"Có lẽ cảnh sắc
trang nghiêm và diễm kính nơi này đã khiến cho các Phật tử đều
có chung một cảm giác: Mình đang lạc giữa không gian của vườn
Lâm Tỳ Ni và đang được tận mắt chứng kiến Đức Phật ra đời
vậy…"
Khi nói tới lòng Từ Bi chúng
ta thường liên tưởng ngay tới hình ảnh của những người Mẹ –
Người mang nặng, đẻ đau để sinh ra chúng ta, rồi lo lắng, chăm
sóc, nuôi dưỡng miếng ăn, giấc ngủ của chúng ta từ thủa ầu ơ,
chập chững trong những bước đầu đời cho đến
ngay cả những lúc chúng ta đã trưởng thành. Tấm lòng ấy của
Mẹ đã kể như vô cùng vĩ đại và trân quý. Tuy nhiên sự vĩ đại
và trân quý ấy vẫn chỉ dừng lại ở góc độ yêu thương và lo
lắng cho các con trưởng thành trong cuộc sống đời thường, và
nó vẫn chỉ bó buộc, ở góc độ hạn hẹp trong nếp nghĩ, gia
đình, nhiều khi còn mang tính định kiến hay thiên vị. Nghĩa là
tình yêu ấy (lòng từ) vẫn còn có sự phân biệt, chấp trước,
có điều kiện: Đứa nào ngoan, chăm chỉ, biết nghe lời… người mẹ
thường hay sẵn sàng dành chọn vẹn tình yêu thương và san sẻ
cho nó một cách vô điều kiện; Ngược lại nếu đứa con khác hư
hỏng, khuyết tật, không biết vâng, nghe lời… thì đứa con ấy sẽ
nhận được sự quan tâm, yêu thương ít đi, thậm chí sẽ bị phủ
nhận, hoặc tấm lòng từ bi ấy sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn.
Vậy làm thế
nào để lòng Từ Bi ấy luôn luôn trỗi dậy, luôn luôn được nuôi
dưỡng, săn sóc - Nuôi dưỡng và săn sóc không có sự phân biệt,
chấp trước, không có bất cứ động thái, một sự ràng buộc hay
điều kiện nào? Có lẽ những bà Mẹ thế gian chưa dễ mấy ai làm
được. Nói khác đi: Lòng Từ của những bà mẹ thế gian nhiều
khi vẫn dễ bị sẻ chia, mai một. Nhưng có một lòng Từ Bi mãi
mãi trường tồn, cho dù đất đổi, sao rời, lòng Từ Bi ấy vẫn
không hề thay đổi: Đó là lòng Từ Bi của Đức Phật Thích Ca Mâu
Ni - Người không chỉ là Mẹ, là Cha, mà còn là Thầy của chúng
sanh muôn loài…
Đấng Pháp Vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời người
Cha lành chúng bốn loài
Để tri ơn
tấm lòng từ bi vô hạn, trí huệ khôn cùng của bậc đạo Sư –
người Thầy của chúng sanh muôn cõi… hàng năm Phật tử khắp nơi
trên toàn thế giới đều hân hoan long trọng tổ chức đón mừng
ngày Đức Phật đản sanh.
Chùa Phật
Huệ ngay từ những ngày đầu tháng 04.2012 không khí chuẩn bị cho
Đại Lễ Phật Đản 2556 đã vô cùng bận rộn. Không bận rộn sao
được bởi đây là cơ hội duy nhất trong năm giúp cho Phật tử khắp
nơi trên nước Đức quy tụ về nơi đây, nhân ngày Phật Đản có
được cơ duyên để cung kính chiêm bái, học hỏi, tìm hiểu thêm về
cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, những hoài bão cũng như
những giáo pháp của Ngài.
Những lẵng
hoa tươi, đẹp, hương sắc muôn màu và trang trọng nhất đã được
bài trí khắp nơi trong chánh điện. Một tôn tượng Đức Phật Đản
Sanh từ bạch ngọc đứng trên đoá sen, tay phải chỉ thiên, tay
trái chỉ địa do chính tay Thượng Toạ Thích Thiện Sơn thỉnh về
từ Miến Điện nhân chuyến hoằng Pháp tại Châu Á, được an toạ
giữa một hồ nước nhân tạo. Xung quanh hồ là những cây cảnh đủ
chủng loại cao thấp khác nhau, như đang vươn cao, xoè tán lá,
toả bóng lên mặt hồ. Giữa không gian huyền ảo nơi chánh điện,
mặt hồ nước trong vắt dường như đang khẽ gợn sóng, làm chao
nghiêng những cánh sen trắng hồng đang toả ra những ánh hào
quang lấp lánh…
Hai đài sen phun nước nhấp nhô hai bên trái-phải mặt hồ cũng không ngừng phun lên những dòng nước trắng trong, tịnh khiết từ đáy hồ…
Chánh điện
chùa Phật Huệ thường ngày thênh thang là thế, nhưng hôm nay –
Ngày Phật Đản, dường như trở nên quá hẹp. Có lẽ cảnh sắc
trang nghiêm và diễm kính nơi này đã khiến cho các Phật tử đều
có chung một cảm giác: Mình đang lạc giữa không gian của vườn
Lâm Tỳ Ni và đang được tận mắt chứng kiến Đức Phật ra đời
vậy…
Theo sử sách
ghi lại và cũng theo lời khai thị của Hoà Thượng Thích Minh
Tâm trụ trì chùa Khánh Anh đến từ Pháp quốc, thì ngày Đức
Phật đản sanh, cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cỏ
đều đơm hoa trổ trái; sông, ngòi, mương, giếng nước đều trong đầy; trên
hư không chim chóc và hào quang chiếu sáng cả mười phương và có hai
con rồng xuất hiện rồi thi nhau phun nước để tắm cho vị Phật
tương lai…
Hình tượng
rồng xuất hiện và phun nước tắm cho Đức Phật trong ngày Đản
sanh nó không chỉ nói lên sự linh thiêng, tôn quí, vĩ đại của
một sự kiện, một con người, hơn thế những giọt nước vắt trong,
lung linh trong ánh hào quang toả xuống thân thể của Ngài còn
có ý nghĩa sâu xa hơn: là nó làm tan biến, rửa sạch tất cả
những cấu uế, bụi nhơ trần tục…
Đúng 10:30
giờ Phật tử khắp nơi đã tề tựu đông đủ nơi Chánh điện. Vai kề
vai, trang nghiêm trong những chiếc áo lam, các Phật tử đứng
sắp hai hàng cùng cất vang hồng danh của Đức Bổn Sư Thích Ca
Mâu Ni Phật để nghênh đón các Chư Tôn Hoà Thượng, Chư Đại Đức,
Tăng Ni đến từ khắp mọi miền nước Đức.
Chư Tôn Hoà Thượng, Chư Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng Ni làm lễ cầu nguyện quốc thới dân an
Trong nghi
ngút hương trầm cùng âm vang chuông, khánh, Hoà Thượng Thích Minh
Tâm đã thay mặt các Chư tôn Thượng Toạ, Chư Đại Đức, Tăng Ni
cùng làm lễ dâng hương và cùng các Phật tử làm lễ cầu nguyện
cho Quốc thới, dân an…
Khung cảnh Phật tử làm lễ cầu nguyện quốc thới dân an
Theo đúng
lịch trình, 14:00 giờ Đại Lễ Phật Đản 2556 đã chính thức khai
mạc. Chánh điện chùa Phật Huệ cũng như bao lần đã không còn
đủ chỗ để các Phật tử cùng vào tham dự và chiêm bái Đức
Phật Đản Sanh.
Những hồi
trống dồn vang, ròn rã không ngớt vang lên. Các Phật tử người
Việt và người bản xứ vai ghé vai cung kính bên nhau cùng cất
vang hồng danh của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật để một lần
nữa cung nghênh các chư Tôn Hoà Thượng, Chư Thượng Toạ, Đại Đức,
Tăng Ni vào Chánh điện khai Lễ Tắm Phật.
Sau phần nghi
thức, các chư Tôn Hoà Thượng, Chư Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng Ni
đã lần lượt vừa đảnh lễ vừa cung kính tắm Phật.
Hoà Thượng
Thích Minh Tâm đã có một thời pháp nhằm sơ lược về lịch sử
của Đức Phật Thích Ca, giúp cho các Phật tử có được cơ duyên
nắm vững thêm về sự tôn quý, lòng từ bi vô hạn, trí huệ toả
sáng vô cùng tận được thông qua những giáo pháp mà Đức Phật
Thích Ca đã để lại chúng sanh và nhân loại trên toàn thế giới…
Hoà Thượng Thích Minh Tâm khai thị về cuộc đời của Phật Thích Ca
Khi thời
pháp kết thúc các Phật tử người Việt cũng như người bản xứ
đã lần lượt cùng nhau vừa chiêm kính vừa đảnh lễ tắm Phật…
Đêm văn nghệ
mừng Đại lễ Phật Đản 2556 năm nay cũng diễn ra vô cùng long
trọng và náo nhiệt, bởi sân khấu đêm văn nghệ đã được dựng lên
ngay trên khuân viên của mảnh đất sát khu siêu thị sầm uất của
thành phố Frankfurt Main – Nơi đây dự tính ngôi chùa Phật Huệ
mới sẽ được cất dựng lên trong nay mai…
Thượng Toạ Thích Thiện Sơn khai mạc đêm văn nghệ mừng Phật Đản 2556
Hình ảnh lể khai mạc đêm văn nghệ mừng Phật Đản tại chi bộ Đức Quốc ngày 26 tháng 5 năm 2012
Những ca sĩ
đang được yêu chuộng tại hải ngoại và trong nước như: Tú Quyên; Y
Phụng; Mai Tiến Dũng với sự giàn dựng và phụ diễn của ban
nhạc trẻ, tên tuổi tại Đức – Ban nhạc Hiền Năng cùng các ca sĩ
trong Hội Phật tử Frankfurt am Main và vùng phụ cận đã làm
tăng thêm phần sống động cho đêm văn nghệ 26.05.2012 mừng Đại Lễ
Phật Đản 2556 vừa qua…
Tất bật
nhất vẫn là những gian hàng đồ Chay và đồ giải khát. Các món
ăn chay truyền thống; những đồ giải khát chế ra nhiều hương
vị, màu sắc cùng những gian hàng đồ lưu niệm do các Phật tử
thiện nguyện đến từ khắp mọi miền nước Đức đảm nhiệm đã góp
phần không nhỏ tạo thêm sự hưng phấn cũng như sự thành công
của đêm văn nghệ mừng Đại lễ Phật Đản vừa qua.
Đêm văn nghệ mừng Đại Lễ Phật Đản 2556 đã được khép lại vào lúc 03:00 giờ sáng ngày 27.05.2012.
Ca Sĩ Mai Tiến Dũng đến từ Mĩ Quốc
Ca Sĩ Y Phụng đến từ Mĩ Quốc
Ca sĩ Tú Quyên đến từ Mĩ Quốc
Mùa Phật
Đản 2556 đã qua, nhưng một điều chắc chắn những dư âm của mùa
Phật Đản sẽ còn vang vọng và lưu truyền mãi trong lòng những
người Phật tử – những người con đất Việt – Những vị Phật của
tương lai…
Mùa Phật Đản 2556 – Ghi chép: Thiện Lợi
0 Kommentare:
Post a Comment