Tôi sẽ
học kinh và nghiên cứu Phật pháp.” Việc ấy rất tốt, quý vị sẽ có được trí huệ.
Nhưng quý vị cũng nên tu hạnh bố thí. Quý vị phải biết tu tập cả phước lẫn trí.
Quý vị nên tu phước bằng cách cúng dường Tam bảo. Nếu quý vị không gieo trồng
phước đức, thì trong tương lai khi quý vị là A-la-hán đi khất thực, sẽ không ai
cúng dường chút thực phẩm nào vì quý vị chưa từng gieo nhân tu phước...
TUYÊN
HÓA THUỢNG NHÂN
Giảng
thuật
KINH
ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT
NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ-TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM
(QUYỂN
HAI)
Kinh văn:
阿難汝咸看此諸變化相。吾今各還本所因處。云何本因。阿難此諸變化明還日輪。何以故。無日不明,明因屬日。是故還日暗還黑月。通還戶牖擁還牆宇。緣還分別頑虛還空。鬱[土*孛]還塵清明還霽。則諸世間一切所有不出斯類.
A-nan, ông hãy xem các tướng biến hóa nầy, nay
Như Lai đều trả về nơi xuất phát của nó. Thế nào là nơi xuất phát? A-nan, các
tướng biến hóa nầy, sáng trả về cho mặt trời. Vì sao? Vì nếu không có mặt trời
thì không có sáng. Nguyên nhân cái sáng là do mặt trời, nên trả về cho mặt trời.
Cái tối trả về cho đêm không trăng; thông suốt trả về cho cửa; ngăn bít trả về cho
tường vách; cảnh sở duyên trả về cho phân biệt; trống rỗng trả về cho hư không;
mù mịt trả về cho bụi; trong lặng trả về cho trời tạnh. Tất cả mọi vật có trong
thế gian đều không ngoài các thứ nầy.
Giảng:
Đức Phật tiếp tục giảng
giải: “A-nan, ông hãy xem các tướng biến hóa nầy, nay Như Lai đều trả về nơi
xuất phát (bản nhân) của nó. Dù chúng sáng hay tối, thông hay bít, cảnh sở
duyên hay trống rỗng, trong lặng hay mù mịt, tất cả 8 tướng nầy đều có thể trả
về nơi mà chúng xuất phát (bản nhân). Thế nào là nơi xuất phát? Cái gì
là nơi mà chúng xuất hiện? A-nan, các tướng biến hóa nầy: Ông nên lắng
nghe kỹ và đặc biệt chú tâm đến những điều tôi sắp giảng về tám tướng biến hóa
nầy. Sáng trả về cho mặt trời. Vì sao? Vì nếu không có mặt trời thì không có
sáng. Tôi sẽ trả ánh sáng về lại cho mặt trời. Nếu không có mặt trời thì
không có cái sáng; khi tối tăm là lúc ánh sáng đã được trả về lại cho mặt trời.
Nguyên nhân cái sáng là
do mặt trời, nên trả về cho mặt trời.
Do vậy, Như Lai đem ánh sáng trả lại cho mặt trời. Quý vị có đồng ý
không? A-nan, ông có ý kiến gì không?”
A-nan không nói được điều gì, cho dù nếu A-nan có thêm những điều nghi
ngờ khác hoặc muốn hỏi thêm điều gì đó, A-nan có thể hỏi vào lúc nầy. Nhưng
A-nan im lặng. Thế nên Đức Phật giảng giải: “Cái tối
trả về cho đêm không trăng.” Sẽ trả cái tối về cho đêm không
trăng. Ở Trung Hoa, đêm trăng sáng được gọi là “bạch nguyệt” và đêm không trăng
được gọi là ‘hắc nguyệt’, điều nầy không có nghĩa là mặt trăng phát ra ánh sáng
màu đen. Đó là dịch quá sát nên làm hỏng luôn ý nghĩa. Khi ăn, quý vị nên tiêu
hóa thức ăn, trường hợp ấy cũng giống như đối với ý nghĩa đoạn kinh nầy. Đừng
nghĩ rằng Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rằng mặt trăng phát ra ánh sáng màu
đen; đó cũng có nghĩa là ăn mà không tiêu. Thế có ích lợi gì?
“Thông suốt trả về cho cửa;
ngăn bít trả về cho tường vách. Nơi có thể nhìn thấy nay trả về
cho cửa lớn và cửa sổ vì nó có khoảng hở; trong khi những chỗ bít lấp không
nhìn thấy được thì nay trả về cho tường vách.”
“Cảnh sở duyên trả về
cho phân biệt. Cảnh sở duyên nay trả về cho tâm phân biệt. Trống
rỗng trả về cho hư không. Nơi trống rỗng trả về cho hư không rộng lớn. Mù
mịt trả về cho bụi. Bụi và mù đều làm ô nhiễm không khí nên nay trả nó về
cho đất bụi. Trong lặng trả về cho trời tạnh. Sự trong lặng được trả về
cho bầu trời trong lặng. Tất cả mọi vật có trong thế gian đều không ngoài
các thứ nầy. Tám tướng biến hóa mà Như Lai vừa giảng, gồm 4 cặp, bao trùm cả
mọi thứ từ cái đơn giản nhất trên thế gian cho đến cái ít, cái nhiều, cái xa,
cái gần mà ông thấy được, tất cả đều có chỗ để trả về.”
Kinh văn:
汝見八種見精明性,當欲誰還。何以故。若還於明。則不明時無復見暗。雖明暗等種種差別見無差別。
Còn tánh thấy sáng suốt của ông thấy 8 tướng kia,
ông muốn trả về đâu? Vì sao? Vì nếu trả về cho sáng, thì khi chẳng có ánh sáng
cũng không thấy tối. Tuy sáng tối mỗi mỗi đều sai khác, nhưng cái thấy không hề
sai khác.
Giảng:
“Còn tánh thấy sáng
suốt của ông thấy 8 tướng kia, ông muốn trả về đâu?” Thế còn bản tánh thanh
tịnh sáng suốt của ông thấy được 8 tướng biến hóa mà Đức Phật vừa giảng thì như
thế nào? “Nên trả nó về đâu?”- Đức Phật hỏi A-nan - “Vì sao? Nói nhanh.”
Đức Phật bảo. Tánh thấy sáng suốt của ông trả về nơi đâu trong những thứ nầy?
Điều Đức Phật muốn nói là: “Ông định trả tánh thấy ấy về đâu, vì không có nơi
nào để trả nó về cả?” Vì nếu trả về cho sáng, thì khi chẳng có ánh sáng cũng
không thấy tối. Vì nếu quý vị trả tánh thấy cho sáng, thì lẽ ra nó sẽ không
thấy được tối; nhưng thực ra thì nó thấy được tối. Do vậy, nó không được trả về
cho sáng. Quý vị không thể nói rằng cái thấy trả về cho tối, vì khi sáng đến,
tánh thấy vẫn thấy được.
Tuy sáng tối mỗi mỗi đều sai khác, nhưng cái
thấy không hề sai khác. Dù chỉ riêng sáng và tối được
thảo luận ở đây, nhưng nó cũng đồng với 6 thứ khác. Mọi hiện tượng, mọi tướng
biến hóa đều có thể tánh riêng của nó. Nhưng sự khác biệt mà ông bảo là hiện hữu
trong cái thấy là gì? Cái gì khác biệt? Khi thấy sáng, cũng là thấy; khi thấy tối,
cũng là thấy; khi thấy trong lặng, cũng là thấy; khi thấy mờ mịt, cũng là thấy;
khi thấy thông suốt, cũng là thấy; khi thấy ngăn bít, cũng là thấy. Có gì khác
nhau ở đây?
Có người nói: “Chắc chắn
có gì khác nhau trong tánh thấy. Khi ông thấy sáng, tánh thấy biết đó là sáng,
Khi ông thấy tối, tánh thấy biết đó là tối. Không phải đó là phân biệt chăng?”
Không sai. Phân biệt
phát sinh do khi ông nhận biết sáng và tối, chứ không phải do tánh thấy của
ông; đó là do tâm phân biệt, tâm phan duyên của ông đã tạo ra nó. Đừng nhận nó
làm tánh thấy. Cái biết về sáng và tối là chuỵên của tâm thức. Cái thấy của quý
vị nhìn thấy mọi vật cũng giống như khi nhìn vật mà không cần phân biệt. Vốn
không có phân biệt. Sự phân biệt có là do tâm thức quý vị. Mọi người phải nên đặc
biệt chú ý điểm nầy. Đừng cho rằng tâm phân biệt là cội nguồn sáng suốt từ tánh
thấy của mình.
Kinh văn:
諸可還者自然非汝。不汝還者非汝而誰。
Các thứ có thể trả về được,
đương nhiên chẳng phải là ông. Cái không trả về được, chẳng phải ông thì là ai?
Giảng:
Đoạn kinh văn đặc biệt nầy
giảng giải đạo lý cực kỳ hay chỉ bằng vài chữ. “Các thứ có thể trả về được,
đương nhiên chẳng phải là ông. Cái không trả về được, chẳng phải ông thì là ai?”
Mọi tướng biến hóa đều được trả về chỗ của nó. Các tướng ấy không phải là ông.
Cái gì ở cùng với ông thì chẳng đi đâu khác nữa, là cái ông chẳng trả về đâu–
nó chẳng phải của ông thì của ai? Nếu nó không phải là của ông, lẽ ra thì phải
được trả về nơi nào đó. Nhưng ông không trả được. Ông muốn cho ai họ cũng không
nhận. Ông trả nó về cho sáng, nhưng sáng không cần. Ông trả nó về cho tối,
nhưng tối không thích. Ông trả nó về cho trong lặng, nhưng trong lặng không nhận.
Ông trả nó về cho mù mịt, nhưng mù mịt không cần. Giá như quý vị có thể liệng bỏ
nó được, nếu thế thì quý vị sẽ không còn thấy được nữa.
Nó là cái mà quý vị
không thể liệng bỏ đi. “Cho dù ông đã chứng được sơ quả, ông cũng không làm thế
được. Ông không có được thần thông để liệng bỏ tánh thấy mình cho người khác để
rồi ông không còn thấy được nữa,” Đức Phật nói với A-nan: “Nếu tánh thấy ấy
không phải của ông thì của ai? Ông vẫn không dám nhận nó là của mình, ông vẫn
còn chưa hiểu. A-nan, ông thật đáng thương xót.”
Chỉ vài chữ nầy đã giải
thích đạo lý ấy rất rõ ràng, và bản kinh văn chữ Hán rất hay. Nếu quý vị muốn học
Hán văn mà không nghiên cứu kinh Thủ Lăng Nghiêm thì cái học của quý vị chưa
hòan chỉnh. Nếu quý vị đã nghiên cứu kinh Thủ Lăng Nghiêm rồi, thì khi quý vị
viết luận văn bằng tiếng Hán, có lẽ các học giả cổ điển Trung Hoa cũng khó sánh
bằng với khả năng viết tiếng Hán của quý vị. Chỉ hiểu một phần kinh Thủ Lăng
Nghiêm thôi, thì chỗ dụng cũng vô tận rồi. Trong quý vị ai thích nghiên cứu Hán
văn thì không nên bỏ qua cơ hội học hỏi bản kinh siêu tuyệt nầy. Đừng vào trong
núi châu báu rồi trở về tay không. Đừng như con gấu khi vào ruộng để ăn bắp. Gấu
bẻ một trái bắp kẹp dưới nách mình rồi bẻ trái khác kẹp vào nách kia. Khi làm
thế, nó thả rơi trái bắp thứ nhất, rồi nó đến bẻ trái thứ ba, lại bỏ vào nách
thứ nhất, và nó lại thả rơi trái bắp thứ hai. Mọi lúc nó đều nghĩ rằng mình
đang mang rất nhiều bắp, nhưng nó nhìn lại sau khi rời ruộng bắp, thấy mình chỉ
có được một trái. Khi quý vị đi vào núi châu báu, đừng bị chóang ngợp khi nhìn
thấy quá nhiều thứ, để khi quý vị quyết định nhặt một thứ mang về, thì thả rơi
vật mà quý vị đã nhặt từ trước. Điều này giải thích rằng kinh mà quý vị đang
nghe là dụ cho núi châu báu. Thực sự kinh nầy còn quý hơn châu báu trong núi ấy,
kinh quý hơn cả vàng, bạc, pha-lê, xa cừ, hồng ngọc. Sao vậy? Vì nếu quý vị hiểu
được chỉ một câu kinh rồi tinh tấn tu tập và nỗ lực áp dụng vào trong đời sống
không hề gián đoạn, nếu quý vị tiến hành công phu một cách dũng mãnh, thì quý vị
sẽ thành Phật. Thế nên giá trị ấy vượt xa cả núi châu báu. Đừng như “con gấu
đen hái rồi thả mất ngay khi có được bắp”. Kinh văn tiếng Hán lẫn ý nghĩa kinh
nầy đều siêu tuyệt. Chẳng có điều gì về kinh Thủ Lăng Nghiêm mà không hay. Chỉ
nên xem kinh nếu quý vị chấp nhận điều nầy. Nếu quý vị chấp nhận học kinh, thì
dù bất luận điều gì xảy ra, ngay cả tôi có đánh quý vị và đuổi quý vị ra ngoài,
quý vị cũng không đi. Đó là những gì xảy ra nếu quý vị thực sự thông hiểu, và
đó là trạng thái bất khả tư nghì.
Kinh văn:
則知汝心本妙明淨。汝自迷悶,喪本受輪。於生死中常被漂溺。是故如來名可憐愍.
Vậy nên biết tâm ông vốn nhiệm mầu thanh tịnh
sáng suốt mà ông tự mê muội, bỏ mất tánh bản nhiên, đành chịu luân hồi, thường
bị chìm đắm trong biển sinh tử. Nên Như Lai cho là đáng thương xót.
Giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
nói: “Vật có thể trả về không phải là ông, trong khi những cái của ông thì
không được trả về, nó là gì nếu chẳng phải là của ông?” Vậy nên biết tâm ông
vốn nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt. Nhưng ông vẫn không nhận ra. Cái ông
không nhận ra chính là chân tâm của ông. Mà ông tự mê muội, bỏ mất tánh bản
nhiên. Chân tâm của ông chẳng có chỗ trả về, nhưng ông tự mê muội–ông không
hiểu, ông mê lầm–nó như thể đúng và cũng như thể sai. Đó là ý nghĩa mà trước
đây tôi đã nói là ông bỏ quên mất chân tâm. Đó là cái vốn thường thuộc về ông,
nhưng ông không nhận ra, thế nên dường như bị bỏ mất. Đành chịu luân hồi. Chân
tâm của ông đã bỏ rơi ông. Nếu ai không nhận ra chân tâm của
mình, thì đời đời họ bị chìm đắm không thăng hoa được. Dù chân tâm không thực sự
bị mất, nhưng sự chìm đắm là thực có. Người ta bị rơi vào biển khổ, loay hoay
trong đường nọ đường kia, thường bị chìm đắm trong biển sinh tử. Ở trong
biển khổ sinh tử cũng như thể bị tung lên trên mặt biển rồi bị nhận chìm. Nếu
không chấm dứt được sinh tử, dù quý vị có cầm được nước và biết bơi, thì sau
khi bị tung lên xuống nhiều lần rồi quý vị cũng bị chìm. Nên Như Lai cho là
đáng thương xót. Nước trong biển sinh tử dụ cho nghiệp chướng mà quý vị đã
tạo. Trong dòng nước nầy, quý vị bị trồi lên trụt xuống trong thân người. Điều ấy
biểu tượng cho sự sinh khởi của vô minh và tạo nghiệp. Chúng sinh tạo nghiệp vì
không nhận ra chân tâm. Nên kinh nói: “Biển nghiệp mênh mông.” Nó không có giới
hạn. Có khi quý vị bị hất tung trên mặt biển, có khi bị dìm xuống đáy sâu. Thật
nguy hiểm khi ở trong biển ấy. Điều ấy khiến cho A-nan thật đáng thương xót.
Kinh văn:
阿難言,我雖識此見性無還.云何得知是我真性
A-nan thưa: “Con tuy biết
tánh thấy nầy không trả về đâu. Nhưng làm sao biết nó là chân tánh của con?”
Giảng:
Đức Phật đã giải thích một
lần cho A-nan nhưng A-nan không hiểu. Đức Phật giảng lần thứ hai và A-nan cũng
không hiểu. Đức Phật giảng đến ba, bốn, năm, sáu lần nhưng A-nan vẫn không hiểu.
A-nan vẫn không nhận ra chân tâm mình rõ ràng. Bây giờ A-nan lại có mối nghi ngờ
khác.
A-nan thưa: “Con tuy biết
tánh thấy nầy không trả về đâu.” Chữ “nhận ra” tiết lộ mối
nghi của A-nan. Thực ra, A-nan nói rằng ông ta biết tánh thấy không trả về nơi
đâu như Đức Phật vừa giải thích, nhưng trong thực tế A-nan không biết rốt ráo
là như thế nào. Trong “cái biết” của ông thì tánh thấy không có chỗ trả về, một
mối nghi liền sinh khởi, mối nghi nằm sẵn trong đó và xuất phát từ cái gọi là
biết.
“Nhưng làm sao biết nó
là chân tánh của con?” Bây giờ A-nan trình bày rõ
ràng hơn. “Con biết tánh thấy không có chỗ trả về, nhưng cái không trả về là một
vật, làm sao con biết cái ấy là chân tâm con?” Nếu A-nan không nghi ngờ, nếu
A-nan thực sự nhận ra, tại sao A-nan lại không biết đó là chân tánh của ông?
A-nan đã biết đạo lý không thể trả lại tánh thấy về nơi nào cả, nhưng A-nan vẫn
không biết rằng tánh thấy thực sự là bản tánh của tâm. Rốt cùng, sau khi Đức Phật
giảng giải, A-nan vẫn chưa có được chân tâm. Nó vẫn bị bỏ quên mất. Tôi tin rằng
ngay điểm này trong kinh văn, A-nan đang ở trong tình trạng quên mất chân tâm
hòan toàn.
Kinh văn:
佛告阿難,吾今問汝。今汝未得無漏清淨。承佛神力見於初禪,得無障礙。而阿那律見閻浮提。如觀掌中菴摩羅果。
Đức Phật bảo A-nan: “Nay Như Lai hỏi ông, hiện
nay ông chưa chứng quả vô lậu thanh tịnh, nhưng do nương oai thần chư Phật mà
thấy được cõi Sơ thiền không ngăn ngại. Còn ông A-na-luật-đà thì thấy cõi
Diêm-phù-đề như xem trái am-ma-la trong lòng bàn tay.”
Giảng:
Đức Phật
thấy A-nan thật là đáng thương xót, vì A-nan chỉ chuyên tâm vào việc học tập
văn tự. A-nan hỏi đi hỏi lại nhiều lần, và chẳng hiểu được sau khi được Đức Phật
giải thích cặn kẽ nhiều lần. Vấn nạn nầy phát sinh theo sau vấn nạn khác. Như
người ta thường nói: “Cành lá thường mọc từ đốt mắt.[1]” Chẳng có cành lá gì, nhưng A-nan thích tạo ra lá bằng cách chắp cành từ
các đốt mắt. Thế nên A-nan thật đáng thương xót, Đức Phật đã dùng tâm vô
duyên đại từ và đồng thể đại bi để chỉ dạy cho A-nan. Quý vị phải
nên hết lòng thương yêu bất luận những ai dù người ấy ít thân thiện với mình nhất.
Đó có nghĩa là “vô duyên đại từ. ” Cho dù họ không có duyên với quý vị,
họ không hợp với quý vị, quý vị cũng phải có lòng từ đối với họ. Tôi đã từng
nói với quý vị rằng: “Một người là tất cả mọi người; tất cả mọi người chỉ là một
người.” Tất cả là một, một là tất cả. Đó có nghĩa là đồng thể đại bi. Chẳng
hạn, tôi xem những khó khăn của quý vị cũng như là của chính mình. Bất
luận khi nào tôi cũng nghĩ cách làm vơi bớt hoạn nạn của quý vị. Như khi tôi
thường thấy các đệ tử tôi hút thuốc, tôi hy vọng rằng có lúc họ sẽ không hút nữa.
Nếu quý vị không hút thuốc, quý vị có thể hít thở được không khí đồng như chư
Phật. Nếu quý vị không chịu bỏ thuốc, thì mây đen mà quý vị hít vào và sương mù
mà quý vị thở ra sẽ ngăn che ánh sáng Đức Phật chiếu soi vào quý vị. Tập khí
hút thuốc gây nên sự đau khổ, và đó là việc làm không tương ưng với Phật pháp.
Nếu đệ tử tôi thực lòng muốn tu học theo chính pháp, mà không nhanh chóng bỏ
hút thuốc, thì tôi sẽ xem việc ấy như chính tôi đang làm một việc không tương
ưng với Phật pháp và gây nên sự đau khổ. Sao vậy? Vì tôi đặt mình trong tâm
nguyện đồng thể đại bi của chư Phật. Thế nên tôi mong mỏi chẳng có ai
làm việc xấu. Tôi mong ai cũng là người hòan hảo. Khi có một ai trong quý vị
không được là người hòan thiện, tôi cảm thấy rằng chính mình chưa phải là người
hòan thiện, vì tôi cũng giống như quý vị. Do vậy, vì tôi mong mình được là người
tốt, nên tôi cũng nghĩ ra cách để quý vị cũng trở thành người tốt luôn. Đó là ý
nghĩa đồng thể đại bi . Nếu người đời nay ai cũng có tâm nguyện như vậy,
thì thế giới sẽ chẳng có chiến tranh, giành giật, thù hận.
Đức Phật bảo A-nan: “Nay
Như Lai hỏi ông, hiện nay ông chưa chứng quả vô lậu thanh tịnh.
Ông chưa chứng được quả
vị thứ tư của A-la-hán, ông chỉ mới chứng được Sơ quả, chưa đạt đến quả vị vô lậu.
Sự thanh tịnh trong quả vị vô lậu là thanh tịnh nhất trong sự thanh tịnh. Chẳng
còn chút nhiễm ô. Nói thì rất dễ nhưng đó là cảnh giới rất khó đạt được. Trong
cảnh giới ấy, mắt tai mũi lưỡi thân ý đều không bị nhiễm ô. Khi mắt quý vị nhìn
thấy cảnh rồi rong ruổi chạy theo, đó là bị nhiễm ô (lậu thóat). Nếu tai quý vị
nghe điều gì đó, mà quý vị không áp dụng công phu phản văn văn tự tánh
mà rong ruổi chạy theo để nghe, đó cũng là bị nhiễm ô (lậu thóat). Mũi chạy
theo hương thơm, lưỡi thích nếm mùi vị, thân thích xúc chạm, tâm ý thích phan
duyên với các pháp: đây là các trường hợp tương tự như nhiễm ô (lậu thóat). Tôi
đã giải thích từ trước, lậu thóat là giống như cái bình bị thủng ở đáy, nó sẽ bị
rò rỉ khi chứa nước. Nếu quý vị không tu tập và chưa chứng được quả vô lậu, thì
quý vị cũng giống như cái bình rò rỉ. Quý vị trôi chảy thường xuyên từ cõi trời
cho đến cõi người. Từ cõi người chảy xuống cõi súc sinh và từ cõi súc sinh chảy
xuống cõi ngạ quỷ và địa ngục. Quý vị trôi lăn lên xuống trong sự lậu thóat, chẳng
biết mình trôi về đâu nữa, còn tùy theo nghiệp mà quý vị đã tạo.
“Nhưng do nương oai thần
chư Phật mà thấy được cõi Sơ thiền không ngăn ngại.”
Mặc dù A-nan chưa chứng
được quả vị thanh tịnh vô lậu, nhưng A-nan có thể nhờ sức oai thần của Đức Phật
mà nhìn thấy được cõi Sơ thiền. A-nan đã mở được Phật nhãn, nhưng ông vẫn không
thấy được cõi Sơ thiền. Khi được khai Phật nhãn, có cả ngàn cấp độ sai khác
nhau. Cũng chỉ đơn giản là mở mắt và nhìn thấy được mọi vật như thấy bằng mắt
thường. Có người thấy xa 3 dặm, có người thấy 7 dặm, có người thấy 10 dặm, có
người thấy 30 hay 300, 3000 dặm. Cao nhất, có người thấy được 84.000 dặm và có
thể quán sát mọi hiện tượng xảy ra trong 80.000 đại kiếp[2]. Đó không phải là trường hợp ngay khi mắt quý vị mở ra và thấy được vật.
Chỉ có nhờ vào năng lực thần thông của Đức Phật, A-nan mới thấy được cõi Sơ thiền
trong suốt rõ ràng không chướng ngại, như ông A-na-luật-đà thì thấy cõi
Diêm-phù-đề
Trưởng lão A-na-luật-đà[3] là bậc có thiên nhãn đệ nhất. Tên ngài trong tiếng Phạn nghĩa là “không
nghèo”. Hán dịch là Vô bần - 無 貧 . Trong đời nầy và những đời sau, đời sau nữa, A-na-luật-đà
không bao giờ nghèo. Thượng toạ A-na-luật-đà là anh em họ với Đức Phật. Tôi đã
đề cập từ trước, Thượng toạ A-na-luật-đà có một tật rất lạ: bất kỳ khi nào Đức
Phật giảng kinh, Thượng toạ đều ngủ gật. Thế nên Đức Phật trách mắng:
Này ông! Sao quá mê ngủ
Như con sò trong
vỏ cứng?
Ông ngủ suốt cả
ngàn năm
Tên Phật rồi chẳng
nghe thấy.
Con sò nằm trong vỏ cứng và chẳng bao giờ thò
đầu ra ngoài. Khi Đức Phật trách mắng như vậy, ông liền phát khởi nhiệt tâm:
không bao giờ ngủ nữa! Thượng tọa mở mắt trừng trừng và ngày đêm chẳng ngủ. Sau
7 ngày đêm không ngủ, Thượng toạ hóa mù. Thượng toạ đến Đức Phật xin được giúp
đỡ, Đức Phật bảo Thượng toạ đừng buồn rồi dạy tu pháp Kim cương chiếu minh
tam muội. Do chuyên tâm tu tam muội này, A-na-luật-đà đạt được thiên nhãn
thông, có thể thấy được cõi Diêm-phù-đề, tức thế giới ta-bà nầy như xem trái
am-ma-la trong lòng bàn tay. Có nhiều cõi Diêm-phù-đề, cõi mà chúng ta đang
sống chỉ là một. Trái am-ma-la[4] mọc ở Ấn Độ, ở
Trung Hoa không có trái nầy. Tôi không biết trái nầy có ở nước Mỹ không. Nhưng
điểm chính là thế giới rộng như vậy, được A-na-luật-đà nhìn thấy rõ ràng như một
miếng trái cây nằm trong bàn tay.
Tôi xin nói thêm về Thượng toạ A-na-luật-đà.
Trong một kiếp trước, ngài là một nông dân rất nghèo. Hằng ngày ngài dùng một
loại mễ cốc có chất lượng rất kém[5] và rẻ để ăn.
Ngài không có tiền mua thịt, sữa hoặc những thứ khác ngoài mễ cốc thô nầy. Một
hôm A-na-luật-đà gặp một vị tỷ-khưu già tu trong núi. Vị tỷ-khưu già nầy đã chứng
Bích chi Phật. Vào mỗi ngày thứ bảy, vị tỷ-khưu xuống núi đi khất thực. Ông ta
mang bình bát theo thứ tự chỉ khất thực trong vòng 7 nhà, nếu đến nhà cuối cùng
mà không có ai cúng dường gì, vị tỷ-khưu già cũng mang bát không về núi và chịu
nhịn ăn.
Một hôm, nạn đói hòanh hành vùng ấy, không ai
có đủ lương thực để sống. Lương thực rất đắt. Vị Bích chi Phật lại xuống núi khất
thực, đến hết nhà thứ 7 vẫn không có ai cúng dường. Theo tâm nguyện của ngài,
đành mang bát không về. Trên đường về núi, vị tỷ-khưu già gặp một người nông
dân, ông ta chào hỏi: “Thưa thầy, ngài có khất thực được thực phẩm để dùng hôm
nay không?” Vị tỷ-khưu già đáp: “Không, tôi đành chịu nhịn.”
Người nông dân suy nghĩ: “Thầy không khất thực
được gì hôm nay, có nghĩa là thầy sẽ phải chịu đói trong 7 ngày nữa cho đến khi
thầy lại xuống núi khất thực. Không thể để thầy chịu đói được. Nếu thầy không
chê mễ cốc của mình thô xấu, mình sẽ nhịn phần và xin cúng dường cho thầy.”
Vị Bích chi Phật rất hoan hỷ. Vì sao? Vì ngài
đã chịu đói suốt 7 ngày rồi, và nếu ngài trở về núi với bát không thì ngài phải
chịu đói suốt 2 tuần lễ. Mặc dù ngài đã chứng ngộ, nhưng đời nầy, ngài vẫn còn
cần đến lương thực. Ngài quá đói nếu không có gì để ăn. Thế nên ngài rất hài
lòng. “Cảm niệm công đức to lớn của ông.”- Vị tỷ-khưu già nói, rồi hồi hướng
công đức cho người nông dân:
sở vị bố thí giả
所 謂 布 施 者
tất hoạch kỳ lợi
ích
必 獲 其 利 益
nhược vị lạc cố thí
若 為 樂 故 施
hậu tất đắc an lạc.
後
必 得 安 必.
Nghĩa:
Bây giờ quý vị thử đoán xem điều gì xảy đến
cho người nông dân đã cúng dường cho vị Bích chi Phật? Một điều rất kỳ lạ đã xảy
ra. Nếu tôi nói với quý vị, chắc hẳn khó tin. Tôi cũng thấy khó tin. Nhưng Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói chuyện ấy trong kinh, nên chẳng có lý gì không tin
được. Quý vị phải tin điều khó tin ấy.
Chuyện gì đã xảy ra?
Khi anh ta cuốc đất, một con thỏ từ mặt đất
nhảy vọt lên vai anh ta rồi nằm ở đó không nhúc nhích. Anh ta hoảng sợ, không
hiểu tại sao con thỏ lại nhảy lên nằm trên vai mình. Anh cố gắng tìm mọi cách
đuổi nó đi, nó vẫn nằm yên đó. Thế nên anh ta bỏ về nhà ngay khiến người vợ ngạc
nhiên không hiểu vì sao. Khi đến nhà, người vợ thấy con thỏ đã biến thành vàng.
Sau đó, mỗi khi anh ta lấy vàng từ mình thỏ đi đổi thành tiền, thì chỗ vàng vừa
lấy tự đắp đầy lại. Từ đó anh thành người giàu có, anh ta không dám đem nguyên
con thỏ vàng đi bán. Thế nên anh cắt bốn chân thỏ đi bán, khi trở về nhà, bốn
chân lại mọc ra nguyên vẹn như cũ. Thế nên của cải anh ta nhiều vô tận. Không
những anh ta giàu có trong đời nầy mà cả trong đời sau, đời sau nữa cho đến 91
đại kiếp, dù sinh trong cõi trời hay trong cõi người, hay bất kỳ anh ta sinh
vào nơi nào. Thế nên được gọi là A-na-luật-đà, có nghĩa là không bao giờ
nghèo (vô bần - 無 貧).
Trong đạo Phật, bố thí là “phóng xả một, hưởng
được cả ngàn.” Trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn nguyện cũng dạy như vậy. Quý vị
phải tin sâu đạo lý nầy, chớ nghi ngờ chút nào. Hãy nhìn công hạnh của A-na-luật-đà,
giúp cho vị Bích chi Phật qua cơn đói bằng cách cúng dường khẩu phần mễ cốc thô
xấu của mình hằng ngày, và vị Bích chi Phật đã hồi hướng công đức nên A-na-luật-đà
đã nhận được phước báo giàu có vô tận.
Ở Trung Hoa, khi có 1000 vị tăng câu hội thì
chắc chắn thế nào trong ấy cũng có một vị A-la-hán. Quý vị nên nghĩ rằng mọi vị
tăng mình gặp đều là A-la-hán, mặc dù không dễ gì gặp được, và A-la-hán là một
trong cả ngàn. Nhưng vẫn có thể gặp được A-la-hán nếu quý vị nhận ra ngài. Thượng
tọa A-na-luật-đà chỉ cúng dường cho một vị tăng, nhưng vị tăng ấy là Bích chi
Phật, nên A-na-luật-đà nhận được phước báo to lớn như vậy.
Thế tại sao vị Bích chi Phật lại không được
ai cúng dường chút lương thực trong ngày khất thực ấy? Một lần nữa, điều nầy lại
được giải thích theo lý nhân quả:
Tu phước không tu
huệ,
Voi đeo ngọc anh
lạc.
Tu huệ không tu
phước,
La-hán về bát
không.
Nếu quý vị chỉ biết tu huệ, cho rằng: “Tôi sẽ
học kinh và nghiên cứu Phật pháp.” Việc ấy rất tốt, quý vị sẽ có được trí huệ.
Nhưng quý vị cũng nên tu hạnh bố thí. Quý vị phải biết tu tập cả phước lẫn trí.
Quý vị nên tu phước bằng cách cúng dường Tam bảo. Nếu quý vị không gieo trồng
phước đức, thì trong tương lai khi quý vị là A-la-hán đi khất thực, sẽ không ai
cúng dường chút thực phẩm nào vì quý vị chưa từng gieo nhân tu phước. Mặt khác,
nếu quý vị chỉ lo tu phước mà không tu tập trí huệ, nếu quý vị chỉ biết làm việc
thiện, tu hạnh bố thí, thì trong tương lai quý vị sẽ như con voi được trang sức
bằng ngọc anh lạc. Quý vị sẽ bỏ thân nầy và trở thành con voi câm to lớn, thân
mang đầy ngọc ngà châu báu. Thời xưa, phụ nữ trang sức loại ngọc nầy trên tóc.
Ngọc anh lạc thì đẹp bề ngoài nhưng bên trong lại rỗng tuếch.
Người mà tu phước không tu huệ sẽ như con voi
mang chuỗi ngọc anh lạc vậy. Thế nên khi quý vị tu đạo, nên tu cả phước và trí,
bên ngoài tu phước, bên trong tu huệ cho đến khi đạt được ánh sáng giác ngộ. Thế
là quý vị có được cảm ứng hỗ tương với đạo.
[1] Tiết ngoại sinh chi 節 外生 枝.
[2] s: Kalpa:
[3] s: Aniruddha.
[4] Còn gọi là am-một-la; P: Amba. S: āmra, amra,
amlaphala. Amarapuspa. Là trái có hình dáng như trái xoài. Theo
Tiếng Phạn, chỉ cho nhiều loại thực vật giống nhau, nên thường có sự nhầm lẫn
với trái am-ma-lặc; p: āmalaka; S: āmalaka, āmlikā; dạng
như trái đậu, thường dịch là Dư cam tử.
[5] Còn gọi là bài phạn 稗 飯, là một loại mễ cốc chất lượng thô kém nhất.
0 Kommentare:
Post a Comment