Pages

25 December 2013

Buông Bỏ Lửa Tham Ái


"Những con người ở phương Tây của chúng kiêu căng và ngạo mạn làm sao khi tự cho mình là văn minh! Chúng ta có học vấn, đúng, vì chúng ta biết đọc và biết viết, và chúng ta có những máy móc và những sáng chế tuyệt vời. Ví dụ, so sánh với những người sống trong các bộ lạc ở Phi Châu, họ dường như sơ khai, mê tín, phải không? Nhưng chính xác thì tất cả chúng ta cũng là những kẻ đồng hội đồng thuyền! Chỉ có điều là sự mê tín của chúng ta thì khác. Thật sự thì chúng ta cũng tin vào đủ mọi thứ..."



Ajahn Sumedho 
Theo: Let go of fire
Chuyền ngữ sang tiếng Việt: Phương Lan
 
Giáo Pháp của Đức Phật dạy toàn bộ là về sự hiểu biết về khổ - nguồn gốc của nó, sự chấm dứt khổ, và con đường đưa đến sự diệt khổ.
Khi chúng ta quán chiếu về sự khổ, chúng ta thấy rằng chúng ta cũng đang quán chiếu về tham ái, bởi vì tham ái và đau khổ cũng chỉ là một.

Tham ái có thể đem so sánh với lửa. Nếu chúng ta nắm lấy lửa, chuyện gì sẽ xảy ra? Nó có đưa chúng ta đến hạnh phúc không? Nếu chúng ta nói: “Ôi, hãy nhìn vào ngọn lửa đẹp đẽ kia! Hãy nhìn màu sắc đẹp đẽ của nó! Tôi yêu màu đỏ và màu da cam, chúng là những màu mà tôi ưa thích nhất,” và sau khi đưa tay nắm lấy lửa, cơ thể chúng ta sẽ cảm nhận một số đau khổ nhất định nào đó. Và rồi nếu chúng ta suy niệm về nguyên nhân của sự đau khổ đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng đó là kết quả của việc chúng ta đã đưa tay vào lửa. Với sự hiểu biết đó, hy vọng rằng, chúng ta sẽ không còn đụng đến lửa.


Một khi chúng ta đã buông lửa ra, chúng ta hiểu rằng lửa là một cái gì đó không nên dính mắc vào. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải ghét lửa, hoặc đặt nó ra ngoài. Chúng ta có thể thưởng thức lửa, phải vậy không? Thật tốt đẹp để có một ngọn lửa, nó giữ cho căn phòng ấm áp, nhưng chúng ta không phải tự để mình cho nó đốt cháy.

Khi chúng ta có sự quán chiếu thực sự về sự khổ, chúng ta không còn xu hướng nắm giữ tham ái, bởi vì nó làm cho chúng ta bất hạnh, khổ đau, chẳng có lý do để nắm giữ nó. Và từ đó, chúng ta hiểu rằng, "Ồ! Đó là lý do tại sao tôi đau khổ, đó là nguồn gốc của đau khổ. À! bây giờ tôi đã hiểu. Nắm giữ tham ái đã gây cho tôi mọi sự bất hạnh và khổ đau này, tất cả đều là do sợ hãi, lo lắng, mong cầu, tuyệt vọng, sân hận, tham lam, và si mê mà ra. Tất cả các vấn đề của cuộc sống đều bắt nguồn từ sự nắm lấy và bám chặt vào ngọn lửa của tham ái."

Thói quen bám víu vào tham ái của con người ăn sâu trong mỗi chúng ta. Chúng ta là những người ở phương Tây. Chúng ta nghĩ rằng mình rất sành đời và hiểu biết rộng. Nhưng khi chúng ta bắt đầu tìm hiểu thực sự xem những gì đang diễn ra trong tâm mình thì quả thật là đáng sợ – vì hầu hết chúng ta đều hết sức vô minh. Chúng ta chẳng có một chút ý niệm gì về việc chúng ta là ai, hoặc nguyên nhân của sự đau khổ là gì, hoặc muốn sống cho đàng hoàng thì phải ra sao – hoàn toàn chẳng có một chút ý niệm nào cả. Rất nhiều người muốn sử dụng ma túy, uống rượu và làm đủ mọi thứ để thoát khỏi đau khổ – nhưng khổ đau của họ vẫn cứ gia tăng.

Những con người ở phương Tây của chúng kiêu căng và ngạo mạn làm sao khi tự cho mình là văn minh! Chúng ta có học vấn, đúng, vì chúng ta biết đọc và biết viết, và chúng ta có những máy móc và những sáng chế tuyệt vời. Ví dụ, so sánh với những người sống trong các bộ lạc ở Phi Châu, họ dường như sơ khai, mê tín, phải không? Nhưng chính xác thì tất cả chúng ta cũng là những kẻ đồng hội đồng thuyền! Chỉ có điều là sự mê tín của chúng ta thì khác. Thật sự thì chúng ta cũng tin vào đủ mọi thứ.

Ví dụ, chúng ta cố gắng giải thích vũ trụ dựa vào những khái niệm, nghĩ rằng khái niệm là thực tại. Chúng ta tin vào lý lẽ, tin vào lập luận – hay có thể nói chúng ta tin vào những điều mà chúng ta không hề biết. Chúng ta thực sự không hiểu vũ trụ bắt đầu ra sao và kết thúc như thế nào. Nếu chúng ta đọc một quyển sách và tin những gì trong đó nói , tin vào những gì mà các nhà khoa học nói, thì chúng ta cũng chỉ tin mà thôi. Chúng ta nghĩ rằng: “Chúng ta thật là sành đời. Chúng ta tin những điều mà các nhà khoa hoc nói. Những người có bằng tiến sĩ – chúng ta tin những điều họ nói. Chúng ta không tin vào những điều mà các thầy lang phù thủy nói, vì những kẻ này đều là những người ngu si, dốt nát.” Nhưng tất cả đều là niềm tin, đâu có gì khác phải không? Chúng ta vẫn đâu có thực sự biết gì – chẳng qua điều nó nghe có vẻ hay ho vậy thôi. Đức Phật nói chúng ta nên tự mình chứng nghiệm và như vậy chúng ta sẽ không phải tin vào người khác.

Chúng ta quán chiếu vũ trụ là vô thường và chúng ta có thể thấy bản chất vô thường của mọi sự vật. Từ sự quán chiếu này, trí tuệ phát sinh. Trong những điều kiện lúc nào cũng luôn thay đổi, ta không thể tìm thấy một cái gì có tự nó có tính liên tục. Mọi thứ bắt đầu và kết thúc, mọi thứ sinh khởi từ hư vô và quay về hư vô. Và bất cứ nơi nào chúng ta để mắt tới, chúng ta cũng sẽ không bao giờ tìm thấy một cái gì có tính thường hằng vĩnh cửu, hay tự ngã.

Lý do duy nhất chúng ta nghĩ rằng chúng ta có cá tính là vì chúng ta có trí nhớ, có ý tưởng và có quan niệm về bản thân mình. Nếu chúng ta thông thái, chúng ta luôn luôn bận tâm, suy nghĩ về mọi thứ. Đứng về mặt cảm xúc mà nói, chúng ta có thể chưa phát triển vì chúng ta nổi cơn tam bành, la và hét mỗi khi chúng ta không vừa lòng. Chúng ta có thể nói về Sophocles[1] và Aristotle [2], có thể có các cuộc thảo luận tuyệt vời về các triết gia vĩ đại của Đức và về Ramakrishna[3], Aurobindo[4], và Đức Phật, và rồi khi một ai đó không cho chúng ta những gì chúng ta muốn, chúng ta nổi cơn tam bành! Tất cả tùy thuộc vào mọi thứ nằm trong cái đầu, không có sự ổn định về mặt cảm xúc.
Tôi từng biết có một nhà sư, ông ta khá sành đời so với các nhà sư khác. Ông đã từng sống ở Bangkok trong nhiều năm, đã phục vụ trong Hải quân Thái và có thể nói tiếng Anh “bồi”. Ông ta khá thông minh và ấn tượng. Nhưng ông gặp vấn đề sức khỏe này (rối loạn cảm xúc) và cảm thấy rằng ông không thể sống thêm được nữa nếu chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Trên thực tế, sức khỏe của ông tồi tệ đến nỗi ông phải xả y. Sau đó ông trở thành một kẻ nghiện rượu! Ông có thể nói những bài thuyết giảng rất xuất sắc trong khi mất lý trí vì đang say. Ông có trí tuệ nhưng không có đạo đức (Giới) hoặc không có sự định tâm.

Mặt khác, chúng ta có thể giữ đạo đức (Giới) nghiêm ngặt nhưng không có trí tuệ. Như vậy, chúng ta là những kẻ đạo đức giả hoặc những kẻ mù quáng về mặt đạo đức. Hoặc giả chúng ta có thể trở nên dính mắc vào sự định tâm mà không có chút trí tuệ nào cả. "Tôi đang theo một khóa thiền và tôi đã phát triển được một chút định tâm, một chút trí tuệ, nhưng khi tôi về nhà, ôi! tôi không biết là mình có thể thực tập được nữa hay không, hoặc thậm chí không biết mình có thời giờ hay không. Tôi có quá nhiều bổn phận, có quá nhiều trách nhiệm. " Nhưng chúng ta sống cuộc sống bình thường như thế nào thì đó cũng chính là sự tu tập thực sự.

Các khóa tu là những cơ hội để chúng ta lánh xa những trách nhiệm và công việc đang đè nặng lên vai chúng ta, để rồi sau đó nhờ vào việc tu tập chúng ta lại có thể có một cái nhìn tốt hơn về chúng. Nhưng nếu các khóa tu chỉ được sử dụng để giúp chúng ta đào tẩu trong vài ngày, và chỉ vậy thôi, thì các khóa tu sẽ chẳng có giá trị to lớn gì cả. Mặt khác, nếu chúng được sử dụng chúng để quán chiếu về sự khổ - “Tại sao tôi khổ? Tại sao tôi rối ren? Tại sao tôi có vấn đề? Tại sao thế gian lại là như vậy?” Chúng ta sẽ tìm xem liệu có phương cách nào để đối phó với đau khổ hay không. Và chúng ta sẽ tìm thấy điều này bằng cách tìm hiểu thân và tâm này của chúng ta.

Vô minh chỉ lớp váng trên bề mặt, nó không ăn sâu xuống, không có quá nhiều vô minh cần phải phá vỡ. Vô minh sinh khởi trong khoảnh khắc hiện tại, sự dính mắc vào ngọn lửa tham ái trong khoảnh khắc hiện tại, chúng ta có thể buông bỏ nó. Chúng ta không cần phải bám víu vào ngọn lửa tham ái thêm nữa - chúng ta có thể buông bỏ nó. Không cần phải chạm vào ngọn lửa nữa – Tất cả chỉ có vậy thôi. Vấn đề không phải là dập tắt lửa tham ái. Nhưng nếu chúng ta nắm phải nó, chúng ta nên buông nó ra. Một khi chúng ta đã buông ngọn lửa ra, chúng ta không nên nắm nó lại một lần nữa.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên giữ chánh niệm. Giữ chánh niệm có nghĩa là sao? Nó có nghĩa là sự nhận thức trọn vẹn ngay trong khoảnh khắc hiện tại, tập trung vào những gì đang xảy ra bên trong. Ví dụ, chúng ta đang nhìn một cái gì đó, và chúng ta cố gắng tập trung vào nó, rồi một tiếng động đến, và sau đó ta lại ngửi thấy mùi, tiếp sau đó là cái này và sau đó là cái nọ - những cái làm cho chúng ta xao lãng, những thứ đang thay đổi.

Chúng ta nói: "Tôi không thể có chánh niệm trong môi trường này, nó làm tôi rối trí. Tôi phải đến một môi trường đặc biệt nơi không có những thứ gây xao lãng thì tôi mới có thể giữ chánh niệm được. Nếu tôi tham dự một trong những khóa tu, tôi có thể giữ chánh niệm được vì chẳng có những thứ gây phiền nhiễu ở đó - chỉ có sự an bình và yên tĩnh - một sự im lặng cao quí! Tôi không thể giữ chánh niệm ở Edinburgh hoặc ở London- có quá nhiều thứ khiến cho tôi bị xao lãng. Và tôi còn có gia đình, có con cái, ồn ào quá đi thôi!"

Nhưng chánh niệm không nhất thiết phải tập trung vào một đối tượng. Nhận biết sự lộn xộn cũng là chánh niệm. Nếu đủ mọi thứ đang đập vào các giác quan của chúng ta -tiếng động, người ta đang yêu cầu này nọ - chúng ta không thể tập trung lâu trên một trong những đối tượng đó. Nhưng chúng ta có thể nhận biết sự lộn xộn, hoặc sự kích động, hoặc sự đụng chạm, chúng ta có thể được nhận biết các phản ứng trong tâm của chúng ta. Đó là những gì chúng ta gọi là chánh niệm. Chúng ta có thể chánh niệm trên sự lộn xộn và hỗn loạn. Và chúng ta cũng có thể chánh niệm trên cả sự an bình và yên tĩnh.

Con đường chánh niệm là con đường không có sự ưa thích hơn. Khi chúng ta thích cái này hơn cái kia, thì chúng ta phải ghi nhận điều đó: "Tôi thích yên bình hơn hỗn loạn."
Để có sự yên bình, chúng ta làm gì? Chúng ta phải đi đến một nơi nào không có sự lộn xộn, trở thành một ẩn sĩ, đi lên Orkneys, tìm một hang động. Tôi tìm thấy một hang động rất tuyệt ở ngoài khơi bờ biển Thái Lan. Nó nằm trên một hòn đảo nhỏ xinh đẹp ở Vịnh Thái Lan.

Việc đó xảy ra vào năm thứ sáu tôi làm một nhà sư. Những người phương Tây lúc đó đang đổ về Wat Pah Pong - những nhà sư phương Tây. Lúc đó họ đã khiến cho tôi quá buồn phiền và thất vọng. Tôi nghĩ: “ Tôi không muốn dạy cho những người này, họ rắc rồi quá, họ đòi hỏi quá nhiều; tôi muốn tránh xa các nhà sư phương Tây này, càng xa càng tốt." Năm trước tôi đã trải qua một mùa an cư với năm người khác. Ôi, đó là một mùa an cư thê thảm nhất! Tôi nghĩ: "Mình sẽ không chịu đựng như vậy nữa! Mình không phải đến đây để chịu đựng như vậy; Mình đến đây để được bình an.”

Vì vậy, tôi viện cớ để đi Bangkok và từ nơi đó tôi phát hiện ra hòn đảo này. Tôi nghĩ rằng nó thật hoàn hảo. Họ xây những hang động trên đảo và dựng những túp lều nhỏ trên bãi biển. Đó là một nơi hoàn hảo cho một tu sĩ. Vị ấy có thể nhận một trong số những túp lều và sống trong đó. Và sau đó đi khất thực trong làng. Dân làng rất thân thiện, đặc biệt là đối với các nhà sư phương Tây, vì một tu sĩ phương Tây quả thật là rất khác thường. Chúng tôi có thể dựa vào đó để có thực phẩm để thể ăn, và nhiều thứ nữa.

Đó không phải là một nơi có thể dễ dàng đến được, vì nó nằm ngoài khơi vịnh Thái Lan, và tôi nghĩ: “ Ồ, bọn họ sẽ không bao giờ tìm thấy tôi ở ngoài này, những nhà sư phương Tây ấy, họ sẽ không tìm thấy tôi ở đây." Và rồi tôi tìm thấy một cái hang, với một Jongram, và nơi đây thật là đẹp. Nó có một phòng bên trong hoàn toàn tối đen và không một thứ âm thanh nào có thể lọt vào được bên trong. Tôi bò vào trong qua một cái lỗ và bên trong không có gì hết. Tôi không thể nhìn thấy hay nghe thấy bất cứ điều gì. Vì vậy, thật là lý tưởng cho việc bị tước đoạt cảm giác: "Ồ, đây chính xác là những gì tôi đang tìm kiếm, tôi có thể thực tập để nhập vào các tầng thiền cao. Tôi có thể vào trong hang tu tập hàng giờ liền mà không chịu bất kỳ loại kích thích giác quan nào.”

Tôi thực sự muốn xem điều gì sẽ xảy ra. Nhưng có một vị sư già sống trong hang này, ông không biết là ông có ở lại đây không. Tuy nhiên, ông nói rằng tôi có thể ở trong túp lều cỏ trên đỉnh đồi. Tôi đã đi lên đó để nhìn, và phía dưới kia là biển. Tôi nghĩ, “Ồ, đây cũng là một nơi thú vị đây vì bây giờ tôi có thể tập trung vào biển, thật là yên tĩnh.”

Có một nhà sư Thái trên đảo và ông là một người bạn rất tốt của tôi. Ông nói: "Nếu họ có thể tìm thấy sư ở đây, thì có một hòn đảo cách đây khoảng mười lăm dặm ngoài xa kia - họ sẽ không bao giờ có thể tìm thấy sư ở đó. Có một túp lều nhỏ ở đó, và một ngôi làng nhỏ, dân làng sẽ rất sẵn lòng chăm sóc cho một tu sĩ.” Vì vậy, tôi nghĩ: " Vậy à, có thể sau mùa an cư, tôi sẽ đi ra ngoài hòn đảo xa ngoài đó."

Tôi thực sự quyết tâm đi trốn. Tôi muốn được thanh bình và tôi thấy các nhà sư phương Tây thật rối rắm. Họ thường đặt rất nhiều câu hỏi và đòi hỏi quá nhiều. Vì vậy, tôi sắp xếp để sống một mùa an cư trong khung cảnh thôn dã này. Và rồi – cái chân của tôi! Chân phải của tôi đã bị nhiễm trùng nghiêm trọng và họ phải đưa tôi ra khỏi hòn đảo để vào một bệnh viện địa phương trên đất liền.

Sức khỏe tôi rất kém. Họ không đưa tôi trở lại đảo nữa và tôi đã phải trải qua một mùa an cư trong một tu viện ở gần thị trấn. Buồn rầu, thất vọng và oán giận nổi lên chỉ vì cái chân này, tất cả vì tôi đã quá dính mắc vào sự yên tĩnh. Tôi muốn thoát khỏi sự lộn xộn của đời, tôi thực sự mong muốn được nhốt mình trong một ngôi mộ nơi mà giác quan của tôi sẽ không còn bị kích thích, nơi mà tôi không phải đối mặt với một sự đòi hỏi từ một người nào, nơi mà tôi sẽ được sống một mình, ẩn danh, vô hình. Nhưng sau đó tôi quán sát thái độ của mình, tôi quán sát cái ham muốn được yên bình của mình. Và tôi không còn tìm kiếm sự yên tĩnh nữa...

Tôi không bao giờ trở lại hòn đảo đó. Chân tôi đã tương đối lành lặn trở lại và tôi lại có cơ hội để đến Ấn Độ. Sau đó tôi đã quay về Wat Pah Pong, và tôi quyết định sẽ không còn ưu tiên cho một thứ gì hết. Việc tu tập của tôi lúc đó là "con đường không có sự ưu tiên ", tôi chỉ chấp nhận những gì đến với tôi. Khi quay về Wat Pah Pong, tôi lãnh trách nhiệm làm thông dịch cho Ajahn Chah. Tôi ghét cay ghét đắng phải thông dịch cho người phương Tây, nhưng bây giờ tôi lại là một người thông dịch . Tôi phải làm điều đó, và tôi cũng phải giảng dạy và huấn luyện cho các tu sĩ. Sau đó, một năm hoặc hơn, tu viện thậm chí còn gửi tôi ra ngoài để bắt đầu xây dựng một tu viện của riêng tôi! Trong vòng hai năm có khoảng hai mươi nhà sư phương Tây sống chung với tôi. Sau đó, tôi được mời sang Anh quốc.

Và vì vậy tôi không bao giờ còn muốn chạy trốn đến cái hang đó, vì tôi không còn ưu tiên cho cái này cái kia. Trách nhiệm và việc giảng dạy dường đang tăng lên, nhưng đó là một phần của việc tu tập gọi là "không có sự ưa thích hơn." Và qua sự tu tập này tôi nhận thấy tâm hồn tôi bình an và thanh thản. Tôi không còn tức giận trước những gì người ta đòi hỏi nơi tôi, không còn chìm trong sân hận hoặc bối rối trước những vấn đề không có sự kết thúc và trước những hiểu lầm nảy sinh trong xã hội loài người. Vì vậy sự tu tập là – chỉ có chánh niệm mà thôi. Tôi không còn ao ước được yên tĩnh . Khi sự yên tĩnh đến tôi xem nó là vô thường; bối rối đến - cũng là vô thường; thanh thản đến - cũng là vô thường; chiến tranh đến - cũng là vô thường. Tôi cứ nhìn bản chất vô thường của mọi sự vật và tôi chưa khi nào tôi thấy thế giới an bình như bây giờ - đang sống trong nước Anh – còn an bình nhiều hơn một vài ngày tôi đã từng sống trên hòn đảo đó.

Khi đó tôi đã bám víu một cách tuyệt vọng vào những lý tưởng mà tôi ham muốn và đi đôi với cái ham muốn đó là một sự sợ hãi chúng sẽ bị mất đi - Tôi đã sợ rằng người phương Tây sẽ đến và sẽ làm phiền tôi và sợ rằng môi trường thanh bình của tôi sẽ bị quấy rầy. Trong việc cự tuyệt và đóng cửa không chấp nhận người khác có một sự ích kỷ thực sự, đồng thời có một sự sợ hãi thực sự rằng những người khác sẽ làm phá sản cuộc sống của tôi. Vì vậy sự dính mắc vào sự an bình và những điều kiện của nó đã đem theo sự sợ hãi và lo lắng, do mọi điều kiện đều có thể bị mất đi hoặc bị phá hủy một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, loại an bình mà chúng ta có thể nhận được từ sự "không có sự ưa thích hơn" không thể nào bị lấy đi. Nó không bao giờ bị lấy đi vì chúng ta có thể thích ứng; chúng ta không bị lệ thuộc vào môi trường để có sự yên tĩnh; chúng ta không cần phải tìm kiếm sự yên tĩnh, hoặc phải ao ước nó, hoặc phải bối rối phẫn nộ vì nó. Vì vậy, khi chúng ta suy ngẫm về lời dạy của Đức Phật ( thấy khổ, nguồn gốc của khổ, sự diệt đau khổ, và con đường dẫn đến diệt khổ), chúng ta có thể thấy rằng Ngài đã dạy chúng ta con đường "không có sự ưa thích hơn."

Đức Phật đã giác ngộ. Ngài đã trải qua sáu năm khổ hạnh để tu tập nhằm tìm cho được sự an bình, đạt đến những trạng thái tâm định cao nhất, và Ngài nói: “Không! Nó không phải! Nó vẫn còn đau khổ. Nó vẫn còn vô minh.” Và, từ sự nhận thức đó Ngài đã tìm ra con đường Trung đạo, con đường không có sự ưa thích hơn, con đường của sự tỉnh giác.

Chúng ta không nên mong cầu có được một mức độ yên tĩnh cao nếu chúng ta đang sống trong một môi trường nơi mà mọi người đang chộn rộn hoặc lao xao, hoặc nơi mà chúng ta đang có nhiều trách nhiệm và bổn phận. Chúng ta không nên nghĩ : "Ồ! Tôi muốn ở một nơi khác, tôi không muốn ở đây ". Như vậy chúng ta đang có sự ưa thích hơn. Chúng ta nên quan sát cuộc sống mà chúng ta đang có thuộc loại nào và cho dù chúng ta có thích nó hay không, dù sao đi nữa nó vẫn đang thay đổi, chẳng có chi quan trọng.

Trong cuộc sống “thích” có xu hướng thay đổi thành “không thích”, và ngược lại “không thích” có xu hướng thay đổi thành “ thích.” Ngay cả những tình huống thú vị cũng sẽ thay đổi thành những tình huống khó chịu, và những tình khó chịu cuối cùng cũng trở thành thú vị. Chúng ta phải nên giữ sự nhận thức về vô thường này và phải thản nhiên trước sự thay đổi của sự vật, không nên đòi hỏi chúng phải khác đi. Những người chúng ta đang sống cùng với họ, những nơi chúng ta đang sống, xã hội mà chúng ta là một phần trong đó - ta nên sống an bình với mọi thứ. Nhưng quan trọng hơn hết chúng ta nên sống an bình với chính chúng ta-đó là bài học lớn phải học hỏi trong đời.

Thực ra rất là khó để sống bình an với chính mình. Tôi thấy rằng hầu hết mọi người đều có rất nhiều ác cảm với chính mình. Tốt hơn hết là chúng ta nên sống an bình với thân và tâm của chính chúng ta hơn bất cứ thứ gì khác, và không nên đòi hỏi chúng phải thật hoàn hảo, hoặc rằng tất cả mọi thứ đều phải tốt đẹp. Chúng ta có thể sống an bình với cả điều tốt lẫn điều xấu.

Ajahn Sumedho 
Theo: Let go of fire
Chuyền ngữ sang tiếng Việt: Phương Lan

Chú thích:
Sophocoles: Một trong ba nhà bi kịch nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ
Aristotle: 384-322 trước CN, nhà triết học và bác học Hay Lạp thời cổ đại
Ramakrishna: 1836-1866, tu sĩ Ấn Độ giáo
Aurobindo: 1872- 1950, học giả, nhà thơ, triết gia, yogi người Ấn Độ

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites