Quý vị không thể nào
biết được giờ nào thì tâm móng khởi, khi nào thì tâm lặng yên và quý vị không
biết được tâm đi đâu. Có lẽ vì vậy nên nó là tâm...
HT Tuyên Hoá Giảng Giải
Kinh văn:
Nhược nhữ chấp kháp, phân biệt
giác quán, sở liễu tri tánh, tất vi tâm giả, thử tâm tức ưng ly chư nhứt thiết,
sắc hương vị xúc, chư trần sự nghiệp, biệt hữu toàn tánh,
Nếu ông chấ́p chặt tánh phân biệt
hiểu biết, cho đó là tâm, thì tâm này khi rời tất cả sắc thanh, hương, vị, xúc,
thì tâm ấy phải riêng có toàn tánh.
Giảng:
Nếu ông chấp chặt nếu ông nhất quyết chấp giữ mọi ý kiến, mọi ý niệm, mọi
suy đoán cố hữu, như một kẻ keo kiệt giữ kho vàng. Bảo rằng tánh hiểu biết phân biệt là tâm thì tâm này
khi rời tất cả sắc, thanh, hương, vị, xúc (tách rời hẳn các hoạt dụng của
các trần) thì tâm ấy phải riêng có toàn
tánh.
Nếu cái tâm phân biệt
ấy là chân tâm thì lẽ ra nó sẽ hiện hữu mà không cần bất kỳ sự liên hệ nào với
sắc, thanh, hương, vị, xúc. Mặc dù chỉ
đề cập đến năm món. Nhưng đều hàm ý đến cả sáu trần. Nếu thức tâm phân biệt thực
là chân tâm thì lẽ ra tâm ấy sẽ tiếp
tục tồn tại ngay cả khi cái tâm có toàn
tánh kia, siêu việt hẳn các cảm giác khi tiếp xúc với sáu trần. Lẽ ra phải
có một cái tâm khác, ngoài cái tâm hình thành ngay khi các căn (mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân ý tiếp xúc với các trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
Có phải đó chính là
giải pháp chăng? Không? Đức Phật chỉ đưa ra giả thiết này để khai thị cho A-nan.
Kinh văn:
如汝今者,承聽我法。此則因聲而有分別。
Như nhữ kim giả, thừa thính ngã pháp, thử tắc nhơn
thính, nhi hữu phân biệt.
Việt dịch:
Như ông nay nghe pháp của Như Lai,
đó là nhân âm thanh mà có sự phân biệt.
Giảng:
Bây giờ Đức Phật bắt
đầu giải thích rằng A-nan không
có một thức tâm phân biệt nào hiện hữu mà tách rời hẳn sự nhận thức về nó.
Còn như hiện nay, khi ông nghe pháp của tôi, đó là
nhân âm thanh mà có sự phân biệt.
“A-nan, ông đang ở đây, nghe tôi giảng
pháp và nhờ có âm thanh mà ông có được sự phân biệt. Đó không phải là trường hợp
mà ông có thể nghe khi không có âm thanh”
Đức Phật chủ yếu khai
thị cho A-nan biết rằng chơn
tâm chính là ở tại ngay nơi căn tánh của sáu căn: mắt, tai, mũi, thân, ý. Vốn
không dao động. Còn sáu thức là do sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp duyên theo
trần cảnh mà có, nên các thức ấy là dao động, nên chẳng phải chân thực, nên các
thức ấy thuộc về vọng tưởng. Thực ra, nhờ vào sáu căn và sáu thức mà có cái dụng
của thấy, nghe, hay, biết. Thực là rất khó phân tích cho rõ điểm này. Chẳng qua
là khi sáu căn tiếp xúc với các cảnh, cũng như tấm gương trong liền phản chiếu
hình ảnh, vốn chẳng có phân biệt gì cả. Còn sáu thức khi duyên với các cảnh thì
liền sinh khởi phân biệt. Nên mới có sự phân biệt và không phân biệt. Đó chính
là sự khác nhau giữa thức và căn.
Kinh văn:
縱滅一切見聞覺知,內守幽閑,猶為法塵,分別影事。
Túng diệt nhứt thiết kiến văn giác tri, nội thủ u
nhàn, do vi pháp trần, phân biệt ảnh sự.
Việt dịch:
Dù có diệt hết cái thấy, nghe,
hiểu, biết mà giữ được sự thanh thản, lặng lẽ bên trong, đều do bóng dáng
của sự phân biệt pháp trần vẫn còn.
Giảng:
Dù có diệt hết cái thấy, nghe, hiểu,
biết mà giữ được sự thanh thản, lặng lẽ bên trong.
Cho
dù tạm thời quý vị ngưng hẳn lại việc thấy, nghe, hiểu, biết, đó cũng chỉ là trạng
thái của sự vắng lặng. Chứng đạt được trạng thái này cũng cần phải có công phu.
Một khi quý vị đã diệt được hẳn sự thấy, nghe, hiểu, biết, là quý vị có thể an
trụ trong trạng thái khinh an. Đó là cảm giác lặng lẽ không có niệm vọng động
và quý vị không phải làm gì trong đó cả. Tâm quý vị hoàn toàn vắng lặng và
không còn phải lo ngại điều gì cả. Ngoại đạo cho đây là cảnh giới cao tột nhất
mà người tu hành có thể đạt được. Họ ngồi yên lặng và không còn thấy mình (vô ngã), thấy người (vô nhân) nữa. Thấy mọi vật đều trống
không, kể cả thân thể họ cũng tan biến luôn và họ cho đó là chỗ dụng công đắc lực.
Đó là ý nghĩa của “sự thanh thản lặng lẽ
bên trong” ở trong phần chánh văn.
Thực
ra, đây là chỉ có được chút cảm ứng nhờ vào công phu đắc lực, nhờ vào sự đào
luyện tâm linh nên giữ được “sự thanh thản,
lặng lẽ bên trong” này.
Vậy
nên hàng ngoại đạo cho trạng thái này là tột đỉnh, họ hết sức cố gắng để duy
trì trạng thái định này. Không để nó tiêu tán mất. Họ không muốn công phu của
mình trở nên vô dụng.
Nhưng
thực ra trong dạng cảnh giới này, đều do
bóng dáng của sự phân biệt pháp trần vẫn còn. Cảnh giới “thanh thản lặng lẽ” bên trong ấy chỉ là
hoạt dụng của thức thứ sáu (ý thức)
và tâm thức. Chữ pháp ở trong chánh văn có nghĩa là đối tượng của tâm ý thức. Đến
đây thì năm thức trước (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) biến mất. Cái nghe và cái
thấy không còn hướng ra bên ngoài nữa, tánh ngửi và tánh nếm không còn tác động
đến quý vị nữa và thân xác không còn bị ảnh hưởng bởi sự xúc chạm nữa. Thức thứ
sáu (ý thức) lúc này được gọi là “độc đầu
ý thức.” Nó chỉ hoạt động khi năm thức trước ngưng hoạt động. Chẳng hạn như
trong mơ là một biểu hiện của độc đầu
ý thức. Còn trạng thái “thanh thản, lặng
lẽ” đề cập trong kinh văn là một trường hợp khác. Đó là khi năm thức trước
đã hoàn toàn vắng bặt rồi, quý vị cảm thấy cái thấy nghe, hiểu biết của mình
hoàn toàn biến mất, nhưng quý vị vẫn còn ý thức. Trong đó vẫn còn bóng dáng của
pháp trần rất nhỏ nhiệm vi tế, rất khó nhận biết tường tận được. Đó chính là sự
phân biệt pháp trần còn rơi rớt lại trong tâm. Đó không phải là cảnh giới chân
thực, khi quý vị đến được trạng thái này sẽ thấy mọi việc diễn ra rất tốt đẹp,
nhưng với cái nhìn từ Phật pháp thì quý vị chưa đạt được ngay cả bước đầu tiên.
Đừng tự thỏa mãn, hãy nên cứu xét lại mình cẩn thận hơn. “Ồ! Đây là cảnh giới
tuyệt diệu do ngồi thiền.” Thay vì vậy, quý vị nên tiếp tục công phu tiến tới.
Nếu quý vị dừng lại ở đây thì rất dễ rơi vào ngoan không, nơi mà cái thấy,
nghe, hiểu, biết biến mất và không còn một thứ gì nữa cả. Nhưng cảnh giới ngoan
không ấy chẳng ích lợi gì cho việc phát triển kinh nghiệm thiền của quý vị cả.
Thức thứ sáu (ý thức) và độc đầu ý thức là cái dễ dàng dẫn quý vị
đến con đường tẻ và sự sai lầm.
Độc
đầu ý thức có bốn loại:
Tán vị độc đầu: tâm tán loạn hàng
ngày thường sinh khởi niệm phân biệt.
Cuồng loạn độc đầu: khi có người phát
điên và nói năng cuồng loạn. Thức thứ sáu (ý
thức) của họ lúc ấy ở trong sự cuồng loạn, họ không điều khiển ý thức được
nữa.
Mộng trung độc đầu: khi trong mơ, quý vị
thấy mọi thứ với đầy đủ sắc màu và những vật kỳ dị là độc đầu ý thức đang tác
yêu tác quái.
Định trung độc đầu: đó là trạng thái
“thanh thản lặng lẽ” mà Kinh văn đang nói đến. Trong đó cái thấy, nghe, hiểu,
biết hoàn toàn vắng bặt, nhưng định trung
độc đầu ý thức vẫn đang còn hoạt dụng.
Kinh văn:
我非勅汝,執為非心。但汝於心,微細揣摩,若離前塵,有分別性,即真汝心。
Ngã phi sắc nhữ, chấp vi tâm. Đãn nhữ ư tâm, vi tế
sủy ma, nhược ly tiền trần, hữu phân biệt tánh, tức chơn nhữ tâm.
Việt dịch:
Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là
tâm. Nhưng ông phải suy xét chính chắn, nếu có một thể tánh phân biệt khi
rời hẳn tiền trần thì đó chính là tâm ông.
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan: Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm. Như Lai không
ra lệnh cho ông phải đồng ý với những gì Như Lai nói. Nhưng ông phải suy xét chính chắn, nếu có một thể tánh phân biệt khi rời
hẳn tiền trần thì đó chính là tâm ông.
Nếu khi lìa hẳn tiền
trần ông vẫn còn thể tánh phân biệt thì đó là tâm chân thật của ông.
Kinh văn:
若分別性離塵無體,斯則前塵分別影事。
Nhược phân biệt
tánh ly trần vô thể, tư tắc tiền trần phân biệt ảnh sự
Việt dịch:
Nếu tánh phân biệt này khi rời hẳn tiền trần mà không
còn tự thể thì đó chỉ là bóng dáng phân biệt của tiền trần.
Giảng:
Nếu tâm phân biệt này khi rời hẳn tiền trần mà không
còn tự thể.
Nếu quý vị không thể
nào tìm thấy được tự thể của tánh phân biệt khi tách rời hẳn tiền trần thì đó chỉ là bóng dáng phân biệt của tiền
trần. Đó không phải là chân tâm.
Kinh văn:
塵非常住,若變滅時,此心則同龜毛兔角。則汝法身同於斷滅。其誰修證無生法忍?
Trần phi thường trụ, nhược biến diệt thời, thử tâm tắc đồng qui mao thố
giác. Tắc nhữ pháp thân, đồng ư đoạn diệt. Kỳ thuỳ tu chứng vô sanh pháp nhẫn?
Việt dịch:
Trần ấy chẳng
phải là thường trụ, khi nó biến diệt thì cái tâm ấy cũng như lông rùa sừng
thỏ. Ắt pháp thân ông cũng đồng như đoạn diệt. Ai là người tu chứng vô sinh
pháp nhẫn?
Giảng:
Đoạn kinh văn này đã
giải thích vấn đề rõ ràng hơn một chút. Trần
chẳng phải là thường trụ, khi nó biến diệt thì cái tâm ấy cũng như lông rùa sừng
thỏ.
Khi đối diện với tiền
trần mà quý vị móng khởi tâm niệm, quý vị sẽ cho rằng ở đó có một niệm phân biệt
và niệm phân biệt chính ấy là tâm của mình. Nếu khi đối diện tiền trần lại có
tâm phân biệt, còn khi không đối diện tiền trần thì không có tâm phân biệt. Tâm
phân biệt ấy cũng biến diệt luôn vậy. Vậy nên khi không gặp tiền trần thì không
khởi tâm niệm, khi không có tâm phân biệt, thì tâm ông ở đâu? Tâm ấy cũng giống
như lông rùa sừng thỏ.
Khi nào rùa mọc lông?
Không bao giờ. Khi nào thì thỏ mọc sừng? Không bao giờ. Như thế ông hoàn toàn
chẳng có tâm.
Ắt pháp thân của ông đồng như đoạn diệt.
Bởi vì ông chẳng có
tâm nên pháp thân của ông cũng không hiện hữu. Làm sao mà ông lại có được pháp thân khi chẳng có tâm?
Ai là người tu chứng
vô sinh pháp nhẫn. Quý vị sẽ lấy cái gì để tu chứng đạo quả, để đạt được
giác ngộ? Nếu quý vị không có thân cũng chẳng có tâm, ai là người tu tập để chứng
được vô sinh pháp nhẫn?
Kinh văn:
即時阿難與諸大眾,默然自失。
Tức thời A-nan, dữ
chư đại chúng, mặc nhiên tự thất.
Việt dịch:
Lúc ấy A-nan cùng toàn thể đại chúng đều im lặng,
ngơ ngác (thấy mình như mất điều gì).
Giảng:
Đức Phật giải thích rằng
nếu tâm hiện hữu khi có sự phân biệt với tiền trần, thì khi tách khỏi tiền trần
ra thì tâm sẽ không còn phân biệt nữa. Như thế phải chăng có nghĩa là không có
tâm? Nếu không có tâm thì cũng không có pháp
thân, thì ai là người tu chứng vô sinh pháp nhẫn?
A-nan và đại chúng đều
suy nghĩ như thế và thấy rằng mình đúng.
Lúc ấy A-nan
và toàn thể đại chúng đều im lặng ngơ ngác (thấy mình như mất điều gì).
Không ai còn biết nói
điều gì nữa cả. Họ chỉ biết nhìn nhau, nhưng lần này không phải là do họ đã nhập
vào đại định.
Kinh văn:
佛告阿難:世間一切諸修學人,現前雖成九次第定,不得漏盡,成阿羅漢,皆由執此生死妄想,誤為真實。是故汝今雖得多聞,不成聖果.
Phật cáo A-nan: Thế gian nhất thiết chư tu học nhân, hiện tiền tuy thành
cửu thứ đệ định, bất đắc lậu tận thành
A-la-hán, giai do chấp thử sanh tử
vọng tưởng, ngộ vi chơn thiệt, thị cố nhữ kim, tuy đắc đa văn, bất thành Thánh
quả.
Việt dịch:
Đức Phật bảo
A-nan: Tất cả mọi người tu học trong thế gian, mặc dù nay đã được cửu thứ đệ định,
nhưng không hết sạch
mê lầm, thành bậc
a-la-hán, đều do vì chấp vào vọng tưởng sinh diệt, lầm cho đó là
tính chân thực. Thế
nên nay ông tuy được học
rộng nghe nhiều mà chưa thành thánh quả.
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan
Đức Phật thấy mọi người
trong pháp hội đều bồn chồn lo lắng, hoàn toàn mất khả năng tự chủ. Họ đều như
kẻ mất hồn.
Giáo lý Khổng Mạnh
nói về tâm như sau:
Tâm đến và đi không có thời gian nhất định
Chẳng biết ở nơi đâu.
Nên được gọi là tâm[2]
Quý vị không thể nào
biết được giờ nào thì tâm móng khởi, khi nào thì tâm lặng yên và quý vị không
biết được tâm đi đâu. Có lẽ vì vậy nên nó là tâm.
Tuy nhiên cái tâm mà
Khổng Tử nói đến ở đây cũng chỉ là tâm vọng tưởng, không phải là chân tâm. Đã là chân tâm thì làm sao lại
có ra vào? Nó chẳng có một lối ra hoặc cổng vào nào cả.
Mạnh Tử cũng nói:
"Khi người ta
có con gà, con chó bị mất, người ta tìm mọi cách để bắt về lại biết có thể tìm
lại được.
Nhưng khi thoạt mất
tâm mình rồi thì họ chẳng biết phải tìm kiếm nơi đâu.”[3]
Ở đây cũng vậy, Mạnh
Tử đang nói về cái tâm sinh khởi vọng tưởng suốt từ sáng tới tối, cái tâm chạy
đông, chạy tây, chạy tới, chạy lui. Mạnh Tử hoàn toàn chưa biết cách chiêm nghiệm
kỹ vào tâm của chính mình để có thể bảo tâm ấy đừng có chạy loanh quanh nhiều
đường vô ích.
Tôi đã nói với quý vị
rằng cái tâm vọng tưởng có thể khiến cho quý vị chỉ trong khoảng một niệm tưởng
là quý vị có mặt ngay ở Nữu Ước mà không cần phải có tiền mua vé máy bay hay
tàu lửa, quý vị có thể dạo chơi trên cầu Brooklyn mà không cần phải đáp xe buýt
đến đó. Thực là một cách đi du lịch mà không tốn tiền, nhưng đó là một nỗ lực rất
lớn lao của tâm.
Những lời nói về tâm
của Mạnh Tử cũng là đề cập đến tâm thức
phân biệt, cái tâm mà đã quá quen thuộc với A-nan. Tâm thức phân biệt
thì vô thường, còn chân tâm thì thường hằng.
Tất cả mọi người tu học trong thế gian mặc dù nay đã
được cửu thứ đệ định. Tức
là Tứ thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền và Tứ không, gồm:
– Không vô biên xứ
– Thức vô biên xứ
– Vô sở hữu xứ
– Phi phi tưởng xứ
cộng thêm Diệt thọ tưởng định, thành tất cả là
chín món.
Nhưng không diệt hết sạch mê lầm
hay thành bậc a-la-hán, đều do
vì chấp vào vọng tưởng sinh diệt.
Tại sao khi họ tu tập
đã đạt được chín bậc thiền định rồi mà không vượt qua, không chuyển hóa hết sạch
mọi mê lầm và chứng được a-la-hán? Đó là vì họ dính mắc quá sâu vào vọng tưởng sinh
diệt.
Lầm cho đó là tánh chân thực.
Họ
phạm phải lỗi lầm cho vọng tưởng là chân thực.
Thế nên nay ông tuy được học rộng
nghe nhiều mà chưa được thành Thánh quả.
Vào
thời điểm Đức Phật giảng kinh này, A-nan
đã chứng được sơ quả a-la-hán,
nhưng tại sao Đức Phật lại nói mặc dù A-nan
đã đạt quả vị ấy cùng với học vấn uyên thâm nhưng A-nan vẫn chưa hoàn toàn chứng được quả vị Thánh? Đức Phật có ý
muốn nói rằng A-nan chưa chuyển
hóa sạch hết được mọi mê lầm, A-nan
chưa hết sạch hữu lậu. Đối với Tiểu thừa, sơ quả a-la-hán được xem như là dự vào bậc Thánh rồi nhưng với bồ-tát thừa thì chưa.
Kinh văn:
A-nan văn dĩ,
trùng phục bi lệ, ngũ thể đầu địa, trường quỵ hiệp chưởng, nhi bạch Phật ngôn:
Tự ngã tùng Phật, phát tâm xuất gia, thị Phật oai thần. Thường tự tư duy, vô
lao ngã tu, tương vị Như lai, huệ ngã tam muội. Bất tri thân tâm, bổn bất tương
đại. Thất ngã bổn tâm, tuy thân xuất gia, tâm bất nhập đạo. Thí như cùng tử, xả
phụ đào thệ.
Việt dịch:
A-nan nghe rồi đau xót khóc lóc, gieo năm vóc sát
đất, quỳ xuống chắp tay bạch Phật:
– Từ khi con phát tâm xuất gia theo Phật, chỉ biết ỷ
lại vào oai thần của Phật. Con thường nghĩ rằng, khỏi phải nhọc công tu hành
làm gì, hy vọng Như Lai sẽ ban cho con chánh định. Con không tự biết thân và
tâm của Phật và con chẳng thay thế cho nhau được. Vậy nên con tự đánh mất bản
tâm, tuy thân đã xuất gia mà tâm chẳng nhập đạo. Con như người cùng tử bỏ cha
trốn đi.
Giảng:
Đức Phật bảo rằng A-nan bị chướng ngại bởi đa văn nên
không chứng được Thánh quả. A-nan
đã thờ ơ trong việc tu tập định lực và chú tâm trong việc truy cầu học thức
uyên thâm.
A-nan
nghe rồi đau xót khóc lóc,
Tại
sao A-nan lại
khóc? Vì A-nan nhận ra đã phí phạm thời gian và thực tế là khi A-nan thấy mình chưa chứng được quả vị Thánh nên rất buồn tủi. Thế nên A-nan bật khóc. Lại nữa, biết Đức Phật đã khai thị cho mình về chân tâm, A-nan dâng tràn sự biết ơn lòng từ bi của Đức Phật, nên A-nan cảm động rơi nước mắt.
A-nan gieo năm vóc sát đất, quỳ xuống chắp tay bạch
Phật
A-nan gieo năm chi phần
thân thể gồm hai tay, hai chân và đầu xuống sát đất. Sau khi thành tâm đảnh lễ
Đức Phật rồi, A-nan quỳ gối, chắp
tay hướng về Đức Phật.
A-nan đau xót khóc
than cùng một lúc như thể đứa trẻ ham chơi đùa và bị bắt nạt. Bắt nạt cái gì? A-nan bị đánh mất hoàn toàn hệ thống
suy luận căn bản trong tâm mình như A-nan
đã giải thích.
Từ khi con phát tâm xuất gia theo Phật chỉ biết ỷ lại
vào oai thần của Phật.
A-nan là thị giả của Đức
Phật, làm những việc như giúp vén y ngay ngắn mỗi khi Đức Phật bước lên pháp
tòa. A-nan tuy đã xuất gia,
nhưng như tôi đã giảng trước đây, người xuất gia là phải phát tâm, dõng mãnh
thoát ra khỏi ngôi nhà thế tục, ngôi nhà tam giới và ngôi nhà phiền não. A-nan mới ra khỏi được ngôi nhà thế tục
mà thôi. A-nan thú nhận rằng, mặc
dù đã xuất gia, đảnh lễ Đức Phật xin nhận làm Bổn sư, nhưng A-nan vẫn chưa thay đổi được nếp suy
nghĩ. Đó là gì? là ỷ lại vào oai đức của Đức Phật. A-nan nghĩ rằng: “Phần tôi, tôi có Đức Phật là anh em họ. Còn ai
trên thế gian này có Đức Phật là anh em họ như tôi?.” A-nan cực kỳ kiêu mạn, A-nan
nghĩ rằng mình có cả oai lực lẫn thế lực để nương tựa vào. A-nan ỷ vào oai đức của Đức Phật.
Con thường nghĩ rằng “khỏi phải nhọc công tu hành làm
gì, hy vọng Như Lai sẽ ban cho con chánh định.
A-nan tự nghĩ: “Mình
có Đức Phật là anh em chú bác, mình khỏi phải tu hành làm gì. khỏi phải nhọc
công khổ hạnh trong công phu tu tập. Sao vậy? vì anh họ của mình đã thành Phật,
tại sao mình phải tu hành? Đức Phật có thể ban cho mình chánh định.” A-nan nghĩ như thế nên tự mình thấy
không cần thiết phải tu tập chánh định. Đức Phật có thể ban cho A-nan ngay, suy nghĩ như thế có ngây
thơ không?
Con không tự biết thân và tâm của Phật và con chẳng
thay thế cho nhau được.
A-nan nói như vậy. Tôi
tin chắc chẳng ai trong chúng ta có thể suy nghĩ như thế được. Chúng ta đều biết
rằng người này không thể thay thế cho người kia được. Nhưng A-nan nói rằng A-nan thực sự không biết thân Đức Phật
là thân của Đức Phật và thân của A-nan
là thân của A-nan; tâm của Đức
Phật là tâm của Đức Phật còn tâm của A-nan
là tâm của A-nan. Chúng không
thể thay thế cho nhau được. Đức Phật không thể đại diện cho cả thân và tâm của A-nan và A-nan không thể nào biểu hiện thành thân và tâm Phật được. A-nan không nhận thức được rằng chính
mình phải tu tập định lực.
Vậy nên con đánh mất bổn tâm của con,
Vì con đã đánh mất một vật rất lớn lao. A-nan thú nhận. Tuy thân đã xuất gia đó là tuy A-nan đã trở nên một vị tỷ-khưu
mà tâm chẳng nhập đạo – đó là A-nan chưa có được định lực.
Con như người cùng tử bỏ cha trốn đi.
A-nan ám chỉ bằng
phương pháp so sánh – với trường hợp người trưởng giả giàu sang có nhiều phước
báo, ông ta có người con, nhưng con ông chẳng màng tới của cải của cha mình mà
còn bỏ nhà ra đi, sống khổ cực trong nhân gian. A-nan muốn nói điều gì? “Con xuất gia theo Phật nhưng con chẳng
tu đạo, vì con còn thiếu định lực nên con là đứa con nghèo nàn, túng thiếu."
Thực vậy, đáng lẽ ra
con được dự phần vào việc nhà của Như Lai, nhưng vì không có định lực, nên con
không đủ thẩm quyền để nhận lãnh kho tàng Phật pháp giàu có được tích lũy từ
phước đức của chư Phật. Thế nên A-nan
buồn rầu than khóc như trẻ con.
[1] – Hòa thượng Bích Liên phiên âm kiến (Kinh Thủ-lăng-nghiêm;
Linh Sơn Phật học Nghiên cứu Hội, 1961)
[2] Thao tắc tồn, xã tắc vong, xuất nhập vô thời,
mạc tri kỳ hương, duy tâm chi vị dư (Mạnh Tử -Cáo tử).
[3] Nhân hữu kê khuyển phóng, tắc tri cầu chi; hữu
phóng tâm nhi bất tri cầu
(Thiên Cáo Tử, thượng, chương 21)
0 Kommentare:
Post a Comment