Quý vị càng tự cho mình thông
minh linh lợi bao nhiêu thì quý vị càng ngu đần bấy nhiêu, ngu đần như heo vậy.
Heo thì không có khả năng tự cho nó là thông minh. Còn nếu quý vị tự cho mình
là thông minh thì quý vị là kẻ ngu đần nhất trần gian, vì quý vị là người quá tự
mãn.
TUYÊN
HÓA THUỢNG NHÂN
Giảng
thuật
KINH
ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT
NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ-TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM
(QUYỂN
HAI)
Kinh văn:
而我悟佛現說法音。現以緣心允所瞻仰。徒獲此心未敢認為本元心地。
Song con ngộ được pháp
âm của Phật vừa dạy, con cũng dùng tâm phan duyên để nhận biết điều ước mong.
Con dù có được tâm nầy, cũng chưa dám nhận là tâm tánh xưa nay hằng có.
Giảng:
“Song con ngộ được
pháp âm của Phật vừa dạy, con cũng dùng tâm phan duyên để nhận biết điều ước
mong.” A-nan nói rằng khi giác ngộ ra pháp âm vi diệu và chiêm ngưỡng uy đức
của Đức Phật, A-nan vẫn còn dùng tâm phan duyên của mình để nhận biết. “Con
dù có được tâm nầy, cũng chưa dám nhận là tâm tánh xưa nay hằng có.” A-nan
nói rằng tuy mình đã ngộ ra điều ấy, nhưng ông chưa dám nhận mình có tâm ấy.
A-nan không dám hòan toàn thừa nhận rằng đó chính là chân tâm của mình. Đức Phật
đã giảng giải cho A-nan rằng: “Núi sông đất liền, sum la vạn tượng, tất cả đều
hiện ra từ tâm ông. Tất cả đều ở trong chân tâm của ông.” Đức Phật giảng giải rằng
tánh thấy chính là chân tâm thường trú của mỗi chúng ta. A-nan nhận ra được đạo
lý nầy, nhưng A-nan vẫn chưa dám nhận nó và cho đó là chân tâm mình. A-nan chưa
chịu hồi đầu tức thì. Vì thế nên đến đây A-nan lại hỏi nữa. A-nan luôn luôn có
chuyện để hỏi.
Kinh văn:
願佛哀愍,宣示圓音。拔我疑根歸無上道.
“Cúi mong Đức Phật
thương xót, tuyên dạy viên âm, nhổ sạch gốc nghi ngờ trong con, để quay về đạo
vô thượng.”
Giảng:
Tại sao A-nan không nhận
ra được đạo lý nầy?
A-nan nói rằng khi nghe
Đức Phật giảng pháp, A-nan đã dùng tâm phan duyên để nghe pháp. A-nan lầm tưởng
rằng chẳng có tâm phan duyên, chẳng có pháp để được nghe. Đây là một sai lầm lớn.
Sai lầm nầy A-nan đã mắc phải cũng như nhiều cư sĩ khác.
A-nan nói: “Thật đúng là
con phải loại bỏ tâm phan duyên đi, nhưng khi con đã không còn tâm phan duyên nữa,
thì lấy gì để nghe pháp? Con sẽ không còn tâm nữa hay sao?” A-nan vẫn tin rằng
tâm phan duyên chính là chân tâm mình. A-nan không biết rằng tâm phan duyên của
mình, là tâm đã tạo nên mọi phân biệt, kế chấp, là thức tâm, là đối tượng của
sinh diệt. Nếu quý vị loại bỏ tâm phan duyên mà nghe pháp, thì mới gọi là chân
chính nghe pháp. Nếu quý vị nghe pháp bằng chân tâm, thì tất cả các pháp đều là
chính pháp. Nếu quý vị nghe pháp bằng tâm phan duyên, bất luận quý vị có nghe
nhiều bao nhiêu, thì dường như luôn luôn có cái đúng và có cái chưa đúng. Đó là
tâm nghi ngờ tương tục. Quý vị nên nghe pháp bằng chân tâm.
Nhưng A-nan đã biết vậy,
nên A-nan không dám nhận những gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói về chân tâm.
A-nan sợ rằng nếu mình nhận ra chân tâm, thì mình không còn nghe pháp được nữa,
vì nghe pháp là điều quan trọng nhất đối với ông. A-nan nghĩ: “Đối với tôi, tâm
sinh diệt hay tâm gì đó chẳng thành vấn đề, điều quan trọng là tôi được nghe
pháp.” Đó chính là điểm mà A-nan không hiểu được và khiến cho A-nan nghi ngờ.
Do vì A-nan không nhận
ra đạo lý nầy, nên bạch Phật: “”
“Cúi mong Đức Phật
thương xót, tuyên dạy lời viên âm.” Viên âm là âm thanh viên dung không
ngăn ngại. Viên âm tức là nhất âm. Nên nói rằng: “Đức Phật chỉ dùng một âm
thanh mà thuyết pháp, chúng sinh tuỳ theo căn cơ nghiệp lực mình đều được hiểu.”
Khi loài người nghe nhất âm, họ cũng hiểu được; khi chư thiên nghe nhất
âm, chư thiên cũng hiểu được; khi loài ngạ quỷ nghe nhất âm, ngạ quỷ cũng hiểu
được; ngay cả khi loài súc sinh nghe nhất âm, loài súc sinh cũng hiểu được.
Mọi loài chúng sinh– người, trời, Bồ-tát, A-la-hán, đại tỷ-khưu, loài vật, loài
ở địa ngục, quỷ đói–mỗi loài đều hiểu được giáo lý Đức Phật giảng giải bằng nhất
âm. Khi Đức Phật giảng pháp, chúng sinh chỉ cần có duyên với Đức Phật, bất
luận họ ở xa Đức Phật bao nhiêu, họ đều có thể nghe lời nói của Đức Phật như thể
họ đang ở ngay bên cạnh Ngài vậy. Không cần bận tâm đến khoảng cách. Quý vị xem
đó có vi diệu không?
Thế nên A-nan cầu thỉnh
Đức Phật dùng viên âm chỉ dạy, để “nhổ sạch gốc nghi ngờ trong con, để quay
về đạo vô thượng. Con chưa giải trừ được mối nghi trong lòng. Cội gốc nghi
ngờ vẫn còn trong tâm con. Nếu Đức Phật giúp cho con nhổ sạch gốc rễ ấy, thì
con mới có thể nhận ra đạo vô thượng.”
Kinh văn:
佛告阿難,汝等尚以緣心聽法。此法亦緣非得法性。
Đức Phật bảo A-nan: “Các
ông vẫn còn dùng tâm phan duyên để nghe pháp, thì pháp ấy chỉ là sở duyên (hư vọng),
chẳng phải là pháp tánh.”
Giảng:
Đáp lời cầu thỉnh của
A-nan để giải trừ mối nghi của ông, Đức Phật bảo: “Các ông vẫn còn dùng tâm
phan duyên để nghe pháp, thì pháp ấy chỉ là sở duyên (hư vọng), chẳng phải là
pháp tánh.”
Các ông vẫn còn tâm phan
duyên, thế nên khi các ông nghe pháp
thì pháp ấy cũng sẽ thành pháp sở duyên. Nó trở thành pháp sinh diệt, chẳng
phải là pháp tánh. Các ông chưa nhận ra được bản thể chân tánh của các
pháp.”
Kinh văn:
如人以手指月示人。彼人因指當應看月。
Như người dùng ngón tay
chỉ mặt trăng cho người khác xem, người kia phải nhờ ngón tay mới thấy được mặt
trăng.
Giảng:
“Như người dùng ngón tay
chỉ mặt trăng cho người khác xem, người kia phải nhờ ngón tay mới thấy được mặt
trăng. Như Lai sẽ cho ông một ví dụ. Tôi chỉ mặt trăng rồi
hỏi ông: ‘ Đó là mặt trăng. Ông có thấy không?’ Việc ấy cốt là để cho ông nhìn
thấy mặt trăng.”
Kinh văn:
若復觀指以為月體。此人豈唯亡失月輪亦亡其指。何以故。以所標指為明月故。
Nếu lại nhìn ngón tay nhận là mặt trăng, thì người
ấy không những quên mất mặt trăng mà còn mất luôn cả ngón tay. Vì sao? Vì cho
ngón tay là mặt trăng sáng.
Giảng:
“Nếu lại nhìn ngón
tay nhận là mặt trăng, thì người ấy không những quên mất mặt trăng mà còn mất
luôn cả ngón tay.
Nhưng ông không chịu
nhìn mặt trăng mà Như Lai đã chỉ; ông lại nhìn vào ngón tay rồi nói: ‘A! Đó là
mặt trăng. Mặt trăng là giống như vậy.’ Ông đã nhận ngón tay làm mặt trăng, thế
nên ông bỏ quên mất mặt trăng. Ông đã bỏ quên mất rồi!”
Trong đoạn kinh văn trước
đã có nói: “bỏ quên mất bản tâm”, ở đây có người nhìn ngón tay và nhận nó làm mặt
trăng, thế nên không những họ không nhìn thấy mặt trăng, mà còn không nhận ra
ngón tay của người kia.
Vì sao? Vì lầm cho ngón
tay là mặt trăng sáng. Họ không nhận ra được cả mặt
trăng lẫn ngón tay. Họ là ai? A-nan cũng như vậy. Mặt trăng là chân tâm. Ngón
tay được ví như pháp được giảng nói, vì Đức Phật giảng pháp là để chỉ bày chân
tâm. Thế nên khi ánh sáng chân tâm bị bỏ quên mất, thì ngay cả pháp cũng không
lĩnh hội được. Thế nên Đức Phật bảo: “Các ông vẫn còn dùng tâm phan duyên để
nghe pháp, thì pháp ấy cũng là sở duyên” Quý vị xem một người như thế thì thật
có đáng thương xót không? Tôi cho rằng những người như vậy rất đáng thương.
Kinh văn:
豈唯亡指。亦復不識明之與暗。何以故。即以指體為月明性。明暗二性無所了故,汝亦如是.
Không những quên mất
ngón tay, mà còn không biết đến tối và sáng. Sao vậy? Vì cho ngón tay là tánh
sáng của mặt trăng. Thế là không rõ được tánh sáng và tối. Các ông cũng như vậy.
Giảng:
“Không những quên mất ngón tay, mà còn không
biết đến tối và sáng.”
Họ không nhận ra được mặt
trăng và ngón tay là gì, thế nên cả ngón tay và mặt trăng đều bị bỏ quên mất.
Nhưng tuy vậy, không có gì bị mất cả. Nó vẫn còn đó. Chỉ vì họ không hiểu. Anh
ta không hiểu hoặc nhận ra được cái sáng và cái tối. Nói cách khác, người nầy
cơ bản là không hiểu được gì là giác ngộ và đâu là mê lầm; cái gì là vô minh và
cái gì là chánh kiến.
“Sao vậy? Vì cho ngón
tay là tánh sáng của mặt trăng.”
Anh ta nhận lầm cho thể
dạng của ngón tay là tánh sáng tối của mặt trăng. Vậy có điên đảo không? Mọi
người đều biết như vậy. Nhưng dù sao anh ta cũng muốn như thế.
“Thế là không rõ được
tánh sáng và tối.” Ngay cả anh ta chưa hiểu được ý niệm sáng và tối. Thật
là u mê, có phải vậy không? “Các ông cũng như vậy. A-nan, ông cũng giống
như người nhận lầm ngón tay cho là mặt trăng và hòan toàn không hiểu được cái
gì là sáng và tối. Ông nghe pháp với tâm phan duyên, và ông sợ rằng nếu ông nhận
ra giáo lý về chân tâm thì ông sẽ không còn nghe pháp được nữa. Ông cho rằng
chân tâm chỉ là ở trong giáo pháp, thế nên ông lầm cho ngón tay là mặt trăng.
Ông không thể nào chỉ ra ánh sáng từ trong bóng tối, có nghĩa là ông chưa có được
trí huệ chân chính. Hãy đi mà nghe pháp với tâm phan duyên cho nhiều nếu ông cần,
nhưng càng nghe ông càng trở nên ngu muội hơn. Ông càng rong ruổi tìm cầu, càng
xa chân tâm.”
Không ai biết được khi ấy
A-nan cảm nhận như thế nào. Trước đó, khi A-nan lạc mất dấu tích tâm mình, ông
ta bối rối không biết phải làm gì. A-nan nhấp nhổm trên chỗ ngồi. Nay Đức Phật
bảo ông bỏ quên mất cả ngón tay lẫn mặt trăng, không biết A-nan suy nghĩ thế
nào.
Đức Phật nói pháp là để
chỉ bày chân tâm. Nhưng A-nan hiểu lầm rằng chân tâm chỉ là giáo pháp. Thế nên
Đức Phật đã dùng thí dụ ngón tay và mặt trăng để chỉ bày điều nầy cho A-nan.
Kinh văn:
若以分別我說法音為汝心者。此心自應離分別音有分別性。譬如有客寄宿旅亭。暫止便去終不常住。而掌亭人都無所去名為亭主。
Nếu lấy cái phân biệt pháp âm của Như Lai làm tâm của ông, thì tâm ấy lẽ ra
khi tự tách rời cái phân biệt âm thanh nói pháp, nó phải có tánh phân biệt. Như
người khách ngủ trọ trong lữ quán, tạm nghỉ rồi đi, không dừng lại mãi; mà người
chủ quán thì chẳng đi đâu, nên gọi là chủ.
Giảng:
“Nếu lấy cái phân biệt pháp âm của Như Lai làm tâm
của ông, thì tâm ấy lẽ ra khi tự tách rời cái phân biệt âm thanh nói pháp, nó
phải có tánh phân biệt. Nếu cái tâm ông đang hoạt dụng–
tâm phan duyên và tạo ra các phân biệt– thực sự là chân tâm, thì lẽ ra nó phải
có một sự phân biệt – làm nên tánh phân biệt từ cái mà nó phân biệt. Khi ông
không nghe pháp, lẽ ra ông vẫn còn có tánh phân biệt; sao nó lại như vậy?”
“Như người khách ngủ trọ trong lữ quán, tạm nghỉ rồi
đi, không dừng lại mãi. Khách nghỉ lại chừng hai ba
ngày; họ không thể ở trong khách sạn mãi mãi. Mà người chủ quán thì chẳng đi
đâu, nên gọi là chủ. Người trông coi lữ quán thì không thể đi đâu. Tâm phân
biệt cũng giống như người khách dừng nghỉ tạm thời trong lữ quán, trong khi
chân tâm, cũng như người chủ quán, không hề đi đâu.”
Kinh văn:
此亦如是,若真汝心則無所去。云何離聲無分別性。
Đây cũng như vậy, nếu thật là tâm của ông thì chẳng
đi đâu, làm sao rời tiếng lại không có tánh phân biệt?
Giảng:
“Đây cũng như vậy, nếu thật là tâm của ông
thì chẳng đi đâu. Khi không có âm thanh, thì tâm phân biệt không còn có nữa.
Và nếu thật là chân tâm phân biệt được âm thanh, thì có nghĩa là khi âm thanh dừng
bặt, cũng không còn chân tâm nữa. Làm sao rời tiếng lại không có tánh phân
biệt? Nhưng chân tâm là ông chủ, không phải là khách; nên không rời đi đâu.
Do vậy nên chẳng phải chân tâm làm nên sự phân biệt. Ông lầm rồi.”
Kinh văn:
斯則豈唯聲分別心。分別我容離諸色相無分別性。
Thế thì, chẳng những tâm phân biệt các âm thanh,
mà ngay phân biệt hình dung của Như Lai, khi rời các sắc tướng, cũng không có
tánh phân biệt.
Giảng:
“Thế thì, chẳng những
tâm phân biệt các âm thanh. Khi có âm thanh thì có phân biệt, và khi không
có âm thanh thì không có sự phân biệt. Nguyên lý nầy không chỉ áp dụng đối với
âm thanh, mà còn áp dụng trong sự phân biệt hình dáng của Như Lai, khi rời các
sắc tướng, cũng không có tánh phân biệt. Khi ông nhìn thấy 32 tướng tốt và 80 vẻ
đẹp của Như Lai, ông cũng khởi tâm phân biệt trong đó; còn khi ông rời các tướng
ấy ra, thì các tánh phân biệt không còn nữa.”
Có người không đồng ý: “
Tôi nghe âm thanh giảng pháp đến khi về đến nhà tôi vẫn còn nghe tiếng ấy bên
tai. Tôi nhìn mọi vật, và khi nhắm mắt lại tôi vẫn còn ấn tượng về âm thanh ấy.
Như thể tôi đang nhìn thấy nó vậy.”
Quý vị bảo rằng âm thanh
chân thật hay hư vọng? Quý vị thực sự nghe được nó chăng? Đó chỉ là ấn tượng từ
trong thức thứ 8 của quý vị, đó là ký ức, còn gọi là “bóng dáng tiền trần phân
biệt của tâm thức;” Nó không thật. Nó là một ảo giác. Nó không phải là tướng tạo
ra phân biệt, vì rời tướng phân biệt (sở phân biệt), thì chẳng có tánh phân biệt
(năng phân biệt).
Kinh văn:
如是乃至分別都無,非色非空。拘舍離等昧為冥諦,離諸法緣無分別性。
Như thế cho đến cái phân biệt đều không, chẳng phải sắc, chẳng phải không,
mà nhóm Câu-xá-ly...lầm cho là minh đế. Rời các pháp trần, không còn tánh phân
biệt.
Giảng:
Đức Phật đã giảng giải rằng
rời âm thanh không còn tánh phân biệt, và rời sắc trần, cũng không còn tánh
phân biệt. “Như thế –sự thật như nhau– cho đến cái phân biệt đều
không, chẳng phải sắc, chẳng phải không,”
Khi quý vị đạt đến tình
trạng mọi phân biệt đều không, quý vị chẳng thể nào gọi đó là sắc hoặc là
không; chẳng phải là cả hai. Đó là tình trạng giữ sự điềm tĩnh trong tâm.[1] Ngoại đạo tu tập loại minh đế nầy là lãng quên hòan toàn. Họ cho rằng
sự chứng đắc cao tột và vi diệu nhất là như vậy. Đây là “nhóm Câu-xá-ly...lầm
cho là minh đế.[2]” Câu-xá-ly , tiếng Phạn nghĩa là “chuồng bò.[3]” Có thể ngoại đạo Câu-xá-ly sống bên cạnh chuồng bò, hoặc có lẽ họ ở ngay
trong chuồng bò, thế nên họ được gọi là “chuồng bò.” Có người cho rằng
Câu-xá-ly là tên mẹ. Nhưng tôi không tin mẹ của họ là loài bò. Câu-xá-ly là tên
của một trong Lục sư ngoại đạo. Ông ta cùng những người khác đều rơi vào tình
trạng mờ mịt tối tăm, có nghĩa là mê muội thiếu trí huệ. Họ ở trong trạng thái
hòan toàn không còn sự phân biệt, và căn bản là thiếu trí huệ , nên họ trở nên
mờ mịt tối tăm. Chữ muội (昧) trong tiếng Hán có nghĩa là mờ tối, là một trong
2 từ dùng để dịch chữ samādhi (chánh định) trong tiếng Sanskrit. Nhưng
riêng chữ muội (昧) lại không có nghĩa là chánh định . Đúng hơn là giống
như ngủ nhưng không phải ngủ. Quý vị nói rằng mình đang thức nhưng thật ra là
đang ở trong cơn ngầy ngật. Đức Phật nói về trạng thái nầy trong đoạn kinh trên
không phải là chánh định. Khi thể nhập vào chánh định, thì tâm hành giả thường
rõ ràng sáng suốt (liễu liễu thường minh), nhưng ngoại đạo mà Đức Phật
nói đến ở đây lại mê muội tối tăm. Khi họ ở trong cảnh giới ấy, họ thấy mình có
đồng một sinh lực với trời đất; thân của họ đồng nhất với sinh lực ấy. Trời đất
thì rất bền vững, và họ cũng rất bền vững. Nhưng họ không hiểu rằng, họ chỉ có
chút ít năng lực tinh thần thuộc dạng ấy, giống như sơ quả A-la-hán, mà họ chưa
đạt được năng lực thần thông của quả vị viên mãn. Khi có người nói về thần
thông mà họ chứng được, chúng ta phải phân biệt thật rõ ràng. Có nhiều dạng thần
thông chứ không phải chỉ một loại.
Loại ngoại đạo nầy gọi
trạng thái không hay biết kia là minh đế. Minh có nghĩa là
trống không mọi thứ. Mọi cái đều không, nhưng đó chẳng phải là chân không
, mà chính là ngoan không, trạng thái như nửa tỉnh nửa mê, trong đó quý
vị ‘không cảm nhận được cái mình đang cảm nhận và không biết được cái mình đang
nhận biết.’ Họ gọi đó là minh đế, là cảnh giới cao nhất mà họ đạt được.
Đó là học thuyết của họ.
“Rời các pháp trần,
không còn tánh phân biệt.”
“Minh đế” của họ là tách
rời các pháp sở duyên, và không có tánh phân biệt khi các pháp sở duyên không
còn. Ngay khi các pháp sinh khởi, ngoại đạo nầy vẫn còn tánh phân biệt. Minh
đế” của ngoại đạo nầy là như vậy đó.
Kinh văn:
則汝心性,各有所還,云何為主.
Thì tâm tánh của ông đều có chỗ trả về, vậy lấy
gì làm chủ?
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan: “Ông
cho rằng chính tâm phan duyên của ông đang nghe pháp. Nếu ông nghe pháp với tâm
phan duyên, thì thể tánh của pháp cũng là phan duyên. Tâm của ông không có phân
biệt khi rời tiền trần. Tự tâm vốn chẳng có tánh phân biệt. Thì tâm tánh của
ông đều có chỗ trả về, vậy lấy gì làm chủ? Mọi thứ thuộc về tâm tánh ông đều
có chỗ để trả về, giống như khi ông mượn vật gì của ai rồi trả lại cho họ vậy.
Nếu tâm hiện hữu nhờ vào tiền trần, thế thì sẽ được trả lại cho tiền trần. Nếu
mọi vật đều có nơi để trả về, thế thì ai là chủ?”
Kinh văn:
阿難言,若我心性各有所還。則如來說妙明元心云何無還。惟垂哀愍為我宣說.
A-nan thưa: “Nếu tâm
tánh của con đều có chỗ trả về, thì tại sao Như Lai dạy tâm diệu minh sẵn có ấy
không trả về đâu? Cúi mong Như Lai thương xót chỉ bày điều ấy.”
Giảng:
Bấy giờ A-nan càng mờ mịt,
càng thấy bối rối hơn. A-nan thưa: “Nếu tâm tánh của con đều có chỗ trả về, Nếu
mọi thứ trong tâm con không phải là của con, thì nó phải có chỗ để trả về–thì
tại sao Như Lai dạy tâm diệu minh vốn có không trả về đâu? Thế tại sao chân
tâm thường trú vốn xưa nay thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Bạch Thế tôn, không
có nơi trả về hay sao? Càng lắng nghe Thế tôn giảng giải đạo lý nầy, con càng bối
rối và càng khó hiểu. Cúi mong Như Lai thương xót chỉ bày điều ấy.” Pháp
thân, Báo thân và Ứng thân của Như Lai đều rất rộng lớn. “Nay ước nguyện của
con.” A-nan thưa: “Xin Như Lai rủ lòng thương xót chúng con, xin Như Lai từ bi
chỉ bày đạo lý không có chỗ trả về của chân tâm.”
Kinh văn:
佛告阿難,且汝見我,見精明元。此見雖非妙精明心。如第二月,非是月影。
Đức Phật bảo A-nan: “Vả lại, khi ông thấy Như Lai
bằng cái thấy nhiệm mầu sáng suốt của ông, cái thấy ấy tuy chưa phải là diệu
tinh minh tâm, mà nó như mặt trăng thứ 2, không phải là bóng của mặt trăng.”
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan: “Vả
lại, khi ông thấy Như Lai bằng cái thấy nhiệm mầu sáng suốt của ông,
Cái tánh thấy của ông
khi nhìn thấy 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Như Lai vốn có bản tính thanh tịnh
sáng suốt. Cái thấy ấy tuy chưa phải là diệu tinh minh tâm, mà nó như mặt trăng
thứ 2, không phải là bóng của mặt trăng. Tánh thấy cơ bản là nương vào thức
thứ 8, còn được gọi là tâm vương. Cái thấy của tâm vương có thể đi từ phía thiện
hoặc về bên phía ác. Nếu nó thăng hoa, nó siêu việt thành Phật tánh. Nếu nó đi
xuống, nó thành thức thứ 7. Mặc dù thể tánh của thức thứ 8 tự nó không phải là
chân tâm, mà chân tâm bao hàm trong thức thứ 8. Thế nên ngay chỗ nầy đừng lầm lẫn
rồi nghĩ rằng khi nói tánh thấy không phải là diệu tinh minh tâm, Đức Phật cũng
không dám nhận đó là chân tâm. Tánh thấy chính là chân tâm. Đức Phật đã chứng
minh điều ấy. Tính thấy mà chúng ta thấy được chính là chân tâm, nhưng nó giống
như mặt trăng thứ 2, không giống như ảnh của mặt trăng. Sao vậy? Nếu quý vị
dùng tay dụi vào mắt, quý vị sẽ thấy ngay có 2 mặt trăng. Nhưng 2 mặt trăng kia
chỉ là một, một mặt trăng chân thực, chứ không phải là bóng của mặt trăng như
khi ta thấy nó hiện ra dưới nước, Đức Phật gọi đó là thức thứ 8, là tâm vương,
là bản thể chân tâm. Quý vị đừng nhầm lẫn cho rằng thức thứ 8 không phải là
chân tâm.”
Kinh văn:
汝應諦聽,今當示汝無所還地。
Ông nay hãy lắng nghe,
Như Lai sẽ chỉ cho ông cái không thể trả về.
Giảng:
“ A-nan, Ông nay hãy lắng nghe, Như Lai sẽ chỉ cho ông cái không thể trả về.
A-nan, ông hãy chú tâm nghe kỹ. Đừng mơ hồ khi nghe Như Lai nói. Hãy lắng lòng
nghe. Nay Như Lai sẽ chỉ bày cho ông, như ông vừa hỏi, vì sao chân tâm lại
không có chỗ trả về.”
Đức Phật bắt đầu gạn hỏi
A-nan.
Kinh văn:
阿難,此大講堂,洞開東方。日輪昇天則有明耀。中夜黑月雲霧晦暝則復昏暗。戶牖之隙則復見通。牆宇之間則復觀擁。分別之處則復見緣。頑虛之中遍是空性。鬱[土*孛]之象則紆昏塵。澄霽歛氛又觀清淨。
A-nan, cửa đại giảng đường nầy mở thông về hướng
Đông, khi mặt trời lên thì có ánh sáng, giữa đêm không trăng mây mù mờ mịt thì
tối tăm; chỗ có các cửa thì thấy thông suốt, chỗ có tường ngăn thì thấy bít lấp;
chỗ phân biệt được thì thấy cảnh sở duyên, trong chỗ trống rỗng, toàn là hư
không; cảnh tượng mù mịt khi bụi dấy lên; mưa tạnh trời quang lại thấy trong lặng.
Giảng:
“A-nan, cửa đại giảng đường nầy mở thông về hướng Đông, khi mặt trời lên
thì có ánh sáng.” Ngôi giảng đường lớn Đức Phật thuyết
Kinh Thủ Lăng Nghiêm chứa một số đông các đại Bồ-tát, đại A-la-hán, đại tỷ-khưu,
đến từ tam thiên đại thiên thế giới khắp 10 phương. Khi mặt trời lên cao, nó
chiếu ánh sáng vào trong giảng đường.
“Giữa đêm không trăng mây mù mờ mịt thì tối tăm.” Mặt trời lên
cao biểu tượng cho trí huệ của mọi người, có thể chiếu phá bóng tối. Mây và
sương mù biểu tượng cho sự ngu độn của con người. Khi trên trời có mây và dưới
đất có sương mù thì quý vị không thấy được gì cả. Điều ấy biểu tượng cho con
người trong tình trạng ngu đần cao độ, họ hòan toàn không có trí huệ và không
hiểu được chút nào đạo lý ẩn đằng sau mọi việc. Họ không hiểu đâu là đường đi,
đâu là Đạo. Họ muốn tu đạo nhưng không biết tìm ở đâu. Họ muốn làm việc thiện,
nhưng không biết tiến hành như thế nào cho đúng như chánh pháp.
Trí huệ thì sáng còn ngu muội thì tối tăm. Nhưng làm sao để phân biệt được
chúng? Có thể nào mình tự nghĩ: “A! Ta là người thông thái. Ta thật là thông
minh,” thế là mình có được trí huệ chăng? Không. Quý vị càng tự cho mình thông
minh linh lợi bao nhiêu thì quý vị càng ngu đần bấy nhiêu, ngu đần như heo vậy.
Heo thì không có khả năng tự cho nó là thông minh. Còn nếu quý vị tự cho mình
là thông minh thì quý vị là kẻ ngu đần nhất trần gian, vì quý vị là người quá tự
mãn. “Hãy xem tôi,” quý vị nói: “Chẳng có ai bằng tôi cả.” Nếu chẳng có ai bằng
quý vị cả, thì đúng quý vị chẳng phải là loài người. Còn nếu quý vị là người,
thì không có trường hợp chẳng có người bằng mình, vì mọi người ai cũng giống
nhau cả. Quý vị có hiểu vậy không? Đây là điều rất quan trọng.
Nếu quý vị không phải là người ngu đần, thì bất luận quý vị giống như
ai, cũng đừng bao giờ tự cho mình là vô song. Quý vị không nên quá kiêu mạn và
tự mãn. “Hãy xem tôi, tôi là độc nhất.” Đây là điều cực kỳ ngu xuẩn. Điều nầy
cũng như là người đứng thứ nhất nên người ta không biết tính kể vào đâu được cả.
Vì sao? Vì nếu quý vị muốn mình là người thứ nhất, mà mọi người ai cũng có con
số của họ cả. Nếu quý vị là người chân thực thứ nhất, thì chẳng có con số nào
gán cho nó được cả. Đứng thứ nhất chẳng có nghĩa gì đối với những người thực sự
là tài giỏi. Những người cực kỳ ngu xuẩn thường tự cho mình là người thông
minh, nhưng những người thông minh thường không biết về sự thông minh của mình.
Họ không thể nào suy gẫm những vấn đề về tính thông minh của họ. Trong bóng tối
người ta chẳng thấy được điều gì cả, cũng như người mù, người tự cho mình thông
minh hơn người khác cũng như vậy.
“Chỗ có các cửa thì thấy thông suốt. Từ bên trong, người ta có thể nhìn thấy ra bên
ngoài. Quý vị có thể thông đạt mọi thứ không chướng ngại vì quý vị có
ngũ nhãn và lục thông.” Một hôm có vị đệ tử nói với tôi: “Sau khi ăn trưa, mọi
người thay vì đi làm việc, họ lại đi ngủ.” Làm sao anh ta biết mọi người đi ngủ?
Có ai báo cho anh ta chăng? Vì anh ta có Phật nhãn, thế nên anh ta biết được mọi
người đang làm gì.
“Thế ông để ý đến công việc của người khác để làm gì?” Vốn thông thường,
khi chỉ có mình tôi, mọi người thường làm việc và không báo cho tôi, họ cho rằng
tôi không hay biết gì. Để cho tôi khỏi bận tâm đến họ. Nay tôi đã có một phụ
tá. Tôi nhờ anh ta báo cho tôi biết những sai phạm của người khác. Bây giờ mọi
người báo cáo công việc cho tôi, tôi đã có bằng chứng, thế nên tôi có thể đối
chất với những người phạm sai lầm. Nhưng quý vị đừng sợ. Tôi không cố ý vặn hỏi
những tiểu tiết đâu. Chỉ những điều nghiêm trọng xảy ra tôi mới hỏi.
Vị đệ tử nầy là người giúp việc của tôi và nếu có ai trộm cắp vật gì,
anh ta đều biết; nếu có ai sát sinh, anh ta cũng biết. Nếu tôi có tâm để ý chuyện
lặt vặt, tôi có thể làm việc ấy bất kỳ lúc nào. Nếu tôi không có tâm để ý chuyện
lặt vặt, cũng có thể để cho mọi chuyện qua đi. Thế nên trong quý vị có ai nghĩ
đến chuyện trộm cắp, đừng nên sợ hãi, và trong quý vị có ai muốn làm điều gì mà
không thích tôi biết đến cũng đừng sợ hãi. Từ hồi nào đến giờ tôi vẫn không hề
bận tâm đến những tiểu tiết.
“Chỗ có
tường ngăn thì thấy bít lấp. Nơi nào có khoảng hở, thì thấy được bên ngoài, nơi nào
ngăn bít, thì không thấy được. Chỗ phân biệt được thì thấy cảnh sở duyên. Những
nơi đặc biệt đều là tướng trạng mà ông thấy được, cho dù đó là núi sông đất liền,
lùm rừng khe suối, mỗi mỗi đều được phân biệt: cao thấp, tốt xấu, nhà, cổng,
mái hiên, nhà tranh, đường sông... Đều là những tướng phân biệt do từ
tâm, vậy nên nó là cảnh sở duyên. Trong chỗ trống rỗng, toàn là hư không. Tối
tăm, ngoan không, nơi vô dụng, đều là những chỗ không nhận biết; đó là hư
không. Cảnh tượng mù mịt khi bụi dấy lên.” “Mù mịt” là khi bụi hoặc hơi
nước dấy lên từ mặt đất. Vào ngày không có mặt trời, bụi và hơi nước trông giống
như khói, nhưng khi mặt trời lên, thì không thấy gì cả. “Bụi” là khi gió cuốn đất
cát rồi thổi tung lên. Bụi và mù làm cho không gian tối tăm và hỗn độn, giống
như cái nhìn bị khúc xạ do nhìn thấy bóng nước,[4] khiến cho cảnh vật uốn lượn
như sóng chập chờn trước mắt. Mưa tạnh trời quang lại thấy trong lặng.
Kinh văn đề cập đến sự trong sáng như cảnh trời quang đãng trong lặng sau cơn
mưa.
[1] Nội thủ u nhàn (inner composure).
[2] 冥 諦;
còn gọi là Minh tánh, Minh sơ, Tự tánh đế, Tự tánh. Phái Số luận (Saṃkhya) chủ trương đây là nguyên nhân căn bản sinh diệt biến dị của các
pháp, là đế thứ nhất trong 25 đế (Nhị thập ngũ đế). E: profound truth.
[3] Ghosali: Hán dịch Ngưu xá 牛 舍; E: cowshed.
0 Kommentare:
Post a Comment