"Thế nên người tu muốn giác ngộ là phải Tự tâm mình giác
ngộ, chớ không phải cúng thí nhiều mà giác ngộ. Cúng thí là tạo phước để mình được
những quả tốt cho đời sau, chớ không phải là thành đạo..."
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu 1999 PL. 2543
Phẩm
Thứ Ba Nghi Vấn
DỊCH
Một hôm Vi thứ sử
vì Tổ thiết đại hội trai, trai xong, Thứ sử thỉnh Tổ đăng tòa, quan liêu sĩ thứ
đều thành kính lễ bái, hỏi rằng:
Đệ tử nghe Hòa
thượng thuyết pháp, thật không thể nghĩ bàn, nay có một ít nghi, cúi mong Ngài
đại từ đại bi đặc biệt vì giải nói.
Tổ bảo:
Có nghi liền hỏi,
tôi sẽ vì các ông mà nói.
Thứ sử thưa:
Hòa thượng nói
pháp, đâu không phải là tông chỉ của Tổ Đạt-ma ư?
Tổ bảo:
Đúng vậy!
Thứ sử thưa:
Đệ tử nghe Tổ
Đạt-ma khi mới đến vua Lương Võ Đế, Võ Đế hỏi: “Trẫm một đời cất chùa độ Tăng,
bố thí thiết trai có những công đức gì?” Tổ Đạt-ma bảo: “Thật không có công
đức.” Đệ tử chưa thấu được lẽ này, cúi mong Hòa thượng vì nói.
Tổ bảo:
Thật không có
công đức, chớ nghi lời của bậc tiên Thánh. Võ Đế tâm tà, không biết chánh pháp,
cất chùa độ Tăng, bố thí, thiết trai đó gọi là cầu phước, chớ không thể đem
phước đổi làm công đức. Công đức là ở trong Pháp thân, không phải do tu phước
mà được.
Tổ lại nói:
Thấy tánh là
công, bình đẳng là đức, mỗi niệm không ngưng trệ, thường thấy Bản tánh, diệu
dụng chân thật gọi là công đức. Trong tâm khiêm hạ là công, bên ngoài hành lễ
phép là đức; Tự tánh dựng lập muôn pháp là công, Tâm thể lìa niệm là đức; không
lìa Tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công đức Pháp thân,
chỉ y nơi đây mà tạo là chân công đức. Nếu người tu công đức, tâm tức không có khinh,
thường hành khắp kỉnh. Tâm thường khinh người, ngô ngã không dứt tức là không
công, Tự tánh hư vọng không thật tức tự không đức, vì ngô ngã tự đại thường
khinh tất cả. Này Thiện tri thức, mỗi niệm không có gián đoạn là công, tâm hành
ngay thẳng là đức, tự tu tánh là công, tự tu thân là đức. Này Thiện tri thức,
công đức phải là nơi Tự tánh mà thấy, không phải do bố thí cúng dường mà cầu
được. Ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau. Võ Đế không biết chân lý,
không phải Tổ sư ta có lỗi.
Thứ sử lại hỏi:
Đệ tử thường thấy
Tăng tục niệm Phật A-di-đà, nguyện sanh Tây phương, thỉnh Hòa thượng nói, được
sanh nơi cõi kia chăng? Nguyện vì phá cái nghi này.
Tổ bảo:
Sử quân khéo lắng
nghe, Huệ Năng sẽ vì nói. Thế Tôn ở trong thành Xá-vệ nói Tây phương dẫn hóa,
văn kinh rõ ràng cách đây không xa. Nếu luận về tướng mà nói, số dặm có
mười muôn tám ngàn, tức là trong thân có mười ác và tám tà, liền là nói xa, nói
xa là vì kẻ hạ căn, nói gần là vì những người thượng trí. Người có hai hạng nhưng
pháp không có hai thứ, mê ngộ có khác, thấy có mau chậm. Người mê niệm Phật cầu
sanh về cõi kia, người ngộ tự tịnh tâm mình, sở dĩ Phật nói: Tùy tâm tịnh liền
được cõi Phật tịnh.
Sử quân, người
phương Đông chỉ tâm mình tịnh liền không có tội, tuy người phương Tây tâm không
tịnh cũng có lỗi. Người phương Đông tạo tội niệm Phật cầu sanh về phương Tây,
còn người phương Tây tạo tội, niệm Phật cầu sanh cõi nào? Phàm ngu không rõ Tự
tánh, không biết trong thân Tịnh độ, nguyện đông, nguyện tây, người ngộ ở chỗ nào
cũng vậy, cho nên Phật nói: Tùy chỗ mình ở hằng được an lạc.
Sử quân, Tâm địa
chỉ không có bất thiện thì Tây phương cách đây không xa. Nếu ôm lòng chẳng
thiện, niệm Phật vãng sanh khó đến. Nay khuyên Thiện tri thức trước nên dẹp trừ
thập ác tức là đi được mười muôn, sau trừ tám cái tà bèn qua được tám ngàn, mỗi
niệm thấy tánh thường hành bình trực, đến như trong khảy móng tay, liền thấy đức
Phật A-di-đà.
Sử quân, chỉ hành
mười điều thiện đâu cần lại nguyện vãng sanh, không đoạn tâm thập ác thì Phật
nào đón tiếp. Nếu ngộ được đốn pháp vô sanh, thấy Tây phương chỉ trong khoảng
sát-na. Còn chẳng ngộ, niệm Phật cầu sanh thì con đường xa làm sao đến được! Huệ
Năng vì mọi người dời cõi Tây phương trong khoảng sát-na ở trước mắt khiến cho quí
vị được thấy, quí vị có muốn thấy hay chăng?
Chúng đều đảnh lễ
thưa rằng:
Nếu ở cõi này mà
thấy được thì đâu cần phải nguyện vãng sanh, nguyện Hòa thượng từ bi liền hiện
Tây phương khiến cho tất cả được thấy.
Tổ bảo:
Này Đại chúng!
Người đời tự sắc thân là thành, mắt tai mũi lưỡi là cửa, ngoài có năm cửa,
trong có cửa ý. Tâm là đất, tánh là vua, vua ở trên đất tâm, tánh còn thì vua
còn, tánh đi mất thì vua mất; tánh ở thì thân tâm còn, tánh đi thì thân tâm
hoại. Phật nhằm trong tánh mà tạo, chớ hướng ra ngoài mà cầu. Tự tánh mê tức là
chúng sanh, Tự tánh giác tức là Phật, từ bi tức là Quán Thế Âm, hỉ xả gọi là
Đại Thế Chí, hay tịnh tức là đức Thích-ca, bình trực tức là Phật Di-đà. Nhân ngã
ấy là Tu-di, tà tâm là biển độc, phiền não là sóng mòi, độc hại là rồng dữ, hư
vọng là quỉ thần, trần lao là rùa trạnh, tham sân là địa ngục, ngu si là súc
sanh.
Này Thiện tri
thức, thường làm mười điều lành thì thiên đường liền đến, trừ nhân ngã thì núi
Tu-di ngã, dẹp được tham dục thì biển nước độc khô, phiền não không thì sóng
mòi mất, độc hại trừ thì rồng cá đều dứt. Ở trên Tâm địa mình là giác tánh Như
Lai phóng đại quang minh, ngoài chiếu sáu cửa thanh tịnh hay phá sáu cõi trời
dục, Tự tánh trong chiếu ba độc tức liền trừ địa ngục v.v... các tội một lúc đều
tiêu diệt, trong ngoài sáng tột, chẳng khác với cõi Tây phương, không chịu tu
như thế này làm sao đến được cõi kia?
Đại chúng nghe
nói rồi đều rõ ràng thấy được Tự tánh, thảy đều lễ bái, đều tán thán: “Lành
thay!” Thưa rằng: “Khắp nguyện pháp giới chúng sanh nghe một thời liền ngộ
hiểu.”
Tổ bảo:
Này Thiện tri
thức, nếu muốn tu hành, tại gia cũng được, không cần ở chùa, người tại gia mà
hay hành như người ở phương Đông mà tâm được thiện, còn người ở chùa mà không
tu cũng như người ở phương Tây mà tâm ác. Chỉ tâm thanh tịnh tức là Tự tánh Tây
phương.
Thứ sử Vi Cừ lại
hỏi:
Người tại gia làm
sao tu hành? Cúi xin Ngài vì chỉ dạy.
Tổ bảo:
Tôi vì Đại chúng
làm một bài tụng Vô tướng, chỉ y đây mà tu, thường cùng tôi đồng ở không khác,
nếu không tu như thế này dù có cạo tóc xuất gia đối với đạo cũng không có ích gì.
Tụng rằng:
Tâm bình không nhọc giữ giới,
Hạnh thẳng không cần tu thiền,
Ân thì nuôi dưỡng cha mẹ,
Nghĩa thì trên dưới thương nhau.
Nhường thì trên dưới hòa mục,
Nhẫn thì các ác không ồn,
Nếu hay dùi cây ra lửa,
Trong bùn quyết mọc sen hồng.
Đắng miệng tức là thuốc hay,
Nghịch tai là lời ngay thẳng,
Sửa lỗi ắt sanh trí tuệ,
Giữ quấy trong tâm không hiền.
Mỗi ngày thường làm lợi ích,
Thành đạo không do thí tiền,
Bồ-đề chỉ hướng tâm tìm,
Đâu nhọc hướng ngoại cầu huyền.
Nghe nói y đây tu hành,
Cực Lạc chỉ ngay trước mắt.
Hạnh thẳng không cần tu thiền,
Ân thì nuôi dưỡng cha mẹ,
Nghĩa thì trên dưới thương nhau.
Nhường thì trên dưới hòa mục,
Nhẫn thì các ác không ồn,
Nếu hay dùi cây ra lửa,
Trong bùn quyết mọc sen hồng.
Đắng miệng tức là thuốc hay,
Nghịch tai là lời ngay thẳng,
Sửa lỗi ắt sanh trí tuệ,
Giữ quấy trong tâm không hiền.
Mỗi ngày thường làm lợi ích,
Thành đạo không do thí tiền,
Bồ-đề chỉ hướng tâm tìm,
Đâu nhọc hướng ngoại cầu huyền.
Nghe nói y đây tu hành,
Cực Lạc chỉ ngay trước mắt.
(Tâm bình hà lao trì giới,
Hạnh trực hà dụng tu thiền,
Ân tắc thân dưỡng phụ mẫu,
Nghĩa tắc thượng hạ tương lân.
Nhượng tắc tôn ti hòa mục,
Nhẫn tắc chúng ác vô huyên,
Nhược năng toản mộc xuất hỏa,
Ứ nê định sanh hồng liên.
Khổ khẩu đích thị lương dược,
Nghịch nhĩ tức thị trung ngôn,
Cải quá tức sanh trí tuệ,
Hộ đoản tâm nội phi hiền.
Nhật dụng thường hành nhiêu ích,
Thành đạo phi do thí tiền,
Bồ-đề chỉ hướng tâm mích,
Hà lao hướng ngoại cầu huyền.
Thính thuyết y thử tu hành,
Tây phương chỉ tại mục tiền.)
Hạnh trực hà dụng tu thiền,
Ân tắc thân dưỡng phụ mẫu,
Nghĩa tắc thượng hạ tương lân.
Nhượng tắc tôn ti hòa mục,
Nhẫn tắc chúng ác vô huyên,
Nhược năng toản mộc xuất hỏa,
Ứ nê định sanh hồng liên.
Khổ khẩu đích thị lương dược,
Nghịch nhĩ tức thị trung ngôn,
Cải quá tức sanh trí tuệ,
Hộ đoản tâm nội phi hiền.
Nhật dụng thường hành nhiêu ích,
Thành đạo phi do thí tiền,
Bồ-đề chỉ hướng tâm mích,
Hà lao hướng ngoại cầu huyền.
Thính thuyết y thử tu hành,
Tây phương chỉ tại mục tiền.)
Tổ lại bảo:
Này Thiện tri
thức, thảy phải y kệ đây mà tu hành, nhận lấy Tự tánh, thẳng đó thành đạo. Pháp
không đợi nhau, mọi người hãy giải tán, tôi trở về Tào Khê, chúng nếu có nghi,
lại đến hỏi nhau.
Khi ấy Thứ sử
quan liêu ở trong hội, kẻ thiện nam tín nữ mỗi người đều được khai ngộ, tin thọ
vâng làm.
GIẢNG 1
Một hôm Vi thứ sử vì Tổ thiết đại hội trai, trai
xong, Thứ sử thỉnh Tổ đăng tòa, quan liêu sĩ thứ đều thành kính lễ bái, hỏi
rằng:
Đệ tử nghe Hòa thượng thuyết pháp, thật không thể nghĩ bàn, nay có một
ít nghi, cúi mong Ngài đại từ đại bi đặc biệt vì giải nói.
Tổ bảo:
Có nghi liền hỏi, tôi sẽ vì các ông mà nói.
Thứ sử thưa:
Hòa thượng nói pháp, đâu không phải là tông chỉ của Tổ Đạt-ma ư?
Tổ bảo:
Đúng vậy!
Thứ sử thưa:
Đệ tử nghe Tổ Đạt-ma khi mới đến vua Lương Võ Đế, Võ Đế hỏi: “Trẫm một
đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì?” Tổ Đạt-ma bảo: “Thật
không có công đức.” Đệ tử chưa thấu được lẽ này, cúi mong Hòa thượng vì nói.
Tổ bảo:
Thật không có công đức, chớ nghi lời của bậc tiên Thánh. Võ Đế tâm tà,
không biết chánh pháp, cất chùa độ Tăng, bố thí, thiết trai đó gọi là cầu phước,
chớ không thể đem phước đổi làm công đức. Công đức là ở trong Pháp thân, không phải
do tu phước mà được.
Phẩm thứ ba là phẩm Nghi Vấn tức là nếu có những điều nghi ngờ, đem ra
hỏi Lục Tổ.
Điều nghi đầu tiên là khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa, đến yết kiến
vua Lương Võ Đế, Vua liền hỏi: Trẫm một đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai
có những công đức gì? Tổ Đạt-ma bảo: Thật không có công đức. Chính câu
nói này khiến nhiều người nghi, không biết tại sao làm những điều đó mà không
công đức. Theo sử ghi: Vua Võ Đế thời đó cất mấy trăm ngôi chùa, độ Tăng tu
hành rất đông, thiết trai bố thí và chính nhà Vua giảng được kinh. Như vậy Võ
Đế cho rằng những việc làm ấy là đầy đủ công đức, nhưng không ngờ khi hỏi Tổ,
Tổ bảo: Không công đức. Đó là tạt một gáo nước lạnh vào mặt Võ Đế, nhà Vua nản
quá không thiết nói chuyện nữa. Vì thế đang đêm Tổ phải lén bỏ đi qua nước
Ngụy, đến chùa Thiếu Lâm, ngồi trong động đến chín năm...
Nhắc lại câu Tổ Đạt-ma trả lời vua Lương Võ Đế, người học Phật chúng ta
không ai không nghi ngờ, cất chùa, độ chư Tăng tu hành, làm nhiều việc phước mà
Tổ bảo không công đức. Thật là vô lý! Khi làm các việc như vậy, các chùa thường
bảo là công đức vô lượng vô biên, vì sao Tổ Đạt-ma lại nói không công đức? Trong
phần này Lục Tổ giản trạch: Công đức thuộc về nội tâm, không phải ở bên ngoài.
Công đức là do ngộ đạo đạt được Tự tánh, rồi từ tánh khởi dụng, những dụng ấy
gọi là công đức. Còn phước đức là do việc làm bên ngoài mà được, như cúng
dường, bố thí v.v... Vua Võ Đế lầm nghĩa phước đức và công đức là một nên Tổ nói
không công đức.
Tổ lại nói:
Thấy tánh là công, bình đẳng là đức, mỗi niệm không ngưng trệ, thường
thấy Bản tánh, diệu dụng chân thật gọi là công đức. Trong tâm khiêm hạ là công,
bên ngoài hành lễ phép là đức; Tự tánh dựng lập muôn pháp là công, Tâm thể lìa
niệm là đức; không lìa Tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công
đức Pháp thân, chỉ y nơi đây mà tạo là chân công đức. Nếu người tu công đức,
tâm tức không có khinh, thường hành khắp kỉnh. Tâm thường khinh người, ngô ngã
không dứt tức là không công, Tự tánh hư vọng không thật tức tự không đức, vì
ngô ngã tự đại thường khinh tất cả. Này Thiện tri thức, mỗi niệm không có gián
đoạn là công, tâm hành ngay thẳng là đức, tự tu tánh là công, tự tu thân là
đức. Này Thiện tri thức, công đức phải là nơi Tự tánh mà thấy, không phải do bố
thí cúng dường mà cầu được. Ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau. Võ Đế
không biết chân lý, không phải Tổ sư ta có lỗi.
Thấy tánh tức là đạt được Bản tánh mình là công, hành hạnh bình đẳng là
đức. Trong tâm không ngô ngã rồi hành những hạnh cung kính mọi người đó là công
đức v.v.... Như vậy công đức là nhằm thẳng Bản tâm mình, ngộ được Tự tánh mình rồi
từ đó khởi dụng làm những hành động hợp đạo lý, thuyết pháp độ sanh hay tu các
công hạnh, đó gọi là công đức.
Chúng ta ngày nay hay lầm lẫn cho rằng cất chùa, giúp chư Tăng, bố thí
cúng dường là lập nhiều công đức và tự hào rằng mình làm công đức vô lượng vô
biên cần phải được tán thán, không ngờ làm những việc ấy chỉ là tạo phước đức
mà thôi. Lục Tổ giảng cho Thứ sử Vi Cừ và cả hội chúng hiểu rõ, đừng lầm phước
đức với công đức.
Thứ sử lại hỏi:
Đệ tử thường thấy Tăng tục niệm Phật A-di-đà, nguyện sanh Tây phương, thỉnh
Hòa thượng nói, được sanh nơi cõi kia chăng? Nguyện vì phá cái nghi này.
Điều nghi thứ hai là người tu hành niệm Phật A-di-đà cầu vãng sanh về
Tây phương Cực Lạc, việc ấy như thế nào?
Tổ bảo:
Sử quân khéo lắng nghe, Huệ Năng sẽ vì nói. Thế Tôn ở trong thành Xá-vệ
nói Tây phương dẫn hóa, văn kinh rõ ràng "cách đây không xa”. Nếu
luận về tướng mà nói, số dặm có mười muôn tám ngàn, tức là trong thân có muời
ác và tám tà, liền là nói xa, nói xa là vì kẻ hạ căn, nói gần là vì những người
thượng trí. Người có hai hạng nhưng pháp không có hai thứ, mê ngộ có khác, thấy
có mau chậm. Người mê niệm Phật cầu sanh về cõi kia, người ngộ tự tịnh tâm
mình, sở dĩ Phật nói: Tùy tâm tịnh liền được cõi Phật tịnh.
Sử quân, người phương Đông chỉ tâm mình tịnh liền không có tội, tuy
người phương Tây tâm không tịnh cũng có lỗi. Người phương Đông tạo tội niệm Phật
cầu sanh về phương Tây, còn người phương Tây tạo tội, niệm Phật cầu sanh cõi
nào?
