Pages

26 March 2013

Khai Thị Của Liên Trì Đại Sư


"Chỉ cần niệm Phật, tôn xưng đã thành quy kính. Sáu chữ, bốn chữ thật chẳng sai khác gì. Có điều là do pháp truyền lâu ngày hóa tệ, biến thành lê thê: khua chiêng, thúc trống, như xướng, như ca, thổn thức, rên siết như gào, như quát; thiên nhĩ nghe thấy chẳng buồn bã hay sao?..."




Chỉ còn một câu A Di Ðà Phật để đắp đổi tháng ngày, chỉ lấy Tây Phương Cực Lạc thế giới làm quê nhà mình: Nay ta niệm Phật, mai sau sanh về Tây phương. Còn gì hay hơn, hãy nên vui mừng lớn lao, đừng sanh phiền não!
Tâm vốn vô niệm, hễ có niệm khởi lên là sai; nhưng chúng sanh từ vô thỉ đến nay quen thói vọng tưởng khó lòng thay đổi ngay được. Nay dạy họ niệm Phật chính là dùng độc trị độc, dùng quân dẹp quân.
Một pháp Niệm Phật lại có nhiều môn. Nay pháp Trì Danh đây là đường tắt nhất trong các đường tắt. Bởi vì đức Phật có vô lượng đức nên bốn chữ danh hiệu đã bao gồm trọn cả.
A Di Ðà chính là toàn thể nhất tâm, tâm bao gồm mọi đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, Bổn Giác, Thỉ Giác, Chơn Như, Phật Tánh, Bồ Ðề, Niết Bàn. Trăm ngàn vạn danh hiệu đều được chứa đựng bất tận trong một danh hiệu này.
Chúng sanh học Phật cũng có vô lượng hành pháp, nhưng một pháp Trì Danh đây đã bao gồm trọn tất cả vì Trì Danh chính là trì một tâm đây. Tâm đã gồm trăm hạnh, Tứ Ðế, Lục Ðộ cho đến tám vạn bốn ngàn hằng hà sa vi trần hết thảy pháp môn, bao gồm hết cả không còn sót gì!
Có nhiều cách trì danh:
1) Một là Minh Trì nghĩa là xưng niệm ra tiếng.
2) Hai là Mặc Trì nghĩa là niệm thầm không ra tiếng.
3) Ba là Bán Minh Bán Mặc Trì nghĩa là chỉ khẽ động môi lưỡi để niệm. Cách này được những người tụng chú gọi là Kim Cang Trì.
Lại còn có cách niệm ghi số hoặc niệm chẳng ghi số, tùy ý dùng cách nào cũng được!
Cách trì niệm nào cũng chia ra làm Sự và Lý: Ức niệm chẳng gián đoạn thì gọi là Sự Trì; thể cứu đến cùng tột chẳng hề gián đoạn thì gọi là Lý Trì.
“Ức niệm” là nghe nói đến danh hiệu Phật thì luôn nhớ tới, luôn nghĩ tới, tâm duyên theo từng chữ rõ ràng; câu trước, câu sau liên tiếp chẳng gián đoạn. Ði, đứng, nằm, ngồi chỉ có mỗi một niệm này, không có niệm thứ hai; chẳng bị tạp loạn bởi các niệm tham, sân, si phiền não đúng như kinh Thành Cụ Quang Minh Ðịnh Ý dạy:
“Nhất tâm nơi vắng vẻ, tịch mịch; nhất tâm giữa các phiền não; cho đến giữa những cảnh khen, chê, lợi, tổn, thiện, ác v.v… đều nhất tâm”.
Do mặt Sự đã đạt, nhưng chưa thấu triệt mặt Lý, chỉ đạt được Tín lực, chưa thấy Ðạo nên gọi là Sự Nhất Tâm.
“Thể cứu” là nghe danh hiệu Phật thì không những chỉ ức niệm mà còn trở lại quán sát ngay cái niệm ấy, suy lường, thẩm định tìm tòi đến tận cùng cội rễ. Thể cứu đến cùng tột thì đột nhiên sẽ khế hợp bổn tâm. Trong đây lại gồm có hai loại:
a. Một là “như - trí bất nhị”:
- Ngoài cái tâm năng niệm chẳng hề có đức Phật để mình niệm. Ðấy là ngoài Trí chẳng có Như.
- Ngoài đức Phật được niệm chẳng hề có cái tâm năng niệm để niệm Phật. Ðó là ngoài Như không có Trí nên chỉ có nhất tâm.
b. Hai là Tịch Chiếu Nan Tư:
Nếu bảo là Có thì bản thể của cái tâm năng niệm tự nó là Không, trọn chẳng thể có được đức Phật được niệm.
Nếu bảo là Không thì cái tâm năng niệm vằng vặc chẳng mờ mịt, đức Phật được niệm đành rành phân minh.
Nếu bảo là “chẳng có chẳng không” thì cả hữu niệm lẫn vô niệm đều mất.
Nếu bảo là “chẳng phải có chẳng phải không” thì hữu niệm lẫn vô niệm cùng tồn tại.
“Chẳng phải có” là thường tịch; chẳng phải không là thường chiếu. “Chẳng có chẳng không” và“chẳng phải có chẳng phải không” là chẳng tịch, chẳng chiếu nhưng vừa chiếu, vừa tịch.
Không cách gì để diễn tả, suy lường được, chẳng thể gọi tên được nên chỉ có Nhất Tâm.
Ðó chính là Năng lẫn Sở đều tiêu, kiến giải Hữu lẫn Vô cùng mất. Thể vốn sẵn thanh tịnh thì còn có pháp gì tạp loạn được nó.
Do vì thấy một cách đúng đắn như thế nên gọi là Lý Nhất Tâm.
Nhưng, Sự nương theo Lý mà khởi, Lý được tỏ bày bởi Sự; Sự và Lý hỗ trợ nhau, chẳng thể phế bỏ một bên nào.
Dẫu chấp Sự nhưng niệm đến mức liên tục thì vẫn chẳng mất phần dự vào các phẩm vị; còn nếu chấp Lý nhưng tâm chưa minh thật sự thì sẽ biến thành cái họa lạc vào Không kiến.
Niệm Phật to tiếng dễ mất sức, niệm thầm dễ bị hôn trầm. Chỉ cốt niệm miên miên mật mật, tiếng niệm đọng nơi răng, môi, tức là Kim Cang trì. Nhưng lại chẳng nên chấp chặt. Nếu biết mình đã mệt thì niệm thầm cũng chẳng trở ngại gì. Nếu biết mình hôn trầm thì chẳng ngại gì niệm lớn tiếng.
Hiện tại, người niệm Phật chỉ là liên tay khua mõ, miệng ong óng gào theo cho nên chẳng được lợi ích gì. Cần phải niệm sao cho từng câu thoát ra khỏi miệng vọng vào tai, từng tiếng đánh thức tự tâm ví như người đang ngủ mê mệt, có ai gọi lớn tên lên thì kẻ đó sẽ thức giấc.
Bởi vậy, điều quan trọng nhất trong việc niệm Phật là nhiếp tâm.
Tạp niệm là bịnh, niệm Phật là thuốc. Niệm Phật chính là để trị tạp niệm, nếu chẳng trị nổi tạp niệm là do niệm Phật chẳng tha thiết. Lúc tạp niệm khởi lên liền dốc sức ra công; mỗi chữ, mỗi câu tinh nhất chẳng xen tạp thì tạp niệm tự dứt.
Trong mỗi niệm luôn niệm Phật không có tạp niệm thì gọi là Nhất Tâm. Nhất tâm niệm Phật mà còn nhất tâm tu các pháp môn khác thì là Nhị Tâm!
Không tạp niệm mới chỉ là Sự Nhất Tâm nay mình còn làm chưa được huống hồ là Lý Nhất Tâm? Vì vậy, niệm Phật phải giữ chí đừng để nhị tâm, đừng vì lẽ tam muội khó thành bèn vội đổi sang tu các hạnh khác!
Kẻ mới học sanh sau vừa mới lấy câu niệm Phật đặt nơi tâm thì vọng tưởng, suy nghĩ nổi lên tơi bời, đè lấp cả cái giác bèn cho rằng công phu niệm Phật chẳng thể nhiếp tâm nổi, chẳng hề biết rằng mình làm sao đoạn ngay nổi nguyên do sanh tử từ vô lượng kiếp đến nay cho được?
Ngay trong lúc vạn niệm vần vũ chính là lúc để ra sức công phu [mặc cho] định tâm, tán tâm nhoang nhoáng. Lâu ngày công phu thuần thục, tự nhiên vọng niệm chẳng khởi.
Các ông coi những vọng niệm mình nhận biết được đó là nặng cho nên bèn lơ là câu niệm Phật này. Còn như lúc chẳng niệm Phật, vọng niệm bồng bột tơi bời chẳng ngưng nghỉ trong một sát na nào hết thì các ông làm sao biết được?
Cổ nhân dạy thân cận minh sư, cầu thiện tri thức, nhưng thật ra thiện tri thức chẳng thể dùng miệng truyền tâm, trao pháp môn bí mật được, họ chỉ giúp người khác gỡ niêm cởi trói. Ðấy chính là “bí mật”!
Nay chỉ tám chữ “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn” chính là pháp môn bí mật để gỡ niêm cởi trói, là đường lớn thênh thênh để thoát sanh tử.
Sáng niệm, chiều niệm, đi niệm, ngồi niệm, niệm niệm liên tục tự thành tam muội, chứ đừng có cầu cái gì khác nữa!
Tâm vốn chẳng sanh do duyên hợp mà sanh. Tâm vốn chẳng chết, do duyên tan lìa nên chết. Tựa hồ có sanh tử, nhưng vốn chẳng đến đi. Lãnh hội được điều này thì sanh thuận, tử an, thường tịch, thường chiếu.
Nếu như chưa làm được như thế thì nên buông bỏ toàn thân, khăng khăng trì một câu A Di Ðà Phật cầu sanh Tịnh Ðộ. Giả sử các duyên chưa hết, thọ mạng chưa dứt thì càng phải nên niệm Phật, sẽ có lợi ích lớn. Cổ đức bảo: “Pháp môn Niệm Phật là thuật trường sanh của đấng Kim Tiên”. (1)
Sanh tử chẳng lìa nhất niệm, thậm chí vạn hạnh dù thế gian hay xuất thế gian đều chẳng lìa khỏi một niệm. Nay dùng cái niệm ấy để niệm Phật thì sẽ thiết tha, gần gũi, tinh chuyên, chơn thật xiết bao? Nếu truy xét chỗ bắt nguồn của cái niệm ấy thì nó chính là tự tánh Di Ðà, chính là ý sang Tây của Tổ Sư.
Dù cho chẳng ngộ được, cứ nương theo nguyện lực vãng sanh Cực Lạc, cắt ngang sanh tử, chẳng thọ luân hồi thì rốt cục sẽ đại ngộ!
Xin hãy buông bỏ vạn duyên, trong mười hai thời, niệm niệm khăng khăng thì đấy chính là điều tôi rất mong mỏi.
Bảy mươi tuổi từ xưa đã hiếm, sống trăm năm có được mấy người! Nay trong lúc tuổi xế chiều đây chính là lúc buông bỏ hoài bão, thấy rõ thế gian hệt như một trường hý kịch, chẳng hề chơn thật. Chỉ còn một câu A Di Ðà Phật để đắp đổi tháng ngày, chỉ lấy Tây Phương Cực Lạc thế giới làm quê nhà mình: nay ta niệm Phật, mai sau sanh về Tây phương. Còn gì hay hơn, hãy nên vui mừng lớn lao, đừng sanh phiền não!
Giả sử gặp phải chuyện chẳng như ý hãy liền xoay chuyển ý niệm, gấp rút đề cao câu niệm Phật này, hồi quang phản chiếu: ta là người sống trong thế giới của Phật A Di Ðà lẽ nào còn thấy biết như người trong thế gian mà nóng giận, vui vẻ; chỉ nhất tâm niệm Phật.
Ðấy chính là pháp môn đại an lạc, đại giải thoát của những người trí huệ.
Nguyên do của bịnh tật phần nhiều là do sát sanh; bởi thế, ta nên thiên trọng phóng sanh. Bên ngoài càng thêm sám, trong tâm tự hối, công đức rất nhiều.
Xin hãy để tâm trống trải, quét sạch hết thảy các duyên. Trong cái tâm rỗng rang đó chỉ niệm một câu A Di Ðà Phật.
Nói niệm Phật đó thì bất tất phải nhếch mép, động lưỡi; chỉ lặng lẽ dùng tâm nhãn phản chiếu từng chữ phân minh, từng câu tiếp nối từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, tâm tâm chẳng hề gián đoạn.
Nếu có đau khổ thì cứ nhẫn nại, nhất tâm nghĩ đến câu niệm. Kinh dạy: “Chí tâm niệm Phật một tiếng diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”; bởi thế, công đức niệm Phật rất lớn lao vậy.
Kẻ học Phật chẳng cần phải trang nghiêm hình dáng, chỉ quý tu hành chơn thật:
Hàng tại gia cư sĩ chẳng cần phải áo sồng, khăn đạo.
Người còn để tóc có thể mặc thường phục niệm Phật, chẳng nhất thiết phải gõ mõ, đánh trống.
Người thích yên tịnh có thể tự lặng lẽ niệm Phật, chẳng nhất thiết phải quây quần lập hội.
Người ngại việc cứ tự đóng cửa niệm Phật, chẳng cần phải vào chùa nghe kinh.
Người biết chữ có thể tự tuân theo giáo pháp niệm Phật.
Ngàn dặm thiêu hương chẳng bằng ngồi yên trong nhà niệm Phật.
Cung phụng thầy tà chẳng bằng hiếu thuận mẹ cha niệm Phật.
Giao du rộng rãi với bè bạn ma chẳng bằng một thân thanh tịnh niệm Phật.
Gởi tiền kho kiếp sau chẳng bằng hiện đời làm phước niệm Phật.
Van vái, cầu đảo chẳng bằng hối lỗi sửa mình niệm Phật.
Tu học theo kinh sách ngoại đạo chẳng bằng một chữ không biết nhưng niệm Phật.
Vô tri bàn xằng lẽ Thiền chẳng bằng ròng chắc, già dặn trì giới, niệm Phật.
Mong cầu yêu mỵ linh ứng chẳng bằng chánh tín nhân quả niệm Phật.
Nói tóm lại, đoan chánh tấm lòng, diệt ác thì người niệm Phật như thế gọi là thiện nhân. Nhiếp tâm trừ bỏ tán loạn thì người niệm Phật như thế gọi là hiền nhân. Ngộ tâm đoạn hoặc thì người niệm Phật như thế gọi là thánh nhân.
Khuyên người cực nhàn hạ hãy niệm Phật: cưới gả đã xong, con cháu đã yên bề gia thất, an nhàn vô sự; đây đúng là lúc nên tận tâm, tận lực mỗi ngày niệm mấy ngàn câu cho đến cả vạn câu.
Khuyên người lúc bận lúc rảnh hãy niệm Phật: xong việc một nửa hay chưa xong, dù bận hay rảnh, tuy chưa cực nhàn, vẫn có thể lúc bận thì lo lắng công việc, lúc rảnh bèn niệm Phật. Mỗi ngày niệm mấy trăm câu, cho đến mấy ngàn câu.
Khuyên người bận rộn cùng cực hãy niệm Phật: siêng lo việc nước, bôn ba gia nghiệp, dẫu chẳng có lúc thảnh thơi, nhưng cần phải dành lấy rảnh rang trong khi bận rộn để niệm Phật. Mỗi ngày sáng sớm hành Thập Niệm cho đến niệm mấy trăm câu trong cả ngày.
Pháp môn Niệm Phật bất luận nam, nữ, Tăng, tục, quý, hèn, hiền, ngu, không có một ai là chẳng niệm Phật được!
Nếu là người phú quý, của cải dư dả thì đúng là phải niệm Phật.
Nếu là kẻ bần cùng, nhà hẹp, của ít thì càng phải nên niệm Phật.
Nếu là người có con cháu, việc cúng bái tổ tiên đã có chỗ nhờ cậy thì rất nên niệm Phật.
Nếu là người không con, trơ trọi một thân tự do thì càng phải nên niệm Phật.
Nếu ai có con hiếu thuận, yên hưởng con cái phụng dưỡng thì rất nên niệm Phật.
Nếu ai có con ngỗ nghịch, chẳng sanh lòng yêu thương thì thật đúng là phải niệm Phật.
Nếu ai vô bịnh, thân thể khỏe mạnh thì càng phải nên niệm Phật.
Nếu ai có bịnh, rất gần cơn vô thường thì càng phải nên niệm Phật.
Nếu ai già cả, tháng ngày chẳng còn mấy thì càng phải nên niệm Phật.
Nếu ai tuổi trẻ tinh thần sáng suốt thì thật là rất tốt để niệm Phật.
Nếu ai an nhàn, tâm không bị sự gì khuấy động thì thật đúng là nên niệm Phật.
Nếu là người bận rộn, được đôi lúc nhàn giữa khi bận rộn thì càng phải nên niệm Phật.
Nếu là người xuất gia, tiêu dao ngoài cõi đời thì càng phải nên niệm Phật.
Nếu là kẻ tại gia biết cõi đời đúng là nhà lửa thì càng phải nên niệm Phật.
Nếu ai thông minh, thông hiểu Tịnh Ðộ thì rất nên niệm Phật.
Nếu là kẻ ngu si, thô lỗ, không làm gì khác nổi thì thật đúng là nên niệm Phật.
Nếu ai trì luật mà Luật lại do Phật chế ra; vì thế, rất nên niệm Phật.
Nếu ai đọc kinh thì kinh là do Phật dạy, càng phải nên niệm Phật.
Nếu ai tham thiền, do Thiền là tâm Phật nên càng phải nên niệm Phật.
Nếu ai ngộ đạo thì ngộ cần phải được Phật chứng cho nên càng phải niệm Phật.
Khuyên khắp mọi người hãy cấp bách niệm Phật. Chín phẩm vãng sanh, hoa nở thấy Phật, gặp Phật nghe Pháp, rốt ráo thành Phật mới biết rằng tâm vốn dĩ là Phật.
Chỉ cần niệm Phật, tôn xưng đã thành quy kính. Sáu chữ, bốn chữ thật chẳng sai khác gì. Có điều là do pháp truyền lâu ngày hóa tệ, biến thành lê thê: khua chiêng, thúc trống, như xướng, như ca, thổn thức, rên siết như gào, như quát; thiên nhĩ nghe thấy chẳng buồn bã hay sao?
Nhưng dù là xưng danh một cách hoan hỷ hay nóng nảy cũng vẫn gieo trồng nhân lành, quả báo tương lai chẳng thể nghĩ bàn. Kẻ phàm tình mê muội chứ người trí thì biết rõ!
Chú thích:
(1) Kim Tiên: một danh từ người Trung Hoa dùng để gọi Phật. Vì Phật thân sắc vàng ròng (tử kim thân) nên họ Phật là Kim Tiên. Một danh xưng khác cũng thường dùng để chỉ Phật là Hoàng Diện Công (ông mặt vàng). 
Trích yếu sách Vân Thê Pháp Vựng của đại sư Liên Trì Chu Hoằng đời Minh


Xem Video Kinh A Di Đà Sớ Sao (Liên Trì Đại Sư)

Phần đầu  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  (Nguồn: Phật Âm)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites