"Xá lợi của Đức Phật còn phóng ra hào quang năm màu sáng rực
cả bầu trời; và từ trên không trung, các đạo hào quang ấy kết tụ lại trông
như một cái tàn khổng lồ bằng ánh sáng bao trùm lấy đại chúng! Trước cảnh
tượng kỳ diệu ấy, mọi người đều đồng lòng kính tin Phật giáo..."
Kinh Phật Nói
Bốn Mươi Hai Chương Lược Giảng
The Sutra in Forty Two Sections
Spoken By The Buddha
Phật thuyết tứ thập nhị
chương kinh
Hòa Thượng Tuyên Hóa lược
giảng
(Giảng năm 1974 Tại
Kim Sơn Tự, San Francisco, California, Hoa Kỳ)
Đề mục
Tên đề của bộ kinh này có bảy chữ
"Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương Kinh" và bảy chữ ấy bao gồm cả tên
chung (thông danh) lẫn tên riêng (biệt danh). Trong đó, chữ "Kinh" là
tên chung. Tất cả kinh điển do Đức Phật thuyết giảng đều có cùng một tên
chung là "Kinh"; và những chữ còn lại nằm trong tên đề thì thuộc về
phần tên riêng. Tên riêng là tên gọi đặc biệt của bộ kinh, không hề trùng
hợp với tên riêng của bất kỳ một bộ kinh nào khác.
Chữ 'Kinh" ở đây cũng giống như
trường hợp chữ "người" là tên chung để chỉ nhân loại chúng ta
vậy. Bên cạnh đó, mỗi người lại còn có một tên gọi riêng biệt, như kẻ
thì xưng là Trương Tam, người thì gọi là Lý Tứ...Kinh điển do Đức Phật
thuyết giảng cũng tương tự như vậy, cũng đều có cả tên chung và tên
riêng. Tên riêng của bộ kinh này là "Phật Thuyết Tứ Thập Nhị
Chương". Phần tên riêng ấy cho thấy bộ kinh này thuộc loại Nhân Pháp
Lập Đề, tức là dùng tên của người nói ra giáo-pháp và tên của giáo-pháp
mà người ấy nói ra, để lập thành tên đề của bộ kinh; trong đó,
"Phật" là người và "Tứ Thập Nhị Chương" là pháp.
Bộ kinh này chứa đựng giáo-pháp do
chính Đức Phật thuyết giảng. Trong thời kỳ Kết Tập Kinh Tạng, các đệ tử
của Ngài đã kết nối từng chương một lại với nhau để hình thành một bộ
kinh. Đây cũng có thể xem như một tập Ngữ Lục của Đức Phật, và bốn mươi
hai chương sách chính là bốn mươi hai đoạn ngữ lục, hay bốn mươi hai lời
dạy bảo của Ngài!
Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương Kinh là
một bộ kinh được truyền đến nước Trung Hoa trước nhất. Lúc bấy giờ, vào
đời vua Minh Đế nhà Hậu Hán, có hai Tôn giả là Ca-Diếp-Ma-Đằng và
Trúc-Pháp-Lan dùng ngựa trắng để chuyên chở kinh điển từ nước Ần Độ
sang Trung Hoa. Và sau đó, vua Hán-Minh-Đế đã cho cất Chùa Ngựa Trắng (Bạch
Mã Tự) ngay tại kinh đô Lạc Dương.
Như vậy, Phật pháp được truyền bá
đến nước Trung Hoa vào đời nhà Hán. Tuy nhiên, vì Đạo giáo tại Trung Hoa
thời ấy đang rất thịnh hành, nên khi Phật giáo lan truyền đến quốc gia này
thì có nhiều đạo sĩ sanh lòng ganh ghét và tâu với vua rằng: "Phật giáo
chỉ là thứ giả. Đó là tôn giáo của ngoại bang chứ không phải của Trung Hoa.
Vậy, xin Bệ hạ hãy ngăn cấm việc truyền bá đạo Phật và trục xuất Phật
giáo ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa! Nếu Bệ hạ không muốn xóa bỏ Phật giáo, thì
xin hãy tổ chức một cuộc so tài!"
So tài như thế nào ư? Các đạo sĩ yêu
cầu nhà vua cho mang tất cả kinh điển do Đức Phật thuyết giảng và kinh điển
do Đạo giáo đến xếp chung vào một chỗ rồi châm lửa đốt. Hễ kinh điển của
bên nào bị cháy thì bên ấy thứ giả; và kinh điển của bên nào không bị
cháy thì bên đó là thứ thiệt!
Đương thời bên Đạo giáo có đạo sĩ
tên Chử Thiện Tín, là một trong những vị thủ lãnh của Đạo giáo. Ông ta dẫn
theo 500 đạo sĩ, tất cả cùng nhau khuân vác các kinh điển, linh văn của Đạo
giáo xếp vào một chỗ; rồi lâm râm khấn vái với Thái Thượng Lão Quân:
"Kính bạch Đại Đức Thiên Tôn! Xin Ngài hãy thị hiện oai linh, xui khiến
cho kinh sách của Đạo giáo chúng ta đều không bén lửa, còn kinh điển của
Phật giáo thì bị cháy rụi hết thảy!"
Thời bấy giờ có rất nhiều đạo sĩ có
thần thông. Người thì có thể cỡi mây lướt gió; kẻ lại có thể bay lên
trời hoặc chui xuống đất. Có Đạo sĩ còn biết cả thuật ẩn hình (ẩn hình
tức là quý vị vừa mới thấy họ sờ sờ ngay trước mắt thì đột nhiên lại
biến mất, không còn thấy tăm dạng của họ đâu nữa)...; những đạo sĩ bản
lãnh như thế đều có cả. Có đạo sĩ còn biết dựa vào phép độn, tức là
phương pháp "kỳ môn độn giáp" mà chạy thoát thân. Nhờ dựa vào
nào phù, nào chú, nào bùa phép của Đạo giáo nên các đạo sĩ có được
rất nhiều pháp thần thông; song, đến lần dùng lửa đốt kinh sách này thì
thế nào?
Kinh điển của Phật giáo chẳng những đã
không bốc cháy mà lại còn phát hào quang! Bấy giờ, xá lợi của Đức Phật
phóng hào quang năm màu, kinh điển cũng tỏa hào quang rực rỡ. Các đạo hào
quang tỏa ánh sáng chan hòa khắp không trung, trông chẳng khác nào vầng thái
dương đang soi tỏ cả thế gian vậy!
Còn kinh điển của Đạo giáo vừa đốt,
thì đều bén lửa cháy rụi ngay, không còn sót lại gì cả! Bấy giờ, những
đạo sĩ từng biết cỡi mây cỡi mưa lại chẳng thể cỡi mây cỡi mưa được
nữa vì không còn phép thần thông! Kẻ biết bay lên trời thì chẳng thể bay
đi, biết chui xuống đất lại chẳng tài nào chui lọt mình xuống đất, biết ẩn
hình cũng chẳng thể ẩn nấp ở đâu được nữa! Lúc ấy, tất cả phù, chú của
họ đều hết linh nghiệm, không còn công hiệu nữa. Bấy giờ, toàn bộ kinh sách
của Đạo giáo đều bị cháy sạch khiến cho các đạo sĩ như Chử Thiện Tín,
Phí Chánh Thanh đều tức tối tưởng chết đi được ngay giữa công chúng. Trong
khi họ đang trong cơn tức giận như thế, thì có đến hai, ba trăm đệ tử của
họ lại cắt bỏ râu tóc ngay tại hiện trường để xuất gia đầu Phật! Đây là
cuộc "đấu phép" xa xưa nhất giữa Phật giáo và Đạo giáo; và Đạo
giáo đã chuốc lấy phần thảm bại!
Sau đó, hai Tôn giả Ca-Diếp-Ma-Đằng và
Trúc-Pháp-Lan cùng bay vọt lên hư không, thị hiện 18 phép biến hóa như thân
trên ra lửa thân dưới ra nước, thân dưới ra lửa thân trên ra nước, đi lại
trong hư không, nằm ngủ trong hư không..., và vô số phép thần thông biến hóa
khác. Cho nên, những người đương thời và luôn cả Hoàng Đế thảy đều dốc
lòng tin theo đạo Phật.
Vì vậy bộ kinh này rất quan trọng và
đây cũng là bộ kinh đầu tiên được truyền đến nước Trung Hoa, cho nên hôm
nay tôi muốn cùng quý vị nghiên cứu bộ kinh này.
Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa
của chữ "Phật". "Phật" tức là Phật-Đà-Da, và là tiếng
Phạn; dịch sang tiếng Trung Hoa là Giác giả, nghĩa là Đấng Giác Ngộ. Có ba
loại giác ngộ là Tự-giác, Giác-tha, và Giác-hạnh-viên-mãn.
1. Tự-giác (tự trở nên
giác ngộ). Bậc tự giác thì không giống như hạng phàm phu là kẻ chưa được
giác ngộ. Những người tu theo Nhị thừa đều có thể tự họ trở nên giác ngộ;
vì thế, họ đều khác hẳn kẻ phàm phu.
2. Giác-tha (làm cho người
khác trở nên giác ngộ). Hàng Nhị thừa có thể trở nên giác ngộ, nhưng họ
không giác ngộ người khác. Do đó, người có thể khiến cho người khác trở
nên giác ngộ là bậc Bồ Tát, chứ không phải là hàng Nhị thừa. Bồ Tát đã
có thể tự giác, lại có thể giác tha; và vừa làm lợi cho mình vừa có thể
làm lợi cho người khác. Bồ Tát xem tất cả chúng sanh đều bình đẳng như
nhau; cho nên sau khi đã tự giác ngộ rồi, các Ngài mong rằng hết thảy chúng
sanh cũng đều được giác ngộ, được sáng suốt như mình. Đó gọi là Giác
tha.
3. Giác hạnh viên mãn:
Bậc Bồ Tát tuy có thể giác ngộ người khác, nhưng vẫn chưa thể đạt được
giác hạnh viên mãn. Trong khi đó, chư Phật đã có thể tự trở nên giác ngộ,
lại có thể làm cho người khác được giác ngộ, và còn có thể hoàn thành
mỹ mãn hạnh tự giác giác tha của mình nữa. Chính nhờ đã hoàn tất trọn vẹn
cả ba hạnh nguyện giác ngộ này nên các ngài đã được thành Phật.
"Thuyết" nghĩa là nói. Bộ kinh
này vốn do Đức Phật nói ra. Chữ "thuyết" còn bao hàm ý nghĩa
"duyệt sở hoài". Thế nào gọi là "duyệt sở hoài"? Tức là
nói ra những điều mà trong lòng mình ưa thích, và một khi đã nói ra rồi
thì càng cảm thấy hoan hỷ vui vẻ hơn.
"Tứ Thập Nhị Chương" nghĩa là
bốn mươi hai chương. Bộ kinh này có bốn mươi hai chương. Đó là bốn mươi
hai đoạn ngữ lục của Đức Phật và cũng là bốn mươi hai chương Phật pháp
do chính Đức Phật tuyển thuyết.
"Kinh" có bốn ý nghĩa là: Quán
(kết nối), Nhiếp (thâu về), Thường, và Pháp.
1. "Quán" là
"quán xuyên sở thuyết nghĩa"; nghĩa là nối kết những nghĩa lý đã
được thuyết giảng lại với nhau. Cũng giống như tràng chuỗi niệm Phật, các
đạo lý trong Kinh được liên kết với nhau từng chữ, từng chữ một.
2. "Nhiếp" là
"nhiếp trì sở hóa cơ" nghĩa là thâu phục, dẫn dắt tất cả chúng
sanh có căn cơ và đã sẵn sàng để đón nhận sự giáo hóa.
3. "Thường". Thế
nào gọi là "thường"? "Cổ kim bất biến viết thường", nghĩa
là từ xưa đến nay không hề biến đổi thì gọi là "thường". Những
đạo lý chứa đựng trong Kinh vốn bất biến - trong quá khứ đã không thay
đổi, ngay hiện tại cũng không thay đổi, và trong tương lai cũng sẽ không
thay đổi, cho nên gọi là thường.
4. "Pháp".
"Tam thế đồng tuân viết Pháp", nghĩa là những gì mà tam thế đều
đồng tuân theo thì gọi là "Pháp". "Tam-thế" là ba đời: Quá
khứ, hiện tại và vị lai. Tất cả chúng sanh trong ba đời đều tôn thờ và noi
theo giáo pháp trong Kinh mà tu hành.
Chữ "Kinh" còn bao hàm nhiều ý
nghĩa khác như:
-Suối phun (dũng tuyền).
Vì các đạo lý hàm chứa trong Kinh chẳng khác nào những mạch nước ngầm tuôn
ra từ lòng đất cho nên Kinh cũng ví như suối phun vậy.
-Dây mực (thằng mặc). Kinh
tựa như sợi dây có chấm mực mà thợ mộc thường dùng để vẽ đường thẳng.
Tỷ dụ biểu thị Kinh là tiêu chuẩn mẫu mực của pháp.
Ngoài ra, vì Kinh dạy người đời phương
pháp tu hành, cho nên "Kinh" cũng có nghĩa là "con đường"
(kính lộ) - con đường tu hành.
Trên đây là phần giải thích sơ lược
về đề mục của bộ Kinh Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương.
Dịch Giả
Nhà Hậu Hán, Ca-Diếp-Ma-Đằng
(Kashyapa-maganta) và Trúc-Pháp-Lan (Gobharana) cùng dịch
Bộ kinh này là bộ kinh đầu tiên của
Phật giáo được truyền từ Ần-Độ đến Trung Hoa, nên cần phải được
phiên dịch sang Hoa-văn. Nhà Hậu Hán, Ca-Diếp-Ma-Đằng và Trúc-Pháp-Lan cùng
dịch. Ca-Diếp-Ma-Đằng là một người, và Trúc-Pháp-Lan là một người khác
nữa; cả hai Ngài đều là người miền Trung Ần. Bấy giờ, nhằm đời nhà
Hậu Hán, hai người đã cùng nhau dịch bộ Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương
Kinh này sang tiếng Trung-Hoa.
Triều đại nhà Hán gồm có Tây-Hán1 và
Đông-Hán2; và nhà Hậu-Hán tức là nhà Đông-Hán. Năm Vĩnh Bình thứ ba3,
đời vua Minh-Đế nhà Đông-Hán (Vĩnh-Bình là niên hiệu của triều vua Hán
Minh-Đế, và bấy giờ là năm thứ ba của triều đại ấy), là nhằm năm
Canh-thân. Vào năm Canh-thân này, một hôm, vua Hán Minh-Đế bỗng mộng thấy
một người vàng (Kim-nhân) trên đỉnh đầu có vầng hào quang hình tròn sáng
chói, từ không trung bay thẳng vào Hoàng-cung. Hôm sau, nhà vua bèn hỏi ý kiến
các quan văn võ đại thần trong triều về điềm chiêm bao ấy.
Bấy giờ, trong triều có quan Thái-sử tên
là Phó Nghị tâu rằng: "Hạ thần nghe nói là về phía tây tại nước
Ần Độ, có một vị thần được mọi người tôn xưng là Phật. Nay người
vàng mà Bệ hạ mộng thấy ấy nhất định là Phật rồi!" Tiếp đến, có một
vị Học-giả tên Vương Tuân cũng tâu với vua rằng: "Nhà Chu có truyền
lại một bộ sách tên Dị Ký, trong đó ghi chép toàn những sự kiện kỳ lạ,
đặc biệt."
Sách ấy ghi chép những gì? Trong bộ sách
của nhà Chu ấy ghi chép rằng:
"Phật đản ư Chu-Chiêu-Vương
nhị thập lục, niên Giáp-dần. Thời, giang hà phiếm dật, đại địa chấn động,
ngũ sắc tường quang quán Thái-vi tinh."
Nghĩa là: Đức Phật ra đời vào năm thứ
26 của triều đại Chu Vương4, và năm ấy là năm Giáp-dần. Lúc bấy giờ, tức
là khi Đức Phật đản sanh, thì mực nước ở các sông hồ đều dâng cao và
chảy tràn ra khỏi bờ, cả mặt đất đều rung chuyển. Đồng thời, trên trời có
đạo hào quang năm màu báo điềm lành phóng xuyên qua sao Thái Vi.
Đương thời có viên quan Thái-sử
(Thái-sử là chức quan trông coi về Thiên-văn học và khoa Toán-số) tên Tô Do.
Thái-sử Tô Do dùng Kinh Dịch để bói quẻ; và vừa gieo thì được ngay quẻ
Càn Cửu-ngũ, tức là quẻ Phi long tại thiênỂ (rồng bay giữa trời). Căn cứ
vào quẻ này, quan Thái-sử chiêm đoán rằng có bậc Thánh nhân vĩ đại ra
đời tại nước Ần Độ và sau khi xuất thế, vị Thánh nhân này sẽ đi
truyền bá một giáo pháp mà khoảng một ngàn năm sau, giáo pháp ấy sẽ được
truyền đến Trung Hoa. Vua Chu-Chiêu-Vương liền sai người ghi chép và khắc
những dữ kiện ấy vào đá, rồi truyền đem chôn ở cổng thành phía nam. Nhà
vua dự tính rằng như thế đời sau sẽ có bằng chứng để kiểm nghiệm, xem có
đúng là một ngàn năm nữa thì giáo pháp ấy (tức là Phật giáo) sẽ được
truyền đến Trung Hoa hay không.
Đến đời vua Chu-Mục-Vương, một hôm,
cả đại địa bỗng nhiên rung chuyển và trên trời xuất hiện mười hai đạo
bạch-hồng (chữ "hồng" này tức là chữ "hồng" trong từ ngữ
"hồng-nghê" có được đề cập đến trong Kinh Lăng Nghiêm, và có
nghĩa là mống vòng cầu). Đây là hiện tượng "bạch hồng quán nhật"
tức là giữa ban ngày bỗng có mười hai mống cầu vòng màu trắng hiện ra, nằm
bắt qua mặt trời; và hiện tượng này xảy ra lúc Đức Phật viên tịch. Tuy
rằng Đức Phật viên tịch tại Ần Độ nhưng ở Trung Hoa cũng thấy được
hiện tượng ấy. Như vậy, sự xuất thế của Đức Phật không phải là chuyện
ngẫu nhiên hay tình cờ! Khi Đức Phật ra đời tại nước Ần Độ, thì ở
Trung Hoa, mực nước của các sông, hồ đều dâng cao và chảy lênh láng ra khỏi
bờ, toàn thể đại địa đều rung chuyển. Rồi đến khi Đức Phật viên tịch, ở
Trung Hoa cũng thấy có mười hai mống cầu vòng màu trắng bắt qua mặt trời.
Lúc bấy giờ có viên Thái-sử tên Hỗ Đa
cũng dùng Kinh Dịch để chiêm đoán. Sau khi gieo quẻ, Thái-sử Hỗ Đa thốt
lên: "Ôi! Vị đại Thánh nhân ở Tây-Vực đã nhập diệt rồi!" Tức
là, vị đại Thánh nhân ra đời tại nước Ần Độ vào năm Giáp-dần, đời
vua Chu-Chiêu-Vương thứ 26 trước đây, nay đã nhập diệt đã vào cõi
Niết-bàn rồi! Như vậy, tuy sự xuất thế và nhập diệt của Đức Phật đều xảy
ra ở Ần Độ một quốc gia nằm cách nước Trung Hoa rất xa, nhưng ở Trung Hoa
đều biết được cả. Đó là nhờ người Trung Hoa đương thời đã hiểu về
Toán-số, nên đã có thể đoán biết được tình hình lúc ấy.
Tính từ đời vua Chu-Mục-Vương đến vua
Minh-Đế nhà Hậu-Hán, thời gian cách nhau ước khoảng 1.000 năm. Nằm mộng thấy
Đức Phật vào năm Vĩnh-Bình thứ 3, thì đến niên hiệu Vĩnh-Bình thứ 7, nhằm
năm Giáp-tý, Hán-Minh-Đế truyền lệnh cho ba người là Thái-Ấm, Tần-Cảnh, và
Vương-Tuân mang theo 18 người khác nữa, cùng nhau sang Ần Độ tìm cầu
Phật pháp. Tại Trung Ần, họ gặp được Tôn giả Ca-Diếp-Ma-Đằng và Tôn
giả Trúc-Pháp-Lan. Sau đó, hai tôn giả cùng theo phái đoàn của Thái-Ấm,
Tần-Cảnh và Vương-Tuân trở về Trung Hoa. Tất cả về đến kinh đô Lạc-dương
vào niên hiệu Vĩnh-Bình thứ 10, tức năm Đinh-mão. Vì lúc đến hai Ngài dùng
ngựa trắng để chở kinh sách, nên vua Hán-Minh-Đế cho cất một ngôi chùa đặt
tên là chùa Ngựa Trắng (Bạch Mã Tự).
Đến ngày mùng một tháng năm, niên hiệu
Vĩnh-Bình thứ 14, thì nhóm đạo sĩ từ dãy Ngũ-nhạc-sơn của Trung Hoa rầm
rộ kéo tới gây trở ngại cho Phật giáo. Và như đã tường thuật ở trên, họ
đòi thiêu đốt kinh sách của đôi bên. Kết quả là tất cả kinh sách của
Đạo giáo đều bị cháy sạch, trong khi kinh sách của Phật giáo thì lại không
hề hấn gì cả! Xá lợi của Đức Phật còn phóng ra hào quang năm màu sáng rực
cả bầu trời; và từ trên không trung, các đạo hào quang ấy kết tụ lại trông
như một cái tàn khổng lồ bằng ánh sáng bao trùm lấy đại chúng! Trước cảnh
tượng kỳ diệu ấy, mọi người đều đồng lòng kính tin Phật giáo.
kinh tựa
Kinh Văn:
Hán Văn:
Thế Tôn thành Đạo dĩ, tác thị tư duy: "Ly dục tịch tịnh,
thị tối vi thắng!" Trụ đại Thiền định, hàng chư ma đạo. Ư Lộc-dã
uyển trung, chuyển Tứ-Đế-Pháp-Luân, độ Kiều-Trần-Như đẳng ngũ nhân, nhi
chứng Đạo quả. Phục hữu Tỳ-khưu sở thuyết chư nghi, cầu Phật tiến chỉ.
Thế-Tôn giáo sắc, nhất nhất khai ngộ, hiệp chưởng kính nặc, nhi thuận
Tôn-sắc.
Dịch Nghĩa: Sau khi Đức Thế-Tôn thành Đạo, Ngài suy nghĩ rằng: "Xa lìa
dục vọng, được sự tịch tịnh, là thù-thắng nhất!" Rồi Ngài trụ trong
Đại Thiền-định mà hàng phục ma đạo. Tại vườn Lộc-dã, Ngài chuyển
Pháp-luân Tứ Đế, độ nhóm năm người của Tôn giả Kiều-Trần-Như đều chứng
được Đạo quả. Lại có thầy Tỳ-khưu bày tỏ các chỗ còn nghi ngờ, cầu Phật
dạy bảo sự tiến chỉ. Đức Thế-Tôn ban giáo sắc khiến ai nấy đều được khai
ngộ. Các ngài cung kính chắp tay vâng lời, tuân thuận sự chỉ dạy của Đức
Thế-Tôn.
Lược giảng:
Sau khi Đức Thế-Tôn thành Đạo...
"Thế-Tôn" là một trong mười danh hiệu của Phật; và ở đây, Đức
Thế-Tôn chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khi Đức Phật ngồi dưới cội cây
Bồ-đề và nhân trông thấy vì sao sáng trong đêm tối mà ngộ đạo rồi, Ngài
suy nghĩ rằng: "Xa lìa dục vọng, được sự tịch tịnh là thù thắng
nhất!" Đức Phật tự nghĩ "Ta nên độ ai trước? Ta nên làm việc gì
trước?". "Xa lìa dục vọng" nghĩa là không còn dục niệm, không
còn cái pháp nhiễm ô, nhơ bẩn. "Được sự tịch tịnh" nghĩa là trở
nên trong sạch, không có sự tạo tác, lúc nào cũng ung dung tự tại, như như
bất động. Đó là điều thù thắng nhất, không thể nghĩ bàn nhất!
Rồi Ngài trụ trong Đại Thiền-định mà
hàng phục ma đạo. Ở trong Đại Thiền-định là một điều hết sức thù
thắng. Trong lúc an trụ trong Đại Thiền-định, Đức Phật có thể khiến cho tất
cả bè lũ ma vương và kẻ ngoại đạo đều phải chịu đầu hàng, quy phục.
Tại vườn Lộc-dã. Sau khi nghĩ và quán
xét, Đức Phật thấy rằng nhóm năm người của Tôn giả Kiều-Trần-Như cần
được độ trước nhất, nên Ngài bèn đến ngay vườn Lộc-dã để gặp họ và
tại nơi này, Ngài chuyển Pháp-luân Tứ Đế. Tứ Đế tức là Khổ, Tập, Diệt
và Đạo. Trong đó, Khổ là quả thế gian, Tập là nhân thế gian, Diệt là quả
xuất thế gian, và Đạo là nhân xuất thế gian. Khổ, Tập, Diệt và Đạo được
gọi là Pháp Tứ Đế.
Sau khi thành Phật, Đức Phật thuyết Kinh
Hoa Nghiêm để độ các vị pháp thân Đại sĩ. Ngài nhận thấy rằng hạng phàm
phu chưa thể lãnh hội được giáo pháp vĩ đại này; thật là:
Hữu nhãn bất kiến Lô-Xá-Na,Hữu nhĩ bất văn Viên-Đốn Giáo.(Có mắt mà chẳng thấy được Phật Xá-Na,Có tai mà chẳng nghe được giáo pháp Viên-Đốn!)
Vì thế, Đức Phật phải tìm đến vườn
Lộc-dã. Khu vườn ấy sở dĩ được gọi là vườn Lộc-dã hay vườn Nai là vì
có hai con Nai chúa sinh sống và giáo hóa cả đàn nai tại đó. Khi giảng Kinh
Lăng Nghiêm, tôi đã thuật lại công án này rất cặn kẽ; quý vị nào muốn
biết rõ thêm thì có thể tìm xem trong bộ Kinh Lăng Nghiêm Lược Giảng.
Lúc bấy giờ, cả năm Tôn giả: Mã-Thắng
(Ashvajit), Tiểu Hiền (Subhadra), Ma-Ha-Nam (Mahanama-kulika), Kiều-Trần-Như
(Ajnata-kaundinya) và Thập-Lực-Ca-Diếp (Dashabala-kashyapa) đều đang tu hành tại
vườn Lộc dã. Năm người này truớc kia đều ở chung với Phật và đều là bà
con thân thích của Ngài. Ba Tôn giả Mã-Thắng, Tiểu-Hiền và Ma-Ha-Nam là bà
con bên nội của Phật; còn hai ông Tôn giả Kiều-Trần-Như và Thập-Lực-Ca-Diếp
là bà con bên ngoại và đều là cậu của Phật. Năm người này vốn do phụ
thân của Phật phái đến để hầu hạ Phật. Nhưng về sau, Tôn giả
Kiều-Trần-Như và Thập-Lực-Ca-Diếp vì không chịu nổi sự khổ hạnh nên bỏ đi
trước. Kế đến, ba Tôn giả Mã-Thắng, Tiểu-Hiền và Ma-Ha-Nam do thấy Phật thọ
nhận bát cháo cúng dường của thiên nữ, ngỡ rằng Phật không thể nào tu khổ
hạnh được nữa, nên cũng bỏ đi. Và, tất cả đều đi đến vườn Lộc-dã. Do
đó, sau khi thành Đạo, Đức Phật liền đi tìm năm ông thị giả này và độ
họ trước nhất.
Sau khi Đức Phật thành Đạo và thuyết
xong Kinh Hoa Nghiêm, Ngài quán sát tất cả những cơ duyên cần phải độ, những
chúng sanh cần phải cứu vớt. Khi biết được rằng nhóm năm người của Tôn
giả Kiều-Trần-Như cần phải cứu độ trước nhất, Ngài liền tới ngay vườn
Lộc-dã để chuyển Pháp-luân Tứ Đế.
"Chuyển" tức là triển-chuyển
nghĩa là xoay vần, lăn chuyển không ngớt.
"Tứ Đế" là Khổ, Tập, Diệt và
Đạo.
"Pháp" là phương pháp, phép
tắc.
"Luân" nghĩa là bánh xe. Bởi
các Pháp do Đức Phật thuyết giảng đều là từ trong tâm tánh của Ngài tuôn
trào ra, rồi lại luân lưu vào tâm khảm chúng sanh, khiến cho chúng sanh thức
tỉnh mà lìa bỏ bến mê để quay về bến giác, cho nên gọi là "luân".
Chữ "luân" còn bao hàm ý nghĩa "tồi phục" - "tồi
phá" làm bể nát; và "phục" là hàng phục, làm cho kẻ khác phải
chịu đầu hàng, vâng theo. Bánh xe có thể nghiến dập nát và cán vỡ vụn
những thứ cứng rắn, ngay cả sự kiên cố của ngoại đạo và ma vương! Đó là
ý nghĩa của chữ "luân".
Pháp Tứ Đế là giáo pháp đầu tiên mà
Đức Phật thuyết giảng ở thế gian này. Pháp luân Tứ Đế được chuyển ba
lần, gọi là Tam Chuyển Pháp-luân Tứ Đế:
1. Thị chuyển Pháp-luân Tứ Đế:
Lần chuyển thứ nhất gọi là Thị chuyển. "Thị" nghĩa là chỉ thị, chỉ
bảo cho mà biết; bởi vì chúng ta không hiểu nên Đức Phật phải chỉ dẫn,
phải nói cho chúng ta hiểu. Thế nào gọi là Thị chuyển? Đó là chỉ rõ, cho
biết về Pháp Tứ Đế. Thị chuyển còn được gọi là Sơ chuyển (lần chuyển
đầu tiên), bởi Đức Phật vừa bắt đầu chuyển Pháp luân. Bấy giờ Đức Phật
dạy:
Đây là Khổ, tánh bức bách;
Đây là Tập, tánh chiêu cảm;
Đây là Diệt, tánh khả chứng;
Đây là Đạo, tánh khả tu.
"Đây là Khổ, tánh bức bách."
Bức bách như thế nào? Cái Khổ rất lợi hại, nó làm cho quý vị cảm thấy khổ
sở, đau đớn đến nỗi thở không ra hơi. Aịp bức, đè ép, dày vò con người
một cách ghê gớm chính là tánh cách bức bách của Khổ. Có bao nhiêu thứ
khổ? Có Tam Khổ (Ba mối khổ), Bát Khổ (Tám mối khổ) và vô lượng vô biên
nỗi khổ khác nữa.
Tam khổ là ba nỗi khổ: Khổ-khổ,
Hoại-khổ, và Hành-khổ.
a) Khổ-khổ: Thế nào là
Khổ-khổ? Khổ-khổ tức là nỗi khổ này chồng chất lên nỗi khổ khác, trong mối
khổ nọ còn thêm vào mối khổ kia. Thứ khổ này thường xảy đến cho hạng
người nào?
Như có những người hết sức nghèo túng
- họ nghèo nàn, túng thiếu đến độ ăn thì ăn không đủ no, mà mặc cũng
mặc không đủ ấm, nên phải vừa chịu đói lại vừa chịu lạnh. Tuy vậy, họ
vẫn có được một mái nhà lụp xụp bằng gỗ, nên mặc dù thiếu ăn thiếu mặc,
nhưng đêm đến họ còn có nơi có chỗ mà ngủ; như thế, thiết tưởng cũng
không đến nỗi tệ lắm! Thế rồi, rủi ro có cơn giông bão thổi qua hoặc trận
mưa to trút xuống làm nhà cửa sập đổ ngổn ngang, khiến họ không còn nơi
trú ẩn nữa. Đã ăn chẳng được no, mặc chẳng được ấm, bây giờ lại lâm
vào cảnh màn trời chiếu đất, chẳng chốn nương thân! Quý vị thử nghĩ xem,
như thế có phải là khổ hay không chứ?
Hoặc có người tuy có được chỗ ở và
cũng được đủ ăn, nhưng lại không có đủ áo quần mà mặc; thì đó cũng
là một cảnh ngộ của nỗi khổ này xen lẫn trong nỗi khổ khác. Hoặc là mặc dù
có đủ áo quần đắp đổi và có chỗ ở hẳn hoi, song lại không có cơm ăn;
thì đó cũng là một trong những tình cảnh của cái khổ nọ chồng chất lên
cái khổ kia vậy!
Những trường hợp ấy cũng gọi là
"bần cùng khốn khổ", nỗi khổ do sự nghèo nàn, túng quẫn gây ra. Nỗi
khốn khổ vì bần cùng này thì không dễ gì mà chịu được, bởi nó bức bách,
hành hạ con người một cách rất đáng sợ!
b) Hoại-khổ: Như vậy, kẻ
giàu sang phú quý thì không khổ sao? Có chứ! Kẻ giàu sang thì phải chịu
đựng Hoại-khổ, cái khổ vì sự suy tàn, lụn bại.
Như có người rất giàu sang, lắm bạc
nhiều tiền, bị bọn cướp bắt cóc. Bọn chúng dò xét xem sản nghiệp của
người ấy giá trị khoảng bao nhiêu - giả sử tài sản của người ấy ước
chừng năm triệu đồng, thì chúng sẽ đòi tiền chuộc mạng là sáu triệu
đồng. Như vậy, người ấy phải vay thêm một triệu đồng nữa mới đủ số mà
dâng nạp cho bọn tống tiền để được thoát thân. Thế thì, đó không phải
là sự phú quý đang bị hủy hoại, sụp đổ hay sao? Cho nên, đó gọi là
"phú quý hoại khổ", nỗi đau khổ, xót xa vì sự suy sụp, tàn lụn của
cảnh giàu sang!
c) Hành-khổ: Quý vị có
thể không phải chịu đựng nỗi bần cùng khốn khổ và cũng không phải đương
đầu với phú quý hoại khổ; thế nhưng, quý vị vẫn phải trải qua tiến trình
của đời người - sanh ra rồi lớn lên, lớn lên rồi già đi, già rồi thì ắt
chết, niệm niệm biến đổi, tưởng nghĩ liên tục, mải miết không ngừng. Đó
gọi là Hành-khổ - nỗi khổ đau, dằn vặt bởi vì sự biến chuyển.
Đó là nói về Tam Khổ. Còn về Bát khổ,
tức là tám nỗi khổ, thì gồm có:
Sanh khổ (nỗi khổ của sự
sanh ra đời);
Lão khổ (nỗi khổ của sự
già nua);
Bệnh khổ (nỗi khổ của
đau ốm, bệnh tật);
Tử khổ (nỗi khổ của sự
chết);
Ái biệt ly khổ (nỗi khổ
vì phải xa lìa những gì mà mình yêu thích);
Oán tắng hội khổ (nỗi
khổ vì phải gần gũi với những gì mà mình chán ghét)
Cầu bất đắc khổ (nỗi
khổ do mong cầu mà không được toại ý);
Ngũ ấm xí thạnh khổ (nỗi
khổ vì năm ấm1 hưng thạnh, thiêu đốt tâm thần.)
Vì ngoài các mối khổ này ra vẫn còn có
vô số mối khổ khác nữa, nên Đức Phật dạy: "Đây là Khổ, tánh bức
bách."
"Đây là Tập, tánh chiêu cảm."
"Tập" ở đây tức là tập trung, tích lũy phiền não. Tích tập phiền
não là một loại có tánh chiêu cảm. Một khi trong lòng chúng ta có phiền não,
thì phiền não ở bên ngoài sẽ lũ lược kéo tới; và nếu thâm tâm quý vị
chất chứa tham, sân, si, thì những chuyện không ưng ý từ bên ngoài sẽ đổ
xô lại. Do đó, Đức Phật dạy: "Đây là Tập, tánh chiêu cảm."
"Đây là Diệt, tánh khả chứng."
Diệt là tịch diệt. Tịch diệt (quietude) đem đến an lạc. Sự an lạc này mỗi
chúng ta đều có thể chứng nghiệm được, bởi vì tánh nó là "khả
chứng".
"Đây là Đạo, tánh khả tu."
Ở đây, "Đạo" tức là Giới-đạo, Định-đạo và Huệ-đạo. Nói
một cách chi tiết hơn, thì "Đạo" là Ba Mươi Bảy Phẩm Đạo, và đó
là: Thất Bồ Đề, Bát Chánh Đạo, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh
Cần, và Tứ Như Ý Túc. "Đạo" vốn tánh khả tu, nghĩa là quý vị
đều có thể tu Đạo!
Trên đây là lần chuyển Pháp-luân Tứ
Đế đầu tiên, và được gọi là Sơ-chuyển hay Thị-chuyển.
2. Khuyến-chuyển Pháp-luân Tứ
Đế: Lần chuyển Pháp-luân Tứ Đế thứ nhì gọi là Khuyến-chuyển
Pháp-luân Tứ Đế. Đức Phật dạy:
"Đây là Khổ, ông nên biết;
Đây là Tập, ông nên dứt;
Đây là Diệt, ông nên chứng;
Đây là Đạo, ông nên tu."
Đó là Khuyến-chuyển. Đức Phật khuyên
nhủ, khuyến khích mọi người tu học Pháp Tứ Đế. Lần chuyển Pháp-luân Tứ
Đế này được gọi là Khuyến-chuyển.
3. Chứng-chuyển Pháp-luân Tứ Đế:
"Đây là Khổ, Ta đã biết;
Đây là Tập, Ta đã dứt;
Đây là Diệt, Ta đã chứng;
Đây là Đạo, Ta đã tu."
Lần chuyển Pháp-luân Tứ Đế thứ ba
Chứng-chuyển Pháp-luân Tứ Đế. Đức Phật dạy: "Ta không những chỉ dạy
các ông nên nhận biết Khổ, dứt trừ Tập, mến chuộng Diệt và tu học Đạo, mà
còn cho các ông biết rằng: "Đây là khổ, Ta đã biết. Đây là Tập, Ta
đã dứt." Tập chính là phiền não và Ta đã cắt đứt phiền não rồi.
Không phải là Ta bảo các ông dứt trừ phiền não còn riêng Ta thì khỏi phải
đoạn tuyệt chúng đâu. Ta nay cảm thấy rất tự tại, thanh thản là nhờ đã
dứt bỏ mọi phiền não. Cho nên, Ta khuyên các ông hãy dứt trừ phiền não và
nhận thức cái khổ do phiền não mang lại. Đây là Diệt, Ta đã chứng. Ta đã
chứng đắc trạng thái an lạc của sự tịch diệt rồi. Do đó, bây giờ Ta nói
cho các ông biết là các ông cũng cần phải đạt được sự an lạc của cảnh
giới tịch diệt. Đây là Đạo, Ta đã tu. Ta đã hoàn tất việc tu Đạo rồi,
và Ta không cần phải tu thêm nữa. Giờ đây, Ta mong rằng tất cả các ông đều
có thể nhận biết Khổ, dứt trừ Tập, mến chuộng Diệt và tu học Đạo."
Độ nhóm năm người của Tôn-giả
Kiều-Trần-Như đều chứng được Đạo quả. Trong thời kỳ Tam chuyển Pháp-luân
Tứ Đế, Tôn-giả Kiều-Trần-Như (A-Nhã Kiều-Trần-Như) vừa nghe được giáo
pháp do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng là lập tức khai ngộ, chứng
Thánh quả; do đó, Ngài được gọi là Giải-Bổn-Tế (hiểu rõ chỗ gốc) hay
Tối-Sơ-Giải (hiểu trước nhất). Vì sao Tôn-giả Kiều-Trần-Như lại được khai
ngộ trước tiên?
Trong thời quá khứ, khi Đức Phật Thích
Ca còn ở nhân địa và là một tiên nhân tu hạnh nhẫn nhục, Ngài bị vua Ca
Lợi chặt đứt cả hai tay và hai chân rồi hỏi rằng: "Tiên nhân có oán
hận ta chăng?" Bấy giờ, Tiên Nhẫn nhục đáp: "Không oán hận!"
Vua Ca Lợi gạn hỏi: "Vậy có gì có thể chứng minh là tiên nhân thực sự
không sân hận?" Tiên Nhẫn nhục bèn lập nguyện: "Nếu tôi có lòng
oán hận nhà vua, thì hai chân và hai tay này sẽ không bao giờ liền lại như
xưa được nữa. Còn nếu tôi quả thật chẳng mảy may oán hận, thì những tay
chân đã bị nhà vua chặt đứt sẽ mọc lại nguyên vẹn như trước!" Tiên
nhân vừa dứt lời thì tứ chi liền mọc ra trở lại. Sau đó, Tiên Nhẫn nhục
phát nguyện: "Nguyện rằng khi tôi thành Phật, tôi sẽ độ nhà vua trước
nhất, bởi vì nhà vua đích thực là Thiện-tri-thức của tôi!"
Trong kiếp quá khứ ấy, Tôn giả
Kiều-Trần-Như là vua Ca Lợi, còn vị Tiên Nhẫn nhục thuở đó nay là Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì thế mà sau khi thành Phật, Đức Phật ngẫm nghĩ:
"Ta nên độ ai trước bây giờ? À, phải rồi! Ta cần phải độ kẻ đã chặt
đứt tay chân Ta thuở nọ trước nhất!" Và, khi Đức Phật đến thuyết pháp
cho Tôn giả Kiều-Trần-Như nghe thì Tôn giả liền khai ngộ.
Tiếp đến, Đức Phật giảng về trì Giới,
bố thí như thế nào, làm sao để giữ Giới - và làm thế nào để được sanh
lên cõi trời. Ngài mạnh mẽ bài bác dục-vọng: "Có dục niệm là không
đúng, là không trong sạch. Phải trừ bỏ dục vọng thì mới được thanh tịnh,
và mới có thể đạt được sự an vui chân chánh!" Ngay lúc đó, cả hai
Tôn giả A-Bệ-Bà (tức Tỳ-khưu Mã-Thắng) và Bạt-Đề (tức Ngài Tiểu-Hiền)
đều khai ngộ. Đây là đợt khai ngộ thứ nhì.
Rồi Đức Phật lại thuyết giảng vô số
pháp môn khác, và khi ấy, hai Tôn giả Câu-Lợi (tức Ngài Ma-Ha-Nam) và
Thập-Lực-Ca-Diếp cũng đều khai ngộ. Đó là đợt thứ ba.
Như vậy, năm Tôn giả này là những
người đầu tiên xuất gia làm Tỳ-khưu, đồng thời cũng là những người khai
ngộ và chứng được Tứ quả A-la-hán trước nhất. Vì thế, trong kinh chép là:
"Độ nhóm năm người của Tôn giả Kiều-Trần-Như đều chứng được Đạo
quả."
Lại có thầy Tỳ-khưu bày tỏ các chỗ
còn nghi ngờ. Sau đó, có nhiều thầy Tỳ-khưu khác hướng về Phật mà thỉnh
Pháp, xin hỏi Phật về những chỗ nghi nan, khúc mắc và những đạo lý mà họ
chưa hiểu rõ, và cầu Phật dạy bảo sự tiến chỉ. Các thầy Tỳ-khưu xin Phật
quyết định giùm, xem trong việc hành trì đó họ nên tiến tới hay nên dừng
lại. Họ thỉnh cầu Phật ban cho họ một sự quyết định.
Đức Thế Tôn ban giáo sắc. Đức Thế Tôn
tức là Đức Phật, "Giáo" là giáo hóa, và "Sắc" là sắc
lệnh. Đức Phật ban hành mệnh lệnh để dạy bảo cảm hóa họ.
Khiến ai nấy đều được khai ngộ. Đức
Phật khai thị và giáo hóa họ, nên thầy Tỳ-khưu nào cũng khai ngộ cả. Sau
đó, các ngài cung kính chắp tay vâng lời, tuân thuận sự chỉ dạy của Đức
Thế Tôn. Ai nấy đều chắp tay lại, kính cẩn vâng theo lời dạy của Đức Thế
Tôn và tùy thuận theo những đạo lý do Ngài chỉ dạy mà tu hành.
Vì cứ đinh ninh rằng mọi người đều
hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ "Tỳ-khưu" rồi, nên tôi đã bỏ qua,
không giải thích. Tôi cũng không ngờ là có người vẫn còn chưa hiểu lắm.
"Tỳ-khưu" (Bikshu) vốn là tiếng
Phạn, và có ba nghĩa: Phá-ác, Bố-ma, và Khất-sĩ. Vì bao hàm tới ba nghĩa,
cho nên nếu dịch "Tỳ-khưu" là Khất-sĩ thì thiếu mất nghĩa Phá-ác
và Bố-ma; mà nếu dịch là Phá-ác thì lại thiếu mất nghĩa Bố-ma và Khất-sĩ.
Như vậy, từ ngữ "Tỳ-khưu" thuộc loại chứa đựng nhiều nghĩa và do
đó không cần dịch ra. Đây là một trong năm loại từ ngữ không nên phiên
dịch.
Có năm loại từ ngữ mà khi phiên dịch
kinh điển chúng ta không nên dịch ra đó là:
1. Đa hàm bất phiên (từ
ngữ nào bao hàm nhiều nghĩa thì không nên dịch):
2. Tôn trọng bất phiên
(từ ngữ nào được dùng vì sự tôn trọng thì không nên dịch);
3. Thử phương vô bất phiên
(những từ ngữ chỉ các thứ mà nơi này không có thì không nên dịch);
4. Thuận cổ bất phiên
(những từ ngữ được dùng là do tùy thuận theo lề lối xưa thì không nên
dịch);
5. Bí mật bất phiên (từ
ngữ nào chứa đựng các ý nghĩa bí mật thì không nên dịch).
Vậy, do có ba nghĩa nên từ ngữ
"Tỳ-khưu" được giữ nguyên theo âm tiếng Phạn (Bhikshu) và không
dịch ra. Ba nghĩa của từ ngữ "Tỳ-khưu" là:
1. Phá-ác. Chúng ta có
phiền não, đó là ác. Tỳ-khưu là người phá hủy cái ác.
2. Khất-sĩ (người đi
xin). Tỳ-khưu là người:
Thượng khất Pháp ư chư Phật,
Hạ khất thực ư chúng sanh.
(Trên, xin Pháp của chư Phật,
Dưới, xin cơm của chúng sanh.)
Thầy Tỳ-khưu xin Pháp của chư Phật để
làm tăng trưởng huệ-mạng của mình, và xin thức ăn của chúng sanh là để
giúp chúng sanh trồng ruộng phước.
3. Bố-ma. Khi giới-tử lên
giới đàn để thọ Giới Tỳ-khưu, thì vị Hòa thượng Đắc-giới hỏi:
"Ngươi có phải là bậc đại-trượng phu không?" Giới tử dõng dạc
đáp: "Vâng, con là một đại-trượng phu!" Câu trả lời ấy khiến cho
hết thảy thiên ma ngoại đạo đều sợ hãi; cho nên Tỳ-khưu được gọi là
người làm cho chúng ma khiếp sợ.
Khi xuất gia làm Sa-di thì phải biết ý
nghĩa của từ ngữ Sa-di và Tỳ-khưu. Sau khi xuất gia, người Tỳ-khưu cần phải
biết làm thế nào để phá hủy cái ác và làm thế nào để đoạn trừ phiền
não. Phá hủy cái ác tức là đoạn trừ phiền não. Phiền não của mỗi người
chúng ta là thứ ác độc nhất.
Muốn biết một người nào đó có tu đạo
hay không, quý vị chỉ cần xét xem người ấy có còn tánh nóng nảy hay không
là biết được ngay. Người có tánh nóng nảy, dễ nổi giận, là người không
tu đạo! Phàm những người có tu đạo thì gặp bất cứ chuyện gì họ cũng nhẫn
nhịn, cũng chịu đựng được cả. Ai mắng họ, họ cũng nhẫn nhục được; ai
đánh họ, họ cũng nhẫn nhịn được; thậm chí có ai giết chết họ, họ cũng
vẫn nhẫn chịu được như thường! Bởi đó là những sự việc mà chúng ta cần
phải nhẫn nại, cố gắng chịu đựng! Ngoài sự nhẫn nhục, chúng ta còn cần
phải có trí huệ, cần phải có khả năng nhận thức.
Tỳ-khưu là một biểu hiện của tướng
xuất thế. Thầy Tỳ-khưu có thể "đoạn hoặc, chứng chân" - đoạn trừ
các mối hoặc của Tam Giới và chứng đắc quả vị A-la-hán chân chánh. Hôm nay
e rằng không đủ thì giờ, tôi nghĩ là phần Tỳ-khưu Chứng Quả đành phải
để sang ngày mai giảng tiếp vậy!
Tại đây có một Phật-tử học Phật pháp
cũng đã được bốn, năm năm nay rồi, mà mãi đến bây giờ mới được đặt
chân đến ngưỡng cửa Chùa Kim Sơn. Người này đã phải tìm kiếm trong bao
nhiêu năm trời mới tìm ra được Chùa Kim Sơn. Thật là không phải dễ! Có
rất nhiều người cũng lặn lội khắp nơi tìm học Phật pháp như thế, nhưng
không tìm thấy được một nơi chân chánh để theo học. Vì vậy, những người
từng đến Chùa Kim Sơn đừng nên cho rằng đó là một việc quá đơn giản,
quá dễ dàng. Không dễ gì mà đến được Chùa Kim Sơn đâu! Tất cả quý vị
cần phải đặc biệt lưu ý điều này.
chú thích:
Đề Mục:
-Kết tập Kinh Tạng: Cuộc nhóm hợp lớn
lao và chính thức của Giáo Hội Phật Giáo để soạn và duyệt kinh điển nhà
Phật.
-Ngữ lục: Sách ghi chép những lời nói
hay ho, thâm thúy.
-Đạo Giáo (hay Đạo Lão): Tôn giáo thờ
Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử) làm vị Nguyên Thủy Thiên Tôn, do Trương Đạo
Lăng đời nhà Hán đề xướng. Lão Tử chủ trương rằng Đạo là hư vô, vạn
vật đều do Đạo sinh ra, và muốn đạt đến mục đích của Đạo Giáo thì phải
"thanh tịnh, vô vi," nghĩa là phải giữ cho lòng được trong sạch, yên
lặng một cách tự nhiên. Những người học theo Đạo Giáo được gọi là Đạo
sĩ.
-Phép Độn-giáp: Phương pháp suy đoán
vận số đoán biết việc tương lai bằng cách dựa theo Lục-giáp tuần hoàn.
-Nhị thừa: Hai cỗ xe; tức là hai giáo
pháp Thanh Văn thừa (dạy về Tứ Diệu Đế để đắc quả A-la-hán), và
Duyên-Giác thừa hay Bích-Chi-Phật thừa (dạy về Thập Nhị Nhân Duyên;
giáo-pháp của người tự tu và tự ngộ quả Duyên-giác hay Độc-giác). Đối
với Đại-thừa hay Bồ-tát thừa thì Nhị-thừa cũng là Tiểu thừa.
-Nhà Hán (206BC-AD220):
Nhà Tiền-Hán, cũng gọi là nhà Tây-Hán
(206BC-AD24), do Hán-Cao-Tổ Lưu-Bang lập ra, truyền đến Hán-Bình-Đế thì bị
mất về tay Vương-Mãn. Tính ra nhà Tiền-Hán trải qua 12 đời vua, trị vì
được 210 năm, kinh đô đặt tại Trường-An (tỉnh Thiểm-Tây, Trung-Hoa).
Nhà Hậu Hán hay Đông Hán (25-220).
Hán-Quang Võ Lưu-Tú giết Vương-Mãn, gây dựng lại cơ nghiệp nhà Hán và dời
đô về Lạc-dương (tỉnh Hà-Nam, Trung Hoa). Nhà Hậu-Hán truyền được 12 đời
vua và trị vì được 196 năm thì bị mất về tay nhà Ngụy.
-Kinh Dịch: Sách giải thích về các lẽ
biến hóa trong vũ trụ.
Nguyên vua Phục-Hy đặt ra tám quẻ biến
đổi gọi là Bát quái; sau đó, Văn-Vương soạn ra lời Soán (đoán) để giải
rõ ý nghĩa trong quẻ, và Chu-Công làm thêm lời Hào. Về sau Khổng Tử thể theo
các ý đó mà giải thích rộng ra cho dễ hiểu, và gọi là Kinh Dịch, tức là
quyển sách chủ yếu nói về sự thay đổi. Chữ "Dịch" bao gồm ba ý
nghĩa là bất dịch (không thay đổi), giao-dịch (trao đổi cho nhau), và
biến-dịch (biến-hóa thay đổi).
-Quẻ Càn: Quẻ đầu tiên trong tám quẻ
Bát Quái (Càn, Khôn, Ly, Khảm, Chấn, Tốn, Cấn, Đoài). Càn là Trời; quẻ Càn
tiêu biểu cho tánh tình của Trời, hoàn toàn dương-cương, trung-chính, và
thông-thái, có tài đức.
-Cửu Ngũ-Phi Long Tại Thiên, Lợi Kiến
Đại Nhân (9:5 Rồng bay giữa trời, may gặp đại-nhân):
Cửu (9) là hào dương và Ngũ (5) là vị
dương; dương hào ở dương vị là đắc chính. Quẻ Càn Cửu Ngũ tượng trưng
cho sự cương-kiện và đức tánh trung-chính của bậc đại-nhân ở địa vị cao
quý nhất, tượng trưng cho con rồng bay giữa trời; đây là một hào tốt nhất.
Hào Cửu Ngũ tượng rồng bay;
Đức Trời tròn vẹn đứng ngay ngôi Trời.
Bậc đại-nhân Cữu Ngũ có đức lớn như
trời đất, sáng suốt như mặt trời mặt trăng, khéo sắp xếp mọi việc có thứ
tự trước sau như thời tiết bốn mùa, biết được việc lành dữ in như quỷ
thần, đón biết được ý Trời và làm trước mà Trời vẫn phải nghe theo, thấy
được ý Trời đã rõ nên dù làm theo sau Trời mà lại như Trời làm. Đối
với bậc đại-nhân như thế, Trời hãy còn nghe theo huống gì là người và quỷ
thần? (theo Chu-Dịch, Sào Nam Phan-Bội-Châu, trang 6).
Kinh Tựa:
-Đại Định: Sự quán tưởng bền bỉ, lâu
dài, thân tâm chẳng hề động đậy, chỉ chuyên chú vào một cảnh. Đây là sự
Định của bậc thành Đạo.
-Pháp thân Đại-sĩ: Hàng Bồ Tát.
-Đức Phật Tỳ-Lô-Xá-Na (Vairochana
Buddha): Dịch là Đại-Nhật-Phật, là vị Giáo chủ của cõi Tịnh Độ Liên Hoa
Đài Tạng ở phương Đông (đối với cõi Ta Bà của Đức Phật Thích-Ca).
-Viên-đốn Giáo: Thứ giáo pháp viên
mãn, đầy đủ, mà lại mau lẹ. Đây là giáo lý của tông Thiên-Thai, dạy cho
đầy đủ một cách cấp tốc, dạy cho mau chóng thành Phật, chứ không dạy lần
lược từ Tiểu-thừa rồi mới đến Đại-thừa.
-Lộc-dã uyển: Một khu vườn ở gần thành
Ba-la-nại. Cũng gọi là Lộc-dã viên, Lộc-uyển, Lộc-viên, vườn Lộc-dã, vườn
Lộc, hay vườn Nai.
-Tứ Niệm Xứ: Bốn phép quán tưởng về
bốn vô-thường, vô-lạc (khổ), vô-ngã, bất-tịnh:
-Thân niệm xứ, hay Quán thân bất tịnh.
-Thọ niệm xứ, hay Quán thọ thị khổ.
-Tâm niệm xứ, hay Quán tâm vô thường.
-Pháp niệm xứ, hay Quán pháp vô ngã.
-Tứ Chánh Cần (bốn pháp siêng năng
chánh đáng):
-Vị sanh thiện căn, linh sanh (chưa sanh
thiện căn thì làm cho sanh)
-Dĩ sanh thiện căn, linh trưởng (đã sanh
thiện căn thì làm cho tăng trưởng)
-Vị sanh ác, linh bất sanh (chưa sanh ác
thì làm cho không sanh).
-Dĩ sanh ác, linh tiêu diệt (đã sanh ác
thì làm cho tiêu diệt).
-Tứ Như-Ý Túc (hay Tứ Thần Túc) là bốn
phép thần-thông:
-Dục Như-Ý-Túc: Lòng muốn có phép thần
thông.
-Niệm Như-Ý Túc: Lòng niệm thần thông.
-Tinh-Tấn Như-Ý-Túc: Giữ gìn ý tưởng
luôn hăng hái, siêng năng.
-Tư-Duy Như-Ý-Túc: Suy nghĩ về thần
thông, tham cứu đạo-lý.
-Ngũ-Căn: Tín, Tinh-Tấn, Niệm, Định,
Huệ.
-Ngũ-Lực: (Năm Sức): Tín, Tinh-Tấn,
Niệm, Định, Huệ.
-Thất Bồ-Đề Phần (Bảy Giác-Ngộ):
Trạch-Pháp Giác, Tinh-Tấn Giác, Hỷ-Giác, Trừ-Giác, Xả-Giác, Định-Giác,
Niệm-Giác.
-Bát Chánh Đạo (Tám Phần Chánh Đạo):
Chánh-Kiến, Chánh-Tư-Duy, Chánh-Ngữ, Chánh-Nghiệp, Chánh-Mạng, Chánh-Tinh-Tấn,
Chánh-Niệm, Chánh-Định.
-Đại Trượng Phu: Đại là lớn,
trượng-phu là người trai tráng, hàng nam tử. Đại trượng-phu là bậc nam tử
cao trổi hơn người thường về sức hùng dũng, phước đức, trí huệ.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment