Muốn đạt đến cảnh giới đó, quý vị phải không có vọng
tưởng. Quý vị phải như: thấy mà không thấy, nghe mà
không nghe, ngửi mà không ngửi, nếm mà không nếm, xúc
mà không xúc, suy nghĩ mà không duyên cảnh. Nếu không
bị cảnh giới lay chuyển, như vậy quý vị mới có thể đạt đến
cảnh giới đó.
Khai Thị Của HT Tuyên Hoá
Người phàm thường chỉ biết: Mắt có thể thấy sắc, tai
có thể nghe âm thanh, mũi có thể ngửi mùi hương, lưỡi có
thể nếm mùi vị, thân có thể biết cảm giác và ý có thể biết
các pháp. Nếu quý vị nói đạo lý “lục căn hỗ dụng,” họ sẽ
không bao giờ tin, còn cho rằng đó là những lời nói vô căn
cứ. Nhưng nếu thật sự đã đến cảnh giới nầy và đạt được
công dụng nầy rồi, tự chúng ta sẽ biết được Phật Pháp thật
có loại cảnh giới đúng như vậy, quả là vi diệu không thể
nói, không thể nghĩ bàn.
Có người vọng tưởng rằng: “Tôi không muốn có cảnh
giới như thế đâu! Tại sao? Bởi vì phiền phức quá đi thôi.
Khi tôi nhìn lên trên thì thấy được các cử động của người
trời, lại còn nghe được tiếng nói chuyện của họ nữa, vậy
sẽ ảnh hưởng đến tâm thanh tịnh của tôi. Cũng như lúc tôi
nhìn xuống lại thấy được tình trạng ở địa ngục, rồi tâm sợ
thất kinh, bị ám ảnh đến đỗi tối ngủ cũng không được yên
giấc. Bởi vậy, tôi không thích có cảnh giới như thế.”
Cho dù quý vị có thích cảnh giới như thế đi nữa, cũng
không nhất định là quý vị sẽ đạt được đâu. Tại sao? Bởi
quý vị không chịu nghiêm chỉnh tham thiền, hoặc giả như
có ngồi thiền thì cũng vọng tưởng, suy nghĩ vẩn vơ, tâm
vượn ý mã cứ chạy ra ngoài vùn vụt, tự mình cũng không
kiềm chế được chính mình. Hoặc là quý vị đang ngồi thiền
bị hôn trầm, mơ màng thấy mình tán gẫu với Châu Công,
rồi ngủ ngáy o o, hơi thở mạnh như sấm. Tình hình như thế
thì làm sao khai ngộ, làm sao mới có thể đạt đến chỗ diệu
dụng - quý vị chỉ tự lãng phí thời gian thôi!
Muốn đạt đến cảnh giới đó, quý vị phải không có vọng
tưởng. Quý vị phải như: thấy mà không thấy, nghe mà
không nghe, ngửi mà không ngửi, nếm mà không nếm, xúc
mà không xúc, suy nghĩ mà không duyên cảnh. Nếu không
bị cảnh giới lay chuyển, như vậy quý vị mới có thể đạt đến
cảnh giới đó. Nếu quý vị bị cảnh giới lay chuyển như: “A!
Mình có thể thấy tận đến cảnh trời xa tít như thế! Rồi không
biết là mình có thể ngủ được hay không nữa hả?” Để tôi
nói hết cho quý vị nghe, một khi đạt đến cảnh giới đó rồi,
quý vị vẫn ngủ được như thường. Lúc nào quý vị muốn ngủ
thì ngủ, còn không muốn ngủ thì không ngủ. Tha hồ mà tự
tại, tuyệt nhiên quý vị không phải miễn cưỡng làm gì cả. Vi
diệu như vậy đó!
Người mà vừa có vọng tưởng như trên, sau khi nghe tôi
nói như vậy, họ lại dấy niệm: “Mình có vọng tưởng, nhưng
Sư Phụ làm sao mà biết được? Hay là Sư Phụ có tha tâm
thông?”
Tại sao quý vị có vọng tưởng đó? Nếu quý vị có vọng
tưởng đó, thì tôi làm sao mà không thể biết được chứ? Nếu
sợ tôi biết, thời quý vị đừng khởi vọng tưởng đó. Quý vị nên
biết rằng, vì lục căn hỗ dụng với nhau, cho nên ai ai cũng
có thể đạt được cái diệu dụng nầy, chỉ xem là quý vị có tu
hành hay không tu hành mà thôi!
Tôn giả A Na Luật Đà không dùng mắt, mà có thể thấy
cả tam thiên đại thiên thế giới rõ ràng như thấy trái Am-mala
trong bàn tay. Đó là bởi tuy mắt ông bị mù, nhưng ông đã
đạt được thiên nhãn thông.
Long Bạt Nan Đà tuy không có lỗ tai, nhưng có thể dùng
thiên nhãn lắng nghe âm thanh để cứu người bị nạn.
Sáu căn của nữ thần Căng Già (thần sông Hằng) đều có
thể ngửi được các mùi hương; bất luận căn nào cũng đều
có tác dụng ngửi biết được hết.
Tôn giả Câu Phạm Bát Đề không dùng lưỡi mà có thể
nếm được mùi vị, bởi ông dùng mũi để thay thế cho lưỡi.
Thần Thuấn Nhã Đa (thần Hư Không) tuy không có
thân thể, nhưng có thể dùng các căn khác để tiếp xúc và
vì thế mà biết được tất cả các pháp đều là không. Cho nên
ông là thần tự nhiên.
Tôn giả Ma Ha Ca Diếp không dùng ý căn mà biết
được đạo lý thật tướng của các pháp, tức là vô tướng. Vô
tướng cũng có nghĩa là “vô sở bất tướng,” không gì là
không có tướng.
Trên đây là các thí dụ dẫn chứng về những vị đã đạt
được chỗ diệu dụng hỗ tương của lục căn.
Giảng ngày 16 tháng 2 năm 1984
0 Kommentare:
Post a Comment