Pages

04 March 2013

Quy Y Tam Bảo - Phần I


 "Bảy báu thế gian như vàng, bạc, lưu ly, san hô, xà cừ, mã não, hổ phách được coi trọng, song hưởng dụng một thời gian rồi cũng hết, vì chúng chỉ giúp cho lúc sống chứ không thể độ tự..."





TAM QUI NGŨ GIỚI
Hòa thượng Hư Vân
Dịch Việt: Kiến Châu - Như Thủy - Hạnh Đoan

Tâm chúng sinh và Phật vốn không khác. Tất cả đều do tâm tạo. Mười cõi cũng do tâm tạo. Nếu theo vọng niệm điên đảo thì ra sáu cõi phàm, còn không chạy theo thì sẽ vào bốn cõi thánh. Thường quán sát sẽ thấy thánh hay phàm đều do tâm uế hay tịnh mà hiện. Tâm phàm phu xấu uế khiến hiện ra sáu đường thiện ác tội phước. Bốn cõi thánh do tâm thanh tịnh tạo thành nên uy đức tự tại quang minh, phước tướng dung mạo từ bi.
Khổ hay vui đều do tâm. Quý vị tự tạo nghiệp rồi thọ báo. Muốn biết ở cõi thánh hay phàm nhìn lại lòng mình sẽ rõ.
Phàm phu ngu mê chẳng hiểu tất cả do tâm tạo nên gặp nghịch cảnh thì trách trời oán người, gặp thuận cảnh thì kiêu căng, dương dương tự đắc. Hoặc cả đời làm thiện mà chiêu quả ác nên khởi tâm nghi, hay làm ác lại được hưởng quả lành nên hủy báng nhân quả.
Phải hiểu lý nhân quả rất thâm sâu. Sau khi ta gieo nhân, quả nào chín mùi thì tới trước. Đời nay tuy mình tạo nghiệp lành mà bị chiêu quả xấu thì phải hiểu là nhân ác trong quá khứ đã hội đủ duyên, đã đến lúc chín mùi nên quả trổ trước thì mình phải lãnh thọ. Còn nhân lành đời nay gieo do quả chưa chín nên hiện tại chưa được hưởng. Nếu tin sâu, hiểu rõ điều này thì sẽ không khởi tâm nghi. Từ vô thủy mê muội ta tạo biết bao tội nghiệp oan khiên sâu nặng, bây giờ quả chín tới lúc nó trổ thì ta phải nhận không thể trốn tránh. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tất cả chúng sinh sinh tử triền miên, vì không biết chân tâm thường trụ thể tánh tịnh sáng, do sống với vọng tưởng nên mới bị luân hồi.”
Muốn thoát khổ ta phải làm sao? Không muốn thọ báo trong sinh tử thì phải tịnh hóa vọng tưởng. Vọng tưởng được tịnh rồi thì luân hồi dừng. Vì vậy tâm mê thì gọi chúng sinh, tâm giác gọi là Phật. Phật và chúng sinh khác nhau ở mê và ngộ. Phải biết tâm tánh diệu minh sáng suốt này ai cũng có. Phàm phu tuy có nhưng giống như vàng còn nằm trong mỏ bị đất cát phiền não bao phủ, nên không thể dùng được. Còn Phật do nhiều kiếp tu hành, cát đá lậu hoặc đã được lọc sạch thuần là vàng ròng tinh khiết nên đại dụng vô cùng, vì vậy mà được gọi là Thế Tôn, đấng Giác ngộ viên minh, vượt khỏi chướng ngại. Ta muốn tu thành Phật, trước phải xem nhân phát tâm của mình ra sao và phải trừ tận gốc phiền não. Gốc phiền não nếu sạch thì Phật tánh hiện. Nếu nhân tu không chánh thì phải chiêu quả báo cong vạy.
Bước tập tu đầu tiên là phải Qui y Tam bảo. Các điều ác không làm, chỉ làm toàn điều thiện. Rồi từ đó tu gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nếu không gieo nhân khổ thì quả khổ sẽ tiêu, vượt thoát ba đường khổ, siêu thăng cõi lành, nhập Phật thừa. Đây là nền tảng cho người tu Phật. Tam qui Ngũ giới là bờ bến của người đời, là diệu pháp ban vui cứu khổ. Tam qui là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Qui y Phật: Phật là đấng giác ngộ hằng an lạc, xa rời khổ. Ngài hướng dẫn chúng sinh thoát mê về giác, vì thế ta nên quy y Ngài, hành giáo pháp Ngài để thoát khổ. Phật Thích Ca là giáo chủ cõi Ta bà nên bước đầu tiên là phải quy y Phật.
Qui y Pháp: Tức nương theo pháp môn Phật truyền dạy, ba đời chư Phật đều hành theo pháp này mà thành tựu vô lượng công đức thanh tịnh. Nay ta muốn qui về nguồn cội, tịnh hóa thân tâm, dẹp trừ cấu uế thì phải qui y Pháp.
Qui y Tăng: Chánh pháp phải có người gánh vác hoằng truyền, xả thân vì đạo, xiển dương Phật pháp, dùng văn, tu, tư chứng quả thành Phật. Nếu Phật pháp không người thuyết giảng thì khó lãnh hội. Phật pháp thâm sâu khó hiểu phải nhờ chư Tăng giảng giải, nên ân đức các ngài rất lớn vì vậy phải qui y Tăng.
Tam bảo có ba: Nhất thể Tam bảo, Biệt tướng Tam bảo và Trụ trì Tam bảo.
Nhất thể Tam bảo: là thể của nhất tâm. Phật là đấng giác ngộ, một niệm linh minh, tâm sáng suốt là tự tánh nhất thể Phật bảo. Phật đầy đủ ba đức: Phật, Pháp, Tăng.
Pháp còn nghĩa là quĩ trì, là gìn giữ qui tắc khuôn phép. Tự tánh nhất thể Tam bảo có thể gìn giữ khuôn phép của thế gian và xuất thế gian.
Tăng là một đoàn thể tu sĩ hòa hợp. Tâm giác có khả năng hành trì tất cả pháp. Tâm là pháp, muôn pháp đều qui về tâm. Tâm đầy đủ Phật Pháp Tăng nên có tên là Nhất thể tam bảo. Chúng sinh mê tâm hướng ngoại tìm cầu nên trôi lăn trong sinh tử. Phật nhờ giác tâm này nên chứng được bồ đề.
Biệt tướng Tam bảo: Vì danh tướng của Phật pháp tăng không đồng. Phật là giác ngộ bản tâm, thấu đạt thật tướng, gọi là tự giác. Dùng pháp tu chứng này giác ngộ cho tất cả chúng sinh, gọi là giác tha. Tự giác giác tha đều đầy đủ, gọi là giác hạnh viên mãn. Ba đức này tròn đầy nên thành Phật. Đây là Biệt tướng Phật bảo.
Phật tùy cơ thuyết pháp kinh, luật, luận khác nhau là Biệt tướng Pháp bảo. Theo giáo lý tu hành trình tự tu chứng không đồng, gọi là Biệt tướng Tăng bảo.
Trụ trì Tam bảo: Sau khi Phật nhập diệt, tượng Phật dù được làm bằng xi măng, gỗ, thạch cao hay tranh vẽ ... đều là ruộng phước cho chúng sinh. Nếu biết cung kính hình tượng như Phật con tại thế thì công đức không thể nói hết. Vì trụ trì không tuyệt mất nên gọi là Trụ trì Phật bảo.
Tất cả kinh điển chép lời dạy của Phật được lưu truyền giáo hóa chúng sinh không ngừng, khiến chúng sinh hành trình theo đó, ly khổ được vui, vì vậy nên gọi là Trụ trì pháp bảo.
Người xuất gia cạo tóc, mặc pháp phục Như Lai, xiển dương đạo pháp, hóa độ chúng sinh, nối tiếp hạt giống Phật, là Trụ trì Tăng bảo.
Trụ trì, Biệt tướng và Nhất thể ... đều được gọi là bảo (quí báu) vì không bị pháp thế gian làm tổn hại hay phiền não làm nhiễm ô. Bảy báu thế gian như vàng, bạc, lưu ly, san hô, xà cừ, mã não, hổ phách được coi trọng, song hưởng dụng một thời gian rồi cũng hết, vì chúng chỉ giúp cho lúc sống chứ không thể độ tự. Thế nhưng Tam bảo có thể giúp chấm dứt vô biên sinh tử, khiến người xa lìa khổ não rầu lo, được hạnh phúc an vui mãi.
Tam bảo. tuy gọi nhiều tên nhưng xuất pháp từ nhất tâm, vì tất cả do tâm tạo. Tâm nhiếp thọ tất cả, vốn viên mãn đầy đủ giống như viên ngọc như ý. Vì vậy mới nói là Tự qui y Phật, Tự qui y pháp, Tự qui y tăng. Chứ không hề nói qui y tha, là tựa nương bên ngoài.
Qui, nghĩa là xoay vào, là quay về nguồn cội. Sáu căn chúng sinh xuất phát từ một tâm, vì bỏ gốc chạy theo sáu trần, nên phải thu nhiếp sáu căn quay về tâm, nên gọi là qui mạng. Vì vậy qui y cũng có nghĩa là qui mạng.
Y, là y theo, nương theo. Do chúng sinh chạy theo âm thanh sắc tướng nên bị trôi lăn trong biển khổ không có chỗ nương. Nhờ chọn Tam bảo làm thầy nên có thể thoát u mê, phát tâm bồ đề, hành đạo tu giác, cho đến khi thành Phật.
Qui y Tam bảo xong thì phải y theo pháp mà tu hành để thoát khỏi sinh tử, thoát khỏi phiền não trói buộc của thế gian. Bước nhập môn đầu tiên, ngoài năm giới cấm ra không còn phương pháp trợ giúp nào khác. Do vậy mới có câu: «Nếu không giữ năm giới thì đường sinh lên làm trời người cũng bị cắt đứt»

 
Do vậy mà giới là nền tảng quan trọng giúp tạo điều thiện, phế bỏ hạnh ác, là cội nguồn của đức hạnh, là phương cách giúp người ta siêu phàm nhập thánh. Nhân giới sinh định. Từ định sinh huệ. Nhờ giới, định, huệ mà thành Chánh giác. Nên nói: «Giới là cội gốc của đạo bồ đề vô thượng.» Phật phương tiện khai mở pháp môn. Đầu tiên thuyết Tam qui y, tiếp đến dạy Ngũ giới, chế ra giới Đại thừa, Tiểu thừa v.v... Do căn cơ và tâm tánh chúng sinh không đồng nên giới có từ cạn đến sâu, từ thô đến tế nhưng cứu cánh thì không khác.

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites