Trở về núi rừng, bên giòng suối nơi
ông đã thấy nhóm người tụ tập ăn thịt bò nướng, ông không tìm thấy dấu vết bữa
tiệc thịt nướng đó ở đâu cả. Nhưng có điều làm ông cảm thấy rúng động, là bên bờ
sông có xác một con quạ đang nằm, khắp mình mẩy đầy giòi bọ lúc nhúc. Ông chợt
nhận ra rằng, những người ông đã thấy ở bờ sông thật ra là những con ấu trùng
đang kêu gọi ông nhập bọn với chúng để ăn thịt xác con chim chết kia. Ông tự hỏi,
nếu không tự nhắc nhở mình là người tu mà đi nhập bọn với chúng, có thể nào ông
sẽ tái sinh làm một con ấu trùng không? Nếu thế thì muốn sinh ra làm người trở
lại sẽ phải khó khăn đến thế nào? Khi ra khỏi thân xác, ông không còn có các
căn như mắt, tai, mũi, lưỡi, hay tay chân...
Trong cuộc sống, có lẽ ít người
trong chúng ta nghĩ về cái chết của chính mình, bởi vì tuy biết rằng không sớm
thì muộn điều đó sẽ phải đến, nhưng hoàn toàn bất minh, không ai có thể
đoán được những gì sẽ xẩy ra. Tuy nhiên,
có những câu chuyện khiến ta phải suy nghĩ, không chỉ về cái chết mà về cách sống
như thế nào để có được sự an lành, trong đời sống hiện tại cũng như mai sau.
Một câu chuyện có thật về sự
"chết đi sống lại" của một vị tăng Đại Hàn được đại sư Chongo Sunim kể
lại như sau:
Trong thời thiền sư Seong Chol Sunim
còn tại thế, ở chùa HaeinSa nơi ngài trụ trì có một vị tăng quyết định rời chùa
đi vào khu rừng núi Jiri San ẩn tu, sống cùng cây cỏ hoang dã nơi thiên nhiên.
Chẳng may, ông ăn phải một loại nấm
độc nên bị bệnh nặng, ngã xuống đất thần thức hôn mê. Bỗng nhiên ông thấy mình đang ở trong chùa
HaeinSa, cách nơi ông đang ở khoảng hơn 100km, và thấy hai vị tăng bạn của ông
đang cử hành một nghi lễ giống như tang lễ. Họ dường như không để ý đến sự hiện
diện của ông, và ông lấy làm lạ là thay vì đọc kinh cho đúng, vị tăng đang gõ
mõ cứ lập đi lập lại "Chek, chek, chek..." (Sách, sách, sách....),
còn vị tăng đang thỉnh chuông thì cứ nói "Yeom ju, yeom ju, yeom
ju..." (chuỗi tràng, chuỗi tràng, chuỗi tràng....)
Trong chớp mắt, ông lại thấy mình
đang ở nhà bà mẹ. Ông đứng sát cạnh bà trong khi bà đang chất củi vào trong lửa.
Bà không để ý đến ông, nên ông cúi xuống chạm vào vai bà. Bà kêu lên một tiếng
thất thanh và đau đớn gập người lại.
Thế rồi, thoáng một cái, nhanh như lúc
ông về chùa và về nhà mẹ, ông lại thấy mình trở lại nơi núi rừng. Từ bờ sông
phía dưới phảng phất bay lên mùi thịt bò ướp nướng thơm lừng. Một nhóm người
trong bộ hanbok mầu trắng (y phục cổ truyền của Đại Hàn) đang xúm xít ở đó, vẫy
tay gọi lớn: " Xuống đây chơi với tụi này đi! Có nhiều đồ ăn lắm, tha hồ
mà ăn!" Đúng lúc sắp nhập bọn với họ,
ông chợt nhớ ra mình là vị tăng và không được ăn thịt.
Trên đường đi lên núi trở lại, ông gặp
một ông già đang mang một jigae cổ xưa (một cái cũi có khung hình chữ A) trên
lưng. Nhưng thay vì chất củi ở trên, ông ta lại mang một người xuống núi. Ông già
để người này xuống dưới đất ; thấy người này có vẻ quen thuộc, vị tăng tiến lại
gần để nhìn cho kỹ hơn. Khi nhìn mặt người đó, ông chợt hoảng hốt, thấy đang
nhìn vào chính mình! Ông sờ lên mặt, rồi bỗng nhiên giật mình tỉnh dạy, như vừa
qua một giấc mộng. Chung quanh vẫn là núi rừng, và ông vẫn nằm dưới đất một
mình một bóng, nhưng trong lòng đầy hoang mang với kinh nghiệm lạ kỳ vừa
qua.
Trở về chùa, ông đi tìm những vị
tăng bạn và kể cho họ nghe những gì đã thấy. Họ nói với ông rằng, sư phụ Seong
Chol cho họ biết là ông đã chết trên núi JiriSan, và họ cần phải làm nghi thức
cầu siêu cho ông ngay. Ông hỏi tiếp rằng, tại sao họ cứ nói "sách,
sách..." và "chuỗi tràng, chuỗi tràng..." thay vì đọc những lời
kinh cho đúng. Ngạc nhiên, người thứ nhất thú nhận rằng ông biết vị tăng có một
sưu tập sách quý nên lúc đó đang suy nghĩ không biết có lấy được sưu tập đó
không. Người thứ hai cũng xấu hổ nhìn nhận, ông đang nghĩ đến chuỗi tràng đẹp của
người bạn quá cố và cũng tự hỏi không biết có lấy được chuỗi tràng đó không.
Như thế, mặc dù họ đang đọc những lời kinh, nhưng ông không nghe được gì ngoài
những tư tưởng của họ.
Ông lại đến thăm mẹ và kể cho bà
nghe những điều đã trải qua. Bà nhớ lại, lúc ấy bà bỗng có một cảm giác đau
nhói nơi vai.
Trở về núi rừng, bên giòng suối nơi
ông đã thấy nhóm người tụ tập ăn thịt bò nướng, ông không tìm thấy dấu vết bữa
tiệc thịt nướng đó ở đâu cả. Nhưng có điều làm ông cảm thấy rúng động, là bên bờ
sông có xác một con quạ đang nằm, khắp mình mẩy đầy giòi bọ lúc nhúc. Ông chợt
nhận ra rằng, những người ông đã thấy ở bờ sông thật ra là những con ấu trùng
đang kêu gọi ông nhập bọn với chúng để ăn thịt xác con chim chết kia. Ông tự hỏi,
nếu không tự nhắc nhở mình là người tu mà đi nhập bọn với chúng, có thể nào ông
sẽ tái sinh làm một con ấu trùng không? Nếu thế thì muốn sinh ra làm người trở
lại sẽ phải khó khăn đến thế nào? Khi ra khỏi thân xác, ông không còn có các
căn như mắt, tai, mũi, lưỡi, hay tay chân... Ông chỉ còn thần thức có thể cảm
nhận những việc huyễn ảo xẩy ra chung quanh, và không thể nghe những lời nói,
chỉ cảm được tư tưởng của người khác.
Câu chuyện này nhắc nhở đến một câu
chuyện khác tôi đã đọc ở đâu đó, về một người không tuy không tu hành, nhưng
thường hay đọc kinh Kim Cang mỗi ngày. Một ngày nọ ông lâm bệnh trầm trọng, thần
trí hôn mê tưởng như đã ở trong ngưỡng cửa của tử thần. Trong lúc tâm thức
hoang mang, ông bỗng thấy có một cánh cửa trước mặt, ở đó có bốn cô gái trẻ
xinh đẹp đang nô đùa. Họ kêu gọi ông cùng đi vào cánh cửa đó: "Vào đây chơi,
vui lắm!" Ông đang dợm bước tính đi vào thì có một người khác đến ngăn cản:
"Ông là người đọc kinh Kim Cang, đây không phải chỗ cho ông vào!" Rồi đột nhiên ông tỉnh dạy, như người vừa ra
khỏi giấc mộng, trong khi ở chung quanh gia đình đang than khóc, bàn tính chuyện
ma chay. Sáng sau, ông được biết, cũng trong đêm ông đã "hồn lìa khỏi xác"
đó, con heo nái ở nhà đã cho ra đời bốn con heo con cái và một con đực đã chết
khi sanh. Nhìn bốn con heo mới đẻ, ông rùng mình chợt nhận ra rằng, nếu lúc đó
bước qua cánh cửa, ông đã là con heo thứ năm.
Qua hai câu chuyện này, ta thấy trong
cõi luân hồi lục đạo, tăng và tục đều bình đẳng như nhau nếu lòng tham dục còn
tiềm tàng trong tâm. Khi thân đã mất, trong
cõi giới của thần thức không có sự phân biệt rõ rệt giữa người và thú, chỉ còn những
giao cảm của các tần số rung động. Chỉ một phút buông lung theo sự quyến rũ của
ma cảnh là có thể rơi ngay vào cõi giới xấu, không thể quay trở lại được nữa. Trong
Huyết Mạch Luận, Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng đã cảnh cáo điều này:
"...
Không khác gì những hình ảnh hiện ra trong giấc ngủ về đêm, nào cung điện xe
pháo, công viên núi rừng, nào những nhà mát bên hồ v.v.. Đừng bị hấp dẫn bởi những
điều đó. Chúng chỉ là cái nôi cho sinh tử luân hồi. Hãy nhớ kỹ điều này để khi
lâm chung, đừng mắc vào những hiện tướng thì sẽ được giải thoát. Chỉ cần một
phút giây lưỡng lự cũng đủ để cho ma lôi cuốn đi. "
Đó là một tiếng chuông cảnh tỉnh để ngay
từ bây giờ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta phải bắt đầu huân tập một tâm
tỉnh giác qua những pháp tu căn bản của đạo Phật, không chỉ trong những lúc ngồi
thiền hay niệm Phật, mà trong mọi lúc đi đứng nằm ngồi. "Hồi quan phản chiếu"
hay dùng chánh niệm thấy biết tâm trong từng niệm khởi và không trụ trước vào
chúng là cách để giúp ta tách rời khỏi những vọng động cảm xúc, đưa tâm xao
động trở về tâm bình thường phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Sự kiên trì tu tập thành thói quen sẽ tạo một
năng lực mới có thể hóa giải dần dần những tập khí xưa cũ, đem lại sự bình an
cho tâm hồn.
Dù theo pháp tu nào, căn bản vẫn phải
là Giới, Định,Tuệ. Khi xưa, lúc Đức Phật sắp nhập diệt, ngài đã dặn dò tôn giả
A Nan rằng: "Khi Như Lai nhập diệt rồi, Giáo Pháp và Giới Luật sẽ là đạo sư
để các con nương tựa vào". Các giới căn bản như năm giới của Phật tử và mười
giới của hàng xuất gia là bước đầu tiên trong con đường tu đạo. Giữ giới không phải
là tuân theo một cách mù quáng những điều cấm kỵ có tính cách giáo điều, mà là sự
áp dụng kỷ luật bản thân từ thân, khẩu, ý để tránh tạo những điều gây tác hại
cho mình cũng như cho người. Đó cũng có nghĩa là sống thuận theo luật nhân quả.
Giới kết hợp hài hòa với Định và Tuệ mới đem lại sự giải thoát đích thực. Người
tinh thông đạo pháp đến đâu mà còn gieo nhân tạo nghiệp thì vẫn không ra khỏi
phiền não, bị nghiệp lực chi phối nên không còn tự chủ và không được tự do tự tại
trong sinh tử.
Những người sau khi có kinh nghiệm cận
tử hay "chết đi sống lại" đều có sự biến chuyển lớn trong bản thân, biết
trân trọng đời sống hiện tại, phát triển lòng từ bi và chú tâm vào việc bồi dưỡng
tâm linh nhiều hơn. Khi đã nhận ra rằng, tất cả những gì trên thế gian này, dù
quý giá đến đâu, đều chỉ là mộng ảo, người ta sẽ dễ dàng buông bỏ những ước muốn
phù du, biết sống đủ, sống thiểu dục và muốn tận dụng đời sống trước mắt để làm những điều
lợi lạc cho mình và cho người. Đó cũng là những bài học quý giá cho chúng ta hâm nóng thêm
ý chí nỗ lực trên con đường chuyển hóa thân tâm, để có được năng lực tự chủ, "sống
tự tại, chết bình an".
Ngọc Bảo
Tháng
10, 2014
0 Kommentare:
Post a Comment