Tổ giải thích: Niệm Phật cầu sanh về Tây phương là vì người hạ căn; Tây
phương cách chúng ta mười muôn ức cõi, nói xa như vậy là vì kẻ hạ căn. Nếu nói gần
là vì người thượng trí, nói gần là: Tâm mình tịnh là cõi Phật tịnh, nếu tâm
mình thanh tịnh thì ngay đây là Tịnh độ. Như vậy nói xa hay gần là tùy căn cơ,
người mê hay người hạ căn niệm Phật cầu sanh về Tây phương tức về một cõi xa
tít mù; người ngộ hay người thượng trí niệm Phật để tâm thanh tịnh, tâm thanh
tịnh tức cõi Phật thanh tịnh, vậy cõi Phật thanh tịnh ở ngay tâm thanh tịnh của
mình.
Tổ lại bảo: Từ đây đến cõi Cực Lạc cách xa mười muôn tám ngàn, là chỉ
cho mười ác và tám tà. Nếu chúng ta hành Thập thiện và tu tám điều chánh (Bát chánh
đạo) là chúng ta qua được mười muôn tám ngàn, đến được cõi Cực Lạc. Cõi Cực Lạc
là do chúng ta hành thiện và thấy đúng, chớ không phải do chúng ta bay qua không
gian đến cõi ấy. Tổ lại nêu vấn đề như chúng ta hiện nay ở cõi Ta-bà mê lầm tạo
tội, nên cố gắng niệm Phật để sanh về Tây phương cho hết tội lỗi; Tổ bảo người
mê tạo tội ở phương Đông, niệm Phật cầu sanh về phương Tây, nếu người phương
Tây lỡ tạo tội, niệm Phật cầu sanh về đâu? Chẳng lẽ cầu sanh trở lại phương
Đông? Như vậy điều cần yếu là hết tội chớ không phải cầu sanh về nơi nào. Nếu
chúng ta ở phương Đông mà hết tội thì phương Đông là Cực Lạc; nếu ở phương Đông
tạo tội, cầu về phương Tây, chúng ta mang tâm tham sân si về cõi Cực Lạc thì
cõi Cực Lạc cũng trở thành ô uế. Thí dụ quí Phật tử ở thành phố ồn náo, lâu lâu
lên núi thấy cảnh núi thanh tịnh, mong được lên núi cho thanh tịnh. Nếu khoảng
một trăm vị lên núi, các vị này hay rầy rà gây gổ thì cảnh núi sẽ biến thành ồn
náo như dưới chợ. Như vậy cảnh thanh tịnh là do tâm người thanh tịnh, sự thanh tịnh
cốt ở tâm mình chớ không phải ở cảnh. Chúng ta ngày nay vì yếu đuối nên ỷ lại, niệm
Phật cầu về Cực Lạc; tội lỗi không trừ dẹp, hung dữ vẫn còn, dù niệm Phật được
nhiều chuỗi, thử hỏi có sanh được về cõi kia không? Trong kinh A-di-đà có câu:
“bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”, nghĩa là
không thể lấy một chút ít phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi kia. Như vậy
muốn được sanh về cõi kia, phải đầy đủ phước đức nhân duyên, tức là ngay đây
phải hiền lành, phải thuần thiện mới được. Tổ chỉ thẳng cho chúng ta phải tịnh
tâm mình thì cõi này là Tịnh độ. Nếu không tịnh tâm mà cầu sanh về cõi kia,
điều đó khó thực hiện.
Phàm ngu không rõ Tự tánh, không biết trong thân Tịnh độ, nguyện đông, nguyện
tây, người ngộ ở chỗ nào cũng vậy, cho nên Phật nói: Tùy chỗ mình ở hằng được an
lạc.
Sử quân, Tâm địa chỉ không có bất thiện thì Tây phương cách đây không
xa. Nếu ôm lòng chẳng thiện, niệm Phật vãng sanh khó đến. Nay khuyên Thiện tri
thức trước nên dẹp trừ thập ác tức là đi được mười muôn, sau trừ tám cái tà bèn
qua được tám ngàn, mỗi niệm thấy tánh thường hành bình trực, đến như trong khảy
móng tay, liền thấy đức Phật A-di-đà.
Sử quân, chỉ hành mười điều thiện đâu cần lại nguyện vãng sanh, không
đoạn tâm thập ác thì Phật nào đón tiếp. Nếu ngộ được đốn pháp vô sanh, thấy Tây
phương chỉ trong khoảng sát-na. Còn chẳng ngộ, niệm Phật cầu sanh thì con đường
xa làm sao đến được!
Người phàm phu ngu muội không nhận được Tự tánh của mình, ngay trong
thân mình đã có sẵn Tịnh độ mà không biết, cứ cầu Tịnh độ ở ngoài. Còn người
trí ngộ được Tự tánh của mình, liền thấy Tự tánh là Tịnh độ. Nếu chúng ta được chừng
năm phút trong tâm không có niệm thương ghét buồn giận, thì ngay lúc ấy thấy
đây là cõi tịnh. Trái lại nếu trong tâm còn buồn giận thương ghét thì đến chỗ
nào cũng thấy toàn là phiền não. Vì thế chủ yếu của việc tu hành là tịnh ngay
tâm mình, nhận được Tự tánh thanh tịnh của mình và sống với nó, đó là Tịnh độ.
Người không biết tu, cứ chạy tìm cầu bên ngoài, rốt cuộc không đi đến đâu, vì
làm sao tìm được lẽ thật ở bên ngoài!
Ví dụ như người học trò khôn ráng học bài thuộc, đi thi đậu; người học
trò biếng nhác không chịu học bài, khi gần thi lo chạy tìm các thầy giáo năn nỉ
xin giúp đỡ, như vậy làm sao bảo đảm được thi đậu? Nếu người có thiện chí giúp,
ít nhất chúng ta phải có khả năng tương đương, còn dốt mà muốn thi đậu, việc ấy
rất khó. Sự tu hành cũng như thế, nếu chúng ta không siêng năng hành thiện, dẹp
trừ tội lỗi mà cứ cầu sanh về Cực Lạc, chờ Phật rước, làm sao Phật rước chúng
ta về cõi Phật được, không sợ chúng ta làm nhơ cõi ấy hay sao? Như hiện nay có
người hung dữ vào chùa xin tu, tuy chúng tôi phải độ người tu hành, nhưng chúng
tôi phải dè dặt vì người hung dữ quá vào chùa làm ồn, chúng tu không được;
huống là cõi Phật thanh tịnh mà đem những người ô uế về làm rối loạn nơi thanh
tịnh sao? Thế nên phải biết rõ, điều cốt yếu là phải tịnh ngay tâm mình, đó là
Tịnh độ.
Huệ Năng vì mọi người dời cõi Tây phương trong khoảng sát-na ở trước mắt
khiến cho quí vị được thấy, quí vị có muốn thấy hay chăng?
Chúng đều đảnh lễ thưa rằng:
Nếu ở cõi này mà thấy được thì đâu cần phải nguyện vãng sanh, nguyện Hòa
thượng từ bi liền hiện Tây phương khiến cho tất cả được thấy.
Tổ bảo:
Này đại chúng! Người đời tự sắc thân là thành, mắt tai mũi lưỡi là cửa,
ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là đất, tánh là vua, vua ở trên đất tâm,
tánh còn thì vua còn, tánh đi mất thì vua mất; tánh ở thì thân tâm còn, tánh đi
thì thân tâm hoại. Phật nhằm trong tánh mà tạo, chớ hướng ra ngoài mà cầu. Tự
tánh mê tức là chúng sanh, Tự tánh giác tức là Phật, từ bi tức là Quán Thế Âm,
hỉ xả gọi là Đại Thế Chí, hay tịnh tức là đức Thích-ca, bình trực tức là Phật
Di-đà. Nhân ngã ấy là Tu-di, tà tâm là biển độc, phiền não là sóng mòi, độc hại
là rồng dữ, hư vọng là quỉ thần, trần lao là rùa trạnh, tham sân là địa ngục,
ngu si là súc sanh.
Này Thiện tri thức, thường làm mười điều lành thì thiên đường liền đến,
trừ nhân ngã thì núi Tu-di ngã, dẹp được tham dục thì biển nước độc khô, phiền
não không thì sóng mòi mất, độc hại trừ thì rồng cá đều dứt. Ở trên Tâm địa mình
là giác tánh Như Lai phóng đại quang minh, ngoài chiếu sáu cửa thanh tịnh hay
phá sáu cõi trời dục, Tự tánh trong chiếu ba độc tức liền trừ địa ngục v.v...
các tội một lúc đều tiêu diệt, trong ngoài sáng tột, chẳng khác với cõi Tây
phương, không chịu tu như thế này làm sao đến được cõi kia?
Đại chúng nghe nói rồi đều rõ ràng thấy được Tự tánh, thảy đều lễ bái,
đều tán thán: “Lành thay!” Thưa rằng: “Khắp nguyện pháp giới chúng sanh nghe
một thời liền ngộ hiểu.”
Đến đây Tổ hỏi đại chúng: Các người muốn thấy cõi Cực Lạc không? Cả
chúng đều hoan nghinh, xin được thấy, nghĩ rằng Tổ có thần thông hiện cõi Cực
Lạc ngay trước mắt. Tổ mới dạy: Muốn thấy cõi Cực Lạc phải ngay nơi tâm mình
thanh tịnh, trừ dẹp những tâm xấu xa ác độc thì cõi Cực Lạc hiện tiền, không phải
cầu sanh về nơi nào khác. Ngài bảo dẹp tham sân thì địa ngục mất, hết ngu si
thì súc sanh không còn, dẹp phiền não thì sóng mòi lặng, dẹp tâm ác thì biển
độc khô, dứt ngô ngã thì núi Tu-di ngã. Nếu dẹp sạch được các điều xấu xa nhơ
nhớp thì cõi Cực Lạc hiện tiền, không cần chạy đi đâu để tìm Cực Lạc. Thế mà
người thế gian không chịu dẹp cái xấu, cứ một bề đòi về Cực Lạc thì làm sao đến
được cõi ấy! Có nhiều vị tu hành cũng lâu, cũng khá rồi nhưng tâm sân chưa dẹp
sạch. Mỗi khi nghe lời trái tai liền nổi giận rồi bảo: Tánh tôi như vậy! Nếu
thật tánh mình là sân, như thế là chấp nhận mình ở địa ngục mãi sao? Đâu biết
cái giận chỉ là một thói quen lâu ngày, biết nó là xấu phải mạnh dạn chừa bỏ, không
nên chấp nhận và bảo đó là tánh của tôi. Điều cốt yếu của sự tu là tịnh tâm
mình, tâm mình thanh tịnh rồi, dù ở đâu cũng là cõi thanh tịnh.
Ví dụ nơi trường học có cậu học trò nhỏ vừa bắt đầu học lớp một, rồi
muốn vào đại học ngay, việc đó được không? Dù người cai quản đại học có cảm tình
với nó, cũng không thể nào đưa đứa học trò ấy vào đại học được. Đứa học trò phải
học từ từ, xong phần trung học rồi có đủ khả năng mới vào đại học. Việc tu hành
cũng như thế, dù Phật có lòng từ vô lượng, muốn độ chúng ta về cõi Phật, nhưng
nếu chúng ta xấu xa ô nhiễm, thử hỏi Phật có độ về cõi kia được chăng? Muốn về
cõi Phật, chúng ta phải có đủ khả năng, tức là tâm phải thanh tịnh, thì Phật sẽ
đưa về cõi tịnh, việc ấy là chắc chắn. Tổ lại nói rộng quan niệm của Ngài về
việc tu.
Tổ bảo:
Này Thiện tri thức, nếu muốn tu hành, tại gia cũng được, không cần ở
chùa, người tại gia mà hay hành như người ở phương Đông mà tâm được thiện, còn người
ở chùa mà không tu cũng như người ở phương Tây mà tâm ác. Chỉ tâm thanh tịnh tức
là Tự tánh Tây phương.
Như vậy người tại gia mong vào chùa để được yên ổn tu hành, dứt bỏ những
điều xấu dở, nhưng khi vào chùa lại không bỏ những điều xấu dở ấy, vẫn còn phiền
não thì khi ấy sẽ chạy về đâu? Vì lẽ đó Tổ mới sách tấn chúng ta: Ở đâu cũng tu
được, miễn là biết làm lành, miễn là biết trừ những tâm xấu. Chính việc đó Tổ
đã làm, mười mấy năm Ngài sống chung với nhóm thợ săn dưới hình thức cư sĩ, tâm
Ngài vẫn thanh tịnh. Thế nên Ngài dạy chúng ta ở chùa hay ở nhà mà biết tu cũng
đều tốt, cũng đều quí. Tuy nhiên quí vị không nên hiểu lầm rồi sanh tự cao ngã
mạn nói rằng: “Tôi ở nhà mà làm lành còn hơn các vị ở chùa mà làm ác.” Nếu các
vị ở chùa mà làm lành nữa vẫn còn hơn các vị ở tại gia làm lành một bậc.
GIẢNG 2
Thứ sử Vi Cừ lại hỏi:
Người tại gia làm sao tu hành? Cúi xin Ngài vì chỉ dạy.
Tổ bảo:
Tôi vì đại chúng làm một bài tụng Vô tướng, chỉ y đây mà tu, thường cùng
tôi đồng ở không khác, nếu không tu như thế này dù có cạo tóc xuất gia đối với
đạo cũng không có ích gì. Tụng rằng:
Tâm bình hà lao trì
giới,
Hạnh trực hà dụng tu thiền,
Ân tắc thân dưỡng phụ mẫu,
Nghĩa tắc thượng hạ tương lân.
Hạnh trực hà dụng tu thiền,
Ân tắc thân dưỡng phụ mẫu,
Nghĩa tắc thượng hạ tương lân.
Người nào tâm bình rồi không nhọc phải giữ giới, hạnh được thẳng rồi
không cần phải tu thiền. Tại sao? Tâm bình nghĩa là tâm không động, tâm không động
đâu còn tạo nghiệp nữa mà phải trì giới. Tâm bình ví như mặt nước lặng, bằng
phẳng, đâu có sóng gió. Tâm bình đâu có dấy niệm tham sân si. Sở dĩ chúng ta
giữ giới là để ngừa tham sân si, nếu tâm đã bình, đâu còn tham sân si để ngừa!
Thế nên nói: Tâm bình không cần trì giới, hạnh trực không cần phải tu thiền. Hạnh
đây cũng là tâm, tức là tâm hạnh nếu ngay thẳng thì không cần phải tu thiền. Ngay
thẳng là thế nào? Là không vướng bên này, không kẹt bên kia. Thường chúng ta
hay dấy niệm chạy theo phải quấy tốt xấu, đó là hai bên. Nếu tâm mình ngay
thẳng không kẹt hai bên, còn gì nữa mà tu thiền? Tu thiền là dứt tâm lăng xăng,
nếu tâm lăng xăng không còn nữa, tu thiền là dư, nên nói hạnh trực không cần tu
thiền.
Tuy nhiên nếu tâm chúng ta còn lăng xăng, nghĩ đây nghĩ kia thì cần tu
thiền không? Dĩ nhiên là cần. Nếu tâm chúng ta chưa bình, gặp việc thì sân si
nổi dậy, có cần giữ giới không? Tất nhiên là phải giữ giới, nếu không giữ giới,
chắc tạo tội không sao kể xiết. Vì thế tâm chưa bình thì giới là quan trọng,
hạnh chưa trực thì thiền rất thiết yếu. Khi nào tâm bình hạnh trực mới không
cần giữ giới và tu thiền, nếu chưa được như thế mà đem hai câu này ra nói, là một
điều lầm lỗi lớn. Tỉ dụ khi nghe ai khuyên trì giới thì nói: “Tâm bình cần gì trì
giới, Tổ đã nói rõ ràng, các người còn hình thức quá!” Nghe ai dạy tu thiền thì
bảo: “Hạnh trực đâu cần tu thiền, Tổ đã dạy rồi mà!” Nhưng thử hỏi tâm chúng ta
đã bình chưa? Hạnh chúng ta đã trực chưa? Nếu tự biết tâm mình chưa bình, hạnh
chưa trực thì trì giới và tu thiền rất cần thiết. Người học pháp thông thì ít,
chấp thì nhiều, chấp chữ chấp nghĩa, đem kinh ra nói khoác mà không tu, trở
thành công kích người khác, tạo tội ác khẩu, vậy chúng ta phải cẩn thận. Tóm
lại muốn tu thiền, muốn giữ giới không gì hơn là tâm bình, hạnh trực. Tâm bình,
hạnh trực là đủ cả giới, thiền trong đó.
Về cách xử sự tại gia, Tổ dạy: “Ân thì nuôi dưỡng cha mẹ, nghĩa thì trên
dưới thương nhau.” Nói về ân, không ân nào cao bằng ân cha mẹ. Khi đọc đến đây
chúng tôi thấy rõ tâm niệm Phật Tổ không hai. Chính trong kinh Tăng Nhất A-hàm
có một bài kinh nói về báo ân, đức Phật bảo: “Người nào biết đền ân, giả sử ở
xa ta ngàn dặm, cũng như ở bên cạnh ta, người không biết đền ân, dầu đứng hầu
bên cạnh ta, cũng như cách xa ta ngàn dặm.” Phật giải thích: Không ân nào hơn ân
cha mẹ, thân này có từ nơi cha mẹ, nên đem cả sanh mạng bù đắp cho cha mẹ cũng
không phải là quá! Thế nên người biết đền ân, trước phải nhớ ân cha mẹ, kế đó
biết đền ân những người mình đã chịu ân, những người ấy, Phật bảo là gần với
Phật. Trong đoạn này, Tổ cũng dạy: Người biết ân là phải nuôi dưỡng cha mẹ.
Người biết ân như vậy đối với Tổ đó là người tốt, đối với Phật đó là người gần
với Phật.
Nói về nghĩa, tình thâm nghĩa nặng nhất là tình nghĩa ruột thịt, không
gì hơn tình nghĩa anh chị em, kẻ trên người dưới đều thương nhau. Tương lân là
kẻ trên người dưới đều thương nhau. Như vậy đối với cha mẹ chúng ta hằng nhớ ân
để đền đáp, đối với anh chị em hằng có tâm niệm thương nhau, đó là nền tảng đạo
đức gia đình. Được như thế mới xứng đáng là người Phật tử biết đạo. Nếu chúng
ta đi chùa vái lạy liên miên, khi về nhà gặp cha mẹ thì ngó ngang không chào hỏi,
gặp anh em rầy rà lớn tiếng, người lối xóm nhìn vào sẽ bảo đó là đạo đức giả.
Đây là điều không tốt, chúng ta không thể chấp nhận những người như vậy. Muốn
đi chùa, muốn lạy Phật, trước hết chúng ta phải biết cha biết mẹ rồi biết anh
em. Từ cha mẹ đến anh em chúng ta cư xử tốt, khi vào đạo chúng ta mới là người
tốt. Nếu chúng ta là người ngoan đạo mà ở gia đình là kẻ bất hiếu bất nghĩa, sự
ngoan đạo ấy chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Nếu trăm người Phật tử đều như vậy,
chắc không ai dám vào đạo Phật nữa, vì vào đạo mà bất hiếu bất nghĩa thì vào
làm gì? Chúng tôi nhắc lại, người Phật tử chân chánh phải có những bài thuyết
pháp sống ngay nơi mình, nghĩa là trong cuộc sống gia đình phải là người mẫu
mực biết làm lành, làm phải, biết ân cha mẹ, biết tình nghĩa anh em. Nếu chỉ có
nếp sống đạo đức ở chùa mà không áp dụng nơi gia đình, đạo đức ấy không phải
thật, vì người Phật tử không ở chùa thường, chỉ đến chùa một hay hai lần trong
tháng, mà ở nhà thường trực hơn. Nếu sống thường trực nơi gia đình không ra gì
thì sống một, hai ngày ở chùa có nghĩa lý gì đâu. Điều quan trọng là cách cư xử
tại nhà: hiếu kính cha mẹ, thương mến anh em. Cha mẹ anh em là ân là nghĩa, là
người ruột thịt gần gũi, nếu chúng ta không kể đến thì những người ngoài không
có tình máu mủ, không ân nghĩa nặng nề, có làm điều trái ý, chúng ta có thể hại
họ được. Tình thương ruột thịt không có thì tình thương xã hội khó mà tìm được.
Hiểu được như vậy mới thấy rõ Phật, Tổ đều dạy chúng ta điều căn bản là đối với
cha mẹ phải lấy ân để đền đáp, đối với anh em phải lấy nghĩa mà thương mến nhau.
Nhượng tắc tôn ti hòa
mục,
Nhẫn tắc chúng ác vô huyên,
Nhược năng toản mộc xuất hỏa,
Ứ nê định sanh hồng liên.
Nhẫn tắc chúng ác vô huyên,
Nhược năng toản mộc xuất hỏa,
Ứ nê định sanh hồng liên.
Nhượng tức là nhường. Nhường nhịn nhau trên dưới mới được hòa mục. Anh
em thương nhau chưa đủ, còn phải nhường nhịn nhau mới ổn, kẻ trên người dưới
đều hòa hợp nhau. Người ẩn nhẫn thì những việc ác không còn làm ồn náo họ nữa.
Người không ẩn nhẫn được thường hay mích lòng, bực tức dễ nổi sân si... nên
việc ác làm ồn náo họ mãi. Nếu hay nhẫn được thì mọi sự ồn náo đều dứt sạch.
Tóm lại Tổ dạy chúng ta ở tại gia phải làm sao cho tình anh em không mất, muốn được
như vậy anh em phải nhường nhịn nhau, nhường nhịn nhau mới đem lại hòa mục, đem
lại êm ấm cho gia đình.
Ngài dạy tiếp: Nếu chúng ta hay dùi cây cho ra lửa, trong bùn nhất định hoa
sen hồng mọc lên. Ngài muốn chỉ rằng người tại gia ở trong cảnh ồn náo khó tu,
nhưng trong cảnh ấy mà vẫn cố gắng tiến tu như dùi cây cho ra lửa, như hoa sen
mọc trong bùn. Trong bùn mới có hoa sen còn trên tảng đá sạch sẽ này làm gì có
hoa sen mọc. Vì thế người tại gia gặp nhiều phiền não mà khéo tu cũng như trong
bùn mọc lên hoa sen, cũng như dùi cây ra lửa vậy. Đây là Tổ muốn khuyến khích
người cư sĩ tại gia phải nỗ lực tiến tu dù ở hoàn cảnh khó khăn nào, không vì
cảnh khó mà sanh tâm thối chuyển, như vậy mới biến được dở thành hay.
Khổ khẩu đích thị
lương dược,
Nghịch nhĩ tất thị trung ngôn,
Cải quá tất sanh trí tuệ,
Hộ đoản tâm nội phi hiền.
Nghịch nhĩ tất thị trung ngôn,
Cải quá tất sanh trí tuệ,
Hộ đoản tâm nội phi hiền.
Khổ khẩu là đắng miệng. Theo quan niệm xưa, thuốc hay tất phải đắng
miệng, lời nói nghịch tai là lời ngay thẳng. Tại sao? Tỉ dụ chúng ta làm điều
gì quấy, có người gan dạ chỉ lỗi giùm: huynh làm điều ấy sai, nếu chúng ta nghe
lời chỉ dạy, biết nhận lỗi, đó là thuốc hay; nếu chúng ta nghe trái tai một
chút liền nổi sân lên, đó là không tốt. Nhưng đa số người thế gian, ai cũng như
ai đều thích được khen và không chịu bị chê. Giả sử chúng ta làm quấy một trăm phần
trăm nhưng được người khác khen, chúng ta cũng vui thích. Ví dụ có người ăn
trộm, trong xóm trong làng ai cũng biết mặt. Nếu chú ấy ăn mặc chải chuốt, có
người khen: “chà! chú mầy giống như một nhà văn, một tài tử v.v...” thử hỏi chú
ấy có vui lên không? có muốn gây với người khen chú không? Trái lại, nếu gặp
chú ăn trộm ăn mặc chải chuốt, chúng ta liền nói: “kẻ ăn trộm mà cũng ăn diện
bảnh bao”, tức nhiên chú ấy sẽ gây với mình ngay. Như vậy người đời lúc nào
cũng thích được khen dù lời khen không đúng sự thật, còn lời nói thẳng dù đúng
sự thật một trăm phần, người đời cũng vẫn giận, đây là nói chung cho tất cả mọi
người, kể cả chúng ta. Vì thế chúng ta nên tập làm sao trước những lời nói trái
tai vẫn vui vẻ nghe để sửa mình. Ai chỉ điều quấy, chúng ta liền nhận lỗi để
sửa, như vậy mới là người biết tu. Những lời trái tai là lời trung thực, chúng
ta ráng nghe để sửa mình.
Tổ dạy tiếp: Cải quá ắt sanh trí tuệ, còn gìn giữ hay bảo hộ điều quấy
trong tâm là không phải người hiền. Người có lỗi mà che giấu là không phải
người hiền, trái lại người làm quấy mà biết sửa là người trí tuệ. Đây là điều
rất thiết yếu cho việc tu. Đa số chúng ta thường có quan niệm lầm lẫn, cứ nhìn
vào người xuất gia, cho là những thần tượng, là những bậc Hiền Thánh, là những
vị đã vượt qua người thế gian. Nhưng nếu được ở gần các vị ấy một thời gian, mới
thấy các vị ấy thỉnh thoảng cũng lộ ra đôi chút phiền não; lúc bấy giờ các thần
tượng đều sụp đổ, các Phật tử mới than: “Tưởng các vị tu hành là Thánh hết, tại
sao còn dở quá vậy?” Rồi chán nản không còn muốn tu theo. Như thế, quan niệm đó
đúng hay sai? Đấy là điều tôi muốn nhắc quí vị. Người tại gia, kể cả người xuất
gia, quí vị phải quan niệm cho đúng. Chúng tôi chưa có ai được vào hàng Thánh,
chúng tôi là phàm Tăng, phàm Ni; đã là phàm tức là đang tu, đang tu tức là chưa
sạch. Quí vị nên nhớ rõ, người nào đang tu tức người đó chưa sạch, như chiếc áo
còn đang giặt chưa phải là áo sạch, nếu sạch rồi không ai giặt nữa. Như vậy còn
giặt là còn nhơ, còn tu là còn khuyết điểm; còn khuyết điểm nên mới tu cho hết
điều dở, xấu; hết khuyết điểm thì tu làm chi nữa, vì đã là Phật rồi. Vì thế đối
với người tu, không nên đòi hỏi các vị ấy phải là thần tượng, phải là hiện thân
của chân lý. Tuy nhiên có thể đòi hỏi các người tu như thế này: Nếu người tại
gia xấu một trăm phần thì ít ra người xuất gia cũng được năm chục phần tốt, chỉ
còn năm chục phần xấu, điều đó khả dĩ được. Người còn tu chưa phải toàn vẹn
trăm phần, toàn vẹn là khi nào thành Phật. Người đang tu hơn được quí vị chừng
hai, ba mươi phần trăm, hay khá lắm là năm mươi phần trăm là được lắm rồi,
không nên đòi hỏi quá đáng. Hiểu như vậy, quí vị mới có thể thông cảm được với
người tu và ở gần không chán. Nhưng người tu có nhiều điểm khác người thế gian,
như người thế gian nghe lời trái tai có thể giận mười năm không bỏ; với người
tu thì khác, trong sách có câu “Tăng hận bất cách túc” nghĩa là Tăng giận không
quá một đêm. Như vậy người tu hay người thế gian đều có giận nhưng người tu chỉ
giận chốc lát rồi bỏ. Không nên đòi hỏi người tu không còn tâm giận, vì tham
sân si là ba cái gốc của cõi luân hồi này, còn ở cõi này tức là còn tham sân
si. Khi nào dẹp sạch ba độc này là chứng quả A-la-hán; song hiện nay mấy ai chứng
quả A-la-hán? Nhưng có điều hay là người tu khi làm điều dở bị phê bình liền
biết hối cải. Tỉ dụ như người biết tu khi vừa nổi sân liền bị người chỉ lỗi “đó
là hắc phong”, người biết tu liền hối hận bỏ ngay. Như vậy là tốt, là đáng
khen, chớ đừng bảo người tu không có giận. Tất cả quí Phật tử cũng vậy, khi làm
việc gì dở, được sự chỉ dạy của người trên, hoặc sự nhắc nhở của đồng bạn hay
tự mình biết điều đó là dở liền bỏ, đó là người trí tuệ. Đừng bao giờ nghĩ rằng
mình không có điều dở, chúng ta có dở, nhưng biết sửa đổi, đó là tốt, là trí
tuệ. Nếu dở mà cứ che giấu trong lòng hoài, đó là người không hiền. Không hiền
là người gì? Là kẻ dữ. Người che giấu lỗi hoài là kẻ dữ, còn người hiền có lỗi
gì phơi bày ra rồi chừa bỏ, đó là người tốt, người khôn ngoan, người trí tuệ.
Tóm lại, lời dạy của Tổ thực tế vô cùng, Ngài chỉ cho chúng ta tu một
cách thiết thực. Ngài bảo ở trong gia đình, trên kính thờ cha mẹ, dưới thương
anh em và nhường nhịn nhau cho trong nhà được an vui, đem lại sự hòa mục, nhẫn
nhịn để lòng mình hết ồn náo. Được như vậy là mình khéo ở trong bùn mà mọc hoa
sen. Ngài lại dạy lời nói ngay nghe trái tai nhưng có lợi, vì đó là lời trung
thực cũng như thuốc đắng đã tật vậy; có lỗi liền biết sửa, đó là trí tuệ, có
lỗi mà che giấu thì không phải là người hiền, hay nói nặng hơn, đó là kẻ dữ.
Nhật dụng thường hành
nhiêu ích,
Thành đạo phi do thí tiền,
Bồ-đề chỉ hướng tâm mích,
Hà lao hướng ngoại cầu huyền.
Thành đạo phi do thí tiền,
Bồ-đề chỉ hướng tâm mích,
Hà lao hướng ngoại cầu huyền.
Mỗi ngày thường làm những điều lợi ích cho mọi người, cho chúng sanh.
Nhiêu ích là lợi ích cho nhiều người, cho chúng sanh. Người tu thành đạo không
phải đem tiền thí mà thành đạo; thành đạo là do tu nơi tâm mình, thí tiền chỉ
là phước ở bên ngoài. Thế nên người tu muốn giác ngộ là phải Tự tâm mình giác
ngộ, chớ không phải cúng thí nhiều mà giác ngộ. Cúng thí là tạo phước để mình được
những quả tốt cho đời sau, chớ không phải là thành đạo. Bồ-đề chỉ cho Tánh
giác. Bồ-đề chỉ hướng trong tâm mà tìm, đâu có nhọc hướng ra ngoài cầu sự huyền
diệu. Muốn giác ngộ phải ngay nơi tâm mình giác, đừng mong tìm ở bên ngoài, bên
ngoài không có những huyền diệu đó.
Thính thuyết y thử tu
hành,
Tây phương chỉ tại mục tiền.
Tây phương chỉ tại mục tiền.
Nghe nói y đây tu hành, Cực Lạc chỉ ngay trước mắt. Ngài bảo người nào y
theo bài kệ Ngài dạy mà tu hành thì cõi Cực Lạc ở ngay trước mắt, không có xa
xôi, không có cách mười muôn ức cõi. Vậy muốn thấy Cực Lạc thì hằng ngày ứng
dụng đúng như bài kệ này sẽ thấy Cực Lạc hiện tiền.
Tổ lại bảo:
Này Thiện tri thức, thảy phải y kệ đây mà tu hành, nhận lấy Tự tánh,
thẳng đó thành đạo. Pháp không đợi nhau, mọi người hãy giải tán, tôi trở về Tào
Khê, chúng nếu có nghi, lại đến hỏi nhau.
Khi ấy Thứ sử quan liêu ở trong hội, kẻ thiện nam tín nữ mỗi người đều
được khai ngộ, tin thọ vâng làm.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment