Pages

03 July 2016

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI (QUYỂN 1) - PHẦN 4

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhcvtYYUNuLWnjioICEyltDActsOmifliqLgA4eL0Dsc5dfJb8O9OT-cJ7_SejayTvtFBisEQkiN1ZCrUKGPd4bbJRkbD3bvHYFLZftu_p_nlVMwv0KO7r6pPigG6kOty9D2o59Qm8yxZY/s200/htth.jpgNếu bóng tối chẳng phải ở trước mặt ông, làm sao mà ông thấy được nó? Nếu ông chỉ có thể thấy được những gì ở mắt, thì làm sao ông có thể thấy được những gì phía sau mắt ông?







HT TUYÊN HOÁ GIẢNG


Kinh văn:
是故應知,汝言覺了能知之心潛伏根裏,合。無有是處
Thị cố ưng tri, nhữ ngôn giác liễu năng tri chi tâm tiềm phục căn lý, như lưu ly hiệp. Vô hữu thị xứ.
Việt dịch:
Thế nên phải biết, ông nói cái tâm hiểu biết suốt khắp núp trong con mắt giống như con mắt nấp sau chén lưu ly. Điều đó vô lý.
Giảng:
Thế nên–do những lời Đức Phật giảng giải ở trước–phải biết ông nói cái tâm hiểu biết suốt khắp ấy. Núp trong con mắt giống như con mắt nấp sau chén lưu ly là điều vô lý.
A-nan nói rằng cái tâm hiểu biết rõ ràng suốt khắp ấy núp trong con mắt là điều vô lý. Lý lẽ của ông không đúng. Ông lại sai lầm một lần nữa rồi!
Kinh văn:
阿難白佛言,世尊我今又作如是思惟。是眾生身在中,竅穴居外。有藏則暗,有竅則明。
A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn! Ngã kim hựu tác, như thị tư duy, thị chúng sanh thân, tạng phủ tại trung, khiếu huyệt cư ngoại, hữu tạng tắc ám, hữu khiếu tắc minh,
Việt dịch:
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn, nay con có suy nghĩ như vậy: thân thể con người, tạng phủ ở trong, khiếu huyệt ở ngoài. Nơi tạng phủ thì tối, nơi khiếu huyệt thì sáng.
Giảng:
A-nan bị Đức Phật quở trách nên liền đưa ra lý luận khác để trả lời câu hỏi của Thế Tôn.
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn, nay con suy nghĩ như vậy. Bây giờ con suy nghĩ theo cách này: Thân thể con người, tạng phủ ở trong, khiếu huyệt ở ngoài.
Chữ “con người” trong các câu này nghĩa là sao? chữ này xuất hiện rất nhiều trong kinh văn nhưng chưa được giải thích. Nguyên nghĩa trong kinh văn là chúng sinh ( ) có nghĩa là sinh nhiều lần. Nghĩa là đã gây ra vô số nghiệp duyên nên có kết quả là sự sinh ra. Mỗi một quý vị đều không phải được sinh ra từ chỉ một nghiệp duyên mà từ nhiều nhân duyên. Như một vụ mùa cần phải có rất nhiều nhân duyên ngoài yếu tố đơn giản là gieo hạt giống – phải có yếu tố đất đai, ánh sáng mặt trời, mưa. Con người chúng ta cũng được sinh ra từ rất nhiều nhân duyên khác nhau.
“Ngũ tạng” gồm có: tim, gan, tỳ, phổi, thận.
“Lục phủ” gồm: ruột già, ruột non, tam tiêu, túi mật, bao tử, bàng quang.
“Lục phủ” nằm ẩn bên trong, được gọi là “dơ bẩn” vì mọi thứ ở trong đó đều là phân và nước tiểu.
Còn về khiếu huyệt, con người có bảy khiếu huyệt đó là hai mắt, hai mũi, hai lỗ tai và một miệng - nơi mà quý vị không ngừng tìm cách lấp đầy cho nó. Ngày hôm nay quý vị ăn vào thật no, nhưng ngày mai lại đói. Thế nên quý vị lại ăn để lấp đầy lỗ trống đó nhưng ngày hôm sau quý vị lại đói nữa. Mọi thứ đều đã tiêu mất rồi. Bên trong là sự tiêu hóa những chất mới và loại trừ những chất cũ. Tiến trình này gây cho con người vô số phiền nhiễu. Ăn cũng là việc quá phiền phức. Hãy nghĩ xem nếu quý vị không bỏ ra ba tiếng đồng hồ một ngày để ăn ba bữa thì chúng ta có thể sử dụng thời giờ phụ trội đó để nghe giảng kinh hoặc ngồi thiền. Nhưng vì quý vị phải ăn ba bữa một ngày quý vị phải bị bận rộn suốt ngày chỉ vì để nhét vào lỗ miệng ấy. Nhưng cuối cùng quý vị không bao giờ lấp đầy nó được cả.
Ở nơi tạng phủ thì tối, nơi khiếu huyệt thì sáng. Vì tạng phủ nằm ẩn trong thân, nên nó bị tối. Làm sao mà người ta biết được những thứ bên ngoài? Vì nhờ những khiếu huyệt, nên nơi đó thì sáng. Nay A-nan không đề cập việc ấy như là mắt trong ví dụ trước mà liên hệ với khiếu huyệt. A-nan quả thật lanh lợi và rất thông minh.
Kinh văn:
今我對佛,開眼見明,名為見外,閉眼見暗名為見內。是義云 ?
Ngã kim đối Phật, khai nhãn kiến minh, danh vi kiến ngoại; bế nhãn kiến ám, danh vi kiến nội, thị nghĩa vân hà?
Việt dịch:
Nay con đối trước Phật, mở mắt thấy sáng, gọi là thấy bên ngoài, khi nhắm mắt thấy tối gọi là thấy bên trong. Nghĩa ấy đúng chăng?
Giảng:
A-nan thông minh hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta không thể suy nghĩ được nhiều cách để trả lời như thế. Có biết bao nhiêu phương án đã có sẵn trong đầu A-nan rồi. A-nan đưa ý kiến này tiếp theo ý kiến khác. Bất kỳ khi nào Đức Phật hỏi, A-nan đều có được câu trả lời. A-nan luôn luôn có chuyện để nói. Trong đầu A-nan luôn luôn đầy ắp những lý lẽ, ý kiến, tưởng tượng và sự suy xét. A-nan là người nổi bật nhất trong hàng đệ tử Phật về học rộng. Chỗ nào không có đạo lý, A-nan sẽ tạo ra đạo lý. Ông ta có lẽ là một luật sư hạng nhất.
Nay con đối trước Phật, mở mắt thấy sáng gọi là thấy bên ngoài, khi nhắm mắt thấy tối gọi là thấy bên trong.
“Khi con thấy ánh sáng đó gọi là thấy bên ngoài còn khi thấy tối gọi là thấy bên trong.” A-nan hỏi Phật: nghĩa ấy có đúng chăng?
Kinh văn:
佛告阿難:汝當閉眼,見暗之時,此暗境界,與眼對,為不對眼? 若與眼對,暗在眼前,云何?
Phật cáo A-nan: Nhữ đương bế nhãn, kiến ám chi thời, thử ám cảnh giới, vi dữ nhãn đối, vi bất đối nhãn? Nhược dữ nhãn đối, ám tại nhãn tiền, vân hà thành nội?
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan: Khi ông nhắm mắt thấy tối, bóng tối có sẵn ở trước mắt ông hay sao? Nếu có sẵn trước mắt ông thì bóng tối ấy là ở trước mắt ông, sao lại nói ở là bên trong?

Giảng:
Thay vì nói cho A-nan biết lập luận mới nhất của A-nan là đúng hay sai. Đức Phật chỉ hỏi A-nan câu hỏi khác.
Đức Phật bảo A-nan: “Khi ông nhắm mắt thấy tối…” Ông nói rằng khi ông nhắm mắt lại và thấy tối cho rằng đó là thấy bên trong. Nhưng bóng tối ấy có sẵn ở trước mắt ông hay sao?
Nói cho tôi biết. Nhanh lên!
Nếu có sẵn ở trước mặt ông thì bóng tối ấy là ở trước mặt ông. Sao lại nói là bên trong.
Sao ông lại nói thấy tối là thấy bên trong?
Kinh văn:
若成內者。居暗室中無日月燈。此暗中皆汝焦。若不對者,云何成見?
Nhược thành nội giả, cư ám bất trung, vô nhựt nguyệt đăng, thử ám thất trung, giai nhữ tiêu phủ? Nhược bất đối giả, vân hà thành kiến?
Việt dịch:
 Nếu thật ở bên trong thì khi ông vào trong nhà tối không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng hay đèn thì bóng tối trong phòng ấy là từ tam tiêu và ngũ tạng của ông hay sao? Còn nếu nó chẳng có trước mắt ông thì làm sao có nghĩa thấy?
Giảng:
Nếu thật ở bên trong, Đức Phật tiếp tục “Nếu ông lý luận rằng bóng tối trước mặt ông thực là từ bên trong ông. Thì khi ông vào trong nhà tối, không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và đèn thì bóng tối trong phòng ấy là do từ tam tiêu và tạng phủ của ông phát ra.
Bóng tối ấy chắc là xuất phát từ tam tiêu, lục phủ, ngũ tạng của ông. Toàn căn phòng sẽ trở thành các bộ phận trong cơ thể và trong ruột của ông. Tại sao? Vì rất tối và vì ông vừa nói rằng bóng tối mà ông thấy được là bên trong thân ông. Tam tiêu bao gồm thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu. Tam tiêu thuộc về lục phủ. Chức năng của tam tiêu rất quan trọng trong thân thể con người. Nếu bộ phận này bị hỏng, chắc chắn sẽ gây ra bệnh tật rất khó chữa.
Còn nếu nó chẳng phải ở trước mặt ông, làm sao có nghĩa thấy?
Nếu bóng tối chẳng phải ở trước mặt ông, làm sao mà ông thấy được nó? Nếu ông chỉ có thể thấy được những gì ở mắt, thì làm sao ông có thể thấy được những gì phía sau mắt ông?
Đức Phật đang đánh đổ lập luận mới nhất của A-nan từ mọi khía cạnh và A-nan khó có thể đưa ra thêm một dòng lý lẽ nào để tiếp tục trả lời Đức Phật.
Kinh văn:
若離外,內對所成。合眼見暗,名為身中。開眼見,何不見面?
Nhược ly ngoại kiến, nội đối sở thành; hiệp nhãn kiến ám, danh vi thân trung, khai nhãn kiến minh, hà bất kiến diện?
Việt dịch:
Nếu bỏ qua cái thấy bên ngoài, mà cho rằng con mắt hướng vào bên trong nên thấy tối, thì khi nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy trong thân. Vậy khi mở mắt thấy sáng sao chẳng thấy được khuôn mặt?
Giảng:
Đức Phật tiếp tục hỏi: Nhưng giả sử bỏ qua cái thấy bên ngoài mà cho rằng mắt hướng vào bên trong nên thấy tối. Giả sử có hai loại cái thấy và quý vị có thể hướng vào bên trong để thấy. Thì khi nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy trong thân. Vậy khi mở mắt thấy sáng, sao chẳng thấy được khuôn mặt.
"Ông đồng ý là khi thấy được bóng tối có nghĩa là thấy được bên trong thân, thế khi ông mở mắt để nhìn ra bên ngoài, tại sao ông không thể nhìn thấy được khuôn mặt của mình và bảo cho tôi biết nó ra sao?" Lưu ý rằng A-nan không phản đối rằng ông ta có thể thấy khuôn mặt của chính mình trong gương, đó là điều mà người khác thường làm khi nghe qua cuộc thảo luận này. Có khi họ còn không có được tấm gương!
Kinh văn:
若不見面,內對不成。 見面若成,此了知心及與眼根,乃在虛空。 何成在內?
Nhược bất kiến diện, nội đối bất thành. Kiến diện nhược thành, thử liễu tri tâm, cập dữ nhãn căn, nãi tại hư không, hà thành tại nội?
Việt dịch:
Nếu chẳng được thy mặt thì chẳng có cái thấy bên trong. Nếu thấy được mặt thì cái tâm rõ biết này và con mắt phải ở ngoài hư không, làm sao ở phía trong được?
Giảng :
Nếu chẳng thấy được mặt, thì chẳng có cái thấy ở bên trong. Tôi chỉ hỏi ông nếu ông có thể thấy được mặt mình, thì ông chẳng có gì phải nói nữa cả. Nhưng nếu ông chẳng thể thấy được mặt mình với đôi mắt mở rộng, thì làm sao mà ông có thể nhắm mắt mà thấy được bên trong? Đây là điều ông phải chứng minh. Nhưng lập luận của ông không có nguyên lý căn bản.
Nếu thấy được mặt thì cái tâm rõ biết này và con mắt phải ở ngoài hư không, làm sao ở phía trong được?
"Nếu ông cho rằng ông thực sự có thể thấy khuôn mặt của ông được, thế thì cái tâm phân biệt và mắt ông không thể nào ở trên mặt ông, thì ông không thể nào thấy được mặt mình. Nhưng nếu ông thấy được mặt mình thì tại sao ông nói tâm và cái thấy là ở bên trong?"
Kinh văn:
虛空,自非汝體,即應如來,今見汝面,亦是?
Nhược tại hư không, tự phi nhữ thể, tức ưng Như lai, kim kiến nhữ diện, diệc thị nhữ thân?
Việt dịch:
Nếu ở ngoài hư không thì nó chẳng phải là tự thể của ông, thế nay Như Lai thấy được mặt ông, Như Lai cũng là thân của ông hay sao?
Giảng:
Nếu ở ngoài hư không thì nó chẳng phải là tự thể của ông.
Hư không chẳng phải là thân thể của ông nếu tâm và mắt ông đều ở trong hư không thì chúng chẳng có chút nào liên quan với ông. Vậy mànếu ông nói chúng nó có sự liên quan với ông. Như ông nói những thực thể tách biệt kia ở trong hư không là bộ phận của thân thể ông. Thế nay Như Lai thấy được mặt của ông, Như Lai cũng là thân của ông hay sao?
Đức Phật bảo A-nan “Nếu ông muốn nói thân và tâm ông đều ở ngoài hư không thì chúng nó không phải là bộ phận của thân thể ông. Còn nếu ông nói tâm và mắt của ông đang treo lơ lững ngoài hư không và nó cũng là bộ phận của thân thể ông thì lẽ ra, Như Lai đang nhìn thấy được gương mặt ông từ vị trí thuận lợi trong không gian thì nó cũng là một phần của thân thể ông hay sao? Trong trường hợp đó Như Lai đã hóa thành ông, điều ấy hợp lý chăng?”
Kinh văn:
汝眼已知,身合非覺。必汝執言身眼兩覺,應有二知。即汝一身應成兩佛。
Nhữ nhãn dĩ tri, thân hiệp phi giác. Tất nhữ chấp ngôn, thân nhãn lưỡng giác, ưng hữu nhị tri. Tức nhữ nhứt thân ưng thành lưỡng Phật.
Việt dịch:
Trong trường hợp đó, khi mắt ông biết thì thân ông vẫn không biết. Ắt là ông cho thân và mắt đều biết, thì phải thành hai cái biết. Tức là một thân của ông có thể thành hai vị Phật.
Giảng:
Trong trường hợp đó, khi mắt ông biết thì thân ông vẫn không biết. Phải chăng đó là cách đúng đắn? Nếu ông cho thân và mắt đều biết thì phải thành hai cái biết.
Nếu ông khăng khăng cho lý lẽ này là đúng thì theo đó sẽ có hai cái biết, một của thân và một của mắt, mỗi bộ phận phải có một cái biết riêng biệt khác nhau. Tức là một thân ông có thể thành hai vị Phật.
Tại sao? Vốn chỉ có một cái biết duy nhất để chứng ngộ Phật tánh. Nay ông có hai cái biết thì ông sẽ trở thành hai vị Phật. Liệu quý vị có thể trở thành hai vị Phật được không?
Kinh văn:
是故應知,汝言見暗,名見內者,無有是處。
Thị cố ưng tri, nhữ ngôn kiến ám, danh kiến nội giả, vô hữu thị xứ.
Việt dịch:
Thế nên phải biết, khi ông nói thấy tối là thấy trong thân, điều ấy vô lý.

Giảng:
Thế nên phải biết vì những lý lẽ khác nhau vừa được bàn luận, ông nên biết rằng khi ông nói thấy tối là thấy trong thân, điều ấy vô lý. Một lần nữa, lý lẽ của ông là không đúng.
Kinh văn:
阿難言,我常佛開示四眾,由心生故種種法生,由法生故種種心生。
A-nan ngôn: Ngã thường văn Phật, khai thị tứ chúng, do tâm sanh cố, chủng chủng pháp sanh, do pháp sanh cố, chủng chủng tâm sanh.
Việt dịch:
A-nan thưa: Con thường nghe Đức Phật dạy tứ chúng, do tâm sinh nên các pháp sinh; do pháp sinh nên các thứ tâm sinh.
Giảng:
Nay A-nan lại hỏi Phật: A-nan thưa: Con thường nghe Đức Phật dạy tứ chúng.
Trước đây, A-nan thường đem ý riêng của mình để tưởng tượng ra nơi chỗ của tâm và mắt. Mỗi ý tưởng đều bị Đức Phật bác bỏ. Nên nay không dám trình bày ý riêng của mình nữa mà trích dẫn lời khai thị của Đức Phật. nói: “Con nghe Đức Phật thường khai thị cho tứ chúng.” Tứ chúng là tỷ-khưu, tỷ-khưu ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Tỷ-khưu và tỷ-khưu ni là những nam nữ đã xuất gia. Còn ưu bà tắc, ưu-bà-di là những Phật tử tại gia đã thọ nhận năm giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu). Ưu bà tắc, Ưu-bà-di còn được gọi là cư sĩ.
Do tâm sinh nên các pháp sinh.
Vì quý vị có tâm - Đức Phật đang nói về tâm ý thức–nên các pháp theo tâm ý thức ấy mà sinh khởi. Đây có nghĩa là sự biểu hiện của thức (thức biến) hiện bày ra mọi hiện tượng. Các pháp vốn không có tự tánh, nó chỉ hiện hữu bởi nhiều yếu tố nhân duyên.
Vì các pháp sinh nên các thứ tâm sinh.
“Vì nhân duyên sinh ra các pháp, nên mọi tâm ý thức đều sinh khởi. Đây là giáo pháp mà Thế tôn giảng giải cho con nên chẳng cần nghi nghờ gì nữa.” A-nan nói: “Nay căn cứ vào giáo pháp Đức Thế tôn đã dạy, con có một suy nghĩ khác.”
Kinh văn:
我今思惟,即思惟體實我心性, 所合處,心則隨有。亦非內外中間三
Ngã kim tư duy, tức tư duy thể, thật ngã tâm tánh, tùy sở hiệp xứ, tâm tắc tuỳ hữu, diệc vô nội ngoại trung gian tam xứ.
Việt dịch:
Nay con suy nghĩ, thì cái thể của suy nghĩ ấy thực là tâm con, tuỳ chỗ hoà hợp, tâm theo đó mà có, chẳng phải ba chỗ trong, ngoài và ở giữa.
Giảng:
Nay con suy nghĩ –A-nan lại suy nghĩ nữa. Ông ta suy nghĩ điều gì? Thì cái thể của suy nghĩ ấy thực là tâm con. Cái thể của suy tưởng ấy là tánh của tâm con. Cái nhận thức, hiểu biết ấy là tánh của tâm con (tánh mà A-nan nêu ra đây không phải là tự tánh, thể tánh) mà vẫn còn là tâm ý thức.
Tùy chỗ hòa hợp, tâm theo đó mà có.
Bất kỳ lúc nào tâm ấy gặp đủ yếu tố nhân duyên, nó liền kết hợp với những yếu tố nhân duyên đó mà hiện hữu. Bất kỳ khi nào những yếu tố này kết hợp với nhau, ở đó có sự hiện hữu của tâm. Nếu không có sự kết hợp của các yếu tố nhân duyên thì tâm không hiện hữu.
Chẳng phải ba chỗ trong ngoài và chặng giữa.
Tâm chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở giữa. Đúng hơn, bất kỳ khi nào hội đủ yếu tố nhân duyên thì tâm hiện hữu. Nếu không hội đủ nhân duyên thì có lẽ chẳng có tâm.
Một lần nữa, những gì A-nan trình bày dường như đúng nhưng lại sai. A-nan vẫn chưa nhận thức được về tâm một cách rõ ràng. Thế nên:

Kinh văn:
佛告阿難,汝今說言由法生故種種心生。所合處,心隨有者。是心無體,則無所合。若無有體而能合者,則十九界因七塵合。是義不然。
Phật cáo A-nan: Nhữ kim thuyết ngôn do pháp sinh cố chủng chủng tâm sanh. Tuỳ sở hợp xứ, tâm tuỳ hữu giả. Thị tâm vô thể, tắc vô sở hợp. Nhược vô hữu thể nhi năng hợp giả, tắc thập cửu giới nhân thất trần hợp. Thị nghĩa bất nhiên.
Việt dịch:
 Đức Phật bảo A-nan: Nay ông nói do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, tùy chỗ hòa hợp, tâm tùy theo đó mà có. Tâm ấy nếu có tự thể, chắc là không có chỗ hòa hợp. Nếu không có tự thể mà hòa hợp thì cũng giống như giới thứ mười chín hòa hợp với trần thứ bảy. Nghĩa ấy không đúng.
Giảng:
Đức Phật sử dụng lại lập luận của A-nan để trả lời. Đức Phật bảo A-nan: Nay ông nói do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, tùy chỗ hòa hợp, tâm tùy theo đó mà có.
Ông nói rằng tâm hiện hữu bất kỳ lúc nào hòa hợp với các pháp. Nếu không có sự hòa hợp thì dĩ nhiên tâm không hiện hữu. Đó là cách ông lập luận. Nhưng tâm ấy nếu không có tự thể, chắc là không có chỗ hòa hợp.
Nhưng cái tâm ông đang đề cập đến ấy có tự thể chăng? Nếu nó không có tự thể hoặc không có hình tướng thì nó không thể hòa hợp với các thứ khác. Nếu nó không có sắc tướng thì nó sẽ nương vào đâu mà hòa hợp?
Nếu không có tự thể mà hòa hợp được,
Sẽ vô lý nếu cứ khăng khăng rằng nó có thể hòa hợp được với mọi vật mặc dù nó không có tự thể, nhưng giả sử ông cứ khăng khăng như thế thì cũng giống như giới thứ mười chín hòa hợp với trần thứ bảy. Nghĩa ấy không đúng.
"Vốn chỉ có mười tám giới nay thành ra có mười chín giới. Giới vừa mới phát sinh thêm, như ông vừa lập luận, là do tâm ông hiện hữu. Mười tám giới là gì? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là sáu căn cộng với sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần sẽ sinh ra khởi sáu thức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Tổng cộng là mười tám giới. Sáu căn và sáu trần tiếp xúc nhau gọi là mười hai xứ (thập nhị xứ) hay mười hai lối vào (thập nhị nhập)."
Đức Phật chỉ ra sự thêm thắt hợp lý trong lập luận của A-nan là sự hiện hữu của giới thứ mười chín, nơi mà giả sử như cái tâm-không-có-tự-thể ấy “hiện hữu khi nó hòa hợp với vật.” Những vật mà tâm hòa hợp cũng giống như trần thứ bảy, nghĩa này vẫn không đúng. A-nan phạm sai lầm thêm một lần nữa.
Kinh văn:
若有體者如.汝以手自挃[1]其體。汝所知心為復內出為從外入。若復內出還見身中。從外來先合見面.
Nhược hữu thể giả, như nhữ dĩ thủ tự chất kỳ thể, nhữ sở tri tâm vi phục nội xuất, vi tùng ngoại nhập? Nhược phục nội xuất, hoàn kiến thân trung. Nhược tùng ngoại lai tiên hợp kỳ diện.
Việt dịch:
Nếu tâm có tự thể, khi ông lấy tay gãi trên thân thì tâm ông có nhận ra cái biết từ bên trong thân ra, hay do ngoài thân mà có? Nếu từ trong thân ra thì phải trở lại thấy trong thân. Nếu từ ngoài vào thì trước hết phải thấy được mặt của ông.
Giảng:
Bây giờ Đức Phật giải thích lý do tại sao ngài cho rằng A-nan mắc sai lầm một lần nữa.
Nếu tâm có tự thể Đức Phật nói rõ thật là vô lý khi nói tâm không có tự thể. Nhưng nếu như tâm có tự thể, nếu tâm quý vị có tâm thể thì: Khi ông lấy tay tự gãi trên thân thì tâm ông có nhận ra cái biết là từ trong thân ra hay do ngoài thân mà có?
Có phải chăng tâm xuất hiện từ bên trong hay thể tánh của tâm là từ bên ngoài đi vào? Trước tiên ông cứ cho rằng tâm ông là ở bên trong. Nhưng bây giờ thì ông không cho nó là ở bên trong, bên ngoài hay ở giữa nữa. Thế thì nó ở đâu? Phải chăng tâm ông sẽ hiện hữu khi tùy chỗ hòa hợp với vật? Tâm ông có biết khi mình gãi trên thân, thì cái biết ấy là từ ngoài vào hay từ trong ra?
Nếu nó từ trong thân ra thì nó phải thấy trở lại trong thân. Đã chứng tỏ được rằng tâm không thể ở bên trong, vì nếu ở bên trong thì nó phải thấy được những thứ ở trong thân.
Nếu nó từ ngoài vào thì trước hết nó phải thấy được mặt của ông.
Nếu tâm ông ở bên ngoài thì lẽ ra nó phải thấy được mặt ông, trước khi nhận ra chỗ ông gãi vì ngứa, tâm ông có thấy được mặt của mình không?
A-nan trở nên bối rối khi Đức Phật nêu lên điểm này.
Kinh văn:
阿難言:見是其眼,心知非眼,為見非義。
A-nan ngôn: Kiến thị kỳ nhãn, tâm tri phi nhãn, vi kiến phi nghĩa.
A-nan thưa: Thấy là ở con mắt, còn cái biết nơi tâm thì không phải do mắt, (Thế tôn nói) tâm thấy là không hợp lý.
Giảng :
            A-nan quyết đoán rằng lời giải thích của Đức Phật là quá phi lý bởi vậy nên A-nan không đồng ý và bắt đầu phản bác:
A-nan thưa: Thấy là ở con mắt. Còn cái biết nơi tâm thì không phải do mắt”
Mắt thấy sự vật, tâm chỉ biết các sự vật ấy mà thôi. (Thế tôn nói) tâm thấy là không hợp lý.
Quý vị cho rằng tâm thấy là hoàn toàn sai lầm, hoàn toàn không hợp lý. Trước đây, Đức Phật đã quở trách A-nan và nói: “Thật không có nghĩa ấy.” Nay A-nan đáp lại với lời phê phán y như vậy. “Như Lai nói rằng nếu tâm có từ bên ngoài thì lẽ ra nó phải thấy khuôn mặt. Nhưng tâm chỉ có thể biết, nó không thể thấy được, thấy được là do mắt.”
A-nan càng lý luận càng lạc xa mục tiêu.
Kinh văn:
佛言:若眼能見,汝在室中門能見不? 則諸已死,有眼存,應皆見物。若見物者,云何名死。
Phật ngôn: Nhược nhãn năng kiến, nhữ tại thất trung, môn năng kiến phủ? Tắc chư dĩ tử, thượng hữu nhãn tồn, ưng giai kiến vật. Nhược kiến vật giả, vân hà danh tử?
Việt dịch:
Đức Phật bảo: Giả sử như mắt có thể thấy thế khi ông ở trong nhà, cái cửa có thể thấy được chăng? Cũng thế, khi người chết, mắt họ vẫn còn, lẽ ra vẫn còn thấy được vật. Nếu thấy được vật, sao gọi là chết?
Giảng:
Đức Phật bảo: Giả sử như mắt có thể thấy thế khi ông ở trong nhà, cái cửa có thể thấy được chăng?
Những cánh cửa trong phòng có thể nhìn thấy được cảnh vật chăng?
Cũng thế, khi người chết mắt họ vẫn còn, lẽ ra vẫn còn thấy được vật. Nếu thấy được vật sao gọi là chết?
Thực vậy, dĩ nhiên khi quý vị chết rồi thì mắt không còn thấy được nữa, cho dù thể trạng của mắt vẫn còn nguyên. Nếu như sau khi chết mắt vẫn còn thấy được thì làm sao mà gọi là chết?
Nhưng thời đại ngày nay, mắt của người chết lại được móc ra rồi cất vào ngân hàng mắt. Nó vẫn còn sử dụng được. Điều này có chứng minh được gì về lý giải của Đức Phật trong kinh này chăng khi nói mắt không thể nhìn thấy được nữa sau khi chết ?
Cho dù mắt ấy còn có thể thấy được, cũng cần phải có thêm năng lực của tánh giác sáng suốt của con người nữa mới khiến cho mắt có thể thấy được. Mắt cũng giống như những khung cửa, tự nó không thể thấy được. Nó như cơ thể trong suốt, giống như những cửa sổ, qua đó người ta có thể nhìn thấy được cảnh vật. Còn trong cơ thể của người đã chết, không còn sinh lực gì nữa.



[1] Trất. Hán ngữ Đại Từ Điển giải thích: 1.đảo . chàng kich; 2, ước thúc, trấp bán縶絆 Bản của Hòa thượng Bich Liên ghi Chất, e không rõ nghĩa. Âm trất với nghĩa đảo: Nện, đập, đánh mạnh; quấy rối, gây rối, có lẽ gần với mạch văn trong đoạn kinh nầy hơn.

(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites