"Nếu như các phép lạ, các điều linh thiêng huyền bí đó có thực, các bệnh
viện, các cơ quan y tế nên đóng cửa, các bác sĩ, dược sĩ, y tá, điều dưỡng
viên, chuyên viên y tế, nên giải nghệ, và chức sắc các tôn giáo đó không cần có
y sĩ riêng, không cần nằm điều trị ở bệnh viện..."
TK THÍCH CHÂN TUỆ
Trên cuộc đời này, dù giàu sang hay nghèo khó, dù trí thức hay bình dân,
dù nam phụ lão ấu, dù da trắng da đen hay da màu, dù vua chúa hay dân chúng, nói
chung, bất cứ người nào cũng có hai thứ bệnh: thân bệnh và tâm bệnh. Ðối với
thân bệnh, chẳng hạn như đau răng, nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm, ho hen, trặc
xương, hoặc đau tim gan tì phế thận, chúng ta cần tới tài năng, khả năng trị
bệnh của các vị thầy thuốc, dù đông y hay tây y.
Ðể phòng ngừa thân bệnh, có
những phương pháp tập thể dục, những cách dưỡng sinh khoa học, những chế độ ăn
uống thích ứng với từng lứa tuổi, và tình trạng sức khỏe cá nhân. Những người
nghĩ rằng: nhờ tu theo môn phái này, tu theo pháp môn kia, hành theo giáo chủ
nọ, sẽ khỏe mạnh sống lâu, sẽ bách niên giai lão, sẽ vô bệnh vô tật, chẳng hạn
như người ta tuyên truyền tu thiền trị dứt bệnh ung thư, đó chỉ là những người
đang sống trong cơn mê.
Ðạo
Phật gọi đó là vô minh. Tại sao vậy?

Trong thời buổi khoa học tiến bộ ngày nay, ngay tại những quốc gia văn minh tiến bộ tây phương, vẫn còn một số người, khi có thân bệnh, lại đi tìm uống, nước suối nước sông, cầu mong phép lạ, với cả niềm tin, thượng đế gia trì, hay ban phép lành, hoặc được ân điển, từ đấng bề trên, nào đó chẳng biết, trị dứt bá bệnh, cả bệnh nan y, thậm chí cứu được, người chết sống lại!
Chúng ta thử suy nghĩ xem: những vị tự xưng là thượng đế, là thánh thần,
là thiên địa, là tu hành chứng đắc gì đó, cứu người chết được sống lại, để làm gì,
để được người đời tôn thờ nể sợ chăng? Tại sao chỉ cứu người này, không cứu
những người khác?
Dù có cứu được bao nhiêu người, để rồi sau đó, những người này cũng lại
chết một lần nữa, lần này chết thiệt đó, như bất cứ mọi người nào khác, trên
thế gian này. Nhứt là những vị tự xưng là thượng đế, là thánh thần thiên địa
kia, rồi cũng chết như ai, và lại còn chết thảm, không chỗ chôn thây, nữa là
khác!
Nếu như các phép lạ, các điều linh thiêng huyền bí đó có thực, các bệnh
viện, các cơ quan y tế nên đóng cửa, các bác sĩ, dược sĩ, y tá, điều dưỡng
viên, chuyên viên y tế, nên giải nghệ, và chức sắc các tôn giáo đó không cần có
y sĩ riêng, không cần nằm điều trị ở bệnh viện.
Nhiều người mê tín dị đoan hơn nữa, khi có thân bệnh, lại chạy đi tìm,
thầy bùa thầy ngải, tìm sư tìm sãi, thuốc tiên linh thiêng, chỉ một viên thôi,
trị dứt bá bệnh, thiệt là tội nghiệp, thực đáng thương xót, chỉ khổ bị gạt,
tiền mất tật mang. Những người như vậy là những người không có trí
tuệ bát nhã, không nhận được chân tướng của các pháp thế gian, rất dễ bị
lung lạc bởi bất cứ luận điệu thuyết giảng, hay tuyên truyền nào, có vẻ mơ mơ
hồ hồ, có vẻ linh thiêng huyền bí, có vẻ như điển nhập, từ thế giới vô hình nào
đó, không giải thích được, thực ra không làm sao giải thích được, cho dù họ là
kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, văn sĩ, thi sĩ, học sĩ, chuyên viên, chuyên gia, hay bất
cứ ai. Tại sao vậy? Bởi vì mọi người đều sợ chết, càng giàu càng giỏi càng sợ
nhiều hơn, sợ mất cái thân mạng này, mà thôi!

Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề đời sống nội tâm,
hay sức mạnh tâm linh, hay trí tuệ bát nhã trong đạo Phật, mà thôi.
Ðạo Phật là đạo cứu khổ nhân loại, cho nên đạo Phật mạnh mẽ nhận định:
Cuộc đời là bể khổ. Chúng ta ai ai cũng đồng ý với nhau rằng: Cuộc đời khổ
nhiều hơn vui. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta bi quan, yếm thế, chán đời,
thụ động, chấp nhận định mệnh sẵn có, chấp nhận số phận đã an bài, chấp nhận những
cảnh khổ đau của cuộc đời. Ðạo Phật không dừng lại ở nhận định như vậy. Ðạo
Phật dạy chúng ta nhiều phương pháp:
"Làm sao cho đời bớt khổ. Làm sao cho đời hết khổ". Trong tất cả các
kinh điển của đạo Phật, ghi lại lời chỉ dạy của Ðức Phật, đều nêu rõ các pháp
môn tu tập, nhằm mục đích giúp đỡ chúng sinh, giải thoát khỏi phiền não và khổ
đau, một cách tích cực, một cách hiệu quả. Thực ra, đó mới chính là mục đích
cứu kính của đạo Phật vậy.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức
Phật có dạy:
"Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với Chánh Pháp". Nghĩa là: Con
người muốn tự cứu chính mình, thoát ly mọi khổ ách, cần phải thắp sáng ngọn
đuốc trí tuệ, phải sáng suốt học hiểu và nương theo Chánh Pháp, tức là các pháp
môn tu tập, Ðức Phật dạy trong các kinh điển, chẳng hạn như "Bát Nhã
Tâm Kinh", và luôn luôn thực hành trong cuộc sống hằng ngày, chứ không
phải chỉ cầu nguyện suông.
"Bát
Nhã Tâm Kinh" là bài kinh chỉ dạy phương pháp tu tâm dưỡng tánh, dẹp trừ tâm loạn
động bất an, uế trược cấu nhiễm, phát hiện chân tâm, bất cấu bất tịnh, bất tăng
bất giảm, để giúp cho chúng sanh sống được an lạc hạnh phúc, không còn phiền
não khổ đau, giác ngộ được con người chân thật, để giải thoát khỏi sanh tử luân
hồi. Chân tâm đó mới thực là mình, còn cái xác thân và cái tâm bất an loạn động
không phải là mình, sẽ bị bỏ lại thế gian, khi chúng ta ra đi sang kiếp khác.
Như vậy, chúng ta học "Bát Nhã Tâm Kinh" là để nhận được bản tâm bản
tánh thực sự của mình. Khi học xong kinh này, nếu chúng ta trực nhận được bản
tâm thanh tịnh hay chơn tâm, tức là trí tuệ bát nhã bừng sáng, con đường vào
đạo đã khai mở. Ðó chính là mục đích cứu kính của đạo Phật vậy.
Người Phật Tử sinh hoạt trong chùa, hay đi chùa lễ Phật tụng kinh,
thường thuộc lòng "Bát Nhã Tâm Kinh". Bởi vì "Bát Nhã Tâm
Kinh" rất quan trọng trong Phật giáo, là cứu kính tối thượng của đạo Phật,
cho nên bất cứ khóa tụng kinh nào, bất cứ khóa hành thiền nào, bất cứ khóa tu
học nào, thuộc bất cứ tông phái nào của Phật giáo, cũng đều có "Bát Nhã
Tâm Kinh", dù bằng tiếng Việt, tiếng Hán Việt, hay tiếng Pali. Thêm một
bước nữa, nếu như chúng ta cùng nhau tìm hiểu những điều Ðức Phật dạy trong
"Bát Nhã Tâm Kinh", rồi đem áp dụng vào đời sống hằng ngày, thì ích
lợi vô lượng vô biên, công đức và phước đức viên mãn, không thể nghĩ bàn.
0 Kommentare:
Post a Comment