Nầy Ðại Huệ! Ta thường bảo: ăn thịt chúng sanh chẳng khác chi ăn thịt con mình, vậy đâu phải thật Như Lai hứa cho đệ tử ăn thịt? - Thịt chẳng phải thơm ngon, thịt không tinh sạch, ăn thịt sanh nhiều tội ác, làm hư các công đức, bị chư Tiên Thánh rời bỏ, làm sao Như Lai lại hứa cho đệ tử ăn thịt? Bởi thế, kẻ nào nói Như Lai chấp nhận cho đệ tử ăn thịt, tức là phỉ báng ta.
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
(Phật Học TinhYếu)
"... Có vô lượng nhân duyên mà hàng Bồ Tát
phải sanh lòng thương xót, không nên ăn tất cả các thứ thịt. Ta nay vì
ông nói ra đây một phần ít:
- Nầy Ðại Huệ! Tất cả loài hữu tình từ vô
thỉ đến nay ở trong vòng sống chết luân hồi vô tận, không có chúng sanh
nào chẳng từng làm cha mẹ anh em con cái quyến thuộc, cho đến chủ tớ bạn
bè thân thích lẫn nhau. Vậy đối với chúng sanh đã vì nghiệp lực phải chịu
đọa làm thân thủy tộc, cầm thú, nỡ nào bắt nó mà ăn thịt? Bậc Bồ Tát ma
ha tát phải quán sát xem tất cả loài hữu tình đồng với thân mình, nên nghĩ
các thứ thịt kia từ những sanh mạng biết vui khổ thương đau mà có, đâu nỡ
an nhiên mà ăn?
- Nầy Ðại Huệ! Các bọn La sát nghe ta nói
điều nầy còn nên dứt trừ sự ăn thịt, huống nữa là người ưa vui theo đạo
pháp? Trong mỗi đời, Bồ Tát quán thấy chúng sanh đều là quyến thuộc,
thường nghĩ xem đồng như con, nên không ăn tất cả các thứ thịt. Những
người bán các thứ thịt trâu bò chó ngựa heo dê nơi chợ phố hàng quán, vì
tâm tham lợi nên tạo nghiệp giết hại; thịt là sở do của tâm hạnh tạp uế
như thế, làm sao Bồ Tát nên thọ dụng?
- Nầy Ðại Huệ! Tất cả các thứ thịt đều là
chất tinh huyết ô uế, người cầu thanh tịnh làm sao nên ăn? Kẻ ăn thịt,
chúng sanh thấy đều sợ hãi, người tu từ tâm làm sao nên ăn? Khi gặp bọn
thợ săn cùng kẻ hạ tiện làm nghề bắn giết, bẫy lưới tàn hại sanh linh,
loài chó trông thấy kinh hãi sủa vang, tất cả cầm thú thảy đều dớn dác
trốn chạy. Sở dĩ như thế, bởi các chúng sanh ấy đều nghĩ rằng: những
người này lộ vẻ hung ác dường như quỉ La sát, nếu ta đến đó tất bị bắt
giết, vậy phải nên xa lánh là hơn. Cũng như thế, người ăn thịt thường bị
chúng sanh ghét sợ xa lánh. Vì lẽ đó, bậc Bồ Tát tu hạnh từ bi không nên
ăn thịt.
- Nầy Ðại Huệ! Kẻ ưa ăn thịt, thân thể
hôi nhơ, tiếng dữ đồn xa, người lành bậc hiền thánh không thích gần gũi,
vì thế Bồ Tát không nên ăn thịt. Huyết nhục là chất chúng Tiên từ bỏ, các
Thánh chẳng ưa, bởi thế Bồ Tát không nên thọ dụng. Bồ Tát vì tâm từ mẫn,
vì giữ gìn lòng tin của chúng sanh khiến cho Phật pháp không bị chê bai,
nên không ăn thịt. Nếu đệ tử của ta ưa an thịt, sẽ bị người tục đem lòng
khinh báng nói rằng: Tại sao hàng Sa môn tu nghiệp thanh tịnh, lại không
bằng hạnh trong sạch của thiên tiên, mà như ác thú mang đầy bụng thịt cá
đi dạo thế gian, làm cho chúng sanh thảy đều ghét sợ? Và như thế là kẻ ấy
đã phá hạnh thanh tịnh, mất đạo Sa môn, thiếu tư cách để điều phục người.
Cho nên, Bồ Tát vì lòng từ mẫn, muốn nhiếp hộ mọi người khiến cho không
sanh tâm niệm ấy, chẳng thọ dụng đồ huyết nhục.
- Nầy Ðại Huệ! Như khi thiêu người chết
cùng thiêu thịt của loài vật, cả hai mùi khí vị không tinh sạch đồng như
nhau, tại sao trong ấy thịt người không ăn, lại ăn thịt loài vật? Vì thế,
người ưa hạnh thanh tịnh không nên ăn thịt. Các hàng thiện nam thiện nữ
tu hành khổ nhọc chốn a lan nhã, hoặc trụ nơi từ tâm, hoặc trì chú thuật,
hoặc cầu giải thoát, hoặc hướng về đại thừa, nhưng vì bởi còn ăn thịt nên
bị nhiều sự chướng ngại, công hạnh không được thành tựu. Cho nên Bồ Tát
nếu muốn được lợi mình và lợi ích cho chúng sanh, quyết không nên ăn thịt.
- Nầy Ðại Huệ! Kẻ ưa ăn thịt khi thấy
hình dáng loài vật đã sanh tâm thèm mùi vị. Bậc Bồ Tát phải thương nghĩ
chúng sanh cũng như mình, tại sao vừa thấy hình đã muốn ăn thịt? Bởi thế,
Bồ Tát phải dứt trừ nhục thực. Người ăn thịt thì nơi miệng thường hôi nên
chư thiên lánh xa, hằng bị Dạ xoa ác quỷ đoạt mất tinh khí. Kẻ ấy giấc
ngủ không yên, khi tỉnh dậy lo lắng, tâm nhiều sợ hãi; do tham ăn không
biết vừa đủ, nên thêm nhiều tật bịnh, dễ sanh ghẻ độc, bị các loài tế
trùng cắn đúc, mà cũng vẫn không biết chán nhàm.
- Nầy Ðại Huệ! Ta thường bảo: ăn thịt
chúng sanh chẳng khác chi ăn thịt con mình, vậy đâu phải thật Như Lai hứa
cho đệ tử ăn thịt? - Thịt chẳng phải thơm ngon, thịt không tinh sạch, ăn
thịt sanh nhiều tội ác, làm hư các công đức, bị chư Tiên Thánh rời bỏ, làm
sao Như Lai lại hứa cho đệ tử ăn thịt? Bởi thế, kẻ nào nói Như Lai chấp
nhận cho đệ tử ăn thịt, tức là phỉ báng ta.
- Nầy Ðại Huệ! Nên biết thức ăn thanh
tịnh là những thứ như: lúa, nếp, đậu, bắp, đường, tô du... Các thứ ấy
chư Phật đời quá khứ đã hứa cho, ta nay cũng khuyên bảo như vậy".(Nguồn: Thư Viện Hoa Sen)
0 Kommentare:
Post a Comment