Pages

09 May 2012

Tạng Thư Sống Chết

Lời giới thiệu:


Sống-Chết là con đường tất yếu mà mỗi một chúng sanh, sanh ra trong cõi đời này đều phải trải qua. Làm thế nào để có một cuộc sống an vui, hạnh phúc - đây là điều mà mỗi con người chúng ta khi sinh ra, lớn lên đều luôn luôn mong muốn và vươn tới. Làm và thực hiện những điều mong muốn đó một cách viên mãn đã kể như một việc vô cùng khó.

Vậy nhưng cái khó đó mới chỉ là một nửa của cuộc đời - Đó là Sống An Vui! Vậy một nửa còn lại của con người chúng ta là gì? Có Sanh ắt phải có Tử (chết). Nhưng hầu như chúng ta ít ai nghĩ tới cái Chết của chính mình, thậm chí không ít người trong chúng ta lại sợ (rất sợ) khi nghĩ, nói đến cái CHẾT. Có lẽ chúng ta thường đơn giản nghĩ: SỐNG mới là quan trọng? Còn CHẾT là hai tay buông xuôi, đôi mắt nhắm lại... mọi chuyện hoàn chấm dứt?! Hoặc có chăng những ý nghĩ về cái CHẾT cũng chỉ như một cơn mưa, một làn gió chợt thoảng qua rồi vụt tan biến... Dường như ai đó trong chúng vẫn luôn nghĩ rằng: Cái CHẾT sẽ chưa thể đến; không thể đến với chúng ta vào lúc này, bởi ít ra chúng ta còn quá trẻ; tuổi đời còn quá dài; sự hưởng lạc trong đời còn quá ít ỏi… Thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Cái CHẾT đang đến với chúng ta từng giây, từng phút, trong từng hơi thở. Phật nói: Một hơi thở ra không có hít vào, ấy là sự sống đã kết thúc. Ai trong chúng ta từng nghĩ đến cái sự kết thúc ấy? Ai trong chúng ta đã có sự chuẩn bị cho sự kết thúc ấy? Và ai trong chúng ta hoan hỉ để đó nhận sự kết thúc ấy? Đó là những câu hỏi, những nan đề vô cùng lớn và quan trọng – nó quan trọng hơn cả sự SỐNG của chính chúng ta vậy. Tại sao cái CHẾT lại được coi là quan trọng đến thế? Phải chăng đằng sau cái CHẾT ấy còn tàng chứa những điều huyền bí. Không! Không có sự huyền bí nào tàng chứa đằng sau cái CHẾT. Trái lại cái CHẾT là sự Thật. Sự thật như chính sự SỐNG của chúng ta vậy. Nhưng làm thế nào để chúng ta minh giải được về sự THẬT ấy để mà hoan hỉ đón nhận nó như chúng ta đã từng hỉ hỉ chào đón sự SỐNG của chính mình?
Xin giới thiệu tới quí vị Phật tử cuốn sách TẠNG THƯ SỐNG CHẾT - The Tibetan Book Of Living And Dying của Sogyal Rinpoche do Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch.
Tại sao Sogyal Rinpoche lại gọi là Tạng Thư Sống Chết? Xin quí Phật tử hãy dành đôi chút thời gian quý báu của mình để đón đọc cuốn sách quý báu này – Đọc để biết được ta đang nghĩ gì về chính mình. Đọc để biết được ta đang thiếu gì cho chính mình. Và đọc để ta biết được và chuẩn bị được một hành trang vững chãi cho chính mình – Hành trang đi vào cõi chết để đến với tương lai...
Mùa Phật Đản 2556 - Thiện Lợi

  Trennlinien_13460

 
   Đức Dalai Lama
Trong tác phẩm này, thầy Soyal tập trung vào các vấn đề làm sao để hiểu ý nghĩa thực thụ của sự sống, làm sao để chấp nhận cái chết, và làm sao để giúp đỡ người sắp chết, và người đã chết.
Chết là một phần tự nhiên của sự sống, mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu không sớm thì muộn. Theo tôi thì có hai cách để xử với cái chết trong khi ta còn sống. Hoặc là ta tảng lờ nó, hoặc là ta chạm trán với viễn ảnh cái chết của chính mình, và bằng cách tư duy sáng suốt về nó, ta cố giảm thiểu những khổ đau mà cái chết có thể mang lại. Tuy nhiên, trong cả hai cách, không cách nào chúng ta có thể thực thụ chinh phục được sự chết.
Là một Phật tử, tôi xem chết là chuyện bình thường, là một thực tại mà tôi phải chấp nhận, khi tôi còn hiện hữu trên trái đất. Đã biết không thể nào thoát khỏi, thì lo lắng làm gì. Tôi có khuynh hướng nghĩ đến sự chết cũng như thay bộ y phục khi nó đã cũ mòn, hơn là một cái gì hoàn toàn chấm dứt. Tuy vậy cái chết không thể biết trước: ta không biết được khi nào cái chết đến với ta, và ta sẽ chết như thế nào. Bởi thế tốt hơn cả là ta hãy dự phòng một số việc trước khi cái chết thực sự xảy ra.
Đương nhiên phần đông chúng ta đều muốn có một cái chết an ổn, nhưng một điều cũng hiển nhiên nữa, là ta không thể hy vọng chết một cách thanh bình nếu đời sống của ta đầy những bạo hành, hoặc nếu tâm ta thường giao động vì những cảm xúc mạnh như giận dữ, ái luyến, hay sợ hãi. Bởi thế, nếu ta muốn chết tốt, ta phải học cách sống tốt. Nếu ta mong có được một cái chết an lành, thì ta phải đào luyện sự bình an trong tâm ta, và trong lối sống của ta.
Như bạn đọc sẽ thấy trong sách này, theo quan điểm Phật giáo thì cái kinh nghiệm thực thụ về chết rất quan trọng. Mặc dù sự tái sinh của chúng ta, nơi tái sinh của ta phần lớn tùy thuộc vào năng lực của nghiệp, song tâm trạng ta vào lúc chết có thể ảnh hưởng tới tính chất của tái sanh kế tiếp. Vậy, vào lúc chết, mặc dù ta đã tích lũy đủ loại nghiệp, nhưng nếu ta làm một nỗ lực đặc biệt để phát sinh một tâm lành, thì có thể tăng cường và khởi động một nghiệp thiện, và do đó đem lại một tái sinh hạnh phúc.
Lúc chết thực sự cũng là lúc mà những kinh nghiệm nội tâm lợi lạc sâu xa nhất có thể xảy ra. Do thường thực tập tiến trình chết trong khi thiền định, một thiền giả tu cao có thể sử dụng lúc chết của mình để đạt những chứng ngộ lớn lao. Đấy là lý do những hành giả có kinh nghiệm thường nhập định vào lúc họ chết. Một dấu hiệu của sự đắc đạo nơi họ là thi thể họ thường không thối rửa sau khi họ đã chết rất lâu trên phương diện lâm sàng.
Ngoài sự chuẩn bị cái chết của riêng mình, một việc khác không kém phần quan trọng là giúp người khác có một cái chết tốt đẹp. Khi mới sinh ra đời, chúng ta đều là những hài nhi yếu đuối; nếu không nhờ sự săn sóc tử tế mà chúng đã nhận được, thì chúng ta đã không thể sống còn. Người sắp chết cũng thế, không thể tự túc được, nên ta phải giúp họ thoát khỏi những bất tiện và lo âu, và cố hết sức để giúp họ có một cái chết thanh thản. Điều quan trọng nhất là tránh làm điều gì khiến cho tâm người sắp chết thêm rối loạn. Mục đích trước nhất của chúng ta giúp người sắp chết là làm cho họ được thoải mái. Có nhiều cách để làm việc này. Với người đã quen tu tập, nếu khi họ sắp chết mà ta nhắc nhở chuyện tu hành, tinh thần họ có thể thêm phấn chấn. Một lời trấn an đầy từ ái của ta có thể gợi cho người sắp chết một thái độ bình an, thoải mái.
Cái chết và tiến trình chết có thể cung cấp một giao điểm gặp gỡ giữa Phật giáo Tây Tạng và khoa học tân tiến. Tôi tin rằng hai bên có thể cống hiến cho nhau rất nhiều về hiểu biết và thực hành. Thầy Sogyal Rinpoche đúng là người để làm cho cuộc gặp gỡ này thêm dễ dàng, vì thầy đã sinh ra và trưởng thành trong truyền thống Tây Tạng, đã thụ giáo với một vài vị lạt ma tên tuổi nhất của Tây Tạng, đồng thời thầy cũng được hấp thụ một nền giáo dục tân tiến, đã sống và giảng dạy nhiều năm ở Tây phương và đã quen thuộc với lề lối tư duy của người phương Tây.
Sách này không chỉ cống hiến cho độc giả một trình bày lý thuyết về sự chết, mà còn cung cấp những cách thực tiễn để hiểu và tự chuẩn bị cho mình lẫn người khác (về cái chết) một cách thản nhiên và viên mãn. 
Ngày 2 tháng 6, 1992



  Trennlinien_13460

Ni Sư Trí Hải


Tạng Thư Sống Chết không những là một tuyệt tác về tâm linh mà còn là một sách dẫn, một cẩm nang, sách tham khảo, và một nguồn cảm hứng thiêng liêng. " Trong một thời đại cực kỳ nguy hiểm như ngày nay, khi nhiều người trong chúng ta đang tìm kiếm sự hướng đạo minh triết và những giải đáp soi sáng cho ta về  cách sống cuộc đời mình và cách đối mặt với cái chết, thì tác phẩm này đang cống hiến một sự hướng đạo như thế, một vài lời giải đáp như thế. Nó đã được viết ra để gợi cảm hứng cho người đọc khởi sự cuộc hành trình tiến về giác ngộ, để thành những "sứ giả hòa bình" theo như tác giả gọi, những người làm việc với trí tuệ và tình thương, để trực tiếp góp phần vào sự cứu vãn tương lai nhân loại.
 (Nguồn: Trang nhà Quảng Đức)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites