"Chàng trở
thành kẻ chiến thắng vì đã đánh bại được cái ước vọng nhiều tham muốn và lòng
háo thắng của chính mình, dẹp bỏ được cái “ngã” riêng tư để nghĩ đến người mà
không màng đến sự an nguy của chính bản thân..."
(Góp nhặt sỏi đá)
Vào thời võ
sĩ Đạo tại Nhật, có một kiếm khách nổi tiếng với đường kiếm tuyệt luân của
mình. Ngoài ra, Ông còn có tài đánh cờ thuộc hàng thượng thặng.
Sau một
quãng đời tung hoành ngang dọc trong chốn giang hồ, vị kiếm khách này đã ngộ ra
lý Thiền nên đã “rửa tay gác kiếm”, khoác áo tu hành.
Qua nhiều
năm dài tu hành tinh tấn, Ông đã trở thành một Thiền Sư được nhiều người biết đến
về đạo hạnh.
Trong suốt
thời gian đó, Ông cũng đã đem hết tâm huyết ra để nâng khả năng về Kiếm và Cờ của
Ông lên hàng Kiếm Đạo và Kỳ Đạo.
Vì vậy, tên
tuổi của Ông ngày càng thêm lừng lẫy.
Nhiều người
đã đến xin học đạo với Ông và do đó Ông đã có nhiều môn đệ.
Một ngày
kia, có một chàng thanh niên đến ra mắt Ông để xin theo học Đạo. Vị Thiền Sư đã
nhìn kỹ chàng thanh niên và nói :
- Ta chỉ nhận
làm đệ tử những ai có đạo hạnh cao hoặc có khả năng khá về Kiếm hoặc Cờ. Ngươi
tự xét thấy có khả năng nào trong các thứ ấy để có thể được ta thu nhận đây?
Sau một
thoáng suy nghĩ, chàng thanh niên vội đáp:
- Con có khả
năng chơi Cờ; mặc dù không phải là hạng cao thủ nhưng con cũng đã từng hạ nhiều
tay chơi Cờ giỏi có hạng.
Liền đấy vị
Thiền Sư lại hỏi :
- Vậy, bây
giờ ngươi có muốn thi đấu về Cờ không?
- Dạ, thưa !
Con muốn thử. – Chàng thanh niên đáp.
Nghe vậy, vị
Thiền sư vội đi vào phía sau Thiền viện và trong khoảnh khắc lại trở ra với một
thiền sinh.
Đó là một
nhà sư đã có tuổi vẻ mặt hiền lành, phúc hậu và là một trong những thiền sinh rất
giỏi về Cờ trong Thiền viện.
Sau khi giới
thiệu thiền sinh này với chàng thanh niên để thi đấu với nhau, ông đã nghiêm
nghị nói:
- Trước khi
bắt đầu cuộc đấu, Ta cần phải nói rõ: đây sẽ là một ván cờ “sinh tử”, người
thua cuộc sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của ta. Các ngươi có đồng ý nguyên tắc này không?
Cả hai đều tỏ
vẻ đồng ý và ngồi xuống chiếc bàn có đặt sẵn bàn cờ để bắt đầu thi đấu, trong
khi vị Thiền sư đặt thanh kiếm trên chiếc bàn nhỏ trước mặt rồi ngồi xuống chiếc
ghế cạnh bên để giám sát cuộc đấu.
Thoạt tiên,
khi bắt đầu cuộc đấu cả hai đều rất thận trọng khi đi cờ như để dò ý và tìm hiểu
về khả năng cũng như lối chơi cờ của đối phương.
Khoảng một
lúc sau, với những bước vững chắc về thủ và linh động về công, vị thiền sinh đã
đưa chàng thanh niên vào trạng thái bị động, phải lui về thế thủ.
Chàng thanh
niên đã tỏ ra bối rối trước sự tiến công dũng mãnh của đối phương. Chàng bỗng
đâm ra lo ngại là không những sẽ bị thua cuộc và mất dịp được theo học Đạo mà
còn bị mất mạng nữa. Do đó, chàng ta cố vận dụng trí óc để moi ra từ ký ức những
thế cờ đã từng đánh và từng học được trước đây để mong chận bớt những nước cờ tấn
công rất hiệu lực của đối phương.
Nhưng chàng
ta chẳng nhớ ra được điều gì có thể xử dụng để thay đổi tình thế. Trong cơn lo
lắng miên man, bất chợt chàng có ý nghĩ: hay là xử dụng những nước cờ “liều”,
biết đâu sẽ chẳng có kết quả tốt. Nghĩ xong chàng liền áp dụng ngay.
Đang ở trong
thế thủ, bỗng bất thình lình chàng vùng lên tấn công quyết liệt. Những nước cờ
“liều mạng” của chàng vừa đánh ra chẳng có một quy tắc căn bản nào cả, chỉ toàn
là những nước cờ “thí” không ai dám sử dụng hay nghĩ đến trong khi chơi Cờ, nhất
là trong một ván cờ sinh tử như thế này. Chỉ trong vài nước, thế cờ liều đột
nhiên có kết quả. Nước cờ đang ở vào thế thủ bỗng chuyển sang thành thế công, bắt
buộc đối thủ phải lui về chống đỡ.
Người thiền
sinh cao cờ giờ đây bị đưa vào thế bị động vì những bước đi cờ lạ lùng, kỳ dị
không thể tiên đoán được của chàng thanh niên liều mạng này.
Chàng thanh
niên đang ở vào thế “thượng phong”, chàng tấn công tới tấp để mong chiến thắng.
Trong lúc hăng say để đạt chiến thắng đó, từ trong nội tâm của chàng bỗng nổi
lên ý nghĩ:
“Hôm nay, đến
nơi này để xin học Đạo, phải đánh ván Cờ “sinh tử” để được nhập môn, rồi trong
lúc nguy khốn vì bị tấn công dồn dập đã phải dùng thế cờ “liều mạng” để chuyển
bại thành thắng, đưa đối phương vào thế thúc thủ. Trong chốc lát đây ván
cờ sẽ kết thúc, người thiền sinh phúc hậu kia
sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của Thầy. Người Thiền sinh đã mất gần suốt cuộc đời
để học Đạo, tu hành tinh tấn, có được đạo hạnh cao; nay lại phải trở thành “cây
thước” để đo tài người đến xin học Đạo, để rồi phải bỏ mạng vì kết quả của ván
cờ. Thật là oan uổng… Trong khi những ý
niệm đó hiện ra và đưa chàng thanh niên vào suy tư thì nước cờ của chàng đang
đi bỗng nhiên có vẻ chậm lại và mất phần kiến hiệu.
Và vì vậy,
chỉ trong năm, ba nước cờ nguời thiền sinh đã tiến dần đến thế quân bình, rồi
trong khoảnh khắc đã nắm lại được thế chủ động.
Bây giờ đến
lượt chàng thanh niên mất thế “thượng phong”. Chỉ thêm vài nước, người thiền
sinh đã đưa chàng thanh niên vào thế gần như không có lối thoát. Nhưng bất chợt,
đột nhiên thế cờ của người thiền sinh bỗng như chậm lại và có vẻ hòa hoãn, ngập ngừng trong khi thế cờ của
chàng thanh niên lại có phần chần chừ, bất định.
Do đó, ván cờ
đang ở vào giai đoạn sắp kết thúc bỗng nhiên như dừng hẳn lại. Nhưng cuối cùng,
dù muốn dù không, ván Cờ cũng phải đi đến chỗ kết thúc. Vì vậy, người thiền
sinh nhân hậu kia bắt buộc phải ra tay hạ thủ để kết thúc ván Cờ. Thế thắng, bại
đã hiện ra trước mắt.
Đột nhiên, vị
Thiền Sư bỗng vụt đứng phắt dậy, hét lên một tiếng thật to và rút kiếm ra khỏi
vỏ.
Mũi kiếm được
chĩa ngay vào đỉnh đầu của chàng thanh niên. Nghe tiếng hét của Sư phụ, người
thiền sinh vội cúi đầu, chấp tay niệm Phật. Với một đường kiếm tuyệt luân và thần
tốc không thể ngờ được, thoáng một cái lưỡi kiếm của vị Thiền sư đã cạo nhẵn
mái tóc trên đỉnh đầu của chàng thanh niên.
Giờ đây,
trông chàng thanh niên chẳng khác nào một người vừa được “thí phát” để “quy y”.
Và vị Thiền
sư đã cất tiếng nói với chàng thanh niên:
- Hôm nay,
ta chính thức nhận con làm môn đệ.
Ván Cờ đã kết
thúc trước khi nước cờ cuối cùng được đánh ra để quyết định việc thắng bại mà
chiến thắng đang nằm trong tay của vị Thiền sinh nhân hậu.
Là một bậc
Thầy về Kiếm và Cờ, vị Thiền sư trong khi ngồi giám sát cuộc thi đấu đã thấy và
hiểu rõ khả năng và lối chơi Cờ của đôi bên.
Ngoài ra, là
một Thiền sư đắc đạo, Ông đã đọc được từng tâm niệm khởi nghĩ của hai kẻ ngồi
trước mặt, nên hiểu được tánh ý, đức hạnh của người môn đệ của mình và thấy rõ
tâm hạnh của người thanh niên xa lạ kia; sau cùng Ông đã đi đến quyết định. Dưới
mắt vị Thiền sư: ván cờ đang sắp sửa được kết thúc mà phần thắng lợi đang
nghiêng về phía người thiền sinh, môn đệ của Ông, nhưng chàng thanh niên lại là
kẻ chiến thắng.
Chàng trở
thành kẻ chiến thắng vì đã đánh bại được cái ước vọng nhiều tham muốn và lòng
háo thắng của chính mình, dẹp bỏ được cái “ngã” riêng tư để nghĩ đến người mà
không màng đến sự an nguy của chính bản thân.
Chàng đã tự
chiến thắng mình bằng lòng nhân ái.
Chàng thực sự
là một kẻ chiến thắng trong một chiến công vô cùng oanh liệt và quả cảm đúng như lời dạy của Đức Phật: “Chiến
thắng oanh liệt và dũng cảm nhất mà không gây đổ máu và thù hận là tự chiến thắng
bản thân mình”.
Chàng thanh
niên thật vô cùng xứng đáng được thu nhận để bái sư học Đạo và có cơ duyên để
trở thành huynh đệ với người thiền sinh nhân hậu kia.
HẾT
0 Kommentare:
Post a Comment