"Ba việc về ý là
những việc gì? "Là đố kỵ, sân hận và ngu si." "Đố
kỵ"
tức là ganh ghét. Kẻ có tâm đố kỵ, thường không muốn cho người khác
được sự tốt lành, hễ thấy chuyện gì tốt đẹp xảy đến cho người khác thì
liền sanh lòng ganh tỵ, ghen ghét. "Sân hận" bao gồm cả kiêu căng ngã
mạn, thù hận, hiểm độc, tàn nhẫn, hung bạo. "Ngu si" tức là si mê,
ngu muội, không phân biệt được sự lý một cách rõ ràng..."
The Sutra in Forty Two Sections
Spoken By The Buddha
Phật thuyết tứ thập nhị
chương kinh
Hòa Thượng Tuyên Hóa lược
giảng
(Giảng năm 1974 Tại
Kim Sơn Tự, San Francisco, California, Hoa Kỳ)
Chương 3
Cắt Ái Khứ Tham
(Cắt Đứt Ái Dục, Xả Bỏ Lòng Tham)
Kinh Văn:
Hán Văn: Phật ngôn: "Thế trừ tu phát, nhi vi Sa-môn, thọ Đạo Pháp
giả, khử thế tư tài, khất cầu thủ túc, nhật trung nhất thực, thọ hạ nhất
túc, thận vật tái hỷ! Sử nhân ngu tế giả, ái dữ dục dã."
Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Những vị cạo bỏ râu tóc làm bậc Sa-môn,
thọ nhận Đạo Pháp, từ bỏ của cải thế gian, khất thực chỉ nhận đủ dùng,
giữa ngày ăn một bữa, dưới cội cây nghỉ một đêm, và thận trọng, không
cầu mong nhiều hơn. Chính ái dục làm cho con người bị ngu tế vậy!"
Lược giảng:
Đây là chương thứ ba trong số bốn
mươi hai chương; đại ý ca ngợi hạnh Đầu-đà thù thắng. Nếu quý vị có
thể thực hành hạnh Đầu-đà thù thắng này, thì quý vị có thể chứng được
Đạo-quả.
Đức Phật dạy: Đây là lời Phật nói;
Phật nói những gì? Ngài nói rằng: "Những vị cạo bỏ râu tóc, những
người đi tu cạo bỏ cả râu lẫn tóc, để làm bậc Sa-môn, tức là người xuất
gia, thọ nhận Đạo Pháp." "Thọ nhận Đạo Pháp" có nghĩa là
người tu Đạo cần phải dụng tâm thọ trì Đạo và phải tu hành đúng theo
Đạo Pháp.
Người tu học Đạo Pháp cần phải
"từ bỏ của cải thế gian," không ham muốn sự giàu sang của thế tục.
Ở đây có một số người xuất gia thọ trì Ngân-tiền Giới (giới không
đụng tới tiền bạc). Đó là điều rất tốt; và như thế là "từ bỏ của
cải thế gian" vậy. Mọi sự tranh chấp xảy ra trên thế gian này đều là vì
tiền bạc, của cải. Quý vị hãy nhìn xem: Nước này gây chiến với nước khác,
nhà nọ tranh chấp với nhà kia, người này gây hấn với người nọ - tất cả
chỉ vì lợi lộc riêng tư.
Các bậc Sa-môn có thể từ bỏ mọi tài
sản ở đời, không ham muốn bất cứ đồ vật quý giá nào của thế gian, và
"khất thực chỉ nhận đủ dùng." Hằng ngày, họ mang bình bát đi khất
thực và chỉ cần vừa đủ no là được. "Khất thực" tức là cầm bình
bát đi xin thức ăn. "Chỉ nhận đủ dùng" có nghĩa là no bụng là
đủ, và xong bữa rồi thì thôi, không tham lam, cũng chẳng ăn nhiều.
"Giữa ngày ăn một bữa, dưới cội
cây nghỉ một đêm." Mỗi ngày bậc Sa-môn chỉ ăn một bữa vào buổi trưa
mà thôi; và tối đến thì nghỉ ngơi dưới gốc cây, song không được ở quá
ba đêm dưới cùng một gốc cây.
"Và thận trọng, không cầu mong nhiều
hơn." Các ông phải cẩn thận, dè dặt, chớ nên cầu xin thêm nữa. Ngoài
những thứ này ra, đừng cầu xin cái gì khác nữa.
"Chính ái dục làm cho con người bị
ngu tế vậy." Sự ngu si của con người ví như bụi cỏ dại mọc trong tâm,
che lấp lý trí. "Tế" có nghĩa là che đậy; và "ngu tế" tức
là ngu si mông tế - nghĩa là con người bị bức màn ngu si bao bọc, phủ vây,
tương tự như ánh mặt trời bị mây che khuất vậy. Thế thì, cái gì làm cho
con người trở nên ngu si tăm tối, không hiểu được sự việc? Đó là ái dục!
Chính lòng tham ái và tham dục làm cho đầu óc con người trở nên ngu si, mê
muội!
Quý vị nói là quý vị không ngu si ư?
Nếu không ngu si thì tại sao thọ giới rồi mà còn phạm giới! Nếu không ngu si,
thì tại sao cứ làm toàn chuyện không nên làm? Tất cả chẳng qua là vì bị
lòng ham mê ái dục làm mờ lý trí! Vì quý vị không có cái nhìn thấu suốt
về tham ái, chẳng thể buông bỏ dục vọng, cho nên quý vị không được tự
tại. Quý vị có được cái nhìn thấu suốt, tường tận, và có thể buông bỏ
mọi thứ, tất quý vị sẽ đạt được sự tự tại (kiến phá, phóng hạ, tự
tại). Bấy giờ, một khi đã đạt được tự tại, quý vị sẽ thấy không buồn
không lo, chẳng phiền chẳng não, và mọi sự đều tốt đẹp, mọi việc đều
suông sẻ - nói chung là "Everything's okay!" (mọi sự đều êm đẹp
cả!).
Chương 4
Thiện Ác Tinh Minh
(Thiện, Ác Phân Minh)
Kinh Văn:
Hán Văn: Phật ngôn: "Chúng sanh dĩ thập sự vi thiện, diệc dĩ thập
sự vi ác. Hà đẳng vi thập? Thân tam, khẩu tứ, ý tam. Thân tam giả: Sát,
đạo, dâm. Khẩu tứ giả: Lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ. Ý tam giả:
Tật, nhuế (khuể), si. Như thị thập sự, bất thuận Thánh Đạo, danh Thập Aịc
Hạnh. Thị ác nhược chỉ, danh Thập Thiện Hạnh nhĩ."
Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Chúng sanh lấy mười việc làm điều thiện,
cũng lấy mười việc làm điều ác. Những gì là mười? Thân có ba, miệng có
bốn, ý có ba. Thân có ba là sát, đạo, dâm. Miệng có bốn là nói hai lưỡi,
nói lời ác, nói dối và nói thêu dệt. Ý có ba là đố kỵ, sân hận và ngu
si. Mười việc này không thuận với Thánh Đạo, gọi là Thập Ác Hạnh. Nếu
dứt được những việc ấy thì gọi là Thập Thiện Hạnh vậy."
Lược giảng:
Chương thứ tư giảng về "thiện ác
vô tánh." Sự khác biệt giữa việc làm điều thiện và làm điều ác vốn
đơn giản như việc trở bàn tay - tất cả đều là tùy thuộc ở sự quyết định
của quý vị.
Đức Phật dạy: "Chúng sanh lấy mười
việc làm điều thiện, cũng lấy mười việc làm điều ác." Có mười việc
thiện mà chúng sanh có thể thực hiện được. Tuy rằng có thể làm nên việc
thiện, nhưng nếu làm không đúng thì những việc ấy sẽ trở thành việc ác;
phải làm sao cho đúng thì mới là việc thiện.
"Những gì là mười?" Mười việc
ấy là những việc gì? "Thân có ba, miệng có bốn, ý có
ba." Mười
việc ấy gồm có ba việc phát khởi từ thân, bốn việc phát khởi từ miệng và
ba việc phát khởi từ ý.
"Thân có ba là sát, đạo, dâm."
Ba việc về thân là những việc gì? Đó là sát sanh, trộm cắp và dâm dục.
Thế nào là "sát"? Là giết chết, chấm dứt sự sống của sinh vật, kết
thúc tánh mạng của chúng sanh. Thế nào là "đạo"?
"Bất dư nhi
thủ, danh vi đạo," nghĩa là không cho mà lấy, đó gọi là ăn cắp. Nếu
chưa được sự cho phép của chủ nhân mà quý vị đã tự ý lấy đồ đạc của
họ, như thế là trộm cắp. "Dâm" tức là những hành vi dâm ô giữa nam
và nữ.
"Miệng có
bốn." Bốn việc về
miệng là những việc gì? "Là nói hai lưỡi, nói lời ác, nói dối và nói
thêu dệt." Người "nói hai lưỡi" hoặc "nói lưỡi hai
chiều" không phải là người có hai cái lưỡi, mà có nghĩa là người nói
hai lời trái ngược nhau Ồ như gặp Trương Tam thì người ấy nói về Lý
Tứ, gặp Lý Tứ thì người ấy lại mách chuyện của Trương Tam
- giống như
con rắn hai đầu vậy. "Nói lời ác" tức là mắng chửi, nguyền rủa,
hoặc nói xấu, bôi nhọ người khác. "Nói dối" tức là nói láo, nói
không đúng sự thật. "Nói lời thêu dệt" tức là nói những lời vô
nghĩa. Những lời lẽ đượm vẻ khinh bạc, đầy dẫy tà tri tà kiến, không
đúng đắn, bậy bạ dơ bẩn, đều gọi là lời thêu dệt.
"Ý có
ba." Ba việc về ý là
những việc gì? "Là đố kỵ, sân hận và ngu si." "Đố
kỵ"
tức là ganh ghét. Kẻ có tâm đố kỵ, thường không muốn cho người khác
được sự tốt lành, hễ thấy chuyện gì tốt đẹp xảy đến cho người khác thì
liền sanh lòng ganh tỵ, ghen ghét. "Sân hận" bao gồm cả kiêu căng ngã
mạn, thù hận, hiểm độc, tàn nhẫn, hung bạo. "Ngu si" tức là si mê,
ngu muội, không phân biệt được sự lý một cách rõ ràng.
"Mười việc này", những việc vừa nêu
trên, không thuận với Thánh Đạo, chẳng dẫn tới thiện đạo, gọi là
"Thập Ác
Hạnh" hay "Mười Điều Ác."
"Nếu dứt được những điều
ấy", nếu
ngăn chặn, đình chỉ được mười việc ác kể trên, thì gọi là
" Thập Thiện
Hạnh" hay "Mười Điều Thiện" vậy. Như thế, Mười Điều Thiện chính là:
Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không đố kỵ, không sân hận,
không ngu si, không nói lời ác, không nói hai lưỡi, không nói lời thêu dệt
và không nói dối.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment