"Tuy Bố thí, cúng
dường cũng là điều quan trọng, đối với người tại gia, nhưng tự mình tu
tập, thực hành nếp sống đạo đức theo 5 giới, nuôi dưỡng lòng từ lại càng
quan trọng hơn, nhưng quan trọng hơn cả là phát triển Trí tuệ, để nhìn
được sự vật như thật, nhờ đó mà không còn bị tham đắm, nội tâm được Giải
thoát, Tự tại, Trí tuệ được trong sáng"...
20. Đức Phật Và Rahula (La Hầu La)
Rahula
(Hán dịch âm: La Hầu La) là người con trai độc nhất của Đức Phật, khi
Đức Phật còn là Thái tử. Lần đầu tiên Đức Phật trở về thăm cố đô và gia
đình, sau ngày Thành đạo, Rahula lên 7 tuổi, được bà dì là Maha Pajapati
Gotami trực tiếp nuôi dưỡng, săn sóc. Mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng Rahula
vẫn được chấp nhận vào Tăng đoàn, và được Đức Phật giao cho Ngài
Sariputta trực tiếp dạy dỗ.
Một
trong những bài kinh nổi tiếng Đức Phật đích thân giảng cho Rahula sau
khi Rahula xuất gia, là kinh Ambalatthika Rahulovada sutta (11), trong
đó Đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của tánh trung thực, của sự phản
tỉnh để trừ diệt mọi ý niệm, lời nói và hành vi bất thiện, bất chánh.
Nhờ
luyện tập phép tu Thiền niệm hơi thở, theo lời chỉ dẫn của Đức Phật, và
sau khi nghe giảng kinh Cula Rahulovada (12), Ngài Rahula chứng quả A
la hán. Ngài qua đời trước Đức Phật và Ngài Sariputta.
Trong "Trưởng lão Tăng Kệ", có hai bài kệ như sau, của Rahula, sau khi Ngài chứng quả A la hán:
"Nhờ ta được đầy đủ
Hai đức tánh tốt đẹp
Được bạn có trí gọi:
“Rahula may mắn”
Ta là con đức Phật,
Ta lại được pháp nhãn,
Các lậu hoặc đoạn tận,
Không còn có tái sanh
Ba minh ta đạt được
Thấy được giới “Bất tử.”"
21. Đức Phật Và Bà Dì Mẫu Pajapati Gotami (Ma Ha Ba Xà Ba Đề)
Bà
dì Gotami là em Hoàng hậu Maya, và là vợ thứ của vua Suddhodana. Sau khi
Hoàng hậu Maya qua đời, bà lãnh trách nhiệm săn sóc, nuôi nấng Thái tử
Siđacta.
Lần
đầu tiên Đức Phật về thăm thành Kapilavastu, sau ngày Ngài Thành đạo,
bà dì có trực tiếp xin Đức Phật cho xuất gia làm Tỳ kheo ni, nhưng Phật
không chấp nhận, mà cũng không nói rõ lý do. Bà Gotami ba lần xin, Đức
Phật đều từ chối. Sau khi rời Kapilavastu, Đức Phật cùng với số đệ tử
đông đảo đến Thành phố Vesali, ngụ tại Tinh xá Kutagara.
Bà
Gotami cùng với nhiều bà khác thuộc giòng họ Sakya, đầu cạo tóc, thân
đắp y vàng, kéo nhau đến Vesali và đứng chờ ngoài cửa Tinh xá, nơi Đức
Phật an nghỉ. Từ Kapilavastu đến Vesali, con đường dài 150 dặm. Bà
Gotami và các bà giòng họ Sakya, chân sưng phồng, quần áo đầy bụi, vẻ
mặt buồn bã nhưng kiên quyết, yêu cầu Ngài Ananda cho được gặp Đức Phật.
