Pages

21 June 2016

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI (QUYỂN 1) - PHẦN 2



Trong kinh Tứ thập nhị chương, Đức Phật dạy “không nên tin vào tâm ý của mình, tâm ý của mình không đáng tin. Đến khi chứng được a-la-hán rồi, mới có thể tin tâm của mình được.”












HT TUYÊN HOÁ GIẢNG THUẬT

Kinh văn
復有無量辟支,無學,并其初心,同來佛所。屬諸比丘休夏自恣。
Phục hữu vô lượng bích chi, vô học, tinh kì sơ tâm, đồng lai Phật sở. Thuộc chư tỉ-khưu hưu hạ tự tứ.
Việt dịch:
 Lại có vô lượng các bậc Bích chi, các bậc vô học và hàng sơ phát tâm cùng đến chỗ Phật. Nhằm lúc các tỷ-khưu làm lễ tự tứ mãn hạ.
Giảng:
Lại có vô lượng các bậc Bích-chi là những vị Độc giác Phật, thuộc về Duyên giác thừa. Độc giác thừa và Thanh văn thừa thường được gọi chung là Nhị thừa, họ đạt đến quả vị vô học, do đã chứng được quả vị thứ tư của hàng a-la-hán.
Bích-chi Phật có thể dịch là Độc giác, là người tự mình tu tập giác ngộ vào thời không có Đức Phật tại thế. Nhưng cũng để chỉ cho các vị Duyên giác, tu tập giác ngộ khi Đức Phật tại thế. Những vị Duyên giác theo Đức Phật tu hành pháp mười hai nhân duyên mà ngộ đạo. Đó là:
Vô minh duyên hành
Hành duyên thức
Thức duyên danh sắc
Danh sắc duyên lục nhập
Lục nhập duyên xúc
Xúc duyên thọ
Thọ duyên ái
Ái duyên thủ
Thủ duyên hữu
Hữu duyên sinh
Sinh duyên lão tử.
Khi vô minh diệt thì hành diệt. Hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt. hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử diệt.
Đó là chiều hoàn diệt của mười hai nhân duyên.
Một vị Bích-chi Phật sống vào thời Đức Phật tại thế thì được gọi là Duyên giác. Tuy thế, trong pháp hội Thủ-lăng-nghiêm, những vị tu tập theo pháp ấy được gọi là Độc giác. Sao vậy? Vì có những vị Thánh đã tu đạo trong núi sâu trước khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni chứng đạo. Khi không có Đức Phật xuất hiện ở đời, họ nhìn hoa trắng nở vào mùa xuân, vào mùa thu họ nhìn lá vàng rơi, họ quán sát vô số hiện tượng sinh diệt trong chính tự thân của nó và qua đó họ ngộ đạo. Nhưng sau khi Đức Phật Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo, họ rời bỏ những hang động, những mỏm đá sâu trong núi, những thung lũng cô tịch để đến trợ giúp với Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hoằng truyền Phật pháp. Có vô số người đã trở nên thành viên của giáo đoàn rất có ảnh hưởng lúc ấy.
Bên cạnh các vị Bích-chi Phật đạt đến trình độ vô học, còn có những vị Bích-chi Phật sơ phát tâm. Các vị a-la-hántỷ-khưu sơ phát tâm là những người chưa chín muồi đạo nghiệp.
Tất cả cùng đến chỗ Phật, khi ấy nhằm ngày các tỷ-khưu mãn hạ tự tứ.
Theo đạo Phật, luật của hàng xuất gia là phải an cư trong mùa hạ, suốt 90 ngày, từ ngày 15 tháng tư đến ngày 15 tháng 7 âm lịch, các thành viên trong tăng già phải tĩnh cư ở một nơi và hạn chế việc đi lại, họ không được đi du lịch hay nghỉ hè. Có hai lý do:
Một là thời tiết rất nóng, bất tiện cho việc đi lại. Điều đó đặc biệt rất hợp lý với thời tiết ở Ấn Độ.
Thứ hai, côn trùng và các loài sinh vật nhỏ nhít sinh sôi nảy nở rất nhiều trên mặt đất đặc biệt là vào mùa này, nên để tránh khỏi dẫm đạp chúng chết, để nuôi dưỡng lòng từ và bảo hộ mạng sống của chúng, nên các tỷ-khưu, tỷ-khưu ni và Đức Phật tĩnh cư ở một nơi, không đi ra ngoài.
“Mãn hạ” là ngày cuối cùng của thời kỳ 90 ngày trong kỳ an cư. Suốt trong ba tháng an cư, chư Tăng có thể sẽ phạm phải những quy định hoặc phạm giới luật, nên đến lúc chấm dứt kỳ an cư, hết 90 ngày, rất cần thiết phải cử hành một buổi lễ sám hối, trong đó, mọi thành viên đều hoan hỷ thành tâm tỏ bày những lỗi lầm của mình và khẩn cầu các vị khác chỉ bày lỗi lầm của mình. Nghi thức đó gọi là lễ Tự tứ (s: pravarana). Nếu có người phạm phải lỗi lầm mà không nhận ra thì đại chúng sẽ được thỉnh cầu để chất vấn cũng như chỉ bày lỗi lầm cho những người khác và giúp cho họ nhận ra lỗi lầm sai trái của mình. Không có điều gì phải che dấu cả, mọi người đều hoan hỷ trả lời những vấn đề đại chúng cần biết và chấp nhận lỗi lầm của mình mà không tranh cãi. Lễ tự tứ được diễn ra trong không khí cởi mở và trong phong cách rất từ tốn, không một ai khởi tâm phiền não hoặc giận dữ về lỗi lầm của mình khi được người khác chỉ bày ra. Bằng cách này chư tăng từ bỏ mọi sai lầm của mình rất dễ dàng. Hình thức sám hối giữa đại chúng này được lập ra để giúp cho chư tăng chuyển hóa lỗi lầm của mình và hướng về điều thiện. Mọi chuyện đã xảy ra trước đây được xem như là đã biến mất từ hôm qua và họ có thể tạo nên một niềm hy vọng mới cho tương lai, như thể họ mới được sinh ra từ hôm nay. Họ được khuyến khích làm những việc có lợi lạc và ngăn ngừa không nên làm những việc có hại cho thân tâm.

Kinh văn:
十方菩薩諮決心疑。欽奉慈嚴將求密義。
Thập phương bồ-tát tư quyết tâm nghi. Khâm phụng từ nghiêm tương cầu mật nghĩa.
Việt dịch:
 Các vị bồ-tát trong mười phương đến cầu thỉnh giải quyết tâm nghi. Đồng kính phụng đức từ nghiêm, thỉnh cầu được chỉ dạy nghĩa lý thâm mật.
Giảng:
Bên cạnh hàng Nhị thừa, Thanh văn và Duyên giác, còn có các vị Bồ-tát trong mười phương đến dự pháp hội thuyết kinh Thủ-lăng-nghiêm. Mười phương là Bắc, Nam, Đông, Tây, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam, phương trên và phương dưới.
Quý vị sẽ hỏi:
“Tôi tưởng rằng chỉ có các bồ-tát đến từ tám hướng và phương trên. Nhưng cũng có bồ-tát đến từ phương dưới hay sao?”
Vâng, đó là Địa Tạng Bồ-tát chẳng hạn. Ngài đặc biệt chăm sóc mọi chúng sinh ở cõi ta-bà và các cõi giới ở phương dưới.
Chúng ta đã thảo luận về chữ Bồ-tát trong phần giới thiệu, nên bây giờ chỉ nói vắn tắt. Bồ-tát là tiếng Phạn–Boddhisattva. Bồ-đề (bodhi) nghĩa là giác ngộ. Tát-đoả (sattva) nghĩa là hữu tình. Bồ-đề tát-đỏa là người đã tự giác ngộ và giác ngộ cho mọi chúng sinh. Chính họ cũng là một hữu tình cũng giống như mọi chúng sinh khác, nhưng là người đã đạt được giác ngộ.
Bồ-tát là người đã tự mình tu tập giác ngộ và có năng lực giác ngộ cho người khác. Họ có thể làm lợi lạc cho chính mình và lợi lạc cho mọi loài chúng sinh. Nhưng họ chưa chứng quả vị Phật nên được gọi là bồ-tát.
Quý vị sẽ hỏi:
“Có bao nhiêu vị bồ-tát từ khắp mười phương đến câu hội?”
– Vô số lượng.
Họ câu hội đến đó để làm gì? Có phải họ đến đó để gây sự kích động? Để xem kịch hay đi dự hội chợ?”
– Không, họ đến đây vì trong tâm có một số vấn đề về giáo lý còn nghi nan, chưa thông hiểu. Họ đến cầu thỉnh Đức Phật giải quyết tâm nghi cho họ. Họ có những thắc mắc về giáo lý tu tập, họ muốn hỏi Đức Phật những điều mà họ không thể nào giải quyết được.
“Đặc biệt là giáo lý nào?”
– Giáo lý có ý nghĩa vi mật nhiệm mầu, liên quan đến “mật nhân” đã nói ở đầu kinh này. Họ đều đồng kính phụng đức từ nghiêm, thỉnh cầu được chỉ dạy nghĩa lý thâm mật.
Các vị bồ-tát không hiểu nổi giáo lý vi diệu thâm mật nên khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tuyên thuyết thần chú Thủ-lăng-nghiêm vang khắp mười phương, họ liền đến để thỉnh cầu xin được Đức Phật chỉ dạy pháp môn “mật nhân” để hiểu được diệu nghĩa.
Quý vị sẽ hỏi:
“Có phải Kinh Thủ-lăng-nghiêm đang được Đức Phật giảng nói hiện nay là kinh mà ngay cả hàng bồ-tát cũng không hiểu được?”
Thực sự là hàng bồ-tát muốn được giải trừ tâm nghi, vì họ không hiểu được lý kinh này, nhưng nếu quý vị bây giờ nghe kinh mà hiểu và giác ngộ thì quý vị cũng là bồ-tát. Quý vị đừng nên tự khinh thường mình. Đừng nên nghĩ rằng:
“Làm sao tôi có thể hiểu được một giáo lý mà hàng bồ-tát không thể nào hiểu nổi. Bây giờ quý vị đang được chỉ dạy. Chúng ta có duyên với Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và giáo pháp của Ngài nay còn lưu truyền trên thế gian, nên bây giờ chúng ta mới có dịp đến nghe và hiểu được giáo lý mà ngay cả hàng bồ-tát cũng không hiểu được. Chúng ta hiện nay đang ở trong hoàn cảnh rất thuận lợi, dù chúng ta sinh ra sau thời Đức Phật giảng kinh thuyết pháp. Ai có thể biết được đoạn đường mà các vị bồ-tát đã trải qua để đến dự pháp hội Thủ-lăng-nghiêm dài bao xa? Có lẽ chẳng phải từ phương Bắc, Nam, Đông, Tây mà từ khắp mọi nơi trên thế giới. Bây giờ chúng ta đã có được thiện căn rất lớn và duyên lành rất lớn khiến ta nghe được kinh này. Đừng sợ hãi và đừng nghĩ rằng hàng bồ-tát còn chưa hiểu nỗi kinh nên quý vị không chịu cố gắng nghiên cứu học hỏi kinh này. Đó là một suy nghĩ sai lầm.
Kinh văn:
即時如來敷座宴安,為諸會中,宣示深奧。法筵清眾得未曾有。
Tức thời Như Lai phu tòa yến an, vị chư hội trung, tuyên thị thâm áo. Pháp diên thanh chúng đắc vị tằng hữu.
Việt dịch:
 Khi ấy Như Lai trải tòa ngồi an nhiên, vì đại chúng tuyên bày ý nghĩa thâm áo. Chúng hội thanh tịnh, được điều chưa từng có.
Giảng:
Khi ấy là khoảng thời gian Kinh Thủ-lăng-nghiêm đã được Đức Phật giảng nói. Đó là lúc mọi nhân duyên đều đã đầy đủ, lúc mà thần chú Thủ-lăng-nghiêm sắp được tuyên thuyết.
Như Lai trải tòa Như Lai là một trong mười danh hiệu của Phật đã được giảng giải từ trước. Trải tòa nghĩa là Như Lai mở tấm tọa cụ, trải ra và ngồi lên đó.
Ngồi an nhiên: nghĩa là Như Lai ngồi an tĩnh bằng tư thế của người lắng mình trong thiền định, có nghĩa là ngồi trong sự tỉnh giác. An nhiên nghĩa là tự tại, thoải mái. Ngài không nhíu chặt lông mày lại, ra sức phô diễn tư thế tọa thiền, nhưng rất là thanh thản, với một nụ cười hàm tiếu trên khuôn mặt. Khiến cho ai nhìn thấy Ngài cũng đều có an lạc. Phong thái an tịnh này khiến ai nhìn thấy Ngài cũng được hài lòng, khiến cho họ muốn phát tâm tu tập theo hạnh của Ngài.
Vì đại chúng, Tại sao Đức Phật trải tòa rồi ngồi một cách an nhiên? Là vì Ngài muốn nhập vào chánh định. Trong sự an tĩnh ấy, Ngài quán sát căn tánh của mỗi chúng sinh. Trong chúng hội, có một nghìn hai trăm năm mươi vị tỷ-khưu vô số bích-chi Phật đạt đến trình độ vô học, vô số bồ-tát trong khắp mười phương; hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người vây quanh Đức Phật.
Mặc dù số người dự pháp hội này chưa được đông lắm, nhưng hội chúng vẫn rất lớn là vì có vô số quỷ thần, ở bên ngoài đang lắng nghe pháp và vô số thiện thần đang đứng bên ngoài để hộ trì cho pháp hội này. Nếu quý vị không tin, hãy nhìn xem, quý vị không thể nào đếm hết được.
Tuyên bày ý nghĩa thâm áo. “Tuyên bày” nghĩa là giảng giải và chỉ dạy rõ ràng “thâm” nghĩa là “mật nhân” sâu mầu. “áo” nghĩa là vi diệu, liên quan đến “liễu nghĩa,” nghĩa là rốt ráo.
Đức Phật giảng dạy Pháp môn mật nhơn liễu nghĩa. Nếu Đức Phật không giảng dạy về mật nhơn, quý vị chẳng có cách nào để hiểu được cả. Áo diệu là do quý vị không hiểu được nó. Những gì quý vị hiểu rồi thì sẽ xem nó rất bình thường Nhưng nếu quý vị thấy được điều gì mà trước đây chưa từng trải qua thì quý vị sẽ muốn được thử nghiệm bất luận như thế nào.
Chư Bồ-tát muốn hiểu đuợc giáo lý đó một cách trọn vẹn và Đức Phật Thích-ca Mâu-ni biết tâm niệm của các vị Bồ-tát trong pháp hội nên tuyên bày giáo nghĩa thâm áo.
Hội chúng thanh tịnh được điều chưa từng có. Giảng pháp được ví như cho chúng sinh hưởng hương vị của Pháp. Khi quý vị hưởng được trọn vẹn hương vị Phật pháp, thì quý vị được thành Phật.
Hội chúng thanh tịnh có nghĩa là không một thành viên nào tham dự trong pháp hội mà còn tạp niệm nhiễm ô. Tất cả các vị đều có thân tâm thanh tịnh, tâm họ không khởi vọng niệm bất tịnh và thường kính vâng thực hành các việc thiện. Do họ không tham dự vào những việc bất chính và không lành mạnh, nên họ được gọi là “hội chúng thanh tịnh.” Đây là lần đầu tiên họ nghe được Phật pháp vi diệu, nên họ đạt được những điều trước nay chưa từng có (vị tằng hữu).
“Vị tằng hữu” cũng là một trong mười hai thể loại của khế kinh.
Kinh văn:
迦陵仙音遍十方界。恒沙菩薩來聚道場。文殊師利而為上首。
Ca-lăng tiên âm biến thập phương giới. Hằng sa Bồ-tát lai tụ đạo tràng. Văn-thù sư-lợi nhi vì thượng thủ.
Việt dịch:
 Như tiếng chim ca-lăng-tn-già vang khắp mười phương cõi nước. Các vị bồ-tát nhiều như số cát sông Hằng cùng đến đạo tràng, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi làm thượng thủ.
Giảng :
Ca-lăng-tần-già (Kalavinka) là tiếng Phạn, nghĩa là “âm thanh vi diệu.” Đó là tên của một loài chim, tiếng hót của nó nghe vang rất xa, ngay cả khi nó còn đang ở trong trứng. Một khi chim con được ra đời rồi, tiếng hót của nó càng trong lành hơn, tiếng hót của nó khiến người nghe rất hoan hỷ. Điều muốn nói đến ở đây không phải là về tiếng chim mà về tiếng giảng Pháp của Đức Phật, cũng trong lành, vi diệu và vang rất xa như tiếng hót của chim ca-lăng-tần-già.
Đức Phật được gọi là “Tiên” (người bất tử) vì trong quá khứ, Đức Phật tu hành như một “nhẫn nhục tiên nhân”, nên khi Đức Phật chứng đạo. Ngài còn có tên là Đại giác Kim tiên.
Âm thanh của Đức Phật vang khắp mười phương, mọi nơi đều nghe đuợc. Ví dụ khi Đức Phật giảng pháp ở Ấn Độ mà chúng ta ở Mỹ đều có thể nghe được. Nhưng chúng ta phải có thiện duyên, nếu không có đủ duyên lành, chúng ta không thể nào nghe đuợc. Nếu có đủ nhân duyên, chúng ta có thể nghe được còn rõ hơn cả radio và âm thanh truyền nhanh hơn cả điện tín.
Một hôm ngài Mục-kiền-liên, đệ tử của Đức Phật nổi tiếng thần thông đệ nhất, muốn biết pháp âm của Phật vang xa đến những nơi đâu. Nên Ngài vận thần thông đi qua cùng tận các cõi nước ở phương Đông, qua cả trăm ngàn triệu quốc độ không thế tính đếm được. Nhưng khi Ngài đến một nơi cách xa vô cùng Ngài vẫn nghe lời giảng của Đức Phật như ngay ở bên tai vậy. Âm thanh đó vẫn rất rõ ràng.
Cư dân ở cõi nước phía Đông xa tít ấy có thân thể rất lớn. Người thấp bé nhất ở đó cũng cao vào khoảng ba mươi đến bốn mươi feet. Ngài Mục-kiền-liên đến đó vào lúc họ đang ăn trưa, cái bát của họ dùng để ăn lớn bằng ngôi nhà của chúng ta. Số lượng thực phẩm họ dùng vượt quá xa những gì chúng ta tiêu thụ hằng ngày. Ngài Mục-kiền-liên đáp xuống trên miệng của chiếc bình bát, đứng nhìn người khổng lồ ăn trưa. Cuối cùng, người khổng lồ thấy được Ngài và la lên:
“Ồ, loài côn trùng có đầu người từ đâu đến vậy kìa?”
Nhưng Đức Phật đang giáo hóa cõi nước này bảo:
“Các ông không nên nói vậy. Đó là Mục-kiền-liên, từ cõi Ta-bà đến. Ngài là đệ tử có thần thông đệ nhất của Đức Phật Thích-ca. Đừng chế giễu và gọi Ngài là “loài côn trùng có đầu người.”
Phật tử ở cõi nước ấy rất ngạc nhiên khi thấy đệ tử của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có hình dáng nhỏ như loài côn trùng.
Các vị bồ-tát nhiều như số cát sông Hằng cùng đến đạo tràng.
Sông Hằng ở Ấn Độ rộng chừng mười lăm dặm, cát ở bờ sông ấy mịn như bột mì, nên cát sông Hằng thường được lấy làm ví dụ cho số đông bồ-tát không thể tính đếm được đến dự pháp hội Thủ-lăng-nghiêm này. Đạo tràng trong tiếng Phạn có nghĩa là nơi chốn để tu tập giác ngộ. Các vị bồ-tát đến để hộ trì cho pháp hội thuyết kinh Thủ-lăng-nghiêm. Đạo tràng cũng có nghĩa là đạo tràng hiện thời nơi tôi đang giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm. Các vị bồ-tát thượng thủ trong đạo tràng cũng đến dự. Quý vị không nên nhìn thoáng qua đạo tràng này, rồi cho rằng căn phòng quá nhỏ. ở đây có rất nhiều vị đại bồ-tát đang nghe kinh, hộ trì cho đạo tràng và khiến cho họ được tăng tiến lợi lạc hàng ngày.
Quý vị có muốn gặp họ không?
Tôi sẽ báo cho quý vị biết đạo tràng ấy có Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi làm thượng thủ.
Văn-thù-sư-lợi là vị bồ-tát có đạo hạnh cũng như công phu tu tập thâm sâu nhất.
Ở Trung Hoa, đạo tràng của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi là ở Ngũ đài sơn. Ngài thường được gọi là Đại Trí Văn-thù-sư-lợi vì trí tuệ của ngài siêu tuyệt nhất trong hàng bồ-tát. Trong hàng a-la-hán, Xá-lợi-phất là người có trí tuệ nhất nhưng vẫn thấp hơn so với ngài Văn-thù-sư-lợi.
Văn-thù-sư-lợi (Mañjuśrī) là tiếng Phạn, Hán dịch là Diệu Đức, có nghĩa là đức hạnh của Ngài rất vi tế và mầu nhiệm không thể nghĩ bàn. Ngài cũng được gọi là Diệu Cát Tường. Vì Ngài đến nơi đâu thì nơi đó đều trở nên tốt lành. Hôm nay Ngài cũng có hiện hữu nơi đạo tràng này nên nơi đây cũng rất tốt lành.
Kinh văn:
1.              時波斯匿王,為其父王,諱日營齋,請佛宮掖。自迎如來,廣設珍羞無上妙味。兼復親延,諸大菩薩。
2.              Thời Ba-tư-nặc vương, vị kì phụ vương, húy nhật dinh trai, thỉnh Phật cung dịch. Tự nghinh Như Lai, quảng thiết trân tu vô thượng diệu vị. Kiêm phục thân diên, chư Đại bồ-tát.
Việt dịch:
 Khi ấy vua Ba-tư-nặc nhân ngày giỗ của vua cha, thiết lễ trai nghi, thỉnh Đức Phật vào cung cúng dường. Vua đích thân nghinh đón Như Lai, dâng cúng nhiều thức ăn ngon quý. Tự mình thỉnh mời các vị Đại bồ-tát.
Giảng:
Vua Ba-tư-nặc (Prasenajit), Hán dịch là Nguyệt Quang. Vua sinh cùng ngày với Đức Phật. Do khi Đức Phật đản sinh, có một đạo hào quang chiếu sáng cả thế giới. Phụ thân của Vua Ba-tư-nặc tưởng rằng ánh sáng đó là điềm lành báo hiệu cho sự ra đời của con mình, nên đặt tên hoàng nam là Nguyệt Quang – nghĩa là ánh trăng. Hoàng tử sau này kế vị vua cha trị vì một quốc gia ở Ấn Độ
Nhân ngày giỗ của vua cha, ngày 15 tháng 7 âm lịch là ngày mãn kỳ an cư kiết hạ của chư tăng, những người xuất gia. Vào ngày 14, 15 và 16 tháng 7 là ngày lễ Tự-tứ, như tôi đã giải thích từ trước. Ngày 15 tháng 7 âm lịch là ngày lễ Vu-lan.[1] Ngày đó cũng là lúc vua Ba-tư-nặc cúng giỗ kỷ niệm ngày vua cha qua đời. Do người ta thường tránh nói về ngày chết của cha mình vì ngại chạm đến sự đau buồn. Những người con có hiếu thường rất khổ tâm khi được nhắc đến ngày cha mình qua đời, nhớ đến lòng thương yêu của cha mẹ đã dành cho mình và thấy không có cách nào báo đáp trọn vẹn ân sâu đó được nên họ hối tiếc vô hạn. Dù tránh nhắc đến ngày mất của vua cha, mọi người đều biết điều ấy nên vua Ba-tư-nặc chọn ngày rằm tháng bảy để cúng dường Tam bảo và làm những việc phước thiện. Tại sao người Phật tử cúng dường Tam bảo và làm việc phước thiện trong ngày đó? Là để cầu nguyện cho cha mẹ của mình đang chịu khổ ở địa ngục được siêu thoát và cầu nguyện cho họ được sinh về cõi giới lành
Khi ngài Mục-kiền-liên vừa mới đạt được thần thông, Ngài liền tìm kiếm xem mẹ mình hiện đang ở đâu, Ngài thấy mẹ đang bị hãm trong địa ngục. Tại sao mẹ ngài Mục-kiền-liên bị đọa trong địa ngục? Vì khi còn sống, mẹ ngài thích ăn cá biển, món bà thích nhất là trứng cá. Quý vị thử tưởng tượng có bao nhiêu sinh mạng trong bọc trứng cá? Một con số khổng lồ. Vì bà ta đã ăn vô số trứng cá, bởi đã ăn vô số sinh mạng như vậy, và vì bà ta không tin vào Tam bảo, không tin Phật, Pháp, không kính trọng Tăng, nên bà ta rơi ngay vào địa ngục sau khi bà chết. Nên ngài Mục-kiền-liên dù có đủ sáu món thần thông cũng không cứu nổi mẹ mình.
Ngài Mục-kiền-liên rất đau buồn khi thấy mẹ mình phải chịu vô số cảnh khổ trong địa ngục quỷ đói. Định lực của ngài bị lay động. Thế nên ngài dùng thần thông đi đến địa ngục mang theo một bát cơm dâng cho mẹ ăn để đỡ cơn đói lòng. Khi còn sống, mẹ ngài rất keo kiết, nếu có ai xin tiền, bà thấy tim gan mình mẩy của bà đau nhức, người ta nói rằng bà ta bố thí người khác ít tiền thì bà ta đau đớn như cắt thịt vậy. Bà ta chẳng chịu bố thí một thứ gì cả. Do kết quả của thói keo kiệt ấy, nên khi Mục-kiền-liên dâng bát cơm cho mẹ mình. Quý vị tưởng tượng thử bà ta làm gì? Bà ta chụp lấy bát cơm bằng tay trái và tay phải che bát cơm lại. Tại sao lại che? Bà ta sợ những người chung quanh bà cướp lấy chén cơm đó đi. Nơi đó đầy những quỷ đói, nhưng bà ta tìm thấy một nơi không có ai và ba ta rón rén bốc cơm ăn. ai có thể ngờ rằng ngay khi bà đút cơm vào miệng thì cơm ấy biến thành than hồng khiến bà chẳng ăn được? Sao vậy? Loài ngạ quỷ có bụng to như cái trống và cổ họng lại nhỏ như đầu kim, thế nên nó chẳng ăn được, dù có cố gắng hết sức. Nghiệp báo của bà ta đã khiến cho thức ăn biến thành lửa. Gặp phải cảnh này ngài Mục-kiền-liên dù có thần thông cũng chịu bất lực. Ngài chẳng còn niệm được câu thần chú nào cả. Thế nên ngài trở về tìm sư phụ của mình. Ngài dùng thần thông đến trước Đức Phật, quỳ xuống và thưa:
“Bạch Thế Tôn, mẹ con bị đọa vào địa ngục. Ngưỡng mong Thế tôn đem lòng từ bi cứu giúp cho mẹ con.”
Đức Phật đáp:
“Mẹ ông đọa vào địa ngục vì hủy báng Tam bảo, không kính trọng Tam bảo, không tin vào Tam bảo. Việc cứu thoát mẹ ông không chỉ do một mình ông mà thành tựu được. Ông phải cầu thỉnh chư tăng khắp trong mười phương cùng chú nguyện mới mong cứu được mẹ ông. Vào ngày rằm tháng bảy ông nên sắm sửa những thực phẩm tươi ngon, tinh khiết để dâng cúng cho chư tăng. Qua đó, chư tăng trong khắp mười phương mới đem đạo nghiệp và đức hạnh của mình chú nguyện mới mong cứu độ được mẹ ông. Ngoài ra không còn cách nào hơn nữa."
Vào ngày rằm tháng bảy, Ngài Mục-kiền-liên làm theo lời Đức Phật chỉ dạy, Ngài thỉnh các vị Đại đức cao tăng khắp mười phương đến để cứu độ cho mẹ mình. Ngài sắm sửa vô số cao lương mỹ vị, những thực phẩm quý báu nhất trên thế gian để dâng cúng lên chư Phật và chư tăng. Mẹ Ngài liền được sinh lên cõi trời nhờ vào nguyện lực của chư Đại đức tăng trong khắp mười phương. Từ đó, Lễ Vu-lan-bồn được cử hành hằng năm, là ngày mà mọi người có dịp để cầu nguyện cứu độ hết thảy cha mẹ mình trong bảy đời.
Vu-lan-bồn là phiên âm từ tiếng Phạn, Hán dịch là “Giải đảo huyền” nghĩa là “cứu thoát cho những tội nhân đang bị treo ngược.” Đây có nghĩa là những ngạ quỷ cực kỳ đau đớn khổ cực ở địa ngục đang bị hành hình bằng cách treo ngược người xuống. Thế nên lễ Vu-lan-bồn đặc biệt để giải cứu cho những ngạ quỷ thoát khỏi những đau khổ đói khát và giúp cho họ sanh lên cõi trời.
Ngày 15 tháng 7 là ngày Phật-đà hoan hỷ, ngày chư tăng tự tứ. Công đức cúng dường Tam bảo trong ngày rằm tháng bảy lớn hơn gấp triệu lần so với công đức cúng dường Tam bảo vào những ngày khác. Nên đó là ngày vua Ba-tư-nặc chọn để thiết trai nghi cúng dường nhân ngày húy kỵ của cha mình. Vật phẩm cúng dường không có thịt, không dùng ngũ vị tân: hành, tỏi, ba rô, nén, hẹ, vì những thứ này làm cho con người hôn trầm và thiếu sáng suốt.
Vua thỉnh Đức Phật vào cung. Tại sao buổi lễ cúng dường không được tổ chức ở đại sảnh chính? Vì sảnh đường là nơi để ban bố các mệnh lệnh, nơi các việc triều chính được ban hành, là nơi ký kết những văn kiện vì lợi ích và chính sách nhân đạo. Trong cung là nơi thích hợp và trang nghiêm hơn để thiết lễ cúng dường.
Đích thân nghinh đón, dâng cúng nhiều thức ăn ngon quý.
Đức vua tự thân ra nghênh đón Như Lai. Phẩm vật cúng dường gồm các thứ cao lương mỹ vị, các vật ngon quý nhất trên đời. Bây giờ khi tôi đang giảng kinh này, miệng tôi còn tiết ra nước bọt. Sao vậy? Vì tôi nghĩ ước gì được ăn uống các món cao lương mỹ vị này mà chẳng có cách nào ăn được, nên miệng tôi tiết ra nước bọt. Tuy vậy, tôi sẽ nuốt nước bọt thay cho các món cao lương mỹ vị ấy vậy. Nếu quý vị cũng muốn tưởng tượng đến vị ngon của các vật phẩm ấy ra sao thì hãy theo phương pháp của tôi thử xem sao.
Tự mình cung thỉnh các vị Đại bồ-tát
Vua Ba-tư-nặc đích thân ký thiệp thỉnh hoặc tự thân ngài đến để cung thỉnh các vị Đại bồ-tát: “Chúng con xin cung thỉnh chư vị đại bồ-tát đến dự lễ cúng dường của chúng con.” Vua cung thỉnh vô số Bồ-tát nhiều như cát sông Hằng. Quý vị tưởng tượng xem vua phải sắm sửa bao nhiêu vật phẩm cho buổi lễ cúng dường này. Chắc hẳn là phải cần rất nhiều tiền, nhưng vua Ba-tư-nặc chắc là không keo kiệt như mẹ của ngài Mục-kiền-liên, nên vua đã thiết lễ cúng dường rất lớn.
Kinh văn:
城中復有長者居士同時飯僧,佇佛來應
Thành trung phục hữu trưởng giả cư sĩ đồng thời phạn tăng, trữ Phật lai ứng.
Việt dịch:
Trong thành cũng có các vị trưởng giả cư sĩ đồng thời thiết lễ̃ trai tăng, mong được thỉnh Phật đến cúng dường.
Giảng:
Cần phải có đủ mười đức hạnh mới được gọi là Trưởng giả
Tánh quý: dòng dõi vua chúa hoặc quý tộc.
Vị cao: giữ địa vị cao trong hàng quan chức
Đại phú: rất giàu của cải vật chất.
Oai mãnh: Tác phong oai vệ lẫm liệt, phong cách dõng mãnh, khẳng khái, trọng nghĩa. Là người rất quyết đoán, không chần chừ do dự.
Trí thâm: trí tuệ thập phần cao siêu.
Niên kỳ: tuổi từ 50 – 70, tuổi cao, đức trọng.
Hạnh tị̣nh: Hành vi đặc biệt thanh tịnh và giữ giới luật tinh nghiêm.
Lễ bị: Rất nhã nhặn với mọi người, không bao giờ tỏ ra thô lỗ hoặc phải hạ mình. Dù phong cách là đại trượng phu, nhưng không bao giờ làm tổn thương người khác. Khi gặp nhau họ cúi mình xá chào rồi hỏi thăm sức khỏe, họ không bao giờ bộc lộ dù chỉ chút thô lỗ.
Thượng thán: được những người thuộc tầng lớp quý trọng tán thán đức hạnh.
Hạ tâm: những người dưới đều đặt hết niềm tin tưởng vào họ, đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với họ, mong muốn cho họ trở thành quan đại thần, hoặc đuợc giàu có. Sao vậy? Vì đáp lại kẻ thuộc hạ sẽ được hưởng tài sản và địa vị từ gia chủ của mình. Kẻ trưởng giả rất hoan hỷ trong việc bố thí nên trưởng giả càng có nhiều của cải, thì thuộc hạ càng vui mừng. Với cương vị quan đại thần, mọi nỗ lực của trưởng giả là hết lòng làm vui lòng người dân và số đông dân chúng càng trông cậy vào người trưởng giả.
Cư sĩ là những người tu đạo nhưng vẫn ở tại gia đình mình.
Các vị trưởng giả, cư sĩ đồng thời thiết lễ trai tăng. Các vị cư sĩ, trưởng giả đều biết công đức do việc cúng dường Tam bảo vào ngày quan trọng ấy, ngày Phật-đà hoan hỷ, ngày chư Tăng tự tứ. Có thể phẩm vật trai nghi họ sửa soạn không thể so sánh được với cao lương mỹ vị do nhà vua cúng dường, tuy nhiên, Kinh văn không đề cập đến phẩm vị của thực phẩm cúng dường của họ.
Mong được thỉnh Phật đến để cúng dường. Họ đứng ngoài cửa trông chờ Đức Phật đến để họ làm lễ dâng cúng. Họ suy đoán: “Hôm nay Thế tôn sẽ đến nhà ta.” Không những chỉ có họ mới mong Đức Phật mà họ còn mong chờ các vị đại đức cao tăng đến để họ được cúng dường, vì họ rất chân thật, thành tâm nên họ vẫn đứng trong suốt thời gian chờ đợi.
Ngày nay ở Thái Lan, Miến Điện và Tích Lan, những thí chủ kính cẩn hồ quỳ khi dâng cúng phẩm vật cho chư Tăng. Khi có thành viên trong tăng đoàn đến, họ đặt phẩm vật vào trong bình bát rồi cúi mình đảnh lễ cúng dường. Vị tăng thọ nhận rồi trở về tu viện để thọ trai.
Kinh văn:
文殊分領菩薩及阿羅漢應諸齋主。
Phật sắc Văn-thù phân lãnh bồ-tát cập a-la-hán ứng chư trai chủ.
Việt dịch:
 Đức Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi phân lãnh các vị bồ-tát và a-la-hán đến nhà trai chủ dự lễ ng dường
Giảng:
Đức Phật bảo Ngài Văn-thù-sư-lợi, vua có thể ban hành lệnh, các Pháp vương cũng thế, nên trong kinh văn nói rằng Đức Phật “bảo” Ngài Văn-thù-sư-lợi phân lãnh các vị bồ-tát a-la-hán. Ngài phân phó thế nào? Ngài căn cứ vào số các vị bồ-tát ở trong chúng. Có khi họ được phân phó đi một mình (biệt thỉnh), hoặc chia thành từng nhóm hai hoặc ba người.
Các Đại tỷ-khưu a-la-hán, cùng các vị bồ-tát đều được phân phó đi dự lễ cúng dường ở nhà các trai chủ. Có nghĩa là họ đi đến nhà của các vị trưởng giả và cư sĩ để dự lễ cúng dường. Mặc dù Đức Phật có hằng triệu hóa thân, Ngài không bao giờ dùng thần thông chỉ vì để đi khất thực hoặc để đi đến nhà trai chủ bằng hình tướng của hóa thân Phật. Không cần thiết phải làm theo cách đó. Nếu Đức Phật thích làm như vậy, thì năng lực thần thông sẽ rẻ hơn miếng đậu phụ nên Đức Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Ông nên phân lãnh các vị bồ-tát và đại a-la-hán đi đến mỗi nhà trai chủ để dự lễ cúng dường.
Kinh văn:
唯有阿難先受別請。遠遊未還,不遑僧次。既無上座及阿闍,中獨歸,其日無供。
Duy hữu A-nan tiên thọ biệt thỉnh. Viễn du vị hoàn, bất hoàng tăng thứ. Kí vô thượng tọa cập a-xà-lê, đồ trung độc quy, kì nhật vô cúng.
Việt dịch:
 Chỉ có A-nan đã nhận lời biệt thỉnh. Đi xa chưa về, nên không kịp dự vào hàng tăng chúng. Không có các vị thượng tọa và a-xà-lê cùng đi. Hôm ấy không có người cúng dường, A-nan chỉ một mình trên đường về.
Giảng:
Chỉ có A-nan, đây là toàn bộ lý do mà A-nan gặp phải chướng ngại. A-nan chỉ có một mình, A-nan đã làm gì? Ngài đã nhận lời biệt thỉnh. Có lẽ chừng một tháng trước, có người đã thỉnh ngài: “Vào ngày tháng 15 tháng 7, con xin thỉnh Đại đức đến nhà để chúng con được dịp cúng dường.”
Nên A-nan đi, thực ra A-nan đã đi sớm hơn nên vào ngày rằm tháng bảy, ngày mà chư Tăng đều được mời dự lễ cúng dường trong cung, thì A-nan đã đi xa chưa về kịp. Cơ bản là chư Tăng không nên nhận lời biệt thỉnh. Chẳng hạn, nếu có mười thành viên trong Tăng chúng, mà quý vị chỉ mời một người đến nhà để cúng dường. Người được thỉnh riêng như thế không nên đi. Tại sao? Luật Phật chế là tất cả chư Tăng trong cùng đạo tràng nên cùng nhận lời thỉnh cúng dường (trong tinh thần đại chúng). Nhưng đôi khi có người thích thức ăn ngon nên làm lơ luật này và nhận lời biệt thỉnh, họ nghĩ rằng: “Việc gì tôi phải trông chừng nơi các huynh? Cốt yếu là tôi nhét được đầy bụng mình khi người ta mời tôi, đó là do phước đức của tôi.”
Họ chẳng cần để ý gì người khác nữa.
Thế nên có lẽ A-nan hơi thích thực phẩm ngon quý. Nay hãy thử nghĩ lại: Trong ngày tự tứ sau mùa an cư, hoàn toàn tuyệt đối không không cho phép ai được đi ra ngoài, thế mà A-nan lại nhận lời biệt thỉnh đi xa. Thế nên A-nan đã phạm luật. Có lẽ A-nan được mời dự lễ cúng dường vào ngày 14 tháng 7, thế nên A-nan đã lên đường vào ngày 13, sau khi dự lễ xong, A-nan ở lại đêm, dự tính sẽ trở về vào sớm ngày hôm sau và A-nan đã bị trễ nên không kịp dự vào hàng Tăng chúng.
Ông chỉ một mình trên đường về, không có các vị thượng tọa và a-xà-lê cùng đi.
Khi người xuất gia muốn đi xa, họ phải đi cùng với hai hoặc ba người. Ba người có thể gồm có một tỷ-khưu trẻ, một vị thượng tọa và một vị a-xà-lê. A-xà-lê (ācārya) là tiếng Phạn, Hán dịch quỹ phạm sư, là bậc thầy làm phép tắc, mô phạm về giới luật trong tăng chúng. Đó là bậc thầy hiểu và hành trì nghiêm túc giới luật. Có năm loại a-xà-lê:
Xuất gia a-xà-lê: Vị a-xà-lê giúp cho người khác được xuất gia và truyền thọ giới pháp (như mười giới sa di…)
Truyền giới a-xà-lê: khi truyền giới, vị a-xà-lê chỉ dạy cho giới tử những điều họ cần biết những gì phải nói khi giới tử thọ nhận giới pháp. Vị a-xà-lê sẽ hỏi giới tử có phạm giới điều trong khi giới tử còn là cư sĩ không?.
Yết-ma a-xà-lê: là người có thể tác pháp yết-ma[2] để cho giới tử được sám hối các tội nghiệp trong quá khứ.
Y chỉ a-xà-lê: là người quý vị xin được thân cận để học hỏi và tu tập Phật pháp.
Giáo độc a-xà-lê: là người dạy cho quý vị học tập Kinh luận và trì chú.
Một người có thể gồm đủ năm chức năng của a-xà-lê đã nêu trên. Chẳng hạn, bây giờ tôi đang giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm và dạy cho quý vị trì tụng chú Thủ-lăng-nghiêm, như vậy quý vị gọi tôi là Giáo độc a-xà-lê. Còn quý vị về tu tập cùng với tôi nơi đạo tràng này, như vậy gọi tôi là Y chỉ a-xà-lê. Tôi cũng dạy giới luật cho quý vị, hằng ngày trước chư Phật, tôi thường truyền dạy đạo hạnh cho quý vị: “khiến cho nghiệp chướng tiêu trừ và thiện căn tăng trưởng.” Khi đó tôi là yết-ma a-xà-lê. Tôi cũng thường giảng giải và trao truyền giới luật trong Phật pháp cho quý vị, đó là Truyền giới a-xà-lê. Khi có người đến cầu xin được xuất gia, tôi tiếp độ họ, đó là xuất gia a-xà-lê. A-xà-lê là người giúp mình tu tập chứng ngộ. Ngài thường ở bên cạnh mình và khuyên can: “Đừng phạm vào các chướng nạn.” Đó là a-xà-lê, nhưng A-nan không có được một vị thượng tọa và vị a-xà-lê cùng đi với mình để “ngăn ngừa vọng niệm, xa rời tội chướng.” Thế nên A-nan liền rơi vào chướng nạn. Điều sai lầm nhất A-nan mắc phải là trở về một mình trên đường.
Cơ bản người xuất gia đi đâu cũng phải nên đi hai người. Nếu đã có đủ định lực, tự mình lo liệu được mọi chuyện thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu định lực của quý vị chưa đầy đủ, thì rất dễ vướng vào ma chướng. Dễ bị xoay chuyển bởi ngoại cảnh. Ngày nay có rất nhiều tu sĩ trẻ một mình đi khắp nơi, đó là điều rất nguy hiểm.
Chúng ta vẫn phải cảm ơn A-nan, nếu Ngài không đi một mình và không mắc phải chướng nạn, làm sao chúng ta hiểu được Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Chúng ta sẽ không có cơ hội để tự mình hiểu được Kinh này vì Đức Phật Thích-ca sẽ không có được nhân duyên giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm để dạy cho chúng ta phương pháp tu tập chánh định. Thế nên chính hành động của A-nan thực sự đã giúp ích cho chúng ta rất nhiều.
Do A-nan hôm ấy không về kịp cùng với tăng chúng dự lễ trong cung, nên không được ai cúng dường.
Kinh văn:
即時阿難執持應器, 於所遊城, 次第循乞。
Tức thời A-nan chấp trì ứng khí, ư sở du thành, thứ đệ tuần khất.
Việt dịch:
 Lúc ấy A-nan mang bát, vào thành khất thực theo thứ tự từng nhà.
Giảng:
A-nan mang theo bình bát, vào thành khất thực theo thứ tự từng nhà.
Bình bát, tiếng Phạn là pattra. Hán dịch ứng lượng khí, là vật đựng thức ăn, hợp với nhu cầu cần dùng vừa đủ của mỗi người.
Mang bát vào thành khất thực theo thứ tự từng nhà. A-nan đi lần lượt từ nhà này đến nhà khác trong thành Thất-la-phiệt. Do vì có nhà cúng dường nhiều, có nhà cúng dường ít, nên phải đi nhiều nhà, nhưng theo luật là không được đến hơn bảy nhà. Nếu sau khi đã khất thực qua bảy nhà mà vẫn không có ai cúng dường, vị tỷ-khưu ấy phải chịu đói ngày hôm đó.
Kinh văn:
心中初求最後檀越以為齋主。無問淨穢,剎利尊姓,及旃陀羅,方行,不擇微賤。發意圓成一切眾生無量功德。
Tâm trung sơ cầu tối hậu đàn việt dĩ vi trai chủ. Vô vấn tịnh uế, sát-lợi tôn tánh, cập chiên-đà-la, phương hành đẳng từ, bất trạch vi tiện. Phát ý viên thành nhất thiết chúng sanh vô lượng công đức.
Việt dịch:
 Ban đầu, trong tâm mong được gặp người đàn việt cuối cùng để làm trai chủ, A-nan không kể sang hèn, dòng dõi sang trọng, hay chiên-đà-la thấp hèn, đều thực hành tâm từ bi bình đẳng. Mong được thành tựu viên măn công đức vô lượng cho tất cả chúng sinh.
Giảng:
Ban đầu, trong tâm mong được gặp người đàn việt cuối cùng để làm trai chủ…
Khi A-nan mang bình bát đi khất thực, tâm niệm trước tiên của ông là: “chỉ mong gặp người đàn việt rốt sau để làm trai chủ.”
Đàn việt, tiếng Phạn là dānapti, Hán dịch là đàn việt, do ghép lại ý nghĩa của mỗi từ. Chữ đàn xuất phát từ chữ dāna của tiếng Phạn và việt , tiếng Hán nghĩa là vượt qua. Nghĩa của chữ đàn việt xuất phát từ chuyển ngữ trên nghĩa là “làm việc bố thí có thể vượt thoát qua khỏi sinh tử.”
Người cư sĩ cúng dường tứ sự cho người xuất gia được gọi là đàn việt (dānapati), là người “bố thí cúng dường để được vượt thoát sinh tử.” Người đàn việt cuối cùng, ý của A-nan mong có người cuối cùng cúng dường cho mình vật phẩm cần thiết đủ dùng trong một ngày.
A-nan không kể họ là người sang hèn, dòng dõi sát-đế-lợi sang trọng hay chiên-đà-la thấp hèn.
A-nan không bận tâm đến họ là người giàu hay nghèo, sát-đế-lợi (katriyas) là tầng lớp quý tộc hoặc vua chúa ở Ấn Độ. Chiên-đà-la[3] là người bán thịt, dịch sang tiếng Trung Hoa là “đồ tể” nghĩa là “người chuyên giết súc vật để bán thịt.” Vì ở Ấn Độ, việc kinh doanh bằng cách giết hại súc vật bị cấm. Nên hầu hết mọi người xem nghề hàng thịt là thấp kém, thế nên khi hàng chiên-đà-la đi trên đường, nhiều người tránh xa, không đi chung đường với họ. Hàng chiên-đà-la phải đi trên một con đường riêng biệt. Để chứng tỏ họ thấp kém hơn người thường, họ bị buộc phải đeo vào mình cái linh và cầm một lá cờ hiệu mỗi khi đi ra đường.
Đều thực hành tâm từ bi bình đẳng. Mong được thành tựu viên măn công đức vô lượng cho tất cả chúng sinh.
A-nan không chủ ý chỉ đến khất thực ở những người sang giàu, cũng chẳng chuyên biệt đến khất thực ở những gia đình thấp hèn. Ngài chỉ phát khởi tâm niệm nguyện cho tất cả chúng sinh có được cơ hội gieo trồng phước đức.
Khi kẻ đàn việt cúng dường bố thí, họ gieo trồng hạt giống phước đức, mong nó sẽ thành quả và chín muồi trong tương lai. Thế nên người xuất gia được gọi là “phước điền tăng.” Người có được nhiều phước báo là người toại tâm mãn ý. Còn nếu khi quý vị cảm thấy phước báo của mình còn ít, thì quý vị phải nên cúng dường Tam bảo và gieo trồng thêm nhiều phước đức hơn nữa.
A-nan quyết tâm làm cho mọi ước nguyện của mọi chúng sinh đều được thành tựu. Đó là Ngài phát nguyện khiến cho tất cả chúng sinh đều được viên thành vô lượng công đức.
Kinh văn:
阿難已知如來世尊,訶須菩提及大迦葉,阿羅漢心不均平,欽仰如來開闡無遮,度諸疑謗。
A-nan dĩ tri Như Lai Thế tôn ha Tu-bồ-đề cập đại Ca-diếp, vi a-la-hán tâm bất quân bình, Khâm ngưỡng Như Lai khai xiển vô giá, độ chư nghi báng.
Việt dịch:
 A-nan biết Như Lai quở trách Tu-bồ-đề và Đại Ca-diếp, là bậc a-la-hán mà tâm không bình đẳng, A-nan kính vâng lời khai thị không phân biệt của Đức Phật, để giúp chúng sinh thoát khỏi nghi ngờ và hủy báng.
Giảng:
Tại sao A-nan muốn thực hành lòng từ bình đẳng trong khi khất thực? Vì trước đây Ngài đã nghe Đức Phật quở trách Tu-bồ-đề và Đại Ca-diếp, gọi các Ngài là a-la-hán, có nghĩa là hàng a-la-hán quả vị nhỏ của Tiểu thừa, chứ không phải là đại a-la-hán của Đại thừa. Tại sao Ngài A-nan làm như vậy? Là vì Tu-bồ-đề nghĩ rằng chỉ chuyên khất thực ở những nhà quý tộc, sang trọng giàu có. Tu-bồ-đề nghĩ rằng: “Người có nhiều tiền nên tạo thêm nhiều phước đức. Nếu họ tiếp tục làm việc thiện, thì đời sau họ sẽ tiếp tục có nhiều tiền bạc của cải. Nếu họ không bố thí ngay ở đời này, thì đời kế tiếp họ sẽ không có tiền bạc. Để giúp cho người giàu ta phải khất thực ở nơi họ. Lối khất thực của Tu-bồ-đề là một ví dụ của “tránh người nghèo và tìm đến người giàu.” Ngài Đại Ca-diếp thì hoàn toàn khác hẳn, chuyên khất thực từ những nhà nghèo. Ngài nghĩ rằng: “Người nghèo nên gieo trồng phước đức và làm những việc thiện, để đời sau có được của cải giàu sang. Nếu mình không giúp họ bằng cách khất thực nơi họ thì vào đời sau và nhiều kiếp trong tương lai, họ sẽ tiếp tục bị nghèo khổ.”
Cả hai vị Tu-bồ-đề và Đại Ca-diếp đều là A-la-hán. Tôi tin là có một lý do khác ẩn sau tâm nguyện của từng người. Dường như chắc chắn là Tu-bồ-đề thích dùng thực phẩm ngon quý, còn Ngài Đại Ca-diếp là vị thực hành khổ hạnh đệ nhất trong số các đệ tử của Đức Phật. Ngài thường ăn những thứ khó nuốt nỗi, khiêm hạ nhất trong cách sống mà người khác không thể làm được. Cố nhiên Ngài chẳng hề bận tâm đến việc mình dùng thực phẩm ngon hay dở, nên Ngài chuyên khất thực ở những gia đình nghèo hèn, để giúp cho họ có cơ hội gieo trồng phước đức. Phẩm vật cúng dường từ người nghèo không bao giờ ngon lành như phẩm vật của người giàu có. Đồ ăn của người giàu thải ra ngoài đường chắc chắn còn ngon hơn vật phẩm dâng cúng của người nghèo.
Đức Phật biết hai vị đệ tử này không thực hành tâm từ bình đẳng trong khi khất thực. Đức Phật biết được tâm niệm phân biệt của họ. Thế nên Như Lai đã quở trách Tu-bồ-đề và Đại Ca-diếp đã là bậc a-la-hán mà tâm không bình đẳng.
A-nan kính vâng lời khai thị không phân biệt của Đức Phật, để giúp chúng sinh thoát khỏi sự nghi ngờ và hủy báng.
A-nan rất tôn trọng pháp môn bình đẳng, khuyên dạy mình không nên chọn lựa kẻ đàn việt giàu nghèo. Tâm phân biệt như thế không phải là người tu tập pháp Đại thừa, mà là theo pháp tịch diệt của hàng a-la-hán (ngã không). Nhớ lại lời quở trách Tu-bồ-đề và Đại Ca-diếp của Đức Phật nên A-nan không muốn bắt chước như vậy, nên A-nan cẩn trọng thực hành lòng từ bình đẳng. Pháp môn của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là pháp môn phương tiện rộng rãi, thoát khỏi mọi chướng ngại dù nhỏ nhất và vượt lên trên mọi giới hạn. Nếu chỉ chuyên khất thực ở nhà giàu hoặc nhà nghèo, họ sẽ khởi tâm nghi ngờ, khiến họ hủy báng Phật pháp. Khất thực với tâm không phân biệt sẽ làm cho lòng nghi ngờ hủy báng Phật pháp đều được tiêu trừ, khiến cho mọi người đều hoan hỷ gieo trồng phước đức và tâm nguyện của họ được thành tựu.
Kinh văn:
經彼城隍, 步郭門, 嚴整威儀 肅恭.
Kinh bỉ thành hoàng, từ bộ quách môn, nghiêm chỉnh oai nghi túc cung trai pháp.
Việt dịch:
 A-nan thong thả đi qua hoàng thành rồi vào cổng, uy nghi nghiêm chỉnh theo đúng pháp hóa trai.
Giảng:
Thành Thất-la-phiệt được bao bọc bởi hào sâu giống như ta thường thấy những thành cổ ở Trung Hoa vậy. Trong hào luôn luôn chứa nước rất sâu tạo nên hệ thống bảo vệ cho thành. Khi A-nan đã đi qua hào nước là đã đi vào trong phạm vi của đại thành Thất-la-phiệt.
A-nan thong thả đi qua hoàng thành rồi vào cổng, uy nghi nghiêm chỉnh theo đúng pháp hóa trai.
A-nan bước đi chững chạc, mắt nhìn thẳng phía trước. Lúc ấy, oai nghi của Ngài rất nghiêm chỉnh. Với phong thái nghiêm trang như vậy, ngài thong thả đi qua cổng thành, ngài biểu hiện phong cách oai nghi, mắt ngài không nhìn ngang liếc dọc, tai không nghe lén. Mọi khi mang bát khất thực, ngài đều thể hiện nghiêm túc và kính cẩn đối với pháp hóa trai, không hề có chút khinh suất hay phóng dật khi đi vào thành phố.


Kinh văn:
爾時阿難因乞食次經歷婬室,遭大幻術摩登伽女。以娑毘迦羅先梵天,攝入婬席。
Nhĩ thời A-nan nhân khất thực thứ, kinh lịch dâm thất, tao đại huyễn thuật Ma-đăng-già nữ. Dĩ Ta-tỳ-ca-la-tiên Phạm thiên chú, nhiếp nhập dâm tịch.
Việt dịch:
 Khi ấy A-nan theo thứ tự khất thực từng nhà, đi qua nhà dâm nữ, gặp phải đại huyễn thuật Ma-đăng-già. Dùng thần chú Ta-tì-ca-la tiên Phạm thiên bắt A-nan, ép làm chuyện dâm dục.
Giảng:
Khi ấy A-nan rất nghiêm chỉnh tôn trọng đúng pháp hóa trai bằng cách theo thứ tự khất thực từng nhà, Ngài đi qua nhà một dâm nữ, vì A-nan không phân biệt nhà của người sang trọng, kẻ nghèo nàn trong khi khất thực nên khi đến trước cửa-nhà dâm nữ gặp phải đại huyễn thuật, A-nan bị cám dỗ bởi huyễn thuật. Nó không thực, như là ma thuật. Người con gái của Ma-đăng-già đã đòi mẹ cô ta dùng thần chú do Ta-tỳ-ca-la Tiên Phạm thiên đem xuống thi thố ở cõi người. Nhưng chú này đều là giả huyễn, là hư vọng nên nó được gọi là “huyễn thuật.”
Ma-đăng-già[4] là tiếng Phạn, Hán dịch là hạ tiện chủng” nghĩa là giòng dõi thấp hèn, chứng tỏ rằng cô ta không đáng được coi trọng. Đây là tên của người mẹ, còn cô con gái tên là Bát-kiết-đế, Hán dịch là Bổn tánh,[5] nghĩa là tuy cô ta đọa vào hàng dâm nữ, nhưng bản tánh trong sáng không hề mất.
A-nan bị cám dỗ bởi thần chú Ta-tỳ-ca-la (Kapila) Tiên Phạm thiên. Kapila là loại ngoại đạo tóc vàng. (Kim đầu) Bà Ma-đăng-già học được tà chú này từ nhóm ngoại đạo tóc vàng.
Thực ra biểu tượng của thần chú là danh xưng hư dối vì nó không được truyền thụ từ Phạm thiên. Chỉ có người đề xướng tự tuyên xưng nó như vậy khiến người nghe phải tin. Tuy vậy, khi bà ta trì chú cũng khiến cho tinh thần của A-nan bối rối và rơi vào cơn hôn mê như là buồn ngủ, như uống rượu say hay là như nằm mơ, chẳng còn biết chuyện gì đang xảy ra. A-nan bị sai sử bước vào phòng dâm, bị chú “Ta-tỳ-ca-la tiên phạm thiên” hoàn toàn chi phối, tự tánh của A-nan hoàn toàn bị che mờ.
Quý vị sẽ hỏi:
“Vốn A-nan là một vị Thánh, đã chứng được sơ quả a-la-hán rồi, cớ sao tà chú Ta-tỳ-ca-la tiên phạm thiên có thể làm mê mờ được?” (Thực ra A-nan chưa chứng sơ quả trước khi gặp nạn.)
A-nan chỉ biết tập trung vào việc học kinh mà không chú tâm vào việc tu tập định lực, nên dù A-nan đã chứng được sơ quả, nhưng định lực vẫn chưa đủ, vậy nên khi gặp loại ma này, A-nan liền bị mê hoặc, bị cô ta bắt vào phòng riêng, ép làm chuyện dâm dục.
A-nan rất đẹp trai, thân thể hoàn hảo như thân của Phật, cũng có 32 tướng tốt. Da trắng như tuyết, sáng bóng như bạc, lấp lánh như có sương phủ. Hầu hết người Ấn Độ đều có nước da màu đen sạm nhưng da của A-nan rất mềm mịn, đặc biệt là rất sáng. Đó là lý do khiến cho con gái của Ma-đăng-già si mê mãnh liệt ngay từ phút giây đầu tiên để mắt đến A-nan. Cô ta liền chạy đến bên mẹ mình nói rằng cô ta muốn lấy A-nan.
Mẹ cô ta nói:
“Ông ta là đệ tử của Đức Phật, làm sao con có thế cưới ông ta được? Ông ta là tăng sĩ và không thể cưới vợ. Con không thể cưới ông ta được.”
Cô gái đáp lại:
“Điều ấy đối với con chẳng có gì khác lạ. Sao mẹ không nghĩ ra một cách để gài bẫy A-nan cho con. Nếu con cưới A-nan không được, con sẽ không muốn sống nữa.” Cô gái nói một cách cương quyết.
Ham muốn của cô ta quá mãnh liệt đến mức xem đó là vấn đề sống chết. Có lẽ những vụ tự tử vì tình yêu ngang trái thời nay đều xuất phát như sự kiện con gái Ma-đăng-già.
Bà Ma-đăng-già nghĩ rằng:
“À! con ta đã yêu A-nan quá rồi! Ta phải nghĩ ra cách giải quyết việc gay go này.”
Bà ta đã sử dụng tà chú của ngoại đạo. Chú Tiên phạm thiên là của ngoại đạo Ta-tỳ-ca-la (Kapila). Bà trì chú cho đến khi A-nan trở nên mê muội, A-nan đi theo cô ta với bộ dạng như kẻ say rượu, mê muội đến mức không thể phân biệt được nam bắc đông tây nữa, A-nan đi thẳng vào nhà, theo cô gái vào phòng riêng rồi nằm lên giường.
Kinh văn:
婬躬撫摩,將毀戒體。
Dâm cung phủ ma tương hủy giới thể
Việt dịch:
Dựa kề vuốt ve khiến A-nan sắp hủy phạm giới thể.
Giảng:
Đây là lúc nguy hiểm nhất mà A-nan gặp phải. Cô con gái Ma-đăng-già đến bên A-nan, cởi áo quần ông ra. Rồi hai bàn tay cô ta bắt đầu vuốt ve thân thể của A-nan , dựa kề vuốt ve khiến A-nan sắp hủy phạm giới thể. A-nan vẫn chưa bị hủy phạm giới thể. Đây là điều rất quan trọng. Khi người đã thọ giới, họ tiếp nhận được giới thể rất thanh tịnh (vô tác giới thể). Nếu hủy phạm giới thể, cũng giống như mạng sống của mình bị cắt đứt. Nên những người xuất gia xem việc giữ gìn, không hủy phạm giới thể là cực kỳ quan trọng. Nếu quý vị phạm giới chẳng khác gì những người chết rồi. Ví như A-nan, nếu kinh văn nói rằng giới thể của A-nan đã bị hủy phạm, có nghĩa là mọi chuyện đều chấm dứt với A-nan. A-nan sẽ bị đoạ lạc, và trong tương lai chắc hẳn phải rất khó khăn trong tu tập mới được tiến bộ.
Tại sao con gái của Ma-đăng-già lại có một sức hấp dẫn níu kéo A-nan đến như thế? Xuất phát từ chuyện A-nan và con gái Ma-đăng-già trong 500 đời trước đã là vợ chồng của nhau, vì họ đã kết hôn với nhau từ nhiều đời trước, nên ngay khi cô ta thấy A-nan, tập khí cũ liền trỗi dậy, cô liền cảm thấy yêu A-nan điên cuồng. A-nan đã là chồng của cô ta trong nhiều đời trước nay cô ta lại dứt khoát muốn A-nan làm chồng cô ta lại. Vì những hạt giống này đã gieo trồng từ đời này qua đời khác, nên bây giờ cô ta muốn hy sinh ngay cả mạng sống của mình để có được tình yêu của A-nan.
Kinh văn:
如來知彼婬術所加。齋畢旋歸。王及大臣長者居士。俱來隨佛願聞.
Như Lai tri bỉ dâm thuật sở gia, trai tất tuyền quy. Vương cập đại thần trưởng giả cư sĩ câu lai tùy Phật, nguyện văn pháp yếu.
Việt dịch:
 Như Lai biết A-nan bịm thuật kia gia hại, nên thọ trai xong liền trở về. Vua cùng các quan đại thần trưởng giả cư sĩ đều theo Phật, mong được nghe pháp yếu.
Giảng:
Bất kỳ lúc nào Đức Phật nhận lời thỉnh cầu trai chủ cúng dường, sau khi thọ trai xong, Đức Phật đều giảng pháp vì lợi ích cho trai chủ. Sau khi giảng pháp xong Đức Phật mới trở về an trú ở rừng Kỳ-đà. Nhưng lần này là một trường hợp đặc biệt.
Như Lai biết A-nan bị dâm thuật kia gia hại nên thọ trai xong liền trở về.
Biết A-nan đang gặp lúc rất khó khăn, đang sắp sửa bị hủy phạm giới thể. Đức Phật thọ trai xong rồi lập tức trở về tinh xá ở Kỳ viên. Thực ra, tôi tưởng tượng Thế tôn chẳng ăn uống gì được nhiều, vì Thế tôn thương người đệ tử của mình, người em họ và là thị giả của mình đang gặp nạn. Đức Phật nghĩ rằng: “À! Đệ tử của mình đang bị ma cám dỗ, anh ta sắp bị rơi vào lưới ma. Sao lại để xảy ra như thế được?"
Vua cùng các quan đại thần trưởng giả cư sĩ đều theo Phật, mong được nghe pháp yếu.
Mọi người ai cũng biết có những lý do rất quan trọng khiến Đức Phật không giảng pháp cho trai chủ sau khi thọ trai xong. Họ nghĩ lý do chắc hẳn là thông báo về kỳ an cư sắp được chấm dứt. Thế nên mọi người – vua, quan đại thần, trưởng giả, cư sĩ đều theo Đức Phật trở về tinh xá ở Kỳ viên. Tại sao vậy? Mọi người đã quên hết mọi chuyện chỉ còn nhất tâm mong ước được nghe những pháp yếu do Đức Phật giảng. Họ không biết những việc bất thường vừa xảy ra nên mọi người đều nóng lòng được nghe giáo pháp do Đức Phật sắp giảng dạy.
 Kinh văn:
于時世尊頂放百寶無畏光明。光中出生千葉寶蓮,有佛化身結跏趺坐,說神.
Vu thời Thế tôn đảnh phóng bách bảo vô úy quang minh. Quang trung xuất sanh thiên diệp bảo liên, hữu Phật hóa thân kiết già phu tọa, tuyên thuyết thần chú.
Việt dịch:
 Khi ấy, trên đnh Thế tôn phóng ra trăm đạo hào quang vô úy quý báu sáng rỡ. Trong hào quang hiện ra hoa sen báu nghìn cánh, trên đó có hóa thân Phật đang ngồi kiết già, tuyên thuyết thần chú.
Giảng:
Khi ấy, trên đnh Thế tôn phóng ra trăm đạo hào quang quý báu sáng rỡ, biểu tượng cho một trăm cõi giới, và trong hào quang hiện ra hoa sen báu nghìn cánh là biểu tượng cho chân như. Những nghĩa này sẽ được khảo sát dần dần.
Từ trên đảnh của Thế tôn phóng ra hàng trăm đạo hào quang quý báu và từ những đạo hào quang báu này phát ra ánh sáng rực rỡ, vô úy. Ánh sáng vô úy biểu hiện sự kế thừa phong thái đại oai đức, chẳng sợ hãi điều gì. Có năng lực, hàng phục mọi loài thiên ma ngoại đạo. Bất kỳ thần chú nào cũng không thể sánh được hào quang này, sá gì thần chú của Ta-tỳ-ca-la Tiên phạm thiên hoặc là của hậu phạm thiên đi nữa.
Trong đạo hào quang báu cũng làm hóa hiện ra hoa sen báu nghìn cánh, trên đó có hóa thân Phật đang ngồi kiết già. Ngồi trong tư thế kiết già là ngồi với tư thế hai chân đan chéo vào nhau. Ngồi với tư thế kiết già này sẽ được phát sinh vô lượng công đức.
Hoá thân của Đức Phật tuyên thuyết thần chú.
Đức Phật tuyên thuyết thần chú bí mật đó là thần chú Thủ-lăng-nghiêm. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni dùng hóa thân Phật để thuyết thần chú là biểu hiện mật nhân ở trong mật nhân, vua trong các vua của thần chú. Thần chú Thủ-lăng-nghiêm rất là quan trọng. Quý vị tu học Phật pháp nên phải học thần chú Thủ-lăng-nghiêm, quý vị sẽ thấy mình không phải là hạng người vô dụng. Nếu quý vị không học chú Thủ-lăng-nghiêm, cũng sẽ giống như quý vị leo lên ngọn núi bằng bảy báu: vàng, bạc, pha lê, lưu ly, xà cừ, xích châu, mã não mà trở về với hai bàn tay không. Quý vị đã lên đến đỉnh núi, nghĩ rằng lên lấy một ít vàng, hoặc ngọc rồi do dự hay là nên lấy bạc thì hơn, cuối cùng không quyết định nên lấy thứ gì là hay nhất, thế nên đành trở về tay không. Đó là tình trạng của người không học thuộc chú Thủ-lăng-nghiêm. Thế nên tôi mong quý vị ít nhất là chịu khó học thuộc lòng chú Thủ-lăng-nghiêm. Không nói là chỉ nỗ lực vài tuần mà có thể phải mất vài năm để học thuộc lòng chú Thủ-lăng-nghiêm cũng được. Việc ấy rất có giá trị, và cơ hội mà quý vị gặp được như bây giờ rất hiếm có, rất khó mà thâm nhập được. Đó là “vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.” Chẳng có điều gì sâu hơn, cao siêu hơn pháp này nữa. Đức Phật dùng thần chú Thủ-lăng-nghiêm để cứu A-nan là người đã chứng được quả vị đầu tiên của hàng a-la-hán.
Nay chúng ta hãy nghe nói về công đức của tư thế ngồi kiết già. Có một vị tăng bị thúc ép buộc phải tụng kinh và sám hối, có nghĩa là vị tăng này thường phải nhận lời tụng kinh sám hối khi gia đình có người chết đến chùa thỉnh cầu để giúp cho người chết vượt qua biển khổ. Chư tăng ở Trung Hoa thường thích gọi những người này là “tang-tang-p’i”, xuất phát từ âm thanh của một loại pháp khí. Lý do của sự mời thỉnh tụng kinh này, dĩ nhiên là gia chủ sẽ phải trả một số tiền sau mỗi lần tụng kinh. Chẳng hạn mức giá hiện thời ở Hồng Kông cho một ngày tụng kinh ít nhất là một trăm đô-la Hồng Kông và dù muốn thỉnh một vị tăng cũng rất khó kiếm. Các vị tăng thích xoay xở tụng kinh như thế thực sự phải luân phiên đến nhiều nơi trong ngày, vì số người chết quá đông nên chư tăng thường được mời đảm nhiệm những buổi lễ cầu nguyện cho người chết.
Không đơn giản như ở nước Mỹ, chỉ cần một vị linh mục hoặc một vị mục sư cử hành lễ tang và chỉ như thế là đủ. Ở Hồng Kông, họ muốn thỉnh cho được năm hoặc bảy hoặc mười hoặc bốn mươi, năm mươi vị tăng đến nhà để tụng kinh cầu siêu cho người chết.
Vậy mà, hôm đó có một vị tăng thuộc dạng này trở về chùa sau một ngày tụng kinh cầu nguyện cho người chết. Khi đi qua một ngôi nhà, con chó trong sân sủa vang. Ông nghe tiếng người vợ từ trong nhà nói với người chồng vọng ra: Ông ra xem thử ai?” Vị tăng thấy người chồng nhìn qua bức màn rồi đáp: “Ồ! Chỉ là con ma chuyên xoay xở tụng kinh đám.”
Vị tăng đã qua, nhưng lời nói ấy cứ vang mãi trong tai ông. Tại sao người ấy gọi vị tăng là “con ma chuyên xoay xở tụng kinh đám.” Tại sao ông ta không gọi là “Đức Phật chuyên xoay xở tụng kinh đám”? Khi vị tăng tiếp tục trên đường về chùa thì bất chợt trời mưa ông ta phải núp mưa dưới một cây cầu. Vị tăng suy nghĩ: “Ta nên ngồi thiền.” Rồi ông ta ngồi thiền theo tư thế kiết già. Sau khi ngồi một lúc, có hai con quỷ đi tới. Khi nó đến nơi vị tăng đang ngồi thiền thì bọn quỷ đột nhiên dừng lại. Một con quỷ nói với con kia: “Có một ngôi chùa vàng ở đây. Nhanh lên! Hãy đảnh lễ đi! Có xá-lợi của Đức Phật ở trong ngôi chùa vàng. Nếu chúng ta đảnh lễ xá-lợi Phật, nghiệp chướng của chúng ta sẽ được tiêu trừ.” Thế là hai con quỷ bắt đầu đảnh lễ, sau khi chúng nó đảnh lễ hồi lâu thì cái chân của vị tăng được gọi là “con ma chuyên xoay xở tụng kinh đám” bắt đầu bị đau. Để có thể ngồi thoải mái hơn, vị tăng chuyển thế ngồi kiết già thành thế ngồi bán già, đó là tư thế chân trái nằm trên bắp đùi phải. Lần này hai con quỷ đến đảnh lễ, nó thấy có chuyện lạ. “Nè”! Một con quỷ nói: “Ngôi chùa vàng kia vừa chuyển thành ngôi chùa bạc. Mày có nhận ra không?”
“Thì sao nào?”, con quỷ kia đáp lại “chùa bằng bạc vẫn quý rồi, chúng ta nên đảnh lễ đi!”
Rồi cả hai con quỷ đồng đảnh lễ, nó đảnh lễ một giờ rưỡi hoặc một giờ hay chỉ 20 phút, chẳng có đồng hồ nên không thể nào biết được. Dù vậy, cho đến khi chân của vị tăng lại bị đau và ông ta uể oải duỗi ra nghỉ, giống như khi quý vị từng làm mỗi khi ngồi thiền mệt mỏi. Vị tăng suy nghĩ: “Ta nên nằm nghỉ chốc lát.” Nhưng ngay lúc đó, hai con quỷ thoáng thấy ngôi chùa mình đang lạy biến thành một vũng bùn. Một con quỷ kêu lên: “Nè! Coi kìa, nhanh lên! Hãy đánh nó đi!” Nhận thấy hai con quỷ sắp đánh mình, vị tăng sững người vì sợ hãi, nhẹ nhàng trở lại ngồi gọn gàng trong tư thế kiết già. Vừa đúng lúc hai con quỷ đồng thanh la lên: “Ồ! Thật đúng là xá-lợi của Đức Phật ở trong đó. Thật là trò biến hóa như yêu quỷ. Phút trước đó là ngôi chùa vàng, phút sau là chùa bạc, rồi trở thành vũng bùn. Chúng ta tốt hơn chỉ nên đảnh lễ bất luận chuyện gì xảy ra.”, rồi chúng lạy không nghỉ cho đến khi trời sáng.
Sự kiện này có một ảnh hưởng tác động đến vị tăng – “con ma chuyên xoay xở tụng kinh đám.” Ông ta ngồi suy nghĩ: “Nếu ta ngồi trong tư thế kiết già thì đó là ngôi chùa bằng vàng, nếu ta ngồi với tư thế bán già thì đó là ngôi chùa bằng bạc, còn nếu ta không ngồi với hai tư thế ấy thì chẳng có gì khác ngoài một vũng bùn. Tốt hơn là nên bắt đầu tu tập, không nên xoay xở tụng kinh đám nữa.” Rồi ông ta vùi mình trong đề tài ấy ngay và công phu tham cứu rất nghiêm mật. Sau một thời gian, ông được ngộ đạo, được tặng danh hiệu “Quỷ Bức Thiền Sư.” Vì nếu vị ấy không bị hai con quỷ dọa đánh, vị ấy chắc hẳn sẽ còn trì hoãn công phu và sẽ không bao giờ thành công trong việc tu tập.
Kinh văn:
文殊師利將往護, 銷滅, 阿難及摩登伽歸來佛所。
Sắc Văn-thù-sư-lợi tương chú vãng hộ. Ác chú tiêu diệt. Ðề tưởng A-nan cập Ma-đăng-già quy lai Phật sở.
Việt dịch:
 Đức Phật dạy ngài Văn-thù-sư-lợi đem thần chú đến cứu A-nan, khiến tà chú liền bị tiêu diệt, rồi dẫn A-nan và con gái Ma-đăng-già về chỗ Phật.
Giảng:
Cần phải có một vị có được trí tuệ rộng lớn mới cứu được một người si mê. Mặc dù A-nan đã chứng được sơ quả a-la-hán, nhưng định lực của ông chưa đủ để khỏi bị mê hoặc bởi tà chú của Ma-đăng-già. Để cứu A-nan, Đức Phật phải thị hiện phóng hào quang trăm báu với hoa sen ngàn cánh trong đó có hóa thân Phật ngồi tuyên thuyết thần chú Thủ-lăng-nghiêm. Thế nhưng A-nan đang ở nơi xa, nên Đức Phật cần một thành viên trong Tăng-già mang thần chú đi Đức Phật chọn Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát mang thần chú đi cứu hộ A-nan.
Ngài đến nhà dâm, nhà của Ma-đăng-già để cứu hộ A-nan. Thần chú Thủ-lăng-nghiêm chỉ có vài dòng mà rõ ràng phá hủy ngay tức khắc pháp thuật của ngoại đạo. ở đây, hiệu quả của thần chú thì không có sánh bằng. Thế nên khi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đến nhà Ma-đăng-già tuyên đọc thần chú Thủ-lăng-nghiêm, khiến ác chú liền tiêu diệt. Chú của Tiên phạm thiên không còn hiệu lực nữa, A-nan liền thức tỉnh.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi còn phải dẫn A-nan và con gái Ma-đăng-già về nơi chỗ Phật. A-nan đã bị mê muội bởi tà chú và sắp sửa bị rơi vào bẫy, thế nên A-nan bị mất phương hướng và chẳng biết mình đang ở nơi đâu, giống như vừa mới tỉnh dậy sau một cơn mơ. Thế nên Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đến giúp đỡ cho A-nan, nắm lấy và kéo A-nan dậy.
Quý vị sẽ hỏi: “Tại sao Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại khuyến khích cô con gái của Ma-đăng-già̀?”
Nếu ngài Văn-thù-sư-lợi không khuyến khích Ma-đăng-già vào lúc ấy, thì cuộc đời của cô ta có lẽ sẽ gặp nhiều nguy nan và có lẽ nguyên nhân là do nơi ngài. Cô ta quá quẫn trí, có thể cô sẽ giết ngài Văn-thù-sư-lợi vì đã lấy đi người nàng rất yêu. Lúc đó, chính ngài đã làm cho cô ta yên tâm, cô ta sẽ chỉ còn lại một mình với riêng mình. Ai biết được cô ta sẽ làm những gì khi trong cơn ghen.
Thế nên Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: “Cô ta là người con gái rất đẹp. Tôi thấy cô là người phụ nữ lương thiện, hãy đi với tôi và chúng ta sẽ thưa chuyện với Đức Phật và sẽ xin Thế tôn giúp cô thỏa mãn ý nguyện. Tôi sẽ nói giúp cho cô, mọi việc sẽ ổn cả, tôi chắc như vậy.”
Ngài rất thận trọng lời nói, khéo léo dùng phương tiện, rất kín đáo và khôn khéo, thế nên cô ta không nổi giận và muốn hủy hoại thân mạng của mình. Nhờ ngài Văn-thù-sư-lợi giúp đỡ cho A-nan và khuyên nhủ con gái của Ma-đăng-già̀, họ cùng trở về nơi Đức Phật, là tinh xá trong vườn Kỳ-đà.
Từ câu Như thị ngã văn–Như thật tôi nghe tới câu quy lai Phật sở về nơi chỗ Phật” được gọi là “Phần tự.” Phần tự gồm có:
Chứng tín tự: là phần nêu ra đầy đủ sáu món thành tựu, chứng tỏ kinh này là đích thực do Đức Phật thuyết.
Toàn phần “tự” này cũng có thể gọi là phần “tái bút” mặc dù nó nằm ngay phần đầu của kinh.
Quý vị sẽ hỏi:
“Như vậy sẽ mâu thuẫn chăng – sao kinh lại có hai phần “tự”“tái bút” cùng một nơi?”
Vì khi Đức Phật nói kinh này, phần “tự” không có. Đến khi Ngài A-nan kiết tập Kinh tạng, phần tự này mới có, từ lý do này nên phần ấy được gọi là phần “tái bút.”
Phần tự này cũng còn được gọi là “Thông tự” vì các kinh khác cũng có phần tự y như vậy. Nó còn được gọi là “Kinh tiền tự”, phần tự khởi đầu của kinh văn, cho dù phần ấy đến khi A-nan kiết tập kinh điển rồi mới có “Kinh hậu tự” (phần tự được viết thêm sau khi kiết tập kinh).
Phần thứ hai của phần “tự” được gọi là “phát khởi tự” giải thích nhân duyên liên hệ giữa A-nan và con gái của Ma-đăng-già dẫn đến việc Đức Phật nói kinh này.
Đây là điều rất quan trọng cho những người học Phật pháp để dễ phân biệt những phần khác nhau của kinh văn. Với cách này, quý vị có thể dễ dàng “thâm nhập kinh tạng”, làm cho quý vị sẽ được “trí tuệ như biển.” Thực ra, quý vị nên suy nghĩ như vậy: “Chính mình đã giảng nói bộ kinh này, đạo lý trong kinh đều lưu xuất từ tâm mình.” Nếu nghĩ được như vậy thì kinh và bản tâm của quý vị đã hợp thành một phiến, thế nên chẳng có “sâu” chẳng có “cạn.” Quý vị sẽ không còn thấy học kinh là khổ nữa, mà chỉ là một việc rất bình thường.
Pháp hành văn trong kinh Thủ-lăng-nghiêm này rất hay rất tuyệt diệu. Trong tất cả các tác phẩm cổ văn của Trung Hoa, như Tứ thư và Ngũ kinh đều rất hay. Nhưng trong đời tôi, tôi thích bản kinh này nhất. Thầy Hằng Định, đệ tử của tôi ở Hồng Kông có thể đọc thuộc lòng kinh này từ đầu đến cuối không vấp một chữ. Thầy cũng đọc thuộc lòng được Kinh Pháp Hoa. Thầy đã học các kinh ấy trong năm năm. Tôi xem Kinh Thủ-lăng-nghiêm là áng văn chương tuyệt diệu nhất. Người nào muốn học Trung văn thì không nên bỏ qua cơ hội thâm nhập vào Kinh Thủ-lăng-nghiêm này. Bất kỳ ai muốn thông thạo văn pháp tiếng Trung Hoa đều phải thông hiểu toàn bộ văn học Trung Hoa.
Kinh văn:
阿難見佛,頂禮悲泣,恨無始來。一向多聞,未全道力。殷勤啟請十方來得成菩提, 妙奢摩他三摩禪那最初方便
A-nan kiến Phật, đảnh lễ bi khấp, hận vô thủy lai. Nhất hướng đa văn, vị toàn đạo lực. Ân cần khải thỉnh thập phương Như lai đắc thành bồ-đề, diệu xa-ma-tha tam-ma thiền-na tối sơ phương tiện.

Việt dịch:
 A-nan đảnh lễ Đức Phật, hối hận từ vô thỉ đến nay, chỉ một hướng thích học rộng nhớ nhiều, nên chưa được toàn vẹn đạo lực. Nay A-nan ân cần cung kính thỉnh Phật truyền dạy pháp tu xa-ma-tha (chỉ), tam-ma (quán) và thiền-na (thiền) là phương tiện vi diệu ban đầu của mưòi phương các Đức Như Lai đã tu tập mà chứng được bồ-đề.

Giảng:
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đã mang thần chú Thủ-lăng-nghiêm đi giải cứu A-nan. Sau một thời gian trên đường về, khi có ngọn gió mát thổi qua, vỗ nhẹ lên mặt làm cho A-nan tỉnh khỏi giấc mơ. Họ đã về đến Tinh xá Kỳ hoàn.
A-nan thấy Đức Phật, đảnh lễ rồi hối hận. Nỗi đau của A-nan rất mãnh liệt, nỗi buồn từ trong tâm dâng lên và A-nan khóc không thành tiếng. Lòng rất ân hận. Chữ hay nhất trong đoạn kinh này là chữ hận (), biểu hiện A-nan đã thức tỉnh. Nếu A-nan không ân hận thì khi trở về Tinh xá Kỳ hoàn, A-nan đã không thành tâm nhận ra những lỗi lầm của mình. A-nan có thể trở về tịnh xá làm ra vẻ như không có việc gì xảy ra, có thể tạo một bức bình phong để che dấu việc đã rồi. Nhưng điều hay nhất của A-nan là Ngài không dựng lên bức bình phong che dấu. A-nan trở về đến nơi Đức Phật và đảnh lễ chẳng dấu diếm chuyện gì cả, vì biết mình phải sửa chữa lỗi lầm và thay đổi lối tu tập trước đây. A-nan mong muốn được Đức Phật chỉ dạy con đường tu đạo chân chính. Nhờ vậy, sau này A-nan mới được chứng ngộ.
Từ vô thỉ đến nay nghĩa là không chỉ vào lần này trong đời này, nhưng từ rất nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, từ lúc A-nan vừa mới thọ thân người. Không ai có thể biết được lúc ấy là lúc nào, thế nên thời gian ấy được xem như là vô thủy (không có chỗ khởi đầu).
Chỉ một hướng thích học rộng nhớ nhiều.
Đời này sang đời khác, thời này sang thời khác, A-nan chỉ chuyên tâm vào việc học, đến mức đạt được “học rộng, nhớ nhiều” nhưng thờ ơ với việc tu tập.
Nên chưa được toàn vẹn đạo lực.
Đó là định lực, định lực của A-nan rất yếu kém, cực kỳ non nớt. May thay, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã giải cứu A-nan, nên A-nan cung kính gieo năm vóc sát đất, thể hiện sự kính trọng Đức Phật bằng cả thân và tâm.
Nay A-nan ân cần cung kính Phật truyền dạy pháp tu Samatha (chỉ), Tam ma (quán) và Dhyana (thiền) là phương tiện vi diệu ban đầu của mười phương Như Lai đã tu tập chứng đạo Bồ-đề.
A-nan cung kính đảnh lễ Đức Phật nhiều lần, không còn một chút biếng trễ. Rồi A-nan cung kính cầu thỉnh Đức Phật giảng bày đạo lý mà chư Phật trong mười phương đã tu tập và chứng được Bồ-đề. A-nan không khải thỉnh các Đức Như Lai trong khắp mười phương chỉ bày giáo lý; quý vị không nên đọc lướt qua đoạn kinh này. Nếu A-nan khải thỉnh các Đức Như Lai trong mười phương chỉ bày giáo lý thì thử hỏi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni làm gì ở đây? A-nan là đệ tử của Đức Phật. Chẳng lẽ A-nan bỏ quên Đức Phật đang ở ngay trước mắt mình mà đi tìm những Đức Phật khác ở xa cách tận mười phương? Không, kinh nói rằng A-nan trở về cầu thỉnh Đức Phật giảng bày giáo lý mà các Đức Như Lai trong mười phương đã nương vào đó mà tu tập để chứng ngộ được đạo bồ-đề. A-nan không biết cách phải dụng công tu tập để được khai ngộ. Nhưng A-nan đã biết ba loại định: xa-ma-tha (samatha) (chỉ), tam-ma-bát-đề (samāpatti, quán) và thiền-na (dhyana). Nên A-nan nêu ra, tán thán đề cao ba loại định ấy là vi diệu.
Ngay khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nghe lời thỉnh cầu ấy, Ngài biết A-nan là người ngoài cuộc: A-nan không biết về việc tu tập định lực để được khai ngộ. Tu tập loại định gì để được chứng đạo? Đó là Thủ-lăng-nghiêm đại định. Chỉ vì A-nan không biết được Thủ-lăng-nghiêm đại định đến nỗi suýt gây nên chướng ngại như kinh văn đã nói đến.
Phương tiện vi diệu ban đầu:
A-nan muốn biết pháp môn phương tiện cho kẻ sơ cơ, đó là phương pháp dễ nhất để bắt đầu tu tập, phương pháp đơn giản nhất để bước vào công phu.
Một số người liền phán xét:
A-nan chỉ chú tâm vào việc học rộng nhớ nhiều và cuối cùng gần như bị kết thúc bằng đọa lạc.”
Họ nói: “Cho nên học nhiều chỉ vô ích. Tôi chỉ chú tâm chuyên vào việc tập định, chẳng cần học làm gì.”
Đây là quan điểm thiên lệch, không đúng với tinh thần Trung đạo. Đạo lý khế hợp với Trung đạo là không quá nghiêng lệch về bên phải và cũng chẳng nghiêng lệch về bên trái. Không coi trọng phía trước cũng chẳng coi trọng phía sau. A-nan bị phê phán vì đã chú tâm vào việc học mà xao lãng việc tu định. Còn nếu quý vị chuyên tập trung vào việc tu định và xao lãng việc học thì trí tuệ không được phát sinh. Quý vị phải học tập để có được trí tuệ, đồng thời cũng phải tu định để có được định lực, hai năng lực ấy mới được hợp nhất. Tại Phật giáo Giảng đường chúng ta vừa nghiên cứu kinh điển vừa ngồi thiền. Bằng cách gạt ra ngoài tất cả mọi chuyện, không để cho tâm ý mình lang thang khắp mọi phương Nam Bắc Đông Tây, quý vị mới có thể hoàn toàn tập trung tâm ý mình vào Phật pháp được. Đừng để phí thời gian quý báu. Đừng tán gẫu những chuyện huyên thiên, đừng làm những việc vô ích. Quý vị không thể vẽ được khối vuông và hình tròn nếu không có được cái compas (vô quy củ bất thành phương viên). Cũng thế quý vị phải theo quy luật công phu tu tập hằng ngày. Trong thiền đường, khi bảng gỗ bõ ba hồi, đó là hiệu lệnh chỉ tịnh. Trong suốt thời gian đó, không ai được nói chuyện, ai vi phạm sẽ nhận một cú đập (bạch đả công) của Kim Cương Chùy Bồ-tát.
Quý vị nói rằng: “Ông ta không được đánh tôi như thế.”
Bồ-tát Kim Cương không hề đánh vì giận dữ. Nhưng các Ngài làm như vậy để mọi việc trở nên nghiêm túc hơn. Nên mọi người phải thận trọng, thành tâm theo đúng quy luật. Khi thanh quy được tuân thủ nghiêm túc, thì tu tập rất dễ thành tựu. Đừng quá xem thường.
Những người đến dự pháp hội này căn bản đều có tư cách rất tốt, nhưng chỉ để ngăn ngừa một vài người quên mất quy luật nên tôi phải nhắc lại. Trong thời gian gạt qua tất cả mọi việc để học kinh Thủ-lăng-nghiêm, mọi người nên tự mình áp dụng nhất tâm vào việc tọa thiền. Nếu quý vị làm được như vậy, tôi bảo đảm sẽ có sự cảm ứng và quý vị sẽ đạt được thành quả. Nếu không đạt được đại ngộ thì cũng được tiểu ngộ. Quý vị sẽ không bị hao tổn phước đức. Nếu quý vị thành ý và nhất tâm trong suốt thời gian nghiên cứu và công phu, chắc chắn quý vị sẽ được nhiều lợi lạc. Tôi không dối gạt quý vị. Tuy vậy, nếu quý vị không tuân theo những quy củ, quý vị sẽ giống như người “Mông Cổ đi xem hát” và hoàn toàn không nhớ được gì cả. (Khi có người hoàn toàn ngơ ngác không biết được điều gì, thì người Trung Hoa dùng thuật ngữ này để diễn tả như người Mông Cổ vào rạp hát xem người Trung Hoa diễn kịch rồi đi ra mà chẳng hiểu gì cả).
Quý vị đã từ mọi nơi rất xa xôi đến đây, không cầu việc gì khác hơn là được học hỏi Phật pháp. Điều ấy làm tôi rất vui, vui đến nỗi bất luận tôi phải chịu khó nhọc đến mấy tôi cũng không ngại. Trong suốt thời kỳ pháp hội giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm, tôi nguyện sẽ đem hết sức mình nghiên cứu và giảng giải Kinh Thủ-lăng-nghiêm, khai triển ý kinh cho quý vị hiểu rõ. Nguyện vọng của tôi là mong tất cả quý vị đều đạt được lợi lạc từ Phật pháp. Tuy nhiên, dù tôi có giảng, nhưng nghe hay không là do ở quý vị. Nếu quý vị không thích nghe thì tôi cũng chẳng giúp gì được cho quý vị vì tôi không phải là quý vị và quý vị chẳng phải là tôi.
Quý vị có thể nói rằng quý vị là tôi và tôi là quý vị. Sao vậy? Vì chúng ta đều có tương quan với nhau, chúng ta cùng thở một bầu không khí như nhau. Suy nghĩ được như thế thì mọi người trở nên đồng nhất bản thể, quý vị chẳng chướng ngại tôi và tôi cũng chẳng chướng ngại quý vị. Mọi người cùng tham cứu Phật pháp với nhau và cùng nhau khai ngộ. Nếu còn một người trong quý vị chưa được chứng ngộ thì lời phát nguyện của tôi chưa được hoàn thành. Quý vị nên để tâm tìm hiểu xem Phật pháp sâu mầu hay cạn cợt. Quý vị nên nghĩ rằng: “Nếu tôi hiểu được, tôi sẽ tham cứu được sâu xa hơn, còn nếu tôi chưa hiểu được ý kinh, tôi càng muốn được hiểu rõ hơn nữa.”
Hiểu được một chút ít vẫn tốt hơn rất nhiều so với không hiểu được chút nào cả. Quý vị nên tự nhủ lòng: “Nếu như tôi hiểu được chỉ một chữ trong kinh mà Pháp sư đang giảng về những điều mà trước đây tôi chưa hiểu ra, thật là đáng giá. Tôi đã hưởng được sự lợi lạc.” Giá trị của một chữ thôi cũng khó diễn tả hết được.
Tại sao A-nan không thể chống chọi nổi với tà chú của Tiên phạm thiên? dù A-nan đã đạt được sơ quả a-la-hán rồi? Đó là vì trong quá khứ, khi tu tập định lực, A-nan đã dùng tâm ý thức để công phu, mà tâm ý thức cũng là đối tượng của sinh diệt, nên không đạt được triệt để cứu cánh. Khi dụng công tu tập định lực bằng cách điều phục tâm ý thức như pháp tu “chỉ quán” của giáo lý Thiên thai, đó là thuộc về thức thứ tám. Phương pháp ấy làm hiển lộ bản tánh bất sinh bất diệt. Khi quý vị nhắm vào bản tánh bất sanh bất diệt ấy mà tu tập định lực bất sanh bất diệt thì đó mới thật là chân định, mới khỏi bị xoay chuyển bởi ngoại cảnh.
Nhưng trong tất cả mọi việc, A-nan chỉ biết vận dụng bằng tâm ý thức. Cho đến cả việc nghe Đức Phật thuyết kinh, A-nan cũng dùng ý thức để ghi nhớ những điều Đức Phật dạy. Nhưng mà tâm ý thức không thể nào đưa ta đến một giải pháp rốt ráo được. Thế nên khi A-nan gặp ma sự, A-nan không nhận thức được ngay tình huống.
Những người tu đạo rất cần thiết phải nhận ra được rõ ràng ngay tức khắc mọi cảnh giới đang xảy ra. Nếu quý vị nhận thức rõ được mọi cảnh giới khi nó vừa hiện ra, quý vị không thể nào bị sai sử bởi nó. Cảnh duyên không thể nào làm quý vị dao động được. Định lực sẽ chiến thắng bất kỳ cảnh giới nào dù cảnh giới ấy có tốt, xấu, như ý hoặc bất như ý. Ngay trong tất cả mọi tình huống ấy, tâm quý vị đều: “Như như bất động, liễu liễu thường minh.” Đó chính là chân định.
Nếu cảnh vui làm cho quý vị sướng thích, thế là quý vị đã bị cảnh chuyển. Nếu quý vị giữ tâm mình, đừng nhảy từ trạng thái vui sang giận dữ, từ buồn bã sang an lạc, thế là tâm quý vị không bị dao động bởi hoàn cảnh. Tâm không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài cũng ví như tấm gương trong; khi vật đến liền phản chiếu, khi vật không còn, gương vẫn là gương “vật lai tắc hiện, vật khứ tắc ẩn.”
Bản thể của gương luôn luôn trong suốt, không hề nhiễm ô. Có được định lực, tâm không dao động là có được trí tuệ chân chính, thông đạt mọi sự. Rất quan trọng khi hiểu được điều này.
Xa-ma-tha[6] là tiếng Phạn, Hán dịch là tịch tĩnh. Tuy vậy, đó là sự “tịch tĩnh” do nỗ lực gắng sức dụng công mà có được, hành giả đạt được loại định lực này bằng cách đè nén, đình chỉ tâm ý thức, không cho phát khởi vọng tưởng. Nên đó không phải là định rốt ráo. Đó chỉ là pháp môn phương tiện của hàng Nhị thừa mà Đức Phật giảng dạy vào thời kỳ đầu tiên.
Tam-ma (samāpatti)[7] là tiếng Phạn, Hán dịch là “quán chiếu”, chẳng hạn quán chiếu mười hai nhân duyên hoặc quán pháp Tứ diệu đế.
Thiền-na: tiếng Phạn là (dhyāna), Hán dịch là “tư duy tu” nghĩa là dụng tâm để tư duy và quán tưởng, cũng gọi là tu “chỉ quán.” Hành giả dùng tâm để theo dõi sự đến và đi, sinh và diệt của ý tưởng. Rất giống pháp tu “chỉ quán” của tông Thiên thai, chủ trương tam chỉ, tam quán: quán không, quán giả, quán trung. Cơ bản giáo lý vốn không sai khác, nhưng pháp quán này không thể so sánh được với Thủ-lăng-nghiêm đại định.
Thiền-na[8]tĩnh lự. Nay tu theo pháp tĩnh tọa, cũng còn được gọi là thiền na. Nhưng tu theo thiền-na có pháp triệt để và cũng có pháp không triệt để. Hàng Tiểu thừa dùng tâm thức để tu thiền, nhưng thức tâm vốn là đối tượng của sinh diệt, nên pháp tu này không kiên cố.
Quý vị sẽ hỏi:
– Vậy thì chúng tôi nên tu theo pháp gì?
– Tu theo pháp Thủ-lăng-nghiêm đại định.
– Làm sao để có thể tu tập theo pháp Thủ-lăng-nghiêm đại định?
Kinh văn sẽ dần dần giải thích rõ ràng. Nếu quý vị tham dự pháp hội giảng kinh và hiểu rõ được ý kinh, thì quý vị sẽ biết được phải tu tập thế nào để có được Thủ-lăng-nghiêm đại định. Quý vị không nên để mình bị rơi vào trạng thái bàng hoàng lơ lững. Đó là khi quý vị không biết mình phải bắt đầu từ chỗ nào.[9]
Kinh văn:
3.              於時復有恒沙菩薩及諸十方大阿羅漢,辟支佛等。俱願樂聞 退坐默然承受聖
4.              Ư thời phục hữu hằng sa bồ-tát cập chư thập phương đại a-la-hán, Bích-chi Phật đẳng, câu nguyện nhạo văn. Thối tọa mặc nhiên thừa thọ thánh chỉ.
Việt dịch:
Khi ấy có hằng hà sa Bồ-tát, các vị Đại a-la-hán, Bích-chi Phật... trong khắp mười phương, đều mong mỏi được nghe. Tất cả ngồi im lặng chờ nghe lời Phật chỉ dạy.
Giảng:
Khi ấy nghĩa là lúc A-nan thỉnh cầu Đức Phật giảng dạy pháp tu của các Đức Như Lai trong khắp mười phương đã tu tập như thế nào để chứng được đạo quả bồ-đề? Đó là sự giác ngộ chân chánh. Quý vị đã được nghe giảng về các vị bồ-tát nhiều như số cát sông Hằng đến dự hội rồi, nghĩa là có rất nhiều bồ-tát đến dự hội. Sông Hằng rộng hằng muôn dặm và cát ở bờ sông mịn như bột mì, nhỏ như các hạt vi trần. Khi có bão, cát đá bay mù mịt, nguy hiểm như bão cát ở sa mạc. Bây giờ quý vị tính xem có bao nhiêu hạt cát nhỏ mịn, như thế ở trong bờ sông rộng chừng 15 dặm.[10] Ngay cả máy điện toán hiện đại nhất có lẽ cũng không thể tính được phép toán như vậy. Do vì số cát sông Hằng không thể nào tính đếm được, nên nó thường được biểu thị cho con số không có thực, con số vượt qua mọi sự tính đếm.
Bồ-tát (Bodhisattva), Hán dịch là “hữu tình giác” là người đã giác ngộ, còn gọi là “giác hữu tình” là người giúp cho chúng sinh được giác ngộ.” Dù người ta có đối xử xấu với bồ-tát ra sao, bồ-tát vẫn không chống đối lại họ. Bồ-tát không bao giờ tức giận, không bao giờ nổi nóng. Đạo tâm của bồ-tát rộng lớn và kiên định. Bồ-tát còn được gọi là bậc “đại sĩ”, vì họ đã có phát nguyện rộng lớn để trở thành một vị bồ-tát .
Mười phương, trong kinh A-di-đà có đề cập đến chư Phật trong sáu phương, chứ không đề cập đến mười phương. Sáu phương là Đông Tây Nam Bắc, trên và dưới. Có thêm bốn hướng nữa là Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam. Tuy vậy, chứ xưa nay vốn một phương cũng không có. Trái đất vốn tròn, thế phương nào lập được. Nhưng Đức Phật nói đến mười phương. Ngoài ra, tôi nói quả đất tròn là một dữ kiện không có căn cứ, nên đừng y cứ vào những gì tôi nói. Kỳ thực, thế giới được sinh hóa từ một nguồn năng lực duy nhất, mọi vật đều lưu xuất từ Đại quang minh tàng, tức là Như Lai tạng tánh, trong đó không có Đông, Tây, Nam, Bắc hay bốn phương hoặc phương trên, phương dưới. Đó là kiến giải của tôi, có thể nó chưa được đúng đâu.
Trong pháp hội này, không phải chỉ có những a-la-hán nhỏ đến dự mà còn có những Đại a-la-hán, đạo lực của họ rất lớn, không có nghĩa là thể chất của họ lớn, mà có nghĩa pháp tánh của họ rất to lớn, pháp lực và đạo đức của họ lớn lao vô cùng.
A-la-hán có ba nghĩa:
1. Ứng cúng:
Họ xứng đáng được thọ hưởng vật phẩm của chư thiên và loài người cúng dường.
Nay làm tỷ-khưu thường ngày khất thực là đang ở nhân địa. Còn quả địa là a-la-hán, là “xứng đáng hưởng được vật cúng dường từ chư thiên và loài người.”
2. Sát tặc:
Đức Phật dạy chúng ta không được sát sinh. Như vậy phải chăng là phạm giới hay sao? Không. Trong trường hợp này là trừ diệt giặc ở bên trong tâm mình chứ không phải là giặc bên ngoài.
Quý vị sẽ hỏi: “Giặc ở bên trong mình là gì?
Đó là giặc vô minh, giặc phiền não và sáu loại giặc: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Chúng nó cướp phá mà quý vị không hề biết.
Quý vị không nhận ra tên giặc cướp ấy, nhưng khi mắt quý vị nhìn cảnh vật, vốn năng lực tinh thần của quý vị thường sung mãn, nhưng khi quý vị bắt đầu tiếp xúc với quá nhiều cảnh thì giặc cướp từ trong mắt quý vị sẽ cướp đi kho tàng quý báu của mình. Khi quý vị nghe quá nhiều âm thanh vào mọi lúc, thì tánh nghe của quý vị bị phân tán và sinh lực cũng bị đánh cắp theo luôn. Quý vị không nên nói: “Mắt tôi là người bạn tốt nhất và tai tôi luôn luôn giúp đỡ cho tôi, mũi tôi đánh hơi được mọi vật và lưỡi tôi phân biệt được mùi vị, họ đều rất có ích.”
Không phải vậy đâu, sáu tên giặc cướp này đánh cắp kho tàng chân thực tối thượng của quý vị. Nó cướp đoạt tài sản của mình mà quý vị không hề hay biết. Quý vị đã nhận kẻ giặc cướp làm bạn láng giềng nhưng chẳng nhận ra. Quý vị còn nói: “Đừng la mắng nó vì nó chỉ cướp đoạt tài sản của tôi thôi!” Đây là điểm rất quan trọng mà tôi muốn đề cập đến. Đừng nhầm lẫn cho rằng tôi chỉ nói đùa. Nếu quý vị không bị mất những thứ này, quý vị đã thành Phật từ lâu rồi. Hãy nhìn thử xem, suy nghĩ thật kỹ. Quý vị thấy mình không mất gì cả hay sao? Tốt, tôi biết vật quý vị bị mất là của cải vô giá. Tiền bạc không thể nào mua nổi. Quý vị đã đánh mất vật quý giá ấy và vẫn nghĩ rằng mọi thứ đều tốt đẹp. “Mắt tôi còn nhìn xa rất rõ và sáng hơn mắt của mọi người khác.” Quý vị nói như vậy và nghĩ điều này là tốt, nhưng mắt quý vị càng nhìn rõ thì tinh thần của quý vị càng bị đánh mất nhiều hơn.
Đến đây quý vị sẽ nói:
“Thưa Pháp sư, Ngài chỉ cần giảng một thời pháp là đủ quá rồi, Ngài chưa nói được điều gì có chút ít đạo lý cả.”
Bởi vì quý vị chưa hiểu được những gì tôi nói, nên dĩ nhiên quý vị nghĩ rằng lời giảng ấy không có chút nào đạo lý. Hãy đợi đến khi nào quý vị hiểu được điều tôi nói rồi mới thấy những gì tôi nói đều là đạo lý chân chính hết thảy.
3. Vô sinh:
A-la-hán vốn không sinh và cũng không diệt. Họ không phải là một đối tượng của sự sinh diệt. Họ đã chứng được vô sinh pháp nhẫn. Họ không còn phải trải qua sinh tử nữa. Đó là: “những việc cần làm đã xong, không còn thọ thân sau nữa” (sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu). Họ không còn ở trong tam giới nữa, mặc dù họ chưa chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Trong kinh Tứ thập nhị chương, Đức Phật dạy “không nên tin vào tâm ý của mình, tâm ý của mình không đáng tin. Đến khi chứng được a-la-hán rồi, mới có thể tin tâm của mình được.”
Quý vị sẽ hỏi:
“Tại sao lại không nên tin vào tâm ý của chính mình?”
Vì tâm ý của quý vị đều là vọng tưởng, tin vào vọng tưởng, quý vị sẽ làm theo vọng tưởng. Nếu quý vị không tin vào vọng tưởng, nếu quý vị không tin vào tâm ý của mình, thì quý vị sẽ thoát khỏi được sinh tử.
“Khi nào thì có thể tin vào tâm mình?” Khi đã chứng được quả vị thứ tư của hàng a-la-hán thì quý vị mới có thể tin vào tâm mình. Khi chưa được như vậy thì quý vị không nên tin nơi mình mà phải nương vào lời khuyên của các vị Thiện tri thức. Đều cần phải làm là hãy lắng nghe lời dạy của các bậc Thiện tri thức.
Bích-chi Phật là những vị Độc giác, giác ngộ nhờ tu tập pháp mười hai nhân duyên.
Đều mong mỏi được nghe, tất cả lui về chỗ ngồi im lặng chờ nghe Phật chỉ dạy.
Có rất nhiều, không phải chỉ một hay hai người, đều muốn nghe pháp âm, là thánh giáo vi diệu, bí mật của Đức Thế tôn được vang lên. Họ lắng lòng thực sự muốn nghe, họ ngồi im lặng một bên để nghe Đức Phật giảng nói.

Kinh văn:
爾時世尊在大眾中, 舒金色臂, 摩阿難頂, 示阿難及諸大眾: 有三摩提名大佛頂首楞嚴王具足萬行十方如來一門超出妙莊嚴路。汝今諦聽。阿難頂禮伏受慈旨
Nhĩ thời Thế tôn tại đại chúng trung. thư kim sắc tí ma A-nan đảnh. Cáo thị A-nan cập chư đại chúng: Hữu tam-ma-đề danh Đại Phật đảnh Thủ-lăng-nghiêm vương, cụ túc vạn hạnh thập phương Như Lai nhất môn siêu xuất diệu trang nghiêm lộ, nhữ kim đế thính. A-nan đảnh lễ phục thọ từ chỉ.
Việt dịch:
Khi ấy trong hội chúng, Đức Thế tôn duỗi cánh tay màu vàng xoa đnh A-nan, nói với A-nan cùng đại chúng: “Có pháp tam-ma-đề, gọi là Đại Phật ̉đảnh Thủ-lăng-nghiêm vương, đầy đ vạn hạnh, là pháp môn trang nghiêm vi diệu mà mười phương Như Lai đều từ đó lưu xuất, nay ông nên nghe kỹ.” A-nan đnh lễ, cung kính lắng nghe lời dạy từ bi của Thến.
Giảng:
Thông thường, đoạn kinh này nằm ở phần sau, nhưng Lão Pháp sư Viên Anh nhận thấy nếu để ở phía sau thì không phù hợp nên đưa vào nơi đây. Tôi (HT. Tuyên Hóa) đọc kỹ nhiều lần, thấy cũng hợp lý nên đưa vào đoạn này để giảng.
Khi ấy nghĩa là khi các vị Đại a-la-hán và các vị Đại bồ-tát nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương đều đến dự pháp hội, đều mong muốn lắng nghe lời dạy vi diệu của Như Lai.
Và khi A-nan cầu khẩn Đức Phật giảng giải phương tiện tối sơ mà các đức Như Lai trong mười phương đã tu tập để chứng được các món xa-ma-tha, tam-ma và thiền-na vi diệu. Đó là lúc Đức Thế tôn duỗi cánh tay màu vàng xoa đảnh A-nan.
Cánh tay của Đức Phật vốn có sắc vàng, chẳng phải màu vàng do kim loại mạ vào. Trong đạo Phật, việc xoa đầu biểu tượng lòng từ bi che chở bảo hộ cho toàn thể chúng sinh. Nay Đức Phật cũng thế, biểu hiện lòng thương yêu, nhưng không phải lòng thương yêu thông thường mà hơn thế nữa, đó là lòng tư bi rộng lớn, che chở, bảo hộ bao trùm khắp mọi loài chúng sinh, khiến cho các ma chướng bị tiêu trừ. Đó không phải là tình thương ích kỷ, bi lụy mà mọi người thường nghĩ đến. Quý vị hãy lưu ý kỹ điểm này.
Trong tất cả các loại tình yêu trên đời, tình yêu cha mẹ dành cho con cái là thứ tình yêu lớn mạnh nhất. Bất luận con cái có đối xử tệ hại với cha mẹ đến mức nào, họ cũng đều tha thứ cho cả. “Nó là trẻ con mà!” Cha mẹ thường tự an ủi như vậy. “Nó có hiểu biết điều gì đâu!” Ngay cả khi con cái đánh cha và mắng chửi mẹ, cha mẹ chỉ nhìn chúng một cách buồn cười, không nghĩ là nó đang làm điều gì sai trái.
Quý vị sẽ hỏi: “Tại sao cha mẹ lại suy nghĩ như vậy? Vì họ quá thương yêu con mình. Tình thương cha mẹ dành cho con cái sâu thẳm hơn, mạnh mẽ hơn tình yêu giữa vợ chồng nhiều.
Về phương diện này, tôi rất lấy làm ngạc nhiên đối với người Mỹ. Đến khi con cái mười tám tuổi, nó hoàn toàn được phép tự lập. Đôi khi cha mẹ không còn để ý gì đến con cái vào lứa tuổi ấy nữa. Đó là điều rất hay, rất tốt để khuyến khích con cái tự lập. Vấn đề quan trọng là con cái vào tuổi ấy thường không đủ kinh nghiệm để có những nhận định chính chắn nên chúng dễ dàng vướng vào định hướng sai lầm. Nó dễ bị cuốn hút vào những cám dỗ hiện thời hay bị lôi cuốn bởi những bạn bè không đứng đắn. Một khi đã bị chìm ngập trong bùn rồi thì không dễ gì trở về lại với chính mình. Kết quả hiện nay ở Mỹ có rất nhiều lớp trẻ không thừa nhận quốc gia của mình. Họ không thèm đếm xỉa gì đến ý nghĩa của gia đình, thậm chí họ còn không biết chính họ là gì. Từ sáng đến tối, họ chỉ biết hút LSD[11] và hút cần sa cùng những loại ma túy khác đến mức họ đánh mất toàn bộ bản chất trong sáng của mình, hoàn toàn bị mê mờ. Nếu hỏi họ đã làm gì được cho đất nước mình. Họ sẽ nói:
“Tổ quốc đã làm được gì cho tôi nào?”
Nếu quý vị hỏi họ về gia đình. Họ sẽ trả lời:
“Tôi chẳng có gia đình."
 Quý vị có thể hiểu rằng họ vừa rời bỏ gia đình, nên tất nhiên là họ không có gia đình nữa, nên họ tuyên bố là họ không có gia đình. Họ bị rơi vào một khoảng không to lớn. Tôi thấy họ thật đáng thương.
Đức Phật thương yêu và che chở cho toàn thể mọi chúng sinh còn mạnh hơn cả tấm lòng của cha mẹ thương con. Đức Phật xoa đảnh đầu là biểu tượng cho lòng thương yêu che chở đó. Chỉ cần một mũi thuốc chích vào người thôi là đã tiếp truyền sinh khí cho máu huyết và sinh lực mình rồi, thế nên khi Đức Phật xoa đảnh đầu, hào quang phóng ra từ bàn tay của Ngài sẽ xua tan tất cả những u ám trong tâm. Bằng cách đó, Đức Phật đã đưa quý vị ra khỏi ác đạo và làm tăng trưởng thiện căn trong tâm quý vị.
Quý vị sẽ than thở:
“Con đã lỡ mất dịp may, nếu con được sinh ra trong thời Đức Phật còn tại thế, thì có lẽ con sẽ thỉnh cầu Đức Phật xoa đảnh đầu con, mọi ác nghiệp sẽ được tiêu trừ và thiện căn sẽ được tăng trưởng.”
Ai bảo rằng quý vị không được sinh ra trong thời Phật tại thế? ai bảo rằng đến bây giờ quý vị mới được sinh ra? Quý vị không nên trách cứ ai cả mà chỉ nên trách mình. Có than tiếc cũng vô ích thôi. Đừng nên hối tiếc nữa, không thể oán trách người khác, không thể oán trách trời và càng không nên oán trách Phật. Nay chúng ta được sinh ra, nên bây giờ chúng ta phải học Phật pháp. Nếu chúng ta có lòng chí thành cao độ. Đức Phật sẽ thị hiện và xoa đảnh để biểu lộ lòng từ bi che chở mọi chúng sinh. Mặc dù Đức Phật đã nhập niết-bàn, nhưng giáo pháp chân chính của Ngài vẫn còn phổ biến khắp nơi trên thế gian. Quý vị không nên nghĩ rằng Đức Phật đã từ bỏ chúng ta, Đức Phật luôn luôn hiện hữu quanh chúng ta, chỉ do vì chúng ta không thấy được Ngài mà thôi. Nếu trong mọi công việc hằng ngày, nằm ngồi, ăn cơm, mặc áo đều được thực hành trong pháp thân Phật, thế là chúng ta đã được sống cùng với Đức Phật. Đó chỉ là vì mắt trần của người thường chưa có được thần thông để nhìn thấy Đức Phật.
Đức Phật xoa đảnh A-nan, nói với A-nan cùng với đại chúng: “Có một loại định (tam-ma-đề) gọi là Đại Phật đảnh Thủ-lăng-nghiêm vương, đầy đủ muôn hạnh, là pháp môn trang nghiêm vi diệu, mà mười phương Như Lai đều từ đó lưu xuất."
Không những A-nan mà tất cả mọi người trong pháp hội, các vị đại tỷ-khưu đại bồ-tát, quốc vương đại thần, trưởng giả cư sĩ đều được Đức Phật chỉ dạy môn đại định cứu cánh kiên cố [12] là định bao trùm tất cả loại định trong các pháp môn tu tập. Tất cả các Đức Như Lai trong khắp mười phương đã chứng được Phật quả nhiệm mầu đều nhờ vào pháp môn vi diệu thù thắng này.
Nay ông nên lắng nghe kỹ:
Đức Phật bảo A-nan “Hãy chú tâm lắng nghe cho kỹ! Đừng lơ đãng khi nghe Như Lai giảng kinh, hãy đem hết năng lực tinh thần mà chú ý lắng nghe. Đừng khởi dậy vọng tưởng. Đừng ngồi đây trong suốt thời giảng kinh mà tâm ý lang thang xem cảnh ngoài phố."
A-nan đảnh lễ, cung kính lắng nghe lời dạy từ bi của Thế tôn.
Khi A-nan nghe Đức Thế tôn chỉ dạy như vậy, A-nan đứng dậy cung kính đảnh lễ Đức Phật, lễ phép chờ đợi lời chỉ dạy cao quý, A-nan vẫn cung kính quỳ trước Đức Phật chờ nghe giáo pháp vi diệu của Thế tôn về Thủ-lăng-nghiêm đại định, là vua trong tất cả các môn định.
Kinh văn:
佛告阿難: “汝我同氣, 情均天倫,當初發心, 於我法中, 見何勝相, 頓捨世間深重恩愛?”
Phật cáo A-nan, nhữ ngã đồng khí, tinh quân thiên luân, đương sơ phát tâm, ư ngã pháp trung kiến hà thắng tướng, đốn xả thế gian thâm trọng ân ái?”
Việt dịch:
 Đức Phật bảo A-nan: “Ông với Như Lai là anh em cùng một dòng họ, khi mới phát m tu tập trong giáo pháp của Như Lai, ông thấy điểm thù thắng nào mà từ bỏ ân iu nặng thế gian để xuất gia?”
Giảng :
A-nan cung kính chờ đợi được nghe lời chỉ dạy từ bi của Đức Phật. Nhưng trước tiên Đức Phật lại gạn hỏi nguyên nhân ban đầu khiến A-nan phát tâm xuất gia ra sao.
Đức Phật bảo A-nan “Ông với Như Lai là anh em cùng một dòng họ.”
A-nan và Đức Phật là anh em chú bác. Đức Phật nói với A-nan “Ông và tôi như là anh em ruột.” Khi người ta nói “anh em cùng một dòng họ”, có nghĩa là ở trên đời, tình bà con dòng họ là đều quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác. Những dạng quan hệ bà con như thế tạo nên một vòng luân hồi tự nhiên. Sau khi mình làm con trai hoặc con gái trong một gia đình, quý vị sẽ trở thành cha hoặc mẹ trong gia đình ấy. Còn nếu quý vị hiếu thảo với cha mẹ mình thì sau này con cái mình sẽ có lòng hiếu thuận với quý vị. Nếu quý vị không có lòng hiếu thảo với cha mẹ, thì con cái quý vị sau này cũng không có hiếu thảo với quý vị. Nên nói rằng:
“Bách thiện hiếu vi tiên
 Cực ác dâm tối trọng”
(Trong các điều thiện, lòng hiếu thuận là hàng đầu. Trong các điều ác, tà dâm là tội rất nặng).
Ở Trung Hoa, lòng hiếu thuận được xem là căn bản của các điều thiện. Trong văn học Trung Hoa, có ghi chuyện của Hai mươi bốn người con hiếu thảo, [13] như chuyện: “Đường Tương khóc cầu dưa”[14] sau đây:
Cha mẹ của Đường Tương bị bệnh, thích ăn dưa hấu, một loại dưa được trồng nhiều ở miền Bắc Trung Hoa. Tuy nhiên, lúc ấy là mùa Đông, tuyết phủ đầy mặt đất, làm sao có được dưa hấu? Nên Đường Tương phải gieo hạt giống dưa xuống đất đóng băng, rồi nằm phủ thân mình trên đất để làm cho băng tan, rồi bắt đầu khóc than kể lể: “Cầu mong cho hạt giống dưa này chóng nẩy mầm, kết trái để cho cha mẹ tôi ăn mà khỏi bệnh.” Đường Tương vừa than vãn, vừa khóc thảm thiết cho đến khi có phép lạ xảy ra. Chẳng gì khác hơn, đó là sự cảm ứng từ các vị bồ-tát, chư Phật hoặc là từ quỷ thần. Ngay lúc ấy, có một quả dưa mọc ra, lớn lên, chín dần để cho Đường Tương hái đem về dâng cho cha mẹ dùng. Đó là sự cảm ứng mầu nhiệm đáp lại lòng mong cầu chân thành của người con chí hiếu. Nên người ta thường dẫn chuyện: “Đường Tương khốc qua” để nói về hạnh hiếu.
Còn chuyện “Mạnh Tông khóc măng”[15] như sau: cha mẹ của Mạnh Tông thích ăn măng tre, anh ta không thể tìm đâu ra. anh ta đến bên bụi tre ngồi khóc. Anh khóc cho đến khi có một mụt măng mọc lên từ chỗ nước mắt của anh giọt xuống. Sự tình lạ lùng ấy không thể nào hiểu nỗi. Đừng có mong dùng tâm suy lường mà hiểu được. Từ đó có tích “Mạnh Tông khóc măng.”
Lại có Vương Tường, cả cha mẹ đều bị bệnh nặng Trong tiết mùa đông băng giá, cha mẹ ăn cá chép. Vương Tường nghèo quá không có tiền để mua. Nước ở các sông hồ đều đóng băng, thế nên ông ta cởi áo nằm trên băng tuyết. ở miền Bắc Trung Hoa băng đóng rất dày vào mùa đông, nhưng thân nhiệt trong người ông đã làm cho băng tan. Làm thế, ông ta mới câu được cá chép từ kẽ băng nứt. Nhưng bỗng dưng có một con cá chép từ kẽ băng tan nhảy lên. Vương Tường ôm cá chạy về nhà kể cho cha mẹ nghe chuyện xảy ra. Cha mẹ Vương Tường nói: “Chúng ta sẽ không ăn con cá này nữa, vì có thể cá này là con trai của Long Vương gởi đến cho chúng ta.” Rồi đem cá phóng sinh.
Dù họ không ăn, nhưng bệnh tình của họ vẫn được thuyên giảm liền. Đó là chuyện “Vương Tường.”
Lòng hiếu thuận chân thực có thể cảm động đến Trời. Con trai, con gái nên chú tâm đặc biệt thực hành hạnh hiếu thuận. Vua Thuấn của Trung Hoa là người chí hiếu, đến nỗi voi trên rừng cũng xuống giúp ông cày ruộng, chim cũng giúp ông gieo hạt.
Khi mới phát tâm tu tập trong giáo pháp của Như Lai, ông thấy được điểm thù thắng nào mà từ bỏ ân ái sâu nặng thế gian mà xuất gia?
Đức Phật hỏi A-nan, trước hết điều gì đã khiến ông từ bỏ tình cảm thế gian để sống đời xuất gia ông đã cảm nhận được trạng thái thù thắng nào trong tâm thức khiến ông phát tâm xuất gia?
Trên đời này, tình thương của cha mẹ và con cái rất lớn lao và tình yêu giữa vợ chồng cũng rất mãnh liệt. Nếu con người có khả năng chuyển hóa tình cảm giữa vợ chồng với nhau sang sự yêu thích học tập Phật pháp, thì chẳng có ai mà không được chứng ngộ. Bất hạnh thay, hầu hết mọi người đều không làm như vậy. Nếu quý vị làm được như thế, đó thật là điều tốt đẹp bất khả tư nghì.
Kinh văn:
阿難白佛:我見如來三十二相, 勝妙殊, 形體徹猶如
A-nan bạch Phật: Ngã kiến Như Lai tam thập nhị tướng, thắng diệu thù tuyệt, hình thể ánh triệt do như lưu li.
Việt dịch:
 A-nan bạch Phật: “Bạch Thế n, do con thấy ba mươi hai tướng tốt thù thắng vi diệu tuyệt vời của Như Lai, hình thể sáng chói trong suốt như ngọc lưu ly.”
Giảng :
“Nói nhanh” Đức Phật bảo:“Không được suy nghĩ, hãy nói ngay điều gì đó đã khiến ông xuất gia?”
Do A-nan đã chuẩn bị để trả lời một cách đơn giản nên A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn, do con thấy ba mươi hai tướng tốt thù thắng vi diệu của Như Lai”
Từ “vô kiến đảnh tướng”[16] ở trên đảnh đầu nổi lên như nhục kế, cho đến dáng dấp cân đối tuyệt hảo, đến ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm của thân Phật, ba mươi hai tướng tốt ấy rất thù thắng, vi diệu, tuyệt vời, đẹp hơn tất cả những gì mà A-nan đã thấy được. A-nan nói: “Không có gì trên đời có thể so sánh được với dáng dấp trang nghiêm, tuyệt hảo như thân tướng Như Lai.
Báo thân Phật là hình thể sáng chói, trong suốt như ngọc lưu ly.
Kinh văn:
常自思惟, 此相非是欲愛所生. 何以故? 欲氣濁腥臊交遘, 膿血雜亂。不能發生勝淨妙明紫金光聚。是以渴仰從佛.
Thường tự tư duy, thử tướng phi thị dục ái sở sanh. Hà dĩ cố? dục khí thô trược, tinh tháo giao cấu, nùng huyết tạp loạn. Bất năng phát sanh thắng tịnh diệu minh tử kim quang tụ. Thị dĩ khát ngưỡng tòng Phật thế lạc.
Việt dịch:
Con thường tự suy nghĩ những tướng tốt này không phải do ái dục mà sanh ra. Sao vậy? Vì dục khí thì thô nặng và dơ bẩ̉n. Từ sự uế tạp và thối tha ấy giao hợp với nhau tạo thành một thứ tinh huyết hỗn tạp. Từ đó kng thể sinh ra một thân thể thù thắng, thanh tịnh, sáng chói vi diệu như khối vàng tía này, do đó mà con khá́t ngưỡng, theo Phật xuất gia.
Giảng:
Khi A-nan thường tự suy nghĩ những tướng tốt này không thể do ái dục sinh ra.
A-nan thường dùng tâm thức phân biệt của hàng phàm phu, tâm phàm phu là chủ thể của sự sinh diệt. A-nan nghĩ : làm sao mà ba mươi hai tướng tốt kia lại có thể được sinh ra từ sự đam mê, dâm dục và tình yêu luyến ái được?
Vì dục khí thì thô nặng và dơ bẩn. Từ sự uế tạp và thối tha ấy giao hợp với nhau tạo thành một thứ tinh huyết hỗn tạp.
Đàn ông, đàn bà giao hợp với nhau và cho việc ấy là tốt, nhưng thực chất là làm phóng ra những dục khí cực kỳ hôi thối. Không thể tin từ thân thể do ái dục của nam nữ sinh ra một thân thể thù thắng thanh tịnh, sáng chói, vi diệu như khối vàng tía này.
Suy nghĩ như vậy, A-nan khát ngưỡng theo Phật xuất gia.
A-nan đã từ bỏ một thứ tình yêu, đó là tình luyến ái của gia đình để lấy một tình yêu khác đó là yêu vẻ đẹp phát ra từ thân tướng trang nghiêm vi diệu của Đức Phật. Đó là lý do khiến A-nan xuất gia.
Ngay đây, A-nan đã phát khởi sai lầm.
A-nan xuất gia không phải vì ước nguyện chân chính là tu tập đạo lý nên sau khi xuất gia rồi, A-nan chỉ tập trung vào việc học tập kinh điển. Trước đây tôi đã khuyên quý vị nên chuyển tình yêu vợ chồng trai gái thành lòng yêu thích học tập Phật pháp. Nhưng điều ấy không có nghĩa là chỉ bằng tình yêu không thôi mà có thể chấm dứt được sinh tử.
Quý vị sẽ hỏi: “Chúng con phải làm điều gì?”
Quý vị phải chân thực tu tập chính pháp. Quý vị phải ý thức trọn vẹn những việc quý vị đang làm vào mọi lúc mọi nơi. Quý vị không nên xao nhãng dù chỉ trong thoáng chốc mà phải thường hành trì Phật pháp. Từ sáng sớm cho đến đêm phải nghiên cứu thực hành Kinh Thủ-lăng-nghiêm, phải siêng năng ngồi thiền và nghe giảng Pháp. Đừng khởi vọng tưởng và đừng nói chuyện nhiều, vì chẳng ai có thể giúp được quý vị trong khi học kinh và khi tham thiền. Quý vị nên buộc mọi sinh hoạt của mình vào trong công phu và hy sinh mọi thứ khác để tu học Phật pháp. Như thế thì những kiến thức thu thập được sẽ giúp quý vị có được trí tuệ và chánh kiến.
Nhưng vì A-nan chỉ quan tâm duy nhất đến tình yêu nơi thân thể của Đức Phật, nên không lo tu tập định lực. A-nan nghĩ rằng (như A-nan đã thú nhận trong kinh văn)“Đức Phật là anh em chú bác với con, trong tương lai Đức Phật sẽ trao cho con định lực.” A-nan không nhận ra rằng chẳng ai có thể thay thế cho mình trong khi tu tập, cả thân lẫn tâm. A-nan rất thông minh, có lẽ còn thông minh hơn bất kỳ người nào ở đây. Nhưng khi A-nan tập trung vào việc học tập kinh điển thay vì phí thời giờ vào việc thiền định, tư chất A-nan lại tỏ ra quá lanh lợi. A-nan thông thạo ngôn từ nhưng đó không phải là cốt tủy. A-nan có thể thuộc lòng tất cả các bài pháp Đức Phật đã giảng dạy không hề sai một chữ, nhưng chẳng có được chút định lực nào cả, nên A-nan đã bị hàng phục bởi tà chú “Tiên phạm thiên” của con gái Ma-đăng-già̀.
Thay vì học hỏi từ trí tuệ, học hỏi sự tỉnh giác, đạo đức của Đức Phật, A-nan chỉ tự mình mô phỏng theo hình tướng của Như Lai. Trong đời trước, có lẽ A-nan quá đắm chấp vào hình tướng, thế nên A-nan chỉ chú ý vào khía cạnh hời hợt của sự vật. Mặc dù A-nan thuộc lòng các kinh Đức Phật đã giảng, nhưng không chú tâm vào chỉ thú Kinh muốn nhắm đến. A-nan quá bận tâm đến hình tướng của Đức Phật đến nỗi ngày nào mà không được nhìn thấy Đức Phật thì ngày đó A-nan không được vui.
Bất kỳ ai muốn đạt được năng lực chánh định, trước hết họ phải từ bỏ luyến ái. Nhưng thay thế tình yêu bằng sự ghét bỏ lại là một lỗi lầm khác. Quý vị nói rằng: “Tôi chẳng yêu thương ai hết cả, tôi xem thường bất kỳ mọi người mà tôi gặp. Hãy tránh xa tôi ra! Tôi muốn ở một mình. Tôi chỉ muốn tự mình tu tập thôi!”
Với thái độ này, quý vị sẽ chẳng bao giờ đạt được chánh định. Quý vị phải không được quá yêu hoặc quá ghét. Phải nên như là chẳng có gì khác biệt giữa quý vị và mọi người khác. Mọi người đều bình đẳng. Nếu quý vị là một, là bình đẳng với mọi người thì còn có ai để yêu thương, còn ai để ghét bỏ?
Quý vị sẽ nói: “Tôi chẳng thể nào làm nổi chuyện đó được, quá khó!”
Nếu quý vị chịu khó khổ nhọc, quý vị sẽ đạt được tánh chân thực. Nếu quý vị không chịu khổ nhọc, quý vị không thể nào đạt được. Hãy theo những lời dạy này, đừng nghe theo những suy tưởng của riêng cá nhân mình.
“Bình thường tâm thị đạo.” Tâm bình đẳng mới khế hợp với đạo. Vì A-nan ưa thích thân tướng trang nghiêm của Đức Phật, nên A-nan có thể từ bỏ sức hấp dẫn sâu đậm của tình ái thế tục và xả bỏ râu tóc để xuất gia. Khi Đức Phật còn tại thế, những vị theo Phật xuất gia, không cần phải cạo tóc. Đức Phật chỉ cần nói : “Lành thay, lành thay, ông nay đã từ bỏ cuộc sống thế tục, để sống đời xuất gia; hãy để cho râu tóc tự rụng và đắp y hoại sắc vào người.”
Ngay sau khi Đức Phật nói xong, râu tóc của vị tỷ-khưu ấy tự rơi xuống, vì Đức Phật đã dùng thần thông khiến cho râu tóc tự rụng. Nay Đức Phật đã nhập niết-bàn, chúng ta phải phát nguyện thọ giới tại giới đàn. Nhưng khi Đức Phật còn tại thế, các tỷ-khưu có được giới thể ngay sau khi Đức Phật nói những lời vắn tắt “Thiện lai! Tỷ-khưu,” họ được đắp giới y liền.
Ở Trung Hoa giới đàn thường kéo dài trong vòng ba năm. Nhưng rồi ba năm rốt cục cũng được xem là quá dài nên có một phương pháp khoa học được chấp nhận để đẩy nhanh tiến trình đó, đến nỗi có người được thọ giới chỉ trong vòng năm mươi ba ngày. Hiện nay có giới đàn chỉ truyền giới trong vòng mười tám ngày, thậm chí có giới đàn chỉ truyền giới trong vòng bảy ngày. Thời đại cơ giới đang tiến đến thời đại điện tử, đến mức ở Ta Yu San, Hồng Kông, giới đàn chỉ cần thời gian ba ngày để truyền giới. Thực ra, giới đàn truyền giới trong ba ngày là không đúng pháp.


[1] S: Ullambana: Vu-lan-bồn
[2] 羯磨Karma; p: kamma. Hán dịch là Tác (nghiệp), Biện sự tác pháp辦事作法.
[3] S: caṇḍāla: Con gọi chiên-đồ-la旃荼羅. Hán dịch là Đồ giả屠者, nghiêm xí嚴熾, chấp bạo ác nhân執暴惡人, hạ tánh下姓. Dùng việc giết mổ súc vật làm nghề nghiệp. Đàn ông gọi là chiên-đà-la旃陀羅, phụ nữ gọi là chiên-đà-lợi旃陀利.
[4] S; p: mātaga. Cách gọi chung hàng tiện dân của Ấn Độ. Ý dịch là Hữu chí有志, Kiêu dật憍逸, Ác tác nghiệp惡作業. Phụ nữ gọi là ma-đăng-chỉ (摩登只s: mātagi). Hạng tiện dân nầy lấy việc quét đường là nghề sinh sống. Du-già luận kí 瑜伽論記q.23 ghi: hàng chiên-đà-la nữ gọi là ma-đăng-kỳ摩登祇; chiên-đà-la nam gọi là ma-đăng-già摩登伽. Còn gọi là bát-kiết-đế鉢吉帝 Người nữ chỉ lấy việc quét dọn làm nghề nghiệp.
[5] prakti. Hán dịch Bổn tánh.
[6] Śamatha 奢摩他. Ý dịch là Chỉ quán 止觀, Định huệ 定慧, tịch chiếu 寂照, minh tịnh 明靜. Còn gọi xá-ma-tha 舍摩他, xa-ma-đà 奢摩陀. Một trong các tên gọi của thiền định. Ý dịch là chỉ , tịch tĩnh 寂靜, năng diệt 能滅.
[7] Samāpatti: Tam-ma-bát-để 三摩鉢底, Tam-ma-bạt-đề 三摩拔提. Ý dịch là Chí , chánh thọ正受, chánh định hiện tiền正定現前, do viễn ly hôn trầm, trạo cử, khiến cho thân tâm có được trạng thái an hoà bình đẳng.
[8] Dhyāna禪那. Ý dịch là Khí ác棄惡, công đức tòng lâm功德叢林, tư duy tu思惟修. Tân dịch là Tịnh lự靜盧.
[9] Chữ Lăng trong Lăng-nghiêm, có nghĩa là “bàng hoàng, lơ lững. Chỉ cho trạng thái của một vị tăng khi đang tụng kinh mà quên mất Chú Lăng-nghiêm, người này được gọi đùa là “lăng bán niên” nghĩa là “lửng lơ suốt nửa năm”.
[10] một dặm (mile) = 1,6 km.
[11] LSD: Lysergic acid diethylamid – một loại dược phẩm để chế biến ra chất kích thích hallucination làm tăng ảo giác thần kinh
[12] Śūragama-samādhi:首楞嚴三昧.
[13] Nhị thập tứ hiếu truyện二什四孝傳.
[14] Đường Tương (có nơi đọc là Sương) khốc qua 湘哭瓜.
[15] Mạnh Tông khốc duẩn 孟宗哭筍.
[16] s: Uṣṇīa: Xem chú thích trang 22.


(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites