"Chúng ta hành thiền mỗi
ngày nhưng chúng ta vẫn còn mơ hồ về dục vọng thì việc hành thiền của
chúng ta sẽ không có kết quả. Chúng ta sẽ không thoát khỏi phiền muộn
khổ đau bởi chúng ta không khắc phục được sự ám ảnh và chi phối của dục
vọng..."
Trong Kinh tạng Pàli, có một số văn đoạn nêu rõ kinh nghiệm hành thiền của Đức Phật, rất quan trọng và bổ ích cho việc hành thiền của người Phật tử.
Gia chủ Mahànàma đến thưa với Đức Phật:
– Bạch Thế Tôn, đã lâu rồi, con đã hiểu như thế này
lời dạy của Thế Tôn: “Tham là cấu uế của tâm, sân là cấu uế của tâm, si
là cấu uế của tâm”. Tuy vậy, đôi lúc các tham pháp chiếm cứ tâm con và
an trú, các sân pháp chiếm cứ tâm con và an trú, các si pháp chiếm cứ
tâm con và an trú. Bạch Thế Tôn, con tự suy nghĩ: “Pháp nào tự trong ta
không đoạn trừ được, do vậy các tham pháp xâm nhập tâm ta và an trú, các
sân pháp xâm nhập tâm ta và an trú, các si pháp xâm nhập tâm ta và an
trú?”.– Này Mahànàma, có một pháp trong Ông chưa được đoạn trừ, do vậy
các tham pháp xâm nhập tâm Ông và an trú, các sân pháp xâm nhập tâm ta
và an trú, các si pháp xâm nhập tâm Ông và an trú. Và này Mahànàma, pháp
ấy trong Ông có thể đoạn trừ được, nếu Ông không sống trong gia đình,
nếu Ông không thụ hưởng các dục vọng.
Mẩu đối thoại trên giữa Đức Phật và gia chủ Mahànàma xác nhận một vấn
đề rất thực tế, đó là đời sống người tại gia cư sĩ khó tránh khỏi các
phiền não khổ đau do hệ lụy của đời sống gia đình, cụ thể là các dục
vọng. Nói cách khác, dục vọng là đầu mối của mọi phiền muộn khổ đau;
càng mơ hồ say đắm nó thì khổ não càng gia tăng, vì dục vọng là nguyên
nhân khiến cho tham, sân, si – gốc rễ của phiền não khổ đau – dấy khởi
và tăng trưởng.
Dục vọng là ham muốn thái quá đối với các lạc thú thế gian như sắc
đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu. Một cách hiểu khác,
dục vọng chính là sự mê đắm đối với tiền tài vật chất (tài), danh vọng
quyền lực (danh), sắc đẹp khác phái (sắc), cao lương mỹ vị (thực), chăn
gối êm ái (thùy). Nó biểu lộ qua việc khao khát tìm kiếm các khoái lạc
trần tục (kàmasukha) mà khi đạt được thì tham tùy miên (ràgànusaya: lòng ham muốn tiềm ẩn trong con người) tùy tăng, và khi không đạt được hoặc có được rồi mà mất đi thì sân tùy miên (patighànusaya: tập khí giận dữ bực phiền tiềm ẩn trong con người) tùy
tăng. Vì vậy, dục vọng là lý do khiến cho tham và sân không ngừng xâm
chiếm và thiêu đốt tâm thức con người, làm cho con người cứ mãi quay
cuồng trong thế giới của những cảm thức bấn loạn hoặc lạc khổ hoặc
vui buồn hoặc yêu ghét. Trong giáo lý đạo Phật, dục vọng được xem là con
đẻ đồng thời là thức ăn của si hay vô minh. Chính vì thế mà Đức Phật đã
gợi ý cho gia chủ Mahànàma cần phải hạn chế và rời xa dục vọng, vì còn
thích thú thụ hưởng dục vọng thì tham, sân, si – gốc rễ của phiền não
khổ đau – còn chiếm cứ tâm và an trú. Hơn thế, chính dục vọng hay sự ham
muốn thái quá đối với các lạc thú thế gian là nguyên nhân của mọi rối
loạn khổ đau xảy ra ở các bình diện khác nhau, từ các tranh chấp mang
tính cá nhân cho đến các tranh chấp mang tính tổ chức như xung đột giữa
các gia đình, giữa các đoàn thể xã hội hay giữa các cộng đồng quốc gia.
Chúng ta hiểu rằng lòng ham muốn hưởng thụ các lạc
thú thế gian là tâm lý thường tình của con người. Nó là điều kiện sinh
tồn của nhân thế, nhưng cũng chính nó là nguyên nhân khiến muôn vàn
khổ đau nảy sinh trên cuộc đời, một khi con người không nhận ra mặt
trái của lòng ham muốn và có thái độ ứng xử thích đáng. Hẳn nhiên, không
ai có thể tồn tại trên cõi đời mà không dựa vào các “xúc cảm thế gian”.
Nhưng con người sẽ khó tránh khỏi phiền muộn khổ đau, nếu chỉ một chiều
chạy theo lạc thú trần thế, xem đó là mục tiêu cứu cánh của nhân sinh.
Dục vọng không có bến đỗ3. Càng mong muốn thỏa mãn thì con người càng
trở nên nghèo đói, thiếu thốn, nô lệ cho dục vọng4. Chính vì vậy mà
Đức Phật đã khuyến cáo: “các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn,” và nêu rõ phương pháp thực tập, giúp cho con người khắc phục và vượt qua sự chi phối của dục vọng.
Theo kinh nghiệm của Đức Phật thì con người không thể khắc phục và
chiến thắng dục vọng hay lòng ham muốn các khoái lạc trần thế trừ phi
có sự nhận thức đúng đắn về nó và có sự chuyển hóa đời sống nội tâm,
tức hành thiền. Ngài nêu rõ:“Này Mahànàma, nếu một vị
Thánh đệ tử khéo thấy như vậy với như thật chánh trí tuệ: ‘Các dục, vui
ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn’, nhưng nếu
vị này chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh, hay
một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy vị ấy chưa khỏi bị các dục chi
phối. Này Mahànàma, khi nào vị Thánh đệ tử khéo thấy như vậy với như
thật chánh trí tuệ: ‘Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm
ở đây lại nhiều hơn’, và vị này chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất
thiện pháp sanh hay một pháp nào cao thượng hơn, như vậy vị
ấy không bị các dục chi phối. Này Mahànàma, thuở xưa, khi Ta còn là
Bồ-tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh Đẳng Giác, Ta khéo thấy
với như thật chánh trí tuệ: ‘Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy
hiểm ở đây lại nhiều hơn’, dầu Ta có thấy với như thật chánh trí tuệ
như vậy, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp
sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy Ta biết rằng Ta
chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahànàma, khi nào Ta khéo thấy với
như thật chánh trí tuệ: ‘Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm
ở đây lại nhiều hơn’, và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất
thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị
các dục chi phối.”5
Kinh nghiệm của Đức Phật nói cho chúng ta biết rằng chỉ một mình
hiểu biết hay ý chí không thôi thì không đủ để vượt qua bản năng dục
vọng, mà tự thân phải thực tập nếp sống ly dục, ly các pháp bất
thiện, phải thực hành thiền định, phải thực nghiệm cho được thiền lạc
(hỷ lạc do ly dục sinh hay do định sinh…) thì các đòi hỏi bản năng mới
được khắc phục và chuyển hóa. Đây chính là bài học kinh nghiệm hết
sức quan trọng và thiết thực cho những ai mong muốn tìm kiếm con đường
giải phóng khổ đau từ giáo pháp của Đức Phật. Chúng ta hành thiền mỗi
ngày nhưng chúng ta vẫn còn mơ hồ về dục vọng thì việc hành thiền của
chúng ta sẽ không có kết quả. Chúng ta sẽ không thoát khỏi phiền muộn
khổ đau bởi chúng ta không khắc phục được sự ám ảnh và chi phối của dục
vọng. Nói cách khác, chúng ta chưa thấy hết sự tai hại của dục vọng,
chưa rời bỏ được lòng đam mê khoái lạc trần thế, chưa thực nghiệm
được thiền lạc do ly dục sinh hay do định sinh; do đó chúng ta chưa
chuyển hóa được nội tâm, chưa tìm thấy niềm hạnh phúc tâm linh cụ thể
và lớn lao để có thể thay thế hay hóa giải các ham muốn thế tục. Vì
vậy, muốn tu thiền cho có kết quả thì phải thực tập nếp sống ít ham
muốn, phải hạn chế việc tìm cầu và thụ hưởng các khoái lạc trần thế. Vì
căn bản của thiền là ly dục và kết quả cụ thể của hành thiền chính là
thoát khỏi mọi ám ảnh và chi phối của dục vọng, thực nghiệm một đời sống
thanh thản an lạc. Tiếp theo là kinh nghiệm chiến thắng dục vọng của
Đức Phật, nhờ công phu hành thiền, thực nghiệm được hỷ lạc do ly dục
sinh hay các thiền chứng cao hơn:“Này Magandiya, Ta thuở
trước, khi còn là tại gia, Ta sống hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách
sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái,
khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận
thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do
thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này
Magandiya, Ta có ba tòa lâu đài, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, một
cho mùa hạ. Này Magandiya, trong bốn tháng mùa mưa, Ta sống hưởng thụ
trong lâu đài mùa mưa, được những nữ nhạc công giúp vui và không bước
xuống khỏi lâu đài ấy. Rồi Ta sau một thời gian, sau khi như chơn biết
được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của
các dục vọng, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của
các dục, Ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi Ta
thấy các chúng sanh khác, chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang bị
các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo
các dục. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta không ham thích. Vì
sao vậy? Vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện
pháp, sau khi chứng đạt Thiên lạc, được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy.
Ta không ao ước cái gì thấp kém; ở đây, Ta không ham thích.Ví như, này Magandiya, một
gia chủ hay con một người gia chủ, giàu sang, tài vật nhiều, sở hữu
nhiều, sống thọ hưởng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng
dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý,
liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi
nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân nhận thức, khả ái,
khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Vị ấy, sau khi làm
thiện thân hành, sau khi làm thiện khẩu hành, sau khi làm thiện ý hành,
khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cộng trú
với chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Vị ấy ở đây, trong rừng Nandana,
được chúng Thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một
cách đầy đủ, một cách sung mãn. Vị ấy thấy người gia chủ hay con người
gia chủ đang thọ hưởng năm dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách
sung mãn. Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Thiên tử ấy, được chúng Thiên
nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một
cách sung mãn, vị ấy có ước vọng được như người gia chủ ấy, hay con
người gia chủ ấy; hay năm dục trưởng dưỡng thuộc loài Người, hay trở lui
về với các dục thuộc loài Người?
– Không có vậy, thưa Tôn giả Gotama! Vì sao vậy? Vì thiên dục, thưa Tôn giả Gotama, là kỳ diệu hơn, là vi diệu hơn nhân dục.
– Cũng vậy, này Magandiya, Ta thuở trước, khi còn là tại gia, Ta
hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, các dục trưởng dưỡng, các
sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến
dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức…
các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả
lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Rồi Ta sau một thời gian, sau khi
như chơn biết được sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và
sự xuất ly của các dục, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt
não của các dục, Ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh.
Rồi Ta thấy các chúng sanh khác chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang
bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy
theo các dục. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta không ham thích.
Vì sao vậy? Vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện
pháp, sau khi chứng đạt Thiên lạc, được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy.
Ta không ao ước cái gì thấp kém; ở đây Ta không ham thích”6.
Tóm lại, những ai nỗ lực tu thiền theo lời Phật dạy thì cần lắng
nghe và nắm bắt thật kỹ kinh nghiệm hay bí quyết đối trị và chiến thắng
dục vọng này của Ngài. Vì đây chính là kinh nghiệm tu tập hết sức căn
bản của Đức Phật, đã từng bước đưa Ngài rời xa các phiền muộn khổ đau,
hệ quả của dục vọng hay tham-sân-si, từng bước giúp Ngài nâng cao cảm
thức sáng suốt và an lạc trong cuộc sống, từng bước giúp Ngài phát
triển chánh tinh tấn (sammà-vàyàma), chánh niệm (sammà-sati) và chánh định (sammà-samàdhi) để cuối cùng đạt đến chánh trí (sammà-nàna) và chánh giải thoát (sammà-vimutti).
Chú thích:
1. Tiểu kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
2. Đại kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
3. Pháp Cú, kệ số 186, mô tả: “Dầu mưa bằng tiền vàng, các dục khó thỏa mãn; dục đắng nhiều ngọt ít, biết vậy là bậc trí”.
4. Kinh Ratthapala, Trung Bộ, cho rằng thế giới (con người) là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái.
5. Tiểu kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
6. Kinh Màgandiya, Trung Bộ.
ĐẠO TÂM - Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 149 (Nguồn: thuvienhoasen.com)
0 Kommentare:
Post a Comment