Ngài Ananda động lòng thương xót, vào xin Đức Phật cho phép các bà được
xuất gia làm Tỳ kheo ni. Ngài Ananda hai ba lần nài xin, Đức Phật đều
không chấp nhận. Ngài bèn thưa với Phật rằng:
"Nếu
phụ nữ được xuất gia và tu học theo Pháp và Luật của đức Thế Tôn thì họ
có thể chứng quả Thánh thứ nhất, quả Thánh thứ hai, quả Thánh thứ ba và
cuối cùng có chứng được quả A la hán không?"
Đức
Phật trả lời là họ có khả năng chứng các quả Thánh nói trên. Ngài
Ananda bạch tiếp: "Nếu họ có thể chứng được các quả Thánh thì cớ sao bà
dì Gotami lại không được xuất gia theo Pháp và Luật của Đức Thế Tôn, vì
bà dì đã trực tiếp nuôi nấng săn sóc Thế Tôn, từ ngày Đức Thế Tôn còn
tấm bé.”
Đức
Phật nói: "Nếu bà Gotami chấp nhận thực hành tám điều quy định nghiêm
khắc sau đây, thì Ta cho phép Bà và các phụ nữ xuất gia, tu học dưới
Pháp và Luật của Ta.” Rồi Đức Phật nói ra tám điều qui định nghiêm khắc
mọi quan hệ giữa Tỳ kheo và Tỳ kheo ni (xem luật Tỳ kheo ni). Ông Ananda
đem 8 điều luật Phật nói thưa lại với bà dì Gotami và các bà khác. Các
bà đều hoan hỷ nhận lời.
Cho
phép bà dì Gotami xuất gia và thành lập đoàn Tỳ kheo ni, Đức Phật đã
thấy trước hậu quả của quyết định của mình. Ngài nói với Đại đức Ananda
rằng: "Này Ananda, nếu phụ nữ không được phép xuất gia và sống trong
Pháp và Luật của Ta, thì cuộc sống Thánh hạnh của các đệ tử của Ta có
thể giữ vững dài lâu, Chánh pháp cao cả của Ta có thể duy trì một ngàn
năm, nhưng vì phụ nữ được phép xuất gia, cuộc sống Thánh của các đệ tử
Ta sẽ không duy trì dài lâu, và từ nay Chánh pháp cao cả của Ta chỉ còn
tồn tại 500 năm nữa mà thôi.”
"Cũng
như, này Ananda, có những ngôi nhà có nhiều phụ nữ và ít đàn ông, những
ngôi nhà đó rất dễ bị mất trộm. Nếu để phụ nữ xuất gia, sống trong Pháp
và Luật của Như Lai, cuộc sống Thánh của các đệ tử sẽ khó mà duy trì
dài lâu. Cũng như một người đắp một con đê để ngăn một bể nước lớn,
không để cho nước tràn qua. Ta cũng vậy, Ta chế định ra 8 giới điều
nghiêm khắc trên là để ngăn ngừa không để cho Tỳ kheo ni vi phạm.”
Những
lời Phật dạy, tuy có thể không được thuận tai đối với phụ nữ, nhưng
cũng phải nhận rằng, Đức Phật đã sớm thấy rõ, đối với phụ nữ nói chung,
bản tánh mềm yếu và dễ cảm xúc, cuộc sống xuất gia không phải dễ dàng.
Quan hệ giữa nam và nữ Tu sĩ trong Tăng đoàn cũng dễ xảy ra nhiều chuyện
rắc rối.
Mặc
dù vậy, Đức Phật là vị Giáo chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cho
thành lập một Ni đoàn với đầy đủ Giới luật và uy nghi. Bà la môn giáo,
và các Tôn giáo khác đương thời ở Ấn Độ đều không có đoàn thể phụ nữ tu
hành như vậy. Hơn nữa, trong thời Đức Phật còn tại thế và sau này, nhiều
Tỳ kheo ni đã chứng quả A la hán và trở thành nổi danh trong hành Tu
sĩ, như chúng ta có thể đọc thấy trong cuốn "Trưởng lão ni kệ" thuộc
Tiểu Bộ Kinh.
22. Đức Phật Và Tôn giả Ananda
Ananda
là anh em cô cậu với Đức Phật và là con của Amitodana, em vua
Suddhodana, thân phụ của Đức Phật. Vì ngày ông sinh ra đem lại niềm hoan
hỷ cho mọi người trong gia tộc, cho nên Tôn giả được đặt tên Ananda
(Khánh Hỷ).
Tôn
giả Ananda xuất gia theo Phật, cùng với các thanh niên khác dòng họ
Sakya, là Anuruddha, Bhadya, Bhaga, Kimbila, và Devadatta. Năm Đức Phật
55 tuổi, Tôn giả Ananda được cử làm Thị giả của Đức Phật. Trong suốt 25
năm trời, từ ngày ấy cho đến lúc Đức Phật nhập Niết bàn, Tôn giả Ananda
luôn luôn ở bên cạnh Đức Phật, hầu hạ săn sóc Đức Phật, trong mọi nhu
cầu sinh hoạt hàng ngày. Ông Ananda có một trí nhớ lạ lùng, ông ghi nhớ
không bỏ sót tất cả các bài thuyết pháp của Đức Phật cũng như của một số
đệ tử lớn của Đức Phật.
Khi
một Bà la môn hỏi Tôn giả nhớ được bao nhiêu bài kinh, Tôn giả trả lời
là có 82.000 bài của Đức Phật thuyết và 2.000 bài của các Tỳ kheo, đệ tử
của Đức Phật thuyết. Đúng là có tổng số 84.000 bài kinh tất cả (13).
Đức Phật tán thán năm đức hạnh của Tôn giả Ananda là: học uyên bác, trí nhớ tốt, kiên định, săn sóc chu đáo, ứng xử tốt.
Mãi
sau khi Đức Phật nhập Niết bàn. Tôn giả Ananda mới chứng quả A la hán.
Đấy là do khi Đức Phật còn tại thế, Tôn giả bận làm công việc Thị giả,
cũng như bận ghi nhớ các bài giảng của Đức Phật, như một đệ tử bác học
đa văn. Tôn giả Ananda nhập Niết bàn, năm ông 120 tuổi.
23. Đức Phật Và Devadatta (Đề Bà Đạt Đa)
Devadatta
là con vua Suppabuddha và Hoàng hậu Pamita, Pamita là một bà cô của Đức
Phật, Devadatta xuất gia theo Phật, cùng một lượt với ông Ananda và các
thanh niên quý tộc khác, thuộc giòng họ Sakya. Devadatta không chứng
được quả nào, nhưng lại giỏi một số pháp thần thông, và được vua
Ajattasattu (A Xà Thế) xứ Magadha ủng hộ. Mặc dù lối sống hư hỏng, và tà
kiến, tà hạnh, Devadatta vẫn được một số khá đông người tán thành và
phục tùng. Khi Đức Phật về già, Devadatta yêu cầu Phật trao cho mình
quyền lãnh đạo Tăng già, nhưng Đức Phật kiên quyết không chấp nhận.
Devadatta
hết sức tức giận, và cùng với vua Ajattasattu âm mưu hại Phật. Nhưng
các xạ thủ được Ajattasattu thuê giết Phật, đều bị Đức Phật thuyết giáo
và trở thành đệ tử của Phật. Devadatta thấy tự mình phải hạ thủ sát hại
Phật mới được. Một lần Đức Phật đang đi dọc bờ núi Gijjhakuta (Linh
Thứu), thì Devadatta từ trên đỉnh núi đẩy xuống một tảng đá lớn. May mà
tảng đá này lăn đụng phải một tảng đá khác và bị vỡ. Đức Phật chỉ xây
xát và chảy máu ở chân.
Một
lần khác, Devadatta cho một con voi điên uống rượu, rồi xua voi húc
Phật. Con voi chạy đến gần Phật thì bỗng nhiên đứng lại, bị thuần phục
và được Phật xoa đầu. Sau lần âm mưu thất bại này, vua Ajatasattu sợ
quá, không dám tiếp tục che chở cho Devadatta nữa.
Devadatta
bèn nuôi một âm mưu khác, xảo quyệt hơn: với một số Tỳ kheo xấu như
Kokàlika, Devadatta muốn phá hòa hợp tăng, chia rẽ nội bộ Tăng già,
Devaddata kiến nghị Đức Phật ban hành 5 điều luật mới như sau:
1. Tăng sĩ phải sống suốt đời ở trong rừng.
2. Chỉ được khất thực để ăn.
3. Chỉ được mặc áo làm bằng giẻ rách lượm ở nghĩa địa.
4. Chỉ được sống dưới gốc cây.
5. Suốt đời không được ăn cá thịt.
Đức
Phật chỉ trả lời là các đệ tử có thể tùy ý sống theo hay không theo 5
giới điều ấy, nhưng Ngài không ép buộc họ. Devadatta lợi dụng sự từ chối
của Đức Phật, lôi kéo được một số tăng sĩ trẻ, thiếu học thức và không
có căn bản vững vàng, đi theo mình đến Gayasisa. Nhưng hai đệ tử lớn của
Phật là Sariputta và Moggalana, theo chỉ thị của Đức Phật cũng đến
Gayasisa, thuyết pháp cho họ nghe, và dẫn họ về trở lại với Chánh pháp.
Từ
đó, tai nạn liên tiếp đến với Devadatta. Mắc bệnh nan y, trước khi chết,
Devadatta ăn năn hối lỗi và tỏ ý muốn được gặp Đức Phật. Nhưng vì
nghiệp ác quá nặng cho nên Devadatta chết mà không gặp Phật, và phải đọa
Địa ngục, chịu khổ trong nhiều kiếp.
Về
việc Devadatta, Đức Phật răn các Tỳ kheo rằng, vì Devadatta bị chinh
phục bởi các ác pháp, cho nên phải đọa Địa ngục, tức là bị chinh phục
bởi lợi dưỡng, danh vọng, cung kính, dục vọng xấu, tà kiến. (Xem Tăng
Chi III, 20)
24. Đức Phật Và Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anàthapindika)
Nhà
triệu phú, Trưởng giả Anathapindika là vị thí chủ lớn nhất ủng hộ Đức
Phật và Tăng chúng, thời Đức Phật còn tại thế. Ông vốn tên là Sudatta,
nhưng vì ông hay Bố thí cho kẻ nghèo và người mồ côi, mồ cút cho nên
người ta tôn gọi ông là Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika). Ông sinh
ra ở Savatthi.
Một
lần đến thành Rajagaha (Vương Xá) có công việc, ông được biết là Đức
Phật đang ngụ ở rừng Sitavana, ngoài thành Rajagaha. Ông vui mừng khôn
xiết và sáng sớm hôm sau, trải qua một đêm dài mất ngủ vì quá sung sướng
bồn chồn, ông lên đường đi đến rừng Sitavana. Tại đây, Đức Phật đang đi
kinh hành ngoài trời và biết trước ông đến, gọi ông bằng tên riêng
Sudatta và thân mật bảo ông lại gần Ngài.
Ông vấn an Phật, hỏi thăm Đức Phật có an lạc không, Đức Phật trả lời:
"Tất nhiên, bao giờ cũng sống an lạc,
Bậc A la hán trong lòng mọi ngọn lửa đã dập tắt,
Không còn đeo đuổi theo dục lạc vật chất nữa.
Cõi lòng mát lạnh, mọi sanh y đoạn tận.
Mọi trở ngại đều loại trừ, đã khéo chế ngự,
Mọi đau khổ trong tâm
Bậc A la hán sống an lạc, hạnh phúc
Vì trong lòng được an tịnh.” (Tương Ưng I, 273)
a) Tinh xá Jatavana
Nghe
lời Phật giảng, ông Anathapindika chứng được Sơ quả (Sotapanna), và ông
thỉnh cầu Đức Phật sống qua mùa mưa ở Savatthi. Đức Phật nhận lời. Ông
Anathapindika, trở về Savatthi, mua một khu vườn của Thái tử Jeta (Kỳ
Đà), và xây ở đây Tu viện Jetavana nổi tiếng.
Sách
kể rằng, ông mua khu vườn bằng số tiền đồng vàng lát đầy diện tích
vườn, theo sự đòi hỏi của Thái tử Jeta. Nhưng Thái tử không chịu bán cây
ở trong vườn, và tự mình đem tất cả những cây đó cúng dường Đức Phật.
Từ đó, công viên có tên gọi trong các kinh Phật (Hán dịch) là "Cấp Cô
Độc Viên Kỳ Đà Thụ.”, tức là vườn ông Cấp Cô Độc, cây của Thái tử Kỳ Đà.
Đức Phật đã giảng nhiều kinh, và trải qua 19 mùa mưa ở Tinh xá này.
Các
bài nói chuyện của Đức Phật với ông Anathapindika đều có ý nghĩa lớn
đối với người Phật tử tại gia. Trong một bài thuyết pháp về hạnh Bố thí,
Đức Phật nói là "sự cúng dường cho Phật và chư Tăng là công đức rất
lớn, nhưng có công đức hơn nữa là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, có
công đức hơn 3 quy y là tự mình giữ 5 giới, có công đức hơn giữ 5 giới
là quán về lòng từ trong giây phút; nhưng có công đức hơn cả là phát
triển tầm nhìn Trí tuệ thấy được sự vật như thật và hiểu được tánh Vô
thường của sự vật" (Tăng Chi IV, 264 - 265)
Qua
đoạn kinh trên, có thể thấy điều Đức Phật coi trọng hơn cả đối với
người xuất gia hay tại gia là phát triển Trí tuệ, để nhìn thấy sự vật
như thật, đúng bản chất của chúng là Vô thường, Vô ngã. Tuy Bố thí, cúng
dường cũng là điều quan trọng, đối với người tại gia, nhưng tự mình tu
tập, thực hành nếp sống đạo đức theo 5 giới, nuôi dưỡng lòng từ lại càng
quan trọng hơn, nhưng quan trọng hơn cả là phát triển Trí tuệ, để nhìn
được sự vật như thật, nhờ đó mà không còn bị tham đắm, nội tâm được Giải
thoát, Tự tại, Trí tuệ được trong sáng.
b) Bốn niềm vui của Phật tử tại gia
Đức
Phật nói tới bốn niềm vui chính đáng của người Phật tử tại gia, niềm
vui có của cải, niềm vui được giàu có, niềm vui không có nợ nần, và niềm
vui không có gì bị chê trách.
- "Thế nào là niềm vui có của cải?
Ở
đây, gia chủ có của cải nhờ phấn đấu tích cực, góp gom được bằng sức của
bàn tay, bằng mồ hôi, đúng pháp, và tích lũy được một cách đúng pháp,
và có ý nghĩ: “Của cải này là của tôi, có được nhờ phấn đấu tích cực
tích lũy đúng pháp”, cho nên niềm vui và thỏa mãn đến với ông ta. Đó là
niềm vui có của cải.”
- "Thế nào là niềm vui được giàu có?
Ở
đây, vị gia chủ được giàu có nhờ phấn đấu tích cực, vui vẻ nhờ giàu có
và làm nhiều việc lành. Vì có ý nghĩ “Nhờ giàu có mà có thể hưởng thụ sự
giàu có và làm các việc lành”, cho nên niềm vui và sự thỏa mãn đến với
ông ta. Đó là niềm vui được giàu có.”
- "Thế nào là niềm vui không có nợ nần?
Ở
đây, vị gia chủ không có nợ nần, lớn hay nhỏ đối với bất cứ một ai. Vì
có ý nghĩ “Tôi không có nợ nần, dù lớn hay nhỏ đối với bất cứ một ai”,
cho nên niềm vui và thỏa mãn đến với ông ta. Đó là niềm vui không có nợ
nần.”
- "Thế nào là niềm vui không bị chê trách?
Ở
đây, Vị Thánh đệ tử có niềm vui vì các hành động của thân, miệng và ý
đều không có gì là đáng chê trách. Với ý nghĩ “Tôi không có gì đáng chê
trách ở thân, miệng và ý”, cho nên niềm vui và thỏa mãn đến với ông ta.”
(Tăng Chi III, 77 - 78)
Tiếp
đó, Đức Phật nói trong ba niềm vui trên đây của người tại gia, niềm vui
không có gì đáng bị chê trách nơi hành động, lời nói và ý nghĩ là ưu
việt hơn cả.
c) Bảy loại người vợ
Một
lần, Đức Phật đến thăm nhà ông Anathapindika, nghe có tiếng ồn ào thất
thường trong nhà, bèn hỏi nguyên nhân, ông Anathapindika thưa:
"Bạch
Thế Tôn, đó là Suyata, con dâu tôi đang ở với chúng tôi. Nó giàu có và
đến đây từ một gia đình giàu có, nó không săn sóc gì tới mẹ chồng, bố
chồng và cả chồng nó nữa. Nó cũng không kính trọng, tôn quý và đảnh lễ
Đức Thế Tôn.” Đức Phật cho gọi Suyata lại và giảng cho nghe về bảy loại
người vợ:
1.
Người vợ có tâm địa ác, có ý xấu, không có lòng thương, bỏ rơi chồng
mình, yêu những người đàn ông khác, một dâm nữ, chỉ muốn làm phiền lòng
người. Đó là loại vợ sát nhân.
2.
Người vợ hay hoang phí của cải tài vật, dù là ít do chồng làm ăn kiếm
được, nhờ cày ruộng, buôn bán hay lao động khéo tay, đó là loại vợ ăn
trộm.
3.
Người vợ lười biếng, không muốn làm gì hết, lại tham ăn, ác độc, thô
bạo, thích nói lời ác, lấn át người chồng siêng năng cần mẫn. Đó là loại
vợ kiêu xa.
4. Người vợ trìu mến, thân ái bảo vệ chồng như mẹ bảo vệ con, giữ gìn tài sản của chồng, đó là loại vợ như mẹ.
5. Người vợ kính trọng chồng, như em gái đối với anh cả, khiêm tốn, sống chiều đúng theo ý chồng. Đó là loại vợ như em út.
6.
Người vợ sung sướng khi thấy chồng, như gặp người bạn cũ sau bao năm xa
cách, thuộc giòng quý tộc, có đạo đức, sống thanh tịnh. Đó là loại vợ
như bạn bè.
7.
Người vợ dù là bị đối đãi không tốt, nhưng không giận hờn, vẫn bình
tĩnh, chịu đựng mọi hành vi của chồng với lòng từ mẫn, tâm không biết
giận, sống chìu đúng theo ý chồng. Đó là loại vợ như người phục vụ.
Đức
Phật sau khi mô tả bảy loại người vợ nói trên, nói rằng: loại vợ sát
nhân, loại vợ ăn trộm, loại vợ kiêu xa đều là không tốt, còn loại vợ như
mẹ, như em út, như bạn bè, như người phục vụ là những người vợ tốt,
đáng tán thán, và Đức Phật hỏi đó là bảy loại vợ mà một người đàn ông có
thể có được, và Suyata muốn là loại người vợ nào?
Suyata trả lời: "Xin đức Thế Tôn từ nay trở đi nghĩ về cháu là loại vợ như người phục vụ.”
d) Cây Bồ đề Ananda
Ông
Anathapindika thường hay đến thăm Đức Phật hàng ngày và thấy các Phật
tử tỏ ra thất vọng mỗi khi đến mà không được gặp Phật vì Phật đi thuyết
pháp ở một nơi khác, cho nên hỏi Đại đức Ananda xem có cách gì để cho
Phật tử có thể cúng dường Phật, dù Ngài vắng mặt. Đại đức Ananda bạch
Phật về chuyện này và hỏi Phật về các vật đáng được cúng dường, đảnh lễ.
Đức Phật trả lời là có ba loại: Loại đồ vật thuộc về thân Đức Phật,
loại đồ vật Đức Phật thường dùng, và loại đồ vật nhắc nhủ nhớ tới Đức
Phật.
Đại đức Ananda hỏi: "Xây một Tháp thờ khi đức Thế Tôn còn sống có thích hợp chăng?"
"Không,
một vật nhắc nhủ nhớ tới Đức Phật không có cơ sở vật chất, chỉ có ý
nghĩa thuần túy tinh thần. Như cây Bồ đề, được Đức Phật sử dụng, là một
vật đáng cúng dường, dù khi Đức Phật còn sống hay là khi Đức Phật đã
diệt độ rồi."
Đại
đức Ananda nói: "Khi đức Thế Tôn đi thuyết pháp ở nơi khác, Tu viện lớn
Jetavana này không có nơi để quần chúng quy ngưỡng và cúng dường. Con
có thể lấy hạt cây Bồ đề lớn ở Bodhi Gaya (Bồ đề Đạo Tràng) và gieo nó ở
cửa Tinh xá Jetavana được không?"
Đức Phật trả lời: "Rất tốt, hãy trồng cây Bồ đề ở đây. Như thế khác nào bao giờ Ta cũng có mặt ở Tinh xá Jetavana này.”
Đại
đức Ananda nói ý kiến của Đức Phật với Phật tử tại gia như ông
Anathapindika, nữ gia chủ Visakha và vua Pasenadi xứ Kosala. Đại đức
Ananda nhờ Tôn giả Moggalana (Mục Kiền Liên) tìm cho một quả Bồ đề trên
cây Bồ đề lớn ở Bodhi Gaya. Đại đức Ananda đem trồng ở cửa Tinh xá
Jetavana. Cây Bồ đề ấy hiện nay vẫn còn, và được gọi là cây Bồ đề
Ananda.
e) Ông Anathapindika Qua Đời Và Sinh Lên Cõi Trời Đâu Suất
Khi
ông Anathapindika lâm bệnh nặng, ông mời Tôn giả Sariputta đến giảng
kinh tại nhà. Cả Ngài Sariputta và Ngài Ananda cũng đến vấn an ông. Tôn
giả Sariputta giảng cho ông nghe một bài kinh sâu sắc. Nghe bài kinh gần
xong, hai mắt ông trào đầy lệ vì quá cảm động. Ông Ananda hỏi vì sao,
thì ông trả lời là ông chưa từng được nghe một bài thuyết pháp sâu sắc
đến thế. Ngài Sariputta trả lời, đây vốn là một bài thuyết pháp chỉ
giảng cho những Tăng sĩ có trình độ tu học cao.
Ít lâu, sau khi hai Ngài Sariputta và Ananda ra đi, ông Anathapindika qua đời và sanh lên cõi Trời Tushita (Đâu Suất).
Đến
tối, thiên chủ Anathapindika, với thân hình sáng chói cả khu vườn
Jetavana, đến chào Đức Phật, tán thán công đức của Tôn giả Xá Lợi Phất,
và bày tỏ niềm vui sướng của mình được thấy Đức Phật và chư Tăng ngụ tại
Tu viện Jetavana. Thiên chủ Anathapindika nói:
"Ý
lành và Trí tuệ, tâm được tu tập đúng pháp, lối sống tối cao cả, dựa
trên đạo đức chân chính. Chính điều ấy làm con người thanh tịnh, chứ
không phải danh lợi thế gian.”
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment