Cái nhân quý vị gieo trồng dứt khoát sẽ gặt hái được kết quả. Nếu quý vị gieo
trồng những hạt giống tốt, quý vị sẽ gặt hái được vụ mùa tốt. Nếu quý vị gieo
trồng những hạt giống xấu, chắc chắn quý vị sẽ thu hoạch một vụ mùa kém cỏi.
HT TUYÊN HOÁ GIẢNG
Kinh văn:
作是語已,五體投地,及諸大眾,傾渴翹佇,欽聞示誨.
Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, cập chư đại chúng, khuynh khát kiều trử,
khâm văn thị hối.
Việt dịch:
Sau khi thưa thỉnh, A-nan gieo
năm vóc xuống đất, cùng toàn thể đại chúng kính cẩn đứng trông chờ được nghe
lời chỉ dạy của Đức Phật.
Giảng:
Sau khi thưa thỉnh, A-nan gieo năm vóc xuống đất
“Năm vóc” gồm hai
tay, hai chân và đầu. Tư thế này là biểu hiện sự kính trọng cao tột nhất trong
tất cả. A-nan đảnh lễ gieo năm vóc xuống đất, cùng toàn thể đại
chúng.
Không những chỉ có A-nan đảnh lễ Đức Phật sau khi thưa
thỉnh xong mà toàn thể đại chúng cũng đều đảnh lễ Đức Phật.
Kính cẩn đứng trông chờ được nghe lời chỉ dạy của Đức
Phật.
“Kính cẩn trông chờ” là biểu hiện đại chúng lắng nghe một cách chăm chú,
theo dõi những lời chỉ dạy mà Đức Phật sẽ ban cho đại chúng, theo dõi giáo lý
tu tập thiền định mà A-nan đã
thỉnh cầu. Họ đều khao khát giáo pháp một cách nhiệt thành không thể nào diễn tả
được, như thể khát nước đang trông chờ được uống. Huệ mạng pháp thân của những
vị này đang bị khô úa, nên họ trông chờ Đức Phật rưới nước pháp để nuôi lớn
pháp thân huệ mạng cho họ.
Câu “kính cẩn đứng trông chờ” có một nghĩa
khác nữa là mọi người đang đứng ở cuối gian phòng đều mong ngóng sẵn sàng được
nghe rõ hơn lời dạy của Đức Phật. Những người kiết tập Kinh dùng những thuật ngữ
đầy biểu tượng để nói đến sự vui mừng của thính chúng khi được nghe thuyết
pháp. “Đứng trông chờ” cũng có nghĩa
là những người đứng xa nơi Đức Phật, khi chờ nghe giảng pháp họ phải đứng nhón
chân lên có thể nhìn thấy được Đức Phật. Tại sao họ muốn thấy Đức Phật? Vì mọi
người đều ưa nhìn ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Như Lai. Mọi người
ai cũng muốn chiêm ngưỡng. Kể cả các vị Đại bồ-tát, a-la-hán,
tỷ-khưu, cư sĩ trong hội Thủ-lăng-nghiêm.
Tôi nghĩ là các vị ấy đều có nhiều ít tâm niệm như tâm niệm của A-nan. Bởi vì lý do A-nan xuất gia là quá ưa thích ba
mươi hai tướng tốt của Đức Phật và cũng vì ưa thích tám mươi vẻ đẹp của Đức Phật
mà nhiều người khác trong chúng hội đến nghe Đức Phật thuyết kinh Thủ-lăng-nghiêm.
Từ “cung kính” là dùng để nhắc lại một lần
nữa các quốc vương, quan đại thần, trưởng giả, cư sĩ đều đứng chờ với lòng tôn
kính tối cao để nghe Đức Phật giảng nói về giáo lý tu tập chánh định.
Kinh văn:
爾時世尊從其面門,放種種光,其光晃耀,如百千日。
Nhĩ thời Thế tôn
tòng kì diện môn, phóng chủng chủng quang, kỳ quang hoảng diệu, như bách thiên
nhật.
Việt dịch:
Khi ấy từ trên cửa mặt (khoảng giữa hai chân mày) của
Đức Thế tôn phóng ra các thứ hào quang. Các hào quang ấy sáng chói như
trăm ngàn mặt trời.
Giảng:
Khi ấy khi A-nan gieo năm vóc
sát đất và đại chúng chú tâm, khát ngưỡng đứng chờ kính cẩn lắng nghe lời chỉ
dạy của Thế tôn.
Đức Thế tôn từ diện
môn (khoảng giữa hai chân mày) phóng ra các thứ
hào quang.
Diện môn 面門 là tiếng Hán, ở đây là nói đến khuôn mặt.
Quí vị không nên tìm kiếm một cánh cửa nào đó trên gương mặt của Đức Phật. Chẳng
có cánh cửa nào trên gương mặt của Đức Phật cả, mà chỉ có các cửa sổ. Mắt của Đức
Phật là cửa sổ, và mũi Ngài là những hang động mà nơi đó, người ta có thể ngồi
thiền và tập định. Không những điều ấy có thể xảy ra nơi lỗ mũi của Đức Phật mà
có thể xảy ra nơi mũi của chúng ta. Nếu quý vị muốn gọi đó là cửa, nhưng chẳng
cần phải chẻ sợi tóc làm tư làm gì.
Từ khuôn mặt của Đức
Phật, phóng ra các thứ hào quang, các
hào quang ấy sáng chói như trăm ngàn mặt trời.
Đức Phật phóng ra
không những chỉ một loại mà gồm rất nhiều loại hào quang từ diện môn của mình.
Nói chung hào quang thường có năm màu, nhưng trong năm màu ấy, có rất nhiều màu
hòa hợp có thể phân tích ra được. Hào quang của Đức Phật mạnh và sáng hơn điện
chớp, soi chiếu khắp nơi. ánh sáng mặt trời chiếu xuống trái đất với năng lượng
rất lớn và rất mạnh, nhưng Đức Phật phóng hào quang có ánh sáng rất mãnh liệt,
gấp ngàn lần so với ánh sáng mặt trời. Quý vị thử nói trong đó có bao nhiêu đạo
hào quang? Khi A-nan kiết tập kinh
này, A-nan đã diễn tả hào quang
của Đức Phật sáng chói như vậy vì chính A-nan
đã chứng kiến được cảnh tượng ấy.
Kinh văn:
普佛世界六種震動。如是十方微塵國土一時開現。
Phổ Phật thế giới,
lục chủng chấn động. Như thị thập phương, vi trần quốc độ, nhất thời khai hiện.
Việt dịch:
Sáu điệu chấn động khắp các cõi Phật. Mười phương
cõi nước như số vi trần đồng thời hiện ra.
Giảng:
Sáu điệu chấn động khắp các cõi Phật.
Đức Phật trụ thế
không chỉ riêng ở thế giới Ta-bà của chúng ta, mà khắp cả các thế giới khác. Cả
hàng triệu thế giới đều trải qua sáu loại chấn động. Có ba loại hình chấn động
là: Động, dõng, khởi.
Động là sự chuyển động của trái đất giống như một
cơn động đất vậy.
Dõng là đột nhiên bị rung động, khiến cho lòng
đất từ từ phóng vọt lên giống như nước phun lên từ dòng suối.
Khởi là sự chấn động dữ dội trên mặt đất. Đôi
khi trái đất có thể bị chấn động dữ dội trồi lên thành chỗ cao hoặc chìm sâu xuống
chỗ thấp. Hiện nay trái đất của chúng ta đang ở giữa thời kỳ biến chuyển của
sáu loại chấn động.
Ba loại khác là thanh
chấn động: gọi là chấn, hống và kích.
Chấn không giống như động mà chỉ là một
dạng rung nhẹ của quả đất. Khi dạng chấn động này xảy ra, thì mặt đất bị
nứt nẻ ra từng mảng và thường làm nhà cửa sụp đổ.
Hống là khi từ trong lòng đất phát ra những âm
thanh mà thế gian chưa từng nghe.
Kích là âm thanh vang ra khi mặt đất bị tách ra
thành từng mảnh và hai phần của khối nứt va chạm vào nhau.
Sáu điệu chấn động xảy
ra bởi nhiều nguyên nhân: khi có người trên thế gian tu hành sắp thành Phật hoặc
khi có người tu tập được giác ngộ, nhưng chưa chứng được quả vị Phật, như khi
chứng được quả vị a-la-hán hoặc
khi ma vương muốn phá hủy tâm đạo của người tu hành ở thế gian. Thế nên sáu điệu
chấn động ấy lại có thiện cảnh và ác cảnh. Khi xảy ra các cảnh chấn động tốt
lành và hay đẹp là khi ở nơi thế gian có một Đức Phật vừa thành đạo hoặc có người
được chứng ngộ. Khi ấy bất luận sự chấn động của sáu dạng ấy dữ dội đến ngần
nào cũng không làm cho mọi loài chúng sinh trên thế gian bị tổn thương. Khi Ma
vương muốn thi thố ma lực nhiễu hại tâm đạo của người tu hành nơi thế gian, nó
có thể sát hại nhiều người và trút cơn giận dữ bằng sự phá hoại. Khi có một cơn
động đất ở một nước nào đó làm cho nhiều người bị chết và bị nạn, rồi ở các nước
khác cũng bị xảy ra những tai nạn như vậy. Đó là khi ma vương muốn khoe sức mạnh
cơ bắp của mình để hăm dọa loài người ở thế gian, và muốn bành trướng phạm vi
quyền lực của mình. Cũng giống như một cuộc phô diễn thế lực chính trị, ma
vương biễu diễn thế lực với loài người chúng ta như muốn nói: “Hãy xem thần lực
của ta lớn mạnh dường nào. Ta có thể chuyển trời, lật đất.” Bởi vậy nên quý vị
phải biết phân biệt kỹ lưỡng khi ta gặp những hiện tượng xảy ra là tốt lành
hay xấu ác vì có rất nhiều hiện tượng sai biệt nhau.
Nói
về chuyện động đất, tôi nhớ mình đã trải qua một trận động đất vào một đêm sau
khi mẹ tôi qua đời. Khi ấy tôi đang thực hành hạnh báo hiếu cư tang bên cạnh mộ
mẹ tôi. Tôi đang lúc tĩnh tọa, thấy mọi vật đều rỗng không, chẳng còn thấy gì
là vật, chẳng còn thấy gì là tôi nữa. Lúc ấy tôi chợt cảm nhận một sự rung chuyển
làm xúc động toàn thân. Tôi tự nghĩ “A! Loài ma nào mà có khả năng làm lay động
thân tôi như thế này? Sức mạnh của nó chắc phải dữ dội lắm.” Tôi không biết đó
chỉ là một cơn động đất. Ngày hôm sau có người đến bảo cho tôi biết có một cơn
động đất vừa mới xảy ra – một trận động đất kỳ quặc. Cái giếng gần nơi tôi ngồi
thiền bỗng phun vọt lên những tia lửa. Đây là những dòng nước bằng lửa phun ra
từ miệng giếng. Chứ không phải là nham thạch phun ra từ núi lửa. Thật là có quá
nhiều chuyện quái lạ trên thế gian này.
Tôi biết có nhiều người
suy nghĩ: “Chắc là lòng giếng thông với mỏ lưu huỳnh, là chất nham thạch phun
ra trên mặt đất mỗi khi có núi lửa. Đó là lý do dòng lửa phun vọt ra từ miệng
giếng.”
Có thể suy nghĩ của họ
đúng như vậy. Một khi trên mặt đất xảy ra sáu điệu chấn động thì mười phương cõi nước như số vi trần đồng thời
hiện ra.
Có bao nhiêu số vi
trần hết thảy? Không thể nào tính kể được, nên các cõi nước xuất hiện nhiều như
số vi trần không thể nào tính đếm được. Các vị Đại a-la-hán, Đại bồ-tát,
Đại tỷ-khưu, Trưởng lão, Cư sĩ,
quốc vương, quan đại thần đều trông thấy các cõi nước này đồng thời xuất hiện.
Quý vị có thể biết được cảm giác của mọi người lúc ấy ra sao không?
Kinh văn:
佛之威神 ,令諸世界 合成一界。
Phật chi oai thần,
linh chư thế giới, hợp thành nhất giới.
Việt dịch:
Do oai thần của Phật, khiến các thế giới vi trần ấy
hợp thành một cõi.
Giảng:
Do oai thần của Phật. Đức Phật dùng năng lực tinh thần và năng lực thần
thông khiến các thế giới vi trần ấy hợp
thành một cõi.
Mặc dù các cõi nước
nhiều không tính kể được mà chúng vẫn hiệp lại làm một. Chẳng hạn như ngày nay
chúng ta có thể phóng một bức ảnh từ kích cỡ rất nhỏ thành bức ảnh có kích thước
rất lớn, hoặc thu hẹp lại một bức ảnh cực kỳ lớn thành một tấm ảnh rất nhỏ.
Quý vị có cho rằng đó là nhờ thần thông không?
Cũng tương tự như vậy,
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni dùng năng lực thần thông làm cho những nơi chốn xa xôi
gần sát nhau lại bằng cách gom lại vô số cõi nước khắp cả tam thiên đại thiên
thế giới lại thành chỉ một quốc độ như thể ngày nay ta thu hẹp lại một bức ảnh
lớn. Và tuy thế, mặc dù các cõi nước hiệp lại thành một nhưng mỗi quốc độ vẫn
còn giữ được toàn bộ tinh túy từ trong trật tự nguyên ủy của chúng. Mỗi quốc độ
đều trụ trong vị trí riêng biệt của chúng không hề lẫn lộn. Nguyên nhân mà Đức
Phật làm cho các thế giới hiệp lại với nhau là để cho mọi loài chúng sinh khắp
các cõi nước có thể được nghe Đức Phật giảng nói diệu pháp mầu nhiệm không thể
nghĩ bàn.
Kinh văn:
其世界中,所有一切諸大菩薩,皆住本國,合掌承聽.
Kì thế giới trung,
sở hữu nhất thiết chư đại bồ-tát, giai trụ bổn quốc, hợp chưởng thừa thính.
Việt dịch:
Trong các cõi nước
ấy, các vị Đại
bồ-tát ở nơi quốc độ của mình đều chắp tay lắng nghe lời Phật dạy.
Giảng:
Đức Phật Thích-ca
Mâu-ni gom tất cả các cõi nước lại thành một vì Đức Phật muốn cho mọi loài
chúng sinh có thể nghe được Đức Phật giảng nói về Đại định Thủ-lăng-nghiêm, để
cho các vị Đại bồ-tát ở khắp các quốc độ đến để học hỏi giáo
pháp này. Thế nên Đức Phật phóng hào quang từ diện môn, là ánh sáng rực rỡ như
ngàn mặt trời chiếu khắp cả mọi quốc độ.
Trong các cõi nước ấy các vị Đại bồ-tát ở
nơi quốc độ của mình đều chắp tay lắng nghe lời Phật dạy. Lắng nghe Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng
kinh Thủ-lăng-nghiêm.
Kinh văn :
佛告阿難,一切眾生,從無始來,種種顛倒。業種自然,如惡叉聚。
Phật cáo A-nan: Nhất
thiết chúng sanh tòng vô thỉ lai, chủng chủng điên đảo, nghiệp chủng tự nhiên,
như ác-xoa tụ.
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan:
Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay, theo các thứ điên đảo, tự nhiên tạo
thành các giống nghiệp như chùm hạt ác-xoa.
Giảng:
Sau khi Đức Phật gom tất
cả thế giới nhiều như hạt vi trần lại thành một thế giới mà trong mỗi một thế giới
đều chứa đủ những trật tự của toàn thể, các Đại bồ-tát ở trong mỗi cõi
nước này đều khát ngưỡng, trông ngóng, ngẩng mặt trông chờ Đức Phật thuyết
pháp. Cũng như các vị bồ-tát đều mang tâm khát ngưỡng không thể diễn
tả được. Hết thảy họ đều ước mong được uống được nước pháp từ nơi Đức Phật
Thích-ca Mâu-ni.
Tất
cả quý vị có lẽ đều trải qua cái khát khắc nghiệt. Khi đói, sau một thời gian
ngắn, quý vị có thể cảm thấy cảm giác đói sẽ dịu đi một chút. Nhưng nếu quý vị
khát nước, có thể là do hậu quả của việc ăn quá mặn mà không có nước để uống
thì rất khó chịu.
Tại sao các vị Đại bồ-tát lại vô cùng khát ngưỡng? Vì họ đã ăn quá nhiều muối phiền não. A-nan là người đã chú tâm đặc biệt vào việc học rộng hiểu nhiều
mà thờ ơ với việc tu tập định lực, là người đã ăn quá nhiều muối học rộng nghe nhiều. Nay họ muốn uống
nước thiền định để hóa giải cơn khát để làm dịu mát tấm lòng. Thế nên đại chúng
đều khát ngưỡng ngước nhìn trông đợi nơi Đức Phật.
Khi tôi giảng giải điều
này, cổ họng tôi cũng cảm thấy khô khát. Nhưng cảm giác khát khao ấy xuất phát
từ việc giảng nói. Trong khi sự khát khao của các vị Đại bồ-tát lại xuất phát từ việc chưa được thấm nhuần giáo pháp của Đức Phật.
Một số người ở đây
chưa thông hiểu việc này nên nói: “Tôi không hiểu nổi những điều tôi đọc được
trong kinh.” Nếu quý vị biết được rằng điều không hiểu đó chính là quý vị đã hiểu.
Nếu quý vị thực sự không hiểu thì ngay đó mới biết được là mình thiếu trí tuệ.
Quý vị ngồi đó và không biết mình có hiểu hay không. Nay quý vị đã biết rằng
mình không hiểu được ý kinh mà quý vị vừa mới đọc, điều đó có nghĩa là quý vị
đã hiểu được chút ít. Nếu quý vị có ước nguyện sẽ hiểu được rõ ràng minh bạch từng
ý kinh, nếu quý vị hiểu ý kinh thông suốt ngay bây giờ thì chẳng còn điều gì
đáng nói. Trong trường hợp đó, Pháp sư này chẳng còn để lại món gì cho quý vị
dùng cả. Nếu quý vị hiểu được ý kinh trước khi tôi giảng thì tôi còn có ích gì
cho đời sau. Tôi hoàn toàn vô dụng. Tuy nhiên, để hiểu được ý kinh ngay tức khắc
thì không dễ gì. Cũng không dễ gì hiểu được mọi việc, dù là muốn biết mọi việc
thế gian chỉ trong vòng một ngày. Đôi khi việc ấy rất cần. Khi quý vị đọc nhiều
kinh, quý vị hoàn toàn biết được một cách tự nhiên. Tại sao quý vị chưa hiểu?
Vì quý vị chưa đọc được nhiều.
Đức Phật bảo A-nan.
Ngay bây giờ tôi giảng
kinh cho quý vị. Quý vị là những người đang đọc đến đoạn kinh này. Như trong
kinh văn, Đức Phật đang giảng giải cho A-nan.
Nhưng tôi không phải là Đức Phật và quý vị không phải là A-nan. Tôi chỉ là người giải thích những
sử liệu về A-nan cho quý vị.
“Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay.”
Tất cả mọi loài chúng
sinh từ noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, loài có hình sắc, loại không
có hình sắc, loài có tưởng, loài không có tưởng, loài không hoàn toàn có tưởng,
loài không hoàn toàn không có tưởng.[1]
Khi Đức Phật giảng
kinh, chính Đức Phật không thể hoàn toàn giải thích rõ ràng tường tận mọi chỉ
thú của kinh. Khi Đức Phật nói: “Từ vô thỉ
đến nay,” nghĩa là từ một thời gian mà không có điểm khởi đầu chính xác.
Quý vị có thể nói thời điểm ấy là lúc nào không? Nếu quý vị muốn tìm kiếm một sự
hợp lý thì đoạn kinh trên hoàn toàn không đáp ứng cho quý vị được.
Nhưng thực ra, không
có cách nào để xác định được con người xuất hiện ở thế gian bắt đầu từ lúc nào.
Khởi
thủy là gì? Để giải thích đơn giản là hãy lấy ví dụ trong một gia đình. Khi quý
vị nói “Tôi là cha của con tôi" thì cha quý vị là con của ai? Cha của quý
vị là ông nội của con quý vị. Vậy thì ông nội là con của ai? Quý vị truy tìm gốc
gác của gia đình mình cho đến khi không thể truy tìm được nữa. Quý vị có thể
nói: “Người này là vị tổ đầu tiên khai sinh ra gia đình tôi.” Nhưng ai là cha của
vị tổ đầu tiên ấy? Truy chỗ này tìm chỗ kia, quý vị vẫn không thể nào tìm ra được.
Nên có người nói rằng con người phát sinh từ loài khỉ, vậy loài khỉ phát sinh từ
cái gì? Nếu loài khỉ có thể chuyển thành người, làm sao quý vị biết được toàn
thể loài người đều phát sinh từ khỉ. Liệu có người nào phát sinh từ heo, từ
chó, từ bò không? Nếu từ khỉ có thể làm phát sinh ra loài người thì loài người
cũng có thể được phát sinh từ bò, heo, ngựa. Mọi người ai cũng đều phải trải
qua vô số lần biến chuyển. Thế nên truy tìm kỹ lưỡng, quý vị sẽ thấy rằng mình
không có chỗ khởi đầu.
Nay
với thành tựu của khoa học và khám phá của ngành khảo cổ, người ta biết được những
việc đã xảy ra cách đây hàng ngàn năm về trước, về những hiện tượng đã xảy ra
như thế nào vào hàng chục ngàn năm về trước. Họ biết những nơi nào còn sót lại
xương của loài người sống cách đây hàng vạn hoặc hàng triệu năm. Để làm gì? Có
phải đó là bằng chứng của mọi việc? Chẳng thể như thế được. Nó chẳng chứng minh
được một điều gì hết.
Quý vị sẽ nói: “Nếu
nó chẳng chứng tỏ được điều gì cả, tại sao xã hội lại đầu tư rất nhiều tiền để
nghiên cứu và thí nghiệm?”
Đó là một sự điên đảo
của thế gian này. Không còn việc gì để làm nên họ kiếm việc để làm. Nếu họ
không làm những việc điên đảo này, tại sao tài nguyên thế giới trở nên cạn kiệt
và bị lãng phí như vậy?
Nếu quý vị thực sự hiểu,
quý vị có thể nói được thực chất của thế giới này là gì không? Phải tìm cho ra
được những điều chân thực và mang đến đây cho tôi nhìn thấy mới được.
Tôi nói mọi người đều
sinh ra từ một trạng thái mơ hồ (vô minh) và chết đi trong một giấc mộng.
Quý vị nói: “Nhưng họ
cũng đã làm cho đất nước lợi lạc.” Họ chỉ là những con người hồ đồ làm những việc
hồ đồ mà thôi. Họ cho rằng mình là những người thông minh nhưng thực ra họ đang
đánh lừa họ vì họ không thể nào tìm ra được nơi khởi đầu.
“Từ vô thỉ đến nay.” Người ta không thể nói được điều gì hơn cuộc đời của
một con người và một phả hệ không biết nơi khởi đầu, không có chỗ kết thúc của
người ấy. Cũng như sinh mạng của quý vị thử nói nó bắt đầu lúc nào?
Quý vị liền trả lời:
“Sinh mạng của tôi bắt
đầu khi tôi được sinh ra.”
Nếu cuộc đời thực sự
được bắt đầu từ khoảng thời gian ngắn ngủi ấy thì không sao, nhưng chỉ e ngại
sinh mạng quý vị không được khởi đầu từ một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế.
Đó mới là vấn đề.
Theo các thứ điên đảo
Điều ngu muội mà tôi
có đề cập trước đây chính là sự điên đảo, là sinh ra trong sự mơ hồ (vô minh) và
chết đi trong giấc mộng. Quý vị lại nói: “Tôi đã dành những thực phẩm quý giá
nhất để nuôi dưỡng thân này và những y phục tốt đẹp nhất để trang sức cho nó
mà!”
Thế có nghĩa là gì? Rốt
ráo điều ấy có nghĩa gì?
Như tôi đã nói từ trước,
quý vị chỉ làm một việc là trang sức một mớ quần áo lộng lẫy cho một cái nhà vệ
sinh. Vậy việc ấy có gì lớn lao chăng? Đó chính điên đảo.
Thích bày ra một số
việc để làm trong khi chẳng có việc gì để làm cả đó là hành động xuất phát từ
“các thứ điên đảo.”
Đó là không nhận ra
được chơn tánh thanh tịnh của mình mà bị rơi vào vọng tưởng phân biệt.
“À!”– quý vị nói –
“Như thế nầy mới thực sự là hay.” Nói như thế thì điều ấy thực sự là tốt chăng?
Hoặc quý vị nói: “Như thế kia thì mới thực là dở.” Nói thế thì điều kia thực sự
là xấu xa chăng? Nếu quý vị quán chiếu sâu sắc hơn, quý vị sẽ nhận ra những thứ
điên đảo này không có thực. Cái gì là tốt, cái gì là xấu? Đó là sự phân biệt từ
cái nhìn của con người, họ phân chia hiện tượng thành ra có tốt và xấu, thiện
và ác, phải và trái. Trong tánh Như Lai tạng, không có sự phân biệt như
vậy, vốn không có một ý kiến gì cả ở trong tánh Như Lai tạng. Trong ấy
hoàn toàn thanh tịnh. Mắt ta có thể thấy được núi sông, đất liền, cây cối thảo
mộc, vô số hiện tượng nhưng đó chỉ là sự biểu hiện của thức. Khi quý vị đã thực
sự nhận ra lý không sinh không diệt của các pháp thì quý vị sẽ hiểu được xưa
nay vốn không có một pháp nào cả. Nhưng đạo lý này không phải dễ nhận ra. Chúng
ta chỉ có thể hiểu được đạo lý này một cách dần dần thôi.
Tự nhiên tạo thành các giống nghiệp như chùm hạt
ác-xoa.
Sự vô minh của chúng
sinh dẫn họ hành động một cách điên đảo và những thứ hành động điên đảo ấy lại
tạo ra vô số loại nghiệp. Tùy theo những loại nghiệp khác nhau mà họ phải trải
qua những quả báo khác nhau. Tại sao chúng sinh tạo ra những nghiệp ác? Vì vô
minh, vì thiếu trí tuệ, vì điên đảo trong mộng tưởng. Vọng tưởng khiến họ tạo
các ác nghiệp và do họ tạo ác nghiệp nên họ phải chịu quả báo đau khổ.
Có ba tiến trình:
Vọng tưởng dẫn đến tạo
nghiệp ác rồi dẫn đến thọ quả báo khổ đau. Đức Phật so sánh tiến trình liên tục
ấy như chùm hạt ác-xoa.
Ác-xoa[2] là một loại trái cây ở ấn Độ chúng mọc
thành chùm, mỗi chùm gồm ba quả. Mặc dù quý vị chưa bao giờ thấy chùm trái
ác-xoa nhưng kinh văn đã giảng giải rất rõ ràng, ai cũng đều có thể hiểu được
chùm ác-xoa gồm ba trái dính nhau tượng trưng cho ba thứ: vô minh, nghiệp và quả.
Nó liên kết với nhau, dính liền nhau cùng một cuống. Quý vị không thể thấy quả
nào ở trước quả nào, từng hạt kế tiếp nhau như vòng tròn liên tục từ đời này
qua đời khác, kiếp này qua kiếp khác. Quý vị nói chúng bắt đầu ở nơi đâu? Nó chẳng
có chỗ khởi đầu. Là một chu kỳ bất tận của vòng luân hồi sinh tử trong lục đạo.
Mỗi người chúng ta đều
sinh ra nơi thế gian này, giống như hạt vi trần bỗng chốc nổi lên cao, bỗng chốc
chìm xuống thấp, chợt chìm chợt nổi, thoắt còn thoắt mất. Khi gieo nhiều nghiệp
nhân tốt lành, quý vị sẽ được sinh trong tầng lớp cao quý. Khi tạo nhiều nghiệp
bất thiện thì sẽ bị đọa lạc. Do vậy, quý vị đừng nên làm những việc ác vì thế
giới này được vận hành bởi đạo lý nhân quả, bởi quy luật của nghiệp và quả. Và
hạt giống nghiệp sẽ vận hành đạo lý này một cách tự nhiên, nghĩa là quý vị sẽ
phải nhận lấy quả báo từ những nghiệp nhân do quý vị đã tạo.
Có một vài điểm khác
biệt giữa “nghiệp” và “nhân.” Nghĩa là bất kỳ lúc nào quý vị
gieo trồng một nghiệp nhân thì quý vị
sẽ gặt hái lấy “nghiệp quả.” “Nhân” là một hành vi đặc biệt dẫn đến một
kết quả tương ứng trong tương lai.
Còn “nghiệp” là một tiến trình chung nhất
trong đó những sự kiện tất yếu này phải xảy ra. Cũng giống như khi gieo một hạt
giống vào lòng đất trong mùa xuân. Đây là nguyên nhân mà kết quả là vào cuối
mùa trồng trọt, sẽ mang lại sự gặt hái vào mùa thu. Toàn bộ tiến trình từ gieo
trồng cho đến khi trổ hạt và gặt hái phải trải qua hằng tháng, đó là “nghiệp.”
Cái nhân quý vị gieo trồng dứt khoát sẽ gặt hái được kết quả. Nếu quý vị gieo
trồng những hạt giống tốt, quý vị sẽ gặt hái được vụ mùa tốt. Nếu quý vị gieo
trồng những hạt giống xấu, chắc chắn quý vị sẽ thu hoạch một vụ mùa kém cỏi.
Nghiệp được tạo nên bởi những việc mà quý vị thường làm nhất trong đời. Ví dụ
như khi quý vị điều hành công việc buôn bán, nghĩa là quý vị dự vào “thương nghiệp.” Nghề nghiệp có thể là
nghiệp tốt hoặc nghiệp xấu. Nếu quý vị làm nghề hàng thịt chẳng hạn, như vậy
nghề của quý vị là nghiệp sát. Nếu quý vị làm trộm cướp thì đó là nghiệp đạo
(ăn trộm). Nếu quý vị chẳng làm gì hết ngoài tà hạnh dâm dục thì quý vị đã tạo nghiệp dâm. Nếu quý vị không bao giờ nói
lời chân thật đó là quý vị đã tạo nghiệp vọng ngữ. Nói chung, bất kỳ
quý vị thường làm một việc gì thì đó là nghiệp của quý vị và quả báo sẽ
đi theo liền, tương ứng với nghiệp của quý vị đã tạo.
Như
vậy, nghiệp được tạo ra do từ một niệm vô minh từ vô thỉ. Từ vô minh tạo
ra nghiệp, từ nghiệp dẫn đến thọ quả
khổ. Ba món này như một chùm quả ác-xoa. Đây là lý do tại sao Đức Phật giảng giải
rõ ràng tiến trình của nghiệp cho A-nan
trong đoạn kinh văn này.
0 Kommentare:
Post a Comment