"Này người Bà-la-môn, tại sao lại phải buông bỏ, gạt
đi và tránh xa ngọn lửa tham lam? Nếu tâm thức bị ám ảnh bởi tham lam, khống chế
bởi tham lam, say đắm bởi tham lam, thì sẽ là cách bước vào con đường đưa đến
các "hành động" thân xác tai hại, các "hành động" ngôn từ
tai hại, các "hành động" tâm thần tai hại. Vì thế khi cái chết xảy đến,
thân xác tan rã, thì sẽ tái sinh trong cõi địa ngục, gánh chịu phần số bất
hạnh, lâm vào cảnh khốn cùng nơi địa ngục.
hay
bài kinh về Phi-bạo-lực
Aggi - Sutta
(Tăng Nhất bộ kinh,/Anguttara Nikaya: AN - IV, 41-46, PTS)
Lời giới thiệu của người
dịch:
Bài kinh này khá quan trọng và tinh tế tuy nhiên dường như ít nghe nói
đến. Chữ Aggi của tựa bài kinh có
nghĩa là ngọn lửa, và lửa thì mang tính cách thiêng liêng trong đạo Bà-la-môn
cũng như Ấn Giáo sau này. Các học giả Tây Phương thường xem bản kinh này là một
trong số các kinh quan trọng nêu lên tinh thần phi-bạo-lực của Phật Giáo. Thế
nhưng thật ra nội dung chính yếu của kinh cũng chính là để chống tục lệ hiến
sinh để tế lễ rất phổ biến trong đạo Bà-la-môn.
Vào thời bấy giờ, vua
chúa, quan lại, tướng sĩ, những người buôn bán giàu có và các "chủ gia
đình" khá giả thường bỏ ra những số tiền rất lớn để tổ chức các lễ hiến
sinh nhằm mong cầu được sống lâu, sinh con đẻ cái để nối dõi, đạt được danh
vọng, lợi lộc, củng cố quyền hành, và sau khi chết thì sẽ được tái sinh trên
cõi trời, v.v. , và các giáo sĩ Bà-la-môn thì giữ trọng trách tổ chức, hành lễ
và cúng tế.
Bản Việt dịch dưới đây
được dựa vào bản dịch tiếng Pháp của Môhan Wijayaratna (1988) và bản dịch tiếng
Anh của Piya Tan (2003), cả hai bản dịch này đều đã được xuất bản và có thể tìm
thấy trên nhiều trang mạng.
Bài kinh về Ngọn lửa
(Aggi-Sutta)
Một lần Đấng Thế Tôn ngụ tại tu viện của Cấp Cô Độc (Anathapindita) nơi khu vườn Kỳ Đà Lâm (Jeta) gần thị trấn Xá Vệ (Savatthi). Vào lúc đó có một vị Bà-la-môn to béo và giàu sang (trong nguyên bản là Uggatasarira. Thật ra đây không phải là tên của người Bà-la-môn này mà chỉ là một cách gọi "thân mật" về một người Bà-la-môn trong vùng. Chữ uggata có nghĩa là rất giàu sang và bệ vệ chữ sarira có nghĩa là thân thể, chữ Uggata-sarira có nghĩa là một người giàu sang to béo, tuy nhiên trong các đoạn dưới đây sẽ vẫn giữ cách gọi người Bà-la-môn này là Uggata-sarira để câu dịch được ngắn gọn. Bà-la-môn là giai cấp cao nhất trong số bốn giai cấp trong xã hội Ấn, gồm các đạo sĩ giữ trọng trách tế lễ, hiến sinh, thuyết giảng giáo lý, xử phạt. Vua chúa, các chức sắc trong triều đình, tướng sĩ, các người thông thái biết chữ và dạy học cũng chỉ thuộc vào giai cấp thứ hai) đang chuẩn bị để chủ tế một lễ hiến sinh thật to. Số súc vật sắp bị giết gồm năm trăm con bò mộng, năm trăm con bê đực, năm trăm con bò cái tơ, năm trăm con dê cái, năm trăm con cừu đực, đang được mang đến đàn cúng tế để hiến sinh.
Người
Bà-la-môn Uggata-sarira bèn đến tham vấn Đức Phật. Vị này tiến đến gần Đức Phật
chào hỏi theo khuôn phép, trao đổi vài lời xã giao với Đức Phật, sau đó thì lùi
lại ngồi sang một bên.
Người
Bà-la-môn Uggata-sarira cất lời với Đấng Thế Tôn như sau: "Thưa Ngài
Cồ-đàm (Gotama), tôi được nghe nói việc đốt lửa, dựng đàn hiến sinh là một việc
mang lại nhiều điều thuận lợi và thật hữu ích".
Đấng
Thế Tôn đáp lại: "Này người Bà-la-môn, ta cũng được nghe nói việc đốt lửa,
dựng đàn hiến sinh là một việc mang lại nhiều điều thuận lợi và thật hữu
ích".
Vị
Bà-la-môn Uggata-sarira lại cất lời hỏi Đấng Thế Tôn lần thứ hai: "Thưa
Ngài Cồ-đàm, tôi được nghe nói việc đốt lửa, dựng đàn hiến sinh là một việc
mang lại nhiều điều thuận lợi và thật hữu ích".
Đấng
Thế Tôn đáp lại: " Này người Bà-la-môn, ta cũng được nghe nói đốt lửa,
dựng đàn hiến sinh là một việc mang lại nhiều điều thuận lợi và thật hữu
ích".
Người
Bà-la-môn Uggata-sarira lại cất lời hỏi Đấng Thế Tôn lần thứ ba: "Thưa
Ngài Cồ-đàm, tôi được nghe nói việc đốt lửa, dựng đàn hiến sinh mang lại nhiều
điều thuận lợi và thật hữu ích".
Đấng
Thế Tôn đáp lại: "Này người Bà-la-môn, ta cũng được nghe nói đốt lửa, dựng
đàn hiến sinh là những việc mang lại nhiều điều thuận lợi và thật hữu ích".
Vị
Bà-la-môn bèn nói rằng: "Vậy thì trong trường hợp này, chúng ta đều có
cùng quan điểm! Quan điểm của tôi và của Ngài Cồ-đàm đều như nhau về vấn đề
này!" . Trong lúc hai bên đàm đạo thì Ayasmanta A-nan-đà (Ayasmanta là một chữ mang ý nghĩa tôn kính dùng để gọi một
vị tỳ kheo ở một cấp bậc cao) ngồi bên cạnh Đức Phật cũng chăm chú theo
dõi câu chuyện.
Sau
khi nghe người Bà-la-môn Uggata-sarira nói câu ấy, ngài A-nan-đà bèn cất lời với
người này như sau: "Này người Bà-la-môn, không được hỏi Đấng Như Lai bằng cách:
'Thưa Ngài Cồ-đàm, tôi được nghe nói đốt lửa, dựng đàn hiến sinh là một việc
mang lại nhiều điều thuận lợi và thật hữu ích, mà phải hỏi như thế này: 'Thưa
Ngài, tôi đang chuẩn bị đốt lửa, dựng đàn hiến sinh. Mong Đấng Thế Tôn hãy chỉ
dạy tôi, chỉ dẫn cho tôi, hầu những lời dạy bảo ấy sẽ giúp tôi tìm được hạnh
phúc và an vui lâu bền!' "
Vị
Bà-la-môn Uggata-sarira bèn mượn những lời ấy mà lập lại với Đấng Thế Tôn:
"Thưa Ngài, tôi đang chuẩn bị đốt lửa, dựng đàn làm lễ hiến sinh. Mong Đấng
Thế Tôn hãy chỉ dạy tôi, chỉ dẫn cho tôi, hầu những lời dạy bảo ấy sẽ giúp tôi
tìm được hạnh phúc và an vui lâu bền!".
Đấng
Thế Tôn bèn dạy rằng: "Này người Bả-la-môn, ngay cả trước khi việc hiến
sinh bắt đầu thì người đốt lửa, dựng đàn hiến sinh cũng đã vung lên ba thanh
kiếm bất hạnh, thật tồi tệ trên phương diện hữu hiệu, thật tai hại trên phương
diện hậu quả. Ba thanh kiếm ấy là gì? Đấy là là thanh kiếm của những hành động trên
thân xác, thanh kiếm của những hành động ngôn từ, thanh kiếm của những hành động
tâm thần.
"Này
người Bà-la-môn, ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì người đốt lửa,
dựng đàn hiến sinh cũng đã làm hiện ra trong trí mình các ý nghĩ như sau: 'Chỉ
vì việc hiến sinh mà không biết bao nhiêu con bò mộng, không biết bao nhiêu con
bê đực, không biết bao nhiêu con bò cái tơ, không bao nhiêu con dê cái, không
biết bao nhiêu con cừu đực phải bị giết'.
"Đấy
là cách mà người này tạo ra những điều thiếu đạo hạnh, thế nhưng trong trí thì
lại cứ nghĩ rằng là mình đạt được những điều xứng đáng. Người này làm một việc
tồi tệ, thế nhưng lại cứ nghĩ rằng là mình làm một điều tốt lành. Người này tạo
ra một con đường đưa đến một phần số bất hạnh, thế nhưng lại cứ nghĩ rằng là
mình tạo ra con đường đưa đến một kiếp sống hạnh phúc.
"Này
người Bà-la-môn, chính vì thế nên ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì
người đốt lửa, dựng đàn hiến sinh cũng đã vung lên thanh kiếm thứ nhất là tác
ý, nói lên một sự ác độc, thật tồi tệ trên phương diện hiệu quả, thật tai hại trên
phương diện hậu quả.
"Hơn
nữa, này người Bà-la-môn, ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì người
đốt lửa cũng đã thốt lên: 'Chỉ vì việc hiến sinh mà không biết bao nhiêu con bò
mộng, không biết bao nhiêu con bê đực, không biết bao nhiêu con bò cái tơ,
không bao nhiêu con dê cái, không biết bao nhiêu con cừu đực phải bị giết'.
"Đấy
là cách mà người này tự tạo ra cho mình những điều thiếu đạo hạnh, thế nhưng
lại cứ nghĩ rằng là mình đạt được những điều xứng đáng. Người này làm một việc
tồi tệ, thế nhưng lại cứ nghĩ rằng là mình làm một điều tốt lành. Người này tạo
ra một con đường đưa đến một phần số bất hạnh, thế nhưng lại cứ nghĩ rằng là
mình tạo ra con đường đưa đến một kiếp sống hạnh phúc.
"Này
người Bà-la-môn, chính vì thế nên ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì
người đốt lửa, dựng đàn hiến sinh đã vung lên thanh kiếm thứ hai là các hành động
ngôn từ nói lên một sự ác độc, thật tồi tệ trên phương diện hiệu quả, thật tai
hại trên phương diện hậu quả.
"Và
hơn nữa, này người Bà-la-môn, ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì người
đốt lửa, dựng đàn hiến sinh đã bắt đầu ra tay: "Nào hãy giết các con bò
mộng để hiến sinh! Nào hãy giết các con bê đực để hiến sinh! Nào hãy giết các
con bò cái tơ để hiến sinh! Nào hãy giết các con dê cái để hiến sinh! Nào hãy
giết các con cừu đực để hiến sinh! "
"Đấy
là cách mà người này tự tạo ra cho mình những điều thiếu đạo hạnh, thế nhưng
lại cứ nghĩ rằng là mình đạt được những điều xứng đáng. Người này làm một việc
tồi tệ, thế nhưng lại cứ nghĩ rằng là mình làm một điều tốt lành. Người này tạo
ra một con đường đưa đến một phần số bất hạnh, thế nhưng lại cứ nghĩ rằng là
mình tạo ra con đường đưa đến một kiếp sống hạnh phúc.
"Này
người Bà-la-môn, chính vì thế nên ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì
người đốt lửa, dựng đàn hiến sinh đã vung lên thanh kiếm thứ ba của các hành động
trên thân xác nói lên một sự ác độc, thật tồi tệ trên phương diện hiệu quả,
thật tai hại trên phương diện kết quả.
"Này người Bà-la-môn, đấy là cách mà ngay cả trước
khi việc hiến sinh bắt đầu thì người đốt lửa, dựng đàn hiến sinh đã vung lên cả
ba thanh kiếm độc ác, thật tồi tệ tàn trên phương diện hiệu quả, thật tai hại trên
phương diện kết quả.
"Này
người Bà-la-môn, có ba ngọn lửa phải buông bỏ, phải gạt đi, phải tránh xa. Ba
ngọn lửa ấy là gì? Đấy là ngọn lửa của sự tham lam, ngọn lửa của hận thù và
ngọn lửa của những thứ ảo giác.
"Này người Bà-la-môn, tại sao lại phải buông bỏ, gạt
đi và tránh xa ngọn lửa tham lam? Nếu tâm thức bị ám ảnh bởi tham lam, khống chế
bởi tham lam, say đắm bởi tham lam, thì sẽ là cách bước vào con đường đưa đến
các "hành động" thân xác tai hại, các "hành động" ngôn từ
tai hại, các "hành động" tâm thần tai hại. Vì thế khi cái chết xảy đến,
thân xác tan rã, thì sẽ tái sinh trong cõi địa ngục, gánh chịu phần số bất
hạnh, lâm vào cảnh khốn cùng nơi địa ngục.
"Này
người Bà-la-môn, tại sao lại phải buông bỏ, gạt đi và tránh xa ngọn lửa hận
thù? Nếu tâm thức bị ám ảnh bởi hận thù, khống chế bởi hận thù, say đắm bởi hận
thù, thì sẽ là cách bước vào con đường đưa đến các "hành động" thân
xác tai hại, các "hành động" ngôn từ tai hại, các "hành
động" tâm thần tai hại. Vì thế khi cái chết xảy đến, thân xác tan rã, thì
sẽ tái sinh trong cõi địa ngục, gánh chịu phần số bất hạnh, lâm vào cảnh khốn
cùng nơi địa ngục.
"Này
người Bà-la-môn, tại sao lại phải buông bỏ, gạt đi và tránh xa ngọn lửa của
những thứ ảo giác? Nếu tâm thức bị ám ảnh bởi những thứ ảo giáo, khống chế bởi
những thứ ảo giác, say đắm bởi những thứ ảo giác, thì sẽ là cách bước vào con
đường đưa đến các "hành động" thân xác tai hại , các "hành
động" ngôn từ tai hại, các "hành động" tâm thần tai hại. Vì thế
khi cái chết xảy đến, thân xác tan rã, thì sẽ tái sinh trong cõi địa ngục, gánh
chịu phần số bất hạnh, lâm vào cảnh khốn cùng nơi địa ngục.
"Quả
thế, này người Bà-la-môn, phải buông bỏ ba ngọn lửa ấy, phải gạt đi ba ngọn lửa
ấy, phải tránh xa ba ngọn lửa ấy.
"[Thế
nhưng] này người Bà-la-môn, cũng có ba thứ ngọn lửa mang lại hạnh phúc một khi
biết kính trọng, tôn vinh và sùng kính các ngọn lửa ấy. Vậy thì ba ngọn lửa ấy
là gì? Đấy là ngọn lửa của những người
xứng đáng được kính trọng, là ngọn lửa của những người chủ gia đình và là ngọn
lửa của những người xứng đáng nhận được sự hiến dâng.
"Vậy
ngọn lửa của những người xứng đáng nhận được sự kính trọng là gì? Này người
Bà-la-môn, hãy nhìn vào một người biết tôn kính mẹ mình và cha mình. Người mẹ
và người cha ấy được xem như "ngọn lửa của những người đáng được kính
trọng". Tại sao lại như thế? Bởi vì từ nơi họ ngọn lửa (của lòng hiếu
thảo) sẽ bùng lên. Vì thế nếu biết kính trọng, tôn vinh và sùng kính
ngọn lửa của những người xứng đáng được kính trọng ấy, thì tất sẽ mang lại hạnh
phúc cho mình.
"Vậy
ngọn lửa của những người chủ gia đình là gì? Này người Bà-la-môn, hãy nhìn vào
một người biết cư xử đúng đắn với vợ con mình, với tôi tớ và những người giúp
việc cho mình, những người làm công cho mình. Những kẻ ấy được xem như
"ngọn lửa của những người chủ gia đình". Vì thế, này người Bà-la-môn,
nếu biết kính trọng, tôn vinh và sùng kính ngọn lửa của những người chủ gia
đình ấy, thì tất sẽ mang lại hạnh phúc cho mình.
"Vậy
ngọn lửa của những người xứng đáng nhận được sự hiến dâng là gì? Này người
Bà-la-môn, những người tu hành, các vị đạo sĩ không hề màng đến vinh quang hão
huyền, không kiêu hãnh cũng không biếng nhác, đủ sức chịu đựng được tất cả,
nhưng lúc nào cũng giữ được sự kiên nhẫn và thanh thản, có lúc thì bằng cách tự
khắc phục mình, có lúc thì nhờ vào thể dạng thoát tục mà mình đạt được. Những
người ấy được xem như "ngọn lửa của những người xứng đáng nhận được sự
hiến dâng". Vì thế, này Người Bà-la-môn, nếu biết kính trọng, tôn vinh và
sùng kính ngọn lửa của những người xứng đáng nhận được sự hiến dâng ấy, thi tất
sẽ mang lại hạnh phúc cho mình.
"Quả
thế, này người Bà-la-môn, nếu biết kính trọng, tôn vinh và sùng kính ba ngọn
lửa ấy thì tất sẽ mang lại hạnh phúc cho mình.
"Này người Bà-la-môn, với một ngọn lửa cháy lên từ gỗ
thì thỉnh thoảng phải nhóm lại, thỉnh thoảng phải châm thêm củi, [thế nhưng] đôi
khi nó cũng tắt, [vì thế] đôi khi cũng nên buông bỏ ngọn lửa ấy".
Sau
khi nghe những lời trên đây của Đấng Thế Tôn, người Bà-la-môn Uggata-sarira nói
với Đấng Thế Tôn như sau: "Thưa Ngài Cồ-đàm, Tuyệt vời thay! Thưa Ngài
Cồ-đàm, Tuyệt vời thay! Xin Ngài Cồ-đàm cho phép tôi được làm người cư sĩ kể từ
hôm nay và cho đến cuối cuộc đời tôi, và tôi xin được an trú nơi Ngài Cồ-đàm.
"
"Thưa
Ngài Cồ-đàm, tôi sẽ phóng thích năm trăm con bò mộng. Tôi trả lại sự sống cho
chúng. Tôi sẽ phóng thích năm trăm con bê đực, tôi trả lại sự sống cho chúng.
"Tôi
sẽ phóng thích năm trăm con bò cái tơ, tôi trả lại sự sống cho chúng. Tôi phóng
thích năm trăm con dê cái, tôi trả lại sự sống cho chúng. Tôi phóng thích năm
trăm con cừu đực, tôi trả lại sự sống cho chúng.
"Mong
sao những con vật ấy được tha hồ gặm cỏ. Mong sao chúng được uống thỏa thích
những dòng suối mát. Mong sao những cơn gió heo may thổi lên vuốt ve thân xác chúng.
******************************
Điểm đáng lưu ý trước hết là người Bà-la-môn
Uggata-sarira nêu lên ba lần câu hỏi "Thưa Ngài Cồ-đàm, tôi được nghe nói rằng
việc đốt lửa, dựng đàn hiến sinh là một việc mang lại nhiều điều thuận lợi và
thật hữu ích", thế nhưng Đấng Thế Tôn chỉ lập lại đúng ba lần câu hỏi
ấy mà không trả lời gì cả. Vậy có nghĩa là gì?
Không trả lời là một sự yên lặng. Nếu Đức Phật trả lời, dù
là theo chiều hướng này hay chiều hướng khác, thì tất sẽ khó tránh khỏi đưa đến
những sự biện luận và tranh cải. Lập lại một câu hỏi để trả lời cho một câu hỏi
tức là sự "yên lặng" vừa lịch sự vừa kín đáo, phản ảnh một sự bình lặng,
thanh thản thật sâu xa trong tâm thức của Ngài.
Ngồi bên cạnh Đấng Tịch Tĩnh, ngài A-nan-đà nhận thấy được
ý nghĩa của sự yên lặng ấy và hiểu ngay là câu hỏi đã được đặt sai và chỉ là cách
nêu lên một một chủ đề tranh cải. Ngài A-nan-đà bèn nhắc khéo người Bà-la-môn và
gợi ý là câu hỏi phải mang tính cách tham vấn thì may ra Đức Phật sẽ trả lời.
Thật thế Đấng Thế Tôn đã cho vị giáo sĩ Bà la-môn biết rằng: "... ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì người đốt lửa, dựng đàn hiến
sinh đã vung lên ba thanh kiếm độc ác, thật tồi tệ tàn trên phương diện hiệu
quả, thật tai hại trên phương diện kết quả".
Đấy cũng là cách mà Đức Phật đã chận đứng ngay mọi sự biện
luận có thể xảy ra nếu đề cập đến các tác dụng mang lại từ việc hiến sinh, dù là
theo chiều hướng này hay chiều hướng khác. Đức Phật cho thấy rằng những gì xảy ra
trong giây phút hiện tại, qua tâm ý, ngôn từ và hành động của người Bà-la-môn
trong lúc chuẩn bị lễ hiến sinh, cũng đã đủ để mang lại khổ đau cho mình rồi:
"... ngay cả
trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì người đốt lửa, dựng đàn hiến sinh cũng đã
vung lên cả ba thanh kiếm độc ác..." , nào có cần
gì phải nói đến hậu quả của hành động hiến
sinh sau khi đã thực thi.
Đức
Phật tuyệt nhiên không hề đề cập đến những lời cầu khẩn tham lam và ích kỷ, bản chất mua bán của lễ hỏa thiêu hàng ngàn
con vật, và nhất là không nói gì đến vị Phạm Thiên tức là vị Trời Bhrama của những
người Bà-la-môn. Cái khoảng trống đó chính là sự im lặng thứ hai, sâu xa, thâm
thúy và siêu việt hơn cả sự im lặng thứ nhất là không trả lời câu hỏi đặt sai của
người Bà-la-môn Uggata-sarira.
Điểm đáng lưu ý thứ hai là bài kinh không chấm dứt với ba
sự sai lầm biểu trưng bởi ba ngọn lửa độc ác là tâm ý, ngôn từ và các hành động
của người Bà-la-môn trong khi chuẩn bị việc hiến sinh, mà Đức Phật còn khuyên
người này hãy chuyển những ngọn lửa ấy trở thành những ngọn lửa của sự kính trọng,
tôn vinh và sùng kính, bốc lên từ cha mẹ mình đã từng nuôi nấng mình, từ những
người chủ gia đình biết chăm lo và đối xử tử tế với tôi tớ và những người làm công
cho mình (thợ thuyền và nông dân làm việc cho mình), từ những người giáo sĩ chân
chính giảng dạy cho mình, vì những người ấy mới là những người xứng đáng để mình
hiến dâng hầu mang lại hạnh phúc cho mình, không cần phải hiến sinh cho thần thánh,
hay Phạm Thiên. Cũng xin mạn phép mượn dịp để khuyên những ai còn giữ truyền thống
cúng giỗ ông bà cha mẹ, hãy nên cúng chay, hoặc cũng chỉ cần một cành hoa và một
nén hương cũng đủ, bởi vì ngọn lửa của sự tưởng nhớ cũng chỉ có thể bốc lên bên
trong lòng mình. Ông bà cha mẹ đã được chôn hay hỏa táng với xác chết của không
biết bao nhiêu súc vận mà họ đã ăn khi còn sinh tiền, vì thế thiết nghĩ cũng không
nên để họ phải thưởng thức thêm xác chết của các con vật khác do mình hiến dâng.
Sau hết là những câu cuối trong bài kinh nhắc lại từng loài
thú thì đấy cũng là cách nói lên sự kính trọng và quan tâm đến từng con thú. Chúng
được phóng thích, tha hồ gặm cỏ trong cảnh thiên nhiên thênh thang, được uống
nước trong lành từ những con suối mát, được những ngọn gió heo may thổi lên ve
vuốt thân xác mình. Hình ảnh đó thật hết sức tương phản với những ngọn lửa nóng
bỏng thiêu đốt những con thú bị cột vào những chiếc cọc hiến sinh. Chẳng phải
quang cảnh thanh bình và êm ả của những con thú được sống giữa cảnh thiên niên
trong phần kết luận đã nói lên được một cách thật cụ thể tinh thần phi-bạo-lực hiện
ra trong lòng người Bà-la-môn Aggata-sarira sau khi được nghe Đức Phật thuyết
giảng hay sao?
Tuyệt
vời thay! Sâu sắc thay! Một bài kinh thật giản dị!
Bures-Sur-Yvette,
18.01.15
Hoang
Phong chuyển ngữ
0 Kommentare:
Post a Comment