"Bởi ngay cả một vọng niệm cũng không còn, nên gọi
là "không nghĩ", và vì một hành vi giả dối là nhỏ nhặt cũng chẳng
có, nên gọi là "không làm..."
The Sutra in Forty Two Sections
Spoken By The Buddha
Phật thuyết tứ thập nhị
chương kinh
Hòa Thượng Tuyên Hóa lược
giảng
(Giảng năm 1974 Tại
Kim Sơn Tự, San Francisco, California, Hoa Kỳ)
Chương Hai
Đoạn Dục Tuyệt Cầu
(Trừ Dục Vọng, Dứt Mong Cầu)
Kinh Văn:
Hán Văn: Phật ngôn: "Xuất gia Sa-môn giả, đoạn dục khử ái, thức tự
tâm nguyên, đạt Phật thâm lý, ngộ Vô-vi pháp. Nội vô sở đắc, ngoại vô sở
cầu, tâm bất hệ Đạo, diệc bất kết nghiệp. Vô niệm vô tác, phi tu phi chứng,
bất lịch chư vị, nhi tự sùng tối. Danh chi vi Đạo."
Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Những người xuất gia làm Sa-môn đoạn dục,
khử ái, nhận biết nguồn tâm của mình, thông đạt đạo lý thâm sâu của Phật
và tỏ ngộ pháp Vô-vi. Họ trong không sở đắc, ngoài không sở cầu; tâm không
ràng buộc nơi Đạo, và cũng chẳng kết nên nghiệp. Họ không nghĩ họ làm,
chẳng tu chẳng chứng, không trải qua các quả-vị mà tự nhiên lại cao tột bực.
Đó gọi là Đạo!"
Lược giảng:
Đây là chương thứ hai. Chương này nói
rằng các quả-vị mà bậc Sa-môn chứng đắc đều là "vô tu, vô
chứng."
Đức Phật dạy: "Những người xuất
gia làm Sa-môn, đoạn dục khứ ái!" Những người muốn thoát khỏi ngôi nhà
Tam-giới và trở thành bậc Sa-môn, cần phải làm gì? Cần phải bỏ lòng tham
dục! Trong chương trước có nói rằng: "Đoạn trừ ái dục thì cũng như
chặt đứt tứ chi, không còn dùng lại nữa."
Bấy giờ, khi lòng ham mê ái dục không
còn nữa, các bậc Sa-môn sẽ "nhận biết nguồn tâm của mình," thấu rõ
được bản-thể của tự tâm.
"Thông đạt đạo lý thâm sâu của
Phật, và tỏ ngộ Pháp Vô-vi." Các bậc Sa-môn hiểu thấu đáo những đạo
lý thâm áo nhất của Phật; và đó chính là Pháp Vô-vi - không làm mà chẳng
phải là không làm (vô vi nhi vô bất vi).
"Họ trong không sở đắc." Về
mặt nội tâm, các bậc Sa-môn không thấy có cái gì để đạt được - "vô
trí diệc vô đắc" (cái "trí" cũng không có và cái "đạt
được" cũng không hiện hữu). "Ngoài không sở cầu." Đối với
ngoại cảnh, ngoại vật, thì các ngài chẳng có mong cầu gì cả. "Trong
không sở đắc" tức là Pháp Vô-vi, mà "ngoài không sở cầu" cũng
là Vô-vi Pháp! Có câu:
Tri sự thiểu thời phiền não thiểu,
Đáo vô cầu xứ tiện vô ưu!
(Sự đời biết ít, phiền não ít,
Đạt đến "không cầu" tất hết lo!)
Đạt đến cảnh giới "trong không sở
đắc, ngoài không sở cầu," thì "tâm không ràng buộc nơi Đạo"
nữa. Bấy giờ, các ngài không nhất thiết phải luôn luôn tự nhủ là mình cần
phải tu Đạo; song lúc nào các ngài cũng dụng công tu hành và "cũng
chẳng kết nên nghiệp." Các ngài không hề tạo nghiệp, tuyệt đối không
hề tạo nghiệp, tuyệt đối không hề gây ra các nghiệp dữ.
"Họ không nghĩ, không làm." Lúc
này, bậc Sa-môn không còn bất cứ vọng niệm nào cả, mà chỉ có thuần một
thứ chánh niệm mà thôi. Bởi ngay cả một vọng niệm cũng không còn, nên gọi
là "không nghĩ", và vì một hành vi giả dối là nhỏ nhặt cũng chẳng
có, nên gọi là "không làm."
"Chẳng tu, chẳng chứng." Bấy
giờ, những việc cần làm các ngài đều đã làm xong, mức độ tu hành của các
ngài đã đến cực điểm; cho nên, các ngài không còn gì để tu học nữa, do
đó gọi là "chẳng tu." Các ngài đã đạt được bổn-thể của Đạo,
đã chứng đắc quả-vị, nên không cần phải chứng đắc lại nữa; vì thế gọi
là "chẳng chứng."
"Không trải qua các quả-vị mà tự
nhiên lại được tôn sùng tột bực." Các bậc Sa-môn không nhất thiết
phải tuần tự trải qua những quả vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng,
Thập Địa. Các ngài hoát nhiên vượt qua hết thảy, và quả-vị họ đạt được
lại cao cả nhất.
Đó gọi là gì? "Đó gọi là
Đạo." Một vị Sa-môn đắc Đạo là như thế!
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment