"Thế mà vì nữ sắc, tôi phải ngày ngày đem thân làm tôi mọi đi
kiếm tìm thức ăn ngon ngọt để về cung phụng cho một con Phượng-hoàng
mái, để đến nỗi phải rơi vào tay gã thợ săn xuýt nữa toi mạng..."
Tôn giả A-Nan thuật rằng: Một hôm trên núi Kỳ-Xà-Quật thuộc thành
Vương-Xá, có một lần nọ, tôi đã từng nghe đức Phật nói về tiền kiếp của
Ngài như vầy:
Thuở quá khứ xa xưa, có một kiếp nọ Như-Lai làm chim Phượng-hoàng
chúa với năm trăm người vợ đẹp theo hầu hạ, cuộc sống vinh hoa phú quý
quyền uy hạnh phúc như thế, tưởng đã êm đềm với ngày tháng trôi qua.
Nhưng bỗng một ngày kia Phượng-hoàng chúa bay dạo trên khu rừng già để
thưởng ngoạn những hoa thơm trái lạ, chợt thấy một nàng Phượng-hoàng trẻ
đẹp sắc xanh da trời với bộ lông tuyệt mỹ, dáng bay dịu dàng, tiếng hót
thanh tao, khiến cho Phượng-hoàng chúa khởi tâm đắm sắc, mê mẩn dục
tình, bỏ năm trăm vợ hiền trẻ đẹp để theo nàng Phượng-hoàng yêu kiều
diễm lệ kia. Nàng Phượng-hoàng trẻ đẹp mới nầy khó tánh, kén ăn kén ở
lại thích chiều chuộng, làm cho Phượng-hoàng chúa phải chiều lòng để cho
đẹp dạ nàng. Vì thế, ngày ngày Phượng-hoàng chúa phải bay đi khắp đó
đây để tìm những trái cây ngon ngọt thơm tốt đem về để làm đẹp lòng nàng
Phượng-hoàng tình nhân.
Lúc bấy giờ Hoàng-hậu thành Vương-Xá đau nặng, nhà vua đã mấy phen
cho mời các ngự y, danh y trong nước đến xem bệnh hột thuốc, nhưng bệnh
tình Hoàng-hậu vẫn không thuyên giảm chút nào. Một hôm, Hoàng-hậu bị cơn
bệnh hoành hành mê sảng thiếp đi, trong cơn mê sảng chiêm bao thấy có
người đến mách rằng, bệnh của lệnh bà chỉ có ăn thịt Phượng-hoàng chúa
mới hết, bằng không thì chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết. Khi thức giấc,
Hoàng-hậu lo sợ khóc lóc đem điềm chiêm bao tâu cho vua nghe. Vua lấy
làm lo âu liền triệu tập quần thần để đoán mộng. Các thầy đoán mộng tâu
vua rằng: “Nếu căn cứ vào điềm chiêm bao của Hoàng-hậu, thì chỉ còn có
cách là ăn thịt chim Phượng-hoàng chúa, hoàng hậu mới hết bệnh”.
Thế rồi, nhà vua truyền lệnh rằng: “Ai bắt được chim Phượng-hoàng
chúa về dâng lên vua thì sẽ được trọng thưởng ngàn lượng vàng và gả công
chúa làm vợ”.
Khi lệnh nhà vua vừa truyền ra, các người thợ săn vội vã thi đua nhau
đi khắp núi rừng để tìm bắt chim Phượng-hoàng chúa với hy vọng được
trọng thưởng và làm chồng công chúa. Những thợ săn không quản ngại ngày
đêm đi lùng tìm, họ dùng đủ trăm phương ngàn kế bủa vây khắp nơi để tìm
cách bắt cho được Phượng-hoàng chúa. Chẳng bao lâu, một trong số những
thợ săn đã theo dõi biết được tông tích nơi ẩn trú của Phượng-hoàng chúa
và nàng Phượng-hoàng tình nhân.
Gã thợ săn này biết rằng con Phượng-hoàng chúa không dễ gì bắt được
nó. Trong lúc suy tư tìm phương cách, thì anh ta nghĩ ra một diệu kế,
lấy mật và bánh bột nhồi trộn lẫn nhau rồi tự trét lên thân mình anh ta.
Đồng thời chọn mua trái cây thơm ngọt gắn dính lên khắp mình anh nhìn
như một đống trái cây. Xong rồi, gã thợ săn giả trang ngồi yên bất động
trên một cành cây cổ thụ, kiên nhẫn đợi chờ mấy ngày liền.
Bỗng vào một buổi mai khi ánh bình minh vừa rạng chiếu chân trời,
chim chóc khắp nơi trên cành cây kẽ lá reo hò thi đua nhau bay đi tìm
mồi, thì Phượng-hoàng chúa cũng như mọi ngày bay đi tìm trái cây ngon
ngọt cho tình nhân. Khi Phượng-hoàng chúa bay qua đám rừng già, thoạt
ngửi thấy mùi thơm ngọt thoảng trong gió, liền tìm bay đến chỗ phát ra
mùi thơm, lượn mấy vòng trên không quan sát kiếm tìm. Phượng-hoàng nhìn
kỹ thì thấy trên cây cổ thụ một đống trái cây thơm tốt, nên lòng rất
mừng rỡ tự nhủ rằng: “Đỡ quá! Sao mà nhiều trái cây ngon ngọt thế nầy!
Từ đây ta sẽ không còn phải mất thì giờ khổ công ngày ngày tìm kiếm trái
cây cho người yêu quý của ta nữa!”
Chẳng ngần ngại, Phượng-hoàng đáp nhanh xuống cây cổ thụ quán sát một
hồi thấy rõ một khối trái cây tươi tốt thơm ngọt. Tin chắc không còn
ngại ngùng e sợ, Phượng-hoàng liền bay đến đậu trên đống trái cây, đúng
ngay vị trí bả vai của gã thợ săn ngụy trang kia, miệng vừa cắn trái
cây, chân dính mật. Nhanh như chớp, gã thợ săn chụp lấy. Phượng-hoàng
kinh hãi thét lên mấy tiếng vùng vẫy. Nhưng đã quá chậm rồi.
Phượng-hoàng run rẩy van xin: “Ông ơi! Chắc ông đã phải khổ cực lắm mới
bắt được tôi. Vì tôi mà ông đã phải ngồi bất động cực nhọc như thế nầy.
Chắc là để đổi lấy điều gì lợi ích lớn lao lắm đây, nên ông mới tốn hao
khổ công thế nầy? Nếu ông chịu thả tôi ra, tôi sẽ dẫn chỉ cho ông một
núi vàng. Nơi đó, ông sẽ trở thành giàu sang triệu phú. Còn mạng tôi đây
có đáng gì đâu! Xin ông thương xót tha cho”.
Gã thợ săn đáp: “Sao lại không đáng? Nhà vua đã hứa rằng, hễ ai bắt
được ngươi đem nộp, thì sẽ được thưởng ngàn lượng vàng và được gả công
chúa làm vợ. Còn núi vàng kia làm sao bằng công chúa? Bộ ngươi muốn đùa
với ta sao chớ?”
Nói xong, kẻ thợ săn trói chặt Phượng-hoàng đem về dâng nạp lên vua.
Được chim Phượng-hoàng chúa, nhà vua rất đỗi vui mừng, liền truyền lệnh
làm thịt nấu cho Hoàng-hậu ăn để hết bệnh.
Phượng-hoàng chúa thưa: “Muôn tâu Thánh-thượng! Thánh thượng là bậc
chí tôn trong thiên hạ, ân đức trùm khắp cả bốn phương. Nay vì cứu mạng
sống của Hoàng-hậu mà tôi phải hy sinh, thì tôi cũng không lấy gì làm
tiếc cái thân mạng hèn hạ nầy. Nhưng tâu Thánh-thượng, tôi vốn biết bùa
phép linh thiêng kỳ diệu, có thể cứu Hoàng-hậu ra khỏi ngặt nghèo mà
không cần phải ăn thịt tôi. Nếu Thánh-thượng tin thương, thì xin cho một
thau nước, tôi sẽ vẽ thần chú linh phù trong nước rồi đem dâng cho
Hoàng-hậu uống và tắm thì bệnh hết ngay. Nhược bằng không hiệu nghiệm,
tôi xin chịu tội mất mạng cũng chẳng muộn. Còn nếu Hoàng-hậu lành bệnh,
xin Ngài thả tôi về lại với núi rừng”. Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, nhưng
vẫn nhận lời và ra lệnh cận thần bưng thau nước đến.
Quả đúng như vậy. Sau khi Hoàng-hậu uống và tắm nước linh phù xong,
thì cảm thấy mạnh khỏe và sắc diện Hoàng-hậu trở nên trẻ đẹp hơn trước.
Nỗi sầu lo ưu buồn của nhà vua và của cả hoàng triều cũng liền theo đó
không còn nữa. Được tin Hoàng-hậu bình phục như thường, từ trong thành
nội cho đến ngoài nhân gian, khắp mọi cõi lòng tràn ngập nguồn vui.
Sau khi Hoàng-hậu trở nên mạnh khỏe trẻ đẹp hơn xưa, nhà vua vô cùng
mừng rỡ và thầm khen tài nghệ thần bí của Phượng-hoàng. Nhà vua muốn giữ
Phượng-hoàng ở lại hoàng cung. Nhưng trước đó nhà vua đã hứa thả
Phượng-hoàng về với núi rừng, khi Hoàng-hậu lành bệnh. Trong lúc đó,
Phượng-hoàng để thử ý nhà vua, xem có con thiết tha cần mình nữa không,
nên xin nhà vua giữ lời hứa. Riêng về nhà vua lúc nầy thì mải bận vui
với Hoàng-hậu, nên chẳng còn để ý tới Phượng-hoàng nữa.
Trước khi rời khỏi cung vua để bay về núi rừng sống lại cuộc đời mây
nước trời cao rừng thẳm bao la, Phượng-hoàng còn tâu với vua lần chót
rằng: “Muôn tâu Bệ-hạ! Để trả ơn Bệ-hạ tha sống, xin Bệ-hạ cho phép tôi
được đáp xuống hồ sen bán nguyệt đọc thần chú linh phù, để nhân dân
trong nước của Ngài nếu ai có bệnh tật mà uống nước hồ nầy thì cũng sẽ
được tiêu trừ”. Nhà vua cả mừng bằng lòng ngay. Từ đấy, nhân dân trong
nước, hễ ai có bệnh tật gì đến xin lấy nước hồ sen uống thì đều được
lành bệnh ngay.
Phượng-hoàng bay đậu trên nóc cung điện bái chào nhà vua và hoàng
triều lần cuối trước khi từ biệt. Từ trên nóc cung điện, Phượng-hoàng
nói lớn lên rằng: “Trên đời nầy có ba kẻ điên: Kẻ thứ nhất là tôi. Kẻ
thứ nhì là gã thợ săn, và kẻ thứ ba là Bệ-hạ”.
Nói xong thấy nhà vua và cả hoàng triều nhìn chim Phượng-hoàng với
dáng điệu ngơ ngác ngạc nhiên, Phượng-hoàng liền nói tiếp: “Chư Phật đã
từng nói, nữ sắc cắt giết mạng người. Tôi vì mê sắc đẹp của tình nhân mà
bội bạc bỏ năm trăm người vợ hiền chung tình ngày đêm săn sóc cho tôi.
Tôi vốn là vua của loài Phượng-hoàng, trời cao mây nước vốn là giang sơn
của tôi. Thế mà vì nữ sắc, tôi phải ngày ngày đem thân làm tôi mọi đi
kiếm tìm thức ăn ngon ngọt để về cung phụng cho một con Phượng-hoàng
mái, để đến nỗi phải rơi vào tay gã thợ săn xuýt nữa toi mạng. Ấy là tôi
điên.
Còn gã thợ săn kia, tôi đã thật tình khẩn khoản chỉ núi vàng cho gã
để đổi lấy mạng sống của tôi, để gã trở nên người giàu sang triệu phú.
Nhưng gã vì quá ước mơ được lấy công chúa. Lời hứa của đàn bà chẳng khác
sương sáng cành hoa, mây chiều lãng đãng, có chắc gì đâu? Nghe thì hay
ho êm dịu, thấy thì đẹp như hoa nở bướm lượn, nhưng tất cả đều là ảo
tưởng huyễn mộng, không có gì thật cả. Sự nghiệp danh giá của kẻ nam nhi
sẽ lại tan tành trong nháy mắt vì nữ sắc. Như gã thợ săn kia, vì nghe
lời hứa của nhà vua, say sưa sẽ được công chúa, mà mất cả núi vàng, mất
cả giàu sang và mất cả công chúa. Ấy là kẻ điên thứ hai.
Còn Bệ-hạ được một danh y cứu sống Hoàng-hậu, cứu bệnh tật muôn dân,
đem lại sự an lành cho thiên hạ. Ấy thế mà Bệ-hạ để cho danh y ấy ra đi
không một lời khẩn khoản nài nỉ, không một chút tiếc nuối. Bệ-hạ chỉ
biết vui với Hoàng-hậu, sẵn sàng chém đầu bất cứ ai, miễn là được
Hoàng-hậu vui vẻ bên vua. Nếu tôi không có thần chú linh phù thì chắc
cái đầu tôi cũng bay đi rồi, và giờ nầy thân tôi đã vào bụng Hoàng-hậu.
Thế có phải Bệ-hạ là kẻ điên thứ ba không?” Nói xong, Phượng-hoàng cất
cánh bay cao vào khoảng trời mây bao la cao rộng xanh biếc.
Thuật câu chuyện xong, đức Phật nói với đại chúng rằng: “Người thợ
săn trong mẩu chuyện mà ta mới vừa kể chính là tiền thân của Đề-Bà
Đạt-Đa. Còn Hoàng-hậu đòi ăn thịt chim Phượng-hoàng kia chính là tiền
thân vợ của Đề-Bà Đạt-Đa ngày nay. Nhà vua thuở đó chính là tiền thân
của Xá-Lợi-Phất. Chim Phượng-hoàng chính là tiền thân của Như-Lai đây
vậy”.
Đức Phật còn nói tiếp, thuở ấy, tuy đọa làm thân súc sanh, nhưng ta
đã phát tâm tu Bồ-Tát hạnh, hành Bồ-Tát đạo với tâm từ bi hỷ xả cứu độ
thế nhân. Chẳng qua vì một niệm si mê đắm sắc dục tình mà ta đã phải lụy
thân làm kiếp con Phượng-hoàng.
HT Thích Đức Niệm
0 Kommentare:
Post a Comment