Không còn bao giờ dùng bạo lực với chúng sanh.
Còn nhà ngươi, hãy dừng tay chớ có giết hại đồng loại
Vì vậy mà Ta nói rằng, Ta đã dừng,
Và bảo ngươi cũng hãy dừng tay!"
25. Sự Nghiệp Giáo Hóa Và Thuyết Pháp Của Đức Phật – Tục Lệ An cư Kiết Hạ
Sự
nghiệp giáo hóa và thuyết pháp của Đức Phật kéo dài 45 năm, từ năm Đức
Phật Thành đạo lúc 35 tuổi cho đến năm tuổi 80, Đức Phật nhập Niết bàn.
Năm này qua năm khác, Đức Phật đi nơi này nơi kia, khi thì đi một mình,
khi thì có đông đảo đệ tử đi theo, thuyết pháp độ sanh, giáo hóa quần
chúng bằng gương sáng cao cả của bản thân, và bằng lời lẽ đầy Trí tuệ.
Chỉ vào mùa mưa, ở Ấn Độ, thông thường giữa tháng 7 và tháng 11, Đức
Phật nghỉ lại trong các Tu viện và thuyết pháp tại chỗ, không đi ra
ngoài. Tục lệ này gọi là An cư kiết hạ, được Tăng ni Phật tử duy trì
liên tục cho đến ngày nay, ở khắp các nước có Phật giáo. Vào mùa An cư
kiết hạ, quần chúng là tín đồ hay không tín đồ, hàng ngày kéo đến đông
đảo tại Tu viện hay công viên, nơi có Đức Phật và Chư Tăng trú ngụ, để
được nghe thuyết pháp, cúng dường Phật và Chư Tăng.
26. Đức Phật Và Vua Pasenadi Xứ Kosala
Như
đã nói trên, trong 45 năm giáo hóa và thuyết pháp độ sanh, Đức Phật
hoặc một mình, hoặc cùng với đông đảo học trò đi lại nhiều nơi ở vùng
trung châu sông Hằng. Nhưng thời gian dài nhất, Đức Phật ở tại Savatthi,
kinh đô của vương quốc Kosala.
Cũng
như Trưởng giả Anathapindika, vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) xứ Kosala là một
thí chủ lớn của Đức Phật và Chư Tăng. Ở Savatthi, ngoài Tinh xá
Jetavana của ông Anathapindika cúng dường Đức Phật, còn có Tu viện
Rajakarama do vua Pasenadi xây cất, để cúng dường Phật và Chư Tăng.
Hoàng
hậu Malika, vợ vua cũng là một tín đồ thuần thành của Đức Phật và khéo
hướng dẫn giúp đỡ vua một cách tốt đẹp trong các vấn đề Tôn giáo. Có
lần, vua nằm thấy liên tiếp 16 cơn mộng bất thường, các Đạo sĩ Ba la môn
ở trong triều nói đó là điềm gở và khuyên vua phải tổ chức tế đàn lớn,
giết nhiều sinh vật để cúng tế thì mới tai qua nạn khỏi. Vua cũng nghe
theo và chuẩn bị tổ chức tế đàn.
Khi
Hoàng hậu Malika biết tin, bà khuyên vua, thay vì tổ chức tế đàn, hãy
yết kiến Phật và hỏi Ngài về ý nghĩa của 16 cơn mộng. Và vua được yên
tâm, sau khi nghe Phật giải thích đầy đủ về 16 cơn mộng bất thường của
vua. Vua bèn thôi không tổ chức tế đàn nữa.
Một
niềm hạnh phúc lớn của vua Pasenadi là được nghe Đức Phật thuyết pháp
nhiều lần. Tương Ưng Bộ Kinh có một chương đặc biệt, có đầu đề "Tương
Ưng Kosala" ghi lại phần lớn các bài thuyết pháp của Đức Phật cho vua
Pasenadi. Sau đây xin trích giới thiệu nội dung vài đoạn trong chương
Kosala Tương Ưng:
a) Đánh giá một người là thế nào không phải là chuyện đơn giản.
Một
lần, vua Pasenadi ngồi bên cạnh Phật, tại lâu đài Migaramatu, thì thấy
có một số du sĩ ngoại đạo đi ngang gần đấy. Người thì bện tóc, người thì
lõa thể, người thì chỉ mặc một y. Vua hỏi Đức Phật là trong số các du
sĩ đó, ai là người đã chứng quả A la hán, ai là người đang trên đường
tiến tới chứng quả A la hán. Đức Phật trả lời là đối với nhà vua đang
sống trong vòng dục lạc, dùng các loại hương chiên đàn từ xứ Kasi, trang
sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, dùng nhiều vàng bạc, thì thật là
khó biết trong số các du sĩ vừa đi qua, ai là A la hán và ai đang trên
con đường tiến tới chứng quả A la hán. Hơn nữa phải cùng sống lâu với
một người, lại phải biết chú ý, xem xét và phải có Trí tuệ, thì mới có
thể biết được người đó có giới hạnh hay không, phải cùng chung một nghề,
mới biết được một người có thanh tịnh hay không, phải qua sự thử thách
của một thời gian bất hạnh mới biết được một người có trung kiên hay
không, phải qua đàm đạo với một người mới biết được người đó có Trí tuệ
hay không. Hơn nữa, phải trải qua một thời gian dài có chú ý, xem xét và
phải có Trí tuệ thì mới có thể đánh giá một con người là thế nào,... Và
cuối cùng Đức Phật khuyên vua xem xét người, không nên chỉ nhìn bộ mặt
bề ngoài, có thể là giả dối che đậy.
b) Đức Phật khuyên coi trọng phụ nữ, ngang hàng với nam giới.
Một
lần, vua Pasenadi, được tin Hoàng hậu Malika hạ sanh con gái, tỏ vẻ
không vui. Đức Phật, biết tâm trạng đó của vua, bèn đọc bài kệ:
"Này nhân chủ ở đời
Có một số thiếu nữ
Có thể tốt đẹp hơn
So sánh với con trai
Có Trí tuệ giới đức
Khiến nhạc mẫu Thánh phục
Rồi sanh được con trai
Là anh hùng, quốc chủ
Người con trai như vậy,
Của người mẹ hiền đức
Thật xứng là Đạo sư
Giáo giới cho toàn quốc.” (Tương Ưng I, 104)
c) Không nên coi thường Tỳ kheo trẻ.
Có
lần vua Pasenadi hỏi vì sao, Đức Phật tuổi còn trẻ và xuất gia chưa bao
lâu, mà chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng giác, là quả Thánh cao nhất
mà nhiều vị Giáo chủ khác, tuy tuổi đời và đạo đều cao hơn Đức Phật,
nhưng thừa nhận rằng mình chưa đạt tới được. Đức Phật trả lời, có bốn
cái trẻ không thể coi thường. Thứ nhất là Sát đế lỵ trẻ (võ tướng trẻ
thuộc đẳng cấp Sát đế lỵ), thứ hai là con rắn trẻ, thứ ba là ngọn lửa
trẻ (mới nhen nhúm lên), và thứ tư là Tỳ kheo trẻ.
Ý
từ Đức Phật là vị võ tướng trẻ có thể chiếm thiên hạ, rắn trẻ có thể cắn
chết người, ngọn lửa trẻ có thể đốt cháy cánh đồng lớn, Tỳ kheo trẻ -
nếu Tinh tấn tu hành - có thể chứng quả Thánh.
d) Chiến thắng nuôi dưỡng hận thù.
Pasenadi,
làm vua xứ Kosala hùng mạnh không tránh khỏi chiến tranh với các nước
láng giềng, đặc biệt là với chính cháu mình là Ajatasattu, vua xứ
Magadha. Có khi vua Pasenadi bại trận, có khi vua Pasenadi chiến thắng,
thậm chí có lần bắt sống được vua Ajatasattu. Vì vua Pasenadi là người
có tâm địa tốt, sùng kính Phật, cho nên khi bắt sống được vua
Ajatasattu, vua chỉ tịch thu toàn bộ binh mã, còn thì tha cho vua
Ajatasattu trở về.
Khi các Tỳ kheo thuật lại chuyện này với Đức Phật. Ngài nói lên hai bài kệ. Bài đầu, khi vua Pasenadi thất trận:
"Thắng trận sinh thù oán
Bại trận nếm khổ đau
Ai bỏ thắng bỏ bại,
Tịch tịnh hưởng an lạc.” (Tương Ưng I, 102)
Bài kệ thứ hai, Đức Phật nói lên khi nghe các Tỳ kheo thuật chuyện vua Pasenadi thắng trận và bắt sống được vua Ajatasattu:
"Vì nghĩ đến tư lợi,
Nên mới cướp hại người
Khi người khác cướp lại,
Bị hại lại hại người
Người ngu nghĩ như vậy,
Khi ác chưa chín muồi
Người ngu chưa khổ đau,
Khi ác đã chín muồi
Người ngu chịu khổ đau,
Sát người, bị người sát
Thắng người, bị người thắng
Mắng người, người mắng lại.
Não người, người não lại
Do nghiệp được diễn tiến
Bị hại, lại hại người.” (Tương Ưng I, 103)
27. Đức Phật Và Nữ Thí Chủ Visakha
Cũng
tại Savathi, Đức Phật còn có thêm một Tinh xá thứ ba nữa, do nữ thí chủ
Visakha xây. Tinh xá gọi là Pubbarama. Đức Phật và Tăng chúng đã trải
qua sáu mùa kiết hạ tại Tinh xá này của bà Visakha. Bà là con gái nhà
triệu phú Dhananjaya, mẹ là Sumanà Devi và ông nội của bà cũng là một
nhà triệu phú tên là Mendaka.
Ngay
từ năm bà lên 7 tuổi, bà được may mắn gặp Đức Phật, khi Đức Phật đến
Bhaddiya, nơi sinh quán của Bà, tại vương quốc Anga. Do có trí thông
minh và đạo đức bẩm sinh, sau khi nghe Phật giảng pháp, mặc dù tuổi còn
nhỏ, bà cũng chứng Sơ quả (Sotapanna).
Bà
có một người chồng giàu có, Punnavadhana, con trai nhà triệu phú Migàra.
Bố chồng vốn là một tín đồ thuần thành của Nigantha Nataputta, vị Giáo
chủ của đạo Jain. Bà đã khéo léo xin được phép mời Đức Phật đến nhà
chồng thụ trai và sau đó, thuyết pháp cho cả gia đình nghe. Bố chồng
cũng nghe nhưng ngồi sau một bức màn. Vào cuối bài thuyết pháp của Đức
Phật, bố chồng Giác ngộ, chứng ngay Sơ quả. Cả gia đình chồng trở thành
một gia đình Phật tử hạnh phúc và thuần thành.
Bà yêu cầu Đức Phật đồng ý cho bà được làm tám việc đối với Tăng chúng như sau:
1. Tặng áo cà sa cho Tăng chúng vào mùa kiết hạ, từ nay cho đến ngày bà qua đời.
2. Cúng dường cho tất cả Tỳ kheo đến Savathi.
3. Cúng dường cho tất cả Tỳ kheo ra khỏi Savathi.
4. Cúng dường thức ăn cho Tỳ kheo ốm.
5. Cúng dường thức ăn cho những ai săn sóc người ốm.
6. Cúng dường thuốc men cho Tỳ kheo ốm.
7. Cúng dường cháo cho Tỳ kheo.
8. Cúng dường áo tắm cho Tỳ kheo ni.
Đức
Phật vui vẻ nhận lời, Đức Phật nhiều lần thuyết pháp cho bà Visakha.
Trong một bài thuyết pháp, Đức Phật có nói tới tám giới cho Phật tử tại
gia nên theo trong những ngày Bố tát (Uposatha) (14). Hiện nay, tám giới
này vẫn được Phật tử theo, trong các ngày Bố tát ở các nước có đạo
Phật.
Bà Visakha là nữ thí chủ lớn nhất của Đức Phật và Tăng chúng, cũng như ông Anathapindika là nam thí chủ lớn nhất.
28. Đức Phật Và Vua Bimbisara
Bimbisara
(Tần Ba Sa La) là vua xứ Magadha, có kinh đô ở thành Rajagaha (Vương
Xá). Vua từng gặp Đức Phật khi Phật mới xuất gia, và yêu cầu Đức Phật
trở lại thăm vương quốc của vua, sau ngày Thành đạo. Giữ đúng lời hứa
cũ, Đức Phật cùng với đông đảo các vị A la hán đệ tử, đi từ Gaya đến thủ
đô Rajagaha, và nghỉ tại đền Suppatittha trong một rừng cây cọ dừa.
Được tin, vua Bimbirasa cùng với quần thần đông đảo đến chào Đức Phật và
Tăng chúng.
Vì
trong số đệ tử đi theo hầu Đức Phật, có Tôn giả Kassapa vốn có uy tín
lớn trong quần chúng ở đây, cho nên nhiều người phân vân không rõ ai là
bậc Đạo sư, Đức Phật hay là Tôn giả Kassapa. Đức Phật biết rõ mối phân
vân đó của quần chúng, bèn hỏi ông Kassapa vì nguyên nhân gì ông bỏ tập
tục tế thần lửa. Ông Kassapa thưa rằng, ông bỏ tập tục tế thần lửa, vì
ông nhận thấy cảnh giới Niết bàn an tịnh, cao quý hơn nhiều so với dục
lạc thế gian. Nói xong ông đảnh lễ Phật và nói: "Đức Thế Tôn là bậc Đạo
sư, con là đệ tử của Ngài.”
Đức
Phật bèn giảng kinh bổn sanh của ông Kassapa cho mọi người nghe, kể
rằng trong một kiếp trước, Đức Phật cũng đã từng độ cho ông Kassapa ở xứ
Narada. Được nghe Phật thuyết pháp, vua Bimbisara chứng ngay Sơ quả.
Hôm sau, vua thết trai tăng ở Hoàng cung, mời Phật và Tăng chúng tham
dự. Sau đó, vua tặng Đức Phật và Tăng chúng công viên Trúc Lâm, trong đó
có đền Con Sóc và Tinh xá Veluvanaràma, nơi đây Đức Phật trải qua 6 mùa
An cư kiết hạ.
Bà
Khema, vợ thứ của vua, sau này xuất gia và cùng với bà Gotami, lãnh đạo
Ni chúng. Còn Hoàng hậu chánh thất của vua là bà Kosala Devi, con gái
vua Pasenadi xứ Kosala. Con bà Kosala Devi là Ajatasattu (A Xà Thế), sau
này cướp ngôi và giết vua cha, đó là do nghiệp quá khứ của vua
Bimbisara quá nặng nề. Nhưng vì vua đã chứng Sơ quả, cho nên cái chết
của vua cũng nhẹ nhàng, đỡ phần bi thảm và sau khi qua đời, vua lập tức
sanh lên cõi trời Lummaharajika với cái tên thiên chủ Janavasabba.
Ajatasattu
sau khi cùng với Devadatta âm mưu giết hại Phật không thành, biết ăn
năn hối lỗi, xin Phật cho quy y và trở thành một Phật tử tại gia hàng
đầu của Đức Phật. Do nghiệp quá khứ nặng nề, cho nên đến lượt ông, ông
cũng bị con ông giết và cướp ngôi.
29. Đức Phật Và Tướng Cướp Angulimala
Một
sự kiện đáng ghi nhớ, đánh dấu năm thứ 20 ngày Thành đạo là Đức Phật
Giác ngộ cho Angulimala, tên tướng cướp khét tiếng hung ác của xứ
Kosala. Tên thật của Angulimala là Ahimsaka (Kẻ vô tội). Cha ông vốn là
một quan chức trong triều vua xứ Kosala. Thời niên thiếu, ông theo học ở
Taxila, là trung tâm học vấn nổi tiếng đương thời ở Bắc Ấn Độ. Ông học
rất giỏi và được Thầy yêu thương nhất trong số các học sinh. Điều không
may là các bạn đồng học ghen tỵ ông, vu cáo ông với Thầy giáo và ông
Thầy giáo cả tin đâm ra căm thù ông, và muốn giết ông bằng cách bắt ông
trả học phí bằng 1000 ngón tay phải của con người. Angulimala phải vâng
lời Thầy, mặc dù rất khổ tâm. Ông bèn rút lui vào rừng Jalini ở Kosala
và bắt đầu giết người để có đủ số ngón tay cần thiết.
Ban
đầu, ông treo các ngón tay người trên cây, nhưng vì các ngón tay bị quạ
mổ ăn, cho nên ông xâu ngón tay người lại thành vòng để đeo nơi cổ; do
đó ông có tên Angulimala (vòng ngón tay). Sách kể rằng, khi ông đã thu
thập được 999 ngón tay, thời Đức Phật xuất hiện. Angulimala rất mừng vì
sắp có đủ số ngón tay cần thiết để nộp cho ông Thầy giáo ác độc,
Angulimala rút gươm, chạy đuổi theo Phật.
Vì
Đức Phật dùng phép thần thông, nên Angulimala càng đuổi nhanh, càng
không bắt kịp được Phật, mặc dù Phật vẫn đi khoan thai từ từ. Cuối cùng,
thở hỗn hển và ướt đẫm mồ hôi, Angulimala đứng lại và gọi: "Này Tu sĩ,
hãy dừng chân.” Đức Phật nói bằng giọng từ tốn: "Mặc dù ta đang đi,
nhưng ta đã dừng chân. Còn nhà ngươi đã dừng chân hay chưa?"
Angulimala
không hiểu ý tứ câu nói của Đức Phật như thế nào? Bởi vì Đức Phật đang
đi, lại nói là đã dừng chân. Còn Angulimala đã dừng chân rồi, thì Phật
lại bảo "Hãy dừng chân!" Angulimala hỏi Phật và được Phật giải thích như
sau:
"Đúng là ta đã dừng mãi mãi, này Angulimala,
Không còn bao giờ dùng bạo lực với chúng sanh.
Còn nhà ngươi, hãy dừng tay chớ có giết hại đồng loại
Vì vậy mà Ta nói rằng, Ta đã dừng,
Và bảo ngươi cũng hãy dừng tay!"
Nghiệp
thiện ngày xưa của Angulimala tác động vào tư tưởng của ông, và ông
biết rằng, ông đang đứng trước mặt Đức Phật Thích Ca, Ngài đã vì lòng
thương xót ông mà đến cứu ông ra khỏi vòng tội lỗi. Ông vứt gươm xuống
đất, xin Đức Phật cho ông được xuất gia làm Tăng. Đức Phật chỉ nói một
câu đơn giản: "Ehi Bikkhu" (Hãy đến! Tỳ kheo).
Thế
nhưng, mặc dù xuất gia, tinh thần của Tỳ kheo Angulimala vẫn không được
yên ổn. Thường xuyên, ông bị ám ảnh bởi tiếng kêu khóc của những người
ông đã sát hại. Một hôm, đi khất thực, ông bị quần chúng đuổi đánh, ném
đá, ông trở về Tu viện, lỗ đầu, chảy máu. Đức Phật giải thích cho
Angulimala biết, đó là Angulimala trả nợ nghiệp ác cũ của mình.
Một
ngày, Angulimala đi khất thực, gặp một người đàn bà trở dạ, khó sanh và
đang vô cùng đau đớn. Không biết làm sao được, Angulimala trở về hỏi
Đức Phật. Đức Phật bày cho Angulimala đem lời sau đây nói với người đàn
bà:
"Này
bà chị, từ khi tôi sanh trở lại trong hàng Thánh chúng, tôi không có
giết hại bất cứ một loại hữu tình nào. Cầu mong lời nói thật này giúp
cho bà chị được khỏi đau đớn, con của bà chị được sanh nở an toàn.”
Angulimala
học thuộc lời Đức Phật, và đến nói với người đàn bà đau đớn, khó sanh.
Lập tức, người đàn bà hết đau, và hạ sanh đứa con dễ dàng. Lời này của
Đức Phật được gọi là Angulimala Paritta. Ngày nay, ở các xứ Phật giáo
Nam phương, người ta vẫn có tập tục đọc lời Angulimala Paritta để làm
dịu cơn đau đẻ của phụ nữ.
Sau này, Angulimala chứng quả A la hán.
30. Đức Phật Và Kỹ Nữ Ambapali
Ambapali
là người kỹ nữ nổi danh tài sắc của Thành phố Vesali. Trên đường đi
Kusinara, để nhập Niết bàn, Đức Phật dừng lại Vesali, và nghỉ ở vườn
xoài của Ambapali. Được tin, Ambapali đến chào Đức Phật, và trân trọng
mời Đức Phật và chúng Tăng đến dùng tiệc trai ngày mai tại nhà bà. Đức
Phật nhận lời, và từ chối lời mời của hàng quý tộc Licchavi. Họ hứa trả
bà Ambapali một số tiền rất lớn, để bà nhường lại cho quý tộc Licchavi
đặc ân được thiết cơm Phật và chúng Tăng nhưng bà từ chối và hôm sau, y
lời hẹn, Đức Phật và chúng Tăng đến với nhà bà Ambapali dùng tiệc trai.
Sau bữa tiệc, Ambapali kính tặng Đức Phật và chúng Tăng vườn xoài to lớn
của bà để làm Tinh xá. Sau này, Ambapali cũng xuất gia và chứng quả A
la hán.
Hai
sự kiện Angulimala và Ambapali cho thấy, cửa Đạo Từ Bi mở rộng cho tất
cả mọi người, không phân biệt giàu sang, nghèo hèn và đẳng cấp xã hội.
Một tướng cướp như Angulimala, một dâm nữ như Ambapali, nếu thành tâm
hối lỗi, cũng có thể xuất gia, Tinh tấn tu học và chứng Thánh quả cao
nhất. Một lòng tin thuần thành, và một nỗ lực lớn nhất: đó là điều kiện
cơ bản để đi vào đạo Thánh và trở thành bậc Thánh trên thế giới này. Đạo
Phật không đòi hỏi một điều kiện nào khác.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment