“Thế gian vô thường, mạng người chỉ trong hơi
thở, thở ra mà không hít vào thì đã qua đời khác … Mạng người khó có thể
bảo toàn được”...
Kinh Trường A-Hàm, quyển 5, có đoạn nói về tiền thân đức Phật Thích-Ca như vầy:
Lúc bấy giờ trời Đại-Phạm-Vương hóa thân làm một Đồng-tử đến nói với
trời Đao-Lợi rằng: “Các ngươi có muốn nghe chuyện kỳ đặc về Phật
Thích-Ca không?”
Các Trời Đao-Lợi đáp: “Hay thay! Chúng tôi từ lâu muốn biết điều đó”.
Đồng-tử Đại-Phạm-Vương nói: “Trong quá khứ có một kiếp nọ, Phật
Thích-Ca trong lúc đang tu Bồ-Tát hạnh, mới được sanh ra, Ngài đã thông
minh diệu trí hơn người. Cha Ngài tên là Điển-Tôn làm quan tể tướng của
vua Địa-Chủ. Vua Địa-Chủ có thái tử tên là Từ-Bi hay đi giao du với các
vị đại thần dòng Sát-Đế-Lợi. Bỗng nhiên tể tướng Điển-Tôn mắc phải bệnh
ngặt nghèo rồi qua đời để lại sự tiếc thương cho bao người. Nhất là nhà
vua sầu khổ vì mất vị tể tướng tài ba trung hậu.
Thái tử Từ-Bi thấy vua cha buồn rầu, nên đến tâu rằng: “Tâu
Phụ-vương! Xin Phụ-vương chớ nên buồn khổ nữa mà tổn hại đến long thể.
Tể tướng Điển-Tôn có một người con trai tên là Diệm-Mang tài ba lỗi lạc.
Lúc tể tướng Điển-Tôn còn sanh tiền mỗi mỗi việc triều chánh thường đem
bàn thảo với công tử Diệm-Mang, trước khi đem thi hành. Vì thế, chẳng
những Diệm-Mang đã hiểu rõ những việc triều chánh mà còn biết dự đoán
những việc tương lai. Theo thiển nghĩ của con, Phụ-hoàng nên triệu
Diệm-Mang vào triều bàn luận trao cho việc quốc sự chắc thích hợp hơn
cả”.
Vừa nghe thái tử Từ-Bi trình tấu, vua Địa-Chủ như rũ sạch nỗi ưu
phiền lo âu, liền triệu Diệm-Mang vào triều, sau những ngày cùng nhau
bàn luận kỹ lưỡng, nhà vua phán rằng: “Nay ta phong cho ngươi vào chức
vụ của cha ngươi ngày trước. Vậy từ đây ngươi hãy hết lòng tận trung với
quốc với quân, cũng có nghĩa là tận hiếu với thân phụ người nữa đó”.
Nói rồi, nhà vua đem ấn tướng trao cho Diệm-Mang.
Từ khi Diệm-Mang nhận lãnh ấn tướng, ngày đêm chuyên tâm lo việc
triều chánh của vua trao, thành quả tỏ ra đặc biệt xuất sắc hơn ngày
trước của cha. Còn nhà vua thì ở trong thâm cung lo hưởng thú vui dục
lạc. Chẳng bao lâu, Diệm-Mang được tiếng khen đồn xa. Từ vua cho đến
quốc dân, ai nấy thảy đều quý mến tôn xưng là Đại-Điển-Tôn.
Chẳng bao lâu sau đó, vua Địa-Chủ băng hà, triều thần suy tôn thái tử
Từ-Bi lên ngôi thay thế cho vua cha. Thái tử Từ-Bi sau khi lên ngôi
liền nghĩ đến việc chọn người vào chức tể tướng để giúp nhà vua trị nước
an dân. Đã hơn ba tháng trời nhà vua suy nghĩ tìm người hiền tài. Nhưng
suy đi nghĩ lại không ai tài trí đức độ hơn Đại-Điển-Tôn. Vua Từ-Bi
khai triều nghị hội, triều thần luận bàn sôi nổi, kết quả lễ trao ấn tín
cho tể tướng Đại-Điển-Tôn được tổ chức trọng thể sau đó.
Với đức độ tài ba và lòng trung hậu chân chánh, chẳng bao lâu tể
tướng Đại-Điển-Tôn dang vang khắp thiên hạ. Do đó, nên các vua của bảy
nước lân bang đều triệu thỉnh ông làm cố vấn chỉ đạo việc nước cho họ.
Bảy nhà đại cư sĩ cũng nhờ ông giúp ý kiến để xử lý việc nhà của họ. Bảy
trăm kẻ phạm-Chí cũng nhờ Đại-Điển-Tôn hướng dẫn họ đọc tụng kinh điển.
Họ nghĩ ông là thần minh của trời Phạm-Thiên sai xuống thế gian, nên họ
hết lòng kính nể. Chẳng bao lâu sau đó, tể tướng Đại-Điển-Tôn phát tâm
chuyên tu suốt ba tháng hạ để thân tâm thanh tịnh, hầu mong được trời
Phạm-Thiên giáng lâm dạy đạo. Đã ba tháng trôi qua mà không thấy trời
Phạm-Thiên đâu cả! Tể tưởng Đại-Điển-Tôn quyết tâm từ bỏ tất cả chức
tước triều đình, đi ra ngoài cửa thành phía Đông, tìm đến một gốc cây
trong một túp lều tranh đem hết lòng thành chuyên tu Tứ-vô-lượng-tâm:
Từ-Bi-Hỷ-Xả. Trải qua một thời gian tu luyện chuyên tâm thiền quán, bỗng
nhiên vào một đêm nọ có ánh sáng rạng ngời từ trên trời cao chiếu
xuống, liền khi đó có một Đồng-tử hiện ra trước mặt bảo rằng: “Nhà ngươi
có muốn hỏi điều chi thì cứ tự nhiên”.
- Đại-Điển-Tôn cung kính mở lời: “Thưa Đồng-tử, tôi muốn biết nhờ tu pháp gì mà được làm Phạm-Thiên?”
Đồng-tử đáp: “Bỏ xú uế nơi cõi lòng thì sẽ làm được Phạm-Thiên”.
Đại-Điển-Tôn lại hỏi: “Thế nào là xú uế nơi cõi lòng?”
Đồng tử đáp: “Dối trá, ngã mạn, tham lam, sân hận, si mê, ích kỷ, cố
chấp, tăng thượng mạn, hận thù, tất cả thứ đó là xú uế. Lòng còn chứa
chấp những thứ xú uế đó thì khó có thể tránh khỏi đọa vào địa-ngục,
ngạ-quỉ, súc-sanh, chớ đừng nói chi làm được Phạm-Thiên”.
Tể tướng Đại-Điển-Tôn nghe xong thầm nghĩ rằng: “Lòng xú uế tai hại
như thế. Ngày nào còn ở tại gia thì ngày đó còn vướng bận vợ con nhà
vửa, công danh, phú quý, lợi dưỡng, không có phương cách nào dứt sạch xú
uế. Chi bằng ta nên xuất gia”.
Nghĩ vậy rồi, Đại-Điển-Tôn liền đem ý định xuất gia của mình tâu
trình với vua Từ-Bi và các vương quốc lân bang, xin trao trả chức tể
tướng để rảnh tay thực hiện chí nguyện xuất gia.
Sau khi nghe Đại-Điển-Tôn tâu, vua và các quốc vương nghĩ rằng: “Hạng
Bà-la-môn thường ham bạc vàng, châu báu, gái đẹp. Thế thì nay ta nên mở
kho châu báu, tuyển chọn thể nữ trẻ đẹp, rồi mời tể tướng Đại-Điển-Tôn
đến để ông ta tùy sở thích chọn lựa. Làm như vậy, chắc Đại-Điển-Tôn sẽ
bỏ ý định từ quan xuất gia tu học đạo.
Nhưng nào có ngờ những thứ ấy không làm lay chuyển được lòng kẻ đã
quyết tâm tu hành. Đại-Điển-Tôn vẫn khẩn thiết tâu rằng: “Muôn tâu
Thánh-thượng! Tấm lòng của Thánh-thượng quá ưu đãi như thế, hạ thần đã
được ân mưa móc lắm rồi! Nhưng mong Thánh-thượng rủ lòng thương, để hạ
thần được toại nguyện xuất gia tu hành. Chỉ có xuất gia là phương cách
tốt nhất để có thể trừ bỏ lòng xú uế”.
Vua Từ-Bi cùng với các vị quốc vương khuyên Đại-Điển-Tôn nên đợi bảy
năm nữa để các quốc vương có thời gian sắp đặt truyền ngôi cho các vương
tử rồi cùng nhau đi xuất gia với Đại-Điển-Tôn luôn một thể.
Đại-Điển-Tôn thưa vua: “Thế gian vô thường, mạng người chỉ trong hơi
thở, thở ra mà không hít vào thì đã qua đời khác … Mạng người khó có thể
bảo toàn được”.
Các quốc vương đều khuyên Đại-Điển-Tôn rằng: “Nếu bảy năm mà khanh
cho là lâu thì 6 năm, 5 năm, 4 năm, có được chăng?” Nhưng tể tướng
Đại-Điển-Tôn lòng đã quyết, vẫn một mực giữ ý định. Và cứ như thế các
quốc vương khất hẹn thời gian giảm ngắn dần cho đến khi khất hẹn chỉ còn
đợi đến bảy ngày thôi, để các quốc vương thu xếp rồi cùng đi xuất gia,
lúc đó Đại-Điển-Tôn mới chịu đồng ý.
Đại-Điển-Tôn đem việc nầy trình bày cho bảy vị đại cư sĩ và bảy trăm
người Phạm-Chí biết. Các cư sĩ đồng ý. Nhưng các Phạm-Chí lại khuyên
Đại-Điển-Tôn rằng: “Tể tướng chớ nên xuất gia. Xuất gia thì phải ở chỗ
tịch mịch cô đơn vắng vẻ, đời sống thanh đạm, ăn ngủ thiếu thốn. Còn ở
tại gia thì được hưởng đủ thú vui dục lạc. Chúng tôi xin tể tướng nghĩ
lại nên bỏ ý định xuất gia, để chúng ta cùng hưởng công danh, phú quý,
dục lạc trần gian cho trọn kiếp người”.
Đại-Điển-Tôn nói với các Phạm-Chí rằng: “Nếu ta cho tại gia là vui,
xuất gia là khổ, thì ta đã không có ý chí xuất gia rồi. Nhưng ta đã thấu
rõ tại gia là khổ, cái khổ ràng buộc tinh thần, tâm tánh không thể
thanh tịnh, kéo theo đó cái khổ đọa lạc muôn đời ngàn kiếp. còn xuất gia
là vui, cái vui tinh thần thoải mái, tâm tư thanh tịnh, cái vui vĩnh
viễn giải thoát giác ngộ tự tại. Ta đã suy nghĩ kỹ, nên mới quyết định
chọn lấy đời sống xuất gia”.
Các vị Phạm-Chí nghe rồi liền nói: “Nếu thế thì chúng tôi cũng xin
theo tể tướng xuất gia, tôn xưng tể tướng làm Đạo-Sư của chúng tôi.
Đạo-Sư làm gì thì chúng tôi cũng làm theo như thế”.
Tin tể tướng Đại-Điển-Tôn xuất gia chẳng mấy chốc lan truyền khắp từ
trong hoàng cung ra đến nhân gian, khiến cho ai nấy đều cảm động. Các
hoàng hậu cung phi và các phu nhân của các đại thần đều nghĩ rằng:
“Đại-Điển-Tôn là bậc tể tướng tài ba đức độ an bang tế thế, không những
chỉ cho riêng đức vua Từ-Bi, mà còn là tể tướng của bảy quốc vương lân
bang nữa. Quyền uy danh vọng, phú quý tột đỉnh hơn người, thế mà còn từ
bỏ để đi tu. Huống chi là bọn chúng ta. Nghĩ vậy rồi, họ cùng nhau đến
xin theo Đại-Điển-Tôn để được xuất gia tu hành. Chẳng bao lâu số người
xin xuất gia lên đến hơn tám vạn bốn ngàn người.
Kể đến đây, Phạm-Thiên Đồng-tử nói với các trời Đao-Lợi rằng: “Các
người chớ nghĩ rằng, vị đại thần tể tướng Đại-Điển-Tôn Đó chẳng phải là
ai đâu khác, mà chính là tiền thân của đức Phật Thích-Ca. Ngài hiện đang
thuyết pháp ở núi Kỳ-Xà-Quật. Nếu các người có nghi lời ta nói, thì xin
cứ đến đó mà hỏi thì sẽ rõ. Như đức Điều-Ngự Thích-Ca có dạy điều gì,
thì quý vị nên cố gắng nhớ lấy”.
Lúc bấy giờ có vị nhạc thần tên là Bát-Giá-Dực của trời Đao-Lợi, dẫn
bằng hữu quyến thuộc đến trước đức Phật quỳ thưa rằng: “Bạch đức
Thế-Tôn! Do vì lời nói của vị Phạm-Thiên Đồng-tử, nên nay chúng con đến
đây ra mắt xin hỏi Ngài một điều: Trong một thời quá khứ xa xưa, có một
kiếp nọ Ngài làm tể tướng tên là Đại-Điển-Tôn, bạch đức Như-Lai có phải
đúng thế không? Và vị tể tướng Đại-Điển-Tôn đồng ý với vua Từ-Bi là chỉ
trong bảy ngày thì xuất gia tu hành. Rồi cùng đại chúng đi qua khắp các
nước du hóa độ sanh, điều nầy có đúng không? Cúi mong đức Thế-Tôn, vì để
cho chúng trời người ba cõi có niềm tin sâu đậm vững chắc, và vì sự lợi
ích chúng sanh, ngưỡng mong đức Thế-Tôn từ bi ban cho chúng con một lời
xác định”.
Đức Phật từ tốn đáp: “Lời thuật vừa rồi của Phạm-Thiên Đồng-tử quả
thật không hư dối. Chớ đem lòng nghi tể tướng Đại-Điển-Tôn đó là ai đâu
khác, mà chính là tiền thân của ta đó vậy”.
HT Thích Đức Niệm
0 Kommentare:
Post a Comment