Thế nào gọi là “nhiếp tâm”? Tâm của chúng ta, đặc biệt là cái tâm
phan-duyên, suốt ngày chỉ toàn âm mưu, toan tính chuyện lợi dụng người khác,
nghĩ cách kết thân với những người giàu có hoặc có thế lực để dựa dẫm, trục
lợi. Lúc nào cũng nghĩ ngợi những chuyện
như thế tức là có tâm phan-duyên, và chính là không nhiếp tâm.
DẪN NHẬP
BỐN ÐIỀU RĂN DẠY VỀ TÁNH THANH TỊNH CHÂN
THẬT, KHÔNG HƯ DỐI
(Vạn Phật Thánh Thành ngày 17 tháng 4 năm
1983)
Hòa Thượng Tuyên
Hóa lược giảng
Ban Phiên Dịch Việt
Ngữ Vạn Phật Thánh Thành
Bốn
Ðiều Răn Dạy Về Tánh Thanh Tịnh (Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối) trong Kinh Lăng
Nghiêm là: "Ðoạn dâm, Ðoạn sát, Ðoạn thâu, Ðoạn vọng" (dứt dâm dục,
dứt giết chóc, dứt trộm cắp, dứt nói dối). Bốn điều đó tương quan rất chặt chẽ
với nhau. Nếu phạm giới dâm thì dễ dàng phạm giới sát và cũng dễ dàng phạm giới
thâu đạo (tức là ăn cắp), và giới vọng ngữ (tức là nói láo). Bởi vì phạm giới
dâm thì sát, đạo, vọng, đều đã bao gồm trong đó rồi, cho nên tuy chia làm bốn,
nhưng hợp lại mà nói thì là nhất thể!
Phật
thật là vô cùng từ bi, hết lòng hết dạ dạy bảo chúng ta hết sức rõ ràng Bốn
Ðiều Răn Dạy Về Tánh Thanh Tịnh. Tuy nói rõ như vậy, nhưng có người lại không
tin. Không phải chỉ có một số người không tin mà thôi, trong đó, những kẻ không
tin lại là những học giả, những vị giáo sư, những kẻ xuất gia không giữ giới
luật. Những người đó không có niềm tin nên không có cách gì cải thiện, cũng
không cách gì để bài trừ cái gốc tà kiến của họ được; bởi vì những điều hiểu
biết sai lầm của họ đã chằng chịt, thâm căn cố đế, làm cho họ mất lòng tin và
công nhiên cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là giả tạo!
Trong
các bộ kinh mà Phật nói ra, Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh hết sức trọng yếu.
Dù cho các vị học giả, giáo sư, những kẻ không giữ giới luật, cho đến những kẻ
dùng đủ thứ thần thông, hiện ra mười tám phép biến hóa, tới nói với tôi rằng
Kinh Lăng Nghiêm là giả đi nữa, thì tôi cũng không tin được! Tại vì sao? Bởi vì
Kinh Lăng Nghiêm dạy những đạo lý hết sức chân chính, chỉ căn bịnh của chúng
sinh hết sức rõ ràng; đó là "vô minh tội nghiệp." Kinh này chính là
"đối bịnh cho thuốc," là lời khuyên răn rõ ràng nhất. Song người ta
không ai muốn uống thuốc đắng, mặc dù thuốc hay thì quá đắng, khó mà chịu nổi.
Nên dù có bậc thầy thuốc giỏi đưa toa thuốc ra thì họ cũng vất đi không dùng,
nói rằng thuốc chẳng có hiệu lực gì, rằng thứ thuốc này chỉ để lừa người ta.
Như vậy đúng là tự mình lừa mình và lừa người khác, tự mình làm hại mình rồi
hại người khác vậy!
Bởi
vậy cho nên những kẻ không hiểu biết cứ chạy theo những người này, nói rằng có
những vị học giả danh tiếng như vầy, có những nhà giáo sư nổi tiếng như kia,
hoặc có những vị Ðại Pháp Sư có tên tuổi như nọ nói rằng Kinh Lăng Nghiêm là
giả; rồi họ chạy theo những người đó như những kẻ đui đi theo những người mù,
cùng nhau kẻ xướng người họa. Người ta nói làm sao thì họ nói theo làm vậy, do
đó rốt cuộc tà thuyết đầy dẫy.
Nếu
thật sự đúng như vậy, tức Kinh Lăng Nghiêm là giả, thì các vị trong Phật Giáo
không cần phải giữ giới luật làm gì, cũng không cần nghe Bốn Ðiều Răn Dạy Về
Tánh Thanh Tịnh này làm gì, và cũng không cần biết đến Năm Mươi Thứ Ấm Ma là ra
sao, tất cả mọi thứ đều nhất tề vất bỏ hết! Các vị thử nghĩ coi, loại người như
vậy thật là ác độc vô cùng; nếu những người như thế mà không bị xuống Ðịa ngục
Cắt Lưỡi thì thật là không còn công lý gì nữa!
Vừa
rồi tôi có đề cập đến các trẻ em tâm lý biến thái (Autistic children - trẻ em
có hành vi kỳ quặc). Những trẻ em này vì đã tạo nghiệp tội đáng phải đọa
địa ngục Vô Gián - hủy báng kinh điển Ðại Thừa - nên mới phải nhận lãnh thứ quả
báo đáng sợ này. Ðó cũng là vì loài người chúng ta không hiểu đạo lý, lại còn
tự cho mình là hay là giỏi, rồi công nhiên tạo ra đủ thứ tội nghiệp, còn trợn
tròn mắt mà nói láo. Hành động như vậy thật là mất hết lương tri, lương năng,
làm cho bản hữu trí huệ của mình bị hủy diệt; thật đáng thương thay!
Bởi
những kẻ hủy báng kinh điển Ðại Thừa đó đã dùng tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý
của họ để tạo ra đủ thứ ác nghiệp, nên khi họ sinh làm người thì thành những kẻ
mắc bịnh tâm lý biến thái, trở nên vô tri, vô giác, đến khi thọ ác báo rồi, lại
còn cho rằng mình là hay là giỏi lắm!
Chúng
ta không nên dùng cái "thông minh giả" của mình mà hủy báng lời Phật
dạy. Nào là những kẻ rất có tiếng tăm, nào là những nhà học giả trứ danh, nào
là những vị giáo sư uyên bác, nào là các vị Pháp Sư nổi tiếng, một khi họ nói
ra lời hủy báng Phật Pháp thì vô hình trung, lời nói của họ sẽ ảnh hưởng đến
trăm ngàn vạn ức, vô lượng, vô biên người khác, khiến cho những người đó đánh
mất đi lòng tin chơn chính. Cho nên quý vị thấy, tạo ra tội nghiệp như vậy
không phải là tai hại vô cùng sao? Trăm ngàn kiếp về sau, họ sẽ phải đầu thai
làm kẻ thọ quả báo, trở thành những người câm! Bởi vì họ làm hại tri kiến của
kẻ khác, nói lên những lời khiến kẻ khác hiểu lầm đạo lý, như thế thật là vô
cùng nguy hại!
Quý
vị hãy nghĩ coi, vì sao những người đó cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là giả tạo? Là
bởi vì họ không thể theo đúng được Bốn Ðiều Răn Dạy Về Tánh Thanh Tịnh: Không
dâm dục thì họ không thể làm được, không sát sinh thì họ cũng chẳng làm nổi!
Không trộm cắp thì bề mặt có thể nói rằng họ không trộm cắp, nhưng thực sự có
rất nhiều học giả, giáo sư thường lấy trộm văn chương của học sinh hay của kẻ
khác rồi vá víu lại để làm của mình; nếu đem vật sở hữu của kẻ khác làm của mình thì đó chính là trộm cắp vậy!
Nếu một ngày nào mà họ nói những lời lừa dối học sinh thì ngày đó họ đã nói láo
rồi! Ðương nhiên không phải tất cả những vị học giả hay giáo sư đều như vậy,
song ở trong hàng ngũ những người đạo đức luôn luôn có vô số những kẻ gian dối
tác hại.
Bởi
vì không làm theo đúng được Bốn Ðiều Răn Dạy Về Tánh Thanh Tịnh đó nên họ sợ
hãi, và không thể chấp nhận lý luận trong Kinh được. Nếu họ chấp nhận lý luận
của Kinh thì họ không thể tồn tại, và dĩ nhiên họ sẽ mất đi địa vị của họ.
Nhưng họ lại không muốn như vậy nên mới làm trái với lương tâm, mới nói rằng
Kinh Lăng Nghiêm là giả. Khi có ý nghĩ như vậy là họ đã phạm tội lớn tày trời:
"Khoát
đạt không,
Bát
nhân quả,
Mãng
mãng đãng đãng,
Chiêu
ương họa."
Nghĩa
là:
"Phủ
nhận mọi thứ,
Bác
bỏ nhân quả,
Thô
suất phóng túng,
Tự
chuốc tai ương."
Trong
tương lai họ sẽ thọ lãnh quả báo đọa địa ngục Vô Gián, lúc đó họ có hối lỗi thì
không còn kịp nữa!
Kinh Văn:
Hán
Việt: A-Nan chỉnh y phục, ư đại chúng trung, hợp
chưởng đảnh lễ, tâm tích viên minh, bi hân giao tập, dục ích vị lai chư chúng
sanh cố, khể thủ bạch Phật: “Đại bi Thế Tôn!
Ngã kim dĩ ngộ Thành Phật Pháp-môn, thị trung tu hành, đắc vô nghi
hoặc.”
Việt: Ngài
A-Nan sửa y phục cho chỉnh tề, rồi từ chỗ đại chúng chắp tay đảnh lễ. Tâm địa sáng suốt, vừa buồn vừa vui, và vì
muốn lợi ích cho chúng sanh đời sau, nên ngài cúi lạy và thưa với Phật: “Bạch Đức Thế Tôn đại từ bi! Con nay đã tỏ ngộ Pháp-môn Thành Phật, trong
sự tu hành được không còn nghi hoặc.”
Giảng
nghĩa:
Ngài A-Nan sửa y phục cho
chỉnh tề. Sau khi nghe Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi nói xong
bài kệ, ngài A-Nan đứng dậy và sửa y phục cho chỉnh tề - vuốt vạt áo lại cho
thẳng nếp, kéo cổ áo lại cho ngay ngắn, chứ không để cho có vẻ xốc xếch, lôi
thôi.
Rồi từ chỗ đại chúng chắp
tay đảnh lễ. Chỉnh đốn y phục xong, ngài A-Nan từ trong
chỗ đại chúng chắp tay lại và hướng về phía Đức Phật mà lạy. Tâm
địa sáng suốt. Lúc này, tâm trí ngài
A-Nan rất “viên minh,” sáng suốt, chứ không hồ đồ như trước nữa; và ngài lại
cảm thấy vừa buồn vừa vui, vừa muốn
khóc mà lại muốn cười. “Buồn”, tức là
muốn khóc. Ngài A-nan rất dễ khóc; ngài
đã khóc rất nhiều lần kể từ phần đầu của bộ kinh. Bây giờ ngài vẫn muốn khóc nữa, nhưng đồng
thời lại cũng muốn cười – hai trạng thái buồn và vui xen lẫn với nhau. “Buồn” (bi), ngài A-Nan buồn chuyện gì? Trường hợp này gọi là “vui quá hoá buồn” (lạc
cực sanh bi) – ngài vui mừng quá đỗi:
“Vậy là mình đã có được Phật Pháp!
Mình đã hiểu được Phật Pháp chân chánh rồi!” Vui đến cực điểm thì sanh ra buồn. “Vui” (hân), ngài A-Nan vô cùng vui mừng, từ
trước đến nay ngài chưa bao giờ cảm thấy vui mừng đến thế. Bởi được chân chánh hiểu rõ Phật Pháp là một
điều đáng vui mừng nhất, cho nên ngài A-Nan mới “vừa buồn vừa vui” như vậy.
Và vì muốn lợi ích cho
các chúng sanh đời sau, nên ngài cúi lạy và thưa với Phật... Song, nếu chỉ có riêng mình hiểu được mà thôi
thì ngài A-Nan thấy vẫn còn chưa đủ; ngài còn muốn làm lợi ích cho tất cả chúng
sanh trong đời vị lai nữa. Do đó, ngài
sụp lạy Đức Phật rồi nói rằng: “Bạch Đức Thế Tôn đại từ bi! Con nay đã tỏ ngộ Pháp môn Thành Phật. Bây giờ con đã thấu hiểu được Pháp-môn để
thành Phật này rồi.” “Tỏ ngộ” có nghĩa
là hiểu rõ, thông suốt.
“Trong sự tu hành được
không còn nghi hoặc. Con tuyệt đối không bao giờ còn nghi chấp gì
về phương pháp tu hành này nữa.”
Kinh Văn:
Hán
Việt: “Thường văn Như Lai thuyết như thị
ngôn: ‘Tự vị đắc độ, tiên độ nhân giả,
Bồ-tát phát tâm. Tự giác dĩ viên, năng
giác tha giả, Như-Lai ứng thế.’ Ngã tuy
vị độ, nguyện độ Mạt-kiếp nhất thiết chúng sanh.”
Việt: “Con
thường nghe Như-Lai dạy như vầy: ‘Chính
mình chưa được độ mà độ cho người khác trước, ấy là Bồ-tát phát tâm. Phần tự-giác đã viên mãn lại có thể thức tỉnh
kẻ khác, đó là Như-Lai ứng thế.’ Con tuy
chưa tự độ được, nhưng con nguyện sẽ độ tất cả chúng sanh trong thời Mạt-kiếp.”
Giảng
nghĩa:
“Con thường nghe Như-Lai
dạy như vầy ....” Ngài A-Nan thường lấy lời của Phật để dẫn
chứng cho những điều mà ngài muốn đề cập tới. Ở đây, ngài A-Nan nói ngài được
nghe Đức Phật lúc thuyết Pháp có dạy rằng: “Chính
mình chưa được độ mà độ cho người khác trước, ấy là Bồ-Tát phát tâm. Bản thân mình tuy chưa được độ thoát, chưa
đắc Đạo, nhưng lại biết hóa độ cho kẻ khác trước – đó chính là sự phát tâm của
bậc Bồ-tát vậy. Và, “phần tự giác đã
viên mãn lại có thể thức tỉnh kẻ khác, đó là Như-Lai ứng thế.” Khi sự giác ngộ của chính mình đã được
trọn vẹn, bèn vận dụng các đạo lý mà mình tự giác ngộ được để thức tỉnh những
người khác, khiến cho họ cũng trở nên giác ngộ - đó chính là công việc của
Phật, là những gì Phật làm khi ứng thân ở thế giới này vậy.
Ngài
A-Nan thưa tiếp: “Con tuy chưa tự độ được, nhưng con nguyện sẽ độ tất cả chúng sanh
trong thời Mạt kiếp. Bản thân con
vẫn chưa được độ, chưa đắc Đạo, tuy nhiên, con mong rằng hết thảy chúng sanh
thời Mạt-kiếp đều được độ thoát, đều được hưởng những lợi ích của Phật Pháp.”
Kinh Văn:
Hán
Việt: “Thế Tôn!
Thử chư chúng sanh, khứ Phật tiệm viễn; tà sư thuyết pháp, như Hằng-hà
sa. Dục nhiếp kỳ tâm, nhập Tam-ma-địa,
vân hà linh kỳ an lập đạo tràng, viễn chư ma sự, ư Bồ-đề tâm đắc vô thối
khuất?”
Việt: “Bạch Đức Thế Tôn! Các chúng sanh ấy cách Phật xa dần, mà tà-sư
thuyết pháp thì nhiều như cát sông Hằng.
Con muốn cho các chúng sanh ấy biết nhiếp tâm và nhập Tam-ma-địa. Vậy, làm thế nào để khiến họ được an lập nơi
đạo tràng, lánh xa mọi ma sự và tâm Bồ-đề được không thối khuất?”
Giảng
nghĩa:
“Bạch Đức Thế Tôn! Các chúng sanh ấy cách Phật xa dần. Tất cả chúng sanh trong thời Mạt Pháp ấy dần
dần cách xa Đức Phật, thậm chí cũng cách xa cả Phật Pháp nữa, mà tà-sư thuyết pháp thì nhiều như cát sông
Hằng.” Hiện tại chính là thời đại
“tà-sư thuyết pháp.” Thế nào gọi là “tà
sư”? Họ là hạng người không hiểu mà nói
hiểu, chưa khai ngộ mà tự xưng là đã khai ngộ, chưa chứng quả vị mà tự xưng là
đã chứng quả vị.
Có
lần tôi hỏi một người cũng huênh hoang như thế rằng: “Ông đã chứng Sơ-quả, Nhị-quả, Tam-quả, hay
là Tứ-quả? Ông đã chứng được quả vị nào vậy? Ông khai ngộ rồi ư? Ông khai ngộ
cái gì vậy? Ông nói ông đã chứng quả, chẳng hay là chứng cái ‘quả’ chi?”; thì
ông ta chỉ lặng thinh không đáp!
Tôi
lại hỏi: “Ông đã là Phật rồi thì tại sao
ngay cả quả vị mà ông còn chưa chứng đắc? Ông làm cách nào mà chạy đến chỗ Phật
được thế?”
Ông
ta chẳng những tự phong cho mình là Phật mà còn tuyên bố rằng “everybody is a
Buddha,” mọi người đều là Phật cả rồi! Những người như thế được gọi là “tà sư”
- họ đã phạm phải tội “đại vọng ngữ,” một tội nói dối rất nghiêm trọng ! Người Trung-Hoa gọi hạng người chuyên môn
khoe khoang, khoác lác là “đại pháo” (súng đại bác), nói theo tiếng Quảng-đông
là “xa đại pháo.”
Vì
để hộ trì Phật Pháp, cho nên bất luận quý vị có hiểu Phật Pháp hay không, hãy
nhớ là đừng bao giờ làm tà-sư! Có một nữ
cư sĩ họ Lý nọ, khi có người hỏi về Phật Pháp thì bà đáp: “Tôi già cả rồi, tôi quên hết rồi!” Bà ta hoàn toàn không hề học tới, thế thì làm
sao mà “quên” được? “Quên” cái gì? Có biết gì đâu để mà “quên”!? Bà ta hiển nhiên là chẳng hiểu gì cả, nhưng
vì không muốn thú nhận là mình không hiểu nên mới nói tránh là “quên rồi.” Đó
chẳng qua là luận điệu dối gạt thiên hạ mà thôi! “Tri chi vi tri chi” – biết tức là biết,
không biết tức là không biết. Chớ nên
hoàn toàn không hiểu gì cả mà lại nói là mình “quên”, bởi vì như thế thì cũng
gần như là “tà-sư” rồi!
Tà-sư
khi nói chuyện thì chuyên môn có tâm phan-duyên và giảng toàn những điều sai
trái, không đúng đắn. Chẳng hạn như dâm
dục là không đúng, thì họ lại tán dương: “Đúng! Đó là pháp môn kỳ diệu nhất,”
khiến cho người ta bị rối trí, mê muội, không thể tìm thấy chân lý. Lấy phải làm trái, đúng nói không đúng, không
đúng nói đúng - những kẻ như thế gọi là tà sư. Đầu óc họ đầy dẫy những tà tri
tà kiến; cái biết và cái thấy của họ đều không chánh đáng – cái gì “chánh” thì
họ nói là không đúng, còn cái gì “tà” thì họ lại bảo là hay nhất!
Ngài
A-Nan bạch với Đức Phật rằng: “Vào thời
Mạt Pháp, số tà-sư thuyết pháp sẽ nhiều như cát sông Hằng. Thế nhưng, vào thời điểm đó, con muốn cho các chúng sanh ấy biết nhiếp
tâm, sanh khởi chánh tri chánh kiến, và
nhập Tam-ma-địa, đắc được Chánh-định. Vậy,
làm thế nào để khiến họ được an lập nơi đạo-tràng, lánh xa mọi ma-sự? Làm thế nào mới có thể khiến cho các chúng
sanh ấy được sống yên ổn ở chốn đạo tràng và tránh được mọi ma sự?” Có nhiều kẻ thuộc tà ma ngoại đạo chuyên nói
những lời gạt gẫm, lừa đảo người khác.
Họ nói về vấn đề sắc dục giữa nam nữ và còn bảo rằng hễ dục vọng càng
nặng bao nhiêu thì thành Phật càng nhanh bấy nhiêu! Điều đó hoàn toàn sai lầm,
và đó chính là một thứ tà tri tà kiến!
Vì vậy, mọi người phải đặc biệt chú ý đến điểm này, đừng để bị mắc lừa!
Đối với Phật Pháp chân chánh thì nói chuyện dâm dục là sai, là không phải Phật
Pháp; lối nói ấy chính là “ma sự” vậy!
“Và tâm Bồ-đề được không
thối khuất?” Làm thế nào để tâm Bồ-đề của các chúng sanh
trong thời Mạt-kiếp khỏi bị thối thất nữa?
Có nhiều người học Phật nhưng học chưa được bao lâu thì tâm Bồ-đề của họ
đã thối chuyển; họ than vãn: “Chịu
thôi! Tôi không muốn học Phật Pháp
nữa! Học Phật Pháp sao mà khó thế, cứ
toàn là phải trừ bỏ những thói hư tật xấu.
Tôi không dứt bỏ được các thói hư tật xấu thì biết phải làm sao bây
giờ?” Thế là họ bỏ cuộc, không học Phật
Pháp nữa. Đó gọi là bị “thối thất Bồ-đề tâm” – cái tâm Bồ-đề đã thối chuyển, đã
rút lui rồi.
“Khuất”
là khuất phục, nghĩa là không còn lòng tinh tấn, hăng hái nữa; và cũng có nghĩa
là bại trận, thua cuộc. Như khi Nhật-Bản
đầu hàng (trong Đệ Nhị Thế Chiến) tức là họ đã chịu khuất phục vậy. Không có chí khí, để cho ma quỷ chiến thắng –
đó cũng gọi là chịu khuất phục. Vậy thì
làm thế nào mới có thể khiến cho các chúng sanh trong thời Mạt-kiếp không còn
bị thối thất tâm Bồ-đề nữa?
Kinh Văn:
Hán
Việt: Nhĩ thời Thế Tôn, ư đại chúng trung, xưng
tán A Nan : “Thiện tai! Thiện tai!
Như nhữ sở vấn an lập đạo tràng, cứu hộ chúng sanh Mạt-kiếp trầm nịch;
nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.”
A Nan , đại chúng, duy nhiên phụng giáo.
Việt: Bấy giờ Đức Thế-Tôn khen ngợi ngài A-Nan
ngay giữa đại-chúng: “Lành thay! Lành thay!
Như ông vừa hỏi về sự an lập đạo tràng và cứu giúp những chúng sanh bị
chìm đắm trong thời Mạt-kiếp; nay ông hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói.”
Ngài
A-Nan và đại-chúng đồng vâng theo lời dạy.
Giảng
nghĩa:
Bấy giờ Đức Thế Tôn khen
ngợi ngài A-Nan ngay giữa đại-chúng. “Bấy giờ” tức là ngay sau khi Đức Thế-Tôn nghe ngài
A-Nan thỉnh vấn về việc làm thế nào để chúng sanh thời Mạt-kiếp có thể lánh xa
các tà-sư thuyết pháp, tránh được mọi ma-sự, và không bị thối thất tâm Bồ-đề
nữa. Học Phật Pháp, quan trọng nhất là
không được mới học có vài ba hôm là muốn nghỉ, không học nữa; mà cần phải luôn
luôn và mãi mãi có lòng tinh tấn: “Tôi
muốn học Phật Pháp. Đời đời kiếp kiếp, tôi lúc nào cũng muốn học Phật
Pháp.” Ngoài ra, cần phải lập nguyện
nhất định hộ trì Phật giáo, nhất định tu hành và học tập Phật Pháp – cái tâm
Bồ-đề này phải vĩnh viễn không bao giờ thối chuyển. Song, làm thế nào để được như
thế?
Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni tỏ ra vui mừng khi nghe ngài A-Nan hỏi về vấn đề này. Vì sao Đức Phật vui mừng? Tuy nói rằng Phật thì “như như bất động,”
nhưng khi có người phát tâm muốn ủng hộ Phật Pháp và giúp cho kẻ khác thành
Phật, thì Phật cũng thấy vui mừng, cũng thấy hoan hỷ! Do đó, Đức Phật khen Tôn-giả A-Nan ngay trước
toàn thể đại chúng rằng: “Lành thay! Lành thay!
A-Nan khá lắm! A-Nan khá lắm!” Đức Phật nói “lành thay, lành thay”
như thế tức là tấm tắc khen ngợi ngài A-Nan hai lần: “Ông khá lắm! Ông quả thật là một đệ tử
tốt!”
“Như
ông vừa hỏi về sự an lập đạo-tràng và cứu giúp những chúng sanh bị chìm đắm
trong thời Mạt-kiếp. Vào thời Mạt-kiếp (Mạt Pháp), nếu ông muốn
cứu vớt những chúng sanh bị chìm đắm trong cảnh “nước sôi lửa bỏng,” thì nay ông hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói.
Bây gìờ ông hãy chú ý nghe cho kỹ,
Ta sẽ giảng cho ông rõ.”
Ngài
A-Nan và đại-chúng đồng vâng theo lời dạy. Ngài A-Nan nghe Phật sắp thuyết Pháp thì càng
vui mừng hơn nữa, cho nên ngài và đại-chúng đều đồng lòng vâng lời Phật dạy. Ắt
hẳn là lúc bấy giờ Đức Phật hỏi: “Các
ông có muốn nghe chăng?”; và mọi người đồng thanh đáp: “Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng con đều muốn được nghe!”--ai nấy
cùng nhau “y giáo phụng hành.”
Tà-sư khi nói pháp thì chuyên môn nói về chuyện dâm
dục, và những điều họ nói đều không đúng với đạo lý - về điểm này, mọi người
cần phải biết phân biệt cho rõ ràng. Ở cảnh giới của bậc Bồ-tát, lắm lúc các
ngài cũng dùng cái tâm “từ bi ái hộ chúng sanh.” Vì biết rằng tất cả chúng sanh đều có dục
niệm rất nặng nề, cho nên ngay từ lúc mới bắt đầu giáo hoá họ, bậc Bồ-tát không
đòi hỏi họ phải đoạn tuyệt lòng ái-dục (hay tâm dâm dục) liền, mà chỉ dùng vô
số pháp môn phương tiện để làm cho họ tự có cái nhìn thấu đáo về dâm dục, rồi
tự ý đình chỉ cái tâm ấy. Đó là cảnh giới của bậc Bồ-tát, hoàn toàn khác hẳn
với cảnh giới của hàng tà-sư ngoại đạo; vì vậy, mọi người cần phải hiểu cho
tường tận điểm này.
Có lần Quán-Thế-Âm Bồ-tát thị hiện làm một người con
gái cực kỳ xinh đẹp đến nỗi tất cả đàn ông vừa gặp mặt cô là sanh lòng yêu
thích ngay. Nhân đó, cô bảo họ niệm
Phật, tu hành, và rốt cuộc đã khiến cho những chúng sanh ấy đều được thành
Phật. Trước kia, lúc giảng Phẩm Phổ-Môn
(trong Kinh Pháp Hoa), tôi cũng có nhắc đến chuyện “Quán Âm Bán Cá.” “Quán-Âm Bán Cá” là chuyện về một thiếu nữ vô
cùng xinh đẹp, thường mang giỏ cá đi bán trong một ngôi làng mà cư dân vốn hoàn
toàn không tin theo đạo Phật. Khi gặp
một cô gái đẹp đẽ như thế thì trai tráng trong làng đều nổi lòng tham, người
nào cũng ao ước được cưới cô làm vợ. Tuy
rằng dân trong làng ấy không đông lắm nhưng cũng có tới trên một trăm thanh
niên, vì thế cô gái “Quán-Âm Bán Cá” bèn nói với họ: “Phận tôi thân gái không thể nào kết hôn cùng
cả trăm người được, vậy giờ tôi xin dùng cách này để kén chồng: Trong hơn một trăm quý ông đây, hễ người nào
học thuộc được Phẩm Phổ-Môn trước nhất thì tôi sẽ kết duyên với người ấy. Bây giờ quý ông hãy về nhà mà học đi, tôi cho
quý ông thời hạn là ba ngày thôi đấy.”
Thế là hơn một trăm thanh niên, người nào cũng lấy một
bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Phổ-Môn Phẩm (tức là phẩm thứ
hai mươi lăm của bộ Kinh Pháp Hoa) để về học.
Hết kỳ hạn ba hôm thì có khoảng bốn, năm chục người đã thuộc được; như
vậy là hơn một trăm người “dự thi” lúc ban đầu thì bây giờ còn lại khoảng một
nửa. Người này nói đã thuộc rồi, người
kia cũng bảo đã học xong; tất cả có hơn năm mươi người học thuộc được Phẩm
Phổ-Môn. “Quán-Âm Bán Cá” bèn nói: “Bây giờ vẫn còn quá nhiều. Mặc dù hơn năm mươi quý ông đây đều thuộc
Phẩm Phổ-Môn cả, song tôi không thể kết hôn với cả năm mươi người được! Tôi chỉ có thể kết hôn với một người mà
thôi. Thôi thì bây giờ quý ông hãy trở
về đi, tôi lại cho quý ông thời hạn năm ngày để học Kinh Kim-Cang, ai thuộc
được thì tôi sẽ cùng người ấy kết duyên.”
Hơn năm mươi “thí sinh” ấy quay về và miệt mài học
Kinh Kim Cang; và sau năm ngày thì có hơn hai mươi người đã học thuộc. Thiếu nữ bán cá lại nói: “Thế này thì vẫn còn đông quá, tôi không thể
kết hôn với nhiều người như vậy được.
Bây giờ tôi lại có một điều kiện:
Tôi kỳ hạn cho quý ông bảy ngày, hễ ai học thuộc được bộ Kinh Pháp Hoa
thì tôi sẽ kết hôn với người ấy. Lần
này, tôi tin rằng người học thuộc sẽ được toại nguyện.”
Như thế là hơn hai mươi người này và luôn cả những
người đã dự thi khi trước lại cùng nhau cặm cụi học Kinh Pháp Hoa; và nội trong
bảy ngày thì có một người có thể tụng nhuần nhuyễn và thuộc nằm lòng được trọn
bộ kinh. Người này họ Mã, xuất thân từ
một gia đình rất giàu có. Anh ta nói là
mình đã “trúng tuyển,” chắc chắn sẽ cưới được cô gái bán cá xinh đẹp, nên gởi
thiệp mời thân thuộc đến dự lễ thành hôn của mình. Không ngờ sau lễ gia tiên, vừa vào phòng tân
hôn thì cô gái xinh đẹp ấy lại bị lên cơn đau tim mà chết. Chàng thanh niên họ Mã đã hao tổn biết bao
tinh thần - học thuộc Phẩm Phổ Môn, Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa - mới cưới
được vợ, thế mà vừa vào phòng tân hôn thì cô dâu lại đột ngột ngã ra
chết!
Khi đưa đám tang cô gái ấy thì có một vị Sư mặc áo dài
màu đỏ tía xuất hiện và hỏi: “Chẳng hay
quý vị đang làm gì vậy?” Tang gia
đáp: “Cô dâu mới cưới về bỗng dưng mắc
bệnh mà chết đột ngột, bây giờ chúng tôi đang đưa đám cô ta đây!”
Vị Sư nói: “Không đúng!
Cỗ quan tài kia hoàn toàn trống rỗng, sao lại bảo là có người chết nằm trong
đó? Quý vị không tin thì hãy mở ra xem
đi!” Mở nắp quan tài ra thì bên trong
quả nhiên trống không – thi hài của cô gái bán cá được đặt nằm trong áo quan
bây giờ chẳng thấy đâu nữa! Thấy thế, ai
nấy đều kinh ngạc bảo nhau: “Vậy thì cô ấy đi đâu? Hãy mau mau đuổi theo! Phải tìm cho ra cô ấy và đưa về đây, nhanh
lên!”
Bấy giờ, vị Sư giải thích: “Thật ra cô gái ấy chính là Quán-Thế-Âm
Bồ-tát thị hiện đấy. Bởi dân chúng ở địa phương này không tin Phật nên Bồ-tát
mới thị hiện làm một thiếu nữ xinh đẹp khiến cho những kẻ háo sắc như các ông
say mê mà chịu học Phật Pháp. Nay các
ông đã chịu học rồi thì Bồ-tát ra đi thôi!”
Nghe xong, “chú rể” họ Mã chợt tỉnh ngộ:
“Ồ, thì ra là vậy!” Thế rồi, khi
đã nhìn thấu suốt được mọi chuyện ở thế gian, anh ta quyết định xuất gia, tinh
tấn tu hành và sau đó chứng được Thánh-quả.
Kinh
Văn:
Hán Việt: Phật cáo A-Nan: “Nhữ thường văn ngã
Tỳ-nại-da trung, tuyên thuyết tu hành tam quyết định nghĩa. Sở vị nhiếp tâm vi Giới, nhân Giới sanh Định,
nhân Định phát Huệ; thị tắc danh vi Tam Vô-Lậu Học.”
Việt: Đức Phật bảo ngài A-Nan: “Ông thường nghe Ta tuyên thuyết ba nghĩa quyết định của sự tu hành
trong Tỳ-nại-da. Đó là: Nhiếp tâm là giới, do Giới sanh Định, do Định
phát Huệ. Đó gọi là Tam Vô-Lậu Học.”
Giảng nghĩa:
Khi toàn thể Đại-chúng trong Pháp-hội đều đồng lòng
vâng theo lời dạy, Đức Phật bảo ngài
A-Nan: “Ông thường nghe Ta tuyên thuyết
ba nghĩa quyết định của sự tu hành trong Tỳ-nại-da.” “Tỳ-nại-da” (Vinaya) tức là Luật-tạng của
Đại-thừa và Tiểu-thừa, trong đó chuyên giảng về Giới-luật của Đại-thừa và
Giới-luật của Tiểu-thừa.
Đức Phật nói với ngài A-Nan rằng: “Ông luôn luôn được
nghe những gì Ta nói. Vậy khi Ta giảng
về các đạo lý trong Giới-luật, hẳn ông đã từng nghe Ta nêu ra những đạo lý tu
hành này. Tu hành thì cần phải căn cứ
theo ba nghĩa quyết định--ba điều cố định, bất biến, dứt khoát không thể sửa
đổi. Vậy, ba nghĩa quyết định đối với sự
tu hành này là gồm những gì? Đó là: Nhiếp tâm là Giới, do Giới sanh Định, do Định
phát Huệ.” Ba nghĩa quyết định này
là về Giới, Định và Huệ. “Nhiếp” tức là
nhiếp thủ, nhiếp trì, có nghĩa là thâu giữ, thu hút, giống như đá nam-châm hút
sắt vậy.
Thế nào gọi là “nhiếp tâm”? Tâm của chúng ta, đặc biệt là cái tâm
phan-duyên, suốt ngày chỉ toàn âm mưu, toan tính chuyện lợi dụng người khác,
nghĩ cách kết thân với những người giàu có hoặc có thế lực để dựa dẫm, trục
lợi. Lúc nào cũng nghĩ ngợi những chuyện
như thế tức là có tâm phan-duyên, và chính là không nhiếp tâm. “Nhiếp tâm” có nghĩa là thâu hồi cái tâm
phan-duyên trở lại, không cho nó đi “phan duyên,” không để cho nó chạy rông
nữa. Thế nhưng, cái tâm này, quý vị
không muốn nó chạy, nó cũng tự động chạy; quý vị bảo nó đừng khởi vọng tưởng,
song chưa tới một phút là vọng tưởng lại ùn ùn dấy lên rồi! Vọng tưởng này ngừng thì vọng tưởng kia dấy
khởi, niệm trước vừa diệt thì niệm sau liền sanh; niệm sau vừa diệt thì niệm
sau nữa lại sanh – đó chính là cái tâm phan-duyên “niệm niệm chẳng ngừng”
vậy.
Thế thì bây giờ phải làm sao? Phải nhiếp trì tâm phan-duyên--thâu nhiếp cái
tâm ấy trở lại và giữ nó ở yên một chỗ!
Chúng ta sở dĩ không thể thành Phật, không thể khai ngộ, không thể liễu
Đạo, chính là vì chúng ta chưa khống chế được cái tâm này. Nếu khống chế được cái tâm này, giữ được nó ở
yên một chỗ, thì chẳng có chuyện gì mà chúng ta không làm được; và bấy giờ, mọi
việc đều thành công, mọi sự đều thành tựu.
Cho nên, trước hết, chúng ta cần phải thâu nhiếp và chế ngự cái tâm
phan-duyên; và đó chính là Giới,
tức là biện pháp để “chỉ ác phòng phi” (chấm dứt điều ác và ngăn ngừa sự sai
trái).
Trước hết, quý vị cần phải có được Giới. Có được Giới thì cũng giống như chậu nước đục
được để yên, không bị khuấy động. Khi
không còn chao động nữa thì đất cát từ từ lắng xuống đáy chậu, nước trở nên
trong trẻo. Đó là “do Giới sanh Định” vậy.
“Định” tức là không dao động, không chao đảo. Do không dao động mà sanh ra “Định.” Khi không còn bị dao động, lay chuyển nữa,
tức là có được Định rồi, thì sẽ “do Định phát Huệ”; như lời Bồ-tát Văn-Thù
Sư-Lợi:
“Sạch
tột, sáng thông suốt.”
(Tịnh
cực, quang thông đạt.)
Hễ trong sạch tới cực điểm thì tự nhiên ánh sáng sẽ
soi tỏ, xuyên suốt tất cả; “quang thông đạt” tức là được khai ngộ. “Do Định phát Huệ” nghĩa là từ trong Định sẽ
nảy sanh trí huệ chân chánh.
“Đó
gọi là Tam Vô-Lậu Học.” Giới, Định và Huệ được gọi chung là ba môn
học vô-lậu. Nếu quý vị giữ Giới thì sẽ
có được Định, và từ Định sẽ nảy sanh Trí-huệ.
Kinh
Văn:
Hán Việt: “A-Nan! Vân hà nhiếp tâm ngã danh vi Giới?”
Việt: “A-Nan!
Vì sao Ta gọi nhiếp tâm là Giới?”
Giảng nghĩa:
Đức Phật lại gọi: “A-Nan!
Vì sao Ta gọi nhiếp tâm là Giới?
Nhiếp tâm còn được gọi là gì? Ta đặt cho sự ‘nhiếp tâm’ cái tên Giới là
có ý nghĩa gì? Bây giờ Ta sẽ nói cho ông rõ.”
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment