Dầu
có đa trí, Thiền-định hiện tiền, mà nếu chẳng dứt trừ sát sanh, tất sẽ lạc vào
Thần-đạo--người thượng phẩm thì làm Đại-lực Quỷ, trung phẩm thì làm Phi-hành
Dạ-xoa hoặc làm Quỷ-soái, hạ phẩm thì làm Địa-hành La-sát...
DẪN NHẬP
BỐN ÐIỀU RĂN DẠY VỀ TÁNH THANH TỊNH CHÂN
THẬT, KHÔNG HƯ DỐI
(Vạn Phật Thánh Thành ngày 17 tháng 4 năm
1983)
Hòa Thượng Tuyên
Hóa lược giảng
Ban Phiên Dịch Việt
Ngữ Vạn Phật Thánh Thành
Không Sát Sanh
Kinh
Văn:
Hán Việt: “A-Nan! Hựu chư thế giới, Lục-đạo chúng sanh, kỳ tâm
bất sát, tắc bất tùy kỳ sanh tử tương tục.”
Việt: “A-Nan!
Lại nữa, nếu chúng sanh trong Lục-đạo ở các thế giới mà tâm không sát
sanh thì sẽ không bị cuốn theo dòng sanh tử tương tục.”
Giảng nghĩa:
Đức Phật dạy: “A-Nan!
Lại nữa, nếu chúng sanh trong Lục-đạo - trời, người, A-tu-la, ngạ
quỷ, điạ ngục và súc sanh - ở các thế
giới, mà tâm không sát sanh...” Ở đây, “không sát sanh” chẳng phải chỉ đơn
thuần thân không sát sanh, mà luôn cả tâm cũng phải không sát sanh
nữa.
Nếu trong lòng của các chúng sanh trong sáu đường ấy
không hề có ý nghĩ giết hại sinh vật, trái lại còn muốn giới sát, phóng sanh, “thì sẽ không bị cuốn theo dòng sanh tử
tương tục.” Nếu không sát sanh, tất
sẽ cắt đứt được sự tới lui trong sáu nẻo luân hồi, và do đó sẽ không còn bị tùy
thuộc vào nghiệp báo tương tục của dòng sanh tử nữa.
Kinh
Văn:Hán Việt: “Nhữ
tu Tam-muội, bổn xuất trần lao, sát tâm bất trừ, trần bất khả xuất.”
Việt: “Ông
tu pháp Tam-muội vốn để thoát trần-lao, nhưng nếu không trừ bỏ tâm sát-sanh thì
chẳng thể ra khỏi trần-lao.”
Giảng nghĩa:
“A-Nan! Ông tu pháp Tam-muội vốn để thoát
trần-lao. Thật ra, ông
tu hành Định-lực với nguyện vọng là vượt khỏi trần lao, nhưng nếu không trừ bỏ tâm sát-sanh thì chẳng thể ra khỏi
trần-lao.”
Làm thế nào để dứt trừ tâm sát sanh? Phải giới sát, phóng sanh. Trong phần kinh văn trên, Đức Phật có
dạy: “Nếu không dứt trừ tâm dâm-dục thì
chẳng thể ra khỏi trần lao”; thì đối với tâm sát-sanh cũng vậy: “Nếu không dứt trừ tâm sát sanh,” thì cũng
“chẳng thể ra khỏi trần lao.”
Phải đoạn trừ tâm dâm dục thì mới có thể thoát khỏi
chốn trần lao bụi bặm, vượt ra khỏi sáu nẻo luân hồi được. Nhưng nếu dâm tâm đã dứt sạch mà sát tâm vẫn
còn tồn tại, thì cũng vẫn không thể ra khỏi trần-lao, không thể vượt thoát sáu
nẻo luân hồi, và cũng không thể siêu xuất Tam-giới được.
Kinh
Văn:Hán Việt: “Túng
hữu đa trí, Thiền-định hiện tiền, như bất đoạn sát, tất lạc Thần-đạo--thượng
phẩm chi nhân vi Đại-lực Quỷ; trung phẩm tắc vi Phi-hành Dạ-xoa, chư Quỷ-soái
đẳng; hạ phẩm đương vi Địa-hành La-sát.”
Việt: “Dầu
có đa trí, Thiền-định hiện tiền, mà nếu chẳng dứt trừ sát sanh, tất sẽ lạc vào
Thần-đạo--người thượng phẩm thì làm Đại-lực Quỷ, trung phẩm thì làm Phi-hành
Dạ-xoa hoặc làm Quỷ-soái, hạ phẩm thì làm Địa-hành La-sát.”
Giảng nghĩa:
“Dầu có đa trí, Thiền-định hiện tiền, mà nếu
chẳng dứt trừ sát sanh, tất sẽ lạc vào Thần-đạo.” “Đa trí” ở đây không phải là trí huệ xuất thế
mà là thế trí biện thông - thứ trí huệ của thế gian. Như vậy, cho dù quý vị rất thông minh, có
được thế trí biện thông, có tài ăn nói, giỏi biện luận, khéo biện biệt, và công
phu tu hành cũng đã tương ưng rồi; song le, nếu không dứt bỏ tâm sát sanh, thì
trong tương lai, quý vị sẽ bị rơi vào đường Thần-đạo và có thể làm Thần, làm
Thiên-vuơng, Thiên-chủ, hoặc Đại-lực Tướng-quân (tức Đại-lực Quỷ) ở cõi trời.
“Người
thượng phẩm thì làm Đại-lực Quỷ. Người thượng phẩm (tức là người giỏi nhất)
thì làm loại quỷ thần có thế lực lớn; loại quỷ này cũng là thần. Đại-lực Quỷ
chính là Thiên-hành Dạ-xoa (quỷ Dạ-xoa ở cõi trời). Trung
phẩm thì làm Phi-hành Dạ-xoa hoặc làm Quỷ-soái. Hạng quỷ trung phẩm, thần trung phẩm này có
thể là Phi-hành Dạ-xoa (quỷ Dạ-xoa bay liệng trên không), hoặc nguyên soái của
loài quỷ. Hạ phẩm thì làm Địa-hành La-sát. Hạng người thuộc hạ phẩm thì làm Địa-hành
La-sát, loại quỷ La-sát ở dưới đất.”
Kinh
Văn:
Hán Việt: “Bỉ chư quỷ thần, diệc hữu đồ chúng, các các
tự vị thành Vô-thượng Đạo.”
Việt: “Các
quỷ thần ấy cũng có đồ chúng, tất cả đều tự xưng đã thành tựu Đạo Vô-thượng.”
Giảng nghĩa:
“Các
quỷ thần ấy cũng có đồ chúng.” Những quỷ thần này – Thiên chủ, Thần ở cõi
trời, hoặc loài quỷ ở địa ngục, loài Địa-hành La-sát ở nhân gian, loài Phi-hành
Dạ-xoa bay trên không, và Thần-vương Đại-lực Quỷ - đều có rất đông đồ chúng.
“Đồ” tức là đồ đệ; “đồ chúng” tức là bè
đảng rất đông, rất nhiều. Có rất nhiều
loại quỷ, như Đại-lực Quỷ (quỷ có thế lực lớn), Đa-tài quỷ (quỷ có nhiều tiền
của), Thiểu-tài Quỷ (quỷ có ít tiền của), Vô-tài quỷ (quỷ không có tiền của),
Khứu hưong Quỷ (quỷ ngửi mùi thơm), Khứu-xú Quỷ (quỷ ngửi mùi hôi)... Bởi có tới mấy vạn loại quỷ khác nhau, cho
nên Đức Phật nói: “Các quỷ thần ấy cũng
có đồ chúng” - kẻ này có đệ tử, kẻ kia cũng có đồ đệ, cho nên bọn chúng rất là
đông đúc.
“Tất
cả đều tự xưng đã thành tựu Đạo Vô-thượng.” Những quỷ thần ấy, kẻ nào cũng ngạo mạn, tự
xưng là mình đã thành tựu được Đạo Vô-thượng. Ở Trung-Hoa có vị Quan Đế Công
vốn là loại Đa-tài Quỷ (quỷ có nhiều tiền của), song về sau đã quy y Tam Bảo và
đưọc tôn xưng là Bồ-tát Già-Lam. Đối với Phật-giáo thì Bồ-tát Già-Lam là một vị
Thần Hộ-Pháp; và khi ở trong chùa hay trước mặt Đức Phật thì vị Thần Hộ-Pháp
này phải đứng, bởi không có chỗ ngồi cho thần.
Kinh
Văn:
Hán Việt: “Ngã
diệt độ hậu, Mạt Pháp chi trung, đa thử quỷ thần, xí thạnh thế gian, tự ngôn
thực nhục đắc Bồ-đề lộ.”
Việt: “Sau khi Ta diệt độ, trong thời Mạt Pháp,
sẽ có nhiều loại quỷ thần ấy hiện ra đông đảo ở thế gian, tự nói rằng ăn thịt
thì đắc được con đường Bồ-đề.”
Giảng nghĩa:
“Sau
khi Ta diệt độ, trong thời Mạt Pháp…” Thời
đại sau khi Phật nhập Niết-bàn tức là thời của chúng ta hiện nay và cũng chính
là “thời Mạt Pháp” vậy.
“Sẽ
có nhiều loại quỷ thần ấy hiện ra đông đảo ở thế gian.” Những
quỷ thần này vốn là những kẻ kiếp trước tuy có tu hành song lại không thể giới
sát, nên phải cam chịu đọa lạc vào chốn Thần đạo. Trong thời Mạt Pháp, ở thế
gian có rất nhiều quỷ thần như thế xuất hiện, và “tự nói rằng ăn thịt thì đắc được con đường Bồ-đề.” Những quỷ thần
ấy còn tuyên bố với mọi người: “Tôi có ăn thịt đấy! Ăn thịt thì cũng thành Phật
được như thường! Tôi không cần giới sát, cũng chẳng phải ăn chay, thế mà bây
giờ tôi cũng khai ngộ, cũng làm Phật được vậy!” “Con đường Bồ-đề” có nghĩa là
con đường thành Phật.
Có một người nọ tự xưng rằng mình đã khai ngộ rồi,
nhưng ông ta lại ăn thịt, uống rượu, hút thuốc, thậm chí còn xúi giục những
thanh niên theo ông ta sử dụng ma-túy, nha phiến, và luôn cả LSD nữa. Ông ta
nói rằng ông ta đã khai ngộ rồi ư? Làm gì có chuyện vô lý như thế được?! Đức
Phật xưa kia khai ngộ là chính Ngài tự khai ngộ lấy, chứ tuyệt đối không đụng
tới các dược phẩm như thế; còn ông ta bây giờ thì tự đầu độc mình bằng ma-túy,
khiến cho tinh thần và thể xác đều rũ liệt, kiệt quệ đến gần chết, thế mà vẫn
cứ khăng khăng cho rằng mình đã được khai ngộ! Quý vị nói xem, như thế là có
điên đảo hay không chứ? Họ đúng là những chúng sanh điên đảo!
Kinh văn:
Hán Việt: “A Nan ! Ngã linh Tỳ
khưu thực Ngũ Tịnh-nhục, thử nhục giai ngã thần lực hóa sanh, bổn vô mạng căn.
Nhữ Bà-la-môn địa đa chưng thấp, gia dĩ sa thạch, thảo thái bất sanh. Ngã dĩ
đại bi thần lực sở gia, nhân đại từ bi giả danh vi nhục, nhữ đắc kỳ vị. Nại hà
Như Lai diệt độ chi hậu, thực chúng sanh nhục, danh vi Thích tử?”
Vịêt: “A Nan !
Ta cho phép chúng Tỳ-khưu ăn Ngũ Tịnh-nhục; thịt ấy đều do thần lực của Ta hóa
sanh chớ vốn không có mạng căn. Bà-la-môn các ông ở nơi nóng, ẩm, lại thêm có
đá sạn nên rau cỏ không sống được; vì thế, Ta dùng thần lực đại bi gia hộ, do
đại từ bi mà giả gọi là thịt cho các ông có được cái vị. Làm sao sau khi Như
Lai diệt độ, những kẻ ăn thịt chúng sanh lại gọi là Thích tử được?”
Giảng nghĩa:
“A-Nan! Ta cho phép chúng Tỳ-khưu ăn Ngũ Tịnh-nhục. Trong
giáo pháp của Phật, Ta có cho phép các Tỳ-khưu ăn Ngũ Tịnh-nhục." Thế nào
gọi là "Ngũ Tịnh-nhục"? Đó là năm thứ thịt thanh tịnh:
1) Thịt của thú vật mà mình không thấy bị giết (bất kiến sát nhục).
2) Thịt của thú vật mà mình không nghe bị giết (bất
văn sát nhục).
3) Thịt của thú vật mà mình không nghi ngờ là vì mình
mà bị giết (bất nghi vi kỷ sát nhục).
4) Thịt của thú vật tự nhiên bị chết (tự tử nhục).
5) Thịt của thú vật mà chim ăn còn dư (điểu tàn nhục).
Chẳng hạn như chim ưng bắt gà con để ăn, nhưng ăn không hết. Phần thịt còn thừa
ấy, nếu quý vị trông thấy thì có thể nhặt lấy để ăn, và thịt đó được gọi là
"điểu tàn nhục."
"Thịt ấy đều do thần lực của Ta hóa sanh chứ vốn không có mạng căn". Năm thứ thịt thanh tịnh ấy đều là do Đức Phật dùng sức thần mà hóa sanh ra cho nên không có mạng căn. Thế nào gọi là "không có mạng căn"? Tức là không có ý thức, không có hơi ấm, không có sự hít thở - không có mầm sống.
"Bà-la-môn các ông ở nơi nóng, ẩm." Những người dòng Bà-la-môn giữ hạnh thanh tịnh thường sống ở vùng có rất nhiều cát, lại rất nhiều nước nữa. "Nóng" tức là có khí nóng của cát đá bốc lên; và "ẩm" là có ứ đọng rất nhiều nước. "Lại thêm có đá sạn nên rau cỏ không sống được." Thêm vào đó lại còn có sỏi đá xen lẫn trong đất nữa, khiến cho cả rau lẫn cỏ đều không thể sinh trưởng được.
"Vì
thế Ta dùng thần lực đại bi gia hộ, do đại từ bi mà giả gọi là thịt cho các ông
có được cái vị. Do lòng đại từ đại bi nên Ta giả
gọi thức này là thịt mà thôi, chứ thật ra đó không phải là thịt; cho nên các
ông có thể ăn những thức ăn này. Nay thì Ta cho Tỳ-khưu các ông được phép thọ
dụng thứ thịt thanh tịnh này."
"Làm
sao sau khi Như-Lai diệt độ, những kẻ ăn thịt chúng sanh lại gọi là Thích-tử
được?" Những kẻ không ăn năm thứ thịt thanh tịnh do Đức Phật
định ra mà chỉ chuyên ăn thịt của chúng sanh thì có được gọi là
"Thích-tử" không ? Dứt khoát là không! Những người như thế không thể
nào gọi là Thích tử được! "Thích-tử" (đệ tử của Thích Ca) là một danh
xưng khác để chỉ người xuất gia theo đạo Phật.
Kinh văn:
Hán Việt: "Nhữ đẳng đương tri, thị thực nhục nhân, túng đắc tâm khai tự
Tam-ma-địa, giai Ðại La-sát, báo chung tất trầm sanh tử khổ hải, phi Phật đệ
tử. Như thị chi nhân, tương sát tương thôn, tương thực vị dĩ. Vân hà thị nhân
đắc xuất Tam-giới?"
Việt: "Các ông phải biết: Những kẻ ăn thịt dầu
được tâm khai tựa Tam-ma-địa, cũng chỉ là loài Ðại La-sát, đến khi báo chung
phải chịu trầm luân trong biển khổ sanh tử, chớ không phải là đệ tử của Phật.
Những người như vậy là hạng giết hại lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau, hỗ tương ăn
nuốt không dứt, thì làm sao ra khỏi được Tam-giới?"
Giảng nghĩa:
Ðức Phật dạy: "Trong thời Mạt Pháp, sau khi Ta
nhập diệt, nếu có những thầy Tỳ-khưu xuất gia nào mà còn muốn ăn thịt--bất kể
là loại Ngũ Tịnh-nhục hay Tam Tịnh-nhục, nói chung, cứ là thịt thì họ liền ăn,
chẳng cần hỏi trước xem thịt ấy có thanh tịnh hay không--thì các ông phải biết: Những kẻ ăn thịt dầu
được tâm khai tựa Tam-ma-địa, cũng chỉ là loài Đại La-sát, đến khi báo chung
phải chịu trầm luân trong biển khổ sanh tử. Sau khi Ta diệt độ, những kẻ ăn
thịt chúng sanh sẽ mạo xưng là đệ tử của Phật, rồi ăn thịt, uống rượu một cách
tùy tiện, lại còn nói là ai cũng có quyền tự do làm theo sở thích. Hạng người
ấy cho dù có đạt được chút cảnh giới hoặc trí huệ được khai mở đôi chút, và
dường như cũng có được đôi chút Ðịnh-lực đi chăng nữa, thực chất, họ chỉ là
loại Ðại La-sát--thứ Ma vương hoặc quỷ La-sát to lớn--mà thôi; và một khi thọ
mạng của họ đã hết, họ chắc chắn sẽ bị đọa lạc. Ðọa lạc nơi nào? Ðọa lạc, chìm
đắm trong biển khổ sanh tử!"
"Tâm khai" nghĩa là trong lòng có hiểu được
đôi chút đạo lý. "Tựa" tức là tương tự, giống như vậy thôi, chứ sự
thật vốn không phải như vậy. Sự thật thì không phải là trí huệ của họ được khai
mở, chẳng qua là họ tự cho rằng họ được như vậy mà thôi!
Hôm nọ có một người đến đây và tự tuyên bố rằng mình
giống Ðức Lục-Tổ, tôi bèn hỏi: "Tôi hỏi ông: Căn cứ vào đâu mà ông nói là
ông giống Lục Tổ?“ Ông ta đáp: “Tôi ấy à, tôi không căn cứ vào đâu mà chẳng
giống Lục Tổ!“ Ông ta tưởng rằng trả lời như thế tức là có trí huệ. Thật ra,
ông ta chính là hạng người hiện đang được đề cập tới trong đoạn kinh văn này --
họ tuy mặc áo của Phật, ăn cơm của Phật, "chớ
không phải là đệ tử của Phật."
"Những
người như vậy là hạng giết hại lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau, hỗ tương ăn nuốt
không dứt." Những
người ấy vừa sát sanh lại vừa ăn thịt, họ không chịu giới sát mà cũng chẳng từ
bỏ thói ăn thịt. Do đó, họ cứ ở trong cái vòng luẩn quẩn ăn nuốt lẫn nhau, vay
trả qua lại--anh ăn thịt tôi thì tôi ăn thịt anh lại, anh ăn của tôi thì anh
phải trả nợ ấy cho tôi, tôi ăn của anh thì tôi cũng phải đền nợ đó cho anh...
"Không dứt" tức là cứ tiếp diễn liên tục, không có lúc chấm dứt. Vì
sao lại "không dứt"? Vì nếu anh ăn thịt tôi thì tôi cũng sẽ ăn thịt
anh, tôi ăn thịt anh thì anh sẽ ăn thịt tôi lại, kiếp này anh ăn thịt tôi thì
kiếp sau tôi ăn thịt anh, rồi kiếp sau nữa anh lại ăn thịt tôi...; cứ như thế
mà giết hại, ăn nuốt lẫn nhau không bao giờ ngừng dứt.
"Thì
làm sao ra khỏi được Tam-giới? Làm thế nào những
người như vậy lại có thể vượt ra khỏi ba cõi đầy thống khổ--Dục giới, Sắc-giới,
Vô-sắc-giới--này được chứ?"
Kinh văn:
Hán Việt: "Nhữ giáo thế
nhân tu Tam-ma-địa, thứ đoạn sát sanh, thị danh Như Lai, tiên Phật, Thế Tôn, Ðệ
Nhị Quyết Ðịnh Thanh Tịnh Minh Hối."
Việt: "Vậy ông dạy người đời tu pháp
Tam-ma-địa, kế đến phải dứt trừ sát sanh. Ðó là lời minh huấn quyết định thứ
hai về tánh thanh tịnh của Như-Lai và chư Phật, Thế-Tôn thuở trước."
Giảng nghĩa:
"Vậy
ông dạy người đời tu pháp Tam-ma-địa, kế đến phải dứt trừ sát sanh. Ông
hãy giáo hóa và bảo cho những người thế gian tu Ðịnh-lực biết rằng trước hết họ
cần phải đoạn trừ dâm dục, và sau đó là phải đoạn trừ sát sanh." Tâm dâm
dục cần phải được dứt bỏ trước tiên là vì:
Dâm
tâm không trừ, trần-lao chẳng thoát.
(Dâm-tâm
bất trừ, trần bất khả xuất.)
Tuy nhiên, nếu không trừ bỏ cái tâm sát sanh thì cũng
chẳng thể nào ra khỏi chốn trần lao được; do đó, cần phải dứt tuyệt sát sanh.
"Ðó
là lời minh huấn quyết định thứ hai về tánh thanh tịnh của Như-Lai và chư Phật,
Thế-Tôn thuở trước. " Ðó chính là sự giáo
hóa do Như-Lai Thế-Tôn đề xướng. Tất cả chư Phật, Thế-Tôn đời trước và chư Phật
đời hiện tại đều răn dạy rõ ràng như thế cả. Ðó là lời minh huấn có ý nghĩa
quyết định thứ nhì về tánh thanh tịnh. Mọi người nhất định phải tuân theo; bằng
không, sẽ không thể nào ra khỏi Tam-giới được!
Kinh văn:
Hán Việt: "Thị
cố A-Nan, nhược bất đoạn sát, tu Thiền-định giả, tỷ như hữu nhân, tự tắc kỳ
nhĩ, cao thanh đại kiếu, cầu nhân bất văn, thử đẳng danh vi 'dục ẩn di
lộ'."
Việt: "Cho nên, A-Nan, nếu kẻ tu Thiền-định mà không dứt trừ sát
sanh thì cũng như người tự bịt tai rồi cất tiếng kêu to mà lại cầu cho người
khác đừng nghe thấy; đó gọi là 'muốn giấu mà lại thành lộ rõ'."
Giảng nghĩa:
"Cho
nên, A-Nan, ông phải biết rằng, nếu kẻ tu Thiền-định mà không dứt trừ sát sanh, không còn
lòng từ bi nữa--chủng tử từ bi đã bị hủy diệt--thì cũng như người tự bịt tai rồi cất tiếng kêu to mà lại cầu cho người
khác đừng nghe thấy." Tỷ dụ này
cũng tương tự như "bịt tai trộm chuông"tự bịt chặt hai tai mình lại
rồi đi ăn trộm chuông, tưởng rằng mình không nghe thấy tiếng chuông tức là mọi
người cũng đều không nghe thấy!!!
"Ðó
gọi là 'muốn giấu mà lại thành lộ rõ'." Họ muốn giấu kín nhưng rốt cuộc chỉ khiến cho sự việc lộ
liễu thêm mà thôi, và họ càng muốn giấu giếm bao nhiêu thì lại càng phô bày rõ
rệt hơn bấy nhiêu! Cho nên, nếu tu Thiền-định mà không dứt bỏ sát sanh thì sẽ
chẳng thể nào thành tựu được.
Kinh văn:
Hán Việt: "Thanh tịnh
Tỳ-khưu cập chư Bồ-tát, ư kỳ lộ hành bất đạp sanh thảo, huống dĩ thủ bạt, vân
hà đại bi thủ chư chúng sanh huyết nhục sung thực?"
Việt: "Chư Bồ-tát và các Tỳ-khưu thanh tịnh
khi đi trên lối rẽ còn không đạp lên cỏ sống huống hồ là lấy tay nhổ, thì sao
kẻ có tâm đại bi lại lấy máu thịt của chúng sanh làm thức ăn?"
Giảng nghĩa:
"Chư
Bồ-tát và các Tỳ-khưu thanh tịnh khi đi trên lối rẽ còn không đạp lên cỏ sống
huống hồ là lấy tay nhổ." Ở các ngã ba ngã tư,
nơi gặp gỡ của nhiều lối rẽ, đa số thường có nhiều cỏ mọc. Tuy nhiên, các bậc
Bồ-tát, Ðại Bồ-tát, cũng như các thầy Tỳ-khưu tu hạnh thanh tịnh hết sức thanh
cao, tinh khiết, đều không hề dẫm chân lên cỏ xanh--cỏ tươi, cỏ còn sống--vì
không muốn xéo nát cỏ, sợ làm cỏ chết. Các ngài cũng không nỡ tự tay nhổ cỏ.
"Thì
sao kẻ có tâm đại bi lại lấy máu thịt của chúng sanh làm thức ăn?" Những
người đành lòng lấy máu của chúng sanh để uống, lấy thịt của chúng sanh để ăn,
thì làm sao có thể gọi là có tâm đại bi được chứ? Dứt khoát là không được rồi!
Kinh văn:
Hán Việt: "Nhược chư
Tỳ-khưu, bất phục Ðông-phương ti miên quyến bạch, cập thị thử thổ ngoa lý cầu
thuế, nhũ lạc đề hồ, như thị Tỳ-khưu, ư thế chân thoát, thù hoàn túc trái, bất
du Tam-giới."
Việt: "Những vị Tỳ-khưu nào không phục-dụng
các thứ tơ bông, hàng lụa Ðông-phương, cùng các ủng da, giày dép da, áo da, áo
lông, sữa, pho-mát, sữa đặc tinh của miền đó, thì những vị Tỳ-khưu ấy thật sự
được giải thoát ở đời; trả xong nợ trước, họ sẽ không trở lại Tam-giới
nữa."
Giảng nghĩa:
"Những
vị Tỳ-khưu nào không phục-dụng các thứ tơ bông, hàng lụa Ðông-phương..." "Tơ"
tức là sợi tơ do con tằm nhả ra. "Tơ bông" và "hàng lụa"
(dệt từ tơ tằm) là những sản phẩm phải dùng tánh mạng của sinh vật để làm ra;
loại "sơ bông" thông thường thì không đáng kể.
"...Cùng các ủng da, giày dép da, áo da,
áo lông, sữa, pho-mát, sữa đặc tinh của miền đó ..." Giả
sử có những thầy Tỳ-khưu không mặc các loại y phục làm bằng thứ hàng của
Ðông-phương, đồng thời cũng không dùng những thổ sản của xứ này--không mang
ủng, hài hoặc giày dép làm bằng da thú; không mặc áo làm bằng da thú hoặc áo
làm bằng lông cầm thú (như lông chim); cũng không thọ dụng sữa bò, pho-mát và
sữa đặc tinh (pho-mát và sữa đặc tinh đều là những thực phẩm được biến chế từ
sữa bò)--"thì những vị Tỳ-khưu ấy
thật sự được giải thoát ở đời." Những thầy Tỳ-khưu làm được như thế
tức là đã chân chánh đạt được sự giải thoát ngay tại thế gian này. "Trả xong nợ trước, một khi tất cả
nợ nần xưa cũ đều đã được thanh toán phân minh thì họ sẽ không trở lại Tam-giới nữa."
Tuy rằng ở trên có nói là không được dùng sữa bò và
pho-mát, song trong Giới-luật của Tiểu-thừa và Ðại-thừa đều không triệt để ngăn
cấm việc thọ dụng loại thực phẩm này. Phần kinh văn trên là nói về những người
trì giới Không Sát-sanh hết sức thanh tịnh, thanh tịnh một cách phi
thường--phàm bất cứ thứ gì có quan hệ nhân duyên với chúng sanh thì họ đều
không dùng. Như về y phục chẳng hạn, họ không mặc các thứ tơ lụa, loại vải được
dệt bằng tơ do con tằm nhả ra, bởi tơ tằm thì có liên quan đến sanh mạng của con
tằm. Ngay cả mật ong họ cũng không đụng tới vì nó có liên quan với loài ong.
Thật ra, về những điểm này thì trong Giới-luật đều có "khai duyên,"
tức là có thể tùy trường hợp mà áp dụng một cách linh động chứ không phải là
bắt buộc. Tuy nhiên, nếu có thể không thọ dụng những sản phẩm ấy thì thanh tịnh
nhất, tốt nhất.
Kinh văn:
Hán Việt: "Hà dĩ cố? Phục
kỳ thân phần, giai vi bỉ duyên; như nhân thực kỳ địa trung bá cốc, túc bất ly
địa, tất sử thân tâm, ư chư chúng sanh nhược thân thân phần, thân tâm nhị đồ
bất phục bất thực, ngã thuyết thị nhân chân giải thoát giả."
Việt: "Vì sao? Vì phục-dụng phần thân của
chúng là tạo duyên với chúng, cũng như người ăn bá cốc từ đất thì chân không
rời khỏi mặt đất vậy. Người nào có thể khiến thân tâm xa lánh thân và phần thân
của mọi loài chúng sanh, cả thân lẫn tâm đều không mặc, không ăn chúng, thì Ta
nói rằng người ấy là bậc giải thoát chân chánh."
Giảng nghĩa:
"Vì
sao? Bởi lý do nào? Vì phục-dụng phần thân của chúng là tạo duyên với chúng, cũng như người
ăn bá cốc từ đất thì chân không rời khỏi mặt đất vậy." Những sản phẩm
có liên quan tới tánh mạng của sinh vật, như tơ lụa chẳng hạn, được gọi là
"phần thân." Một khi quý vị mặc y phục làm bằng tơ lụa tức là quý vị
tạo ra một mối nhân duyên với những con tằm đã nhả tơ để dệt nên tấm lụa. Nếu
không muốn trở thành những loài vật ấy thì quý vị phải cắt đứt mọi nhân duyên
với chúng.
Thủy tổ loài
người vốn đến từ trời Ðại Phạm. Trong nhiều kiếp lâu xa về trước, thế gian gặp
nạn kiếp-hỏa và bị thiêu hủy đến không còn dấu vết loài người nữa. Trải qua một
quãng thời gian dài không biết là bao lâu, thì có những thiên nhân từ trời Ðại
Phạm bay tới thế gian. Bấy giờ, khắp mặt đất phủ đầy một thứ gọi là "địa
phì” (mỡ đất); các thiên-nhân này thấy "địa phì" trông rất đẹp mắt,
bốc lên ngửi thì thấy rất thơm, nên mới ăn thử. Ăn "địa phì" vào rồi
thì họ không bay đi được nữa! Bởi không "cỡi mây cỡi sương" được nữa
nên họ đành phải ở lại thế gian. Khi thấy anh chị em của mình và các thiên-nam
thiên nữ khác bay ngang qua trên trời, họ liền gọi với lên. Những thiên-nhân ấy
xuống tới thế gian thì cũng đều ăn "địa phì" cả, và ăn rồi thì ai nấy
cũng đều không bay lên được nữa, nên đều không thể trở về lại cõi trời. Do đó,
thế gian có loài người. Có nhiều người cho rằng loài người là từ khỉ tiến hóa
thành, nếu thế thì tại sao con người lại không thành khỉ trở lại?
Thưở ban sơ, thiên nhân từ trên trời bay tới thế gian,
rồi do ăn "địa phì" mà phải ở lại nơi này và trở thành "loài
người." Nhân số ở thế gian mỗi ngày mỗi gia tăng thì "địa phì"
cũng mỗi ngày mỗi vơi dần. Khi món "địa phì" đã cạn, thì họ phải ăn
bá cốc, tức là một trăm loại hạt của thế gian. Ðó là:
1) khoảng hai mươi giống lúa dé
(đạo);
2) khoảng hai mươi giống kê (lương);
3) khoảng hai mươi giống lúa nếp
(thử);
4) khoảng hai mươi loại rau (thái);
5) khoảng hai mươi thứ trái cây
(quả).
Mỗi thứ có chừng hai mươi loại khác nhau, tổng cộng cả
thảy ước khoảng một trăm loại, do đó gọi là "bá cốc." Khi loài người
chuyển sang ăn bá cốc thì thế nào? Vì bá cốc vốn do đất sản sanh cho nên một
khi loài người ăn bá cốc vào thì chân họ không rời khỏi mặt đất được nữa. Khoa
học giải thích đó là do sức hút của trái đất; kỳ thật, đó là vì con người ăn
những thứ này mà ra.
"Người
nào có thể khiến thân tâm xa lánh thân và phần thân của mọi loài chúng sanh, nhất
định không để cho thân hoặc tâm mình tạo ra những nghiệp duyên có liên quan đến
thân thể và tánh mạng của bất cứ sinh vật nào; cả thân lẫn tâm đều không mặc, không ăn chúng, thân không sát sanh,
tâm cũng không sát sanh; không mặc những y phục có liên quan tới mạng sống của
chúng sanh, cũng chẳng ăn thịt của chúng sanh (thứ thịt có sanh mạng); thì Ta nói rằng người ấy là bậc giải thoát
chân chánh, một kẻ đã thật sự được giải thoát."
Kinh Văn:
Hán Việt: "Như ngã thử
thuyết, danh vi Phật thuyết; bất như thử thuyết, tức Ba-Tuần thuyết."
Việt: "Như lời Ta nói đây mới gọi là lời Phật
nói; nếu chẳng nói như vậy tức là lời của Ma Ba-Tuần."
Giảng nghĩa:
"Như lời
Ta nói đây mới gọi là Phật nói. Những đạo lý mà Ta nói đây chính là giáo
pháp mà tất cả chư Phật trong mười phương ba đời thuyết giảng. Nếu chẳng nói như vậy, tức là lời của Ma
Ba-Tuần. Những điều phù hợp với giáo lý do Ta thuyết giảng thì mới là Pháp
do Phật nói; còn nếu trái ngược với những đạo lý ta dạy, thì là lời của
Ma-vương vậy."
Cho nên, quý vị được nghe Kinh Lăng-Nghiêm rồi thì có thể xem bộ Kinh này như tấm "kính
chiếu yêu" vậy. "Kính chiếu yêu" là một loại kính tương tự như
gương soi mặt, hễ đem kính này rọi vào kẻ nào thì nguyên hình của kẻ ấy sẽ hiện
ra trong gương. Như những kẻ đội lốt người chẳng hạn, bất luận là quái vật, heo
tinh, trâu tinh, ngựa tinh, sơn yêu thủy quái, hoặc quỷ vương... hễ lấy kính
này ra soi thì quý vị sẽ biết được chân tướng của chúng. Bây giờ quý vị nghe Kinh Lăng-Nghiêm rồi, hễ ai nói ra pháp
gì thì quý vị cứ đem pháp ấy so sánh với lời dạy trong Kinh là biết được họ nói
đúng hay sai ngay; vì thế mà nói rằng bộ Kinh này cũng giống như một tấm
"kính chiếu yêu" vậy.
Hôm trước tôi có nói rằng người mù, người điếc và
người câm đều không có cơ hội được nghe tôi giảng Kinh. Người điếc tất nhiên
không nghe được gì cả, song tôi không phải nói về những người tai bị điếc, mà
chỉ muốn nói tới những kẻ tuy tai nghe được rõ nhưng lại rất thờ ơ. Tôi giảng
Phật Pháp cho họ nghe mà họ lại nghe không vô, như thế có khác gì người điếc
đặc? Người câm thì không nói được, cũng chẳng thể hiểu hết được những gì tôi
giảng; nguyên do cũng tương tự như trường hợp người điếc vậy.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment