi khinh đạo đức, nhưng khi một mình ban đêm, tâm họ thường u ám và
giao động.
Cả Đông
lẫn Tây đều có những lối đặc biệt đưa cái cách họ hiểu về “nghiệp”
ra để tránh né trách nhiệm. Ở phương đông người ta dùng nghiệp để làm cái
cớ khỏi giúp đỡ người khác, bảo rằng, người nào khổ là do cái “nghiệp”
của họ. Trong thế giới “tư tưởng tự do” ở phương tây, thì ngược
lại, những người Tây phương tin vào nghiệp có thể nhạy cảm và cẩn thận quá
lố, và bảo rằng thực sự nếu ta giúp người nào tức là can thiệp vào cái
nghiệp của họ, một cái gì họ phải tự lo liệu lấy cho mình. Thật là một
cách né tránh phản lại lòng nhân đạo! Có lẽ ta nên cho rằng cái nghiệp
của chúng ta là tìm cách giúp đỡ họ. Tôi biết nhiều người giàu có: Tài sản
họ có thể tàn phá họ, khi họ làm tăng thêm thói ích kỉ và lười biếng;
nhưng họ cũng có thể tóm lấy cơ hội mà tài sản đem lại để giúp đỡ người
khác, và khi làm thế, giúp đỡ chính họ.
Đừng bao
giờ quên rằng chính qua hành động, lời nói và ý nghĩ, mà ta có quyền chọn
lựa. Và nếu ta chọn lựa, ta có thể chấm dứt đau khổ và nguyên nhân đau
khổ, và giúp cho tiềm năng chân thực của ta, Phật tính, thức dậy trong ta.
Chừng nào Phật tính này hoàn toàn tỉnh thức, chừng nào chúng ta được giải
thoát khỏi vô minh và hòa nhập với tâm giác ngộ bất tử, thì ta mới có thể
chấm dứt vòng sống chết. Như vậy, giáo lý dạy ta, nếu ta không chịu đảm
nhận toàn trách nhiệm cho chính mình trong đời hiện tại, thì sự đau khổ
của chúng ta sẽ tiếp tục dài dài không những một vài đời mà hàng ngàn đời.
Chính
nhận thức nghiêm trọng này đã làm cho những người theo Phật xem những đời
sau còn quan trọng hơn cuộc đời này, vì còn có nhiều điều chờ đợi chúng ta
trong tương lai. Cái thấy trường-kì ấy chủ động lối sống của họ. Họ biết
rằng nếu chúng ta vì một đời này mà không nghĩ gì đến tương lai vô tận thì
cũng giống như điên rồ đem tất cả tiền dành dụm được cả đời vào một cuộc
rượu duy nhất, không cần biết hậu quả.
Nhưng
nếu chúng ta tuân theo luật nhân quả và đánh thức thiện tâm, lòng từ bi
trong ta, nếu chúng ta thanh lọc dòng tâm thức và dần dần khơi dậy trí tuệ
của tự tính, thì chúng ta có thể thành một con người đúng nghĩa, và cuối
cùng sẽ giác ngộ.
Albert Einstein nói:
- Một
con người là một phần của toàn thể vũ trụ, một phần được giới hạn trong
thời-không. Nó tự xem mình, những tư tưởng cảm giác của mình, như là cái
gì tách biệt với toàn thể - đấy là một loại ảo tưởng của tâm thức. Ảo
tưởng này là một nhà tù giam giữ chúng ta, giới hạn chúng ta vào những dục
vọng riêng, và chỉ yêu mến vài người gần chúng ta nhất. Nhiệm vụ chúng ta
là phải giái thoát mình khỏi ngục tù ấy bằng cách nới rộng vòng bi mẫn để
bao gồm tất cả sinh loài và tất cả thiên nhiên trong vẻ đẹp của nó.(1)
TÁI SINH TẠI TÂY TẠNG
Những
người nắm vững định luật về nghiệp và đã chứng ngộ, có thể chọn tái sinh
nhiều lần để giúp đỡ những người khác. Ở Tây Tạng một truyền thống nhận
chân những tái sinh (gọi là tulkus) như thế, được bắt đầu từ thế kỉ
mười ba và tiếp tục đến ngày nay. Khi một bậc thầy đắc đạo chết, vị ấy có
thể để lại những chỉ dẫn rõ ràng về nơi chốn sẽ tái sinh. Một trong những
đệ tử thân tín nhất của vị ấy hay bạn đạo của vị ấy sau đó có thể có một
linh kiến hay chiêm bao, nói trước sự tái sanh sắp đến. Trong vài trường
hợp, những đệ tử có thể đến một bậc thầy nổi tiếng về tài nhận ra những
tulkus, và bậc thầy này có thể có một giấc mộng hay linh kiến giúp ông
chỉ đạo sư tìm kiếm. Khi một đứa bé được tìm ra, thì chính bậc thầy này là
người xem xét có phải thật hay không.
Mục đích
của truyền thống này là nó bảo đảm kí ức tuệ giác của những bậc thầy đã
chứng ngộ khỏi tan mất. Điều quan trọng nhất về đời một vị tái sinh là,
trong quá trình huấn luyện, bản lai diện mục - thức dậy, và đấy là dấu
hiệu chứng tỏ “thứ thiệt”. Chẳng hạn đức Dalai Lama thừa
nhận ngài có thể hiểu dễ dàng từ lúc tuổi còn rất nhỏ, những khía cạnh
thâm ảo của giáo lý Phật mà người ta cần phải nhiều năm mới hiểu được.
Nuôi
dưỡng những vị tái sinh cần sự cẩn thận tối đa. Ngay cả trước khi sự huấn
luyện bắt đầu, cha mẹ được chỉ dẫn phải đặc biệt chăm sóc những vị ấy. Sư
huấn luyện những vị tái sanh còn gắt gao hơn huấn luyện tu sĩ thường, vì
những triễn vọng mà người ta chờ đợi ở các vị ấy.
Đôi khi
họ nhớ những đời trước, hoặc chứng tỏ những khả năng lạ lùng. Như Đức
Dalai Lama đã nói:
- Chuyện
thông thường là những trẻ tái sanh nhớ được những vật và người từ những
đời trước. Một vài trẻ còn có thể thuộc những kinh chưa được ai dạy.
Một vài
người chỉ cần học qua đã thuộc, như trường hợp thầy Jamyang Khientse
tôi. Khi còn bé, thầy có một vị dạy kèm rất khó tín. Thầy tôi phải
sống với ông trong am cốc trên núi. Một buổi sáng ông bận đi làm lễ cho
một người mới chết ở làng lân cận, và trước khi ra đi ông dặn thầy tôi đến
chiều phải thuộc một quyển kinh nhan đề là “Tụng những danh hiệu của
Văn thù,” một bài kinh rất khó dài năm chục trang, mà thường phải mất
nhiều tháng mới thuộc được.[1]
Như mọi
chú bé khác, ông vừa đi khỏi là thầy tôi bắt đầu chơi. Những người xung
quanh lo ngại và bảo thầy tôi nên khởi sự học kẻo sẽ bị đòn, vì họ biết
ông thầy dạy kèm rất nghiêm khắc và nóng tính. Thầy tôi vẫn chơi đùa cho
đến xế chiều, biết ông ta sắp về, mới chịu đọc qua bài kinh một lần. Khi
vị thầy dạy kèm trở về hỏi bài, thì thầy tôi đã thuộc lòng không sót một
chữ.
Thông
thường, thì không bậc thầy nào lại bắt một đứa trẻ làm một việc như vậy.
Nhưng trong thâm tâm, vị này biết thầy tôi là một hóa thân của ngài Văn
thù, vị Phật của đại trí huệ, và gần như là ông muốn dụ cho ngài phải tự
chứng minh. Chú bé - tức thầy Jamyang Khientse – khi nhận một công
việc khó khăn như thế mà không phản đối, cũng đã mặc nhiên tự nhận mình là
ai. Về sau thầy Khientse viết trong tự truyện của ngài rằng vị thầy
của ngài rất thán phục mặc dù không nói ra.
Cái gì
tiếp tục nơi một vị tái sinh? Có phải vị ấy là một người với tiền thân vị
ấy? Vừa phải vừa không phải. Động cơ và sự phát nguyện giúp đỡ mọi hữu
tình thì giống, nhưng không phải cũng một người ấy. Yếu tố tiếp nối đời
này sang đời khác là một ân phước. Sự truyền thừa ân phước này hòa điệu và
thích hợp với mỗi thời đại kế tiếp, và vị tái sinh xuất hiện một cách
thích nghi nhất với nghiệp của người đồng thời đại, để có thể hoàn toàn
giúp đỡ họ.
Có lẽ ví
dụ cảm động nhất về sự phong phú, hiệu quả, và tinh vi của hệ thống này là
Đức Dalai Lama. Ngài được tôn sùng bởi tất cả Phật tử như là nhập
thể của Phật Quan Âm, vị Phật của lòng bi mẫn bao la.
Lớn lên
ở Tây Tạng, làm vị Phật-Vương, đức Dalai Lama hấp thụ tất cả sự
huấn luyện cổ truyền và những giáo lý chính thống của mọi hệ phái, và trở
thành một trong những bậc thầy vĩ đại nhất của Tây Tạng hiện nay. Nhưng
thế giới thì chỉ biết đến ngài như là một người có đức bình dị thẳng thắn
và cái nhìn rất thực tiễn. Ngài có một quan tâm nhạy bén đối với nhiều
khoa học đương thời: Vật lý, Thần kinh học, Tâm lý học, và Chính trị. Quan
điểm và thông điệp của ngài về trách nhiệm đại đồng không những được Phật
tử nghe theo mà cả những người thuộc đủ mọi tôn giáo trên thế giới. Sự dấn
thân của ngài trong phong trào bất bạo động trong cuộc tranh đấu dành độc
lập cho Tây Tạng trải qua bốn mươi năm đã đem lại cho ngài giải thưởng
Nobel Hòa bình năm 1989. Trong một thời đại bạo động, tấm gương của ngài
đã khởi hứng cho nhiều dân tộc trên khắp địa cầu, trong khát vọng tự do
của họ. Đức Dalai Lama đã trở thành một trong những người lên tiếng
bảo vệ sinh môi trên thế giới, không mỏi mệt trong nỗ lực thức tỉnh con
người trước hiểm họa của một nền triết lý ích kỉ duy vật. Ngài được những
nhà trí thức và lãnh tụ khắp nơi ngưỡng mộ, tuy thế tôi đã biết hàng trăm
người thường dân đủ loại và ở khắp các quốc gia, mà cuộc đời họ đã biến
đổi nhờ niềm vui được thấy vẻ đẹp, tính hài hước và sự hiện diện thánh
thiện của ngài. Đức Dalai Lama, tôi tin tưởng, chính là gương mặt
của Đức Phật Từ Bi đang hướng về một nhân loại lâm nguy; ngài là hiện thân
của Quán Âm không những cho Tây Tạng hay cho Phật tử, mà cho toàn thế giới
đang cần hơn bao giờ hết, đức bi mẫn và tấm gương của ngài, hoàn toàn
phụng sự cho hòa bình.
Người
Tây phương sẽ ngạc nhiên khi biết được rằng ở Tây Tạng đã có bao nhiêu tái
sinh, bao nhiêu vị đã từng là đạo sư, học giả, tác giả, bậc thánh, đã có
những đóng góp nổi bật cả về giáo lý lẫn về xã hội. Những vị này đóng một
vài trò cốt yếu trong lịch sử Tây Tạng. Tôi tin rằng tiến trình tái sinh
này không giới hạn ở Tây Tạng, mà có thể xảy ra trong mọi nước vào mọi
thời. Trong lịch sử đã có nhiều thiên tài về nghệ thuật, sức mạnh tâm
linh, nhân bản, đã giúp loài người tiến hóa. Tôi nghĩ đến Gandhi,
Einstein, AbLincoln, Mẹ Theresa, đến Shakespeare,
đến thánh Francis, đến Beethoven, đến Michelangelo.
Khi người Tây Tạng nghe đến những vị ấy, họ liền bảo ngay đấy là những Bồ
tát. Và mỗi khi tôi nghe về họ, về tác phẩm, tri kiến của họ, tôi rất xúc
động trước sự vĩ đại của tiến trình rộng lớn mà chư Phật và các bậc thầy
đã tỏa ra để giải thoát hữu tình và cải thiện thế giới.
(*) Tư tưởng và quan niệm, N. Y. 1954.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment