Nay ông tự cảm thương tóc bạc mặt
nhăn, mặt ông nhất định là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái thấy sông Hằng của ông hiện
nay và cái thấy sông Hằng của ông hồi nhỏ có già có trẻ chăng?
TUYÊN
HÓA THUỢNG NHÂN
Giảng
thuật
KINH
ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT
NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ-TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM
(QUYỂN
HAI)
Kinh văn:
佛言大王,汝見變化遷改不停。悟知汝滅亦於滅時。知汝身中有不滅耶。波斯匿王合掌白佛我實不知。佛言我今示汝不生滅性。
Đức Phật bảo: “Đại vương, ông thấy sự biến hóa thay đổi không dừng, nên
biết thân mình hoại diệt. Vậy ngay chính khi hoại diệt ấy, ông có biết trong
thân cái gì không hoại diệt chăng?”
Vua
Ba-tư-nặc chắp tay bạch Phật:
“Thật con chẳng biết.”
Đức Phật bảo: “Nay tôi sẽ chỉ cho ông tánh chẳng sinh diệt.”
Giảng:
Sau khi vua Ba-tư-nặc trình bày vì sao thân mình chắc chắn sẽ phải biến
đổi và trở nên hoại diệt, Đức Phật bảo: “Đại vương, ông thấy sự
biến hóa thay đổi không dừng. Ông lưu ý rằng từ khi ông thơ ấu rồi
trở thành tráng niên, từ tráng niên trở nên già lão. Già rồi sẽ đến lúc chết.
Thế nên biết thân mình sẽ hoại diệt. Ông biết rằng trong tương lai mình
chắc chắn sẽ chấm dứt tất cả. Vậy ngay chính khi hoại diệt ấy, ông có biết
trong thân cái gì không hoại diệt chăng?”
Vua Ba-tư-nặc chắp tay bạch Phật. Khi vua nghe Đức Phật nói như vậy, ông cung kính
thưa: “Thật con chẳng biết. Con thật chưa biết đạo lý nầy.”
Đức Phật bảo: “Nay Như Lai sẽ chỉ cho ông tánh chẳng sinh diệt. Tự tánh của ông vốn chẳng sinh diệt, nhưng ông
không nhận ra được điều ấy. Bây giờ Như Lai sẽ giải thích cho ông rõ điều ấy.”
Kinh văn:
大王,汝年幾時見恒河水。王言,我生三歲,慈母攜我。謁耆婆天,經過此流。爾時即知是恒河水。
Đức Phật bảo: “Đại vương! Ông thấy nước sông Hằng lúc ông mấy tuổi?” Vua
Ba-tư-nặc thưa: “Khi lên ba tuổi, mẹ con dẫn đến lễ bái Kỳ-bà thiên, có đi qua
sông nầy. Con được thấy nước sông Hằng khi ấy.”
Giảng:
Đức Phật bảo: “Đại vương! Ông thấy nước sông Hằng lúc ông mấy tuổi?” Vua
Ba-tư-nặc thưa: “Khi lên ba tuổi, mẹ con dẫn đến lễ bái Kỳ-bà thiên. “Yết – 謁” có nghĩa là lễ bái. Kỳ-bà thiên.[1] Hán dịch là Trường thọ thiên. “Mẹ con dẫn đến đền
thờ Kỳ-bà thiên để làm lễ cầu mong được sống lâu. Có đi qua sông nầy. Con được
thấy nước sông Hằng khi ấy. Con biết đó là lúc con thấy được sông Hằng.”
Kinh văn:
佛言大王,如汝所說。二十之時衰於十歲。乃至六十日月歲時念念遷變。則汝三歲見此河時。至年十三其水云何。王言,如三歲時宛然無異。乃至于今年六十二亦無有異。
Đức Phật bảo: “Đại vương, như ông vừa nói khi hai mươi tuổi thấy mình đã
già hơn khi mười tuổi, cho đến khi sáu mươi tuổi, ngày qua tháng lại, niệm niệm
đổi dời. Vậy khi ông thấy sông Hằng lúc ba tuổi, so với cái thấy nước sông Hằng
lúc mười ba tuổi như thế nào?’
Vua thưa: “Cái thấy ấy không khác so với khi con ba tuổi, cho đến nay
con đã 62 tuổi, cái thấy ấy vẫn không khác.”
Giảng:
Đức Phật bảo với vua Ba-tư-nặc : “Đại vương, như ông vừa nói, hãy
xét kỹ lời ông vừa nói, khi hai mươi tuổi thấy mình đã già hơn khi mười tuổi.
Ông biến dạng nhiều so với khi 10 tuổi, ông già hơn. Cho đến khi
sáu mươi tuổi, ngày qua tháng lại, niệm niệm đổi dời. Mỗi niệm mỗi
niệm đều tạo nên sự đổi dời. Vậy khi ông thấy sông Hằng lúc ba tuổi, so với
cái thấy nước sông Hằng lúc mười ba tuổi như thế nào? Thế khi ông lên ba,
thấy sông Hằng lần đầu tiên, ông thấy nước sông Hằng lúc ấy có khác với cái thấy
vào lúc 13 tuổi không?
Vua thưa: “Cái thấy ấy
không khác so với khi con ba tuổi.” Vua Ba-tư-nặc thưa: “Cũng như con thấy nước sông Hằng vào lúc ba tuổi.
Cái thấy ấy không khác. Cho đến nay con đã 62 tuổi, cái thấy ấy vẫn không
khác. Chẳng có hai cái thấy khác nhau, hòan toàn chỉ là một.”
Có nhiều học giả phí nhiều công sức vô lối và bảo rằng có nhiều vấn đề
liên quan đến tuổi tác của vua Ba-tư-nặc đề cập trong kinh nầy. Đó thực là muốn
kiếm chuyện để làm khi không có việc gì cần phải làm cả. Chẳng có việc gì hay để
làm nên họ đã nhặt phân trong nhà vệ sinh. Hẳn vậy; thật đáng với họ!
Kinh văn:
佛言,汝今自傷髮白面皺。其面必定皺於童年。則汝今時觀此恒河,與昔童時觀河之見有童 耄不。王言不也世尊.
Đức Phật bảo: “Nay ông tự cảm thương tóc bạc mặt nhăn, mặt ông nhất định
là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái thấy sông Hằng của ông hiện nay và cái thấy sông Hằng
của ông hồi nhỏ có già có trẻ chăng?
Vua Ba-tư-nặc thưa: “Bạch Thế tôn, không vậy.”
Giảng:
Đức Phật lại bảo vua Ba-tư-nặc: “Nay ông tự cảm thương tóc bạc mặt
nhăn, mặt ông nhất định là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái thấy sông Hằng của ông hiện
nay và cái thấy sông Hằng của ông hồi nhỏ có già có trẻ chăng? Có sự khác
biệt nào chăng giữa những gì ông thấy vào lúc nhỏ và những gì ông thấy hiện nay
khi ông đã già? Có sự khác nhau nào chăng trong cái thấy của ông, cái thấy giúp
ông biết sông Hằng vào lúc ba tuổi và cái thấy của ông bây giờ, phải chăng
không có sự thay đổi già trẻ trong cái thấy đó sao? Phải vậy không?”
Vua Ba-tư-nặc thưa: “Bạch Thế tôn, không vậy.”
Mặc dù vua Ba-tư-nặc
cũng mê mờ như hàng học giả, nhưng vua biết nó không phải như thế; vua biết chẳng
hề thay đổi. Thế nên vua quả quyết “Bạch Thế tôn, không.” Cái thấy của ông không hề thay đổi.
Kinh văn:
佛言大王,汝面雖皺,而此見精性未曾皺。皺者為變不皺非變。
Đức Phật bảo: “Đại vương, mặt ông tuy nhăn, nhưng tánh thấy nầy chưa từng
bị nhăn. Cái bị nhăn thì biến đổi, còn cái không bị nhăn thì chẳng biến đổi.
Giảng:
Đức Phật bảo: “Đại vương, mặt ông tuy nhăn, nhưng tánh thấy nầy chưa từng
bị nhăn. Cái thấy của ông nhìn nước sông Hằng không hề bị nhăn. Tánh thấy không hề bị nhăn; nó vẫn như vậy. Cái bị nhăn thì biến đổi. Vết
nhăn trên mặt ông biểu hiện sự biến đổi. Còn cái không bị nhăn thì chẳng biến
đổi. Vì cái thấy không bị nhăn, sao ông gọi nó biến đổi? Nó không biến đổi
bao giờ.”
Kinh văn:
變者受滅彼不變者元無生滅。云何於中受汝生死。而猶引彼末伽梨等。都言此身死後全滅。
“Cái biến đổi thì phải bị hoại diệt, cái không biến đổi kia vốn chẳng
sinh diệt, làm sao trong ấy nó nhận chịu sự sinh tử của ông?, mà ông còn dẫn lời
của ngoại đạo Mạt-già-lê rằng: thân nầy sau khi chết là hòan toàn mất hẳn.”
Giảng:
“Cái biến đổi thì phải bị hoại diệt,
cái không biến đổi kia vốn chẳng sinh diệt, làm sao trong ấy nó nhận chịu sự
sinh tử của ông? Vì nó không sinh không
diệt, làm sao ông bảo tánh thấy sẽ phải chịu sinh tử như thân của ông? Mà
ông còn dẫn lời của ngoại đạo Mạt-già-lê rằng: thân nầy sau khi chết là hòan
toàn mất hẳn.”
Mạt-già-lê,[2] Hán dịch là bất kiến đạo –不 見 道, chủ trương không nhân không quả, tự nhiên và đoạn
diệt, sau khi chết là biến mất hẳn.
Kinh văn:
王聞是言,信知身後捨生趣生。與諸大眾踊躍歡喜得未曾有。
Vua nghe lời ấy, tin rằng thân nầy sau khi chết sẽ sinh thân khác, nên
vua cùng đại chúng vui mừng đứng phắt dậy, như được điều chưa từng có.
Giảng:
Vua Ba-tư-nặc nghe lời ấy, ông
tin rằng thân nầy sau khi chết, sau khi chấm dứt mạng căn nơi thân nầy, khi thân nầy đã bỏ đi rồi, sẽ sinh thân khác. Người ta sẽ đi vào một cõi giới khác để tái sinh một thân mới. Nên vua cùng đại chúng vui mừng đứng phắt dậy– họ rất vui mừng nên reo hò nhảy nhót–như được điều chưa từng có. Họ nói rằng: “Chúng con chưa từng bao giờ nghe được đạo lý
nầy. Chúng con hòan toàn mê lầm về thuyết sinh tử, thường hằng và đoạn diệt.”
Kinh văn:
阿難即從座起禮佛。合掌長跪白佛。世尊,若此見聞必不生滅。云何世尊名我等輩。遺失真性顛倒行事。願興慈悲洗我塵垢.
A-nan từ chỗ ngồi liền đứng dậy, chắp tay quỳ xuống bạch Phật: “Bạch Thế
tôn, nếu cái thấy nghe nầy thật là không sinh diệt, tại sao Thế tôn gọi chúng
con bỏ quên chân tánh, làm việc điên đảo? Nguyện xin Thế tôn đem lòng từ bi rửa
sạch trần cấu cho chúng con.”
Giảng:
Lúc nầy A-nan có câu hỏi
khác. Nên A-nan từ chỗ ngồi liền đứng
dậy, chắp tay quỳ xuống bạch Phật: “Bạch Thế tôn, nếu cái thấy nghe nầy thật là
không sinh diệt, tại sao Thế tôn gọi chúng con bỏ quên chân tánh, làm việc điên
đảo? Thế tôn bảo rằng chúng con ‘bỏ mất’ chân tánh, toàn làm
những chuyện điên đảo. Chúng con thực sự đã làm những việc trái nghịch. Nguyện xin Thế tôn đem lòng từ bi rửa sạch trần
cấu cho chúng con. Tẩy trừ những cấu bẩn của nghi lầm mê muội trong
tâm chúng con.”
Kinh văn:
即時如來垂金色臂。輪手下指,示阿難言。汝今見我母陀羅手為正為倒。阿難言,世間眾生以此為倒。而我不知誰正誰倒。
Liền khi ấy Đức Phật buông cánh tay sắc vàng, năm ngón tay chỉ xuống, bảo
A-nan rằng: “Nay ông thấy cánh tay mẫu-đà-la của Như Lai là thuận hay là nghịch?”
A-nan thưa: “Chúng sinh trong thế gian cho đó là nghịch, riêng con chẳng
biết thế nào là thuận, thế nào là nghịch”
Giảng:
Đức Phật nghe A-nan trả
lời như vậy rồi. Liền khi ấy Đức
Phật buông cánh tay sắc vàng, năm ngón tay chỉ xuống, bảo A-nan rằng: “Nay ông
thấy cánh tay mẫu-đà-la của Như Lai là thuận hay là nghịch? Khi Như Lai làm như thế, cánh tay của Như Lai là xuôi hay ngược?”
A-nan thưa: “Chúng sinh trong thế gian cho đó là nghịch, mọi chúng sinh trong thế gian, mọi người ai cũng cho đó là nghịch. Riêng con chẳng biết thế nào là thuận, thế nào
là nghịch. Con, A-nan, không biết gọi thế
nào là thuận và thế nào là nghịch.” A-nan không tự quyết định được, thật là nan
giải. Trả lời theo cách nầy, nếu sai, thì chẳng phải đó là ý của A-nan. Đó là ý
tưởng của ‘chúng sinh’ trong thế gian.
Kinh văn:
佛告阿難,若世間人以此為倒.即世間人將何為正.阿難言如來豎臂兜羅綿手。上指於空則名為正.
Đức Phật bảo A-nan: “Nếu người thế gian cho đây là nghịch, vậy họ cho thế
nào là thuận?”
A-nan thưa: “ Khi Như Lai đưa cánh tay đâu-la miên lên, các ngón tay chỉ
lên hư không, đó gọi là thuận.”
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan: “Nếu người thế gian, ông bảo chúng sinh trong thế gian cho đây là nghịch, vậy họ cho thế nào là thuận, Như Lai hỏi ông?”
A-nan thưa: “ Khi Như Lai đưa cánh tay đâu-la miên lên, các ngón tay chỉ
lên hư không, đó gọi là thuận. Khi Như
Lai đưa cánh tay lên phía đầu, đó gọi là thuận.
Kinh văn:
佛即豎臂告阿難言。若此顛倒首尾相換。諸世間人一倍瞻視。
Đức Phật liền đưa cánh tay lên rồi bảo A-nan: “Điên đảo là như thế, lấy
đầu làm đuôi. Chúng sinh trong thế gian đều nhìn thấy như vậy.”
Giảng:
Đức Phật liền đưa cánh tay lên rồi bảo A-nan: “Điên đảo là như thế, lấy
đầu làm đuôi. Chúng sinh trong thế gian đều nhìn thấy như vậy.” Thật là mê mờ khi gọi
chiều thuận là nghịch và gọi chiều nghịch là thuận chỉ vì vị trí hóan đổi.
Kinh văn:
則知汝身與諸如來。清淨法身比類發明。如來之身名正遍知。汝等之身號性顛倒。
Nên biết thân ông cùng với pháp thân thanh tịnh của các Đức Như Lai,
theo đó mà phát minh, thì thân Như Lai gọi là chính biến tri, còn thân của ông
gọi là tánh điên đảo.
Giảng:
“Một khi đã có mê lầm
trong mê lầm, thì chúng sinh liền cho rằng thân họ và pháp thân thanh tịnh của
Như Lai là khác nhau. Nên
biết thân ông cùng với pháp thân thanh tịnh của các Đức Như Lai, theo đó mà
phát minh. Trên cái mê lại chồng thêm mê, nên chúng sinh
không hiểu được đạo lý nầy.
“Thân Như Lai gọi là chính biến tri, còn thân của ông gọi là tánh điên đảo. Họ cho rằng thân Như Lai là thân chính biến tri, tức tự biết rõ chân tâm
bao trùm khắp mọi pháp giới, là tâm giác ngộ chân chính. Và họ cho rằng tâm
mình là điên đảo vì mê mờ và vô minh. Họ sẽ cho rằng bản tánh mình là điên đảo.”
Kinh văn:
隨汝諦觀汝身佛身。稱顛倒者名字何處號為顛倒.于時阿難與諸大眾。瞪瞢瞻佛目精不瞬。不知身心顛倒所在.
“Ông nên quán sát kỹ thân ông và thân Phật, tên gọi điên đảo ấy, chỗ nào
là điên đảo?
Khi ấy A-nan và toàn thể đại chúng chăm chăm nhìn Phật không chớp mắt,
không biết nơi thân tâm mình chỗ nào là điên đảo.”
Giảng:
“Ông nên quán sát kỹ thân ông và thân Phật, tên gọi điên đảo ấy. Hãy chiêm nghiệm thật sâu, quán sát thật kỹ.” Đức Phật bảo, “đối với cái
điên đảo nầy. Chỗ nào là điên đảo? ”
Khi ấy A-nan và toàn thể đại chúng chăm chăm nhìn Phật không chớp mắt, cũng giống như cách người mù chăm chăm nhìn mà không thấy
được gì. Họ không rời mắt khỏi Đức Phật. Không biết nơi thân tâm mình chỗ nào là điên đảo. Họ không thể nhận ra được trong thân họ, chỗ nào là điên đảo. Họ lại bối rối
một lần nữa.
Kinh văn:
佛興慈悲哀愍阿難及諸大眾。發海潮音遍告同會.
Đức Phật khởi lòng từ bi, thương xót A-nan và cả đại chúng, nên phát ra
lời nói với âm thanh như tiếng hải triều, dạy bảo hội chúng.
Giảng:
Đức Phật khởi lòng từ bi, thương xót A-nan và cả đại chúng. Khi Đức Phật thấy A-nan cùng cả hội chúng đều ngơ ngác
không biết mình điên đảo chỗ nào, Đức Phật bèn khởi lòng từ phát ra lời nói với âm thanh như tiếng hải triều,
dạy bảo hội chúng. Tập hợp đại chúng lại bằng năng lực âm thanh cực
kỳ to lớn, Đức Phật đã hòan toàn thu hút sự chú tâm của họ và bắt đầu giảng
pháp cho họ.
Kinh văn:
諸善男子,我常說言。色心諸緣及心所使諸所緣法唯心所現.
Này các thiện nam tử! Như Lai thường nói: “Sắc, tâm, các duyên, các tâm
sở sử cùng các pháp sở duyên, đều do tâm biến hiện.”
Giảng:
Khởi lòng từ rộng lớn, Đức Phật bảo: “Này các thiện nam tử!” tức là số đông các nam nữ cư sĩ Phật tử có mặt
trong pháp hội. “Như Lai thường nói: Sắc, tâm, các duyên,
các tâm sở sử cùng các pháp sở duyên.” Đức Phật nói rằng: “ Trước
đây, Như Lai đã nói rất nhiều lần.”
“Sắc” là chỉ cho các sắc pháp, và “tâm” là chỉ
cho tâm pháp. Theo Bách pháp minh môn luận, có 11 sắc pháp và 8 tâm
pháp. Tâm pháp thuộc về 8 thức tâm vương. Có 51 thứ thuộc về tâm sở pháp, 24 thứ
thuộc về tâm bất tương ưng pháp, có nghĩa là không tương ưng với sắc pháp,
không tương ưng với tâm pháp, hay với vô vi pháp. Cùng với 6 pháp vô vi, tạo
thành tất cả 100 pháp.
Các duyên có nghĩa là 4
duyên:
-Thân nhân duyên 親 因 緣: duyên dựa trên
nhân tức thời.
-Tăng thượng duyên 增 上 緣.
-Thứ đệ duyên 次 弟 緣: còn gọi là đẳng
vô gián duyên.
-Sở duyên duyên 所 緣 緣.
“Đều
do tâm biến hiện.” Tất cả các pháp đều sinh khởi từ nhân duyên và
không pháp nào vượt ra ngoài biểu hiện dù chỉ trong một niệm tưởng từ chân tâm.
Từ đó mà tất cả các pháp – núi sông, đất liền, cỏ cây cùng vô số hiện tượng
sinh thành. Chúng đều xuất sinh từ tâm; tất cả các pháp ấy đều bao gồm trong
tâm. Chẳng phải các pháp nầy chứa đựng bản tâm mà trái lại: tuyệt đối tất cả
các pháp chung quanh ta, cả tự nhiên lẫn nhân tạo, tất cả đều lưu xuất từ bản
tâm. Nếu quý vị nhận ra chân tâm thường trú của mình, thì tất cả các pháp nầy
không còn hiện hữu nữa.
Kinh văn:
汝身汝心皆是妙明真精妙心中所現物。
Thân
tâm ông đều là vật hiện ra từ trong diệu minh chân tinh diệu tâm.
Giảng:
“Thân
tâm ông đều là vật hiện ra từ trong diệu minh chân tinh diệu tâm.” “Thân ông” có nghĩa là thân thể ông đang mang hiện nay, và “tâm ông” có
nghĩa là tâm thức của ông. Cả 2 đều là biểu hiện từ diệu minh chân tinh diệu
tâm. Đó có phải là vượt lên trên và bên ngoài thức tâm mà có một diệu minh chân
tâm khác hay sao?
Không phải vậy. Đó
chính là thức tâm của quý vị, nó vốn ở trong diệu minh chân tâm, nhưng vì chúng
sinh không biết vận dụng diệu minh chân tâm nầy, nhận lầm thức tâm làm chân
tâm. Thực là sai lầm, họ đã nhận giặc làm con. Do đó khiến họ phát sinh vô số
điên đảo.
Kinh văn:
云何汝等遺失本妙圓妙明心寶明妙性。認悟中迷.
Tại
sao các ông lại bỏ mất tâm tánh vốn nhiệm mầu sáng suốt ấy, mà nhận cái mê
trong ngộ?
Giảng:
“Tại
sao các ông, tất cả mọi chúng sinh, lại
bỏ mất tâm tánh vốn nhiệm mầu sáng suốt ấy là chân tâm thường trú xưa
nay vốn vi diệu, vốn đã sáng suốt nhiệm mầu viên mãn, là tự tánh cực kỳ trong
sáng và quý báu, mà nhận cái mê trong ngộ?”
Các
ông cho rằng mình đã hiểu rõ về chân tâm thường trú, bản tính vốn thanh tịnh
sáng suốt ấy, nhưng thực ra quý vị chưa hiểu được chút nào cả. Các ông hòan
toàn chưa nhận ra rằng mình có được chân tâm vốn thường viên mãn sáng suốt nhiệm
mầu, là bản tánh vi diệu trong sáng và quý báu. Các ông nhận thức tâm của mình
làm chân tâm. Các ông cho đó là cái tâm mà mình đã biết rõ, đã hiểu và tâm ấy sẽ
giác ngộ. Nhưng thực ra đó chỉ là mê trong mê, các ông chưa thực sự hiểu được.
Đó là điên đảo, đó là các ông nhận lầm giặc cướp làm con.
[1] s: Jiva
Deva.
[2] S: Maskari
Gośāliputra : Mạt-già-lê Câu-xa-lê-tử ;末 伽 黎 拘 賒 梨 子. Còn gọi tắt là
Mạt-khư-lê.
Kinh văn:
中迷晦昧為空。空晦暗中, 結暗為色。
Mê
muội thành ra có hư không, trong hư không mê muội ấy, kết cái tối tăm thành sắc.
Giảng:
“Mê
muội thành ra có hư không.” Chân tâm thanh tịnh sáng suốt vốn siêu việt
ngộ và mê, thế tại sao chúng ta bỗng dưng “bỏ quên” tâm tánh của mình? Là vì một
niệm vô minh từ vô thuỷ, ở đây có nghĩa là “mê muội,” . Mê muội tức là vô minh
hắc ám, giống như hư không xuất hiện trong giấc mơ, nên nói đồng như hư không.
Do vô minh hắc ám làm cho hư không linh minh đỗng triệt biến thành hư không tối
tăm mông muội, trong cái ngoan không tối tăm mờ ám ấy, lại nương vào lực của vô
minh, chuyển cái trí sáng suốt vốn thường có thành vọng kiến của trí năng kiến.
Đây là nghiệp tướng, tướng đầu tiên trong tam tế. “Trong hư
không mê muội ấy, kết cái tối tăm thành sắc–dạng kết tinh từ hôn ám. Đây
cũng là khởi đầu của pháp Thập nhị nhân duyên: vô minh duyên hành. Ngoan
không, tâm vọng tưởng mê muội, lại nương vào nơi lực vô minh, nên chuyển trí tuệ
sáng suốt bản hữu thành cái thấy sai lầm từ năng giác. Đây gọi là chuyển tướng,
tướng thứ nhì trong tam tế.
Vì nơi khởi đầu của nghiệp tướng không thể thấy
được, nên năng kiến (cái thấy- subjective seeing) nhìn quá lâu khiến cho
vọng kiến sinh khởi thành sắc chất mà nó ánh hiện ra. Đó còn gọi là Nhìn
lâu hóa ra mỏi mệt [1]. Cũng như trong giấc mơ, người nằm mê thường
thấy mình có thân trong mơ, tâm trong mơ, và cảnh tượng hư giả chung quanh mà họ
thấy mình đang sống trong đó, bao gồm những ảo ảnh – như núi sông đất liền. Đây
là hiện tướng, tướng thứ ba trong tam tế.
Kinh văn:
色雜妄想,想相為身。
Sắc xen tạp với vọng
tưởng, nhận tướng vọng tưởng làm thân.
Giảng:
Sắc xen tạp với vọng tưởng,
nhận tướng vọng tưởng làm thân.
Trong ngoan không và vô minh, cái tối tăm
mông muội kết lại thành sắc–dạng như cảnh tượng hiện hữu trong giấc mơ. Sắc xen
tạp với vọng tưởng. Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc. Vọng
tưởng là thức tâm, và khi nó nhận sắc làm thân, đó gọi là danh sắc. Chúng ta có
thân vì chính vọng tưởng của chúng ta đã tạo ra nó.
Kinh văn:
聚緣內搖,趣外奔逸。昏擾擾相,以為心性。
Nhóm các duyên dao động bên trong, rong ruổi theo
cảnh vật bên ngoài, nhận tướng mờ mịt lăng xăng đó làm tâm tánh.
Giảng:
“Nhóm các duyên dao động
bên trong, rong ruổi theo cảnh vật bên ngoài.” Có nhiều
duyên kết hợp lại với nhau tạo thành thân tâm. Vào thời điểm tụ hội các duyên
bên ngoài nầy, quý vị có thể nói rằng từ nơi 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,
ý; danh sắc duyên theo 6 lối vào ấy, rồi 6 lối vào (căn) ấy duyên với xúc.
Khuynh hướng rong ruổi ra bên ngoài là tướng trạng thô của tri giác, vốn thường
có nơi trẻ con. Trong trường hợp nầy, đề cập đến các giác quan bị lôi cuốn ra
bên ngoài do trần cảnh. Xúc và vọng tưởng phóng ra bên ngoài lăng xăng nhiễu động
khắp mọi nơi do vì không có trí huệ. Họ không biết mình đã chạy đi đến đâu nữa;
họ không thể nói cho người khác biết là mình đang ở phía Đông , Tây, Nam hay Bắc.
Đây thực là tình trạng hỗn loạn và mất tự chủ.
“Nhận tướng mờ mịt
lăng xăng đó làm tâm tánh.”
Quý vị cho rằng tình trạng
mờ mịt lăng xăng đó là tâm tánh của mình. Quý vị ở trong tình trạng mờ mịt lăng
xăng, không được sáng suốt như thể là quý vị đã bị đánh mất nó–quên mất bản tâm
vốn thường sáng suốt quý báu tròn đầy vi diệu. Nhưng thực sự chẳng mất đi đâu;
quý vị chỉ dường như quên mất chân tâm của mình thôi, vì quý vị nhận tướng trạng
mờ mịt lăng xăng làm tâm tánh của mình, là chân tâm vốn thường hằng sáng suốt
tròn đầy vi diệu, thế nên quý vị bị lăng xăng nhiễu động.
Kinh văn:
一迷為心。決定惑為色身之內。
Một khi đã lầm là tâm thì chắc chắn nhận lầm
tâm ở trong thân.
Giảng:
Quý vị đã mê lầm do chấp trước vì thiếu trí huệ. “Một khi đã lầm là tâm thì chắc chắn nhận lầm tâm ở trong thân.” Quý vị cho rằng chân tâm
mình nằm ở trong sắc thân nầy. Đây là mê lầm đầu tiên.
Kinh văn:
不知色身外泊山河虛空大地。咸是妙明真心中物。
Chẳng
biết rằng từ sắc thân cho đến núi sông, hư không và thế giới đều là vật ở trong
diệu minh chân tâm.
Giảng:
Nhiều người cho rằng tâm là ở trong thân. Đây là một sai lầm nghiêm trọng
nhất. Thế tâm ở ngoài thân chăng? Nó cũng chẳng ở ngoài. Nhưng như tôi đã nói,
cũng chẳng phải là tâm ở trong thân. Mọi người chúng ta đều ở trong chân tâm.
Thế nên Kinh dạy: “Các ông chẳng biết rằng từ sắc thân
cho đến núi sông, hư không và thế giới đều là vật ở trong diệu minh chân tâm.” Tất cả những hiện tượng nầy đều lưu xuất từ
chân tâm sáng suốt vi diệu của quý vị. Nó chẳng ở bên ngoài thân. Thế nên quý vị
phải nhận ra rằng chân tâm của chúng ta bao trùm cả hư không và sum la vạn tượng;
chẳng phải là hư không và sum la vạn tượng bao trùm chúng ta. Nếu quý vị hiểu
được đạo lý nầy thì quý vị không còn là người bị quên mất bản tâm nữa.
Kinh văn:
譬如澄清百千大海。棄之唯認一浮漚體。目為全潮窮盡瀛渤。
Ví như bỏ đi trăm ngàn
biển lớn trong lặng, chỉ nhận một hòn bọt nổi mà cho là toàn thể biển lớn.
Giảng:
“Ví như điều gì? Như Lai sẽ cho ông một thí dụ. Ví như
bỏ đi trăm ngàn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một hòn bọt nổi.” Quý vị chỉ nhận một hòn bọt nổi trên mặt đại
dương mênh mông và cho rằng: “Hòn bọt nầy là biển cả.” Có phải sai lầm nghiêm
trọng không? Trường hợp nầy cũng giống như A-nan cho rằng tâm ở trong thân vậy.
Cái tâm ở trong thân quý vị cũng chỉ nhỏ như hòn bọt trên mặt biển. Chân tâm
chúng ta, là tâm siêu việt ngoài thân, là rộng lớn mênh mông như trăm ngàn đại
dương mà quý vị chưa từng nhận ra nó; quý vị chưa nhận ra được chân tâm mình
cũng rộng lớn mênh mông như trăm ngàn đại dương kia. Quý vị chỉ nhận hòn bọt nhỏ
nhoi làm biển lớn. Cũng vậy, chân tâm thường trú thể tính thanh tịnh sáng suốt
vi diệu, là bản thể pháp tánh, vốn trùm khắp pháp giới, nó ở khắp mọi nơi; đó
chính là chân tâm chúng ta. Nhưng quý vị không nhận ra đó chính là chân tâm
mình. Điều nầy giống như nhìn hòn bọt nhỏ nhoi mà cho
là toàn thể biển lớn. Đây cũng là sai lầm khi nhận
cái tâm nhỏ nhoi ở trong thân mình cho là chân tâm. Chân tâm không nằm ở bên
trong cũng chẳng ở bên ngoài. Tất cả quý vị đều có đầy đủ và trọn vẹn, chỉ vì
quý vị không nhận ra nó. Quý vị không nhận ra chân tâm nơi chính mình.
Kinh văn:
汝等即是迷中倍人。如我垂手等無差別。如來說為可憐愍者.
Các ông là những người
trong đám người mê, (cũng điên đảo) như cánh tay Như Lai rủ xuống không khác.
Như Lai nói các ông thật là đáng thương xót.
Giảng:
“Các ông là người mù
trong những kẻ mù. Các ông là những người chưa chứng được quả
vị hay chưa đạt được quả vị vô lậu, các ông đều là những người mù trong đám mù.
(Cũng điên đảo) như cánh tay Như Lai rủ xuống không khác. Khi Như Lai duỗi
cánh tay xuống, các ông cho đó là ngược. Khi Như Lai đưa tay lên, các ông gọi
đó là thuận. Thực ra cánh tay chẳng có gì là thuận hay nghịch cả. Chẳng có gì
là thuận hay nghịch, nhưng các ông lập ra rồi gọi đó là ‘thuận’ hay ‘nghịch’.
Đây là mê mờ ở trong mê mờ. Vốn chẳng có chuyện gì cả, nhưng các ông làm ra
chuyện. Vốn chẳng có gì rắc rối cả, nhưng các ông kiếm cho ra cái rắc rối. Đó
nghĩa là người mù trong đám mù. Cũng giống như nhận lầm hòn bọt nhỏ nhoi cho là
biển cả không khác.
“Như Lai nói các ông
thật là đáng thương xót.” Đức Phật nhìn những người bị mê mờ trùng điệp như
vậy với lòng rất thương xót. Những người chồng chất cái mê nầy trên cái mê kia
thật đáng buồn thay.
Kinh văn:
阿難承佛悲救深誨。垂泣叉手而白佛言。我雖承佛如是妙音。悟妙明心元所圓滿常住心地。
A-nan nghe lời chỉ dạy từ
bi cứu độ sâu mầu của Đức Phật, khóc lóc rồi chắp tay bạch rằng: “Tuy con nghe
được pháp âm vi diệu của Phật, ngộ được tâm vốn thanh tịnh sáng suốt viên mãn
thường trú,”
Giảng:
Như trong phần mở đầu
kinh văn đã đề cập đến, A-nan rơi vào nhà ngoại đạo và gặp nguy hiểm nghiêm trọng,
gần đến bờ vực hủy phá giới thể. Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi dùng chú Thủ
Lăng Nghiêm để giải cứu A-nan rồi đưa A-nan trở về, rồi Đức Phật chỉ dạy cho
A-nan rất kỹ lưỡng không biết đã bao nhiêu lần. Thế nên Kinh nói: A-nan nghe
lời chỉ dạy từ bi cứu độ sâu mầu của Đức Phật, khóc lóc rồi chắp tay bạch rằng.
A-nan quá biết ân Đức Phật đến nỗi không biết phải làm gì nữa, nên A-nan chỉ biết
khóc. Nước mắt chảy ràn rụa khi A-nan nói.
“Tuy con nghe được
pháp âm vi diệu của Phật, ngộ được tâm vốn thanh tịnh sáng suốt viên mãn thường
trú. Con đã được Đức Phật chỉ dạy giáo lý nhiệm mầu như con vừa nói, với
pháp âm vi diệu như vậy, bây giờ con mới giác ngộ ra chân tâm mình vốn sáng suốt
nhiệm mầu, xưa nay vốn viên mãn, thường trú và không hề thay đổi. Bây giờ con mới
nhận ra đó là chân tâm thường trú, thể tánh sáng suốt thanh tịnh của mình.”
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment