Pages

26 March 2013

Bí Quyết Khống Chế Vọng Tưởng

"Người tham Thiền không nên nghĩ đến việc thành Phật, đừng để tâm tới chuyện khai ngộ, cũng chớ nghĩ tới chuyện đắc trí huệ. Cứ nỗ lực dụng công, cần cù chăm chỉ tu hành. Khi thời gian chín muồi thì sẽ khai ngộ..."




  Khai ThCủa Hoà Thượng Tuyên Hoá
 

Vạn Phật Thánh Thành mỗi năm đều có tổ chức vài Thiền-thất, mỗi thất là bảy ngày. Trước lễ vía A-Di-Ðà thì có một Phật-thất (7 ngày), rồi sau đó là liên tiếp ba Thiền-thất (21 ngày). Hằng năm, những người đến dự Thiền-thất đều tham gia từ đầu đến cuối, khiến công đức được viên mãn. Năm nay, hy vọng quý vị đến tham gia cũng giữ sự chung thủy, chẳng thối lui nửa chừng, bỏ Thiền-đường đi mất; bằng không thì công phu sẽ phải bỏ dở, lãng phí thời giờ, chẳng có sở đắc.


Tư thế lúc ngồi cần phải ngay ngắn, thẳng lưng. Ðầu phải thẳng, không cúi xuống, không ngửa lui, không nghiêng trái, không quẹo phải. Sau đó, bắt tréo hai chân theo thế kiết-già-lấy chân trái bỏ lên đùi phải, kế đó lấy chân phải bỏ lên đùi trái-đó là tiêu chuẩn. Bởi vì tư thế kiết-già phu tọa khiến chúng ta dễ nhập Ðịnh, cho nên còn gọi là thế hàng ma tọa, thế kim-cang tọa, hay thế liên hoa tọa. Tư thế này có thể giúp tiêu trừ nghiệp chướng trong vô lượng kiếp, khiến liễu sanh thoát tử, tạo được vô lượng công đức.


Lúc bắt đầu ngồi Thiền, quý vị cần phải luyện tập tư thế căn bản này. Kế đến, quý vị hãy điều chỉnh thân thể-mắt nhìn xuống chót mũi, từ mũi nhìn xuống miệng, từ miệng nhìn xuống tâm. Ðó là bí quyết để khống chế vọng tưởng. Sau đó mới điều hòa hơi thở-đừng mau, đừng chậm-hãy thở một cách tự nhiên. Lúc này quý vị mới tham cứu câu "Ai là kẻ niệm Phật?" Trải qua một thời gian lâu dài, việc tham Thiền sẽ có tác dụng.


Việc dụng công tham Thiền cũng giống như "gà mẹ ấp trứng" vậy. Gà mẹ lúc nào cũng nghĩ đến gà con, cứ chuyên tâm hết lòng ấp trứng. Chẳng phải ấp được năm phút là chạy đi, rồi một lúc sau lại trở về ấp tiếp, ấp chưa tới năm phút lại chạy mất...; bởi làm như vậy thì vĩnh viễn không bao giờ trứng nở ra gà con đặng. Tham Thiền cũng thế-lúc nào cũng phải dụng công miên mật. Ðừng sợ đau lưng, đừng sợ nhức chân, đừng sợ khổ cực, đừng sợ gian nan. Hãy một lòng một dạ tham Thiền. Tham cái gì? Tham câu "Niệm Phật là ai?" Tham cho tới khi "sông cạn, núi cùng, nước dừng, đá hiện" thì lúc đó mới khai ngộ được.


Tham Thiền lại cũng giống như "rồng ấp ủ hạt châu." Rồng lúc nào cũng ôm giữ bảo châu, chẳng hề lơ là hoặc không cẩn thận chú ý. Vì vậy, hạt châu ngày một sáng, còn rồng thì ngày đêm canh giữ hạt châu. Người tham Thiền cũng phải như thế-trong mỗi phút mỗi giây đều không khởi tạp niệm. Cổ nhân nói:

"Nhất niệm bất sanh, toàn thể hiện."
Nghĩa là khi một niệm không sanh khởi thì chân tâm, Phật-tánh hiện bày. Cũng có thể nói rằng:
"Vọng niệm bất sanh, toàn thể hiện."
Hễ vọng niệm không sanh khởi thì lúc ấy toàn thể sẽ hiện rõ. Khi ngừng bặt vọng tưởng, quý vị sẽ có cơ hội thành tựu.


Người tham Thiền không nên nghĩ đến việc thành Phật, đừng để tâm tới chuyện khai ngộ, cũng chớ nghĩ tới chuyện đắc trí huệ. Cứ nỗ lực dụng công, cần cù chăm chỉ tu hành. Khi thời gian chín muồi thì sẽ khai ngộ. Ở trong Thiền-đường, quý vị cứ ngồi Thiền, xong lại đi kinh hành, rồi ngồi tiếp, xong lại đi kinh hành, rồi ngồi tiếp, xong lại đi tiếp... Cứ như vậy, tu một thời gian lâu dài thì quý vị sẽ có cơ hội thành tựu, bởi vì "cửu tọa hữu Thiền," ngồi lâu thì sẽ có Thiền.

Tham Thiền lại cũng giống như "mèo rình chuột." Mèo phải định thần chú ý rình tại ổ chuột, chờ chuột chui ra là chụp ngay. Mèo không thể giải đãi; hễ tâm tán loạn thì không còn chú ý đặng. Người tham Thiền cũng thế-lúc nào cũng phải giữ chặt chánh niệm, không được sanh vọng niệm. Ðó là kiến thức vào Ðạo sơ cấp nhất của việc tham Thiền.

Người tu Ðạo chớ xuống Nam-sơn cũng chớ lên Bắc-hải mà tìm Ðạo. Ðạo vốn ở ngay thân ta. Nếu quý vị có thể ngồi kiết-già phu tọa, chuyên tâm chú ý tham Thiền, thì đó là Ðạo. Không nên có tâm thích chuyện cao siêu diệu vợi, hướng tâm ra ngoài tìm Ðạo; vì như thế thì vĩnh viễn không tìm ra được đâu. Nếu quý vị bỏ cái gần kề để chạy đi tìm cái xa xôi, thì tới đâu quý vị cũng gặp toàn chuyện khó khăn, phiền toái. Ðó là tự mình chuốc lấy rắc rối, tự mình rước khổ vào thân!

(Thiền-thất, 12/1980)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites