
Hoà Thượng Tịnh Không Giảng
Kinh Văn:
所以者何? 汝試於途,詢問盲人,汝何所見? 彼諸盲人,必來答汝:我今眼前唯見黑暗,更無他矚。
Sở dĩ giả hà? Nhữ
thí ư đồ, tuân vấn manh nhơn, nhữ hà sở kiến? Bỉ chư manh nhơn, tất lai đáp nhữ:
Ngã kim nhãn tiền, duy kiến hắc ám, cánh vô tha chúc.
Việt dịch:
Bởi tại sao? Ông thử ra đường hỏi những người mù mắt:
– Ông thấy gì không?
Các người mù chắc chắn sẽ đáp:
– Nay tôi chỉ thấy một màu tối đen trước mắt, ngoài ra
không thấy gì khác.
Giảng:
Bởi tại sao? Tại sao Như Lai lại
nói với ông như vậy?
Ông thử ra đường hỏi những người mù mắt:
– Ông thấy gì không?
Hãy ra ngoài chợ, gặp
một người mù rồi hỏi thử ông ta thấy gì?
Các người mù chắc chắn sẽ đáp:
– Nay tôi chỉ thấy một màu tối đen trước mắt ngoài ra
không thấy gì khác.
Người mù sẽ đáp rằng
họ không thấy gì khác ngoài một màu tối đen.
Kinh văn:
以是義觀,前塵自暗,見何虧損. Dĩ thị nghĩa quan, tiền trần tự ám, kiến hà khuy tổn.
Việt dịch:
Theo nghĩa ấy mà quán xét thì đã rõ, người mù thấy màu
tối đen phía trước, chứ cái thấy của họ đâu có thiếu mất.
Giảng:
Theo nghĩa ấy mà quán xét thì đã rõ.
Nếu quý vị hiểu được
ý này, nếu quý vị quán xét kỹ nghĩa ấy, thì sẽ biết.
Người mù thấy màu tối đen phía trước, chứ cái thấy của
họ đâu có thiếu mất.
Nếu quý vị thấy màu tối
đen ở phía trước mình thì cái thấy của quý vị không bị mất, cái thấy ấy chẳng
tăng chẳng giảm.
Kinh văn:
阿難言:諸盲眼前,唯覩黑暗,云何成見?
A-nan ngôn: Chư
manh nhãn tiền, duy đổ hắc ám, vân hà thành kiến?
Việt dịch:
A-nan thưa: Cái duy nhất mà người mù có thể thấy được
trước mắt là màu tối đen. Sao có thể gọi là thấy được?
Giảng:
A-nan
thưa: “Cái duy nhất mà người mù có thể thấy được trước mắt là màu tối đen. Sao
có thể gọi là thấy được?"
A-nan lặp lại ví dụ của
Đức Phật: người mù không sử dụng đôi mắt của họ được. Họ chỉ nhìn thấy một màu
tối đen. Nhưng theo A-nan cái
thấy tối đen này không thực sự là thấy, A-nan
cho rằng người nào mù mắt thì không thể thấy được. A-nan hỏi Đức Phật: “Tại sao Như Lai bảo rằng người mù thấy được?”
Kinh văn:
佛告阿難:諸盲無眼,唯觀黑暗,與有眼人,處於暗室,二黑有別,為無有別?
Phật cáo A-nan: Chư manh vô nhãn, duy quanhắc ám, dữ
hữu nhãn nhơn, xử ư ám thất, nhị hắc hữu biệt, vi vô hữu biệt?
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan có gì khác nhau giữa màu tối
đen mà người mù thấy được và màu tối đen mà người sáng mắt nhìn thấy khi họ ở
trong phòng tối?
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan
có gì khác nhau giữa màu tối đen mà người mù thấy được và màu tối đen mà người
sáng mắt nhìn thấy khi họ ở trong phòng tối?
Bóng tối mà người
sáng mắt thấy được trong phòng tối không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng hay
đèn đuốc có gì khác với bóng tối mà người mù thấy được chăng? Nếu một người mù
và một người sáng mắt cùng ở trong một căn phòng tối, hai màu tối đen mà hai
người nhìn thấy có khác nhau chăng?
Kinh văn:
如是世尊.此暗中人,與彼群盲,二黑校量,曾無有異。
Như thị, Thế tôn. Thử ám trung nhân, dữ bỉ quần manh, nhị hắc hiệu lượng,
tằng vô hữu dị.
Việt dịch:
Bạch Thế tôn, đúng vậy. Hai màu tối đen, một do người
ở trong phòng tối thấy và một do người mù thấy được không có gì khác nhau.
Giảng:
A-nan trả lời câu hỏi
của Thế tôn.
Bạch Thế tôn, đúng vậy. Giữa hai màu tối đen, một do
người ở trong phòng tối thấy được bởi người sáng mắt và một do người
mù thấy được không có gì khác. Hai màu tối đen ấy đều giống nhau.
Đức Phật đáp: Đúng vậy!
Kinh văn:
阿難,若無眼人全見前黑,忽得眼光,還於前塵。見種種色,名眼見者。彼暗中人全見前黑,忽獲燈光亦於前塵,見種種色,應名燈見。
A-nan! Nhược vô nhãn nhơn toàn kiến tiền hắc, hốt đắc nhãn quang, hoàn ư
tiền trần, kiến chủng chủng sắc, danh nhãn kiến giả. Bỉ ám trung nhân, toàn kiến
tiền hắc, hốt hoạch đăng quang, diệc ư tiền trần, kiến chủng chủng sắc, ưng
danh đăng kiến.
Việt dịch:
A-nan, nếu người mù chỉ thấy được màu tối đen khi bỗng
dưng được sáng mắt lại, thấy được đủ loại sắc tướng, ông gọi đó là do mắt thấy.
Và khi người ở trong phòng tối kia, chỉ thấy phía trước hoàn toàn tối đen, bỗng
dưng thấy được mọi vật nhờ có đèn sáng, lẽ ra nên gọi đèn thấy là đúng hơn.
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan: A-nan nếu người mù chỉ thấy được màu tối đen,
khi bỗng dưng được sáng mắt lại, thấy được đủ loại sắc tướng…
Ông nói chẳng có gì
khác nhau giữa hai thứ màu tối đen. Nhưng sẽ là gì nếu người mù trong ví dụ này
bỗng dưng được sáng mắt lại, mắt họ thấy được đủ vật tượng ở khắp mọi nơi?
Ông gọi đó là do mắt thấy
Đó là ý kiến của ông,
nhưng còn trường hợp khi người ở trong
phòng tối kia thấy được mọi vật nhờ có đèn sáng thì sao? Người sáng mắt ở
trong phòng tối cũng chỉ thấy được một màu đen tối, nhưng một khi bật đèn sáng
lên thì người ấy vẫn có thể thấy được tất cả mọi thứ. Theo luận điểm của ông, lẽ
ra ông nên nói đèn thấy là đúng hơn.
Tại sao Đức Phật nói
như vậy? Người ở trong phòng tối thì không thể thấy, nhưng khi đèn sáng lên thì
họ có thể thấy được. Người mù thì không thể thấy được nhưng nếu họ được sáng mắt
trở lại thì họ vẫn có thể thấy được. Nếu khi người mù kia chợt sáng mắt lại rồi
khi người ở trong phòng tối kia thấy được nhờ đèn sáng thì lẽ ra nên gọi là cái
thấy ấy là đèn. Đức Phật hỏi: Có đúng vậy không?
Kinh văn :
若燈見者燈能有見自不名燈;又則燈觀,何關汝事?
Nhược đăng kiến giả,
đăng năng hữu kiến, tự bất danh đăng; hựu tắc đăng quan, hà quan nhữ sự?
Việt dịch:
Nếu cái thấy do đèn thì đèn đã có được cái thấy, nên
chẳng gọi là đèn; và nếu là đèn thấy thì quan hệ gì đến ông?
Giảng:
Nếu cái thấy từ đèn thì đèn đã có được cái thấy, nên
chẳng gọi là đèn. Và nếu là đèn thấy thì quan hệ gì đến ông?
Nếu thực sự đèn có thể
nhìn thấy và quan sát được thì chẳng có việc gì quan hệ đến ông cả.
Kinh văn:
是故當知,燈能顯色。如是見者是眼非燈。眼能顯色,如是見性 是心非眼.
Thị cố đương tri, đăng năng hiển sắc. Như thị kiến giả, thị nhãn phi đăng, nhãn năng hiển sắc, như thị kiến tánh thị tâm phi nhãn.
Việt dịch:
Thế nên phải biết, đèn làm hiển lộ các vật thể. Còn
cái thấ́y đó là do ở mắt, chứ không phải đèn. Khi mắt nhận rõ các vật thể
thì tánh thấy đó chính là tâm, chẳng phải là mắt.
Giảng:
Thế nên phải biết, đèn làm hiển lộ các vật thể, còn
cái thấy là do ở mắt, chứ không phải đèn.
Đèn làm cho hình dáng
các vật thể hiển hiện rõ ràng nhưng nhờ mắt mới nhận ra được các vật thể ấy.
Cùng một biểu tượng như vậy, khi
mắt nhận rõ các vật thể, thì tánh thấy đó chính là tâm, chẳng phải là mắt.
Chúng ta đang nghiên
cứu nghĩa thứ nhất trong mười biểu hiện của tánh
thấy mà Đức Phật đã mười lần khai thị tánh thấy, bảy lần gạn hỏi về tâm.
Đây là lần thứ nhất. Đức Phật chỉ bày tánh thấy là do tâm, không phải từ mắt.
Kinh văn:
阿難雖復,得聞是言,與諸大眾,口已默然,心未開悟。猶冀如來,慈音宣示。合掌清心佇佛悲誨
A-nan tuy phục đắc
văn thị ngôn, dữ chư đại chúng, khẩu dĩ mặc nhiên, tâm vị khai ngộ. Du kí Như
Lai, từ âm tuyên thị. Hiệp chưởng thanh tâm, trữ Phật bi hối.
Việt dịch:
Mặc dù A-nan và đại chúng được nghe Đức Phật chỉ dạy
như vậy, nhưng tâm chưa được khai ngộ nên vẫn im lặng, mong Như Lai dùng lời
từ bi chỉ dạy thêm. Nên đứng chắp tay, lắng lòng trông chờ Đức Phật thương
xót chỉ bày.
Giảng:
Mặc dù A-nan
và đại chúng được nghe Đức Phật chỉ dạy như vậy, nhưng tâm chưa được khai ngộ
nên vẫn im lặng.
A-nan và mọi người
khác trong pháp hội đều lặng im không nói được lời nào. Tại sao họ im lặng? Vì
họ đang suy nghĩ: “Ồ! Như thế là mắt ta không thể thấy được vật hay sao? ồ!
chính tâm ta thấy được hay sao?” Các ông có thể cho đó là không đúng, nhưng Đức
Phật đã giải thích như vậy. Nếu các ông cho rằng mắt thấy là đúng. Tại sao trước
đây tôi chưa từng được biết như vậy?”
Đó
là những gì đại chúng đang suy nghĩ vì họ chưa được hiểu. Tâm của đại chúng
chưa được khai ngộ.
Mong Như Lai dùng lời nói từ bi chỉ dạy thêm,
Họ suy nghĩ “chúng ta
hy vọng Như Lai sẽ đem lòng từ bi chỉ dạy thêm cho chúng ta. Nên đứng chắp tay.
Tại sao đại chúng chắp
tay cung kính? Điều ấy biểu thị sự nhất tâm thành ý. Trong họ chỉ còn tồn tại một
tâm duy nhất, chẳng phải hai. Khi hai tay của quý vị tách rời ra, người ta bảo
rằng quý vị có đến mười tâm và khi hay tay chắp lại thì chỉ còn có một tâm. Vì
khi hai tay chắp lại với nhau thì các tâm niệm gom lại trở thành một. Lắng lòng tức là làm cho tâm ý trở
thành trong sáng, yên tĩnh. Không chứa nhiều rác rến trong đầu nữa. Dọn dẹp sạch
sẽ rác bẩn trong đầu ra rồi đổ đi nơi khác.
Trông chờ Đức Phật thương xót chỉ bày. Đại chúng vẫn trông chờ Đức Phật đem lòng từ
bi chỉ dạy thêm, nhờ đó mà đại chúng được khai ngộ, thoát khỏi mê mờ.
Kinh văn:
爾時世尊,舒兜羅綿,網相光手開五輪指。誨勅阿難及諸大眾。我初成道於鹿園中。為阿若多五比丘等,及汝四眾言:一切眾生不成菩提及阿羅漢。皆由客塵煩惱所誤。汝等當時因何開悟今成聖果 ?
Nhĩ thời Thế tôn, thư đâu-la miên, võng tướng quang thủ, khai ngũ luân
chỉ, hối sắc A-nan, cập chư đại chúng: Ngã sơ thành đạo ư Lộc viên trung, vị
A-nhã-đa, ngũ tỷ-khưu đẳng, cập nhữ tứ chúng ngôn: Nhất thiết chúng sanh, bất
thành bồ đề, cập a-la-hán giai do khách trần, phiền não sở ngộ. Nhữ đẳng đương
thời, nhơn hà khai ngộ, kim thành Thánh quả?
Việt dịch:
Khi ấy,
Đức Thế tôn duỗi cánh tay đâu-la miên sáng chói, xòe năm ngón tay, bảo
A-nan cùng toàn thể đại chúng:
– Khi mới thành đạo, Như Lai đến
vườn Lộc uyển, có dạy cho năm anh em tỷ-khưu A-nhã Kiều-trần-như cùng ông và
tứ chúng rằng: Tất cả chúng sinh bị mê hoặc bởi khách trầ̀n phiền não nên
chẳng được giác ngộ, chứng quả a-la-hán. Lúc đó các ông nhân đâu mà được
khai ngộ, thành tựu quả vị thánh?
Giảng:
Khi ấy là khi mọi người trong pháp hội đều đứng chờ được nghe lời chỉ dạy và sự
giáo hóa từ bi của Đức Phật.
Đức Thế Tôn: Đức Phật Thích-ca Mâu-ni duỗi cánh tay Đâu-la-miên sáng chói, xòe năm ngón tay… Trên mỗi bàn tay của Đức Phật có một nghìn dấu
vân hình như bánh xe. Bàn tay của Đức Phật rất mềm và mịn như lụa quý, lấp lánh
sáng ngời.
Bảo A-nan
cùng toàn thể đại chúng:
- Khi mới thành đạo
Vào
khuya ngày tám tháng mười hai (âm lịch), khi ngồi dưới cội cây bồ-đề, Đức Phật
nhìn thấy sao mai lấp lánh vừa ló dạng liền hoát nhiên khai ngộ, chứng được đạo
quả.
Như Lai đến vườn Lộc uyển.
Đó là một khu vườn rất
rộng chuyên dành riêng để nuôi nai. Chuyện này duyên khởi từ đâu? Nó hoàn toàn
bắt nguồn từ một kiếp xa xôi vô hạn, khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có tiền thân
là một con nai. Ngài là nai chúa trong một đàn nai gồm năm trăm con. Quý vị thử
đoán còn có người nào khác nữa lúc đó? Chính Đề-bà-đạt-đa, lúc ấy cũng là một
con nai chúa với năm trăm nai trong đoàn. Trong kiếp sau khi Đức Phật đã thành
chánh giác, Đề-bà-đạt-đa là em họ của Đức Phật, ghen tỵ với Đức Phật, luôn tìm
cách hãm hại Ngài. Nhưng vào khi xa xưa cả hai đều là nai chúa. Có một vị vua của
loài người thích dùng quyền lực và phương tiện sẵn có để dồn các loài vật sống
hoang dã vào một vùng nhất định. Vị vua ấy dự định lập thành một nơi có rất nhiều
động vật hoang dã cho dễ săn bắt chúng. Thế nên Đức Phật Thích-ca Mâu-ni lúc ấy
dưới hình tướng nai chúa đến gặp nai chúa kia là Đề-bà-đạt-đa. Họ bàn bạc với
nhau rằng: “Chúng ta phải tìm cách để bảo vệ dòng giống của mình, không thể nào
để cho nhà vua giết sạch. Chúng ta phải có cách để tự bảo vệ cho mình? Chúng ta
hãy đến chỗ nhà vua và thỉnh cầu vua đừng tàn sát chúng ta nữa.”
Mặc dù họ là nai
nhưng nói được tiếng người. Hai nai chúa đi gặp nhà vua. Khi họ gặp lính gác ở
cổng thành. Họ nói như ra lệnh: “Chúng tôi muốn gặp nhà vua. Ông báo tin giùm!”
Lính gác nghe nai nói
được tiếng người liền vào tâu ngay với nhà vua. Nhà vua cũng lấy làm lạ vì nghe
nai nói được tiếng người. Vua đồng ý cho họ tiếp kiến. Họ được đưa ra lời thỉnh
cầu. Hai nai chúa đến trước nhà vua nói: “Chúng tôi là nai, mỗi ngày nhà vua giết
đến bảy-tám đồng loại của chúng tôi, nhiều hơn số lượng thịt nhà vua cần dùng một
ngày, những thứ ăn không hết thì bỏ lại cho thối rữa. Nếu chúng ta thỏa thuận
theo cách này có lẽ tốt hơn chăng? Hằng ngày chúng tôi sẽ thay phiên nhau cung
cấp cho nhà vua một con nai, như vậy ngày nào nhà vua cũng có được thịt tươi để
ăn mà không cần phải tàn sát dòng dõi chúng tôi. Nếu nhà vua đồng ý phương thức
này thì nguồn cung cấp thịt cho vua sẽ không bao giờ cạn. Từ nay đến vài trăm
năm sau vẫn còn thịt để ăn.”
Nhà vua thấy được sự
thành khẩn của hai nai chúa trong lời thỉnh cầu và cũng vì nghe nai nói được
tiếng người, nên vua cảm động, thỏa mãn lời thỉnh cầu của hai nai chúa. Từ đó mỗi
ngày hai nai chúa thay phiên nhau gởi đến nhà vua một con nai trong đàn của
mình. Cho đến một hôm, đến phiên một con nai mẹ đang mang thai trong đàn của
nai chúa Đề-bà-đạt-đa phải hiến mạng cho vua. Cái thai con trong bụng đã quá nặng
nề chưa biết sẽ sinh trong ngày nay hay mai. Nên nai mẹ năn nỉ nai chúa Đề-bà-đạt-đa:
“Ngài có thể gởi vị khác đi thay thế cho tôi ngày hôm nay chăng? Hôm sau nai
con được sinh xong, tôi sẽ đếp nộp mạng cho nhà vua.”
Đề-bà-đạt-đa đáp:
“Không thể được, đã đến phiên của mày, mày phải đi. Không có chần chừ gì trong
chuyện này cả. Mày không muốn chết vậy ai sẽ chết thay cho mày? Không ai muốn
đi đến chỗ chết cả. Mày muốn sống thêm vài ngày trong khi đã đến phiên của mày
phải chết. Chuyện ấy không thể được.” Mắt của nai mẹ đang mang thai đầm đìa nước
mắt, nó tìm đến nai chúa là tiền thân Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Mặc dù nó không
ở trong đàn này nhưng nó đến năn nỉ nai chúa Thích-ca xin một giải pháp tạm thời
thay thế nai khác cho nó được sống thêm vài ngày để sinh nai con. Sau khi nghe
lời thỉnh cầu, nai chúa Thích-ca biết rằng năm trăm con nai trong đàn của mình
sẽ không có con nào muốn thế mạng cho nai mẹ kia. Tuy nhiên nai chúa Thích-ca vẫn
nói với nai mẹ: “Được rồi con hãy ở lại trong đàn của ta, khỏi phải đi đâu cả.”
Rồi nai chúa Thích-ca tự mình đi nạp mạng thế cho nai mẹ.
Nhà vua hỏi nai chúa:
“Ông có việc gì mà đến đây? Phải chăng nai trong đàn của ông đã bị ăn thịt hết
rồi sao? Tại sao ông phải đến?”
Vì
có thể nói được tiếng người, nai chúa Thích-ca đáp: “Hỡi nhà vua, ông không thể
nào ăn hết được đàn nai của tôi đâu! Ngược lại đàn nai của tôi đang phát triển
mạnh, càng ngày càng đông dần. Ông chỉ ăn được một ngày một con, nhưng mỗi ngày
đàn nai của tôi đẻ thêm rất nhiều con.”
Nhà vua hỏi: “Thế tại
sao đến phiên ông phải đến đây?”
Nai chúa Thích-ca giải
thích: “Có một nai mẹ mang thai, đến ngày nay hay mai sẽ đẻ. Nhưng hôm nay lại
đến phiên nai mẹ phải nộp mạng, Bởi vì nai mẹ muốn đợi đến khi đẻ xong rồi mới
đến nộp mạng cho nhà vua, nai mẹ đến tôi nài nỉ xin cử nai khác tạm thời thay
thế cho nó. Tôi thông cảm lời thỉnh cầu này nhưng biết không có nai nào chịu chết
trước khi đến phiên mình cả, thế nên tự tôi đến đây nộp mạng thế cho nai mẹ.”
Khi nhà vua nghe như
vậy, ông xúc động vô cùng và nói: “Từ nay đừng gởi một con nai nào đến đây nữa
cả.” Rồi nhà vua nói bài kệ:
“Nhữ thị lộc đầu nhân
Ngã thị nhân đầu lộc
Ngã tùng kim nhật hậu
Bất thực chúng sinh nhục”
Nghĩa là:
“Mặc dù ông mang thân
xác của loài nai nhưng ông có tấm lòng của con người. Còn tôi tuy mang thân người
nhưng có lòng dạ của loài nai. Từ đây về sau tôi nguyện sẽ không ăn thịt của
chúng sinh nữa.”
Do vậy loài nai ở
trong khu rừng ấy gia tăng rất nhanh. Khu rừng được gọi là Lộc dã uyển. Cũng
còn được gọi là Tiên uyển, vì phong thủy ở đây cực kỳ tươi tốt nên có rất nhiều
vị tiên đến đây tu đạo. Thế nên khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo, trước
tiên Ngài đến Lộc dã uyển để độ cho năm vị tỷ-khưu
Dạy cho năm anh em tỷ-khưu A-nhã Kiều-trần-như
Ba
trong năm vị tỷ-khưu này là bà
con trong dòng họ cha của Đức Phật và hai người là bà con trong họ mẹ của Đức
Phật. Khi Đức Phật vừa rời hoàng cung để xuất gia tu đạo trong núi Hy-mã-lạp-sơn
(núi Tuyết), cha của Ngài đã phái những người này đi theo Ngài để cố gắng thuyết
phục Ngài trở về. Lúc ấy, năm vị này chưa phải là tỷ-khưu mà là quan đại thần. Mặc dù họ đã hết sức khuyên can Đức
Phật hãy trở về, nhưng Ngài không về. Năm vị quan đại thần này không thể nào trở
về hoàng cung gặp đức vua cha của Đức Phật được khi họ không hoàn thành sứ mạng,
thế nên họ phải ở lại cùng với Đức Phật và theo Ngài tu đạo.
Trong
ba vị có họ hàng với vua cha, có một vị tên là Át-bệ̣ (Aśvajit) nghĩa
là Mã Thắng; một vị tên là Bạt-đề (Bhadrika)
nghĩa là Tiểu Hiền, vị thứ ba tên là Ma-ha-nam (Mahanama Kulika) còn gọi
là Câu-lợi.
Còn
hai vị bà con bên họ mẹ của Đức Phật một vị tên là A-nhã-đa Kiều-trần-như, vị
thứ hai là Thập Lực Ca-diếp (Daśabala Kāśyapa) còn gọi là Ẩm Quang. Có
tên ấy vì trước kia Ngài là ngoại đạo thờ lửa. Năm vị này ở lại với Đức Phật đồng
tu theo lối khổ hạnh. Nhưng cuối cùng ba người trong đó chịu không nổi nên bỏ
đi. Họ thối tâm nửa chừng, còn hai người kia tiếp tục tu tập cùng với Đức Phật.
Lúc ấy, Đức Phật mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, Ngài trở nên quá gầy yếu, thân thể
chẳng còn gì ngoài da bọc lấy xương. Một hôm thiên nữ đến dâng cúng cho Ngài một
bát cháo sữa, Ngài dùng cháo sữa xong thấy thân thể khỏe mạnh trở lại. Hai vị đồng
tu cùng Ngài thấy vậy tỏ ra bất bình. Họ nói với nhau rằng: “Tại sao một người
tu khổ hạnh lại còn dùng cháo sữa?” Rồi họ cũng từ bỏ Ngài ra đi. Đó là Đức Phật
Thích-ca Mâu-ni trong thời kỳ đang tu khổ hạnh và năm người trong họ hàng bên
cha và mẹ của Ngài được phái đi theo Ngài đã hoàn toàn rời bỏ Ngài. Ba người vì
không chịu nổi khổ cực và hai người không đồng ý khi thấy Đức Phật nhận của
cúng dường. Chỉ còn lại Đức Phật tiếp tục một mình tu hành. Sau khi Ngài tu ở
đó suốt sáu năm, Ngài đến ngồi dưới cội cây bồ-đề. Vào rạng ngày mồng tám tháng
mười hai, khi thấy sao Mai xuất hiện, Ngài hoát nhiên chứng ngộ (Dạ đổ minh tinh, nhi thành chánh giác).
Sau khi Đức Phật giác ngộ, Ngài quán sát xem ai là người nên hóa độ trước tiên,
Ngài thấy người đó chính là A-nhã Kiều-trần-như, là một trong năm vị tỷ-khưu cùng tu khổ hạnh với Ngài.
Người mà trong một kiếp trước đã làm vua tên Ca-lợi (Kaliṅga), đã từng cắt đứt tay chân của Đức
Phật rời khỏi thân thể. Lúc ấy, Đức Phật đã phát nguyện đến khi nào thành Phật
Ngài sẽ độ cho vua Ca-lợi trước tiên. Đó là lý do tại sao Đức Phật Thích-ca
Mâu-ni khi được chứng đạo, trước hết liền đến Lộc Uyển để hóa độ cho năm vị tỷ-khưu.
Đức
Phật Thích Ca nói rằng: độ thoát cho năm anh em tỷ-khưu A-nhã Kiều-trần-như, cùng ông và tứ chúng. Tứ chúng gồm có tỷ-khưu (tăng), tỷ-khưu
ni (ni), ưu-bà-tắc (nam cư sĩ), ưu-bà-di (nữ cư sĩ).
“Tất cả chúng sinh đều bị mê hoặc
bởi khách trần phiền não, nên chẳng được giác ngộ thành a-la-hán.”
Tại
sao chúng sinh không thành tựu Phật quả hoặc được khai ngộ? Tại sao chúng sinh
không chứng được sơ quả a-la-hán?
Chữ
“khách trần” cũng có nghĩa là vọng tưởng
của quý vị. Vọng tưởng chính là khách trần
và phiền não. Quý vị cũng có thể gọi khách
trần là hai món hoặc (惑) kiến hoặc và tư hoặc.
Phiền não cũng còn được gọi là vô minh hoặc
hay là trần sa hoặc.
Tại
sao con người bị mê mờ bởi khách trần và phiền não? Vì con người là một động vật
vô cùng kỳ quái suốt ngày họ chỉ thích ăn phiền
não. Giao cho họ thức ăn thật ngon, cho họ bánh mì và bơ sữa mà họ vẫn
không muốn ăn. Họ chỉ muốn ăn nuốt phiền
não, thứ mà họ thấy ăn ngon hơn là bánh rán chay. Ngay cả dù có người
khuyên bảo họ đừng có ăn phiền não, họ vẫn thấy khó có thể từ bỏ được. Từ sáng
tới tối họ chẳng ăn gì cả ngoài khách trần và phiền não, ngốn đầy
bụng sân hận thay vì thức ăn. Những người như thế thật đáng thương xót. Đức Phật
Thích-ca Mâu-ni nói rằng: “Lý do khiến cho chúng sinh các ông không thể thành
Phật, thành a-la-hán bởi vì các
ông bị mê hoặc bởi khách trần và phiền não.
Lúc đó các ông nhân đâu mà được
khai ngộ; thành tựu quả vị Thánh?
“Lúc đó” nghĩa là thời gian
khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đến Lộc uyển giảng pháp. “Các ông” nghĩa là Đức Phật
nói đến năm vị tỷ-khưu và tứ
chúng tỷ-khưu, tỷ-khưu ni,
ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Đức Phật hỏi họ được khai ngộ khi nào và nhờ đâu mà được
giác ngộ khi nghe Đức Phật khai thị về khách
trần và phiền não. Họ đã hiểu
nghĩa gì khiến cho họ chứng được quả vị a-la-hán?
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment