Pages

11 October 2013

Một màu hoa cho mùa Vu Lan - Phần 2


"Sở dĩ đôi khi chúng ta không nhận thấy được cái sự thật ấy của tình mẫu tử, chẳng qua là vì nó quá giản dị, tầm thường hoặc quá kín đáo. Giản dị "như quả chuối ba hương, như nắm xôi nếp một", tâm thường như con gà bới đất, như con chim tha mồi, kín đáo như những giọt mồ hôi trên lưng áo của mẹ tôi, hay một bàn tay buông ra giữa dòng nước xoáy..."



Tác giả: Hoang Phong 



Lớn thêm và vào cái tuổi vị thành niên tôi có đọc một câu chuyện ngắn rất cảm động nói lên một sự hy sinh lớn nhất mà một người mẹ có thể làm được, ấy là câu chuyện "Anh Phải Sống" của Khái Hưng một nhà văn của thời tiền chiến. Câu chuyện thuật lại hai vợ chồng nghèo đi vớt củi trên sông vào mùa lũ lụt để đổi gạo nuôi ba đứa con nhỏ. Nước xoáy, củi nặng, thuyền chao và đắm giữa dòng. Hai vợ chồng cố lội vào bờ. Người vợ đuối sức, người chồng phải xốc vợ mà bơi. Thế nhưng một lúc sau thì người chồng cũng đuối vì sức nước mạnh quá: 

 "- Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi được mình nữa.
Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi:
- Có bơi được nữa không?
- Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.
- Em buông ra cho mình vào nhé?
Chồng cười:
- Không! Cùng chết cả.
Một lát, một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi:
- Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không?
- Không!... Sao?
- Không. Thôi đành chết cả đôi.
Bỗng Lạc run run khẽ nói:
- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống!
Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ".


Đang viết về những gì rất thật, thế nhưng tại sao tôi lại nêu lên sáng tác của một nhà văn? Theo Phật Giáo thì trong thế giới hiện tượng, sự thật hiện ra dưới nhiều hình thức và thể dạng khác nhau, dù đấy là những sự thật thuộc các lãnh vực chính trị, lịch sử hay tín ngưỡng. Có những sự thật cần phải có một đức tin hoặc một sự cố gắng nào đó, chẳng hạn như những lời thuyết giảng hay những lời hô hào để có thể cảm thấy chúng là thật. Những sự thật ấy chỉ mang lại những xúc cảm giả tạo, gượng ép và phù du. Tuy nhiên cũng có những thứ sự thật khác rất nhỏ nhoi và tầm thường, tưởng chừng như không có hay không thật, thế nhưng lại rất thật, chẳng hạn như tình thương của một người mẹ. Sở dĩ đôi khi chúng ta không nhận thấy được cái sự thật ấy của tình mẫu tử, chẳng qua là vì nó quá giản dị, tầm thường hoặc quá kín đáo. Giản dị "như quả chuối ba hương, như nắm xôi nếp một", tâm thường như con gà bới đất, như con chim tha mồi, kín đáo như những giọt mồ hôi trên lưng áo của mẹ tôi, hay một bàn tay buông ra giữa dòng nước xoáy.

Một thí dụ điển hình là bài hát "Bông Hồng Cài Áo" của Phạm Thế Mỹ vẫn cứ còn tiếp tục được hát lên trong mùa Vu Lan, chẳng qua là bởi vì có một cái gì đó rất thật, tàng ẩn ở bên trong nó, trong khi các bài hát khác của ông thì lại ít nhiều đã chìm vào quên lãng. Tiếng gọi tên ba đứa con của một người mẹ và những lời cuối cùng nhắn bảo với chồng là anh phải sống, chỉ là một sự tưởng tưởng của một nhà văn, thế nhưng hình như bên trong vẫn ẩn chứa một sự thật nào đó, bởi vì cái sự thật ấy đã có sẵn và tàng ẩn thật sâu kín nơi mỗi người trong chúng ta. Nhà văn chỉ khơi động và làm sống dậy cái sự thật ấy trong lòng chúng ta mà thôi.

Thật là khốn nạn cho một người mẹ vì sự sống của đàn con mà phải buông tay giữa dòng nước xoáy. Tuy nhiên đôi khi chúng ta cũng có thể thấy được trường hợp của một người cha can đảm, dám hy sinh tất cả vì mục đích của đời mình, thế nhưng không phải là hy sinh mạng sống của mình mà là mạng sống của con mình. Nếu Ngọc Hoàng Thượng Đế là một bà mẹ, thì biết đâu thế giới này cũng sẽ khác hơn, ít ra cũng bớt hung bạo và chiến tranh hơn, dù cho con người cũng có thể vì thế mà phải mang bản chất của một người mẹ, một người phụ nữ, tức mềm yếu hơn và dễ rơi nước mắt hơn.

Thật ra mềm yếu hay can đảm cũng chỉ mang tính cách tương đối. Nụ cười trên môi của vị bác sĩ và bà y tá khi trông thấy mẹ tôi ngồi sụp xuống đất để ghé lưng cõng tôi, vẫn còn ám ảnh tôi cho đến ngày nay, chẳng qua vì tôi vẫn không hiểu được ý nghĩa của những nụ cười ấy là gì. Cười trước sự gan lì của một đứa bé bị tiêm thuốc eucalyptine mà không khóc, hay là cười vì tình thương con quá đáng của một người mẹ, hay là biết đâu những nụ cười ấy cũng chỉ là những nụ cười rẻ tiền, vô thưởng vô phạt và chẳng mang một ý nghĩa nào cả? Thật vậy, nếu muốn hiểu được sự gan lì của một đứa bé và sự yếu mềm trong lòng một người mẹ, thì phải có một sự rung động thật tinh tế, một sự hòa nhập nào đó với những gì sâu kín trong lòng họ. 

Sự yếu mềm trong lòng của một người mẹ cũng có thể toát ra một sức mạnh bằng những giọt mồ hôi trên lưng áo. Sự gan lì trong lòng một đứa bé cũng có thể biến thành những vần thơ thật yếu mềm: 
 
Đóa hoa nào trên áo?
Đóa hoa nào trong tim?
Xin cài lên áo em,
Một đóa hoa màu thắm.

Trắng tinh màu áo anh,
Cài hộ anh hoa trắng.
Trong tim anh heo héo,
Đau nhói một cánh hồng.

Bụi trần vương áo anh,
Đã bao lần hoa héo.
Nghìn năm anh vun xới,
Cánh hoa nào trong tim?

Áo anh vạt nắng chiều,
Hoen hoen màu hoa trắng.
Tim anh, em biết không?
Đỏ thắm một nụ hồng.
(30.08.13)

Tuy giản dị, vụng về và mộc mạc thế nhưng tôi vẫn xin hiến dâng những vần thơ này cho tất cả những ai có một người mẹ và cả những ai không có mẹ.
                       
Bures-Sur-Yvette, 19.09.13
Hoang Phong


Tham Khảo
Bông Hồng Cài Áo
Nhất Hạnh
http://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha087.htm

Bồng Hồng Cài Áo, sự tiếp nối đẹp đẽ của cha mẹ nơi mình
Chúc Phúc - Quảng Kiến - Nguyệt San Giác Ngộ 2008
http://langmai.org/cong-tam-quan/Thich-Nhat-Hanh/tro-chuyen-voi-thien-su-nhat-hanh-quanh-bai-bong-hong-cai-ao

Anh phải sống
Khái Hưng
http://chimviet.free.fr/tienchie/0054khaihung/khaihn01.htm
Bông hồng cài áo
Phạm Thế Mỹ - tiếng hát Khánh Ly
http://www.youtube.com/watch?v=tdKR29RKLRM

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites