"Giúp một người sắp chết giống
như đưa ra một bàn tay để đỡ người sắp té. Nhờ sức mạnh, sự bình an, sự
chú ý sâu xa đầy bi mẫn của bạn, mà bạn có thể giúp họ đánh thức sức mạnh
nơi chính họ..."
The Tibetan Book Of Living And
Dying
Sogyal Rinpoche
PHẦN HAI: CHẾT
13-
Giúp đỡ tinh thần cho người sắp chết
Tôi đến Tây
phương đầu tiên vào đầu thập niên 1970, và điều đã làm tôi khó chịu nhất,
và hiện nay vẫn còn khó chịu, là hầu như thiếu hẳn sự giúp đỡ tinh thần
cho người hấp hối hiện nay trong nền văn minh tân tiến. Ở Tây Tạng, như
tôi đã nói, mỗi người đều có vài hiểu biết về những sự thật cao siêu của
đạo Phật, và vài liên hệ với một bậc thầy. Không ai chết mà bị cộng đồng
của họ bỏ rơi, trên phương diện thiển cận cũng như sâu xa. Người ta đã kể
cho tôi nghe nhiều chuyện về người chết ở Tây phương bị bỏ rơi, buồn khổ,
vỡ mộng, không một nâng đỡ tinh thần nào. Một trong những động lực thúc
đẩy tôi viết sách này là muốn trải đến tất cả mọi người (Tây phương) sự
minh triết của Tây Tạng, có thể hàn gắn sự thiếu sót ấy. Phải chăng tất cả
chúng ta đều có quyền lúc chết không những xác ta được đối xử với niềm
kính trọng, mà còn quan trọng hơn nữa là tâm thức chúng ta ? Phải chăng
một trong những quyền chính của bất cứ xã hội văn minh nào, là để cho mỗi
người trong đó đều có quyền được chết trong sự săn sóc phần tâm linh một
cách toàn hảo nhất ? Có phải chúng ta chỉ thực sự văn minh khi điều này
trở thành một tiêu chuẩn được chấp nhận ? Có nghĩa gì các nền kỹ thuật đưa
người lên cung trăng, khi mà ta không biết cách nào giúp đồng loại mình
chết có tư cách và hy vọng ?
Sự săn sóc tâm linh
không chỉ là một xa xỉ phẩm dành cho thiểu số, nó là quyền thiết yếu của
mỗi người, cũng thiết yếu như quyền chính trị, y tế và bình đẳng trong cơ
hội. Một lý tưởng dân chủ thực sự phải bao gồm sự săn sóc tâm linh có thể
thừa nhận đối với mọi người, kể như một trong những sự thật thiết yếu nhất
của nó.
Bất cứ ở đâu tôi đến
tại Tây phương, tôi đều kinh ngạc trước nỗi đau khổ tinh thần lớn lao do
sự sợ chết phát sinh, dù họ có chấp nhận nỗi sợ ấy hay không. Thật là một
điều an tâm biết bao cho người ta, nếu họ biết rằng khi nằm xuống chết họ
sẽ được săn sóc với niềm yêu thương có trí tuệ. Nền văn hóa chúng ta hiện
nay thực nhẫn tâm trong sự khôn khéo của nó, sự phủ nhận mọi giá trị tâm
linh của nó, đến nỗi con người ta mỗi khi đối diện với cơn bệnh nan y thì
cảm thấy kinh hoàng như họ sắp bị vứt đi như một món hàng vô dụng. Ở Tây
Tạng, phản ứng tự nhiên là cầu nguyện cho người sắp chết và săn sóc tâm
linh cho họ. Còn ở phương Tây, sự lưu ý duy nhất về tâm linh mà đa số
người đem lại cho người chết chỉ là đi đưa đám ma.
Quả vậy, trong thế
giới Tây phương vào cái thời điểm đau đớn nhất của người hấp hối, họ
thường bị bỏ rơi, hoàn toàn không được một nâng đỡ hay một tuệ giác nào để
giúp họ. Ðấy là một thực trạng bi đát sỉ nhục, cần phải thay đổi. Tất cả
những tự hào về uy lực và thành công của nhân loại tân thời sẽ là rỗng
tuếch, khi mà mọi người chưa được chết trong một mức độ an bình nào đó,
khi chưa có ít nhất một vài nỗ lực để đảm bảo khả năng ấy.
Bên cạnh tử sàng
Một người bạn tôi,
mới tốt nghiệp một trường y khoa nổi tiếng, khởi sự phục vụ trong một bệnh
viện lớn ở Luân Ðôn. Vào ngày đầu của phiên cô ta trực, có bốn năm người
bệnh chết. Ðấy là một cú sốc kinh khủng đối với cô, vì không có một điều
gì cô đã học có thể giúp cô đối phó thực tại ấy. Có phải đáng ngạc nhiên
không, khi xét rằng cô đã được huấn luyện để làm một bác sĩ ? Một ông già
nằm trên giường, mắt trợn trừng nhìn lên vách. Ông ta chỉ có một mình,
không có gia đình bè bạn nào đến thăm viếng cả, và ông mong mỏi có được
một người nào để nói chuyện. Cô đi đến nơi ông. Ðôi mắt ông đẫm lệ, giọng
run run, ông hỏi cô ta một câu mà cô không ngờ : “Bà có nghĩ rằng Thượng
đế sẽ tha tội cho tôi không ?” . Bạn tôi không biết phải trả lời như thế
nào ; thời gian học tập y khoa hoàn toàn không chuẩn bị cho cô những vấn
đề tâm linh. Cô không có gì để nói, tất cả gì cô có bên trong chỉ là nghề
nghiệp y khoa của cô. Không có nhà nguyện ở gần, và cô cứ đứng đấy, tê
liệt, không thể trả lời sự kêu cứu tuyệt vọng của con bệnh, đang van xin
một lời bảo đảm về ý nghĩa cuộc đời.
Cô hỏi tôi trong
ngạc nhiên đau đớn : “Ngài làm được gì trong hoàn cảnh ấy ?” . Tôi nói,
tôi sẽ ngồi bên cạnh ông, cầm tay ông và để cho ông nói. Tôi vẫn thường
kinh ngạc nhiều lần khi thấy - nếu bạn cứ để cho người ta thổ lộ, nếu bạn
chú ý lắng nghe với tâm từ mẫn - họ có thể nói những lời có chiều sâu tâm
linh lạ lùng, dù cho họ nghĩ là họ không tin tôn giáo nào cả. Mỗi người
đều có tuệ giác của riêng họ về đời sống, nên khi bạn để cho họ nói, là
bạn làm cho tuệ giác ấy hiển lộ. Tôi vẫn thường xúc động khi thấy được
rằng, ta có thể giúp người khác “tự cứu mình” bằng cách ta giúp họ khám
phá sự thật trong chính họ, một sự thật mà có thể họ chưa từng biết nó
phong phú, ngọt ngào, sâu xa đến mức nào. Suối nguồn của sự lành mạnh và
tuệ giác vốn ẩn sâu trong mỗi chúng ta, và công việc của bạn tuyệt nhiên
không phải là áp đặt niềm tin của bạn, mà chính là giúp họ có thể tìm thấy
suối nguồn của tuệ giác ấy trong chính họ.
Khi ngồi bên cạnh
người sắp chết, bạn hãy tin rằng bạn đang ngồi bên cạnh một người có tiềm
năng thực sự để thành Phật. Hãy tưởng tượng Phật tính họ như một tấm gương
sáng vô cấu, và tất cả đau đớn lo sợ của họ chỉ như sương mù mỏng manh
trên mặt gương, có thể nhanh chóng dẹp bỏ. Ðiều này sẽ giúp bạn nhìn thấy
họ rất dễ thương, đáng tha thứ, và giúp bạn rút ra tình yêu vô điều kiện
của bạn. Bạn sẽ thấy thái độ này làm cho người sắp chết mở lòng ra với
bạn. Thầy Dudjom Rinpoche tôi thường bảo : Giúp một người sắp chết giống
như đưa ra một bàn tay để đỡ người sắp té. Nhờ sức mạnh, sự bình an, sự
chú ý sâu xa đầy bi mẫn của bạn, mà bạn có thể giúp họ đánh thức sức mạnh
nơi chính họ. Tính chất sự hiện diện của bạn vào cái lúc dễ tổn thương
nhất, gay cấn nhất ấy thực vô cùng quan trọng. Cicely Saunders viết :
“Người sắp chết đã rũ bỏ những mặt nạ và những nông cạn của sự sống hàng
ngày, và chính vì vậy mà họ cởi mở hơn, nhạy cảm hơn. Họ thấy rõ mọi sự
giả dối. Tôi nhớ một người đã nói : “Không, xin đừng đọc. Tôi chỉ cần
những gì ở trong trí bạn, trong tim bạn mà thôi” .
Tôi chưa bao giờ đến
bên giường người sắp chết mà trước đấy không nhúng mình vào bầu không khí
thiêng liêng của tự tánh tâm. Khi ấy tôi không cần phải vất vả để có được
tâm đại bi và sự chân thực, vì những tính này đã có ở trong đấy, chiếu
sáng một cách tự nhiên.
Cần nhớ rằng bạn
không thể làm gì để gây cảm hứng cho người trước mặt bạn, nếu chính bạn
không có cảm hứng từ trong tâm bạn. Bởi vậy, khi nào bạn không biết phải
làm gì, không biết làm sao để giúp đỡ, thì hãy cầu nguyện và thiền quán,
triệu thỉnh Phật hay bất cứ năng lực thiêng liêng nào bạn tin. Mỗi khi gặp
người nào đang trải qua nỗi thống khổ ghê gớm, tôi lại tha thiết cầu khẩn
sự giúp đỡ của chư Phật và thánh chúng, với tim tôi hoàn toàn mở về hướng
người sắp chết, tràn đầy bi mẫn đối với nỗi đau của họ. Thu hết năng lực
của lòng sùng kính tin tưởng, tôi quán hình ảnh các ngài đầy ánh sáng đang
ở trên đầu người sắp chết, từ bi nhìn xuống họ và chan hòa ánh sáng ân
sủng lên họ, thanh lọc ác nghiệp họ trong quá khứ và nỗi đau đớn trong
hiện tại. Tôi lại cầu nguyện cho người ấy không còn khổ nữa, được giải
thoát bình an.
Tôi làm việc ấy với
sự tập trung nghiêm cẩn, rồi an trú trong tự tính tâm, để cho sự bình an
và ánh sáng của tự tính lan khắp không khí trong phòng. Tôi đã nhiều lần
cảm thấy úy phục bởi cảm giác có một hiện hữu thiêng liêng đang ở đấy một
cách tự nhiên và ảnh hưởng đến người sắp chết.
Tôi lại nói điều
này, có lẽ sẽ làm bạn ngạc nhiên : có thể có đầy cảm hứng trong sự chết.
Trong kinh nghiệm tôi có với những người sắp chết, tôi đã thấy rằng tôi
phải kinh ngạc khi thấy sự cầu nguyện, triệu thỉnh của tôi đã làm thay đổi
bầu không khí, khiến cho đức tin của tôi tăng trưởng sâu xa khi thấy hiệu
lực của sự cầu nguyện và hiện hữu của chư Phật. Nhờ ở cạnh người sắp chết
mà tự tu tập của tôi càng có năng lực lớn hơn.
Ðôi khi những người
sắp chết cũng cảm nhận được bầu không khí đầy cảm ứng đạo giao ấy, và lấy
làm tri ân vì đã tạo cơ hội cho cả hai chúng tôi cùng đạt đến một giây
phút thực sự gây cảm khái và hoán cải.
Ðem lại hy vọng và
tìm sự tha thứ
Tôi muốn nêu lên hai
điểm trong việc giúp đỡ tinh thần người hấp hối : đem lại hy vọng, và tìm
thấy sự tha thứ.
Khi gần người sắp
chết, luôn luôn bạn chỉ nên giữ lấy những gì họ đã thành tựu được, những
thành công của họ. Giúp họ cảm thấy họ đã sống một đời hữu ích và hạnh
phúc, càng nhiều càng tốt. Tập trung vào đức tính của họ, chứ không tập
trung vào lỗi lầm của họ. Người sắp chết thường rất nhạy cảm về tội lỗi,
hối hận, buồn nản, hãy để họ trút hết tất cả ra, lắng nghe và công nhận
những gì họ nói. Ðồng thời, lúc thích hợp, hãy nhớ nhắc họ Phật tính của
họ, và khuyên họ cố an trú tự tính nhờ thiền định. Nhất là nhắc họ nhớ :
đau đớn khổ sở không phải là cả cuộc đời họ. Tìm cách nào hiệu quả nhất,
để gợi cảm hứng cho họ, gây cho họ niềm hy vọng. Nhờ vậy, họ có thể chết
với tâm an lạc thay vì cứ nhớ tới lỗi lầm của mình.
Với người la lên một
câu : “Bạn có nghĩ Thượng đế sẽ tha tội cho tôi chăng ?”, tôi sẽ nói : “Sự
tha thứ đã có sẵn trong bản chất của Thượng đế. Thượng đế đã tha cho bạn
rồi, vì Thượng đế chính là sự tha thứ. Lầm lạc là con người, tha thứ là
Thượng đế. Nhưng bạn có thể tha thứ cho bạn không ? Ðó mới thực là vấn đề.
“Chính cái cảm tưởng
không được tha thứ và không thể tha thứ đã làm cho bạn đau khổ. Nhưng cảm
tưởng ấy chỉ có trong tâm trí bạn. Bạn chưa đọc về một vài kinh nghiệm cận
tử nói có một ánh hào quang vàng rực chiếu đến toàn là sự tha thứ sao ? Và
thông thường có câu rằng : chỉ có chúng ta tự phê phán chúng ta mà thôi.
Muốn giải tỏa tội lỗi bạn, hãy xin thanh lọc từ tận đáy tim bạn. Nếu bạn
thực sự xin sám hối và trải qua sự thanh lọc ấy, thì sự tha thứ đã có ở
đấy rồi. Thượng đế sẽ tha thứ bạn, hệt như người cha tha thứ cho đứa con
hoang đàng trong ẩn dụ đẹp đẽ của Ki-tô giáo. Muốn giúp bạn tự tha thứ cho
bạn, thì hãy nhớ lại những việc tốt bạn đã làm, hãy tha thứ cho mọi người
khác trong đời bạn, và xin lỗi bất cứ người nào mà bạn đã làm hại” .
Không phải ai cũng
tin vào một tôn giáo, nhưng hầu như ai cũng tin vào sự tha thứ. Bạn có thể
giúp người sắp chết rất nhiều bằng cách cho họ thấy thời gian cận tử là
lúc để tha thứ và giảng hòa.
Hãy khuyên họ hòa
giải với bạn bè thân quyến, dọn sạch cõi lòng để đừng giữ lại dấu vết nào
của sự sân giận hay oán ghét. Nếu họ không thể gặp người mà họ có vấn đề,
thì hãy gợi ý họ điện thoại hay nói vào máy ghi âm cho người ấy, hay viết
một bức thư để xin tha thứ. Nếu họ ngờ vực người kia không tha thứ được,
thì ta không nên khuyên họ chạm mặt trực tiếp với người kia ; vì một phản
ứng tiêu cực chỉ làm tăng thêm nỗi buồn khổ của họ. Ðôi lúc người ta cần
thời gian để tha thứ. Hãy nói họ để lại một bức thư xin lỗi, để ít nhất họ
có thể chết trong khi biết mình đã làm hết sức mình, có thể giải tỏa sự
gay cấn giận hờn khỏi trái tim họ. Nhiều lúc tôi đã thấy những người trái
tim cứng lại vì tự giận và vì mặc cảm phạm tội, cuối cùng chỉ nhờ một hành
vi xin lỗi mà đã có được một năng lực và sự bình an không ngờ.
Tất cả mọi tôn giáo
đều nhấn mạnh năng lực của tha thứ, và năng lực này không bao giờ cần
thiết và được cảm thụ một cách sâu xa cho bằng lúc người sắp chết nhờ tha
thứ và được tha thứ, mà đã thanh lọc mình khỏi màn hắc ám và chuẩn bị một
cách trọn vẹn cho cuộc hành trình đi qua cái chết.
Tìm một pháp tu
Nếu người thân bạn
đang chết đã quen với một lối thiền định nào đó, thì bạn hãy khuyên y an
trú trong thiền ấy càng nhiều càng tốt, và hãy nhập thiền định với họ khi
cái chết đến gần. Nếu người sắp chết sẵn sàng chấp nhận một pháp tu, bạn
hãy giúp họ tìm một pháp tu thích hợp, giản dị, và cùng thực tập với họ
càng thường xuyên càng tốt, và nhẹ nhàng nhắc cho họ thực tập pháp ấy khi
cái chết đến gần.
Bạn cần phải phong
phú, sáng tạo trong cách giúp đỡ, vào cái lúc cao điểm này, vì rất nhiều
chuyện lệ thuộc vào đấy. Toàn thể bầu không khí chết chóc có thể được
chuyển hóa nếu người ta tìm được một pháp tu mà họ có thể làm hết mình,
trước và trong khi họ chết. Có rất nhiều phương diện của sự tu tập tâm
linh, bạn phải sử dụng tính mẫn cảm của bạn để tìm ra phương diện liên hệ
tới họ nhiều nhất : hoặc tha thứ (sám hối), hoặc thanh luyện, hoặc hiến
dâng, hoặc cảm thấy hiện diện của ánh sáng và tình yêu. Khi bạn giúp họ
khởi sự tu tập, hãy tha thiết cầu nguyện cho họ tập luyện thành công,
nguyện cho họ có mọi năng lực và đức tin để theo con đường họ chọn. Tôi đã
biết có những người ngay cả khi gần chết, đã làm được sự tiến bộ tâm linh
rõ rệt nhờ sử dụng một câu chú, một bài kinh hay một sự quán tưởng đơn
giản, nhờ vào đó họ đã thực sự liên lạc được với cái tâm của họ.
Stephen Levine kể
cho tôi câu chuyện về một phụ nữ chết vì bệnh ung thư. Bà cảm thấy chới
với vì đã bỏ nhà thờ, mặc dù bà sùng kính Chúa Giê-su. Stephen cùng bà ta
cố tìm cách nào để bà có thể lấy lại được sức mạnh của lòng tin và sự sùng
kính ấy. Bà nhận ra rằng cái điều có thể giúp bà tái lập quan hệ với Chúa
để tìm được một ít bình an, tin tưởng trong lúc chết, là liên tục nhẩm lời
cầu nguyện : “Xin Chúa Ki-tô hãy thương xót con” . Sự đọc lời nguyện này
đã mở lòng bà, làm cho bà khởi sự cảm thấy sự hiện diện của Chúa ở bên bà
mãi mãi.
Pháp chuyển di tâm
thức “Phowa”
Pháp tu có giá trị
nhất, hiệu lực nhất mà tôi tìm thấy trong lúc săn sóc người hấp hối, là
pháp chuyển di tâm thức, Tạng ngữ là phowa. Rất nhiều người hăng
hái theo pháp này.
Pháp chuyển di tâm
này đã được thực hiện bởi những bạn bè thân quyến hay thầy (của người
chết) ở khắp nơi trên thế giới - Úc, Mỹ và AÂu châu. Nhờ năng lực của nó
mà hàng ngàn người đã có cơ hội để chết một cách thanh thản. Tôi lấy làm
hoan hỷ khi đem trái tim của sự thực hành “chuyển di” này đến cho bất cứ
ai cần dùng.
Tôi muốn nhấn mạnh,
pháp tu này ai làm cũng được. Nó rất giản dị, nhưng cũng là pháp tu cốt
yếu nhất mà ta có thể làm để tự chuẩn bị cái chết cho ta. Và đây là phần
thực tập chính thức mà tôi đã dạy cho học trò để giúp người bạn sắp chết
của họ, hoặc những bà con thân quyến đã chết.
Thực tập một :
Trước hết, ngồi
thoải mái theo thế ngồi thiền. Nếu bạn làm thực tập này lúc bạn gần chết,
thì có thể ngồi kiểu nào thuận tiện cho bạn, hoặc nằm mà tập.
Rồi đưa tâm bạn về
nhà, buông xả, thư giãn hoàn toàn.
1- Trong bầu trời
trước mặt, bạn hãy triệu thỉnh biểu tượng của chân lý mà bạn tin, dưới
dạng ánh sáng tỏa chiếu. Hãy chọn hình ảnh vị Phật hay thần thánh nào bạn
thích. Nếu bạn không có liên hệ đặc biệt với một hình ảnh nào cả, thì chỉ
tưởng tượng một ánh sáng vàng ròng trong nền trời trước mặt. Ðiểm quan
trọng là bạn xem đấy là biểu tượng của chân lý, trí tuệ và từ bi của tất
cả chư Phật, thánh chúng, các bậc thầy, các bậc đã giác ngộ. Ðừng lo nếu
bạn không quán ra hình ảnh được một cách rõ ràng. Chỉ cần bạn làm tràn
ngập tim mình với sự hiện diện của Phật, và tin rằng Phật đang ở đấy
2- Rồi tập trung
tâm, trí, hồn của bạn vào hiện diện mà bạn đã triệu thỉnh, và cầu nguyện
như sau :
Nhờ ân sủng, sự dìu dắt, năng lực ánh sáng tuôn phát từ nơi ngài.
Xin cho tất cả ác nghiệp của con, phiền não nghiệp chướng đều được tịnh
trừ.
Xin cho con tự biết đã được tha thứ về tất cả điều hại mà con đã nghĩ
và làm.
Xin cho con hoàn tất phép chuyển di sâu xa này, để chết một cái chết an
ổn.
Và qua sự chết vinh quang của con, mong con có thể lợi lạc tất cả hữu
tình sống hay chết.
3- Bây giờ, hãy
tưởng tượng sự hiện diện ánh sáng mà bạn đã triệu thỉnh - do lời cầu
nguyện chân thành tha thiết của bạn - liền đáp ứng bằng một nụ cười âu yếm
và gởi đến bạn lòng từ bi trong một luồng ánh sáng từ trái tim vị ấy chiếu
ra. Khi ánh sáng này chạm tới bạn, vào trong bản thể bạn, thì bao nhiêu ác
nghiệp phiền não chướng ngại của bạn, nguyên nhân đau khổ đều được tịnh
hóa. Bạn thấy và cảm nhận rằng bạn hoàn toàn chìm ngập trong ánh sáng ân
sủng ấy.
4- Bây giờ bạn đã
được tịnh hóa, hoàn toàn được chữa lành những đau khổ, nhờ ánh sáng ấy.
Hãy xem như chính thân thể do nghiệp sanh của bạn, bây giờ bỗng tan rã
hoàn toàn thành ánh sáng.
5- Cái thân bằng áng
sáng của bạn bây giờ bay lên hư không và tan hòa trong sự hiện diện của
ánh sáng ân sủng trên kia, thành một nhất thể bất khả phân.
6- An trú trong
trạng thái nhất thể ấy càng lâu càng tốt.
Thực tập hai :
1- Muốn thực tập
pháp này cách giản dị hơn, hãy bắt đầu như trên, bằng cách nghỉ ngơi yên
tĩnh, rồi triệu thỉnh sự hiện diện của chân lý.
2- Tưởng tượng tâm
thức của bạn như một trái cầu sáng ở tim, chiếu ra như một vì sao băng, và
bay vào tim của sự hiện diện trước mặt bạn.
3- Trái cầu sáng ấy
tan ra và hòa nhập với hiện diện ấy.
Qua sự luyện tập
này, bạn đặt tâm bạn vào tâm giác ngộ của Phật. Dilgo Khientse Rinpoche
nói rằng giống như ném một hòn sỏi vào hồ, nghĩ đến hòn sỏi chìm xuống
càng lúc càng sâu. Quán tưởng rằng nhờ ân sủng đó, tâm bạn được chuyển hóa
thành tâm giác ngộ của Phật.
Thực tập ba :
Phương pháp cốt yếu
nhất để tập luyện phép này như sau : chỉ việc hòa tâm bạn vào tâm giác ngộ
của hiện diện thuần khiết. Hãy quán : “Tâm con và tâm Phật là một” .
Bạn hãy chọn bất cứ
phương pháp nào trong các pháp trên, mà bạn thấy thuận tiện ; hoặc pháp
nào hấp dẫn bạn nhất vào một lúc đặc biệt nào đó. Ðôi khi pháp môn hiệu
nghiệm nhất có thể lại là pháp môn đơn giản nhất. Nhưng dù chọn cách nào,
điều cốt yếu vẫn là bạn cần thời gian tập luyện cho thuần thục. Còn cách
nào khác để bạn có được niềm tin cậy mà làm phép Chuyển di cho chính bạn
hay người khác vào lúc chết ? Thầy tôi, Jamyang Khientse Rinpoche nói :
“Nếu bạn thiền định và tập theo cách ấy luôn luôn thì vào lúc chết, nó sẽ
xảy đến một cách dễ dàng”.
Quả thế, bạn cần
phải quen thuộc với phép Chuyển di này để cho nó thành một phản xạ tự
nhiên, bản tính thứ hai của bạn. Nếu bạn đã xem phim Gandhi, bạn sẽ thấy
khi bị bắn, phản ứng lập tức của ngài là kêu lên “Ram... Ram !” (Thượng đế
của Ấn giáo). Hãy nhớ, chúng ta không bao giờ biết được khi nào thì mình
chết, hoặc biết mình có thời giờ mà nhớ lại pháp môn nào không. Ta sẽ có
bao nhiêu thời giò, chẳng hạn, nếu ta tông chiếc xe hơi của mình vào một
xe cam-nhông đang chạy hết tốc lực trên xa lộ ? Khi ấy sẽ không có một
giây nào để nghĩ cách nào làm phép Chuyển di, hoặc để xem lại những xách
chỉ dẫn trong sách này. Hoặc chúng ta đã thuần thục phép Chuyển di, hoặc
là không. Có một cách đơn giản để đo lường điều này : hãy xem phản ứng của
bạn khi gặp hoàn cảnh khủng hoảng, hoặc trong một phút kinh hoàng như động
đất, hay ác mộng. Bạn có phản ứng bằng phép Chuyển di hay không ? Nếu có,
bạn làm với mức độ tin tưởng thế nào, vững vàng thế nào ?
Tôi nhớ một học trò
tôi ở Mỹ, có lần cỡi ngựa đi chơi. Con ngựa hất nàng xuống, bàn chân nàng
mắc vào sợi dây cương, và nàng bị kéo xềnh xệch trên đường. Tâm trí nàng
trống rỗng, nàng cố một cách vô vọng để nhớ lại vài pháp môn nhưng không
nhớ được một tí gì. Nàng đâm ra kinh hoàng thất sắc. Một điều tốt về nỗi
hoảng sợ này là, nó làm cho nàng nhận chân rằng sự tập luyện cần phải trở
thành bản tính thứ hai của mình mới được. Ðây là bài học của nàng phải
học, quả thế, là bài học mà tất cả chúng ta phải học. Hãy thực tập Chuyển
di càng nhiều càng tốt, cho đến khi bạn bảo đảm có thể phản ứng lại bất cứ
biến cố bất ngờ nào, bằng pháp môn ấy. Ðiều ấy sẽ bảo đảm rằng khi cái
chết xảy đến, bạn sẽ sẵn sàng.
Dùng pháp Chuyển di
để giúp người sắp chết
Làm sao chúng ta sử
dụng pháp này để giúp một người sắp chết ?
Nguyên tắc và thứ tự
của sự tập luyện cũng giống như đã nói ; chỉ khác là bạn quán hình ảnh
Phật ở trên đầu người sắp chết. Tưởng tượng những tia sáng trút xuống
người hấp hối, tịnh hóa bản thể họ, và người ấy đang tan thành ánh sáng,
nhập vào ánh sáng của Phật.
Làm pháp này suốt
thời gian người thân của bạn bị bệnh, nhất là vào lúc họ thở hơi cuối
cùng, hoặc vừa khi ngưng thở, trước khi thân thể họ bị động tới bằng cách
nào đó. Nếu người hấp hối biết bạn sắp làm phép ấy cho họ, và đã biết qua
pháp môn này, thì điều ấy có thể đem lại cho họ một nguồn cảm hứng và an
ủi lớn lao.
Hãy ngồi yên tĩnh
với người hấp hối, thắp đèn sáng trước một hình ảnh Phật, rồi luyện pháp
Chuyển di này cho họ. Bạn có thể tập luyện trong lặng lẽ, không cần người
kia biết ; trái lại nếu người kia sẵn sàng - như phần đông người sắp chết
- thì bạn chỉ cho họ cách quán tưởng và cùng làm với họ.
Người ta thường hỏi
: “Nếu người bà con đang hấp hối của tôi là một người thực hành Ki-tô
giáo, còn tôi là Phật tử, thì có mâu thuẩn gì không ?” . Làm sao có mâu
thuẩn được ? Bạn đang triệu thỉnh chân lý, và Chúa hay Phật đều là hiện
thân đầy từ bi của chân lý, xuất hiện cách cách khác nhau để giúp đỡ con
người.
Tôi cực lực đề nghị
các bác sĩ, y tá cũng nên tập pháp Chuyển di cho những bệnh nhân đang hấp
hối của họ. Hãy tưởng tượng điều ấy sẽ thay đổi bầu không khí trong bệnh
viện một cách kỳ diệu thế nào, nếu những người chữa trị cho người hấp hối
cũng làm pháp Chuyển di này. Tôi nhớ cái chết của thầy Samten lúc tôi còn
bé, hồi đó thầy tôi và các tu sĩ đều giúp ông. Thật là mãnh liệt, nhẹ
nhàng làm sao ! Ðiều tôi mong mỏi nhất là ai cũng chết được với niềm bình
an và ân sủng như thầy Samten.
*
Tôi đã soạn pháp
Chuyển di vắn tắt này từ pháp truyền thống đặc biệt của Tây Tạng dành cho
người sắp chết. Nó bao gồm tất cả những nguyên tắc quan trọng nhất. Không
những nó chỉ là một pháp luyện tập cho người sắp chết, mà còn có thể dùng
để tịnh hóa và chữa lành ; nó còn quan trọng đối với người đang sống và
người bệnh nữa. Nếu người ốm khỏi bệnh, thì pháp này giúp cho khỏi bệnh ;
nếu người ấy chết thì pháp này sẽ giúp chữa lành tâm hồn họ trong khi chết
; nếu người ấy đã chết, thì nó vẫn tiếp tục tịnh hóa người sống cũng như
người chết.
Nếu bạn không chắc
người bệnh nặng có qua khỏi hay sẽ chết, thì mỗi khi đi thăm, hãy làm pháp
này cho họ, và khi về nhà lại làm nữa. Càng làm nhiều lần, thì người sắp
chết càng được tịnh hóa. Bạn không bao giờ biết mình có gặp lại họ không,
hoặc có hiện diện khi họ chết hay không, bởi thế mỗi lần viếng thăm, bạn
nên kết thúc bằng pháp Chuyển di này để chuẩn bị và tiếp tục làm lúc bạn
rảnh rỗi.
Cống hiến cái chết
của chúng ta
Trích từ Tử thư Tây
Tạng :
“Này thiện nam, nay
cái gọi là “chết” đã đến, vậy ngươi hãy có thái độ này : Tôi đã tới thời
chết. Bây giờ, qua cái chết này, tôi sẽ giữ thái độ của tâm đã giác ngộ mà
thôi, đó là từ và bi, và sẽ đạt giác ngộ hoàn toàn vì lợi lạc cho tất cả
hữu tình nhiều vô lượng như không gian...”
Gần đây, một học trò
tôi đến nói với tôi : “Bạn tôi mới có 25 tuổi đang đau đớn và sắp chết vì
bệnh ung thư máu. Y đã đâm ra cay đắng kinh khủng, và tôi sợ y sẽ bị
chết đuối trong nỗi cay đắng. Y cứ hỏi tôi : “Tôi có thể làm gì với
tất cả nỗi khổ đau kinh khủng, vô ích này ?”.
Tim tôi hướng về cô
và người bạn cô. Có lẽ không gì đau khổ bằng thấy mình chịu khổ đau một
cách vô ích. Tôi bảo cô học trò tôi rằng : “Có một cách để bạn cô có thể
chuyển hóa cái chết của y ngay bây giờ, ngay trong cơn đau ghê gớm mà y
đang chịu đựng : đó là y hãy hiến dâng với tất cả tấm lòng, nỗi khổ của
cái chết và chính cái chết của y, cho sự lợi lạc và hạnh phúc tối hậu của
người khác”.
Tôi bảo cô ta hãy
nói với y : “Tôi biết bạn đang đau đớn rất nhiều. Hãy tưởng tượng giờ
phút này tất cả những người trên thế giới đang đau đớn như bạn, hay còn
đau hơn nữa, và để trái tim bạn tràn ngập sự bi mẫn đối với họ. Hãy cầu
nguyện rằng sự khổ đau của bạn sẽ giúp làm vơi bớt khổ đau của họ. Bạn hãy
lập đi lập lại sự hiến dâng nỗi đau đớn của bạn để làm vơi bớt khổ đau của
nhân loại. Và rồi bạn sẽ tìm được ngay trong chính bạn một nguồn năng lực
mới, một lòng bi mẫn mà bây giờ bạn khó tưởng tượng nổi, và bạn sẽ có được
niềm xác tín không chút nghi ngờ, rằng nỗi đau của bạn không những không
vô ích, mà còn mang một ý nghĩa nhiệm mầu” .
Ðiều mà tôi diễn đạt
cho người học trò tôi kỳ thực là phương pháp hành trì Tonglen, “chịu thay”
, hay “cho và nhận” mà tôi đã trình bày, nhưng nó còn có ý nghĩa đặc biệt
đối với người đang mắc bệnh nan y hay sắp chết.
Nếu bạn bị một căn
bệnh như Sida hay ung thư, bạn hãy cố hết sức tưởng đến mọi người đồng
bệnh với bạn trên thế giới.
Hãy tự nhủ bạn, với
lòng bi mẫn sâu xa : “Tôi xin chịu thay đau đớn cho tất cả những ai có căn
bệnh hiểm nghèo này. Mong cho họ giải thoát thoát khỏi đau đớn này và khỏi
tất cả khổ đau của họ” .
Rồi hãy tưởng tượng
những ung nhọt, bệnh tật của người ấy từ giã cơ thể họ dưới dạng khói tan
vào ung nhọt, bệnh tật của bạn. Khi thở vào, bạn thở vào tất cả đau đớn
của họ, và khi thở ra, bạn thở ra toàn sự khỏi bệnh, sự an lạc. Mỗi khi
thực tập, bạn hãy tin chắc bây giờ những người kia đã được chữa khỏi.
Khi bạn gần chết,
hãy liên tục nghĩ trong tâm : “Tôi xin chịu thay sự đau khổ, nỗi sợ hãi,
cô đơn của tất cả mọi người trên thế giới giờ phút này đang hấp hối, đang
chết. Mong tất cả họ đều thoát khỏi đau đớn mê mờ ; mong tất cả họ đều
được tiện nghi và an ổn. Mong sao tất cả đau đớn mà tôi đang chịu và sẽ
chịu trong tương lai có thể giúp họ tiến đến một tái sinh tốt đẹp và cuối
cùng đạt giác ngộ” .
Tôi biết một nghệ sĩ
ở Nữu Ước chết vì chứng Sida. Anh ta có thói cay cú và ghét tất cả tôn
giáo có tổ chức, mặc dù chúng tôi đều nghĩ thâm tâm anh có nhiều tò mò về
tâm linh hơn là anh công nhận. Bạn bè khuyên anh nên đến gặp một bậc thầy
Tây Tạng. Ngài hiểu ngay rằng nguyên nhân lớn nhất của nỗi bất mãn và đau
khổ nơi anh là vì anh cảm thấy nỗi khổ của anh không có lợi gì cho chính
anh, hay bất cứ ai. Bởi thế, ngài dạy anh một pháp môn duy nhất : “Chịu
thay”, tức Tonglen. Mặc dù lúc đầu hơi hoài nghi, song anh cũng chịu tu
tập, và bạn bè thấy anh thay đổi một cách diệu kỳ. Anh nói cho họ biết
rằng nhờ pháp “chịu thay” nên nỗi đau đớn mà trước đây anh thấy vô nghĩa,
kinh khủng, bây giờ lại đầy mục đích vinh quang. Ai biết anh đều công nhận
ý thức mới về mục đích này đã chuyển hóa cái chết của anh như thế nào. Anh
chết trong thanh thản, hòa giải với chính mình và với nỗi khổ đau của
mình.
Nếu sự tu luyện pháp
“chịu thay” này có thể cải hóa một người trước đây chưa từng tu tập, thì
thử tưởng tượng với một bậc thầy vĩ đại, nó còn có năng lực biết ngần nào.
Khi Gyalwang Karmapa chết ở Chicago vào năm 1981, một môn đệ của ngài kể
lại :
“Vào lúc tôi viếng
thăm, ngài đã qua nhiều cuộc giải phẫu, vài thân phần bị cắt bớt, nhiều
vật khác bỏ thêm vào, máu ngài được chuyền thêm.v.v... Cứ mỗi ngày các bác
sĩ lại khám phá thêm một bệnh mới, chỉ để thấy hôm sau nó hoàn toàn biến
mất và thay bằng một bệnh khác, dường như tất cả bệnh tật trên thế giới
đều có chỗ cư trú trong xương thịt của ngài. Suốt hai tháng liền, ngài
không dùng được thực phẩm cứng, cuối cùng bác sĩ cũng hết hy vọng, nghĩ
ngài không thể nào sống được nữa nên các bác sĩ định rút ra tất cả máy móc
duy trì sự sống của ngài.
Nhưng ngài bảo :
“Không, tôi sẽ sống, cứ để vậy”, và ngài vẫn sống, làm cho các bác sĩ kinh
ngạc. Ngài lại có vẻ hoàn toàn thoải mái trong hoàn cảnh của ngài - cười
pha trò, làm như ngài vui mừng trước mọi sự mà cơ thể ngài chịu đựng. Khi
ấy tôi nghĩ, với niềm tin sáng suốt nhất, ngài đã chịu tất cả sự cắt xẻ
ấy, chịu mọi xuất hiện của các chứng bệnh trên cơ thể ngài, chịu nhịn đói,
bằng một cách hoàn toàn cố ý tự nguyện : rõ ràng ngài đang cố chịu những
bệnh tật để giúp giảm thiểu những khổ chiến tranh, đói khát, tật bệnh sắp
tới, để tránh nỗi thống khổ kinh hoàng cho nhân loại trong thời đại đen
tối này. Ðối với những người có mặt hôm ấy, cái chết của ngài là một cảm
hứng khó quên. Nó chứng tỏ một cách sâu xa hiệu lực của pháp, và cái sự
kiện đạt giác ngộ vì người khác là chuyện có thực” .
Bây giờ tôi tin chắc
một điều, không ai ở đời cần phải chết trong ân hận, cay đắng cả. Không
một đau khổ nào, dù kinh hãi tới đâu, là vô nghĩa, nếu sự đau khổ ấy được
hiến dâng để giảm thiểu khổ đau của người khác.
Trước mắt chúng ta
có những tấm gương cao cả là những bậc thầy tối thượng với tâm đại bi, đã
sống và chết với pháp tu “chịu thay”, đem vào đau khổ của tất cả hữu tình
khi thở vào, và chan hòa cho nhân loại sự lành mạnh, khỏi bệnh khi thở ra
- trọn đời như thế, cho đến khi hơi thở cuối cùng. Lòng đại bi của các
ngài mãnh liệt, bao la tới nỗi vào lúc chết, nó mang các ngài tái sinh vào
ngay cõi Phật.
Thế giới và kinh
nghiệm của chúng ta về nhân sinh sẽ được chuyển hóa xiết bao nếu mỗi chúng
ta trong suốt cuộc đời và lúc chết, có thể đọc lời nguyện của Shantideva
và các bậc thầy của tâm đại bi :
Với những người bơ vơ, tôi xin làm người che chở
Với kẻ lữ hành, tôi xin làm người hướng đạo
Xin được là thuyền, là cầu, là lối đi qua
Cho người muốn đến bờ kia
Mong sao đau khổ của mọi sinh vật
Ðều hoàn toàn chấm dứt.
Mong cho tôi được là y sĩ
Là dược liệu, là người điều dưỡng mọi bệnh nhân
Cho đến khi mọi người đều được chữa khỏi.
Như hư không
Như đất và bốn đại chủng
Mong rằng tôi luôn nâng đỡ sự sống của vô lượng sinh loài
Cho đến khi chúng chết vì đau đớn
Tôi vẫn là nguồn sống
Cho mọi cảnh giới chúng sanh
Ðến tận cùng hư không ấy.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment