Pages

27 July 2016

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI (QUYỂN 1) - PHẦN 8

Nhận lấy tâm phan duyên này, quý vị lầm cho rằng đó chính là tự tánh. Quý vị nhận lầm tâm phàm phu làm bản tâm của mình, vậy nên làm sao mà chẳng bị luân hồi trong sinh tử?






HT TUYÊN HOÁ GIẢNG GIẢI



Kinh văn:
諸修行人不能得成無上菩提,乃至別成聲聞緣覺。及成外道,諸天,及魔眷屬。
Chư tu hành nhân, bất năng đắc thành vô thượng bồ-đề, nãi chí biệt thành thanh văn, duyên giác cập thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương, cập ma quyến thuộc.
Việt dịch:
Những người tu hành không thành được đạo vô thượng bồ-đề, mà chỉ thành thanh văn, duyên giác hoặc thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương và quyến thuộc của ma…
Giảng:
Những người tu hành không thành được đạo Vô thượng bồ-đề.
Ở đây bao gồm tất cả hàng ngoại đạo cũng như hàng Phật tử. Những người khi tu đạo mà mong cầu chứng được điều gì đó, thành tựu điều gì đó. Những gì họ mong cầu là đạt được quả vị Vô thượng bồ-đề. Bồ-đề là sự thành tựu Phật quả. Bồ-tát được gọi là bậc Thượng sĩ, còn Đức Phật được gọi là Vô thượng sĩ và Vô thượng bồ-đề là cảnh giới đã thành tựu quả vị Phật.
Mà chỉ thành Thanh văn, Duyên giác.
Liệu những người tu hành có thể đạt được quả vị nào khác Phật quả? Thanh văn là những người nghe Phật thuyết pháp mà giác ngộ. Họ tu tập pháp Tứ diệu đế. Duyên giác là những người tu tập theo pháp Thập nhị nhân duyên.
Hoặc thành ngoại đạo, chư Thiên, Ma vương và quyến thuộc của ma…
Thế nào nghĩa là ngoại đạo? Từ này rất thường được đề cập trong kinh này. Những ai mà “mong cầu ở ngoài tâm có pháp” thì được xem như ngoại đạo. Thực vậy, những người mà chưa đạt được sự giác ngộ hay chưa chứng được Phật quả có thể nói theo một ý nghĩa khác, là còn ở bên ngoài đạo.
Có rất nhiều cõi trời, cõi trời gần chúng ta nhất là cõi trời Tứ thiên vương.[1] Cõi trời này nằm phía trên núi Tu-di, bao trùm một nửa núi Tu-di, ở bốn phía Đông - Nam - Tây - Bắc. Bốn vị vua cai quản các cõi trời này là Trì Quốc Thiên vương, Tăng Trưởng Thiên vương, Quảng Mục Thiên vương và Đa Văn Thiên vương. Thọ mạng của chư Thiên trong các cõi trời này là năm trăm năm. Thế nên đối với loài người chúng ta, năm mươi năm chỉ bằng một ngày một đêm nơi các cõi trời này.
Phía trên cõi trời Tứ thiên vương là cõi trời Tam thập tam thiên.[2] Thọ mạng của chư Thiên cõi trời này là một nghìn năm. Cõi nhân gian một trăm năm tương đương một ngày một đêm trên cõi trời này. Có tất cả ba mươi ba cõi trời hết thảy, mỗi phương Nam, Bắc, Đông, Tây của núi Tu-di có tám cõi trời – tất cả là ba mươi hai và cõi trời thứ ba mươi ba nằm trên núi Tu-di.
Chủ của cõi trời Tam thập tam thiên nguyên là một phụ nữ. Một hôm bà ta thấy tượng Phật ở trong một ngôi chùa bị dột nát. Bà ta phát tâm lợp lại mái chùa khiến cho mưa không giọt xuống tượng Phật nữa. Bà ta vốn là một người nghèo, nhưng bà khuyến khích ba mươi hai người bạn của bà cùng phát tâm cúng dường lo việc sửa chùa. Do phước đức phát sinh từ hạnh nguyện này khiến cho ba mươi ba người này được sinh vào cõi trời và trở thành thiên chủ của ba mươi ba cõi trời này.
Trong thần chú Thủ-lăng-nghiêm, câu “Nam mô nhân đà ra da.” “Nam mô” nghĩa là quy y, “Nhân đà ra da” nghĩa là thiên chủ của cõi trời Tam thập tam thiên.[3]
Cõi Trời Tứ thiên vương và cõi trời Tam thập tam thiên vương là hai cõi trời đầu tiên ở Lục dục thiên. Các cõi trời còn lại sẽ được giải thích chi tiết ở phần sau.
Ma vương cư ngụ ở Lục dục thiên. ở đó không chỉ có Ma vương mà toàn bộ ma dân cũng cư ngụ ở đó gồm: ma nữ, ma con, ma cháu và rất nhiều quyến thuộc. Ma quỷ cũng có quyến thuộc, con cháu, đồ đệ. Nó làm bá chủ một cõi trời, lập thành ma cung. Phần nhiều những người tu theo ngoại đạo đều dẫn đến kết cuộc là sinh trong các cõi này. Bậc thượng thì làm Ma vương, bậc trung thì làm ma dân, bậc hạ thì làm ma nữ. Ma nữ đặc biệt là rất đẹp và rất quyến rũ. Bất lụân quý vị là ai, như A-nan chẳng hạn dù đã chứng được quả vị thứ nhất của hàng a-la-hán, mà cũng không có đủ định lực để làm chủ mình khi nhìn thấy một ma nữ, nên A-nan đã gần như muốn thử bất cứ món gì. Ma nữ rất có quyền lực. Quý vị là những người tu đạo nên hết sức cẩn trọng đừng để loài ma này quyến rũ mình.
Điều đó có ý nghĩa như thế nào?
Nếu quý vị không có đủ định lực thì quý vị sẽ không thể duy trì được sự an định, khi gặp tình huống này sẽ bị ma xoay chuyển và quý vị sẽ thấy mình bị kéo lê lết theo sau một con ma nữ rồi rơi xuống hố ma.
Nếu tôi nói nhiều ma vương sẽ than phiền: “Ngài nói nhiều quá và cứ phơi bày xấu xa của chúng tôi.” Thế nên tôi xin dừng. Nói chung là hãy nên thận trọng, hãy phát huy định lực tối cao, lúc ấy chẳng có gì để sợ hãi. Đây là sự thử nghiệm tuyệt duyệt nhất mà tôi xin ban tặng cho quý vị.
Kinh văn:
皆由不知二種根本,錯亂修習。猶如煮沙欲成嘉饌。縱經塵劫,終不能得。
Giai do bất tri nhị chủng căn bản, thố loạn tu tập. Dụ như chử sa dục thành gia soạn. Túng kinh trần kiếp, chung bất khả đắc.
Việt dịch:
Đều do không biết hai món căn bản, nên tu tập sai lầm. Họ cũng như người nấu cát mà mong thành cơm. Dù có trải qua nhiều kiếp như vi trần nhưng rốt ráo vẫn không thể đạt được những gì mong muốn.
Giảng:
Tại sao họ không thể thành Phật hoặc lại còn trở thành ma vương?
Đều do không biết hai món căn bản, nên tu tập sai lầm.
Hai món căn bản này rất là quan trọng sẽ được giảng giải trong đoạn văn sau. Và do vì họ không hiểu được nên họ bị sai lầm trong khi tu tập. Kết quả thành ra mê mờ. Họ không biết làm sao hành trì cho đúng pháp chân chính. Ví dụ như ở Ấn Độ có một phái ngoại đạo chuyên thực hành pháp tu khổ hạnh bằng cách ngủ trên giường đinh. Họ cho rằng người ta sẽ được công đức nhờ dám tu tập hạnh khổ nhọc như vậy. Có công đức gì trong việc làm ấy? Dù quý vị có ngủ trên dao đi nữa, cũng vô ích mà thôi. Có một số người khác cố làm cho được những thói quen của loài bò và loài chó. Họ bắt chước y hệt cử chỉ của các loài vật này. Tại sao vậy? Đó cũng như là tình trạng nhầm lẫn mê mờ phương pháp tu hành chân chính. Họ thực hành lối tu khổ hạnh vô ích chẳng đạt được kết quả gì cả, dù họ có tu hành khổ nhọc đến đâu đi nữa.
Họ giống như việc gì? Bây giờ Đức Phật mới đưa ra một ví dụ. Họ cũng như người nấu cát mà mong muốn thành cơm. Dù có trải qua nhiều kiếp như vi trần nhưng rốt ráo vẫn không thể đạt được những gì mong muốn.
Cát hoàn toàn chỉ biến thành cát, cát không thể biến thành thức ăn được. Những người này không hiểu được hai món căn bản nên mê mờ, nhầm lẫn trong công phu tu tập. Chung quy sẽ dẫn đến những việc tương tự như vậy.
Kinh văn:
何二種。阿難一者無始生死根本。則汝今者與諸眾生。用攀緣心為自性者.
Vân hà nhị chủng? A-nan, nhất giả vô thỉ sanh tử căn bản, tắc nhữ kim giả, dữ chư chúng sanh, dụng phan duyên tâm vi tự tánh giả.
Việt dịch:
Những gì là hai món căn bản? Một là căn bản sinh tử, từ vô thỉ, chính là tâm phan duyên mà hiện nay ông và toàn thể chúng sinh nhận làm tự tánh.
Giảng:
“Những gì là hai thứ căn bản?”
Nay Đức Phật sẽ giảng rõ hai món căn bản cho A-nan, tôi nghĩ mọi người đều muốn biết hai món căn bản ấy là gì. Tuy nhiên, tôi sẽ không giải thích về ý này vội.
Trước hết, tôi muốn đề cập đến người em cùng cha khác mẹ của Đức Phật là Tôn-đà-la Nan-đà[4] (Sundarananda), vì trước đây tôi chưa nói về nhân vật này. Ông ta rất yêu vợ mình là nàng Tôn-đà-lợi (Sundari). Hai người có thể nói là như keo sơn. Họ ở bên nhau suốt ngày, chẳng hề rời nhau. Do đó để phân biệt ông ta với Ngài A-nan, Nan-đà được gắn thêm tên vợ mình là Tôn-đà-lợi, thành ra Tôn-đà-la Nan-đà. Một hôm Đức Phật đi ngang qua nơi Tôn-đà-la Nan-đà đang ở. Đức Phật đến vương cung khất thực, gặp lúc vợ chồng Tôn-đà-la Nan-đà đang ăn cơm. Khi Tôn-đà-la Nan-đà thấy Đức Phật đang đến, ông ta rời khỏi người vợ và dặn lại:
– Hãy đợi một lát, tôi ra cúng dường cho Đức Phật.
Người vợ liền bảo:
– Ông đi cúng dường cho Đức Phật thì rất tốt nhưng hãy trở lại đây tức thì, đừng có đi luôn!
Tôn-đà-la Nan-đà đáp:
– Dĩ nhiên. Tôi trở lại liền.
Nàng Tôn-đà-lợi liền nhỗ một bãi nước miếng xuống đất rồi nói:
– Nếu ông không trở lại trước khi bãi nước miếng này khô, thì tôi sẽ không để cho ông vào giường với tôi.
Tôn-đà-la Nan-đà cũng lưu tâm đến lời khuyên này và hứa:
– Chắc chắn tôi sẽ trở về ngay.
Rồi ông ta liền mang thức ăn, rau quả đến cúng dường Đức Phật.
Ông ta đến dâng bình bát cho Đức Phật, nhưng ông thấy sao mà Đức Phật làm những việc kỳ lạ quá? Đức Phật đã dùng thần thông. Mỗi khi Tôn-đà-la Nan-đà bước đến một bước để dâng bát cho Đức Phật thì Đức Phật lùi lại một bước. Thế nên Tôn-đà-la Nan-đà vẫn cứ tiến tới để theo kịp Đức Phật, nên chỉ còn vài bước nữa là cả hai về đến Tinh xá Kỳ hoàn. Mặc dù thực tế là từ Tinh xá về đến nhà Tôn-đà-la Nan-đà rất xa. Khi đã về đến Tinh xá rồi, Đức Phật bảo Tôn-đà-la Nan-đà:
– Đừng về nhà nữa, hãy ở đây với tôi, sống cuộc đời của người xuất gia.
Tôn-đà-la Nan-đà vô cùng sửng sốt, đến nỗi toàn thân ông ta nổi da gà. Ông ta nói rõ ràng dứt khoát:
– Tôi không thể nào ở lại đây được. Tôn-đà-lợi đang đợi tôi ở nhà. Tôi chẳng thể nào lưu lại đây được. Tôi phải về nhà thôi.
Đức Phật bảo:
– Ông chẳng thể nào về nhà được, để tôi chỉ cho ông xem một số cảnh rồi hãy xét lại suy nghĩ của mình.
Đức Phật dẫn Tôn-đà-la Nan-đà đến nơi có đàn khỉ đang sinh sống, rồi hỏi:
– Những con khỉ này và nàng Tôn-đà-lợi, ai đẹp hơn?
Tôn-đà-la Nan-đà đáp ngay:
– Dĩ nhiên là nàng Tôn-đà-lợi đẹp hơn. Sao lại có thể so sánh như vậy được?
Đức Phật xác định việc so sánh ấy là hoàn toàn đúng rồi đưa ông ta lên cung trời. Khi đi dạo, họ chú ý đến cung điện rực rỡ, nơi những cung nữ đang bận rộn trong việc chùi rửa và trang hoàng. Có khoảng năm trăm thiên nữ đang ở trong cung điện này, người nào cũng đẹp, không thể nào so sánh được. Tôn-đà-la Nan-đà hỏi một cung nữ:
– Tại sao các người làm những việc này?
Họ đáp:
– Chúng tôi trang hoàng cung điện chuẩn bị để đón người em họ của Đức Phật là Tôn-đà-la Nan-đà. Sau khi ông ta tu tập, ông ta sẽ sinh lên cõi trời để hưởng phước. Năm trăm thiên nữ ở đây sẽ là vợ của ông ta.
Tôn-đà-la Nan-đà rất lấy làm vui thích.
Đức Phật hỏi:
– Này Nan-đà, những thiên nữ ở đây và nàng Tôn-đà-lợi ai đẹp hơn?
Tôn-đà-la Nan-đà đáp liền :
– Dĩ nhiên là những thiên nữ này đẹp hơn. Làm sao lại có thể so sánh như thế được. Nàng Tôn-đà-lợi chỉ đáng như con khỉ dưới kia thôi.
Đức Phật bảo:
– Đúng vậy, cung điện này đang chuẩn bị sẵn sàng để đón ông.
Sau khi đi dạo khắp hoàng cung, Đức Phật đưa người em mình xuống dạo chơi ở địa ngục. ở đây, họ thấy hai con quỷ đang đun một chảo dầu. Một con thì đang ngủ say và con kia dù đã tỉnh ngủ rồi nhưng hai mắt còn mở chưa ra. Tôn-đà-la Nan-đà thấy vậy đoán chừng: “Những con quỷ này đang muốn chụm lửa đun sôi vạc dầu, nhưng nó không muốn làm. Thì ra là những con quỷ lười.” Nghĩ vậy rồi ông ta thúc vào một con quỷ và hỏi:
Các ông đun bếp này để nấu gì vậy?
Con quỷ nhỏ nhất tròn xoe đôi mắt mệt mỏi nhìn chăm ông ta rồi gắt gỏng hỏi lại:
– Việc ấy có can hệ gì đến ông?
Tôn-đà-la Nan-đà đáp lại:
– Tôi chỉ muốn biết thôi.
– Muốn biết hả, được rồi, tôi sẽ nói cho mà biết. Đức Phật có một người em trai đang tu tập mà chỉ mong được hưởng phước báo ở cõi nhân thiên. Ông ta sẽ sinh ở cõi trời và hưởng phước báu ở đó năm trăm năm. Đến khi hưởng hết phước rồi ông ta sẽ bị đọa vào địa ngục. Khi ông ta đến đây thì cũng vừa lúc bọn tôi đun sôi vạc dầu này. Ông ta sẽ bị luộc trong ấy.
Tôn-đà-la Nan-đà sững sốt đến nỗi tóc dựng đứng. Đột nhiên ông ta hiểu được toàn bộ tình huống và nghĩ: “Những thiên nữ ở cõi trời này thì đáng giá thật, nhưng hưởng phước báu ở nơi đây với họ năm trăm năm thì cũng chẳng quý báu gì, khi hết phước lại phải kết thúc đời mình trong chảo dầu sôi. Tốt hơn hết là ta nên theo Đức Phật xuất gia trở thành tỷ-khưu.
Thế nên ông ta quên bẵng nàng Tôn-đà-lợi và đồng ý xuất gia với Phật. Để độ thoát cho Tôn-đà-la Nan-đà, Đức Phật cùng đi với ông ta lên trời rồi xuống địa ngục. Nhưng việc độ thoát cho A-nan anh của Tôn-đà-la Nan-đà lại tỏ ra khó hơn. Đức Phật giải thích một đạo lý mà A-nan không hiểu được. Đức Phật lại giảng giải thêm một đạo lý khác nữa mà A-nan vẫn không hiểu được. Đức Phật vẫn tiếp tục giảng giải và A-nan vẫn còn trong mơ hồ.
Nay Đức Phật khai thị hai món căn bản giúp cho mọi người vốn đã bị mê mờ trong công phu tu tập. Đức Phật muốn giúp cho A-nan hiểu trực tiếp rõ ràng công phu của mình để A-nan có thể chứng được Phật quả trong tương lai.
A-nan, một là căn bản sinh tử từ vô thỉ,
Từ vô thỉ kiếp đến nay, quý vị đã phải chịu sinh rồi sinh, chết rồi chết, chết rồi sinh, sinh lại chết… Tôi đã giảng giải đạo lý này cho quý vị rồi: “Do không nhận ra chơn tâm thường trụ, thể tánh thanh tịnh sáng suốt mà nhận lầm các vọng tưởng. Các vọng tưởng này vốn chẳng chân thật, nên bị luân chuyển.”
Căn bản sinh tử đã được khai thị một lần nữa trong đoạn văn này rồi.
Nó chính là tâm phan duyên mà hiện nay ông và toàn thể chúng sinh - không chỉ riêng mình ông, mà tất cả mọi loài - nhận làm tự tánh.
Nhận tâm phan duyên” là chuyên hành xử dựa trên vọng tưởng. Chẳng hạn như quý vị đi học nhưng lại đem hết sức mình ra để mong được điểm tốt với thầy dạy của bạn bằng cách nịnh nọt thầy. Quý vị tâng bốc giáo sư bằng những tước hiệu của họ và tặng những mỹ từ với hy vọng giáo sư sẽ hài lòng. Sao vậy? Vì mong mỏi giáo sư sẽ cho quý vị nhiều điểm. Quý vị nghĩ rằng: “Rõ ràng giáo sư sẽ cho ta điểm tám mươi,[5] nhưng nếu mình tử tế với thầy, tặng quà cho thầy hay chút đồ vật gì đó thì có thể ông ta sẽ tăng điểm cho mình gấp đôi.”
Quý vị thủ lợi bằng một cách vi tế như vậy. Đó là một ví dụ của tâm phan duyên.
Một ví dụ khác xảy ra trong khi ứng cử Tổng thống hoặc Dân biểu hoặc Tỉnh trưởng. Các ứng cử viên đi lại khắp nơi để cổ động giành phiếu cho mình và nài nỉ, khẩn khoản cầu viện sự ủng hộ từ phía bạn bè phe cánh của mình. Đó cũng là một trường hợp của “tâm phan duyên.” Thay vì để cho mọi việc diễn biến một cách tự nhiên. Nếu theo diễn biến tự nhiên, quý vị sẽ trở thành Tổng thống, thì lẽ ra quý vị chẳng cần phải mở chiến dịch vận động rùm beng để cho mọi người biết quý vị xứng đáng là Tổng thống. Đạo đức của quý vị quá hiển nhiên rồi và mọi người đều ngưỡng mộ bạn. Bạn khỏi phải cần thuyết phục mọi người, họ tự nhiên sẽ đề cử quý vị làm Tổng thống. Đó là phương cách lý tưởng để tiến hành, còn ngoài ra đều rơi vào lãnh vực của tâm phan duyên.
Một sự kiện khác minh họa cho điểm này là chuyện vua Nghiêu[6] của nước Trung Hoa, khi vua Nghiêu đã già, ông muốn tìm kiếm người có tài đức xứng đáng để giao việc trị nước cho người ấy. Vua Nghiêu nghe rằng có Sào Phụ[7] và Hứa Do[8] là người hiền tài đức hạnh trong thiên hạ nên quyết định giao việc trị nước lại cho Sào Phụ.
Tại sao lại gọi là Sào Phụ, Sào ( ) nghĩa là tổ chim. Do ông ta sinh sống ở một nơi rất kỳ quặc. Ông ta làm một cái chòi tranh ở trên cây giống như tổ chim rồi ở trên đó. Cách sống của ông ta rất đơn giản, đến nỗi ông ta dùng hai bàn tay úp lại múc nước để uống. Có người thấy ông ta uống nước như vậy, mới nghĩ rằng ông ta không có vật dụng để đựng nước nên cho ông ta một cái vỏ trái bầu. Ông ta treo vỏ trái bầu khô trên một cành cây nhưng nó lại gây nên tiếng lóc cóc ầm ĩ mỗi khi gió thổi qua, thấy nó quá phiền toái nên cuối cùng ông ta lại vứt nó đi.
Vua Nghiêu nghe đức hạnh, tài năng cùng sự thanh bạch của Sào Phụ, quyết định nhường ngôi cho ông ta. Vua đến gặp ông để thông báo ý định của mình: “Trẫm nay đã già, ông nên thay trẫm nhận việc trị dân, trẫm sẽ nhường ngôi cho ông.”
Ngay sau khi câu nói của vua Nghiêu vừa thoát ra khỏi miệng, Sào Phụ liền lấy tay bịt tai mình lại, bỏ đi nói một cách dí dỏm:
­Tôi chẳng có một chút thích thú gì khi nghe nói những nói những lời như vậy. Thực ra, những lời nói của Ngài đã làm bẩn tai tôi.
Sào Phụ đi về hướng bờ sông để rửa tai thực. Bấy giờ, rất tình cờ Sào Phụ lại gặp Hứa Do cũng đang ở bến sông, ông ta đang tắm cho trâu. Hứa Do hỏi:
– Tại sao ông xuống đây để rửa tai?
– Ông vua Nghiêu kia thật là điên rồ, –Sào Phụ trả lời khi đã rửa tai xong–Ông ta đến tìm tôi, nói rằng muốn giao đất nước cho tôi, muốn tôi trị vì quốc gia này. Lời nói của ông đã làm bẩn tai tôi, nên tôi xuống đây để rửa.
Nghe vậy, Hứa Do la lên:
– Thế thì làm sao mà trâu của tôi lại phải uống thứ nước dơ bẩn mà ông đã dùng để rửa tai xong. Trâu của tôi không thể nào uống thứ nước bẩn thỉu ấy được.
Nói xong, Hứa Do dẫn trâu lên phía trên dòng sông để cho trâu được uống nước trong sạch.
Quý vị thấy vào thời xưa, bậc hiền nhân không những từ chối ngôi vua mà còn có những lời phản ứng khẳng khái khi tai mình bị bôi nhọ bởi những lời như vậy.
Thế mà ngày nay người ta lại nói:
“Nè, quý vị hãy bỏ phiếu bầu cử cho tôi làm Tổng thống. Hãy chọn tôi làm dân biểu cho quý vị.” Các ứng cử viên mở những cuộc vận động chính trị, tạo sự liên kết xuyên quốc gia, thương lượng đi đêm, mặc cả cửa sau, ngay cả mua chuộc cả phiếu bầu. Nhưng Sào Phụ và Hứa Do lại không bị “tâm phan duyên.” Họ đã biểu hiện đức hạnh cao quý và vô cùng thanh khiết.
Nhận lấy tâm phan duyên này, quý vị lầm cho rằng đó chính là tự tánh. Quý vị nhận lầm tâm phàm phu làm bản tâm của mình, vậy nên làm sao mà chẳng bị luân hồi trong sinh tử?
Quý vị không nhận ra được bản tâm là gì, thay vì vậy, quý vị nhận giặc làm con, trong tương lai nó sẽ lấy sạch châu báu trong nhà cửa của quý vị. Đó chẳng gì khác hơn là vọng tưởng, nó khiến cho quý vị nghĩ rằng mình có chút thành tựu bởi đã dùng tâm phan duyên. Đây chính là sai lầm mà A-nan đã mắc phải.
Kinh văn:
二者,無始提涅槃元清淨體。則汝今者識精元明,能生,緣所遺者。
Nhị giả, vô thỉ bồ-đề niết bàn nguyên thanh tịnh thể. Tắc nhữ kim giả thức tính nguyên minh, năng sanh chư duyên, duyên sở di giả.
Việt dịch:
Thứ hai là nguyên thể thanh tịnh của bồ-đề niết-bàn từ vô thỉ. Đó chính là cái thức tinh nguyên minh của ông. Hiện nay hay sinh khởi các duyên bị ông quên mất.



[1] Tứ thiên vương: Còn gọi là Tứ thiên vương thiên 四天王天 (s: Catur-mahā-rājakāyikā):
Đông là Trì quốc thiên vương 持國天; s:Dhtarāṣṭra. Nam là Tăng trưởng thiên; s:Virūhaka 増長天; Tây là Quảng mục thiên廣目天; s:Virūpāka, Bắc là Đa văn thiên s; Vaiśravaa 多聞天.
[2] s: Trāyastrimśa. Còn gọi là Tam thập tam thiên 三十三天; e: The Heaven of the Thirty-three (gods). Là một trong sáu cõi trời (Lục dục thiên) của Dục giới, nằm trên đỉnh núi Tu-di. Tại mỗi phương trời là một chỏm núi, có tám vị trời ở mỗi phương, trung ương là cung điện của vua trời Đế thích (s: Indra, Śakra).
[3] S: Indra: Nhơn-đà-la因陀羅, Thiên đế thích天帝釋s: Śakradevānāmindra; p: Sakka-devānam-inda.còn gọi là Đế Thích, Kiều Thi La, Bà-sa-bà, Phú-lan-đà-la, Ma-pháp-bà.; Hán dịch Thích-đề hoàn nhân 釋提桓因, Thích-ca nhân-đà-la 釋迦因陀羅, Kiều-thi-ca. Chủ cõi trời Đao lợi 忉利天, tức Tam thập tam thiên.

[4] S: Sundarananla; còn gọi là Tôn-đà-la Nan-đà孫陀羅難陀,Tôn-đạt-la Nan-đà. Nghĩa là Diễm Hỷ豔喜. Em của Phật, xuất gia làm tỷ-khưu đệ tử Phật. Khi chưa xuất gia có người vợ rất đẹp tên là Tôn-đà-lợi 孫陀利 (s: Sundari).
[5] Theo hệ thống thang điểm của nhà trường Trung Quốc.
[6] Vua Nghiêu (), tức Đào Đường, thời Ngũ Đế, 2250-2140 TCN.
[7] Sào Phụ (Ch'ao Fu 巢父).
[8] Hứa Do (Hsu Yu 許由).

(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites