Pages

28 April 2017

CON CHỒN HOANG CỦA BÁCH TRƯỢNG

Câu trả lời của Bách Trượng là người giác ngộ và luật nhân quả là một. Người giác ngộ nếu chấp vào chân lý tuyệt đối là cũng bị trói buộc. Chấp vào thiện pháp thì thiện pháp sẽ trở thành ác pháp...




Cử:
Mỗi lần Bách Trượng giảng pháp, đều có một cụ già theo đại chúng vào nghe. Khi đại chúng tan hàng, ông cụ cũng lui. Một hôm bỗng không lui.
Sư hỏi :
- Người đứng trước mặt tôi là ai ?
- Dạ, tôi vốn chẳng phải là người. Hồi Đức Phật Ca Diếp, tôi từng trụ trì tại núi này. Có học nhân hỏi:
- Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không ?
Tôi đáp:
- Không!
Nên 500 kiếp qua tôi bị đọa làm thân chồn hoang. Nay thỉnh Hòa thượng ban cho một chuyển ngữ để thoát kiếp chồn hoang.
Ông cụ già bèn hỏi :
- Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không?
Sư đáp:
-Chẳng lầm nhân quả.
Ông cụ ngay lời đó đại ngộ, lạy tạ:
- Tôi đã thoát thân chồn, xác còn ở sau núi. Xin Hòa thượng ma chay theo tăng lễ.
Sư ra lệnh Duy na bạch chùy báo cho đại chúng ăn xong sẽ làm lễ táng tăng.
Đại chúng bàn tán:
- Mọi người đều khỏe mạnh, Nát Bàn đường cũng không có bệnh nhân, sao lại có chuyện như vậy?
Ăn xong, sư dẫn chúng ra sau núi, lấy gậy khều ra một xác chồn hoang dưới tảng đá, đem hỏa táng.
Trong buổi giảng chiều, sư kể lại câu chuyện trên.
Hoàng Bá bèn hỏi:
- Người xưa vì đáp sai một chuyển ngữ, thân bị đọa làm chồn hoang 500 kiếp, nếu câu nào cũng đáp trúng thì sao?
- Ông lại gần đây tôi bảo cho.
Hoàng Bá lại gần tát sư một cái. Sư vỗ tay cười :
- Tưởng râu tên Hồ đỏ, hóa ra là tên Hồ đỏ râu.
Bình:
Chẳng rơi vào nhân quả, sao lại bị đọa làm chồn hoang? Chẳng lầm nhân quả sao lại thoát kiếp làm chồn? Nếu các ông hiểu lý này thì thấy Bách Trượng đã lời 500 kiếp làm chồn.
Tụng :
不 落 不 昧
Bất lạc bất muội
兩 釆 一 賽
Lưỡng thái nhất tái
不 昧 不 落
Bất muội bất lạc
千 錯 萬 錯
Thiên thác vạn thác
Chẳng lạc chẳng muội
Hai vẻ thi đua
Chẳng muội chẳng lạc
Ngàn vạn lần thua.
 
Chú Thích :
- Bách Trượng (720-814) : pháp danh Hoài Hải, học trò Mã Tổ Đạo Nhất, sư phụ của Hoàng Bá.
- Hoàng Bá (?-850) : pháp danh Hi Vận, người tỉnh Phúc Kiến, Hồng Châu, học trò Bách Trượng.
- Phật Ca Diếp: một trong 7 Đức Phật trước Phật Thích Ca.
- Chuyển ngữ: khi thiền sinh ở tình trạng tiến thối lưỡng nan, xin thiền sư cho một chuyển ngữ làm chuyển hướng tư tưởng ông khiến từ mê dẫn đến ngộ.
- Duy na: dịch từ Phạn ngữ Karmadana, ông tăng lo việc trong chùa.
- Bạch chùy: gõ chùy báo cho đại chúng.
- Nát Bàn đường: bệnh xá của thiền viện.
- Gã Hồ: xưa người Trung Hoa gọi người ngoại quốc là người Hồ, ông sư người ngoại quốc gọi là Hồ tăng, ở đây là chỉ ông tăng Ấn Độ.
- Giải thích bài kệ:
 
Câu 1 và 2: thái tái là một loại trò chơi thời cổ, 2 thái bằng điểm 1 tái, cũng
tương tự một bên nửa cân, một bên tám lạng. Khi nói bất lạc hay bất muội
thì cũng chẳng có sai biệt gì.
Câu 3 và 4: đừng phân tích, suy lý, chấp trước bất lạc hoặc bất muội, trừ bỏ
mọi thủ xả của tâm phân biệt không bị bó buộc cứ tự nhiên sinh hoạt.
- Câu trả lời của ông cụ già là chấp vào tự do tuyệt đối. Câu trả lời của Bách
Trượng là người giác ngộ và luật nhân quả là một. Người giác ngộ nếu chấp
vào chân lý tuyệt đối là cũng bị trói buộc. Chấp vào thiện pháp thì thiện pháp sẽ trở thành ác pháp.
(Kubose)
- Để trả lời câu hỏi của học tăng, ông cụ đáp “Chẳng rơi vào nhân quả”, vì
sao phải đọa làm chồn hoang 500 kiếp? Bách Trượng đưa ra chuyển ngữ “Chẳng lầm nhân quả”, vì sao khiến ông cụ thoát được cái khổ 500 kiếp làm chồn? Khi nói “Không rơi vào nhân quả” là chỉ người tu hành không thọ nhân quả báo ứng. Loại chỉ điểm tùy tiện này là sai lầm bởi vì chẳng ai có thể đào thoát khỏi nhân quả báo ứng. Câu trả lời của Bách Trượng là một câu danh ngôn chí lý vì người ngộ đạo nào cũng không lầm nhân quả.
(Tinh Vân)
- Câu chuyện này chủ yếu để thuyết minh luật nhân quả. Chịu chi phối bởi luật nhân quả là khẳng định, không chịu chi phối bởi luật nhân quả là phủ định, do đó đều sai. Chẳng lầm nhân quả vượt cả khẳng định và phủ định nên thấy được tự tánh chân chánh. Người đắc đạo thấy được hiện tượng giới biến ảo, siêu việt giới vĩnh hằng và Đạo là vượt lên cả hai giới đó, tương tự Tâm Kinh nói Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc.
(Tiêu Vũ Đồng)

(Trích Vô Môn Quan - Dương Đình Hỷ)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites