Dầu
có đa trí, Thiền định hiện tiền, mà nếu chẳng dứt trừ dâm dục tất sẽ lạc vào
Ma-đạo.” Đức
Phật lại bảo ngài A-Nan : “Cho dù ông có trí huệ và hễ ngồi Thiền là đạt
được cảnh giới khinh an, cảm thấy tốt đẹp vô cùng, nhưng nếu ông không đoạn trừ
tâm dâm dục thì ông sẽ bị trở thành Ma-vương.” “Thiền định hiện tiền” tức là đã có khả năng nhập Định, công phu đã
có chỗ thành tựu...
DẪN NHẬP
BỐN ÐIỀU RĂN DẠY VỀ TÁNH THANH TỊNH CHÂN
THẬT, KHÔNG HƯ DỐI
(Vạn Phật Thánh Thành ngày 17 tháng 4 năm
1983)
Hòa Thượng Tuyên
Hóa lược giảng
Ban Phiên Dịch Việt
Ngữ Vạn Phật Thánh Thành
Không Dâm Tâm
Kinh
Văn:
Hán Việt: “Nhược chư thế giới Lục-đạo chúng sanh, kỳ tâm bất dâm, tắc bất tùy kỳ sanh
tử tương tục.”
Việt: “Nếu
chúng sanh trong Lục-đạo ở các thế giới mà tâm không dâm dục thì sẽ không bị
cuốn theo dòng sanh tử tương tục.”
Giảng nghĩa:
“Nếu
chúng sanh trong Lục-đạo ở các thế giới mà tâm không dâm dục thì sẽ không bị
cuốn theo dòng sanh tử tương tục.” Giả sử tại mọi thế giới, tất cả những chúng
sanh trong sáu cõi là cõi trời, cõi A-tu-la, cõi người, cõi địa ngục, cõi ngạ
quỷ, và cõi súc sanh, đều không còn lòng dâm dục, hết sạch dục niệm, thì dòng
sanh tử của họ sẽ dứt hẳn, họ sẽ không còn bị tùy thuộc vào dòng sanh tử cứ
tiếp diễn liên tục, không hề gián đoạn đó nữa -- sự sanh tử của họ được chấm
dứt.
Kinh
Văn: Hán Việt: “Nhữ tu Tam-muội, bổn xuất trần lao, dâm tâm
bất trừ, trần bất khả xuất.”
Việt: “Ông tu pháp Tam-muội vốn để thoát
trần-lao, nhưng nếu không trừ bỏ tâm dâm-dục thì chẳng thể ra khỏi trần-lao.”
Giảng nghĩa:
“Ông
tu pháp Tam-muội vốn để thoát trần-lao.” “Ông” ở đây là chỉ
ngài A-Nan. Đức Phật nói rằng: “Này
A-Nan! Ông tu Định-lực cốt yếu là để vượt thoát trần-lao, ra khỏi sanh tử; nhưng nếu không trừ bỏ tâm dâm dục thì
chẳng thể ra khỏi trần lao. Nếu ông
không đoạn trừ cái tâm dâm dục thì việc thoát khỏi trần-lao là chuyện chẳng thể
có được, không thể nào thực hiện được!
Vì sao? Vì tâm dâm dục chính là
‘trần’ (bụi bặm), tức là một thứ ‘trần lao’ kia mà! Do đó, đừng nói là vi phạm bằng hành động,
chỉ cần trong lòng ông dấy khởi một ý tưởng dâm dục, có cái dâm-tâm tồn tại,
thì đó cũng chính là trần-lao rồi, và như thế là ông cũng vẫn chưa thoát ra
khỏi nó được. Cho nên, nếu muốn tu Đạo,
muốn được khai ngộ thành Phật, mà lại không chịu dứt bỏ dâm-tâm, thì là chuyện
chẳng thể nào xảy ra được.”
Do vậy, chỉ có những kẻ vô cùng si mê mới vừa muốn giữ
cái tâm dâm dục lại vừa muốn được khai ngộ.
Tư tưởng này thuộc loại ngu si tột đỉnh, và những người mang tư tưởng
này là những kẻ khó có thể giáo hóa nhất; cho dù bây giờ Đức Phật Thích Ca Mâu
Ni có giáng thế đi chăng nữa thì Ngài cũng không có cách nào làm cho họ đắc Đạo
hay chứng quả vị được cả! Cho nên, hạng
người này là ngu dốt nhất, si mê nhất!
Kinh
Văn:
Hán Việt: “Túng
hữu đa trí, Thiền-định hiện tiền, như bất đoạn dâm, tất lạc Ma-đạo, thượng phẩm
Ma-vương, trung phẩm ma-dân, hạ phẩm ma-nữ.”
Việt: “Dầu
có đa trí, Thiền-định hiện tiền, mà nếu chẳng dứt trừ dâm dục tất sẽ lạc vào
Ma-đạo--thượng phẩm thì làm Ma-vương, trung phẩm thì làm ma-dân, hạ phẩm thì
làm ma-nữ.”
Giảng nghĩa:
“Dầu
có đa trí, Thiền định hiện tiền, mà nếu chẳng dứt trừ dâm dục tất sẽ lạc vào
Ma-đạo.” Đức
Phật lại bảo ngài A-Nan : “Cho dù ông có trí huệ và hễ ngồi Thiền là đạt
được cảnh giới khinh an, cảm thấy tốt đẹp vô cùng, nhưng nếu ông không đoạn trừ
tâm dâm dục thì ông sẽ bị trở thành Ma-vương.” “Thiền định hiện tiền” tức là đã có khả năng nhập Định, công phu đã
có chỗ thành tựu.
“Thượng
phẩm thì làm Ma-vương.” Làm ma thì bậc cao nhất là gì? Đó là làm
Ma-vương ở Lục Dục Thiên. “Trung phẩm thì làm ma-dân, hạ phẩm thì làm
ma nữ.” Bậc trung bình của loài ma
là gì? Là ma dân, tức là dân chúng bình
thường của loài ma. Còn bậc thấp kém
nhất của ma đạo là gì? Là ma nữ, tuy là
xinh đẹp nhưng vô cùng hèn hạ. Về điểm
này, người có trí huệ cần phải thận trọng và người thông minh cần phải chú ý!
Đừng để cho mình bị hại bởi sự thông minh của chính mình, đừng tự cho mình là
tài giỏi, phi thường: “Các người không
hiểu được đâu, chỉ có tôi mới hiểu nổi!
Các người không biết gì cả, chỉ có tôi mới biết rành rẽ mà thôi!” Đó
chẳng qua chỉ là thứ “tiểu trí tiểu huệ,” cái hiểu biết hạn hẹp, nông cạn. Song, cái “tiểu trí tiểu huệ” ấy của quý vị
có thể huỷ hoại cả tiền đồ của chính quý vị đấy!
Kinh
Văn:
Hán Việt: “Bỉ
đẳng chư ma, diệc hữu đồ chúng, các các tự vị thành Vô-thượng Đạo.”
Việt: “Những
loại ma ấy cũng có đồ chúng, tất cả đều tự xưng đã thành tựu Đạo Vô-thượng.”
Giảng nghĩa:
Quý vị xem, hạng người có chút “tiểu trí tiểu huệ” ấy
vì không đoạn trừ dâm-tâm nên nói toàn những chuyện ái dục – anh yêu em, em yêu
anh - cứ yêu qua yêu lại như thế rồi cuối cùng họ thành ma luôn! Thành ma rồi thì sao nữa?
“Những
loại ma ấy cũng có đồ chúng.” Chúng ma ấy cũng có đồ đệ, cũng có kẻ ủng hộ
chúng. “Tất cả đều tự xưng đã thành tựu Đạo Vô-thượng.” Bản thân loài ma không biết xấu hổ, kẻ nào
cũng tự xưng rằng: “Tôi chính là
Phật! Chúng tôi đây đều là những đấng
tối cao, vô thượng!” Hễ cái gì là to
lớn, thì chúng xưng chúng là cái đó.
Chúng vốn là ma nhưng lại không chịu thừa nhận mình là ma, mà cứ xưng là
Phật. Phật thì cũng có Phật giả mạo
vậy. Trên thế gian này cái gì cũng có
giả được cả, cho nên loài ma cũng có thể làm ông Phật giả. Song le, chúng không chịu nhận chúng là thứ
giả. Chúng cho rằng chúng là thứ thiệt,
và cũng là “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (trên trời, dưới trời, chỉ mình ta là tôn
quý) nữa!
Kinh
Văn:
Hán Việt: “Ngã diệt độ hậu, Mạt Pháp chi trung, đa thử
ma-dân xí thạnh thế gian, quảng hành tham dâm, vi Thiện-tri-thức, linh chư
chúng sanh lạc ái kiến khanh, thất Bồ-đề lộ.”
Việt: “Sau
khi Ta diệt độ, trong thời Mạt Pháp sẽ có nhiều loại ma dân ấy hiện ra đông đảo
ở thế gian, mở rộng sự tham dâm, lại tự xưng là Thiện-tri-thức, khiến cho chúng
sanh bị sa vào hầm ái-kiến, lạc mất con đường Bồ-đề.”
Giảng nghĩa:
Trước khi nhập diệt, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy
rằng: “Hiện nay Ta còn ở tại thế gian
thì bè lũ Ma-vương không dám xuất hiện.
Song le, sau khi Ta diệt độ,
trong thời Mạt Pháp, lúc Phật Pháp đang ở vào giai đoạn tàn lụn, thì sẽ có nhiều loại ma dân ấy hiện ra đông
đảo ở thế gian, mở rộng sự tham dâm.”
“Thời Mạt Pháp” chính là thời đại của chúng ta hiện nay. Vào thời điểm này, loại ma-dân ấy rất đông
đúc và chúng đi khắp nơi nói chuyện dâm dục.
Bất luận nam hay nữ, kẻ nào cũng ưa thích dâm dục và đồng thời cũng muốn
thành Phật, muốn được khai ngộ.
Làm sao tôi nhận biết được “con ma” loại này ư? Trước kia, có lần tôi gặp một người nọ -
không cần phải đề cập đến tên của ông ta - tự xưng mình là Phật. Khi tôi nói rằng ông ta là ma, ông ta liền
hỏi lại: “Ai là ma?” Tôi đáp: “Ông chính là ma đấy!” Vì sao tôi biết được ư? Vì ông ta cứ giở những trò của ma! Ông ta chuyên môn nói chuyện tình cảm, yêu
đương; lúc nào cũng: “I love
everybody.” Ông ta lấy tư cách gì mà
thương yêu tất cả mọi người? Thật là
không biết xấu, không biết hổ thẹn!
Thời Mạt Pháp, ma-dân nhan nhản khắp nơi khiến cho thế
gian này như trong cơn hỏa hoạn, đâu đâu cũng rừng rực ngọn lửa dâm dục. Những người thiếu hiểu biết đều hùa theo bọn
chúng: “Họ nói nghe được lắm! Những điều họ nói đều rất có lý!” Đặc biệt là
những thanh niên trẻ tuổi, ai nấy đều cảm thấy những điều chúng nói rất “tâm
đầu ý hợp.” Có câu:
«Cùng
mùi thối thì hợp nhau. »
(Xú
vị tương đầu.)
Người này thì hôi hám, người kia cũng thối tha, bởi
“cá mè một lứa” cho nên người này bảo người kia giỏi, người nọ khen người này
hay. Nếu không cùng “mùi,” chẳng cùng sở
thích, thì sẽ không khen ngợi lẫn nhau ; bởi:
« Khác
chí hướng ắt không cùng nhau mưu sự được. »
(Đạo
bất đồng tắc bất tương vi mưu.)
Tuy nhiên, nếu chí hướng giống nhau, lối suy nghĩ
giống nhau, thì sẽ có trường hợp “người mù dắt người đui” xảy ra. “Người mù dắt người đui” có nghĩa là kẻ đui
mù mà lại dẫn đường cho người mù đui. Quý
vị thấy như thế có đáng thương hay không chứ?
Tôi nói như vậy chẳng phải là muốn trách mắng người nào cả, nhưng quý vị
phải biết rằng:
Hồ
đồ dạy hồ đồ,
Dạy
rồi chẳng ai hiểu,
Sư-phụ
đọa địa ngục,
Đệ
tử cũng xuống theo!
Gặp lại nhau ở địa ngục, sư-phụ mới ngỡ ngàng hỏi
đệ-tử : “Ủa, sao con cũng ở đây?” Đệ-tử đáp: “Thì thầy tới trước kia mà. Lẽ dĩ nhiên là
con đi theo thầy thôi!” Thì ra đôi bên
đều không biết làm thế nào mình lại lọt vào đó được! Quý vị thấy có đáng thương
hay không?
“Lại
tự xưng là Thiện-tri-thức.” Bọn chúng còn khoe khoang không ngượng
miệng : “Tôi đến chỗ nọ để giảng Kinh. Tôi
tới chỗ kia để give lecture. I give lecture to everybody.” Thật là buồn cười
hết sức!
“Khiến
cho chúng sanh bị sa vào hầm ái-kiến, lạc mất con đường Bồ-đề.” Chúng làm cho tất cả chúng sanh đều bị rơi vào
hầm hố dâm dục và đi lạc ra khỏi con đường Bồ-đề. Con đường Bồ-đề đã mất, không còn nữa, thì
chạy đi đâu? Chạy vô địa ngục! Bấy giờ, sư phụ trông thấy đệ-tử lù lù bước
vô thì kinh ngạc hỏi: “Sao con cũng tới
đây vậy? Đây chẳng phải là chỗ tốt đâu!” Đệ-tử chưng hửng đáp: “Thầy mới là người tới trước kìa! Con thì đương nhiên là phải theo thầy rồi,
thầy là sư phụ của con mà!” Thầy thở dài
ngao ngán: “Ui chao! Lẽ ra con không nên theo thầy, bởi đây là một
nơi đầy thống khổ!”
Kinh
văn:
Hán Việt: “Nhữ giáo thế nhân tu Tam-ma-địa, tiên đoạn tâm dâm, thị danh Như Lai, tiên
Phật Thế Tôn, đệ nhất quyết định thanh tịnh minh hối.”
Việt: “Vậy ông dạy người đời tu pháp Tam-ma-địa,
trước hết phải dứt trừ tâm dâm dục. Đó là lời minh huấn quyết định thứ nhất về
tánh thanh tịnh của Như-Lai và chư Phật Thế Tôn thuở trước.”
Giảng nghĩa:
Sự khác biệt giữa “phản” (trái) và “chánh” (phải) – giữa
Ma-vương và Bồ-tát - vốn rất vi tế; khác biệt như thế nào? Bồ-tát thương xót và che chở tất cả chúng
sanh với lòng từ-bi, chứ tuyệt đối không có lòng dâm dục. Trong khi đó, Ma-vương đối với chúng sanh thì
cứ đề xướng “ái”, chuyên môn nói chuyện dâm dục, chú trọng dâm dục; thậm chí
chúng còn nói rằng hễ tâm dâm dục càng nặng bao nhiêu thì khai ngộ được quả vị
càng cao bấy nhiêu, và dùng tà thuyết ấy để hại người.
Bồ-tát thì không có tâm dâm dục, các ngài đối với tất
cả chúng sanh hoàn toàn không có sự phân biệt.
Có tâm dâm dục tức là ma. Không
có tâm dâm dục, chỉ đơn thuần xót thương và cứu giúp tất cả chúng sanh – đó mới
chính là cảnh giới của chư Phật và chư Bồ-tát.
Ma thương người là có mưu đồ, có tham dục. Bồ-tát thương người thì không có tham
dục. Không có tham dục tức là không có
tâm dâm dục. Cho nên, trong Phật giáo có
giảng về Thập Nhị Nhân Duyên như sau:
Vô
minh duyên Hành;
Hành
duyên Thức;
Thức
duyên Danh, Sắc;
Danh,
Sắc duyên Lục Nhập;
Lục
Nhập duyên Xúc,
Xúc
duyên Thọ;
Thọ
duyên Ái;
Ái
duyên Thủ;
Thủ
duyên Hữu,
Hữu
duyên Sanh;
Sanh
duyên Lão, Tử.
Và, đó cũng chính là điểm bất đồng giữa Phật-giáo với
các giáo phái của Ma-vương ở thế gian.
“Vậy
ông dạy người đời tu pháp Tam-ma-địa, trước hết phải dứt trừ tâm dâm dục. Ông phải dạy cho tất cả mọi người ở thế gian muốn tu
pháp-môn Định-lực này biết rằng việc đầu tiên họ cần phải làm là dứt bỏ
dâm-tâm, quét sạch dục-niệm. Đó là lời
minh huấn quyết định thứ nhất về tánh thanh tịnh của Như-Lai và chư Phật,
Thế-Tôn thuở trước.” Đạo lý này vốn do chính Đức Như-Lai và tất cả chư
Phật, Thế-Tôn thuở trước dạy bảo. Các
ngài đã đưa ra lời giáo huấn rất rõ ràng:
“Nhất định phải cắt đứt, loại trừ tâm dâm dục!” Đây là điều kiện tất yếu
thứ nhất, dứt khoát không được sửa đổi một mảy may. Đạo lý này là “quyết định
nghĩa,” chứ không phải là “bất định nghĩa”; cũng chẳng phải là “không nhất
định” - chẳng phải là có cũng được mà không có cũng được. Cái tâm dâm dục dứt khoát phải không còn tồn
tại. Có tâm dâm dục tất sẽ bị lạc vào
đường ma. Nếu vẫn giữ tâm dâm dục mà
mong khai ngộ, thì chắc chắn sẽ trở thành quyến thuộc của Ma-vương!
Kinh
Văn:
Hán Việt: “Thị cố A-Nan, nhược bất đoạn dâm, tu Thiền-định giả, như chưng sa thạch
dục kỳ thành phạn, kinh bách thiên kiếp, chỉ danh nhiệt sa. Hà dĩ cố?
Thử phi phạn bổn, sa thạch thành cố.”
Việt: “Cho nên, A-Nan, nếu kẻ tu Thiền-định mà không dứt trừ dâm tâm thì cũng như nấu cát sạn mà muốn thành cơm, dầu
có trải tới trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là sạn nóng. Vì sao?
Vì đó không phải là gốc của cơm, mà chỉ là cát sạn!”
Giảng nghĩa:
Quý vị xem, ở đây Phật lại nêu ra một tỷ dụ nữa. Đức
Phật bảo ngài A-Nan: “Ông chưa tin ư?
Ông chưa tin thì Ta sẽ giảng nghĩa cho ông rõ.”
Và Đức Phật dạy tiếp: “Cho nên, A-Nan, nếu kẻ tu Thiền-định mà
không dứt trừ dâm tâm thì cũng như nấu cát sạn mà muốn thành cơm. Vì lẽ ấy cho nên, A-Nan à, giả sử ông không
đoạn trừ tâm dâm dục mà ngày ngày cũng ngồi Thiền, cũng tu hành, tất ông sẽ vừa
tu hành vừa bị lậu thoát. Ông tu được một phần thì lậu thoát mười phần, tu được
mười phần thì lậu thoát mất một trăm phần. Ông muốn ngồi Thiền mà lại không
chịu dứt bỏ dâm-tâm ư? Ông vừa muốn ngồi Thiền để được khai ngộ, lại vừa muốn
tìm cầu thứ lạc thú điên đảo ấy, thì chẳng khác nào muốn nấu cát và sạn cho
thành cơm vậy.
Ông đem cát sạn đi nấu, dầu có trải tới trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là sạn nóng. Dù ông cứ nấu như thế trong suốt cả trăm ngàn
kiếp đi chăng nữa, thì cũng chỉ có thể gọi đó là ‘sạn nóng’ mà thôi, chẳng có
công dụng gì cả. Vì sao? Do duyên cớ nào ư? Vì
đó không phải là gốc của cơm, mà chỉ là cát sạn! Thứ mà ông đem nấu chính là cát sạn, chứ không
phải là gạo, không có chất liệu của cơm!
Nếu ông muốn khỏi dứt bỏ dâm tâm mà vẫn được khai ngộ thì cũng tương tự
như nấu cát sạn mà mong thành cơm, ao ước cát sạn biến thành lúa gạo
vậy.”
Khi không còn dâm-tâm thì sẽ không thấy có tướng nam
tướng nữ, không còn phân biệt giữa mình với người, và cũng không thấy có tướng
chúng-sanh, tướng thọ-giả nữa. Có những
người không biết hổ thẹn, dám nói rằng: “Tôi là người như thế đấy!” Chỉ nói suông như vậy thì chẳng đáng
tin. Không có gì làm bằng chứng thì làm
sao quý vị biết được mình là người như thế?
Nếu quả thật quý vị là người như thế thì quý vị phải là người hoàn toàn
không biết mình là người như thế mới đúng; và quý vị cũng sẽ không nói: “Chứ sao!
Tôi không có tâm dâm dục!” Người
đã hết sạch dục niệm thì không có thứ kiến giải ấy. Không có, tức là không có. Họ chẳng làm rùm beng, chẳng quảng cáo, chẳng
đăng báo, và cũng chẳng khoe khoang:
“Tôi là người như thế đấy!” Chỉ một việc tự rêu rao, tự quảng cáo cho
mình là đã không phải rồi; cho nên mọi người cần phải chú ý đến điểm
này!
Nếu quý vị quả thật không có tâm dâm dục, thì quý vị
sẽ:
Mắt
nhìn hình sắc, trong chẳng có,
Tai
vẳng chuyện đời, tâm chẳng hay!
(Nhãn
quán hình sắc, nội vô hữu
Nhĩ
thính trần sự, tâm bất tri.)
Khi mắt nhìn biết bao hình sắc mà trong lòng chẳng
thấy có gì hiện hữu và tai nghe những âm thanh êm dịu mà tâm trí lại không hay
không biết gì cả, tức là đã có được chút “hỏa hầu.” Tâm phải không dao động, không một ý nghĩ nào
dấy khởi, dục-niệm phải hoàn toàn không còn nữa, thì mới là đúng thật. Nếu có những lúc quý vị vẫn còn tơ tưởng đến
phái nữ, thì vẫn chưa được.
Có một người nọ sau khi khai ngộ rồi thì tới báo cho
Sư-phụ của mình biết và thỉnh ngài khai thị ấn chứng. Vị Sư-phụ hỏi: “Ông khai ngộ cái gì thế?” Anh ta thưa:
“Ồ! Trước kia con hoàn toàn không
hiểu, nhưng nay thì con biết được rằng sư-cô là đàn bà!” Thì ra bây giờ anh ta mới biết rằng sư-cô,
tức là Tỳ-khưu-ni, là đàn bà! Vị Sư-phụ
bèn dùng Phật-nhãn để quán xét: “Ờ! Người này quả thật đã khai ngộ rồi,” và liền
ấn chứng cho anh ta: “Ông được rồi
đó!”
Hẳn quý vị sẽ nghĩ:
“Ai mà không biết điều đó?” Thế
nhưng, người chưa khai ngộ thì sẽ không nói được câu ấy. Nhờ được khai ngộ rồi, cho nên người đệ tử
này mới thốt ra một câu như thế! Vả lại,
anh ta không thể nào dối gạt người khác được, vì Sư-phụ của anh ta có
Phật-nhãn, ngài đã dùng Phật-nhãn quán sát và biết được đệ tử của mình đã đắc
Đạo, đã chứng được Sơ-quả A-la-hán, nên ngài mới ấn chứng cho, nói rằng: “Đúng vậy!”
Kinh
Văn:
Hán Việt: “Nhữ dĩ dâm thân, cầu Phật diệu quả, túng đắc diệu ngộ, giai thị dâm căn,
căn bản thành dâm, luân chuyển Tam-đồ, tất bất năng xuất. Như Lai Niết-bàn, hà lộ tu chứng?”
Việt: “Ông lấy dâm-thân mà cầu diệu-quả của Phật,
cho dẫu có đắc diệu-ngộ thì cũng đều là dâm-căn. Căn bổn đã thành dâm, tất phải luân chuyển
trong Tam-đồ, không thoát ra được. Thế
thì Niết-bàn của Như-Lai do đường nào mà tu chứng?”
Giảng nghĩa:
Đức Phật dạy ngài A-Nan: “Ông có thích cô con gái của Ma-Đăng-Già ấy,
như thế có nghĩa là không những tâm dâm dục mà ngay cả cái thân dâm dục của ông
đều vẫn còn tồn tại. Ông lấy dâm-thân mà
cầu diệu quả của Phật, cho dẫu có đắc diệu-ngộ thì cũng đều là dâm-căn. Nếu ông dùng cái thân dâm dục để cầu mong
chứng đắc quả vị nhiệm mầu của Phật, cho dù ông có đạt được đạo lý vi diệu đi
chăng nữa, thì cũng còn vướng mắc cái gốc rễ dâm dục mà ông chưa chặt bỏ
được. Căn bổn đã thành dâm, tất phải luân chuyển trong Tam-đồ, không thoát ra
được. Với cái gốc là dâm dục, thì
tương lai ông nhất định sẽ bị đọa vào Tam-đồ.
(“Tam-đồ” hay “Tam ác đạo,” tức là ba con đường xấu ác--địa ngục, ngạ
quỷ và súc sanh.) Như thế, ông dứt khoát
không thể nào ra khỏi ba đường ác ấy được, mà chắc chắn sẽ bị chuyển thân sanh
làm súc sanh, ngạ quỷ, hoặc đọa địa ngục. Thế thì Niết-bàn của Như-Lai do đường nào mà
tu chứng? Vậy ông căn cứ vào cái gì,
nương theo con đường nào để có thể chứng được quả vị Niết-bàn của Phật?”
Kinh
Văn:
Hán Việt: “Tất sử dâm cơ thân tâm câu đoạn, đoạn tánh diệc vô, ư Phật Bồ-đề tư khả hy
ký.”
Việt: “Phải
làm cho dâm-cơ của thân và tâm đều dứt, và tánh ‘dứt’ ấy cũng không còn, thì
mới mong đạt được quả Bồ-đề của Phật.”
Giảng nghĩa:
“Phải làm cho dâm-cơ của thân và tâm đều
dứt. Ông nhất định phải dứt bỏ dâm-cơ của thân và dâm-cơ của tâm.” “Dâm cơ” tức là một niệm dâm dục nhỏ nhất, vi
tế nhất. “Dâm cơ” cũng có nghĩa là vô
minh; do đó, cần phải dứt trừ vô minh.
“Và
tánh ‘dứt’ ấy cũng không còn, ngay
cả cái biết về tánh ‘dứt’ ấy ông cũng phải không được có nữa, như thế thì mới mong đạt được quả Bồ-đề của Phật,
mới có thể nuôi hy vọng trên con đường giác ngộ của Phật vậy.”
Kinh
Văn:
Hán Việt: “Như ngã thử thuyết, danh vi Phật thuyết; bất
như thử thuyết, tức Ba-Tuần thuyết.”
Việt: “Như
lời Ta nói đây mới gọi là lời Phật nói; nếu chẳng nói như vậy, tức là lời của
Ma Ba-Tuần.”
Giảng nghĩa:
“Như lời Ta nói đây mới gọi là lời Phật nói;
nếu chẳng nói như vậy, tức là lời của Ma Ba-Tuần. Những lời như Ta giảng đây mới đích thực là
Pháp do Phật nói ra. Nếu lời nói không
phù hợp với đạo lý của Ta thì đó là lời của Ma-vương vậy.” “Ba-Tuần” là tiếng Phạn, có nghĩa là “ác
giả,” kẻ ác. Ma
Ba-Tuần tức là Ma-vương, vua của loài ma.
Người đến nghe Kinh nhất định là đều sáng mắt. Người mù thì không thể đến nghe Kinh, cả
người điếc và người câm cũng đều không thể đến để nghe Kinh được. Những kẻ đến đây nghe Kinh thì đều càng nghe
càng thông minh, chứ không phải càng nghe càng ngu si. Do đó, bây giờ mọi người nên mở con mắt trí
huệ chân chánh của mình ra và hướng nhĩ-căn chân chánh của mình vào trong để
lắng nghe tự tánh, chứ đừng lăng xăng tìm kiếm ở bên ngoài nữa. Đó là tất cả
những gì tôi muốn nói với quý vị trong ngày hôm nay!
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment