Hiện tại chuyện tối quan trọng là thế giới quá đầy bọn tiểu quỷ,
không biết bao nhiêu mà kể. Vì sao tụi tiểu quỷ nhiều như vậy? Bởi vì
người ta phá thai nhiều quá. Thai nhi chưa thành hình mà đã bị giết rồi,
nên khi làm quỷ chúng có tâm báo thù rất nặng nề. Do đó giới sát, phóng
sinh, ăn chay thì bao quát không được phá thai. Những tiểu quỷ thật
không dễ độ thoát chúng đâu, rằng: Diêm Vương dễ gặp, tiểu quỷ khó độ.
HT Tuyên Hoá
Khi bạn có lòng lo sợ thì dù bạn không muốn ma lại, ma cũng sẽ tới. Bạn
không có tâm lo sợ, thì dù ma muốn tới cũng không thể nào tới. Đây là bí
quyết quan trọng nhất: đừng có sợ hãi. Khi bạn không sợ hãi thì tâm sẽ chính. Chính thì có thể hàng phục mọi thứ, bởi vì tà bất thắng chính. Vì thế ma sợ nhất chính là bốn chữ: Chính đại quang minh.
Người minh tâm thì không ngu si. Kẻ kiến tánh thì không âu sầu. Tâm như gương sáng, lại cũng như nước lặng.
Các bạn nên: Tùy duyên để tiêu nghiệp cũ, chớ tạo thêm tội mới.
Kẻ tự mãn, (kiêu ngạo, cho mình quá tốt quá giỏi quá đủ) thì tuyệt
đối chẳng thành tựu được gì cả. Mình phải học: Có mà dường như không,
thật mà dường như giả. Có đạo đức cao thượng thì dường như chẳng có vẻ
gì cả. Kẻ chân chính có tài hoa, thì y có vẻ như chẳng có tài gì cả.
Sau đây là Sáu cái đừng:
Khi ngồi đừng đu đưa chân, rung đầu gối.
Khi đứng, đừng rung quần.
Khi đi đừng ngoái đầu.
Khi nói đừng lộ lưỡi.
Khi cười đừng cười lớn tiếng.
Khi nóng giận đừng la hét.
Phải tập: Suy nghĩ chín chắn rồi hãy nói, lòng vui rồi mới cười, thấy việc ấy có nghĩa mới làm.
Tất cả pháp hữu vi ở cõi đời này, thật sự là hết sức mỏng manh, không
chắc chắn gì hết. Chẳng có chuyện gì vĩnh viễn không biến hoại. Tất cả
mọi sự mọi vật không thứ gì kiên cố cả.
Chúng ta ai mà thường thường cứ nổi nóng tức giận, nổi lửa vô minh,
thì chính là đang ở trong lưới của ma. Làm sao thoát lưới ma? Rất dễ
dàng: Đừng nóng giận. Không nổi dóa, không có lửa vô minh, không sân
giận thì sẽ thoát lưới ma ngay.
Thân thể của mình là giả, thế sao mình cứ chấp trước nó hoài vậy? Vì sao mà cứ vì nó mà tạo tội nghiệp, chẳng thể buông bỏ.
Người tu đạo phải tu hạnh viễn ly: Viễn ly tài sắc danh thực thùy, viễn ly mọi thứ xấu ác. Gần gũi mọi thứ thiện.
Ai có thể hàng phục sáu căn, sáu trần, sáu thức khiến chúng nghe lời, không tạo phản, kẻ ấy là Bồ Tát.
Ai có thể quét sạch tình cảm, lòng không còn rác rưởi dơ bẩn, kẻ ấy là Bồ Tát.
Các vị phải thức tỉnh, giác ngộ đời người là vô thường. Con quỷ vô
thường không biết lúc nào sẽ tìm mình. Lúc ấy: Ngàn thứ chẳng đem theo
đặng, chỉ có nghiệp theo thân. Nếu bây giờ không dụng công thì đợi đến
lúc nào, đến kiếp nào mới tu đây?
Bạn nên biết rằng hai chữ danh và lợi làm hại tất cả người đời.
Không có lòng tham dục thì phiền não gì cũng chẳng có. Một khi có
lòng tham dục thì chuyện gì cũng xảy ra. Thế giới, vạn sự vạn vật vạn
loài, thứ gì cũng do lòng tham dục sinh ra cả.
Thật ra những thứ sơn yêu, thủy quái, tinh mỵ v.v... không phải là
chuyện phiếm đâu. Song nếu lật ngược vấn đề lại nhìn thì nếu mình giữ
lòng mình cho thanh tịnh, không có tà niệm, thì lúc nào cũng có thiên
long bảo vệ mình. Hãy kiên cố giữ tâm đừng để sơ hỡ, thì ma chướng từ
đâu mà lọt vào chớ.
Kẻ có trí huệ thì không có phiền não.
Dựa vào chân mà có vọng. Khi vọng hết thì chân hiện bày. Vọng chưa dứt thì chân không hiện.
Người học Phật chớ nên hễ nghe người ta khen là vui vẻ cao hứng lắm.
Nghe một câu không vừa ý thì phiền não vô cùng. Đó là biểu hiện chẳng có
định lực. Có định lực thì bạn không bị cảnh giới của tám gió làm lay
chuyển.
Lúc nào các bạn cũng phải tu hành, lúc nào cũng siêng năng cầu thoát ra khỏi cõi đời trần thế này.
Sinh tử nguy hiểm như vậy mà mình còn dám lười biếng sao! Lại còn ra
vẻ như chẳng có chuyện gì, tựa như rằng mình có định lực ghê lắm. Chẳng
phải đó là lãng phí thời gian sao?
Bậc đạo đức cao tăng xưa kia, thường thường tới một cách vô hình mà
ra đi cũng không dấu tích. Tới thì phiêu phiêu, đi thì hốt hốt. Tới như
gió thoảng, đi cũng như gió thoảng. (Tuy rằng đạo phong của các ngài
truyền lưu muôn thuở). Tới thì vô quái vô ngại, đi cũng vô quái vô ngại.
Siêng tu giới định huệ tức là người quân tử thì hướng về phía trước
mà tiến. Khi trừ diệt tham sân si thì mình không cần phải hướng xuống
nữa.
Ma vô cùng thông minh. Nó rình biết người kia có lòng tham muốn thứ
gì thì nó sẽ dùng phương pháp thích hợp để dụ hoặc người đó. Do đó người
tu hành chúng ta không cần thiết phải niệm chú gì đặc biệt, cũng không
dùng pháp môn gì. Chỉ cần mình chân thật, không tranh, không tham, không
mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi, cứ chăm chỉ khổ tu, thì không có
ma gì phá hại được bạn. Chỉ cần bạn có lòng tham, có lòng kiêu hãnh,
muốn chiếm tiện nghi, muốn tìm đường tu tắt, thì sẽ dễ dàng bị dính vào
ma sự.
Khi sinh tâm ô nhiễm , thì đó là thế giới Ta Bà.
Khi sinh tâm thanh tịnh, thì đó là thế giới Cực Lạc. Thế giới Lưu Ly và Cực Lạc không có gì khác biệt đâu.
Xây chùa không bằng xây người. Xây người không bằng xây Phật.
Bạn phải đang cơ (ngay lúc chuyện xảy ra) mà quyết định (phải làm
gì). Không nên ủy mỵ, trù trừ chẳng quyết, rồi cứ dây dưa mãi, khiến mất
đi thời cơ quý báu. Chớ nên lết chân chẳng quyết, phải mau chặt đứt
phiền não, liễu thoát sinh tử.
Trời đất không thể một ngày không hòa khí, lòng người không thể một
ngày thiếu hỉ thần (niềm vui). Ngày ngày mình phải mời hỉ thần tới tâm,
làm bạn với hỉ thần. Vậy thì mình sẽ không có phiền não. Điều này đối
với người tu cũng quan trọng lắm.
Mình phải dập tắt chiến tranh thế giới, không phải là phản đối chiến
tranh. Khi bạn có tâm phản chiến thì chiến tranh nơi thân bạn đã phát
sinh rồi. Khi bạn phản đối kẻ khác, hay phản kháng chiến tranh, thì
chiến tranh trong tâm bạn đã khởi dậy rồi.
Bạn không tin nhân quả báo ứng? Chờ tới khi nó đổ xuống đầu bạn, lúc ấy muốn trốn cũng trốn không kịp.
Ngồi kiết già là để dễ dàng nhập định. Nếu bạn có thể nhập định lúc
đi, thì ngồi hay không ngồi đều như nhau. Cảnh giới nhập định thì hoàn
toàn vắng lặng vọng tưởng, trong tâm không sinh một niệm, không nhiễm
bụi trần. Nếu bạn có thể trong lúc đi đứng nằm ngồi không sinh ý niệm
nào cũng chẳng nhiễm bụi trần gì thì đó chính là chỗ bạn dụng công.
Không phải rằng ngồi xuống mới gọi là dụng công.
Đừng nên bị những tướng hư giả làm điên đảo.
Không thể nhầm lẫn trong lý nhân quả, không thể đình trệ trong việc tu hành.
Người tu hành thì lánh xa danh lợi. Họ xem phú quý như những giọt
sương giữa khóm hoa. Họ xem công danh như hơi nước trên mái ngói, trong
khoảnh khắc sẽ tan biến mất dấu tích. Nếu bạn muốn trắc nghiệm xem người
nào đó có tu hành hay không thì hãy xem việc làm, hành động của người
đó có nhắm về danh với lợi chăng.
Không khóc không cười, đó gọi là định lực. Không có định lực thì mới hay khóc hay cười.
Nếu thường tinh tấn thì đó tức là ở trong định. Nếu bạn có thể tùy
thuận theo duyên bên ngoài mà không biến đổi, không thay đổi chí hướng
nhưng có thể thích ứng với hoàn cảnh, thì đó gọi là Kim Cang Định. Kim
Cang Định không phải là thứ có hình tướng, nó chỉ là tâm bồ đề không
biến hoại mà thôi.
Nếu mình thấu suốt được thất tình: Vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét,
ham muốn - thì có thể hàng phục nó. Đừng để chúng nổi sóng, nổi gió thì
tức là hàng phục tâm mình.
Hiện tại chuyện tối quan trọng là thế giới quá đầy bọn tiểu quỷ,
không biết bao nhiêu mà kể. Vì sao tụi tiểu quỷ nhiều như vậy? Bởi vì
người ta phá thai nhiều quá. Thai nhi chưa thành hình mà đã bị giết rồi,
nên khi làm quỷ chúng có tâm báo thù rất nặng nề. Do đó giới sát, phóng
sinh, ăn chay thì bao quát không được phá thai. Những tiểu quỷ thật
không dễ độ thoát chúng đâu, rằng: Diêm Vương dễ gặp, tiểu quỷ khó độ.
Người thiếu đức hạnh thì có tánh nóng rất lớn, vô minh ngu si cũng
sâu dày. Người có đức hạnh thì chẳng có nóng nảy gì cả, vô minh cũng đã
hóa trừ thành trí huệ. Do đó người tu hành phải tài bồi đức hạnh là vậy.
Người thường tự so sánh, cho rằng mình hơn kẻ khác. Kỳ thật, khi thân
tâm chưa đạt đến cảnh không thì họ đều chấp trước vào ngã tướng mà
thôi. Kẻ tham thiền phải trừ bỏ cái ngã. Chẳng những không có tướng hay
quan niệm về cái tôi, mà cần phải không có cái tâm, không có cái thân.
Khi thân tâm đều không, bạn sẽ làm vô tâm đạo nhân.
Khi chân chính chẳng có vọng tưởng thì bạn sẽ vãng sinh thế giới Cực
Lạc. Khi không có vọng tưởng thì sẽ không có phiền não, không có thống
khổ. Đó chính là thế giới Cực Lạc.
Nên biết thiểu dục tri túc (bớt tham muốn, biết mình đủ). Khi biết mình gì cũng đầy đủ thì sẽ không có gì rắc rối.
Mỗi người chúng ta không nên tụng suông Kinh Kim Cang, Kinh A Di Đà,
Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm. Mình phải tụng cho rõ ràng bộ kinh
trong tâm thì mới tốt. Bạn tụng bộ kinh chân thật tức là khi tâm chẳng
có đố kỵ, chẳng cống cao ngã mạn, chẳng chấp trước vào cái ngã một cách
nặng nề, chẳng chấp cứng vào kiến giải của mình thật sâu. Nếu bạn có
những tật xấu trên thì tuy bạn có tụng kinh nhưng bạn không biết tụng.
Người có tánh nóng nảy thì khổ. Người không có tánh nóng nảy thì
sướng. Người hay nổi giận thì có phiền não; kẻ không nóng giận thì
thường thường vui vẻ. Tánh nóng giận là kẻ thù lớn nhất của mình. Vì sao
người ta sinh bịnh? Bởi vì có nóng giận. Vì sao mọi chuyện không xảy ra
thuận lợi? Cũng bởi vì có sự nóng giận. Nếu người ta ở trong mọi thời
điểm, lúc nào cũng không nóng nảy giận dữ thì y lúc nào cũng vui sướng
khoái lạc, bình an.
Muốn tu đạo thì phải nuôi dưỡng đạo đức. Không có đức hạnh thì chẳng thể tu đặng.
Tu đạo cần mình phải thật thà. Nó cũng giống như xe tơ, cần phải từng sợi từng sợi kéo ra thì mới không rối loạn.
Đừng nên tìm phương pháp khoa học để đạt tới giác ngộ. Đừng nên làm cách thông minh.
Trên thân thể của mỗi người, ai cũng có vô lượng vô biên chúng sinh.
Nếu bạn có lòng tham thì những chúng sinh ấy cũng có tâm tham, nếu bạn
có lòng tức giận thì mỗi chúng sinh ấy cũng bắt chước nổi lòng tức giận.
Tánh tham sân si của mình có thể ảnh hưởng đến những chúng sinh ấy.
Những chúng sinh nhỏ ấy lại biến thành rất nhiều con, những con lớn lại
càng biến lớn hơn. Đó chính trăm ngàn ức hóa thân của bạn! Do vậy người
tu đạo, cử tâm động niệm phải sửa đổi thói xấu, tu thành thói tốt.
Ngũ ấm là xiềng xích cột người ta. Vì bị tứ đại, ngũ ấm che phủ nên mình mới không thể giải thoát.
Nếu không biết hòa nhã, khiêm cung thì làm sao cứu người. Có lẽ tự mình cũng chẳng cứu được nữa là.
Các bạn làm những người đồng tu , đạo hữu thì nên khuyến khích lẫn
nhau, cùng đi trên đường bồ đề. Không tổn hại lẫn nhau. Lúc nào mình
cũng nên nói pháp cho nhau nghe. Miệng không nói lời phi lễ, thân không
làm chuyện phi lễ.
Tu hành cần mình phải hồi quang phản chiếu (thâu hồi ánh sáng, chiếu
ngược vào tâm). Không phải là phóng quang ra ngoài để kêu người khác
nhận thức về mình.
Tu mà không tranh thì chẳng có ma. Tranh là ma tới liền.
Khi chọn bạn, mình phải chọn bạn tốt, bạn có ích lợi. Không nên chọn
bạn xấu rồi cùng nhau làm việc tệ hại, rồi sau này đôi bên đều cùng phải
đọa lạc.
Chưa tu thành thì hào quang còn non lắm. Hào quang như vậy thì còn
yếu ớt, chẳng thể kháng cự lại sóng gió bão táp. Khi hào quang viên mãn,
không thiếu không dư, thì lúc đó mới phóng quang. Hiện tại là giai đoạn
tu hành, bạn chớ phóng quang.
Lúc đang làm người không chịu tu cho tốt. Đến lúc làm trâu dê heo
ngựa thì có muốn tu cũng chẳng còn cơ hội. Lúc ấy bạn quỳ tại cửa chàng
đồ tể khóc lóc năn nỉ: Xin ngài từ bi, đừng giết mạng con! Chàng đồ tể
vẫn cứ giết chẳng tha. Do đó chỉ cần mình nghe tiếng rên siết thê thảm ở
nhà đồ tể là sẽ hiểu nguyên nhân của tai kiếp, chiến tranh từ đâu mà
ra.
Khi tu thì không nên tùy tiện nói bậy. Nếu không thì sẽ bị quả báo câm ngọng.
Địa chấn (động đất) có thể gọi là nhân chấn (động người) vì đất và
người thì thông nhau. Khi nhân chấn thì địa chấn. Nếu nhân không chấn
thì địa cũng không chấn. Bạn vui vẻ thì địa chấn, bạn nổi giận thì địa
cũng chấn. Bạn có bi ai, buồn lo, sợ hãi, yêu ghét, thì đều sinh địa
chấn. Khi có dục vọng, tình ái thì địa chấn càng lớn. Bên trong động nên
bên ngoài mới động. Có địa chấn bên trong thì mới có địa chấn bên
ngoài. Chúng có quan hệ liên đới. Bạn trồng nhân gây động đất bên trong
nên mới có động đất bên ngoài. Khi trồng nhân thì mình không sợ, lúc nó
kết thành quả thì mình mới sợ chết luôn.
Tu hành phải cần chăm chỉ cần khổ.
Phương pháp dụng công là phải niệm niệm hồi quang phản chiếu. Không
phải là niệm chú gì đâu, chỉ cần mình đi đứng nằm ngồi không rời nhà,
không chạy ra ngoài truy đuổi. Cũng không phải tìm kiếm nơi sách vở.
Cần chú ý tới cái không. Nếu bạn chân chính thể hội thì chuyện gì bạn
cũng không tham lam. Bởi vì tự bạn xưa nay vốn đầy đủ. Cái không này tức
là chân không. Từ trong nó phát sinh ra diệu hữu. Vì thế:
Không làm các việc ác (là chân không), làm hết các việc thiện (là diệu
hữu). Giới luật là khuôn phép để người tu nương theo mà tu hành. Khi đạt
tới "không" thì tất cả nghiệp chướng đều không, cũng chẳng có tội, chẳng có phước.
Ma từ bốn phương tám hướng lại thử thách người tu. Nếu ai cứ luẩn
quẩn trong vòng thị phi, nhân ngã, vui buồn, yêu ghét mà dụng công thì
ma sẽ thừa cơ, nương chỗ sơ hở đó mà chui vào.
Muốn sinh Cực Lạc thì phải thu nhiếp quét sạch mọi tình cảm.
Vì sao thế giới có chiến tranh? Khi người ta bắt đầu ăn thịt thì chiến tranh cũng bắt đầu. Ăn thịt cũng chính là ăn người.
Kẻ thấy lỗi lầm của ta, kẻ ấy là thầy ta. Những ai có thể nói ra
thói hư tật xấu của bạn, người ấy là vị thiện tri thức. Bạn nên cám ơn
người ấy, đừng nên nhìn họ như thù địch.
Người mê thì tin phong thủy, người trí tin tâm thủy. Tất cả đều do tâm tạo thành.
Người đời cho rằng học thì ở nơi chỗ rộng (như núi), nào hay rằng học
ở ngay chỗ nhỏ xíu (tâm mình) này đây. Nếu ai có đức hạnh thì phong
thủy tự nhiên tốt bởi vì tâm họ tốt.
Người trí thì nhìn suốt tới cái lý của sự việc, không bị ngăn trệ bởi
bề ngoài của sự việc. Người ngu chỉ nhìn thấy tướng trạng bên ngoài của
sự việc, chẳng thấy suốt được chân lý bên trong của mọi chuyện.
Nếu ai muốn biết chư Phật trong ba đời, hãy quán bản tánh của pháp giới: Tất cả đều do tâm tạo.
Muốn có trí huệ, trước hết đừng chửi bới người ta, cũng đừng đánh đập, giết chóc, tổn hại kẻ khác.
Mình phải lập công với đời, làm lợi cho người. Nếu chỉ toàn là tính
toán lợi ích cho mình, lo cho mình được sung sướng, thì đó nào phải là ý
nghĩa của việc làm người.
Tôi biết được điều gì? Tôi biết thế nào là chịu thua thiệt, không
chiếm tiện nghi. Nếu bạn thật sự hiểu rõ thì bạn sẽ biết rằng: Chịu thua
thiệt chính là được tiện nghi (thắng thế), mà chiếm tiện nghi (giành
hơn, giành thắng) chính là bị thua thiệt.
Không phải dễ sửa những lỗi lầm tật xấu nho nhỏ đâu. Nếu bạn sửa đổi được chúng thì bạn sẽ có định lực.
Người đời xem chuyện phát tài là vui sướng nhất. Có tiền rồi lại phải
dùng óc não tính toán làm sao giữ gìn nó để nó không mất, không hết. Cứ
cho rằng tiền là thật của mình, nên ngày ngày lo lắng. Song le, bất
luận tiền nhiều hay ít, chết rồi chẳng đem được một xu. Thế rồi lại hai
tay trắng! Bạn xem nó có vui sướng gì?
Chúng ta ai cũng bị nghiệp dắt dẫn, rằng: Thân không tự chủ. Mình
sinh vào đời này chính là để trả nợ. Bởi vì xưa kia tạo nghiệp không
giống nhau, nên đời này chịu quả báo khác nhau. Đó là: Lưới nghiệp đan
kết.
Làm việc quỷ thì tức là quỷ. Làm việc người thì là người. Làm việc Phật thì là Phật.
Bây giờ mình được nghe mấy chữ chú Đại Bi thì nên sinh lòng hoan hỉ,
rằng thật may mắn, thật hân hạnh, thật khó gặp được chú Đại Bi. Thật
vậy, rất khó mà bạn có thể gặp được chú Đại Bi. Nay gặp được chú rồi,
bạn nên nhớ, đừng coi thường nó rồi vất qua một bên.
Người học Phật phải bỏ ít thời gian ra học tập Phật pháp, không nên
hiểu mường tượng chẳng rõ ràng, tợ hồ biết nhưng lại không biết. Có
người nghĩ rằng: Tôi đã không biết, do đó tôi không cần muốn biết. Tôi
đã không thông đạt, do đó cứ không thông đạt luôn. Đó là thái độ tự mình
đầu hàng, không chịu bước chân tới trước, tự vất bỏ tiền đồ của chính
mình.
Người mới phát tâm tu hành, cái chướng ngại lớn nhất cho việc dụng
công là: Tâm dâm dục, con trai tham luyến con gái, con gái tham luyến
con trai. Đây là vấn đề căn bản nhất.
Giảng kinh là tu huệ; tọa thiền là tu định; Không mở miệng nói lăng nhăng là tu giới.
Làm người trên đời mình phải hành thiện cho đúng lúc, cho kịp thời.
Còn một chút hơi thở, một chút sức lực, mình phải hành thiện, tích đức,
không nên phung phí căn lành mình đã trồng trong kiếp trước, bằng cách
đời này cứ việc hưởng thụ cho hết những phước báo ấy.
Người tu mà sợ cô độc thì chẳng thể tu.
Trong tâm ta, tuyệt đối không được có quỷ. Cũng đừng có sân hận, oán
ghét, buồn bực, khó chịu. Khi có những thứ ấy thì không xong, bởi vì có
chúng tức là quỷ vào nhà rồi vậy.
Làm bậc thiện tri thức, bạn không được nịnh hót người ta, không được
tìm cách làm vui lòng người ta, khiến người bạn của mình mê mờ chân lý
mà cũng chẳng hay biết.
Quỷ vương chuyên môn nóng giận, không giữ quy củ. Quan Âm Bồ Tát chuyên môn chịu bị hà hiếp, luôn giữ quy củ.
Bạn suy nghĩ những việc không có giá trị, thì tương lai sẽ gặt những
quả báo không có giá trị. Mọi thứ ẩm thực đều chỉ có một mùi vị. Cứ nghĩ
về chuyện ăn uống thì tâm sẽ buông lung, không thể kiềm thúc được sáu
căn.
Nếu vũ trụ đầy tràn khí kiết tường thì địa cầu sẽ không vỡ tung.
Các bạn chú ý: Phàm là cảnh giới từ bên ngoài tới, mình đừng chú ý
vào nó, đừng can thiệp tới nó, cứ để tự nhiên, nhưng đừng để nó lay động
tâm mình. Trong Kinh Lăng Nghiêm có giảng rất rõ ràng, hy vọng các bạn
tham thiền nghiên cứu tường tận phần giảng về 50 Ấm Ma.
Buồn một chút: Là mình dạo chơi địa ngục. Cười một cái: Là già biến
thành trẻ. Khóc một hơi: Thì địa ngục có một phòng nhỏ thật đen thui.
Việc quan trọng đối với người tu là đừng sinh phiền não, ở bất kỳ
tình huống nào cũng vậy. Ngồi cũng không sinh phiền não; nằm cũng không
sinh phiền não. Cốt yếu là phải đoạn phiền não. Rằng: Phiền não vô tận,
thề nguyện biến; biến phiền não thành bồ đề. Phiền não tức là không giác
ngộ. Bồ đề tức là giác ngộ.
Chú Đại Bi tức là đại chú của tâm đại bi. Nó có thể thông thiên triệt
địa. Nếu bạn có thể mỗi ngày trì tụng 108 biến, liên tục trong suốt ba
năm, thì sau đó bạn có thể dùng chú Đại Bi để trị bịnh. Lúc ấy, tay tới
là bịnh trừ. Tôi biết nói về công hiệu của chú Đại Bi. Hy vọng các bạn
mỗi người dùng sức mạnh của chú Đại Bi để vãng cứu hạo kiếp (tai ương,
đại nạn) của thế giới, khiến cho người ta vĩnh viễn không còn tai nạn,
và chánh pháp vĩnh viễn ở mãi trong thế gian.
Thánh nhân ngày xưa thì luôn tự trách phạt chính mình. Không như
người đời nay, chuyện gì cũng chẳng bao giờ nhận là mình sai, cứ luôn
tìm lỗi lầm của kẻ khác.
Chúng ta mỗi ngày phải bớt nói một chút, để niệm Phật nhiều hơn một
chút. Đánh chết ý niệm trong tâm thì Pháp thân mới sống đặng. Bớt nói
chuyện, niệm Phật nhiều: chuyện thật dễ như trở bàn tay.
Người tu thì phải làm ngược trở lại. Đó là nghĩa làm sao? Tức là: Chuyện tốt thì nhường kẻ khác, chuyện xấu thì gánh vào mình. Xả bỏ cái ngã nhỏ bé để hoàn thành cái ngã (Phật tánh) vĩ đại.
Muốn học tốt thì oan nghiệt tìm; muốn thành Phật thì phải gặp ma. Nếu
không muốn học đạo giỏi, thì oan nghiệt không tới tìm bạn đâu. Càng
muốn học giỏi thì oan nghiệt càng tới tìm bạn, vì nó muốn thanh toán hết
mấy món nợ cũ.
Năm mới vui vẻ! Chúng ta cần mỗi năm đều vui vẻ, mỗi tháng đều vui
vẻ, mỗi ngày đều vui vẻ, mỗi giờ đều vui vẻ. Chớ sinh phiền não thì mới
là vun bồi miếng đất trong tâm, hàm dưỡng khoảng trời nơi tự tánh.
Các bạn là người tu thì phải chân thật, bước từng bước chắc thật,
niệm niệm không để lãng phí, niệm niệm đều hướng tới đường đạo dấn bước.
Làm được như vậy thì bạn mới chân chính là người học Phật.
Việc tu đạo có thể làm tăng trưởng trí huệ, tăng trưởng tâm bồ đề, tăng trưởng nguyện lực. Mọi thứ, chuyện gì cũng tăng trưởng.
Ngày ngày bạn không nên quên lãng con quỷ Vô Thường không biết bao giờ sẽ tới mời bạn đi.
Thời mạt Pháp là thời mà ma mạnh, pháp yếu. Thế lực của ma vương ngày
càng lớn mạnh. Thế lực của đức Phật ngày càng thâu nhỏ. Đối với Phật
thì không phải nói về thế lực mà là oai đức mới đúng. Khi chúng sinh có
phước báo lớn thì pháp mạnh, ma yếu. Khi chúng sinh phước báo ít thì ma
mạnh, pháp yếu.
Nếu người xuất gia tham đồ cúng dường, ham ăn ham mặc, thì còn chánh pháp gì để nói?
Chuyên nhất thì linh cảm, phân tâm thì bế tắc. Làm sao chuyên nhất?
Tất định phải đoạn dục, bỏ ái. Nếu không cắt bỏ ái dục thì người xuất
gia tu tám vạn bốn ngàn đại kiếp cũng không thể thành tựu. Do đó điểm
này rất trọng yếu.
Bạn không có tâm tham thì mới buông xả đặng. Có buông xả thì bạn mới
tự tại, rồi sau đó mới có thể giác ngộ, khai đại viên giác.
Người tu đạo chúng ta phải từ có mà hóa ra không, phản bổn hoàn nguyên. Quay về lại với bản hữu Phật tánh của mình.
Giải thoát tức là bạn tốt nghiệp nơi vòng giới luật. Cũng là tốt
nghiệp trong vòng quy củ. Cũng là tốt nghiệp khỏi vòng phiền não. Cũng
là tốt nghiệp khỏi vòng vô minh.
Bản thể của Pháp là không, do đó bạn không nên chấp trước vào pháp.
Nên nếu bạn đối với pháp mà không thể nhìn suốt, rồi buông bỏ thì bạn
vẫn chưa được tự tại.
0 Kommentare:
Post a Comment