Pages

31 October 2012

Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký - Phần IV

Văn Phát Nguyện Sám Hối"Do vậy, học Phật trong hết thảy thời, trong hết thảy chỗ, trong hết thảy cảnh duyên, chẳng sanh một niệm, chỉ dùng một câu A Di Đà Phật, dùng nhất niệm để dứt hết thảy vọng niệm..."

Phần 4

佛說阿彌陀經要解講記
Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch kinh
姚秦三藏法師鳩摩羅什譯
Sa-môn Tây Hữu Ngẫu Ích Trí Húc chú giải vào đời Thanh
清西有沙門蕅益智旭解
Pháp sư Tịnh Không giảng thuật
淨空法師講述
Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép
劉承符居士記
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội năm 2006)
Giảo duyệt: Minh Tiến, Huệ Trang, Vạn Từ và Đức Phong

(Giải) Thường Tịch Quang độ, phần chứng giả uế, cứu cánh mãn chứng giả tịnh. Kim vân Cực Lạc thế giới, chánh chỉ Đồng Cư Tịnh Độ, diệc tức hoành cụ thượng tam Tịnh Độ dã. “Hữu Phật hiệu A Di Đà”, tự chánh báo giáo chủ chi danh dã, phiên dịch như hạ quảng thích. Phật hữu tam thân, các luận đơn, phức. Pháp Thân đơn, chỉ sở chứng Lý tánh. Báo Thân đơn, chỉ năng chứng công đức trí huệ. Hóa Thân đơn, chỉ sở hiện tướng hảo sắc tượng. Pháp Thân phức giả, Tự Tánh Thanh Tịnh Pháp Thân, Ly Cấu Diệu Cực Pháp Thân. Báo Thân phức giả, Tự Thụ Dụng Báo Thân, Tha Thụ Dụng Báo Thân. Hóa Thân phức giả, Thị Sanh Hóa Thân, Ứng Hiện Hóa Thân. Hựu, Phật Giới Hóa Thân, Tùy Loại Hóa Thân. Tuy biện đơn phức tam thân, thực phi nhất, phi tam, nhi tam, nhi nhất. Bất tung hoành, bất tịnh biệt, ly quá, tuyệt phi, bất khả tư nghị. Kim vân A Di Đà Phật, chánh chỉ Đồng Cư độ trung Thị Sanh Hóa Thân. Nhưng phức tức Báo, tức Pháp dã. Phục thứ, thế giới cập Phật, giai ngôn “hữu” giả, cụ tứ nghĩa, đích tiêu thực cảnh, linh hân cầu cố. Thành ngữ chỉ thị, linh chuyên nhất cố. Giản phi Càn thành, dương diễm, phi quyền hiện khúc thị, phi duyên ảnh hư vọng, phi bảo chân thiên đản, phá ma, tà, quyền, tiểu cố, viên chương tánh cụ, linh thâm chứng cố.

() 常寂光土。分證者穢。究竟滿證者淨。今云極樂世界。正指同居淨土。 亦即橫具上三淨土也。有佛號阿彌陀。序正報教主之名也。翻譯如下廣釋。佛有三身。各論單複。法身單。指所證理性。報身單。指能證功德智慧。化身單。指所現 相好色像。法身複者。自性清淨法身。離垢妙極法身。報身複者。自受用報身。他受用報身。化身複者。示生化身。應現化身。又。佛界化身。隨類化身。雖辨單複 三身。實非一非三。而三而一。不縱橫。不並別。離過絕非。不可思議。今云阿彌陀佛。正指同居土中。示生化身。仍復即報即法也。復次。世界及佛。皆言有者。 具四義。的標實境。令欣求故。誠語指示。令專一故。簡非乾城陽燄。非權現曲示。非緣影虛妄。非保真偏但。破魔邪權小故。圓彰性具。令深證故。

      (Giải: Thường Tịch Quang độ, phần chứng là uế, rốt ráo chứng viên mãn là tịnh. “Thế giới Cực Lạc” đang được nói ở đây chính là nói về Đồng Cư Tịnh Độ, mà cũng là cõi Tịnh Độ theo chiều ngang có đủ cả ba cõi Tịnh Độ trên. Câu “có Phật hiệu là A Di Đà” nhằm nêu ra danh hiệu của vị giáo chủ trong chánh báo, sẽ được giải thích rộng rãi trong tiểu đoạn giảng về sự phiên dịch [danh hiệu vị Phật này] trong phần sau. Phật có ba thân, với mỗi thân đều luận thân đơn và thân kép. Pháp Thân đơn chỉ cho Lý tánh được chứng, Báo Thân đơn chỉ trí huệ, công đức có công năng chứng [Lý tánh ấy], Hóa Thân đơn chỉ các hình tượng, tướng hảo đã được hiện [bởi chân tâm]. Pháp Thân kép gồm Tự Tánh Thanh Tịnh Pháp Thân và Ly Cấu Diệu Cực Pháp Thân. Báo Thân kép gồm Tự Thụ Dụng Báo Thân và Tha Thụ Dụng Báo Thân. Hóa Thân kép gồm Thị Sanh Hóa Thân và Ứng Hiện Hóa Thân. Lại còn có Phật Giới Hóa Thân và Tùy Loại Hóa Thân. Tuy phân biệt ba thân đơn và kép, nhưng thật ra, chúng chẳng phải một, chẳng phải ba, nhưng là ba, là một, chẳng dọc ngang, chẳng cùng tồn tại hay sai khác, lìa lỗi, dứt sai, chẳng thể nghĩ bàn. Nay nói A Di Đà Phật chính là nói về Thị Sanh Hóa thân của A Di Đà Phật trong cõi Đồng Cư, nhưng thân phức cũng chính là Pháp Thân, cũng chính là Báo Thân. Lại nữa, [trong chánh kinh, đối với] thế giới và Phật đều nói là “có”. [Hai chữ Có ấy] gồm đủ bốn nghĩa (Tứ Tất Đàn):
- Nêu ra cảnh thật khiến [cho người nghe] vui thích, mong cầu.
- Lời thành thật chỉ bày khiến cho [người nghe] chuyên nhất.
- Nhằm phân biệt rõ ràng [cõi Cực Lạc] chẳng phải là thành Càn Thát Bà, hay là bóng nước gợn khi trời nắng gắt, chẳng phải là quyền biến thị hiện hay nói phương tiện nhằm thuận theo căn tánh, chẳng phải là bóng dáng hư vọng của các duyên, chẳng phải là khư khư giữ lấy thiên chân Niết Bàn, phá dẹp ma, tà, quyền, tiểu.
- Phô bày trọn vẹn tánh vốn trọn đủ, nhằm làm cho [người nghe] chứng nhập sâu xa).

      “Cõi Thường Tịch Quang”: Các kinh Đại Thừa thường nói Thường Tịch Quang Tịnh Độ là cảnh giới nơi quả địa Như Lai. Theo cách nói của tông Thiên Thai thì Tạng Giáo và Thông Giáo chỉ đoạn Kiến Tư phiền não, chưa phá vô minh, đương nhiên không tính tới. Thành Phật trong Biệt Giáo sẽ chứng nhập cõi Thường Tịch Quang; nhưng nếu so sánh giữa Biệt Giáo và Viên Giáo thì hàng Sơ Địa trong Biệt Giáo phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân, được gọi là Pháp Thân đại sĩ, trên [địa vị] Thập Địa Bồ Tát lại có thêm địa vị Đẳng Giác, phá mười một phẩm vô minh [liền chứng địa vị] Diệu Giác tức là thành Phật. [Như vậy] thành Phật [trong Biệt Giáo] là phá cả mười hai phẩm vô minh[1]. [Thế nhưng] vô minh có tất cả bốn mươi hai phẩm, [vị Bồ Tát thành Phật trong Biệt Giáo] chỉ mới phá được mười hai phẩm, vẫn còn ba mươi phẩm [vô minh] chưa phá. Đấy là quả vị Phật trong Biệt Giáo. Cảnh giới được chứng bởi vị ấy là uế độ của cõi Thường Tịch Quang. [Đức Phật trong] Viên Giáo đã phá sạch bốn mươi hai phẩm vô minh, viên mãn chứng đắc Phật quả; cảnh giới của vị ấy là Thường Tịch Quang Tịnh Độ.
      Pháp môn Tịnh Độ hết sức đặc biệt, lạ lùng, dẫu là kẻ đới nghiệp vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cũng có thể hưởng thụ cảnh giới Thường Tịch Quang độ, các kinh, luận, pháp môn khác đều không có chuyện này! Bởi lẽ, bọn phàm phu chúng ta trong một đời chẳng thể nào chứng đắc ba cõi phía trên (tức Thường Tịch Quang, Phương Tiện Hữu Dư và Thật Báo Trang Nghiêm). Chúng ta muốn đoạn phiền não quả thật chẳng dễ dàng. Dẫu đoạn được Kiến Tư phiền não thì bất quá cũng chỉ là địa vị A La Hán trong Tiểu Thừa hay địa vị Thất Tín Bồ Tát trong Viên Giáo. Nếu muốn sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư, trong một đời khó thể nào đạt được. Đối với cõi Thật Báo và cõi Tịch Quang, khỏi cần phải nhắc tới nữa! Riêng cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chỉ cần có thể chế phục phiền não là được, chế phục dễ hơn đoạn trừ. Nhưng chế phục phiền não cũng cần phải dụng công, phiền não tuy có, nhưng giữ sao cho nó chẳng khởi tác dụng. Theo đường lối thông thường thì dùng Định, Định có thể chế phục phiền não. Pháp môn Tịnh Tông thì dùng một câu Phật hiệu để chế phục [phiền não], so với Thiền Định dễ dàng hơn nhiều. Niệm Phật chỉ cần “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” là được. Chánh niệm là một câu Phật hiệu, cổ đức thường nói: “Buông xuống vạn duyên, đề khởi chánh niệm”. Trừ một câu Phật hiệu ra, tất cả hết thảy ý niệm đều là vọng tưởng, không có gì là chân thật. Kinh Kim Cang dạy: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Pháp hữu vi bao gồm hết thảy ý niệm, kiến giải, tư tưởng của chúng ta.
      Chúng ta chỉ có thể sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chứ không thể lên cao hơn, nhưng cả ba cõi trên đều có thể thụ dụng được, thật là chẳng thể nghĩ bàn. Trong các thế giới chư Phật khác, ắt phải đoạn Kiến Tư phiền não thì mới có thể hưởng thụ cõi Phương Tiện, phá một phần vô minh thì mới có thể thụ dụng cõi Thật Báo, nhất định phải dựa vào công phu [của chính mình].
      Kinh dạy: Sanh về Tây Phương sẽ cùng ở một chỗ với các vị thượng thiện nhân; nếu chẳng thể đồng thời hưởng thụ cảnh giới của ba cõi trên thì làm sao có thể thấy được các vị thượng thiện nhân? Thế giới Sa Bà của chúng ta cũng là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng chúng ta không thấy A La Hán, Bồ Tát, càng chẳng thể thấy Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí. Ở Tây Phương, hằng ngày gặp gỡ các Ngài, vì có chuyện này nên trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật đã dạy, A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (quang minh tôn quý nhất, là vua trong các Phật). Đọc đến chỗ này liền hiểu rõ: Do tín nguyện trì danh, ắt sẽ đạt được công đức và lợi ích thù thắng như trong kinh đã dạy.
      Phật có ba thân là Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Hóa Thân. Pháp Thân là Lý, Báo Thân và Hóa Thân là Sự. Lý là chủ thể có công năng biến hiện (Năng Biến), Sự là cái được biến hiện (Sở Biến). Lý chính là Chân Như bổn tánh như trong kinh đã nói. Kinh Hoa Nghiêm nói tới Nhất Chân pháp giới, lại nói “bất khả tư nghị giải thoát cảnh giới” (cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn) đều là nói về sự việc này. Những danh từ, thuật ngữ đồng nghĩa với Nhất Chân pháp giới nhiều đến mấy chục thứ. Vì sao lại nói ra nhiều danh từ? Nhằm mục đích khiến cho chúng ta đừng chấp trước danh tướng, khiến cho chúng ta lìa khỏi tướng danh tự, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm duyên, thì mới có thể thật sự thấu hiểu chân tướng của nó. “Bản thể của vũ trụ vạn hữu” như các nhà triết học đã nói chính là Pháp Thân. Báo Thân là trí huệ. Báo Thân là trí có khả năng chứng đắc (năng chứng trí), Pháp Thân là Lý được chứng (sở chứng lý) [bởi cái trí ấy]. Lý và Trí là một, chẳng phải hai. Trong triết học, Năng và Sở đối lập với nhau, nhưng Phật pháp nói trí năng chứng và lý sở chứng là một, chẳng thể tách rời. Hóa Thân còn gọi là Ứng Thân nhằm lợi ích chúng sanh, nên dùng thân nào để độ được bèn hiện thân ấy để thuyết pháp. Chư Phật, Bồ Tát ứng hiện tùy theo từng loại chúng sanh. Tam thân của chư Phật, Bồ Tát rõ ràng, tam thân của chúng ta chẳng rõ ràng, vì tâm của chúng ta bị vọng tưởng, chấp trước, thất tình, ngũ dục mê hoặc. Sự giáo học của đức Phật chỉ nhằm phá mê, khai ngộ. Hễ ngộ sẽ liền chứng đắc Pháp Thân. Cái thân hiện thời của chúng ta là thân nghiệp báo, thuận theo nghiệp mà hứng chịu quả báo. Luân hồi trong lục đạo là vì chính mình mê mất tự tánh, do tạo nghiệp thiện hay ác mà biến hiện ra. Làm thế nào để khôi phục tam thân, làm thế nào mới thụ dụng được tam thân, đấy chính là những chủ đề dạy dỗ chánh yếu của đức Phật.
      Từ ngữ “Pháp Thân đơn” chỉ Lý tánh được chứng. Lý và Sự là một, Tánh và Tướng là một. Đấy là chân tướng của nhân sinh và vũ trụ, mà cũng chính là Pháp Thân. “Báo Thân đơn” chính là công đức trí huệ có công năng chứng được Lý Tánh. Hiểu minh bạch, đích xác chân tướng của nhân sinh và vũ trụ thì gọi là trí huệ, đấy là Báo Thân. “Hóa Thân đơn” chỉ tướng hảo, sắc tướng được biến hiện. Đấy là Tha Thụ Dụng. Vì sao có sanh, lão, bệnh, tử? Là vì chúng ta có tự thụ dụng, tức là chính mình mong cầu hưởng thụ. Chư Phật, Bồ Tát chẳng tự thụ dụng, thân cũng không có tướng, những tướng ấy nhằm để cho người khác hưởng dùng (tha thụ dụng). Vì thế, các Ngài không có sanh, lão, bệnh, tử. Phật pháp dạy Vô Ngã, đối với chính mình thì nói là không có Ngã, nhưng đối với người khác thì nói có Ngã. Có Ngã là để cho người khác thụ dụng, [Ngã] là công cụ để giáo hóa chúng sanh giác ngộ. Vì vậy, thân của chư Phật, Bồ Tát tùy theo sự cảm ứng của chúng sanh mà hiện. [Kinh điển kể ra] ba mươi hai ứng thân của Quán Âm Bồ Tát [thì ba mươi hai ứng thân ấy] là những loại tổng quát, hoàn toàn là vô tâm, mà cũng là vô niệm, nên mới có thể cảm ứng. Như gõ chuông, gõ mạnh, chuông ngân to; gõ nhẹ, chuông ngân nhỏ. Đức Phật thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, đều là hễ hỏi liền đáp, chẳng phải suy nghĩ. Do vậy, học Phật trong hết thảy thời, trong hết thảy chỗ, trong hết thảy cảnh duyên, chẳng sanh một niệm, chỉ dùng một câu A Di Đà Phật, dùng nhất niệm để dứt hết thảy vọng niệm. Pháp môn này hay khéo, dễ dàng, [bởi lẽ], một niệm dễ tu hơn vô niệm rất nhiều. Trong quá khứ, ta thấy phương pháp tiếp dẫn chúng sanh của nhiều vị đại đức là sử dụng thân giáo (dùng hành vi, ứng xử nơi thân để giáo hóa), không dùng tới ngôn ngữ. Có khi dùng ngôn giáo (dạy dỗ bằng lời nói) nhằm giải nói tường tận. Tùy căn tánh và hoàn cảnh khác biệt của từng người mà đều có thể khiến cho chúng sanh được lợi ích. Pháp môn vô lượng vô biên, nhưng mục tiêu chỉ có một, tuy khác đường nhưng cùng về một nơi!
      “Pháp Thân phức”: Loại thứ nhất là Tự Tánh Thanh Tịnh Pháp Thân.
Thân này chỉ về bản thể, cũng chính là Pháp Thân đơn, mọi người chúng ta ai nấy đều có. Loại thứ hai là Ly Cấu Diệu Cực Pháp Thân. Nói theo phương diện sự tướng, “Cấu” (垢) là vô minh phiền não. Cũng xét theo quả vị Như Lai trong Viên Giáo, bốn mươi mốt phẩm vô minh đều đoạn sạch thì gọi là Ly Cấu Diệu Cực Pháp Thân. Do Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phần sanh tướng vô minh chưa phá nên chẳng thể xưng là Diệu Cực. Khi thành Phật bèn có Diệu Cực Pháp Thân, từ Bồ Tát trở xuống đều không có.
      “Báo Thân phức” chia thành Tự Thụ Dụng Báo Thân và Tha Thụ Dụng Báo Thân. Kinh Bát Nhã gọi Thật Trí là Tự Thụ Dụng Báo Thân. Kinh Bát Nhã nói “Bát Nhã vô tri”, Tự Thụ Dụng là vô tri. Phật vì chúng sanh thuyết pháp bèn sử dụng Quyền Trí, [còn trí để] chính Phật tự thọ dụng là Thật Trí. Phật là “nói mà không nói, không nói mà nói”. Tâm Phật thật sự thanh tịnh.
      “Hóa Thân phức” chia thành Thị Sanh Hóa Thân và Ứng Hiện Hóa Thân. Thị Sanh Hóa Thân (thân thị hiện cho chúng sanh) là như Phật trụ trong thế gian, [thị hiện có thân hình] giống hệt như người đời, giảng kinh, thuyết pháp, tám mươi tuổi viên tịch. Ứng Hiện Hóa Thân là thân cảm ứng xuất hiện khi cần thiết. Trong quá khứ, trước thời Kháng Chiến[2], vợ của tiên sinh Châu Bang Đạo sang Nam Kinh sống, đã gặp Địa Tạng Vương Bồ Tát hóa duyên. Đấy chính là Ứng Hiện Hóa Thân của Bồ Tát. Họ Châu nhà cửa rất to, có ba lớp cửa. Một hôm, có một vị xuất gia đến nhà họ, hướng về Châu phu nhân hóa duyên, xin bà phát tâm cúng dường năm cân dầu thơm. Thuở ấy, Châu phu nhân còn chưa học Phật, chưa hề gật đầu ưng chịu, tiếp đãi hời hợt khiến vị xuất gia ấy bỏ đi. Sau đấy, Châu phu nhân nghĩ lại, nhà ta có ba lớp cửa, đều chưa mở khóa, làm sao vị xuất gia này lại bước vào được, thật chẳng hiểu nổi! Về sau, đến Đài Loan đem chuyện ấy hỏi thầy Lý. Thầy Lý nói: “Vị xuất gia ấy chính là Địa Tạng Bồ Tát”. Vợ chồng Châu tiên sinh nghe xong hết sức hối tiếc.
      “Phật Giới Hóa Thân, Tùy Loại Hóa Thân”. Loại này (Phật Giới Hóa Thân) chỉ riêng cho sự thị hiện dưới thân tướng Phật, [tức là thân có] ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo, còn các thân thị hiện khác chính là Tùy Loại Hóa Thân (hóa thân theo từng loài chúng sanh). “Tuy biện đơn phức tam thân, thực phi nhất, phi tam, nhi tam, nhi nhất, bất tung hoành, bất tịnh biệt, ly quá, tuyệt phi, bất khả tư nghị” (Tuy phân biệt ba thân đơn và kép, nhưng thật ra chẳng phải ba, chẳng phải một, mà là ba, là một, chẳng dọc ngang, chẳng cùng tồn tại hay sai khác, dứt lỗi, tuyệt sai, chẳng thể nghĩ bàn). Đại sư [viết những lời này vì] sợ chúng ta nghe xong bèn chấp trước [vào danh tướng của ba thân] thì hỏng mất. Nói theo mặt Lý thì có Thể, Tướng, Dụng, luận theo Phật Giới thì có ba thân, nhưng ba món này viên dung, chẳng phân biệt là theo chiều dọc (thời gian) hay chiều ngang (không gian), cũng chẳng sai biệt. Nếu chấp trước sẽ sai lầm. Nếu thuyết pháp và nghe pháp đều hiểu nguyên tắc và nguyên lý này, sẽ chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Người thuyết pháp nói pháp thanh tịnh, người nghe pháp chẳng chấp trước ngôn ngữ, danh tướng. Chẳng khởi lên phân biệt và chấp trước thì người nghe và kẻ nói đều có giác, có ngộ.
A Di Đà Phật được nói trong kinh này rốt cuộc thuộc loại thân nào vậy? A Di Đà Phật trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư chính là Thị Sanh Hóa Thân. Ba ngàn năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trong thế gian cũng là Thị Sanh Hóa Thân. Tuy cùng là Thị Sanh Hóa Thân, nhưng tinh thần hoàn toàn khác nhau. Phật Thích Ca thị hiện giáng sanh có đôi chút ý nghĩa “tùy duyên”. Đức Phật xuất hiện trong thế gian, thuở ấy, người thế gian thọ một trăm tuổi, đức Phật tám mươi tuổi bèn viên tịch. Thứ nhất là vì hóa duyên (duyên hóa độ) đã hết. Thứ hai là vì Ma Vương Ba Tuần khải thỉnh, hắn bạch Phật: “Ngài hóa độ chúng sanh đã nhiều lắm rồi, hãy nên nhập Niết Bàn”. Phật nhận lời hắn cũng là vì tùy thuận duyên thế gian.
A Di Đà Phật ở Tây Phương Cực Lạc thế giới là Thị Sanh Hóa Thân, Ngài sáng tạo thế giới Cực Lạc do nguyện vọng của hết thảy chúng sanh trong tột cùng hư không trọn khắp pháp giới cảm ứng, nên thân tướng và cõi nước đều là Thị Sanh Hóa Thân, khác hẳn với cách thức hóa độ chúng sanh của hết thảy chư Phật, hết sức đặc biệt, thù thắng. Nhưng xét theo Hóa Thân ấy để nói, thì nó cũng là Báo Thân, mà cũng là Pháp Thân, một chính là ba, ba chính là một. Vì thọ mạng quá dài, dẫu trong tương lai khi hóa duyên đã hết, Phật sẽ nhập Niết Bàn, Quán Thế Âm Bồ Tát liền thành Phật để nối ngôi trong thế giới Cực Lạc, nhưng chuyện ấy xảy ra khi nào, không ai có thể tính ra được! Trong phần trước, tôi đã nói tường tận [điều này]. Chúng ta vãng sanh Tây Phương, thọ mạng, trí huệ, thần thông, đức năng đều giống như A Di Đà Phật, ai nấy đều có phần. Nếu hiểu rõ sự thật này thì mới biết niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là một đại sự bậc nhất trong đời người, những thứ khác hoàn toàn là giả!
      “Phục thứ, thế giới cập Phật, giai ngôn hữu giả” (Lại nữa, [trong chánh kinh, đối với] thế giới và Phật, đều nói là “có”). Hai chữ “hữu” (tức hai chữ “hữu” trong câu “hữu thế giới danh viết Cực Lạc”“hữu Phật hiệu A Di Đà”) này hết sức quan trọng. “Cụ tứ nghĩa” (có đủ bốn nghĩa): [Bốn nghĩa ấy] chính là Tứ Tất Đàn.
      1) Thứ nhất, Thế Giới Tất Đàn: Phật thí pháp cho hết thảy chúng sanh, “đích tiêu thật cảnh, linh hân cầu cố” (nêu đích xác cảnh thật, khiến cho chúng sanh ưa thích, mong cầu). Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật cũng có thật, khiến cho tâm chúng sanh hâm mộ, hướng về.
      2) Thứ hai, Vị Nhân Tất Đàn: “Thành ngữ chỉ thị, linh chuyên nhất cố” (lời thành thật chỉ dạy, khiến cho chúng sanh chuyên nhất). Phật dùng lời nói chân thành, chỉ dạy chúng ta tín, nguyện, trì danh, cầu sanh Tịnh Độ, tin vào bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, nguyện nào cũng thực tiễn, giúp chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ, viên thành Phật đạo. Tin tưởng những lời tán thán A Di Đà Phật của hết thảy chư Phật trong mười phương thế giới câu nào cũng chân thành, khiến cho chúng ta sanh khởi tín tâm chân thật, chuyên học pháp môn này. Trong một đời này, nhất định thành tựu viên mãn, được lợi ích vãng sanh.
      3) Thứ ba, Đối Trị Tất Đàn: Đại sư nói: “Giản phi Càn thành, dương diệm, phi quyền hiện khúc thị, phi duyên ảnh hư vọng, phi bảo chân thiên đản, phá ma, tà, quyền, tiểu cố” (nhằm phân biệt rõ ràng [cõi Cực Lạc] chẳng phải là thành Càn Thát Bà[3], là bóng nước gợn khi trời nắng gắt,  chẳng  phải  là  quyền biến thị hiện hay nói phương tiện nhằm thuận theo căn tánh, chẳng phải là bóng dáng hư vọng của các duyên, chẳng phải là khư khư giữ lấy thiên chân, phá dẹp ma, tà, quyền, tiểu). Đoạn văn này nói Tây Phương Cực Lạc thế giới và A Di Đà Phật chẳng phải là thành Càn Thát Bà. Thành Càn Thát Bà là huyễn hóa. “Dương diệm” cũng chẳng phải là thật, giống như “dã mã” (ngựa hoang) do Trang Tử đã nói (Chuyện “dã mã” xin đọc thiên Tiêu Dao trong sách Trang Tử, ý nói: Mây trôi trên không trung có hình giống như ngựa hoang, hư huyễn, chẳng thật). Tại Đại Lục, trên bình nguyên phương Bắc, hơi đất bốc lên trông xa như có nước, đến gần chẳng có, những con nai khát nước rảo chạy đến uống, rốt cuộc tìm không ra. Câu “phi quyền hiện khúc thị” (chẳng phải là quyền biến thị hiện hay nói phương tiện nhằm thuận theo căn tánh) chính là lời phản bác Lý Trưởng Giả (Lý Thông Huyền). Lý Trưởng Giả là người thời Đường, là một vị đại đức lỗi lạc. Kinh Hoa Nghiêm từ xưa tới nay chỉ có hai bản chú giải nổi danh nhất, một là bộ Hoa Nghiêm Sớ Sao của Thanh Lương đại sư, bộ kia là Hoa Nghiêm Hợp Luận của Lý Trưởng Giả. Trong bộ Hoa Nghiêm Hợp Luận, Lý Trưởng Giả cho rằng Tây Phương Cực Lạc thế giới là quyền biến thị hiện, tức là A Di Đà Phật nhằm tạo phương tiện tiếp dẫn chúng sanh nên bày ra [cõi ấy]. Ở chỗ này, Ngẫu Ích đại sư phản bác cách nói của Lý Trưởng Giả, nên mới nói “phi quyền hiện khúc thị”. Hàng Bồ Tát hiểu lầm thế giới Tây Phương rất nhiều, Lý Trưởng Giả nói mấy câu nói ấy có gì lạ đâu! Tây Phương thế giới chỉ có chư Phật mới có thể hiểu thấu rốt ráo. “Duyên ảnh”: Chúng sanh ngỡ bóng dáng biến hiện của các duyên Lục Trần [trong tâm thức] là cái tâm của chính mình, đó cũng là hư vọng. Ngoài ra, từ ngữ “bảo chân thiên đản” chỉ bậc Tiểu Thừa chứng đắc Thiên Chân Niết Bàn. Đức Thế Tôn nói Niết Bàn của Tiểu Thừa giống như trạm nghỉ giữa đường, chưa phải là mục tiêu rốt ráo. Đây là đả phá những kiến giải sai lầm của ma, tà, quyền giáo, Tiểu Thừa đối với Tịnh Tông.
      4) Thứ tư, Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn: Đại sư nói: “Viên chương tánh cụ, linh thâm chứng cố” (phô bày trọn vẹn tánh vốn trọn đủ nhằm làm cho [người nghe] chứng nhập sâu xa) nhằm dạy cho chúng ta biết lợi ích do chứng quả. “Viên” là viên mãn, “chương” (彰) là phơi bày rõ ràng, chẳng có mảy may ẩn giấu nào. “Tánh cụ” là nói rõ y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương thế giới vốn đều có sẵn trong tự tánh, chẳng phải là pháp ở ngoài tâm, hoàn toàn phù hợp với những điều đã được nói trong kinh luận Đại Thừa Viên Giáo, quả thật có căn cứ lý luận, khiến cho chúng ta tin sâu, chẳng nghi. Chính vì tánh ta và người sẵn đủ [y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới], khiến cho chúng ta càng thêm tin tưởng sâu xa chính mình nhất định sẽ có thể vãng sanh chứng quả. Nếu vẫn còn nghi ngờ, ắt sẽ tạo thành chướng ngại lớn nhất cho việc vãng sanh Tịnh Độ. Vì sao Ngẫu Ích đại sư viết Di Đà Yếu Giải, vì sao Liên Trì đại sư viết Di Đà Sớ Sao? Dụng tâm của các Ngài đều nhằm đoạn nghi sanh tín cho chúng ta.

      (Giải) “Kim hiện tại thuyết pháp” giả, giản thượng y, chánh nhị hữu, phi quá khứ dĩ diệt, vị lai vị thành. Chánh ưng phát nguyện vãng sanh, thân cận thính pháp, tốc thành Chánh Giác dã. Phục thứ, nhị hữu hiện tại, khuyến tín tự dã. “Thế giới danh Cực Lạc”, khuyến nguyện tự dã. “Phật hiệu A Di Đà”, khuyến trì danh diệu hạnh tự dã. Phục thứ, A Di tự Phật, “thuyết pháp” tự Pháp. Hiện tại hải hội tự Tăng. Phật, Pháp, Tăng đồng nhất Thật Tướng, tự Thể. Tùng thử, khởi Tín Nguyện Hạnh, tự Tông. Tín Nguyện Hạnh thành, tất đắc vãng sanh, kiến Phật văn pháp, tự Dụng. Duy nhất Phật giới vi sở duyên cảnh, bất tạp dư sự, tự Giáo Tướng dã. Ngôn lược, ý châu hỹ. Sơ, Tự Phần cánh.

() 今現在說法者。簡上依正二有。非過去已 滅。未來未成。正應發願往生。親覲聽法。速成正覺也。復次。二有現在。勸信序也。世界名極樂。勸願序也。佛號阿彌陀。勸持名妙行序也。復次。阿彌序佛。說 法序法。現在海會序僧。佛法僧同一實相。序體。從此起信願行。序宗。信願行成。必得往生。見佛聞法。序用。唯一佛界為所緣境。不雜餘事。序教相也。言略意 周矣。初序分竟。

(Giải: “Nay hiện đang thuyết pháp” nhằm phân định trong hai thứ y báo và chánh báo đã có như đã nói trong phần trên, chẳng phải là trong quá khứ, đã diệt, chẳng phải là trong vị lai còn chưa thành, đúng là [người nghe kinh] rất nên phát nguyện vãng sanh hòng thân cận, nghe pháp, mau thành Chánh Giác. Lại nữa, hai chữ Hữu và chữ “hiện tại” chính là phần Tựa nhằm khuyến tín. “Thế giới tên là Cực Lạc” là phần Tựa khuyên hãy nên phát nguyện. “Phật hiệu A Di Đà”, chính là phần Tựa nhằm khuyên [thực hành] diệu hạnh Trì Danh. Lại nữa, A Di Đà là lời Tựa giới thiệu Phật, chữ “thuyết pháp” là lời Tựa giới thiệu Pháp, hiện tại hải hội là lời Tựa giới thiệu Tăng. Phật, Pháp, Tăng cùng một Thật Tướng, đó là lời Tựa nói về Thể. Từ đây, khởi lòng tin, phát nguyện, hành trì, là lời Tựa nói về Tông. Tín - Nguyện - Hạnh thành tựu, ắt được vãng sanh, thấy Phật nghe pháp, là lời Tựa nói về Dụng. Chỉ dùng một Phật giới dùng để làm cảnh sở duyên, chẳng xen tạp các sự khác, là lời Tựa nói về Giáo Tướng. Lời lẽ vắn tắt, nhưng ý trọn đủ. Phần thứ nhất là Tự Phần đã giảng xong[4]).

Đoạn văn chú giải này chỉ rõ tình hình của Phật và đại chúng ở Tây Phương Cực Lạc thế giới là như thế nào. Chữ “kim” chỉ đời này, chứ không phải là quá khứ hay vị lai. Đức Phật quán sát căn cơ của chúng sanh trong thế gian, nói Nhĩ Căn của chúng ta nhạy bén nhất. Trong hội Lăng Nghiêm, Văn Thù Bồ Tát chọn lựa pháp Viên Thông, đã nói: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn” (Giáo thể chân thật của phương này, thanh tịnh ở nơi nghe tiếng). Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay chưa hề có khả năng vượt thoát luân hồi lục đạo. Nhĩ Căn của chúng sanh trong thế giới Sa Bà nhạy bén nhất; do vậy, trong bốn mươi chín năm, đức Phật luôn dùng âm thanh để giảng kinh, thuyết pháp. Chúng sanh sanh về Tây Phương, tập khí vẫn còn, nên A Di Đà Phật cũng thuyết pháp để giáo hóa chúng sanh. Trong các kinh Đại Thừa nói mười phương chúng sanh căn tánh bất đồng, có nơi nhãn căn nhạy bén, cũng có nơi thiệt căn nhạy bén, như trong nước Hương Tích[5] dùng cơm thơm để làm Phật sự. Trong Tây Phương thế giới, sáu trần thuyết pháp, bất cứ căn tánh nào cũng đều có thể đạt được lợi ích.
Nhà Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Trong sáu đường, tuổi thọ con người chẳng dài, tuổi thọ của chư thiên lâu dài. Tầng trời thứ nhất là Tứ Vương Thiên. Một ngày trên Tứ Vương Thiên là năm chục năm nhân gian, thọ mạng của cõi trời này là năm trăm năm. Tính toán như vậy thì thọ mạng của chư thiên cõi trời Tứ Vương bằng chín trăm mười hai vạn năm ngàn năm (9.125.000) trong nhân gian. Một ngày trên trời Đao Lợi là một trăm năm trong nhân gian, tuổi thọ của họ là một ngàn năm. Thọ mạng của chư thiên Đao Lợi là ba ngàn sáu trăm năm mươi vạn (36.500.000) năm trong nhân gian. Càng lên cao, thọ mạng của chư thiên càng dài, phước báo cũng càng lớn. Thọ mạng trong địa ngục cũng dài. Trong tác phẩm Phật Học Thập Tứ Giảng do thầy Lý biên soạn tại Từ Quang Giảng Tòa ở Đài Trung cũng từng có nói một ngày trong địa ngục bằng hai ngàn bảy trăm năm (2.700) trong nhân gian. Trung Quốc nổi tiếng là năm ngàn năm lịch sử, nhưng so với địa ngục thì vẫn chưa đầy hai ngày! Kinh Lăng Nghiêm giảng về địa ngục đặc biệt rất tường tận “dễ vào, khó ra” nhằm cảnh tỉnh chúng ta. Thọ mạng trong ngạ quỷ đạo cũng dài, một ngày trong quỷ đạo bằng một tháng trong nhân gian, tuổi thọ của họ là vài ngàn năm. Đầu thời Dân Quốc, bậc đại sư về Quốc Học[6] là tiên sinh Chương Thái Viêm từng làm phán quan của Đông Nhạc đại đế[7], mỗi tối vào cõi âm để phán án, từng gặp những người thuộc thời Đường, thời Tống, cùng thảo luận văn chương với bọn họ. Chuyện này do con rể của cụ là lão cư sĩ Châu Kính Trụ kể cho tôi biết. Súc sanh ngu si, thọ mạng ngắn ngủi, tâm lượng nhỏ nhoi, hạn cuộc trong phạm vi cuộc sống nhỏ nhoi của chúng, chấp trước thân của chúng là chính mình, chết đi vẫn thụ thân súc sanh y như cũ. Thời đức Phật, khi kiến tạo Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên (tinh xá Kỳ Hoàn), trông thấy một tổ kiến trên đất, Phật mỉm cười nói: “Tổ kiến này đã trải qua bảy đức Phật mà vẫn chưa thoát khỏi thân kiến”. Trong lục đạo, chỉ có nhân đạo có thể tiếp nhận Phật pháp. Cõi trời sung sướng, tam ác đạo quá khổ, đều chẳng dễ học đạo. Trong kinh, đức Phật từng nói: “Thân người đáng quý nhất”. Thị hiện thành Phật độ chúng sanh nhất định phải ở trong nhân đạo. Loài người nghe pháp dễ giác ngộ, ngộ xong liền có thể vượt thoát tam giới, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Nếu được làm thân người, mà chưa thể gặp Phật, nghe pháp, hoặc nghe mà chưa thể nghiêm túc tu học, đời người có gì đáng quý nữa? Chúng ta nghe pháp trọn chẳng phải là do đức Phật trực tiếp truyền dạy; vì thế, nghe rồi mà chưa thể khai ngộ. Trong thuở đức Phật giảng kinh, giảng một bộ kinh chưa xong mà đã có nhiều người khai ngộ, chứng quả. Hiện thời nghe nói A Di Đà Phật đang thuyết pháp tại Tây Phương, cơ hội thật khó có.
      Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn nói thọ mạng của A Di Đà Phật là vô lượng thọ, Ngài thị hiện thành Phật mới chỉ mười kiếp ở Tây Phương. Nếu chúng ta sanh về đó, trong tương lai sẽ thuộc vào bậc nguyên lão. A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Nếu đích thân nghe A Di Đà Phật thuyết pháp, lẽ đâu chẳng khai ngộ? Cổ nhân nói: “Đản đắc kiến Di Đà, hà sầu bất khai ngộ?” (Chỉ được thấy Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ). Nếu hiểu rõ ràng rồi thì nhất định phải buông xuống vạn duyên, chết lòng sát đất niệm một câu Phật hiệu, chiếu theo phương pháp dạy trong kinh Di Đà để tu học, trong một đời này nhất định thấy Phật, thấy Phật rồi sẽ thường theo học với Phật, lẽ nào chẳng thành tựu?
      Hơn nữa, “nhị hữu hiện tại”, bốn chữ này nhằm khuyên nên tin tưởng. “Thế giới danh Cực Lạc” nhằm khuyên nên phát nguyện. Thế gian khổ nạn quá nhiều, chuyện gì cũng chướng ngại trùng trùng, chuyện chẳng như ý [trong mười phần] thường có tới tám chín phần. Trong một đời này, chúng ta chiêm nghiệm, nhất là trong xã hội hiện thời, quả thật đúng như vậy. Nếu nay đã biết Tây Phương Cực Lạc thế giới ở đâu, nơi đó không có các nỗi khổ, chỉ hưởng những niềm vui; hơn nữa, đức Phật nói, chỉ cần quý vị chịu về đó, ai nấy đều có thể tới đó, trọn chẳng khó khăn gì. “Phật hiệu A Di Đà, khuyến trì danh diệu hạnh tự dã” (Câu “Phật hiệu là A Di Đà” là lời tựa nhằm khuyên hành diệu hạnh Trì Danh). A Di Đà Phật hằng ngày thuyết pháp bên đó, có thể thành tựu học nghiệp và đạo nghiệp cho chúng ta. Phương  pháp  chỉ  là  niệm  một câu Phật hiệu; do vậy, Phật hiệu được xếp vào Hạnh Môn.
“Phục thứ, A Di tự Phật, thuyết pháp tự Pháp, hiện tại hải hội tự Tăng” (Lại nữa, A Di Đà là lời tựa giới thiệu Phật, chữ “thuyết pháp” là phần tựa giới thiệu Pháp, hiện tại hải hội là phần tựa giới thiệu Tăng). Trong đoạn này, lời chú giải đã phối hợp kinh văn với Tam Bảo Phật - Pháp - Tăng. Phật, Pháp, Tăng có cùng một Thật Tướng, Thật Tướng là chân tâm bổn tánh. Y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do chân tâm biến hiện ra, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Do những sự thực và lý luận trong phần trên mà sanh khởi tín tâm, nguyện tâm, chấp trì danh hiệu, cầu nguyện vãng sanh, đấy là tông chỉ của kinh này, mà cũng dụng ý của Phật khi nói kinh này. Tín, Nguyện, Hạnh thành tựu, hoàn toàn không nghi hoặc sự thật này, có nguyện vọng mạnh mẽ, có thể buông bỏ thân, tâm, thế giới. Trong mười hai thời, Phật hiệu không gián đoạn, nhất định sẽ vãng sanh, thấy Phật, nghe pháp, tâm nguyện liền viên mãn. Đức Thế Tôn giảng hết thảy kinh luận, nội dung sâu rộng, có Sự, Lý, Tánh, Tướng, những thứ để tâm duyên vào rất rộng. Pháp môn này chỉ duyên nơi một vị A Di Đà Phật; trừ Phật ra, hết thảy đều chẳng phan duyên (nắm níu), chẳng xen tạp những chuyện khác, thanh tịnh khôn sánh. Luận trên phương diện giáo học, bất cứ răn dạy nào cũng đều chẳng thể sánh bằng pháp này, lời lẽ tuy không nhiều, nhưng ý nghĩa trọn vẹn, đầy đủ. Đến đây đã nói xong Tự Phần, tiếp theo là Chánh Tông Phần.

4.2. Chánh Tông Phần
4.2.1. Giảng rộng về y báo và chánh báo để khơi gợi lòng tin

      (Giải) Tín nguyện trì danh, nhất kinh yếu chỉ. Tín nguyện vi Huệ Hạnh, trì danh vi Hành Hạnh. Đắc sanh dữ phủ, toàn do tín nguyện chi hữu vô. Phẩm vị cao hạ, toàn do trì danh chi thâm thiển. Cố Huệ Hạnh vi tiền đạo, Hành Hạnh vi chánh tu. Như mục túc tịnh vận dã.

() 信願持名。一經要旨。信願為慧行。持名為行行。得生與否。全由信願之有無。品位高下。全由持名之深淺。故慧行為前導。行行為正修。如目足並運也。

      (Giải: “Tín, nguyện, trì danh” là tông chỉ trọng yếu của bộ kinh này. Tín và nguyện là Huệ Hạnh, trì danh là Hành Hạnh. Được vãng sanh hay không hoàn toàn là do có tín, nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp, hoàn toàn là do trì danh sâu hay cạn. Vì thế, Huệ Hạnh để hướng dẫn, Hành Hạnh là hạnh tu chánh yếu. Giống như mắt và chân cùng vận dụng vậy).

      Mấy câu này của Ngẫu Ích đại sư các bậc cổ đức từ trước đến nay chưa hề nói tới, nhưng hoàn toàn phù hợp khít khao tông chỉ của ba kinh Tịnh Độ. Điều hiếm có là Ngài đã vì bọn chúng sanh Mạt pháp như chúng ta mà nói rõ sự kiện sau đây: Điều kiện tối trọng yếu để vãng sanh Tây Phương chính là “đắc sanh dữ phủ, toàn do tín nguyện chi hữu vô. Phẩm vị cao hạ, toàn do trì danh chi thâm thiển” (được vãng sanh hay không hoàn toàn là do có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp, hoàn toàn là do trì danh sâu hay cạn). Tây Phương có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm, phẩm vị cao hay thấp chính là do trì danh sâu hay cạn. “Thâm” hay “thiển” là do lấy sự thanh tịnh trong tâm làm tiêu chuẩn, nghĩa là: “Thâm” là tin sâu, nguyện sâu, hạnh sâu, niệm Phật hiệu cũng sâu. Tín nguyện trì danh là ba món tư lương. Đại sư giải thích kinh này, đối với Tự Phần, Chánh Tông Phần, và Lưu Thông Phần, trong mỗi phần đều bao hàm ý nghĩa Tín, Nguyện, Hạnh. Đây chính là chỗ khác biệt giữa Ngài và các vị đại đức khác. Hãy nên biết: Tín - Nguyện là Huệ, Hạnh là phước, người niệm Phật phước huệ song tu. Phước huệ do tu Niệm Phật chính là phước huệ bậc nhất trong thế gian, mọi người đừng sợ thiếu phước. Trong hết thảy pháp môn, pháp môn này dễ dàng nhất. Ngay trong một đời này, quý vị đã hưởng thụ phước huệ mà người khác chẳng thể hưởng thụ được!
      Có người nói: Nếu tôi hằng ngày niệm Phật thì làm sao duy trì đời sống? Quý vị đừng sợ, chân chánh niệm Phật thì Phật, Bồ Tát sẽ cúng dường quý vị. Thích Ca Mâu Ni Phật thuở ấy, lẽ ra phải trụ thế một trăm năm, nhưng tám mươi tuổi đã viên tịch, còn có hai mươi năm phước báo để dành cho tứ chúng đệ tử học Phật trong thế gian. Có một năm kết hạ an cư, lão hòa thượng Linh Nguyên mời tôi giảng kinh Lăng Nghiêm tại chùa Đại Giác ở Cơ Long[8]. Giảng đường nằm sát vách điện Thiên Vương. Khi ấy, tôi khuyên bốn mươi mấy người đàn ông hiện diện hãy bớt làm Phật sự để niệm Phật nhiều hơn. Nếu trong chùa mà thiếu lương thực, đại chúng bị đói, thì Vi Đà Bồ Tát sẽ bị cất chức, điều tra! Nếu chính mình lo kiếm sống thì Vi Đà Bồ Tát được một phen vui hưởng tiêu dao. Không cần phải lo lắng về lương thực! Hãy nhất tâm tu đạo, chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ, phước ở trong ấy. Đời Đường, pháp sư Đạo Tuyên là tổ sư của Luật Tông, hằng ngày chỉ ăn một bữa, mỗi ngày được chư thiên đưa cơm đến là chuyện mọi người đều biết cả rồi! Phước báo lớn nhất là trong một đời vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vãng sanh Tịnh Độ, viên thành Phật đạo. Đấy chính là điều chư Phật, Bồ Tát ngưỡng mộ. Tín Nguyện là động lực, là sự dẫn đường, niệm Phật là chánh hạnh.

      (Kinh) Xá Lợi Phất! Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh, vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc.
      (Giải) Chúng sanh thị Năng Thụ Dụng nhân, Đẳng Giác dĩ hoàn giai khả danh. Kim thả ước nhân dân ngôn, dĩ hạ hạ lệ thượng thượng dã. Sa Bà khổ lạc tạp, kỳ thực, Khổ thị Khổ Khổ, bức thân tâm cố. Lạc thị Hoại Khổ, bất cửu trụ cố. Phi khổ phi lạc thị Hành Khổ, tánh thiên lưu cố. Bỉ độ vĩnh ly tam khổ, bất đồng thử độ đối khổ chi lạc, nãi danh Cực Lạc.

() 舍利弗。彼土何故名為極樂。其國眾生。無有眾苦。但受諸樂。故名極樂。
      () 眾生是能受用人。等覺以還皆可名。今且約人民言。以下下例上上也。娑婆苦樂雜。其實。苦是苦苦。偪身心故。樂是壞苦。不久住故。非苦非樂是行苦。性遷流故。彼土永離三苦。不同此土對苦之樂。乃名極樂。

      (Chánh kinh: Này Xá Lợi Phất! Cõi kia vì cớ sao tên là Cực Lạc? Chúng sanh trong cõi ấy không có các nỗi khổ, chỉ hưởng những niềm vui, nên gọi là Cực Lạc.
     Giải: Chúng sanh là người thụ dụng. Từ Đẳng Giác trở xuống đều có thể gọi là chúng sanh. Nay ước theo nhân dân để nói, dùng [trạng huống của] hạng hạ hạ để suy ra [tình trạng của] hạng thượng thượng. Cõi Sa Bà khổ và vui xen tạp, thật ra, Khổ là Khổ Khổ, vì [các nỗi khổ] bức não thân tâm. Lạc là Hoại Khổ vì nó chẳng tồn tại lâu dài. Chẳng khổ chẳng vui là Hành Khổ vì tánh nó đổi dời. Cõi kia vĩnh viễn thoát khỏi ba sự khổ này, chẳng giống như cõi này, lạc là do so với khổ mà nói. Vì thế, cõi ấy tên là Cực Lạc).

      Trong kinh, hễ nhắc đến danh tự của một người nào là nhằm làm cho người ấy chú ý. Trong phần sau có những khai thị rất quan trọng. Đức Phật gọi ngài Xá Lợi Phất bảo: “Cõi ấy vì sao gọi là Cực Lạc?” Ngài Xá Lợi Phất trọn chẳng thể đáp được, vì đấy là cảnh giới thuộc Phật quả, ngài Xá Lợi Phất chưa thành Phật, không thể đáp được. Do vậy, đức Phật tiếp tục nói, chúng sanh trong thế giới ấy không có các nỗi khổ, chỉ hưởng những niềm vui. Vì thế, gọi là Cực Lạc. Đức Phật dạy trong thế giới này của chúng ta, có năm thứ Thọ (cảm nhận): Khổ, Lạc, Ưu, Hỷ, Xả. Thân có hai thứ Thọ là Lạc và Khổ (sướng và khổ), tâm có hai thứ Thọ là Ưu và Hỷ (buồn và vui). Nếu không có bốn thứ Thọ trên đây thì là Xả Thọ. Xả Thọ ngắn ngủi, tạm thời, nếu giữ được một thời gian dài sẽ là Định. Tuy đạt đến Tứ Thiền, Bát Định thì vẫn là Xả Thọ, chưa phải là tam-muội. Nếu vượt qua Bát Định, đạt đến Cửu Thứ Đệ Định thì mới vượt thoát tam giới.
      “Chúng sanh thị Năng Thụ Dụng nhân” (chúng sanh là người thụ dụng). “Các duyên hòa hợp mà sanh” thì gọi là “chúng sanh”. Con người là do các duyên hòa hợp mà sanh. Khăn lông cũng là do các duyên hòa hợp mà sanh. Không có một pháp nào chẳng phải do các duyên hòa hợp. Từ Đẳng Giác trở xuống đều gọi là “chúng sanh”. Trong chín pháp giới, trừ lục đạo ra, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều là học trò của Phật; trong năm mươi mốt địa vị, Đẳng Giác là cao nhất. Tại Tây Phương, hưởng thụ bình đẳng; ngoài Tây Phương thế giới ra, sự hưởng thụ của chúng sanh trong chín pháp giới đều chẳng bình đẳng. Thế giới Sa Bà khổ nhiều, vui ít. Khổ là thân lẫn tâm đều chịu áp lực. Thời gian sung sướng cũng chẳng lâu dài nên gọi là Hoại Khổ. Chẳng khổ chẳng sướng là Xả Thọ, tâm chẳng thể thường giữ được [trạng thái ấy] nên gọi là Hành Khổ. Trong kinh nói tới ba khổ và tám khổ. Tám khổ là “sanh, lão, bệnh, tử, cầu chẳng được, yêu thương phải chia lìa, chán ghét phải gặp gỡ, năm Ấm lừng lẫy”. Kinh Phật giảng Sanh Khổ hết sức thấu triệt, thần thức phải ở trong bụng mẹ mười tháng, cảm nhận như đang ở trong địa ngục. Mẹ uống một chén nước lạnh, con như đang ở trong địa ngục Hàn Băng, mẹ uống một chén nước nóng, con như ở trong địa ngục Bát Nhiệt. Ra khỏi thai, chuyện đời trước quên sạch sành sanh. Lúc sanh ra, như trong địa ngục Giáp Sơn (núi ép lại). Đẻ ra, tiếp xúc không khí như địa ngục Phong Đao. Bệnh Khổ (khổ vì bệnh tật), Lão Khổ (khổ vì già nua) bày ra trước mắt, ai nấy đều cảm nhận gián tiếp hay trực tiếp. Lúc chết, thần thức tách lìa thân thể, giống như con rùa còn sống bị bóc mai. Người học Phật có công phu thật sự thì già, bệnh, chết đều không có. Tuổi già nhưng thân thể khỏe mạnh, lâm chung biết trước lúc mất, không bệnh tật mà qua đời. Trên đây là bốn nỗi khổ “sanh, lão, bệnh, tử”. Thứ năm là Cầu Bất Đắc Khổ, dục vọng quá nhiều, không cách gì đạt được. Thứ sáu là Oán Tắng Hội Ngộ Khổ, oan gia đối đầu, chẳng mong chạm mặt mà cứ phải gặp hoài. Thứ bảy, là Ái Biệt Ly Khổ, phải sanh ly tử biệt với người mà ta đem lòng yêu thương. Thứ tám là Ngũ Ấm Xí Thịnh Khổ. Ngũ Ấm là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, tức là những tạo tác sinh lý và tâm lý. Ngũ Ấm là nhân, bảy thứ khổ trước là quả.
      “Lạc thị Hoại Khổ, bất cửu trụ cố” (Lạc là Hoại Khổ, vì chẳng tồn tại lâu dài). Giống như ma túy, khổ là thật, sướng là giả. Sướng biến thành khổ, khổ chẳng thể biến thành sướng. Chẳng hạn như khiêu vũ là sung sướng, nhưng khiêu vũ liên tiếp ba ngày ba đêm thì sướng biến thành khổ. Ba ngày không ăn cơm, khổ chẳng thể nói, đến bảy ngày thì lại càng khổ hơn, trọn chẳng thể biến thành sướng. Phi khổ phi lạc cố nhiên là tốt, nhưng nó có Hành Khổ. Tục ngữ có câu “thanh xuân bất trụ” (tuổi xuân chẳng còn mãi), già suy trong từng sát-na. Nói thật ra, từ ngày được sanh ra, con người đã bươn bả thẳng đến mộ phần chưa hề tạm ngừng. Thế giới Cực Lạc vĩnh viễn thoát khỏi tám khổ. Khổ và Lạc là tương đối; tại Tây Phương, Khổ lẫn Lạc đều không có, nên gọi là Cực Lạc. Loại cảnh giới này chẳng thể nghĩ bàn, chúng ta chẳng những nói không ra, mà ngay cả tưởng tượng cũng không thể tưởng tượng được. Kinh Hoa Nghiêm giảng về cảnh giới Cực Lạc tường tận nhất. Đọc kinh Hoa Nghiêm sẽ có thể tưởng tượng được sự thù thắng trang nghiêm ở Tây Phương. Trong quá khứ, pháp sư Từ Vân Quán Đảnh là người sống vào đời Càn Long nhà Thanh, trước tác hết sức phong phú, đã so sánh giữa Sa Bà và Cực Lạc. Luận về khổ và lạc thì:
- Cõi này chẳng gặp Phật là khổ. Sau khi vãng sanh Tây Phương, hoa nở thấy Phật là vui.
- Cõi này nghe pháp rất khó. Tây Phương sáu trần đều thuyết pháp.
- Cõi này bị bạn ác lôi kéo, buộc ràng, chẳng thể thỏa lòng tu đạo. Tây Phương có các vị thượng thiện nhân tụ hội một chỗ.

      (Giải) Nhất vãng phân biệt, Đồng Cư Ngũ Trược khinh, vô phần đoạn, bát khổ. Đản thọ bất bệnh, bất lão, tự tại du hành, thiên thực, thiên y, chư thiện tụ hội đẳng lạc. Phương Tiện thể quán xảo, vô trầm không trệ tịch chi khổ. Đản thọ du hý, thần thông đẳng lạc. Thật Báo tâm quán viên, vô cách biệt bất dung chi khổ, đản thọ vô ngại bất tư nghị lạc. Tịch Quang cứu cánh đẳng, vô Pháp Thân sấm lậu, chân thường lưu chú chi khổ, đản thọ xứng tánh viên mãn cứu cánh lạc. Nhiên Đồng Cư chúng sanh, dĩ trì danh thiện căn, phước đức đồng Phật cố, viên tịnh tứ độ, viên thọ chư lạc dã. Phục thứ, Cực Lạc tối thắng, bất tại thượng tam độ, nhi tại Đồng Cư. Lương dĩ thượng chi, tắc thập phương Đồng Cư tốn kỳ thù đặc. Hạ hựu khả dữ thử độ giảo lượng. Sở dĩ, phàm phu ưu nhập nhi thung dung, hoành siêu nhi độ việt. Phật thuyết khổ lạc, ý tại ư thử.

() 一往分別。同居五濁輕。無分段八苦。但受不病不老。自在遊行。天食 天衣。諸善聚會等樂。方便體觀巧。無沉空滯寂之苦。但受遊戲神通等樂。實報心觀圓。無隔別不融之苦。但受無礙不思議樂。寂光究竟等。無法身滲漏。真常流注 之苦。但受稱性圓滿究竟樂。然同居眾生。以持名善根福德同佛故。圓淨四土。圓受諸樂也。復次。極樂最勝。不在上三土。而在同居。良以上之。則十方同居。遜 其殊特。下又可與此土較量。所以凡夫優入而從容。橫超而度越。佛說苦樂。意在於此。

      (Giải:  Phân  biệt  đại  khái  thì trong cõi Đồng Cư,  Ngũ  Trược  nhẹ, không có phần đoạn sanh tử và tám khổ, chỉ hưởng những điều vui như chẳng bệnh, chẳng già, du hành tự tại, thức ăn trời, áo trời, các vị thượng thiện nhân tụ hội v.v... Trong cõi Phương Tiện, khéo léo quán Thể, không có nỗi khổ vướng mắc, trầm trệ vào không tịch, chỉ hưởng những sự vui như du hý, thần thông v.v... Trong cõi Thật Báo, quán tâm viên mãn, không có sự khổ cách biệt, chẳng dung thông, chỉ hưởng sự vui không chướng ngại chẳng thể nghĩ bàn. Trong cõi Tịch Quang rốt ráo bình đẳng, không các nỗi khổ như Pháp Thân rò rỉ, chân thường tuôn chảy, chỉ hưởng sự vui viên mãn rốt ráo xứng tánh. Nhưng chúng sanh trong cõi Đồng Cư do thiện căn trì danh nên phước đức giống như Phật, thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi, hưởng trọn vẹn các điều vui. Hơn nữa, Cực Lạc tối thắng chẳng ở trong ba cõi trên mà là trong cõi Đồng Cư. Ấy là vì: Trên thì các cõi Đồng Cư trong mười phương phải nhường phần đặc biệt thù thắng; dưới thì nếu so sánh với cõi này (tức Sa Bà), [cõi Đồng Cư của thế giới Cực Lạc vượt trỗi mọi mặt]. Do vậy, phàm phu hễ được dự vào đó liền thong dong, vượt khỏi [tam giới] theo chiều ngang để được độ thoát. Đức Phật nói đến khổ và vui là nhằm ý này).

      “Nhất vãng” chính là đại khái, [“nhất vãng phân biệt”] chính là nói đại khái tình trạng trong bốn cõi Tây Phương. “Đồng Cư Ngũ Trược khinh” là lời so sánh giữa Tây Phương thế giới và Sa Bà. Người đới nghiệp vãng sanh tuy đã khuất phục, nhưng chưa đoạn được Kiến Tư, họ thật sự có Ngũ Trược từ đời quá khứ, nhưng nhẹ hơn. Mức độ [Ngũ Trược] nhẹ nhàng ấy, nhân thiên thừa chẳng thể sánh bằng.
Vô Phần Đoạn, bát khổ”: Phần Đoạn là giai đoạn, tức là chia thành từng phần lớn, mỗi đời là một giai đoạn, đời kế tiếp lại là một giai đoạn nữa. [Chữ Phần Đoạn] này chỉ sự luân hồi. Nếu chia nhỏ ra thì mỗi sát-na là một giai đoạn, sanh diệt trong từng sát-na, dời đổi không ngừng.
      Thời cổ, hoàn cảnh đơn thuần, lòng người nồng hậu, giác ngộ dễ dàng. Đối với thiện, ác, nhân quả, báo ứng, tai đã quen nghe tường tận, khởi tâm động niệm đều rất chú ý. Con người hiện thời cứ tưởng khoa học phát triển, những chuyện thiện ác, báo ứng đã nói từ trước đến giờ đều là mê tín, đến nỗi đạo đức chôn vùi, phong tục cõi đời ngày một đi xuống. Những chuyện này chẳng phải là hễ tin thì có, nếu chẳng tin bèn không còn nữa! Tục ngữ có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, bất thị bất báo, thời khắc vị đáo” (Thiện có thiện báo, ác có ác báo, chẳng phải không báo, chưa tới lúc thôi).
“Tự tại du hành”: Du hành trong thế giới này tuy không bị hạn chế bởi khu vực, nhưng phải xin giấy thông hành, mà cũng chỉ giới hạn trong địa cầu. Sau khi sanh về Tây Phương, có thể đi đến bất cứ cõi nước nào, sánh với thế gian giống như trời với đất.
“Thiên y, thiên thực”: Cuộc sống vật chất nơi Tây Phương là hết thảy cơm áo, sự cung ứng đều thuận theo lòng muốn. Người trong cõi Tây Phương vốn chẳng cần ăn uống, do tập khí của chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, ăn uống đã trở thành thói quen. Do tập khí nên vẫn còn có ý niệm ăn uống.
“Chư thiện tụ hội”: Cổ đức nói, trong cuộc sống của người thế gian đáng sợ nhất là người đồng hành. Người đồng hành là oan gia, có quan hệ rất lợi hại, khó tránh khỏi bị đôi bên ganh ghét. Thiện nhân ở Tây Phương tụ hội, nhất tâm tu đạo, trọn không có các nỗi khổ, mà có niềm vui trong bốn cõi.
      “Phương Tiện thể quán xảo”: Người trong cõi Phương Tiện Hữu Dư đã đoạn Kiến Tư phiền não, công phu niệm Phật sâu xa, đắc Sự nhất tâm bất loạn. “Thể Quán”: Trí huệ càng cao, sức lãnh ngộ mạnh mẽ, biết vạn pháp đều là Không, hết thảy pháp đều chẳng thể được. Trong thế giới Sa Bà, người Tiểu Thừa tu đến cảnh giới này thì được gọi là “nhập Thiên Chân Niết Bàn”. Chân tướng của nhân sinh và vũ trụ phải được quán sát từ ba phương diện là Thể, Tướng và Dụng. Thể là Không, tuyệt đối chẳng đạt được; Tướng là Có, để có thể hưởng thụ thì phải sử dụng Trung. Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc đã biết sử dụng Trung, nhà Phật gọi đó là Trung Đạo, Nho gia gọi là Trung Dung. Đức Phật nói phàm phu sử dụng Hữu, vì thế cảm nhận nhiều khổ não. Bậc Tiểu Thừa dùng Không, thường ở trong Định, chẳng khởi tác dụng, do vậy chìm đắm, trì trệ trong Không Tịch. Bồ Tát biết sử dụng Trung, chẳng vướng mắc vào hai bên [Có và Không], hết sức sống động, chỉ hưởng những niềm vui như du hý, thần thông v.v...
      “Thật Báo tâm quán viên”: Trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm sử dụng Trung. Trong phần trước, tôi đã nói đến Thứ Đệ Tam Quán (lần lượt quán Không, Giả, Trung theo thứ tự). Ba môn Không Quán, Giả Quán, Trung Quán có thứ lớp, có sai khác, cho nên có nỗi khổ cách biệt, chẳng dung thông, Đại Thừa Bồ Tát [chưa đạt đến Sơ Địa trong Viên Giáo] là như thế đó. Nhất Tâm Tam Quán thì không có hiện tượng ấy, lấy bất cứ một pháp nào cũng đều là Không, là Giả, là Trung, ba tầng viên dung, không có nỗi khổ cách biệt, chẳng dung thông. Đấy chính là “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại” như kinh Hoa Nghiêm đã nói. Bồ Tát cùng chúng ta hòa lẫn thành một khối, hòa quang đồng trần[9], nhưng thụ dụng hoàn toàn khác hẳn. Lục căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, có Khổ, Lạc, Ưu, Hỷ, Xả, nhưng Bồ Tát chẳng có, vì đã nhập cảnh giới không chướng ngại chẳng thể nghĩ bàn.
      “Tịch Quang cứu cánh đẳng, vô Pháp Thân sấm lậu, chân thường lưu chú chi khổ” (Trong cõi Tịch Quang rốt ráo bình đẳng, không các nỗi khổ như Pháp Thân rò rỉ, chân thường tuôn chảy[10]): Cõi Tịch Quang cao nhất trong bốn cõi Tịnh Độ. “Pháp Thân sấm lậu” tức là trong Chân Như bổn tánh vẫn còn chưa sạch hết phiền não. Phật pháp nói đến Chân và Vọng, Chân là sẵn có, Vọng thì vốn không. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ, đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc”. Một câu này của Phật đã nói toạc căn bệnh của bọn phàm phu chúng ta. Tu học trong Phật pháp bất quá là trừ sạch vọng tưởng, chấp trước mà thôi; nhưng hãy cầu trừ Vọng, chớ nên tìm Chân. Chấp trước phát triển thành Ngã Chấp, phá Ngã Chấp liền chứng quả A La Hán. Nói cách khác, nếu có Ngã Chấp, sẽ chẳng thể thoát khỏi tam giới. Nếu có Pháp Chấp, sẽ chẳng thể kiến tánh. Pháp môn Đại Tiểu Thừa trong Phật pháp đều có thể giúp con người thoát khỏi tam giới. Ngã Chấp phát triển thành Phiền Não Chướng, Pháp Chấp phát triển thành Sở Tri Chướng. Phật pháp từ đầu đến cuối chỉ là phá hai chấp ấy mà thôi. Từ cõi Phương Tiện trở lên, không có Ngã Chấp, cõi Đồng Cư vẫn còn Ngã Chấp. Ngã Chấp không còn, Pháp Chấp đã phá được phần lớn, nhưng vẫn còn có chút thừa sót, đó gọi là “Pháp Thân sấm lậu” (Pháp Thân rò rỉ). Cõi Tịch Quang đoạn sạch Pháp Chấp, Chân Như bổn tánh hiển hiện viên mãn, sự thụ dụng của người trong cảnh giới ấy là “xứng tánh viên mãn cứu cánh lạc” (sự vui xứng tánh viên mãn rốt ráo). Đại Thừa Bồ Tát trong cõi Thật Báo đạt Lý nhất tâm bất loạn, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo và chư Phật đều có thể gọi là “xứng tánh”; tuy một đằng đã viên mãn, một đằng chưa viên mãn, nhưng đều là xứng tánh. Đại khái sự khổ và vui trong bốn cõi là như vậy.
     “Nhiên Đồng Cư chúng sanh, dĩ trì danh thiện căn, phước đức đồng Phật cố, viên tịnh tứ độ, viên thọ chư lạc dã” (Nhưng chúng sanh trong cõi Đồng Cư, do thiện căn trì danh nên phước đức giống như Phật, thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi, hưởng trọn vẹn các niềm vui). Mấy câu chú giải này phải nhớ kỹ trong lòng, hết thảy các kinh luận, pháp môn khác không có điều này. Kinh này được xưng tụng là bậc nhất trong hết thảy kinh Phật chính là do đạo lý này. Chúng ta là đới nghiệp vãng sanh, nghiệp ấy chính là Ngã Chấp và Pháp Chấp, phương pháp được sử dụng là “tín, nguyện, trì danh”. Tin tưởng tuyệt đối A Di Đà Phật và Tây Phương thế giới, đấy là Tín. Nhất tâm nhất ý hướng về Tây Phương, mong thấy A Di Đà Phật, đó là Nguyện. Trọn đủ Tín và Nguyện như thế, niệm một câu Phật hiệu, đó là Trì. Thiện căn, phước đức của người trì danh niệm Phật giống như A Di Đà Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật. Mười phương ba đời hết thảy chư Phật tu hành cho đến cuối cùng thành Phật đều là do niệm Phật mà thành Phật.
      “Viên tịnh tứ độ”: Viên (圓) là viên mãn, chẳng có mảy may thiếu khuyết nào! Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, chẳng thể gọi là viên mãn, nhưng chúng ta đới nghiệp vãng sanh liền có thể thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi, hưởng trọn các niềm vui. Ngẫu Ích đại sư nói những lời này có quá lố hay không? Xin quý vị đọc bốn mươi tám lời nguyện trong chương sáu của kinh Vô Lượng Thọ sẽ thấy là đúng hay là sai! Đại sư dựa theo kinh điển để nói; ngày nay chúng ta gặp được bộ kinh này đúng là cơ hội khó gặp trong ngàn năm mà ta nay may mắn gặp được.
      “Cực Lạc tối thắng, bất tại thượng tam độ, nhi tại Đồng Cư” (Cực Lạc tối thắng không do ba cõi trên, mà là do cõi Đồng Cư). Vì sao đức Phật nói Cực Lạc là tối thắng? “Chán khổ, cầu vui” là chuyện thường tình của con người. Tục ngữ có câu “nhất ẩm, nhất trác, mạc phi tiền định” (một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng phải đã định sẵn). Phú quý, cùng quẫn, hanh thông cho đến sanh tử đều có số mạng sẵn. Cầu là vọng tưởng, cầu thần thánh ban ơn, cầu Thượng Đế giáng phước, đều là mê tín, không giúp được gì! Đức Phật dạy chúng ta, muốn cầu quả báo tốt, chỉ có tu phước, tích đức. Tu nhân sẽ đắc quả: Tài Thí đắc của cải, Pháp Thí đắc thông minh, trí huệ, Vô Úy Thí đắc khỏe mạnh, trường thọ. Chớ nên tiếc của, mà cũng đừng tham của. Đấy là tiểu nhân tiểu quả thế gian! Niệm Phật là đại phước đức tối thượng khôn sánh, trực tiếp dùng thiện nhân, thiện quả do A Di Đà Phật đã tu hành trong vô lượng kiếp để chính mình tu nhân trong hiện tại. Quả báo của niệm Phật là có thể vượt thoát luân hồi lục đạo. Sanh về Tây Phương sẽ có thể thành Phật ngay trong thân này. Hết thảy các cõi Phật trong mười phương đều có bốn cõi Tịnh Độ, nhưng các cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong đó đều thua cõi Đồng Cư của Tây Phương một bậc. Phàm phu trong thế giới Sa Bà muốn vượt thoát lục đạo là chuyện hết sức khó khăn, đoạn hết phiền não thì mới có thể vượt thoát. Tứ Thiền, Bát Định mới có thể khống chế phiền não chẳng cho nó khởi tác dụng. Tầng trời cao nhất trong Tứ Không Thiên là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên có thể khống chế phiền não trong tám vạn đại kiếp, thuộc về Thiền Định thế gian. Đạt đến Cửu Thứ Đệ Định, thành A La Hán mới thoát khỏi tam giới, thật chẳng dễ dàng! Như nay chỉ cần đầy đủ Tín - Nguyện - Hạnh, thật thà niệm Phật, liền có thể vượt thoát tam giới theo chiều ngang, chẳng cần phải trải qua Tứ Thiền Bát Định, muôn người tu, muôn người vãng sanh. Dẫu tạo tội Ngũ Nghịch, Thập Ác mà nếu quả báo còn chưa hiện tiền thì vẫn có thể thong dong tiến nhập Tây Phương thế giới.
     
      (Kinh) Hựu Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ, thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thụ, giai thị tứ bảo, châu táp vi nhiễu. Thị cố bỉ quốc, danh vi Cực Lạc.

      () 又舍利弗。極樂國土。七重欄楯。七重羅網。七重行樹。皆是四寶。周匝圍繞。是故彼國。名為極樂。
     
(Chánh kinh: Lại này, Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc bảy tầng lan can, bảy tầng lưới giăng, bảy tầng hàng cây, đều bằng bảy báu vây quanh trọn khắp. Vì thế, cõi ấy tên là Cực Lạc).

      Đoạn kinh này nói rõ sự vui thuộc về địa lợi trong Tây Phương thế giới, cũng chính là hoàn cảnh cư trú. Nếu các vị có thời gian rảnh rỗi, có thể sang thăm Hoàng Cung tại Bắc Kinh bên Đại Lục, kiến trúc của nó từng hàng lan can. “Lan thuẫn” chính là lan can, Lan () là [những thanh chắn đặt nằm] theo chiều ngang, Thuẫn () là [những thanh chắn dựng] theo chiều dọc. Tôi chưa được thấy “la võng” (lưới mành) tại Trung Quốc, nhưng ở Nhật Bản thì vẫn còn. Phật giáo Nhật Bản cũng rất hưng thịnh, gìn giữ chùa miếu hết sức tốt đẹp. Khi tôi sang thăm Nhật Bản, chẳng thể nào không bội phục dân tộc ấy. Họ toàn tâm toàn lực hấp thụ văn minh khoa học kỹ thuật của Tây Phương, nhưng bảo vệ, giữ gìn những kiến trúc cổ cố hữu của chính mình hết sức hoàn chỉnh. Chùa miếu của họ đều là kiến trúc từ thời Đường, thời Tống, kết cấu kiến trúc theo mô thức thời Hán, thời Đường, điện vũ rất lớn mà chẳng dính một hạt bụi nào. Những vật liệu được dùng [để xây cất] nếu bị tổn hoại thì khi trùng tu vẫn dùng những vật liệu giống hệt như vậy để khôi phục nguyên trạng. Điện vũ rộng rãi, đồ sộ, ngăn nắp, sạch sẽ, chẳng thể nào không khiến cho người khác kính phục. Chúng tôi thấy rồi bèn sanh tâm hổ thẹn, nhất là vì phong tục theo cổ lễ Trung Quốc thì ngay tại Trung Quốc đã chẳng còn thấy nữa, nhưng phương thức sinh hoạt giống như sách Lễ Ký đã chép vẫn còn được bảo tồn tại Nhật Bản. Y phục của người Nhật mặc được gọi là “Hòa phục” (Wafuku), còn gọi là “Ngô phục” (Gofuku), tức là [y phục] theo cách thức của xứ Ngô Việt vào thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, một mực bảo tồn đến tận bây giờ. [Cách phục sức ấy] tại Trung Quốc đã tuyệt tích, lòng yêu mến và bảo tồn cổ tích của họ quả thật là hạng nhất trên thế giới. Trong những ngôi chùa miếu lớn ở Nhật Bản, chúng tôi trông thấy “la võng” bện bằng những sợi đồng để bảo vệ kèo cột. Kèo cột đều là những tác phẩm nghệ thuật cao cấp, ngoài ra, “la võng” lại còn có thể ngăn chim sẻ làm tổ.
“Thất trùng hàng thụ”, “hàng thụ” là cây cối. Chữ “thất” chỉ bốn phương, trên, dưới và chính giữa, tượng trưng cho ý nghĩa viên mãn, hoàn toàn chẳng phải là con số. Ngẫu Ích đại sư nói “thất” biểu thị “thất khoa đạo phẩm”; “tứ bảo” biểu thị “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, đều nhằm biểu thị pháp, nhưng sự biểu thị chẳng phải chỉ có vậy. Những nghĩa trên đây đều được giảng tường tận trong kinh Vô Lượng Thọ.

      (Giải) “Thất trùng” biểu thất khoa đạo phẩm, “tứ bảo” biểu Thường, Lạc, Ngã, Tịnh tứ đức. “Châu táp nhiễu” giả, Phật, Bồ Tát đẳng vô lượng trụ xứ dã, giai tứ bảo, tắc tự công đức thâm. “Châu táp vi nhiễu” tắc tha hiền thánh biến, thử Cực Lạc chân nhân duyên dã.

      () 七重表七科道品。四寶表常樂我淨四德。周匝繞者。佛菩薩等無量住處也。皆四寶。則自功德深。周匝圍繞。則他賢聖遍。此極樂真因緣也。
     
(Giải: “Thất trùng” biểu thị bảy khoa đạo phẩm, “tứ bảo” biểu thị bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. “Châu táp nhiễu”: Vô lượng trụ xứ của Phật, Bồ Tát v.v... đều bằng bốn báu, ấy là công đức của chính mình sâu xa, “châu táp vi nhiễu” nghĩa là những vị hiền thánh khác đều trọn khắp, đấy chính là nhân duyên thật sự của cõi Cực Lạc vậy).

      Đây là nói tổng quát về sự thù thắng của Tây Phương thế giới, sự thù thắng ấy do đâu mà có? Một là do công đức của chính mình sâu nặng, hai là do các vị hiền thánh khác [hiện diện] trọn khắp. Chúng ta phát nguyện vãng sanh Tây Phương, vì trong thế giới [Sa Bà] này đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức hết sức khó khăn, vì hoàn cảnh tu học có rất nhiều chướng ngại, đâu đâu cũng bị ngăn trở, quấy nhiễu. Người sanh về Tây Phương được bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, lại được ở cùng một chỗ với các vị thượng thiện nhân cõi Tây Phương. Tây Phương thế giới không có ai mang ác niệm, được tôn là bậc nhất trong hết thảy cõi Phật. Trong đoạn văn này, trong bảy thứ biểu thị pháp, đại sư chỉ nêu đại lược một thứ, tức là Thất Khoa Đạo Phẩm (Thất Khoa Đạo Phẩm chính là ba mươi bảy đạo phẩm, [chia thành bảy khoa] gồm Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo).
“Tứ bảo” là tánh đức, tức “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”. Nói thông thường thì ba thứ Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát, mỗi thứ đều có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, có thể nói là [bốn đức ấy bao gồm] trọn khắp hết thảy pháp, nhưng chỉ người kiến tánh mới có. Phàm phu đang mê, đối với bốn chữ này chỉ là “hữu danh vô thực”. Chúng ta cảm thấy thế giới này vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Nếu chính mình không có công đức chân thật, sẽ chẳng thể nào cảm nhận Thường, Lạc, Ngã, Tịnh! Mọi sự, mọi vật trong thế giới ấy đều có bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, nhưng chúng ta nhìn không ra mà nghĩ cũng không nổi! Từ mười phương thế giới, những người vãng sanh Tây Phương vô lượng vô biên, một mình A Di Đà Phật làm sao có thể chỉ dạy chúng sanh đông đảo như thế? Đúng là chẳng biết hóa thân của A Di Đà Phật là vô lượng vô biên, hóa thân và chân thân chẳng hai, chẳng khác! Do vậy, mỗi một người vãng sanh đều có thể thấy A Di Đà Phật bất cứ lúc nào. Kinh nói trong cõi Tây Phương các cây báu rất nhiều, dưới mỗi cội cây báu đều có Tây Phương Tam Thánh thuyết pháp. “Châu táp vi nhiễu” là vô lượng hóa Phật, Bồ Tát, đại sư gọi là “tha hiền thánh biến” (các vị hiền thánh khác trọn khắp). Thông thường, “hiền” chỉ Tam Hiền (Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng), “thánh” chỉ bậc Bồ Tát đăng địa (từ Sơ Địa trở lên). Ở đây, “hiền” chỉ các Bồ Tát, “thánh” chỉ A Di Đà Phật.
     
      (Giải) Thử đẳng trang nghiêm, Đồng Cư độ thị tăng thượng thiện nghiệp sở cảm, diệc Viên Ngũ Phẩm Quán sở cảm. Dĩ duyên sanh thắng diệu Ngũ Trần vi Thể.

      () 此等莊嚴。同居土是增上善業所感。亦圓五品觀所感。以緣生勝妙五塵為體。
     
(Giải: Có những sự trang nghiêm như thế là vì cõi Đồng Cư do thiện nghiệp tăng thượng cảm thành, mà cũng do Ngũ Phẩm Quán trong Viên Giáo cảm thành, [cõi Đồng Cư] lấy Ngũ Trần[11] thù thắng nhiệm mầu do duyên sanh làm Thể).

      Đại sư lại giải thích nhân duyên của sự trang nghiêm trong bốn cõi. [Nhân duyên thứ nhất]: Cõi Đồng Cư là do thiện nghiệp tăng thượng cảm thành. “Tăng thượng thiện” chính là “chỉ ư chí thiện” (đạt đến chí thiện), thứ thiện nghiệp này cảm thành cõi Đồng Cư. Phàm phu chẳng thể tu [“tăng thượng thiện”]. Ở đây, “lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, thật thà niệm Phật” chính là “tăng thượng thiện nghiệp”. Điều thiện thế gian hay xuất thế gian nào cũng chẳng thể sánh với điều thiện này. Điều thiện này có thể làm cho con người thoát khỏi tam giới theo chiều ngang, vãng sanh Tịnh Độ, bất thoái thành Phật. Huống chi, trong kinh này, đức Phật dạy “tín nguyện trì danh, thật thà niệm Phật” chính là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, lắm nhân duyên. Phàm phu thấy người niệm Phật chẳng có gì đáng nể, nhưng chư Phật, Bồ Tát thấy người niệm Phật đương nhiên sẽ kính trọng. Bởi lẽ, niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Người ấy có thể lập tức thành Phật, long thiên, quỷ thần cùng ủng hộ.
Nhân duyên thứ hai là [cõi Đồng Cư Tịnh Độ] do Ngũ Phẩm Quán trong Viên Giáo cảm thành. Thiên Thai Trí Giả đại sư nương theo Quán Vô Lượng Thọ Kinh để tu hành, tức là tu các pháp quán tưởng, quán tượng. Lúc lâm chung, đồ chúng hỏi Ngài sanh về Tây Phương sẽ đạt quả vị nào. Ngài nói địa vị của Ngài chỉ là Ngũ Phẩm trong Viên Giáo. Ngũ Phẩm trong Viên Giáo chính là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Ngài nói cả đời Ngài hoằng pháp lợi sanh, hoàn toàn chẳng chuyên tu. Ý nằm ngoài lời: Nếu Ngài chuyên tu, phẩm vị ắt cao! Tông Thiên Thai nói đến Ngũ Phẩm thì: Thứ nhất là tùy hỷ, thứ hai là đọc tụng, thứ ba là giải nói (giảng kinh, thuyết pháp), thứ tư là kiêm tu Lục Độ, thứ năm là chánh tu Lục Độ. Đây chính là nghiệp nhân của cõi Phàm Thánh Đồng Cư, bao gồm hết thảy pháp môn tu học trong Đại Thừa, như kinh Vô Lượng Thọ có nói ba bậc vãng sanh. “Nhất tâm tam bối” như pháp sư Từ Châu đã giảng là do Ngũ Phẩm Quán trong Viên Giáo thành tựu[12]. Dùng sự thành tựu ấy để hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì cũng được vãng sanh.
Cõi Đồng Cư “dùng Ngũ Trần thù thắng nhiệm mầu do duyên sanh để làm Thể”. “Duyên” chính là nhân duyên sanh pháp (các pháp sanh bởi nhân duyên). Thế giới này của chúng ta cũng là duyên sanh, nhưng chỗ sai biệt là: Trong cõi Tây Phương, Ngũ Trần thù thắng nhiệm mầu, còn Ngũ Trần của chúng ta chẳng thù thắng mà cũng chẳng nhiệm mầu. Vì đâu mà có sai biệt? Hai câu trên đây đã nói rất rõ ràng. Điều kiện tối thiểu để một người sanh về Tây Phương thế giới là thiện nghiệp tăng thượng. Chúng ta tạo nghiệp thiện, nghiệp ác, là nhiễm nghiệp, chứ không phải là tịnh nghiệp. Do vậy, [Sa Bà] được gọi là uế độ, ô nhiễm nghiêm trọng. Trước hết là tâm địa ô nhiễm, nên biến hiện ra thế giới toàn là lục trần ô nhiễm.

      (Giải) Phương Tiện Tịnh Độ, thị tức Không Quán Trí sở cảm, diệc Tương Tự Tam Quán sở cảm. Dĩ diệu Chân Đế, vô lậu Ngũ Trần vi Thể.

      () 方便淨土。是即空觀智所感。亦相似三觀所感。以妙真諦。無漏五塵為體。
     
(Giải: Phương Tiện Tịnh Độ chính là do Không Quán Trí cảm thành, mà cũng do Tương Tự Tam Quán  cảm  thành.  Dùng  vô  lậu  Ngũ  Trần
trong Chân Đế mầu nhiệm để làm Thể).

      [Người sanh về] cõi Phương Tiện Hữu Dư đã đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng chưa đoạn Trần Sa và Vô Minh. Nghiệp nhân của cõi ấy là Không Quán Trí và Tương Tự Tam Quán. Chúng đều là giáo nghĩa trong Viên Giáo. Tam Quán là Không, Giả, Trung. Tương Tự Tam Quán chính là địa vị Tương Tự trong Viên Giáo, trên thực tế, phương pháp dụng công là Nhất Tâm Tam Quán, tức là trong một niệm viên mãn trọn đủ Không, Giả, Trung. Đấy là nghiệp nhân [của cõi Phương Tiện Hữu Dư]. Tịnh Độ được cảm bởi cái nhân ấy là Chân Đế mầu nhiệm, mà cũng là Chân Đế chẳng thể nghĩ bàn được nói trong Viên Giáo.
“Vô lậu Ngũ Trần vi Thể” (Ngũ Trần vô lậu làm Thể): Thế giới này của chúng ta là hữu lậu, còn Tịnh Độ là vô lậu. “Lậu” (漏) là tên gọi khác của phiền não. Có phiền não và vọng tưởng thì là Hữu Lậu, giống như chén trà có vết nứt, rót nước vào sẽ rịn ra, tỷ dụ trong Chân Như bổn tánh xuất hiện vấn đề, công đức nơi chân tánh bị rò rỉ mất. Căn bệnh là do có phiền não, nên Bát Nhã, trí huệ, vô lượng công đức bị rỉ mất, bị phiền não gây chướng ngại, chẳng thể khởi tác dụng. Dẫu có khởi tác dụng thì cũng như không. Người trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư chưa đoạn phiền não, nhưng sự hưởng thụ là do công đức của A Di Đà Phật biến hiện, [nên Ngũ Trần trong cõi Đồng Cư] được gọi là “thắng diệu Ngũ Trần”. Bản thân cõi Phương Tiện Hữu Dư đã có một phần công đức, đồng thời lại được A Di Đà Phật gia bị nên [Ngũ Trần trong cõi Phương Tiện Hữu Dư] gọi là “vô lậu Ngũ Trần”.

      (Giải) Thật Báo Tịnh Độ, thị diệu Giả Quán Trí sở cảm, diệc Phần Chứng Tam Quán sở cảm. Dĩ diệu Tục Đế, vô tận Ngũ Trần vi Thể.

() 實報淨土。是妙假觀智所感。亦分證三觀所感。以妙俗諦。無盡五塵為體。
     
(Giải: Thật Báo Tịnh Độ do Giả Quán Trí mầu nhiệm tạo thành, mà cũng do Phần Chứng Tam Quán cảm thành, lấy vô tận Ngũ Trần trong Tục Đế mầu nhiệm làm Thể).

      Cõi Phương Tiện thiên trọng tu hành cho chính mình, do trí huệ, đức năng của chính mình còn chưa đủ, tuy có lợi tha, nhưng trên thực tế là tự lợi. Cõi Thật Báo không giống như vậy, năng lực của chính mình kiện toàn, trí huệ hiển lộ, nên thiên trọng lợi tha. Để lợi tha thì phải nhập Giả (nhập Tục Đế), đến mười phương thế giới giúp Phật giáo hóa. Chúng sanh có cảm, Bồ Tát liền có ứng. Biết nguyên lý này sẽ chẳng cảm thấy lạ lùng nữa! Pháp Thân trọn khắp hết thảy chỗ. Giống như làn sóng vô tuyến điện[13] trọn khắp hết thảy chỗ, chỉ cần bắt đúng băng tần là nghe được. Bồ Tát hóa thân cũng giống như vậy. Chúng sanh có tâm cảm, còn Phật, Bồ Tát vô tâm mà ứng. Phương thức ứng hiện là tùy loại hóa thân. Trước kia, lý này rất khó hiểu, hiện thời có thể nhờ vào khoa học, kỹ thuật để chứng minh nhiều chuyện chẳng thể nghĩ bàn trong Phật học.
Tam Quán gồm Chân, Giả, Trung: Chân là còn gọi là Không Quán, tức là quán bản thể của hết thảy các pháp; Giả là quán tướng của hết thảy các pháp. “Diệu Giả Quán Trí” tức là biết “Có chính là Không, Không chính là Có” như Tâm Kinh đã dạy: “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Đó gọi là Diệu, mà cũng có thể gọi là Phần Chứng Tam Quán. Tam Quán của Viên Giáo chẳng thể nghĩ bàn. Ở đây, [từ ngữ “Diệu Giả Quán Trí”] chỉ [quán trí của] những vị Phần Chứng Bồ Tát trong Viên Giáo, tức bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ. Trong Tịnh Tông, [Diệu Giả Quán Trí] được gọi là Lý nhất tâm bất loạn. [Do Diệu Giả Quán Trí] cảm được cõi Tịnh Độ là “diệu Tục Đế”, nó cũng là “Tục Đế chẳng thể nghĩ bàn” trong Viên Giáo, vừa là Chân, vừa là Giả, vừa là Trung. Quán Trí trong một niệm có thể giác quán Không, Giả, Trung. Sắc tướng bên ngoài đích thực là Không, Giả, Trung, đó là Tam Đế (Chân Đế, Tục Đế, Trung Đế) chẳng thể nghĩ bàn, không một pháp nào chẳng phải là Tam Đế mầu nhiệm.
“Vô tận Ngũ Trần vi Thể” (vô tận Ngũ Trần làm Thể [của cõi Thật Báo]) giống như kinh Hoa Nghiêm đã nói: Thế giới vô lượng vô biên. Nơi hết thảy phàm phu sanh tử luân hồi cũng chính là nơi chư Phật, Bồ Tát tiếp dẫn, độ thoát chúng sanh. Chúng sanh vô lượng, thế giới vô biên, chư Phật, Bồ Tát cũng vô lượng vô biên. “Vô tận Ngũ Trần làm Thể” hiển thị Phật pháp rộng lớn vô biên.
     
      (Giải) Thường Tịch Quang độ, thị tức Trung Quán Trí sở cảm, diệc Cứu Cánh Tam Quán sở cảm, dĩ diệu Trung Đế, xứng tánh Ngũ Trần vi Thể.
      () 常寂光土。是即中觀智所感。亦究竟三觀所感。以妙中諦。稱性五塵為體。
     
(Giải: Cõi Thường Tịch Quang do Trung Quán Trí cảm nên, mà cũng do Cứu Cánh Tam Quán cảm nên, dùng Ngũ Trần xứng tánh trong Trung Đế mầu nhiệm làm Thể).

      Đến chỗ này, quả vị Phật siêu việt bốn mươi mốt địa vị Bồ Tát. Khi ấy, vô minh phiền não hoàn toàn đoạn sạch, công đức nơi tự tánh viên mãn, chẳng có mảy may thiếu khuyết nào, chân tướng của nhân sinh và vũ trụ mới hiện tiền. Trung Quán Trí được nói ở đây chính là Cứu Cánh Tam Quán, tức là đã đạt đến cảnh giới viên mãn rốt ráo trong sự tu học của Đại Thừa. Thiên Thai đại sư nói Tam Chỉ, Tam Quán, nội dung của pháp ấy xuyên suốt Tông Môn, Giáo Hạ. Tuy Tịnh Tông chuyên niệm một câu Phật hiệu, công phu niệm Phật hiệu có sâu hay cạn khác nhau, nhưng xét trên cảnh giới thì cũng chẳng trái nghịch nguyên tắc Tam Quán. Chẳng hạn như Tịnh Tông thường nói tới Sự nhất tâm bất loạn và Lý nhất tâm bất loạn; còn như công phu thành phiến cũng được gộp trong Sự nhất tâm bất loạn là vì “thành phiến” chính là công phu ở mức độ cạn nhất của Sự nhất tâm bất loạn. Có thể khống chế Kiến Tư phiền não chẳng cho chúng nó hiện hành thì gọi là “thành phiến”. Nếu đoạn được Kiến Tư, thì là viên mãn chứng được “Sự nhất tâm”, đoạn được bốn mươi mốt phẩm vô minh chính là viên mãn chứng được “Lý nhất tâm”. Nếu một câu Phật hiệu cũng trải qua những cảnh giới này, tương ứng với nội hàm[14] của phép Chỉ Quán như Thiên Thai đại sư đã giảng, cõi Tịnh Độ cảm được sẽ là Diệu Trung Đế. “Xứng tánh Ngũ Trần làm Thể”, đến lúc ấy, Ngũ Trần Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp hoàn toàn là tự tánh, do tánh đức hiện ra, là lý thể của cõi Thường Tịch Quang.
Đoạn văn giải thích này chứa đựng ý nghĩa rất sâu, cảnh giới rất cao, người tu hành đã lâu ít nhiều gì cũng thấu hiểu được mấy phần, đến đây mới là đạt đến rốt ráo viên mãn. Tuy Tây Phương có bốn cõi, nhưng khác với bốn cõi của mười phương thế giới. Trong mười phương, bốn cõi Tịnh Độ khác biệt, trong cõi Đồng Cư chẳng thể thấy được Bồ Tát, La Hán trong cõi Thật Báo hoặc cõi Phương Tiện. Bốn cõi Tịnh Độ của Tây Phương là hiền thánh ở cùng một chỗ; hễ ai sanh về đó đều có thể thấy được. Các kinh điển Đại Thừa khác chưa hề nói tới chỗ thù thắng này.
     
      (Giải) Dục linh dị giải, tác thử phân biệt. Thật tứ độ trang nghiêm, vô phi nhân duyên sở sanh pháp, vô bất tức Không, Giả, Trung. Sở dĩ Cực Lạc Đồng Cư tịnh cảnh, Chân, Tục viên dung, bất khả hạn lượng, hạ giai phỏng thử.

      () 欲令易解。作此分別。實四土莊嚴。無非因緣所生法。無不即空假中。所以極樂同居淨境。真俗圓融。不可限量。下皆倣此。
     
(Giải: Muốn cho [người đọc] dễ hiểu, nên phân biệt như vậy. Thật ra, sự trang nghiêm trong bốn cõi không gì chẳng phải là pháp do nhân duyên sanh, không gì chẳng chính là Không, Giả, Trung. Do vậy, tịnh cảnh trong cõi Đồng Cư của Cực Lạc là Chân và Tục viên dung chẳng thể hạn lượng. Những [lời giải thích trong những] phần dưới đều phỏng theo [cách luận định] ở đây).

      Trạng huống chân thật trong Tây Phương thế giới là bốn cõi viên dung, nhưng Phật hoàn toàn sử dụng những kiến thức thông thường, so đo của phàm phu để giới thiệu cõi Tây Phương cho chúng ta. Nói “cõi Tây Phương có các đẳng cấp Thanh Văn, Bồ Tát” thì chính là đức Phật đã nói một cách phương tiện cho chúng ta dễ hiểu. Chứ thật ra, trạng huống của A Di Đà Phật và Tây Phương Cực Lạc thế giới là: Trên thực tế, tuy có bốn cõi, nhưng viên dung, không hề cách biệt. Nói “người, trời” nhằm biểu thị pháp sanh bởi nhân duyên, nói “La Hán” nhằm biểu thị [các pháp do nhân duyên sanh ấy] chính là Không, nói “Bồ Tát” nhằm biểu chúng chính là Giả, nói “Phật” nhằm biểu thị chúng chính là Trung. Bốn cõi đều là Trung. Ở đây là nói phương tiện, chứ trên thực tế, tịnh cảnh trong cõi Đồng Cư của Cực Lạc là “Chân và Tục viên dung, vừa là Không, vừa là Giả, vừa là Trung” chẳng thể hạn lượng!
     
      (Giải) Vấn: Tịch Quang duy lý tánh, hà đắc hữu thử trang nghiêm?
      Đáp: Nhất nhất trang nghiêm, toàn thể lý tánh. Nhất nhất lý tánh, cụ túc trang nghiêm, phương thị chư Phật cứu cánh y quả. Nhược Tịch Quang bất cụ thắng diệu ngũ trần, hà dị Thiên Chân Pháp Tánh?

      () 問。寂光唯理性。何得有此莊嚴。答。一一莊嚴。全體理性。一一理性。具足莊嚴。方是諸佛究竟依果。若寂光不具勝妙五塵。何異偏真法性。

      (Giải: Hỏi: - Tịch Quang chỉ là lý tánh, sao lại có những thứ trang nghiêm ấy?
      Đáp: - Trong mỗi một thứ trang nghiêm, toàn bộ cái Thể của nó là lý tánh. Mỗi một lý tánh có đầy đủ sự trang nghiêm thì mới là y báo rốt ráo nơi quả vị của chư Phật. Nếu cõi Tịch Quang chẳng trọn đủ Ngũ Trần thù thắng nhiệm mầu thì có khác gì Thiên Chân Pháp Tánh?)

      Hành giả do nghiên cứu kinh luận tràn lan quá mức liền nêu ra nghi vấn, cho rằng “ba cõi trước trong bốn cõi Tịnh Độ là Sự, còn cõi Tịch Quang là Lý”. Sự thì có tướng, chứ Lý làm sao có tướng được? Sao lại nói đến sự trang nghiêm [trong cõi Tịch Quang]? Người ấy thật chẳng biết Sự và Lý là một, chẳng phải hai. Xét theo Sự thì có thể nói tới sự trang nghiêm, nhưng xét theo Lý, đương nhiên cũng có thể nói tới sự trang nghiêm. Nói theo mặt Sự, cõi Phương Tiện, cõi Thật Báo, toàn thể đều do Lý thể biến hiện ra. Do vậy, nói: “Mỗi một trang nghiêm, toàn bộ cái Thể của nó là lý tánh”. Chẳng riêng gì A Di Đà Phật là như thế, mà y báo của hết thảy chư Phật đều chẳng ra ngoài lệ ấy. Chỉ là do Bồ Tát và phàm phu nhìn thấy, cảm nhận khác nhau!  Phật là giác chứ không mê, phàm phu là mê chứ chẳng giác, sai biệt ở chỗ này.
Nếu luận về Lý và Sự thì phàm và thánh giống hệt như nhau. Nếu cõi Tịch Quang chẳng trọn đủ Ngũ Trần thù thắng nhiệm mầu thì có khác gì La Hán trong Tiểu Thừa? Tiểu Thừa La Hán khôi thân diệt trí[15], nhập Thiên Chân Niết Bàn, thứ gì cũng chẳng có, vạn pháp đều là Không, giống như Tứ Không Thiên, nhưng Phật thì có Ngũ Trần thù thắng mầu nhiệm để lợi lạc khắp các chúng sanh.
      Đoạn văn chú giải này đã khải thị cho ta mấy điều sau:
      1. Pháp giới vốn là Nhất Chân, kinh Hoa Nghiêm nói điều này rất thấu triệt, pháp giới vốn luôn là Nhất Chân. Chân thì chẳng biến đổi, Giả sẽ bị biến đổi. Đeo cặp kính màu sẽ nhìn thấy màu sắc của những thứ bên ngoài bị biến đổi hoàn toàn; thật ra, sự vật bên ngoài hoàn toàn chẳng biến đổi. Vốn là Nhất Chân mà biến thành mười pháp giới! Mười pháp giới là do cảm nhận sai lầm, chẳng phải là sự thật. Sự thật là Nhất Chân. Nhận biết sai lầm phát sanh từ vọng tưởng, chấp trước; do vọng tưởng, chấp trước mà thấy pháp giới khác nhau. Nếu trừ sạch vọng tưởng, chấp trước, sẽ thấy được Nhất Chân pháp giới, vì nó vốn ở ngay trước mắt. Đức Phật nói mười pháp giới chỉ do Thức biến, chúng là giả; Nhất Chân pháp giới chỉ do tâm hiện, nó là thật. Có thể thấy rằng: Chân và Giả giống hệt như nhau, Lý và Sự chẳng hai, hễ gỡ cặp kính xuống thì sẽ giống hệt.
2. Kinh còn dạy: “Hết thảy pháp sanh từ tâm tưởng”. Đây chính là “duy thức sở biến”. Chủ thể của sự biến hiện (năng biến) là tâm tưởng, cái được biến hiện (sở biến) chính là vạn vật và cảnh giới. Lý tuy sâu, nhưng là sự thật. Phàm phu chỉ có thể thấy được cõi Đồng Cư. Thanh Văn sống trong cõi Phương Tiện, có thể thấy cõi Đồng Cư. Bồ Tát có thể thấy cõi Phương Tiện lẫn cõi Đồng Cư. Chỉ có Phật là có thể thấy các cõi. Đây chính là cách nói thông thường; nếu sanh về Tây Phương thì do bốn cõi viên dung, cho nên [chúng sanh trong cõi Cực Lạc] đều có thể thấy trọn hết [bốn cõi Tịnh Độ]. Đức Phật khuyên con người niệm Phật là do đạo lý này. Trong những thế giới Phật phương khác, bốn cõi tách rời, nhưng người trong cõi Tây Phương cũng có thể thấy khắp bốn cõi Tịnh Độ của hết thảy thế giới chư Phật trong mười phương, thật chẳng thể nghĩ bàn!

      (Kinh) Hựu Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ, hữu thất bảo trì, bát công đức thủy, sung mãn kỳ trung. Trì để thuần dĩ kim sa bố địa, tứ biên giai đạo, kim, ngân, lưu ly, pha lê hợp thành. Thượng hữu lâu các, diệc dĩ kim, ngân, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, nhi nghiêm sức chi. Trì trung liên hoa, đại như xa luân, thanh sắc thanh quang, hoàng sắc hoàng quang, xích sắc xích quang, bạch sắc bạch quang, vi diệu hương khiết.
      (Giải) Thượng minh trụ xứ, kim minh sanh xứ. Bảo trì kim, ngân đẳng sở thành, bất đồng thử phương thổ, thạch dã. Bát công đức thủy giả: Nhất trừng thanh, dị thử phương hồn trược. Nhị thanh lãnh, dị hàn nhiệt. Tam cam mỹ, dị hàm đạm liệt vị. Tứ khinh nhuyễn, dị trầm trọng. Ngũ nhuận trạch, dị súc hủ thốn sắc. Lục an hòa, dị cấp bạo. Thất trừ cơ khát, dị sanh lãnh. Bát trưởng dưỡng chư căn, dị tổn hoại chư căn, cập lệ lệ tăng bệnh một nịch đẳng dã. Sung mãn kỳ trung, dị khô kiệt, phiếm lạm. Để thuần kim sa, dị ô nê.

      () 又舍利弗。極樂國土。有七寶池。八功德水。充滿其中。池底純以金沙布地。四邊階道。金銀琉璃。玻璃合成。上有樓閣。亦以金銀琉璃。玻璃硨磲。赤珠瑪瑙。而嚴飾之。池中蓮華。大如車輪。青色青光。黃色黃光。赤色赤光。白色白光。微妙香潔。
      () 上明住處。今明生處。寶池金銀等所成。不同此方土石也。八功德水者。一澄清。異此方渾濁。二清冷。異寒爇。三甘美。異鹹淡劣味。四輕軟。異沉重。五潤澤。異縮腐褪色。六安和。異急暴。七除饑渴。異生冷。八長養諸根。異損壞諸根。及沴戾增病沒溺等也。充滿其中。異枯竭汎濫。底純金沙。異汙泥。

      (Chánh kinh: Lại này Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có ao bằng bảy báu, nước tám công đức chứa đầy trong ấy. Đáy ao thuần dùng cát vàng trải đất, bậc lên, lối đi ở bốn phía đều do vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành. Phía trên có lầu, gác, cũng dùng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não để trang hoàng. Hoa sen trong ao to như bánh xe, hoa màu xanh tỏa ánh sáng xanh, hoa màu vàng tỏa ánh sáng vàng, hoa màu đỏ tỏa ánh sáng đỏ, hoa màu trắng tỏa ánh sáng trắng, vi diệu, thơm, sạch.
      Giải: Đoạn trên nói về chỗ ở, đoạn này nói về chỗ [hành nhân vãng sanh Tịnh Độ sẽ] sanh ra. Ao báu bằng vàng, bạc v.v... hợp thành, chẳng giống như phương này ao bằng đất, đá. Nước tám công đức là:
1. Trong lắng, khác với nước phương này vẩn đục, dơ bẩn.
2. Trong mát, khác với nước phương này nóng, lạnh.
3. Ngọt ngào, khác với nước phương này mặn, nhạt, hoặc có vị hèn tệ.
4. Mềm nhẹ, khác với nước phương này thô nặng.
5. Tươi nhuận, khác với nước phương này thối rữa, màu sắc bệch bạc.
6. An hòa, khác với nước phương này chảy xiết dữ dội.
7. Trừ đói khát, khác với nước phương này [khiến người uống vào hay đụng đến] phát rét.
8. Tăng trưởng các căn, khác với nước phương này tổn hoại các căn và tăng thêm những bệnh dịch dữ dội, chết chìm v.v...
“Đầy ắp trong ấy”: Khác với nước phương này hoặc khô cạn, hoặc tràn ngập. “Đáy ao thuần là cát bằng vàng” khác với phương này đáy ao là bùn lầy).

      Đoạn kinh này chỉ rõ sanh về Tây Phương là “liên hoa hóa sanh”, không có thai sanh (sanh trong bào thai) và các thứ khổ khác. Hoàn cảnh của chỗ sanh là ao báu do bảy chất báu hợp thành. A Di Đà Phật phước cực lớn, vô lượng kiếp tu trì, mỗi một kẻ vãng sanh tối thiểu đều tu thiện nhân tăng thượng, phước báo của chúng sanh quá lớn. Do vậy, hoàn cảnh y báo đều bằng các thứ báu hợp thành, hoàn toàn khác Sa Bà. Nước cũng như vậy, có rất nhiều ưu điểm, rõ ràng nhất là tám điều:
      (1) Trong lắng: Chẳng có mảy may tạp chất nào.
      (2) Trong mát: Vĩnh viễn giữ cùng một nhiệt độ.
      (3) Ngon ngọt: Hết sức ngon miệng.
      (4) Mềm nhẹ: Có thể chảy ngược lên trên.
      (5) Tươi nhuận: Chẳng bị hư rữa.
      (6) An hòa: Không có sóng to, sóng dữ.
      (7) Trừ đói khát: Chẳng những hết khát mà còn khỏi đói.
      (8) Trưởng dưỡng các căn: Khiến cho con người khỏe mạnh, sống lâu.
      Quán Kinh nói nước [trong cõi Cực Lạc] có thể chảy quanh thân cây lên tận ngọn cây, cực kỳ mềm mại, nhẹ nhàng, đẹp mắt. Không chỉ có rất nhiều ưu điểm như thế mà còn có thể thuyết pháp. Nước chảy vang ra tiếng diễn nói Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, các Ba La Mật và các pháp Đại, Tiểu Thừa. Nước vốn là vật vô tình, A Di Đà Phật dùng trí huệ đức năng của chính mình biến nó trở thành công cụ để thuyết pháp, nhằm thỏa mãn nhu cầu nghe pháp của chúng sanh, thật chẳng thể nghĩ bàn!

(Giải) Giai đạo tứ bảo, dị chuyên thạch. Bệ cấp danh Giai, thản đồ viết Đạo. Trùng ốc vi lâu, sầm lâu danh các. Thất bảo lâu các, dị thử phương thổ, mộc, đan thanh dã. Lâu các thị trụ xứ cập pháp hội xứ. Đản đắc bảo trì, liên bào khai phu, tiện khả đăng tứ ngạn, nhập pháp hội, kiến Phật, văn pháp dã. Hoa luân giả, Luân Vương kim luân, đại tứ thập lý, thả cử tối tiểu giả ngôn. Nhược cứ Quán Kinh, cập Vô Lượng Thọ hội, đại tiểu thật bất khả lượng. Do Đồng Cư Tịnh Độ, thân tướng bất đẳng cố dã. Thanh sắc danh Ưu Bát La, hoàng sắc danh Câu Vật Đầu, xích sắc danh Bát Đầu Ma, bạch sắc danh Phân Đà Lợi. Do sanh thân hữu quang, cố liên bào diệc hữu quang. Nhiên Cực Lạc liên hoa, quang sắc vô lượng, thử diệc lược ngôn nhĩ. “Vi diệu hương khiết”: Lược thán liên hoa tứ đức. Chất nhi phi hình viết Vi. Vô ngại viết Diệu. Phi hình tắc phi trần, cố Khiết dã. Liên bào như thử, sanh thân khả tri.

      () 階道四寶。異磚石。陛級名階。坦途曰道。重屋為樓。岑樓名閣。七寶 樓閣。異此方土木丹青也。樓閣是住處。及法會處。但得寶池。蓮胞開敷。便可登四岸。入法會。見佛聞法也。華輪者。輪王金輪。大四十里。且舉最小者言。若據 觀經。及無量壽會。大小實不可量。由同居淨土。身相不等故也。青色名優缽羅。黃色名拘勿頭。赤色名缽頭摩。白色名芬陀利。由生身有光。故蓮胞亦有光。然極 樂蓮華。光色無量。此亦略言耳。微妙香潔。略歎蓮華四德。質而非形曰微。無礙曰妙。非形則非塵。故潔也。蓮胞如此。生身可知。

      (Giải: Bậc lên, lối đi bằng bốn báu nhằm phân biệt khác [với cõi này, bậc lên, lối đi] bằng gạch, đá. Có tầng bậc gọi là Giai, đường bằng phẳng gọi là Đạo. Nhà nhiều tầng là Lâu, lầu cao là Các. Lầu gác bằng bảy báu, khác với phương này, lầu các được dựng bằng đất, gỗ, sơn màu xanh đỏ. Lầu gác là chỗ ở và nơi cử hành pháp hội. Nhưng hễ được sanh vào ao báu, thì khi búp sen nở, liền có thể lên bốn bờ, vào pháp hội, thấy Phật, nghe pháp. Hoa sen to như bánh xe: Kim luân của Chuyển Luân thánh vương to bốn mươi dặm. Hơn nữa, ở đây chỉ nêu ra hoa nhỏ nhất. Nếu căn cứ theo Quán Kinh và pháp hội Vô Lượng Thọ [trong kinh Đại Bảo Tích] thì hoa sen lớn hay nhỏ thật sự chẳng thể lường được, vì thân tướng [của những người] trong cõi Đồng Cư khác nhau. Hoa sen màu xanh gọi là Ưu Bát La (Utpala), hoa màu vàng gọi là Câu Vật Đầu (Kumuda), hoa đỏ gọi là Bát Đầu Ma (Padma), hoa trắng gọi là Phân Đà Lợi (Pundarīka). Do thân của người sanh về đó có quang minh nên búp sen cũng có quang minh. Nhưng hoa sen trong Cực Lạc màu sắc và quang minh vô lượng, ở đây cũng chỉ là nói đại lược mà thôi. “Vi diệu hương khiết” là từ ngữ khen ngợi đại lược bốn đức của hoa sen. Có chất mà không có hình thì gọi là Vi. Vô ngại là Diệu. Không có hình thì không có trần, nên là Khiết. Búp sen như thế thì thân của người được vãng sanh [cứ suy theo đó] sẽ có thể biết được).

      Chung quanh ao bảy báu là đường đi, đều bằng bảy báu tạo thành. Lâu (樓) có hai tầng, còn Các (閣) có hai, ba tầng như hình bảo tháp, trên đỉnh nhỏ dần. Những vật liệu xây dựng đều bằng bảy báu. Lâu các là nơi ở, mà cũng là chỗ để giảng kinh, thuyết pháp. Chúng sanh từ mười phương thế giới sanh về Tây Phương đều là liên hoa hóa sanh. Hoa sen ở trong ao bảy báu. Hoa nở, thấy Phật, ngộ Vô Sanh, cảnh giới ấy là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, đều thuộc về cảnh giới của Pháp Thân đại sĩ, thấy được Báo Thân của Phật. Khi hoa chưa nở cũng được thấy Phật, nhưng thấy Ứng Hóa Thân của Phật. Chính mình chưa tu đến cảnh giới ấy, nhưng nhờ bổn nguyện, oai thần của A Di Đà Phật gia trì, cũng có hưởng thụ cõi Thật Báo. Nếu có thể “hoa nở, thấy Phật” thì chính mình thật sự đạt đến cảnh giới ấy.
      Kinh nói hoa sen to như bánh xe. Trong lời chú giải có nói [bánh xe ở đây là] kim luân (bánh xe vàng) của Luân Vương (Cakra-varti-ràja: Chuyển Luân Thánh Vương) to bốn mươi dặm. Ở đây, lời chú giải cho biết trên thế giới có người thống trị, được gọi là Luân Vương, ông ta là người thống trị toàn thế giới. Trong lịch sử, chưa có Luân Vương xuất hiện. Đức Phật nói Luân Vương thống trị một đơn vị thế giới được mặt trời, mặt trăng chiếu sáng, gồm bốn đại bộ châu, lấy núi Tu Di làm trung tâm, mặt trời, mặt trăng xoay quanh núi Tu Di. Trước kia, người ta thường nghĩ một thế giới là một hệ Thái Dương, lấy mặt trời làm trung tâm. Trên thực tế, kinh nói lấy núi Tu Di làm trung tâm. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ cho rằng mặt trời xoay quanh hệ Ngân Hà, trung tâm của hệ Ngân Hà được các nhà Thiên Văn Học gọi là lỗ đen (black hole)[16]. Cái lỗ đen ấy có thể là núi Tu Di. Nếu thuyết ấy là sự thật thì một đơn vị thế giới chính là một hệ Ngân Hà. Người thống trị cả một hệ Ngân Hà gọi là Kim Luân Vương. Người cai quản ba phần tư hệ Ngân Hà là Ngân Luân Vương. Cai quả một nửa hệ Ngân Hà là Đồng Luân Vương. Người cai quản một phần tư hệ Ngân Hà là Thiết Luân Vương. Tuy các vị vua này tồn tại, chúng ta cũng không thấy họ được. Luân vương có một vật báu, Ngài thường dùng nó làm phương tiện giao thông, trong một ngày đêm có thể tuần tra giáp vòng hệ Ngân Hà.
      Kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh đều nói phàm ai sanh về Tây Phương thế giới thì thân thể, dung mạo, sự thụ dụng của người đó sẽ được A Di Đà Phật gia trì, đều cùng giống hệt, chỉ riêng hoa sen là lớn hay nhỏ khác nhau; bởi lẽ, hoa sen lớn hay nhỏ là do công phu niệm Phật của chính mình sai khác. Do vậy, Ngẫu Ích đại sư nói: “Được vãng sanh hay không, hoàn toàn do có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao thấp, hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn”. Hoa sen và phẩm vị có quan hệ mật thiết.
      Người ở Tây Phương thế giới thân có quang minh, hoa sen cũng có quang minh. Quang minh có vô lượng màu, ở đây chỉ nói có bốn màu là nói đại lược. Hoa sen vi diệu thơm sạch, cũng bằng các chất báu hợp thành, hình dạng tùy theo niệm lực mà lớn hay nhỏ khác nhau. Hết thảy thụ dụng trong Tây Phương không gì chẳng thuận theo lòng muốn, tự tại vô ngại chẳng thể nghĩ bàn, dẫu có hình sắc cũng thông suốt vô ngại, tức là “Sự Sự vô ngại” như kinh Hoa Nghiêm đã nói. Cảnh giới từ chư thiên trở lên đã là Sự Sự vô ngại, huống hồ sự trang nghiêm nơi quả địa Như Lai này! Chúng sanh trong mười phương thế giới nghe nói danh hiệu A Di Đà Phật, biết ở phương Tây có một thế giới tên Cực Lạc. Nếu có thể tin tưởng, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh thì trong ao bảy báu ở Tây Phương sẽ trổ một búp sen, trên hoa có ghi tên họ của chính mình. Chúng ta niệm Phật trong nhân gian, hoa sen trong ao bảy báu sẽ càng niệm càng lớn dần. Nếu đổi sang tin tưởng pháp môn khác hoặc tham Thiền, hoặc học Mật, hoa ấy liền khô héo. Hết thảy cảnh sắc trong Tây Phương thế giới đều là bất sanh bất diệt, chỉ riêng hoa sen là biến hóa vô thường. Trong Đại Kinh (kinh Vô Lượng Thọ) có nói các thứ báu trong Tây Phương thế giới không chỉ quang minh, màu sắc vi diệu mà còn có mùi thơm. Vì thế, Tây Phương còn được gọi là Hương Quang Trang Nghiêm (cõi được trang nghiêm bằng hương thơm và quang minh), quả thật là cảnh tượng tột bậc mầu nhiệm. Hoa sen không có hình dạng nhất định, tuy biến hóa, hiện hữu, nhưng trọn chẳng phải là Sắc Trần. Vì thế, không bị ô nhiễm, thuần là khiết tịnh, chỉ do tâm hiện ra. Hoa sen thù thắng viên mãn như thế chính là chỗ để [người vãng sanh] sanh vào. Vì thế, thân thể, sắc tướng của người ấy so với hoa sen càng thù thắng hơn nữa!

      (Kinh) Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ thành tựu như thị công đức trang nghiêm.
      (Giải) Minh thượng trụ xứ, sanh xứ, chủng chủng trang nghiêm, giai thị A Di Đà Phật đại nguyện, đại hạnh, xứng tánh công đức chi sở thành tựu. Cố năng biến nghiêm tứ chủng Tịnh Độ, phổ nhiếp thập phương tam thế nhất thiết phàm thánh, linh vãng sanh dã. Phục thứ, Phật dĩ đại nguyện, tác chúng sanh đa thiện căn chi nhân, dĩ đại hạnh, tác chúng sanh đa phước đức chi duyên, linh tín nguyện trì danh giả niệm niệm thành tựu như thị công đức, nhi giai thị dĩ thành, phi kim, phi đương.

      ()  舍利弗。極樂國土成就如是功德莊嚴。
      () 明上住處生處。種種莊嚴。皆是阿彌陀佛。大願大行。稱性功德之所成就。故能遍嚴四種淨土。普攝十方三世一切凡聖。令往生也。復次佛以大願。作眾生多善根之因。以大行。作眾生多福德之緣。令信願持名者。念念成就如是功德。而皆是已成。非今非當。

      (Chánh kinh: Này Xá Lợi Phất, cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế đấy.
      Giải: Câu này nói rõ các thứ trang nghiêm nơi chỗ ở và chỗ sanh về đều được thành tựu bởi đại nguyện, đại hạnh và công đức xứng tánh của A Di Đà Phật. Vì thế, có thể trang nghiêm trọn khắp bốn thứ Tịnh Độ, có thể nhiếp khắp hết thảy phàm thánh trong mười phương thế giới vãng sanh. Lại nữa, Phật dùng đại nguyện để làm cái nhân nhiều thiện căn cho chúng sanh, dùng đại hạnh để làm cái nhân lắm phước đức cho chúng sanh, khiến những kẻ tín nguyện trì danh trong mỗi niệm thành tựu công đức như thế, [những công đức như thế] đều là đã thành, chứ không phải là trong hiện tại hay tương lai mới thành).
     
      Chỗ ở trong Tây Phương thế giới là đại hoàn cảnh, còn chỗ để thọ sanh là tiểu hoàn cảnh, đều được thành tựu bởi đại nguyện đại hạnh và công đức xứng tánh của A Di Đà Phật. Nói theo mặt Lý, trí huệ, đức năng, tài nghệ của mười phương chư Phật đều là bình đẳng, bổn nguyện độ sanh cũng giống nhau, nhưng phương pháp tiếp dẫn chúng sanh hoàn toàn khác biệt. Do duyên bất đồng nên A Di Đà Phật đặc biệt hữu duyên với mười phương chúng sanh. Duyên liên quan đến nguyện. Tuy hằng ngày niệm câu “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, nhưng trên thực tế, [chúng ta] hoàn toàn không có tâm lượng ấy. Chỉ nghĩ độ chúng sanh trong thành của mình hay trong nước của mình là đã khá lắm rồi, nhưng vẫn còn hữu hạn. Mỗi một vị Phật lấy một đại thiên thế giới làm khu vực giáo hóa, chỉ riêng A Di Đà Phật nguyện lực vô lượng vô biên, không có giới hạn. Lúc Ngài còn tu nhân, đã phát nguyện không giống những vị Phật khác. Hết thảy chư Phật có duyên với một thế giới nào đó, liền đến thế giới ấy để hóa độ chúng sanh. Nhưng thế giới được Phật giáo hóa ấy vốn đã có sẵn, ắt [chư Phật] phải dời sang thế giới ấy để biến lời phát nguyện thành sự thật. Tây Phương thế giới là do A Di Đà Phật sáng tạo, phàm những ai muốn sanh sang đấy phải hội đủ điều kiện là “tín, nguyện, trì danh, trong tâm thanh tịnh”. Nếu không, sẽ chẳng có hy vọng vãng sanh.
      A Di Đà Phật nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn, rộng lớn, bao la, sâu thẳm, tích lũy công đức, do công đức xứng tánh lưu lộ từ Chân Như bổn tánh mà thành tựu. Nói theo Lý, thế giới này của chúng ta là xứng tánh, nhưng nói theo Sự thì chẳng xứng tánh; bởi lẽ, bổn tánh của chúng ta có chướng ngại, có Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh. Mọi sự, mọi vật quả thật xứng tánh, nhưng rọi qua ba thứ phiền não ấy, đều bị biến chất, khác hẳn Chân Tánh. Công đức xứng tánh ở Tây Phương được bổn nguyện, oai thần của A Di Đà Phật gìn giữ. Người từ mười phương sanh về Cực Lạc, ai nấy đều được tự tại, đều có thể tự độ. Do vậy, ở Tây Phương, ba thứ phiền não chẳng sanh, hết thảy những thứ xứng tánh chẳng bị biến chất. Đồng thời, [cõi Cực Lạc thành tựu trang nghiêm] cũng là do oai thần của mười phương hết thảy chư Phật Như Lai gia trì A Di Đà Phật và thế giới Cực Lạc, cũng như gia trì mỗi một người niệm Phật vãng sanh. Trong hết thảy các cõi Phật, chỉ có Tây Phương Cực Lạc thế giới là vĩnh viễn giữ được công đức xứng tánh, không bị biến chất mảy may, đúng là chẳng thể nghĩ bàn. Thế giới này của chúng ta là uế độ, xã hội rất loạn, phong khí bại hoại, tham ăn của hối lộ, làm việc trái pháp, chỗ nào cũng đều như thế. Do vậy, người thông minh thật sự giác ngộ liền buông xuống hết thảy, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Phật Di Đà do đại nguyện, đại hạnh, sáng lập một trường sở tu học tốt đẹp, có bốn thứ Tịnh Độ trang nghiêm trọn khắp, viên dung vô ngại, nhiếp trọn khắp hết thảy phàm thánh trong mười phương ba đời sanh về đấy. Ngay cả Phật cũng muốn vãng sanh [Cực Lạc]. Tông Thiên Thai nói những quả vị Phật trong Tạng Giáo, Thông Giáo, Biệt Giáo, trừ quả vị Phật trong Viên Giáo ra, những quả vị trong ba giáo Tạng, Thông, Biệt đều đã chứng quả nhưng chưa viên mãn, cũng muốn vãng sanh.
Có nguyện thì ắt phải có hạnh, bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật đều đã viên mãn; Ngài đã thành Phật mười kiếp, chứng tỏ mỗi một nguyện đều được thực hiện viên mãn. Cùng một đạo lý, chúng ta hiện thời đang tu nhân, nguyện đã phát cũng phải được thực hiện, tận tâm tận lực làm, tuyệt đối chớ nên nói xuông, mà phải thật sự có trí huệ, phương tiện thiện xảo thì mới có thể tương ứng với Phật đôi chút. Kinh dạy: “Chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức, nhân duyên để được sanh về cõi ấy”. Người học pháp môn này rất nhiều, người vãng sanh ít ỏi. Lắng lòng quán sát sẽ thấy là do thiện căn, phước đức chẳng đủ. Niệm Phật là phải biến thiện căn, phước đức của A Di Đà Phật thành thiện căn, phước đức của chính mình, biến như thế nào, đó là vấn đề. Kinh Vô Lượng Thọ dạy “người thiện căn, phước đức chín muồi sẽ chịu tiếp nhận, còn kẻ chưa chín muồi, có đưa cho họ, họ cũng chẳng muốn”. Thiện căn, phước đức chín muồi tuyệt đối chẳng phải là ngẫu nhiên. Trong kinh Vô Lượng Thọ, vương tử A Xà Thế và năm trăm vị trưởng giả trong đời quá khứ đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật, nghe Phật Thích Ca giảng kinh Vô Lượng Thọ bèn mong mỏi trong tương lai chính mình sẽ thành Phật giống hệt A Di Đà Phật, nhưng hoàn toàn chẳng phát nguyện vãng sanh. Thiện căn cúng dường bốn trăm ức Phật vẫn chưa đủ, chưa thể khơi gợi bọn họ phát ra lòng tin chân thật, nguyện thiết ra, thật là khó nói! Có những người vừa nghe nói pháp môn Niệm Phật liền lập tức tiếp nhận, sốt sắng phụng hành, tin giữ không sai chạy, phần nhiều là hạng ông già bà cả ăn chay trong làng quê! Những người ấy từ vô thỉ kiếp đến nay đã cúng dường vô lượng chư Phật Như Lai, thiện căn, phước đức đã chín muồi, đã đem thân, tâm, thế giới, buông xuống hết thảy. Một niệm tương ứng với đại nguyện, đại hạnh của A Di Đà Phật, thiện căn, phước đức của chính mình đã chín muồi, đồng thời lại tiếp nhận thiện căn, phước đức của A Di Đà Phật để tăng thêm cho bản thân, lẽ đâu họ chẳng vãng sanh? Biểu hiện của sự chín muồi thật sự thì thứ nhất là hoan hỷ, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, không có chuyện gì khiến họ hoan hỷ. Niệm Phật như thế sẽ có thể biến bổn nguyện của A Di Đà Phật thành thiện căn tăng thượng của chính mình, biến đại hạnh của A Di Đà Phật thành phước đức tăng thượng của chính mình.
“Phi kim, phi đương” có nghĩa là công đức của A Di Đà Phật đã thành tựu viên mãn, chẳng phải là hiện thời mới tu, cũng chẳng phải là sẽ tu trong tương lai, [công đức của Phật] khiến cho người tín nguyện trì danh, niệm niệm thành tựu công đức giống hệt như thế. Trong lúc này, người niệm Phật còn chưa vãng sanh, còn đang trong thời gian tu hành, “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Nếu tương ứng thì tâm của hành nhân sẽ giống như tâm Phật.

      (Giải) Thử tắc dĩ A Di chủng chủng trang nghiêm, tác tăng thượng bản chất, đới khởi chúng sanh tự tâm chủng chủng trang nghiêm, toàn Phật tức sanh, toàn tha tức tự, cố viết: “Thành tựu như thị công đức trang nghiêm”.

() 此則以阿彌種種莊嚴。作增上本質。帶起眾生自心。種種莊嚴。全佛即生。全他即自。 故曰成就如是功
嚴。

      (Giải: Đây chính là dùng các thứ trang nghiêm của A Di Đà Phật để làm bản chất tăng thượng nhằm dẫn khởi những thứ trang nghiêm trong tự tâm của chúng sanh. Toàn thể Phật chính là chúng sanh, toàn thể Tha chính là Tự. Vì thế, nói: “Thành tựu công đức trang nghiêm như thế đấy”).

Trong Phật pháp, kinh luận, tông phái tuy nhiều, nhưng quy nạp lại thì chẳng ngoài hai tông là Tánh và Tướng, cũng tức là hai tông Không và Hữu. Ở đây, đại sư nói các thứ trang nghiêm của A Di Đà Phật đều được thành tựu bởi công đức xứng tánh của A Di Đà Phật; điều này thuộc về Tánh Tông. Nói “làm bản chất tăng thượng nhằm dẫn khởi những thứ trang nghiêm trong tự tâm của chúng sanh” thì thuộc về Tướng Tông. Nói tới bản chất và dẫn khởi thì tôi nêu lên một tỷ dụ. Giống như cuộn phim trong máy chụp hình, đó là bản chất, là rỗng rang. [Ánh sáng] chiếu qua một tấm phim thì hình ảnh [trong tấm phim ấy] bèn được in ra, trở thành một tấm hình. Đấy chính là sự trang nghiêm [trong tự tâm của chúng sanh] được dẫn khởi. Chúng ta đọc ba kinh một luận Tịnh Độ, trong tâm ta vốn chẳng có thế giới Cực Lạc, nghe kinh xong, trong tâm liền nẩy sanh ấn tượng về thế giới Cực Lạc. Duyên có bốn thứ, tức là Thân Nhân Duyên, Vô Gián Duyên, Sở Duyên Duyên và Tăng Thượng Duyên[17]:
1) Thân Nhân Duyên chính là chân tâm bản tánh của chính mình chẳng hai, chẳng khác với hết thảy chư Phật. Tự tánh đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm. Trong bản tánh chứa đựng những chủng tử, không gì chẳng bao gồm. Y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, hết thảy vạn pháp đều do tánh của chính mình biến hiện ra. Đấy chính là những thứ sẵn có trong Chân Như bản tánh. Nếu chỉ có mình Thân Nhân Duyên mà không có ba thứ duyên sau đó thì cũng chẳng có cách nào kết quả. Nhà Phật nói nhân quả, nhưng thật ra là “nhân duyên quả”. Hết thảy pháp đều thuộc về duyên sanh, nhưng chẳng nói là “nhân sanh” vì nếu có nhân mà chẳng có duyên thì cũng chẳng thể sanh được.
2) Loại thứ hai là Thứ Đệ Duyên, còn gọi là Vô Gián Duyên. Chúng sanh và Phật khác nhau, Phật không có vọng niệm, chánh niệm vĩnh viễn chẳng đoạn. Chúng ta có vọng niệm, biến đổi trong từng sát-na.
3) Loại thứ ba là Sở Duyên Duyên, lại càng khác biệt. Đức Phật duyên vào Thường Tịch Quang, chúng ta duyên theo thiên biến vạn hóa.
4) Loại thứ tư là Tăng Thượng Duyên. Chúng ta nghĩ đến tham, sân, si, mạn, yêu ma, quỷ quái liền làm Tăng Thượng Duyên cho chúng ta. Nghĩ đến Phật, Phật liền làm Tăng Thượng Duyên cho chúng ta. Vật tụ họp theo từng loài, người họp theo bầy. Các thứ trang nghiêm trong Tịnh Độ do A Di Đà Phật biến hiện tạo thành Tăng Thượng Duyên hết sức thù thắng, dẫn khởi ba thứ duyên kia (tức Thân Nhân Duyên, Vô Gián Duyên và Sở Duyên Duyên) của chúng ta, khiến cho tánh đức của chúng ta chẳng hai, chẳng khác với tánh đức của A Di Đà Phật, tánh đức hoàn toàn lưu lộ. A Di Đà Phật nêu gương, đó là “bản chất”. Như bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng là bản chất của A Di Đà Phật. Chúng ta đọc thuộc bốn mươi tám nguyện, hiểu rõ bốn mươi tám nguyện, sau đó chúng ta học theo A Di Đà Phật, cũng phát đại nguyện như thế, dẫn khởi những nguyện nơi tâm tánh của chúng ta biến hiện [thành các sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo].
“Toàn Phật tức sanh, toàn tự tức tha”: Ý nghĩa này rộng lớn vô biên, không có cùng tận. Ví dụ như nói: “Toàn Sự tức Lý, toàn Tánh tức Tướng” thì cũng là đồng nghĩa. Nếu khế nhập cảnh giới ấy thì chẳng những không có phiền não, mà sanh tử cũng không. Ngộ đạo lý này thì chính là Phật, Bồ Tát, mê đạo lý này thì chính là phàm phu. Hễ ngộ thì là Nhất Chân pháp giới, hễ mê thì là mười pháp giới. Mê càng sâu, càng sẽ đọa xuống. Chữ “toàn Phật” chỉ bản chất của Phật và các thứ trang nghiêm nơi y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tánh đức của mỗi một người vãng sanh hoàn toàn chưa hiển lộ, trông thấy cảnh giới của A Di Đà Phật thì tánh đức của họ sẽ tự nhiên dấy động. Tây Phương thế giới là như vậy, mà thế giới hiện tại của chúng ta (tức thế giới Sa Bà) cũng chưa bao giờ chẳng giống như vậy. Hiện thời, chúng ta dùng nghiệp lực của mọi người làm “bản chất tăng thượng”; cách nghĩ, cách nhìn, cách làm của mọi người trong hiện tại đều chẳng phải là thiện nghiệp. Bản thân chúng ta vốn sẵn tốt lành, nhưng ở trong Sa Bà đã lâu, tự nhiên bị nhiễm rất nhiều tập khí ác, đấy là vì hoàn cảnh xui khiến như vậy. Tây Phương thế giới A Di Đà Phật tự tánh viên mãn, lấy tánh đức ấy làm bản chất cho chúng ta. Do vậy, hễ sanh về Tây Phương, chẳng mấy chốc, chúng ta sẽ được huân nhiễm, trở thành có phẩm đức thù thắng. Tây Phương thế giới khác biệt những thế giới khác ở chỗ này. Chữ Tha trong câu “toàn Tha tức Tự” chỉ A Di Đà Phật, tức là Tự Tánh Di Đà. Đấy là quả, cho nên nói: “Thành tựu như thị công đức trang nghiêm” (thành tựu công đức trang nghiêm như thế). Đại sư sử dụng văn tự không nhiều, nhưng giảng giải Tây Phương thế giới, bất luận Sự hay Lý, Tánh hay Tướng, đều giảng hết sức thấu triệt. Quả thật là một bộ sách hay, khó có!

(Kinh) Hựu Xá Lợi Phất! Bỉ Phật quốc độ thường tác thiên nhạc, hoàng kim vi địa, trú dạ lục thời, vũ thiên Mạn Đà La hoa. Kỳ độ chúng sanh, thường dĩ thanh đán, các dĩ y kích, thịnh chúng diệu hoa, cúng dường tha phương thập vạn ức Phật, tức dĩ thực thời, hoàn đáo bổn quốc, phạn thực kinh hành.

() 又舍利弗。彼佛國土。常作天樂。黃金為地。晝夜六時。雨天曼陀羅華。其土眾生。常以清旦。各以衣。盛眾妙華。供養他方十萬億佛。即以食時。還到本國。飯食經行。

      (Chánh kinh: Lại này Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật ấy thường tấu nhạc trời, vàng ròng làm đất. Ngày đêm sáu thời tuôn mưa hoa Mạn Đà La. Chúng sanh cõi ấy, thường vào sáng sớm, ai nấy dùng lẵng đựng hoa, đựng các hoa đẹp, cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác. Liền trong khoảng bữa ăn, trở về nước mình, dùng cơm xong đi kinh hành)

Tây Phương thế giới thường có nhạc trời tấu trên không trung, tùy theo ý thích của từng người mà nghe loại âm nhạc mình yêu thích. Mặt đất và đường đi đều phủ vàng ròng. “Trú dạ lục thời, vũ thiên Mạn Đà La hoa” (Ngày đêm sáu thời, tuôn mưa hoa Mạn Đà La). Đức Phật thuận theo quan niệm về thời gian của chúng sanh trong cõi này (Sa Bà) mà nói “ngày đêm sáu thời” chứ thật ra, ở Tây Phương không có ngày đêm!
“Mạn Đà La” (Māndārava, Mandāraka) là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “Thích Ý”, tức là thấy và nghe đều đẹp ý mình. Về tình trạng sinh sống của chúng sanh cõi ấy, họ có thần thông rộng lớn, thường vào lúc sáng sớm, ai nấy dùng lẵng đựng hoa đựng các loại hoa đẹp, cúng dường mười vạn ức Phật trong những phương khác. “Mười vạn ức” ở đây cũng là nói phương tiện, chứ thật ra chẳng phải chỉ có mười vạn ức, [nói như vậy] nhằm thích hợp với những người vãng sanh từ thế giới Sa Bà, tình ý rất sâu, chẳng bỏ được quê nhà, mỗi ngày đều có thể quay về nhìn ngó, đồng thời cúng dường mười vạn ức Phật ở những phương khác. Đủ thấy họ có thuật phân thân. Những người vãng sanh Tây Phương đều có năng lực này. Cúng Phật phước đức lớn nhất, mỗi ngày nghe Phật thuyết pháp, thiện căn, phước đức ngày ngày tăng trưởng, chúng ta cũng chẳng thể nào tưởng tượng được. Tại Tây Phương thành Phật dễ dàng, đạo lý là ở chỗ này. Từ kinh điển, chúng ta đọc thấy khi Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, thuyết pháp, trong thính chúng có người vừa nghe một nửa bộ kinh đã chứng quả. Nếu nghe hết thảy chư Phật thuyết pháp, lẽ đâu chẳng đại triệt đại ngộ? Sanh về các cõi Phật khác, chỉ nghe một vị Phật thuyết pháp, còn tại Tây Phương có thể tham lễ, nghe kinh, nghe pháp với khắp các vị Phật, chẳng thể so sánh được! Sáng dậy đi cúng dường chư Phật, lúc quay trở về nhằm đúng lúc ăn cơm trưa. Ăn xong tản bộ, cuộc sống tiêu dao, tự tại. Vãng sanh Tây Phương thì phạm vi hoạt động là tận hư không, trọn pháp giới, nguyện lực tương ứng với A Di Đà Phật.

(Giải) Nhạc thị Thanh Trần. Địa thị Sắc Trần. Hoa thị Sắc, Hương nhị Trần. Thực thị Vị Trần. Thịnh hoa, tán hoa, kinh hành thị Xúc Trần. Chúng sanh Ngũ Căn đối Ngũ Trần khả tri. “Thường tác” giả, tức lục thời dã. “Hoàng kim vi địa” giả, thất bảo sở nghiêm địa giới. Thể thị hoàng kim dã. Nhật phân sơ, trung, hậu, danh “trú tam thời”. Dạ phân sơ, trung, hậu, danh “dạ tam thời”. Cố vân “trú dạ lục thời”. Nhiên bỉ độ y chánh các hữu quang minh, bất giả nhật nguyệt, an phân trú dạ? Thả thuận thử phương, giả thuyết phân tế nhĩ.

() 樂 是聲塵。地是色塵。華是色香二塵。食是味塵。盛華散華經行是觸塵。眾生五根對五塵可知。常作者。即六時也。黃金為地者。七寶所嚴地界。體是黃金也。日分初 中後。名晝三時。夜分初中後。名夜三時。故云晝夜六時。然彼土依正。各有光明。不假日月。安分晝夜。且順此方。假說分際耳。

(Giải: Nhạc là Thanh Trần, đất là Sắc Trần, hoa là hai trần Sắc và Hương. Thức ăn là Vị Trần. Đựng hoa, rải hoa, kinh hành là Xúc Trần. Ta có thể nhận biết đây là kinh văn đem Ngũ Căn của chúng sanh đối ứng Ngũ Trần. “Thường tấu” là suốt cả sáu thời. “Vàng ròng làm đất” là cõi đất được trang nghiêm bằng bảy báu, Thể là vàng ròng. Ngày chia thành sơ, trung, hậu, gọi là ngày ba thời. Đêm chia thành sơ, trung, hậu, gọi là đêm ba thời. Vì thế, nói: “Ngày đêm sáu thời”. Nhưng y báo và chánh báo trong cõi ấy mỗi thứ đều có quang minh, chẳng cần đến mặt trời, mặt trăng, há chia thành ngày đêm? Chỉ thuận theo phương này mà giả nói có phân chia thời hạn vậy)

Trong thế giới Sa Bà, [đối tượng nhận thức của năm căn được quy nạp thành] năm loại lớn, tức Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, đều chẳng thanh tịnh. Do vậy, dùng chữ Trần để biểu thị. Trần (: bụi bặm) có nghĩa “ô nhiễm”. Cái bàn hai ngày không lau sẽ phủ một lớp bụi. Đức Phật nói năm thứ Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc ô nhiễm tâm thanh tịnh và bản tánh của chúng ta; vì thế gọi là Trần. Tây Phương cũng có năm thứ này, nhưng hoàn toàn chẳng ô nhiễm, vì thế gọi là “thắng diệu Ngũ Trần”. Thắng diệu (nhiệm mầu tột bậc) ở chỗ chẳng ô nhiễm. Ngũ Căn của chúng ta tiếp xúc Ngũ Trần, kết quả có thể suy ra được. Chữ “thường tác” ý nói: Ngày đêm sáu thời không gián đoạn. “Hoàng kim vi địa”: Chẳng qua là dùng tất cả những thứ đang có trong thế giới của chúng ta làm tỷ dụ để nói, chứ vàng của chúng ta mà đem so với vàng trong Tây Phương thế giới thì bất luận chất lượng, màu sắc, quang minh đều chẳng thể sánh bằng. Ngày chia làm Sơ, Trung, Hậu, gọi là “ngày ba thời”; đêm chia làm Sơ, Trung, Hậu, gọi là “đêm ba thời”. Đấy là cách chia thời gian ở Ấn Độ như trong phần trước đã giải thích. Y báo và chánh báo trong Tây Phương thế giới mỗi thứ đều có quang minh. Thế giới ấy được gọi là “thế giới quang minh”, không có mặt trời, mặt trăng, tinh tú, chẳng chia ra ngày và đêm nên không có quan niệm thời gian. Quan niệm không gian cũng chẳng có. Tây Phương thế giới có đường đi nhưng không tên đường, số nhà. Đây kia có thể giao tiếp bằng cách dùng tâm cảm. Phật nói “ngày đêm sáu thời” là thuận theo phương này mà giả nói có phân chia như vậy.

(Giải) Mạn Đà La, thử vân Thích Ý, hựu vân Bạch Hoa. “Y kích” thị thịnh hoa khí. “Chúng diệu hoa”, minh phi Mạn Đà La nhất chủng. Ưng như Diệu Kinh tứ hoa, biểu tứ nhân vị. Cúng dường tha phương Phật, biểu chân nhân hội xu cực quả, quả đức vô bất biến dã. Thả cứ Sa Bà ngôn thập vạn ức Phật, ý hiển sanh Cực Lạc dĩ, hoàn cúng Thích Ca, Di Lặc, giai bất nan nhĩ. Nhược A Di thần lực sở gia, hà viễn bất đáo tai!

() 曼陀羅。此云適意。又云白華。衣裓是盛華器。眾妙華。明非曼陀羅一種。應如妙經四華。表四因位。供養他方佛。表真因會趨極果。果德無不遍也。且據娑婆言十萬億佛。意顯生極樂已。還供釋迦彌勒。皆不難耳。若阿彌神力所加。何遠不到哉。

(Giải: Mạn Đà La, cõi này dịch là Thích Ý, còn dịch là Bạch Hoa. “Y kích” là dụng cụ đựng hoa. “Chúng diệu hoa” chỉ rõ chẳng phải chỉ có một loại hoa Mạn Đà La. Hãy nên hiểu là bốn loại hoa như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhằm biểu thị bốn địa vị tu nhân[18]. “Cúng dường Phật ở phương khác” biểu thị do nhân chân thật sẽ tiến đến quả cùng tột, quả đức không gì chẳng trọn khắp. Hơn nữa, dựa theo Sa Bà mà nói mười vạn ức Phật, nhằm nêu rõ ý: Đã sanh về Cực Lạc, trở về cúng dường Thích Ca, Di Lặc đều chẳng khó khăn gì! Nếu được thần lực của A Di Đà Phật gia bị thì xa cách mấy mà chẳng đến được ư?)

“Mạn Đà La”, Hán dịch là Thích Ý, còn dịch là Bạch Liên Hoa. “Y kích”[19] là dụng cụ đựng hoa. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói bốn thứ hoa cũng nhằm biểu thị pháp, mỗi thứ đều có vô lượng phẩm loại, tùy ý thích của mỗi người mà biến hóa. “Cúng dường tha phương Phật, biểu chân nhân hội xu cực quả, quả đức vô bất biến dã” (Cúng dường chư Phật ở phương khác nhằm biểu thị do cái nhân chân chánh sẽ tiến đến cái quả tột cùng, quả đức không gì chẳng trọn khắp). Tây Phương thế giới hoàn toàn dùng chân Phật, chân sự để làm cảnh giới sở duyên, chẳng giống như chúng ta vẽ một bức tượng Phật. Tượng Phật chẳng phải là Phật thật. Trong Tây Phương thế giới, hoàn toàn là thật, lại còn thật sự là Báo Thân viên mãn, chứ không phải Ứng Hóa Thân. Do vậy, thành Phật nhanh chóng, không có bất cứ chướng ngại nào, nguyên nhân là do điều này. Trong những thế giới khác chẳng dễ gì thấy Phật, ngay như thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, các vị đệ tử thường tùy chúng là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, hoàn toàn không phải là mỗi người ngày nào cũng có cơ hội thỉnh giáo. Nếu lấy cảnh giới của Phật làm nhân địa tu hành của chính mình thì sẽ có thể thành tựu Phật quả viên mãn. Ân đức của Phật Thích Ca đối với chúng ta rất lớn. Trong tương lai, đức Thích Ca đã diệt độ, Di Lặc thành Phật, nếu quý vị đã sanh về Tây Phương mà vẫn còn muốn trở lại Sa Bà nhìn ngó người nhà, quyến thuộc thì mỗi ngày đều có thể trở về. Người Tây Phương thiên nhãn thấy thấu suốt, thiên nhĩ nghe thông suốt. Túc Mạng Thông của A La Hán chỉ có thể biết chuyện trong năm trăm đời. Năng lực của thiên nhãn chỉ giới hạn trong một tiểu thiên thế giới, không thể thấy đến một trung thiên thế giới. Người đới nghiệp vãng sanh vào Tây Phương thế giới, chưa đoạn Kiến Tư phiền não, Thiên Nhĩ của họ có thể nghe thấu âm thanh ngoài mười vạn ức cõi Phật, Thiên Nhãn cũng giống như thế. Tha Tâm Thông có thể biết khởi tâm động niệm của chúng sanh ở ngoài mười vạn ức cõi Phật. Năng lực ấy chẳng phải do chính mình tu được, mà là do bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Do vậy, đại sư nói: “Nhược A Di thần lực sở gia, hà viễn bất năng đáo!” (Nếu được thần lực của A Di Đà Phật gia trì thì xa đến đâu mà chẳng thấu tới).
PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI GIẢNG KÝ
Phần 4 hết




[1] Theo Tứ Giáo Nghi Tập Chú, để chứng Sơ Địa trong Biệt Giáo, phải trừ một phẩm vô minh đầu tiên (thường gọi là Tối Sơ Vô Minh). Từ Sơ Địa lên Đẳng Giác, mỗi địa vị phải phá một phẩm vô minh, tức là lần lượt phải phá thêm mười một phẩm vô minh nữa mới lên được Diệu Giác. Như vậy để đạt lên địa vị Diệu Giác phải phá tất cả mười hai phẩm vô minh.
[2] Kháng Chiến ở đây là nói tắt của từ ngữ “Kháng Nhật Chiến Tranh” (còn gọi là Trung Nhật Chiến Tranh), tức thời gian dân Trung Hoa chống lại cuộc chiến xâm lược của quân phiệt Nhật (từ ngày 7 tháng 7 năm 1937 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945). Trước đó, từ năm 1931, Nhật đã xâm chiếm ba tỉnh Đông Bắc (Đông Tam Tỉnh) của Trung Quốc. Ngày 7 tháng 7 năm 1937, một toán quân Nhật đồn trú tại huyện Uyển Bình (phụ cận Bắc Kinh) tập trận, đến tối, lấy cớ một số binh lính Nhật mất tích, quân Nhật đòi chánh quyền thành Uyển Bình phải mở cửa thành cho họ lục soát. Khi bị cự tuyệt, quân Nhật đã ra lệnh nổ súng tấn công thành Uyển Bình và chiếm đóng cầu Lư Câu (trên sông Vĩnh Định). Do sự cố này, chiến tranh Trung Nhật nổ ra trên quy mô lớn. Vì vậy, sự kiện này được gọi là Lư Câu Kiều Sự Biến (盧溝橋事變). Chiến tranh kéo dài cho đến khi phe Trục đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện.
[3] Càn Thát Bà Thành (Gandharva-nagara), còn gọi là Kiện Đạt Bà Thành hoặc Kiện Đạt Phược Thành, Càn Thành, hoặc Hương Thành. Đây là từ ngữ được dùng để chỉ những huyễn cảnh trông giống như cung điện, lầu quán, thành quách xuất hiện trên không trung tại các vùng rừng núi, sa mạc hoặc biển khơi. Thần thoại Ấn Độ cho rằng những huyễn cảnh đó là do các vị Càn Thát Bà (Hương thần) biến hiện. Do vậy, kinh điển nhà Phật thường mượn từ ngữ này để tỷ dụ những gì không thật, huyễn hóa.
[4] Đây là lời giảng rất đặc sắc của Ngẫu Ích đại sư: Từ trong một đoạn ngắn, đại sư chỉ rõ Tự Phần của kinh này giới thiệu trọn đủ ba môn Tín, Nguyện, Hạnh, Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), có đủ Thể, Tông, Tướng, Dụng, dẫn khởi ba phần Lưu Thông (khuyến tín, khuyến nguyện, khuyến hạnh). Trong các bản chú giải khác, chưa ai chỉ rõ chi tiết như vậy.
[5] Theo Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, nơi phương trên của thế giới Sa Bà, lên đến tột cùng có một cõi Phật tên là Chúng Hương. Trong cõi này, mùi hương vi diệu nhất. Mọi thứ đều do hương tạo thành, đức Phật trong cõi ấy có tên là Hương Tích Như Lai. Ngài Duy Ma Cật xin cơm thơm từ nước ấy về ban cho đại chúng, mọi người ăn vào thân thể có mùi thơm bất tuyệt, ngài Duy Ma Cật bảo: “Mùi thơm ấy còn mãi cho đến khi cơm hoàn toàn tiêu hết”. Nhân đó, đức Phật cho biết trong cõi Chúng Hương, Hương Tích Như Lai dùng hương thơm để làm Phật sự, giáo hóa chúng sanh.
[6] Quốc Học: Một ngành học chuyên nghiên cứu về văn hóa Trung Quốc trên mọi phương diện như văn chương, triết học, trào lưu tư tưởng, thư pháp v.v...
[7] Đông Nhạc Đại Đế là thần cai quản Hoa Sơn (Thái Sơn), còn được gọi là Đông Nhạc Đế Quan, Thái Sơn phủ Quân, hoặc Nhạc Đế. Dân gian Trung Quốc tin vị thần này cai quản những người vừa mới chết, chưa tới chỗ Diêm Vương phán án, hoặc đã phán án, nhưng chưa đi đầu thai. Có phái Đạo Giáo còn cho rằng Đông Nhạc Đại Đế chưởng quản sự sanh tử của con người. Đạo Giáo đã đưa ra nhiều thuyết nhằm giải thích nguồn gốc vị thần này:
1. Cát Hồng cho rằng Đông Nhạc Đại Đế chính là Thái Hạo (thuộc họ Phục Hy, lãnh tụ của tộc Đông Di thời cổ). Các nước chư hầu như Nhậm, Túc v.v... ở lưu vực sông Tế Thủy là hậu duệ của Thái Hạo.
2. Đông Nhạc là hậu duệ của Bàn Cổ, tức Kim Hồng Thị, tu luyện đắc đạo tại Thái Sơn, nên được phong làm Đông Nhạc Đại Đế.
3. Đông Nhạc Đại Đế là đại tướng Hoàng Phi Hổ, một đại thần của vua Trụ.
[8] Cơ Long là một thành phố ở cực Bắc của Đài Loan.
[9] “Hòa quang đồng trần” là một thành ngữ dựa theo câu nói “hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” của Lão Tử. Nhà Phật mượn thuật ngữ này để nói lên hạnh Đồng Sự trong Tứ Nhiếp Pháp của hàng Đại Thừa Bồ Tát: Hiện đủ mọi thân thích ứng tùy loại căn cơ, thị hiện có cùng việc làm, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp, cùng môi trường sống như họ để thân cận, hướng dẫn họ bỏ ác tu thiện. Nếu cần, Bồ Tát có thể hiện nghịch hạnh (những hạnh trái nghịch thanh quy, như ngài Tế Điên uống rượu, ăn thịt chó) để nhiếp độ họ, nhưng tâm các Ngài vẫn thanh tịnh, như như bất động.
[10] Do ở đây Hòa Thượng không giải thích câu này, mạt nhân xin ghi thêm như sau: “Lưu chú” cũng có nghĩa giống như “sấm lậu”, đều có nghĩa là rò rỉ, tuôn chảy. Nói cách khác, chúng chính là những tên gọi khác của Lậu (phiền não), do chưa hoàn toàn viên chứng Pháp Thân, chưa viên ngộ chân thường, chỉ là phần chứng, phần ngộ, vẫn còn xen tạp vi tế vô minh trong ấy nên Chân Thường chưa trọn vẹn, còn bị thiếu khuyết, giống như cái bình bị rò rỉ, không hoàn bị, nên mới nói là “chân thường lưu chú”.
[11] Ngũ Trần (còn gọi là Ngũ Cảnh) là năm trần đầu trong Lục Trần, tức Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc.
[12] Khi pháp sư Từ Châu soạn khoa phán cho kinh Vô Lượng Thọ (bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư), Ngài đã phán định đoạn kinh nằm ngay sau phần giảng về Tam Bối Vãng Sanh là giảng về Nhất Tâm Tam Bối, tức là ngoài Tam Bối Vãng Sanh còn có một loại vãng sanh nữa, gọi là Nhất Tâm Tam Bối. Đoạn kinh ấy như sau: “Nhược hữu chúng sanh trụ Đại Thừa giả, dĩ thanh tịnh tâm, hướng Vô Lượng Thọ, nãi chí thập niệm, nguyện sanh kỳ quốc, văn thậm thâm pháp, tức sanh tín giải, nãi chí hoạch đắc nhất niệm tịnh tâm, phát nhất niệm tâm niệm ư bỉ Phật. Thử nhân lâm mạng chung thời, như tại mộng trung, kiến A Di Đà Phật, định sanh bỉ quốc, đắc Bất Thoái Chuyển Vô Thượng Bồ Đề” (Nếu có chúng sanh trụ trong Ðại Thừa, dùng tâm thanh tịnh hướng về Vô Lượng Thọ Phật, dẫu chỉ mười niệm nguyện sanh cõi kia, nghe pháp thậm thâm liền sanh tin hiểu; thậm chí đạt được một niệm tịnh tâm, phát nhất niệm tâm để niệm đức Phật kia thì lúc mạng người ấy sắp dứt, giống như ở trong mộng, thấy A Di Ðà Phật, quyết định sanh trong cõi ấy, được chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Bồ Ðề).
[13] Nguyên văn “điện ba” (電波). Đây là từ ngữ người Hoa dùng để dịch chữ “radio wave”.
[14] Nội hàm (connotation): Những ý nghĩa được chứa đựng trong một từ ngữ, khái niệm hoặc một thuật ngữ triết học.
[15] Khôi thân diệt trí: Còn gọi là Vô Dư Khôi Đoạn, Phần Thân Diệt Trí, gọi tắt là Diệt Trí, hoặc Khôi Đoạn. Hiểu theo nghĩa đen là “thiêu xác thân thành tro, diệt trừ tâm trí”. Từ ngữ này chỉ cảnh giới của hàng La Hán trong Tiểu Thừa, đem hết thân tâm dốc vào nơi sự không tịch của Vô Vi Niết Bàn. Do không còn thấy có xác thân nên gọi là “khôi thân”, trí vắng lặng, không duyên theo trần cảnh nữa, chỉ có Tịch mà thiếu tác dụng Chiếu nên gọi là “Diệt Trí”.
[16] Lỗ đen (black hole) là một khu vực trong không gian có sức hút rất mạnh, không có gì thoát khỏi nó được, kể cả ánh sáng. Tuy gọi là “lỗ”, nhưng tại khu vực này có mật độ vật chất rất cao. Thiên Văn Học vẫn chưa đưa ra lời giải đáp thỏa đáng về cấu trúc và sự hình thành lỗ đen trong không gian.
[17] Thân Nhân Duyên (Hetu-pratyaya): Nhân duyên trực tiếp tạo nên sự sanh khởi của một pháp, tức là nguyên nhân chánh yếu sanh ra cái quả. Chẳng hạn như Thân Nhân Duyên của Nhãn Thức là Căn và Trần. Nhãn Thức lấy Nhãn Căn làm Nhân, lấy Sắc Trần làm Duyên.
Đẳng Vô Gián Duyên (Samanantara-pratyaya): Còn gọi là Vô Gián Duyên hay Thứ Đệ Duyên. Có nghĩa là tâm và tâm sở liên tục tiếp nối, tâm (ở đây là vọng tâm) và tâm sở diệt trong sát-na trước bèn sanh ngay trong sát-na sau. Do có thứ tự tiếp nối, không gián đoạn nên gọi là Thứ Đệ Duyên hoặc Vô Gián Duyên.
Sở Duyên Duyên (Ālambana-pratyaya): Đối tượng của tâm và tâm sở tạo thành nguyên nhân. Khi tâm và tâm sở sanh ra kết quả thì đối tượng của tâm và tâm sở được gọi là Sở Duyên Duyên. Nói cách khác, Sở Duyên Duyên là những đối tượng tạo ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến Thân Nhân Duyên. Chẳng hạn như hết thảy Sắc là Sở Duyên Duyên của Nhãn Thức.
Tăng Thượng Duyên (Adhipati-pratyaya): Những duyên khác phụ trợ cho ba duyên trên đây thành tựu.
Trên đây, Hòa Thượng chỉ giảng về Tứ Duyên của thế giới Cực Lạc như sau:
1. Thân Nhân Duyên là trong Chân Như bản tánh có sẵn các thứ trang nghiêm.
2. Vô Gián Duyên là chánh niệm của Phật và chúng sanh trong cõi Tịnh Độ vĩnh viễn chẳng đoạn.
3. Sở Duyên Duyên là Phật và chúng sanh trong cõi Tịnh Độ luôn duyên theo cảnh giới Thường Tịch Quang.
4. Tăng Thượng Duyên là chúng sanh trong cõi Cực Lạc luôn tưởng đến Phật, nên Phật trở thành Tăng Thượng Duyên giúp hành nhân vãng sanh Tịnh Độ. Đồng thời y báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc cũng là Tăng Thượng Duyên.
[18] Pháp sư Viên Anh giảng câu này như sau: “Kinh Pháp Hoa chép ‘trời mưa xuống Mạn Đà La Hoa, Ma Ha Mạn Đà La Hoa, Mạn Thù Sa Hoa (Nhu Nhuyễn Hoa), Ma Ha Mạn Thù Sa Hoa’. Dùng bốn loại hoa này để cúng dường các vị Phật nơi phương khác, nhằm biểu thị do cái nhân chân thật có thể tiến đến Phật quả, quả đức không gì chẳng trọn khắp. Các địa vị Bồ Tát Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa phá vô minh, thấy Pháp Thân, đấy chính là chân nhân. Niệm niệm tiến hướng Phật quả Diệu Giác, quả đức trọn khắp mười phương nên nói cúng dường tha phương thập vạn ức Phật”. Theo lời giải thích này thì “bốn địa vị tu nhân” như ngài Ngẫu Ích đã nói trong đoạn văn này chính là Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng và Thập Địa.
[19] Kích (裓) có nghĩa gốc là vạt áo, hoặc cái tấm địu (tấm vải có dây buộc bốn góc để buộc đứa con vào lưng mẹ). Do vậy, có một số vị cổ đức còn cho rằng “y kích” là vạt áo. 
(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites