Pages

05 January 2016

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA - PHẦN 6

http://phapsutinhkhong.com/public/upload/images/Anh_bia/HT_%20T%E1%BB%8Bnh%20Kh%C3%B4ng%20174.jpgCác bà ăn thịt heo, thịt gà, so với lúc tuổi thơ, tuổi thiếu niên, thấy có cùng mùi vị hay chăng?” Bà ta suy nghĩ ba bốn phút, rồi cho biết: “Khác hẳn!” Chúng ta là người ăn chay, hãy suy nghĩ cẩn thận, nay chúng ta ăn rau, những thứ rau thường ăn, cải bẹ trắng cũng vậy, rau giền cũng thế, củ cải cũng thế, đặc biệt là các loại nấm, có giống như sáu mươi năm trước hay không?







Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Phần 3
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

TẬP 06

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ tư, hàng thứ bảy. Đây là đoạn thứ hai, chúng ta vẫn đọc từ đầu.
“Vương thị hội kinh, tuy đại hữu công ư Tịnh Tông, đản sở hội chi bổn phả đa suyễn ngộ. Bạch khuê chi hà, hiền giả tích chi. Liên Trì đại sư vị kỳ: Sao tiền trước hậu, khử thủ vị tận. Bành Thiệu Thăng cư sĩ xích chi vi: Lăng loạn quai suyễn, bất hợp viên chỉ” (Họ Vương hội tập kinh, tuy có công lớn đối với Tịnh Tông, nhưng bản hội tập của ông ta có lắm sai lầm. Bạch khuê có vết, người hiền tiếc nuối. Liên Trì đại sư bảo: “Sao chép kinh văn trong phần trước, ghép thêm lời văn của chính mình sáng tác vào sau đó, lấy bỏ chưa trọn hết”. Cư sĩ Bành Thiệu Thăng chê trách: “Rối ren, sai lạc, chẳng hợp ý chỉ viên dung”). Chúng ta xem trước chỗ này. Trong phần trước, tôi đã giới thiệu các phiên bản kinh Vô Lượng Thọ hiện đang được lưu thông, ngoài năm bản dịch gốc ra, còn có bốn bản nữa: Ba bản là bản hội tập, một bản là bản tiết lục. Nhân tiện, tôi giới thiệu ở đây. “Vương thị” (họ Vương) là Vương Long Thư, hay Vương Nhật Hưu, hội tập kinh Vô Lượng Thọ sớm nhất. Có thể thấy là từ rất sớm đã có người chú ý tới vấn đề này. Các phiên bản nhiều lắm, mà nội dung sai biệt rất lớn. Nếu bảo năm bản đều cùng đọc, quả thật rất phiền; đọc một loại, sẽ chẳng thấy những điều được nói trong bốn bản kia, trong bốn bản kia có rất nhiều kinh văn không có trong bản này, rất đáng tiếc! Vì thế, đó là một nhân tố quan trọng khiến cho những bản này được lưu thông rất ít. Cư sĩ Vương Long Thư là người đời Tống, trong phần trên đã giới thiệu: Ông ta trước tác rất phong phú, niệm Phật thật sự có công phu, khi vãng sanh là đứng mất. Bộ Tịnh Độ Văn của ông ta vô cùng hay, cũng có thể dùng để học Quốc Văn. Trong phần trước, tôi đã từng giới thiệu với quý vị, Trúc Song Tùy Bút của Liên Trì đại sư, Linh Phong Tông Luận của Ngẫu Ích đại sư, và Tịnh Độ Văn của cư sĩ Vương Long Thư cũng hết sức hay, văn tự hết sức khá, đều là những tác phẩm văn chương hay của các bậc đại đức trong Tịnh Tông. Chúng ta học văn chương Văn Ngôn, coi những tác phẩm ấy như sách để học Quốc Văn, rất tốt!
      Sau khi bản hội tập của ông ta ra đời, được lưu thông rất rộng. Quý vị thấy Đại Chánh Tạng của Nhật Bản và Long Tạng được biên tập dưới đời vua Càn Long đều nhập tạng bản này. Có thể đưa vào Đại Tạng Kinh tức là được các vị đại đức thuở ấy chấp nhận. Thế nhưng bản của ông ta vẫn có sai lầm, “suyễn ngộ” (舛誤) là sai lầm, còn có những sai sót. “Bạch khuê chi hà, hiền giả tích chi” (bạch khuê có vết, người hiền xót xa), hai câu này thể hiện ý tiếc hận: Đáng tiếc là ông ta làm chưa viên mãn, còn có khuyết điểm! Liên Trì đại sư cũng hết sức bội phục ông Vương. Trong bộ Di Đà Kinh Sớ Sao, đây là một tác phẩm rất to lớn, kinh văn kinh Vô Lượng Thọ được trích dẫn trong ấy, quá nửa là trích từ bản hội tập của cư sĩ Long Thư, đây cũng là khẳng định [giá trị] của bản hội tập ấy. Đương nhiên, bản ấy chẳng thể tận thiện, tận mỹ, nên Liên Trì đại sư cũng phê bình, bảo bản này của họ Vương “sao chép kinh văn trong phần trước, ghép phần trước tác của chính mình vào phần sau, lấy bỏ chưa trọn vẹn”. Hai câu này trong phần sau đều có giải thích. Bành Thiệu Thăng có tiết bổn, chẳng phải là hội tập, chỉ lấy bản của ngài Khang Tăng Khải. Bản dịch của ngài Khang Tăng Khải cũng chẳng dễ đọc cho lắm, ông Bành đem chỉnh lý một lần nữa, soạn thành bản mới, gạt bỏ những chỗ trúc trắc, thiếu trôi chảy, cho nên bản dịch này đọc lên rất lưu loát, coi như là một bản kinh hay, nhưng chẳng thể coi là bản hội tập, mà coi là tiết bổn (bản rút gọn, trích yếu, có phân chương đoạn). Ông ta cũng phê bình bản hội tập của cư sĩ Long Thư, bảo là “lăng loạn quai suyễn, bất hợp viên chỉ” (rối ren sai lầm, chẳng hợp ý chỉ viên dung), cũng là nói bản hội tập của ông ta chưa hoàn mỹ. Chẳng thể bảo ông Vương không có công lao gì! Quả thật là công lao cũng chẳng thể xóa sạch, nhưng chưa phải là bản hoàn mỹ. Đây là một chuyện rất đáng tiếc!
Tiếp đó là lời giải thích của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ: “Kim bút giả” (nay người viết), nói về người cầm bút viết bản chú giải này, tức là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, “ngưỡng thừa cổ đức chư thuyết” (kính vâng theo các nhận định của cổ đức), nói theo cách hiện thời là “căn cứ trên cách nói của cổ đại đức”, “thiết kê Vương thị chi thất” (trộm kể ra những khuyết điểm của họ Vương), “thiết kê” (竊計) là theo cách so sánh, cách nghĩ của riêng tôi, bản hội tập của cư sĩ Long Thư tối thiểu có ba chỗ sai sót. Thứ nhất là: “Vương thị hội tập, cẩn cứ tứ chủng, vị cập Đường dịch. Đường dịch danh Vô Lượng Thọ Như Lai Hội, xuất tự Đại Bảo Tích Kinh, nãi Bồ Đề Lưu Chí đại sư sở dịch, đa áo diệu tinh yếu chi văn, vi tha dịch sở vô” (Bản hội tập của họ Vương chỉ dựa trên bốn bản dịch, chưa có bản dịch đời Đường. Bản dịch đời Đường có tên là Vô Lượng Thọ Như Lai Hội trích từ kinh Đại Bảo Tích do Bồ Đề Lưu Chí đại sư dịch, kinh văn có nhiều chỗ uyên áo, huyền diệu, tinh tường, trọng yếu mà những bản dịch khác không có). “Tha dịch” là bốn bản dịch gốc kia, trong ấy không có những điều [được nói trong bản Đường dịch]; quả thật cư sĩ Long Thư cả đời chưa thấy bản Như Lai Hội trong kinh Đại Bảo Tích. Từ chỗ này, chúng ta mới hiểu vào thời cổ, có được kinh sách đâu phải dễ! Vì thuở ấy, kinh sách đều vẫn phải chép bằng tay. Vì thế, trong kinh sách cổ truyền có chữ sai là chuyện khó tránh. Một bộ kinh phân lượng to như vậy, khó tránh khỏi chép thiếu, hoặc chép sai một chữ, hết sức khó tránh chuyện này! Bản này (tức bản Đường dịch), như lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nói: Có nhiều đoạn văn tự “áo diệu tinh yếu” (sâu xa, huyền nhiệm, tinh tế, quan trọng) chẳng thấy có trong bốn bản dịch kia, đương nhiên đây là điều sai sót. Đây là chỗ chẳng viên mãn thứ nhất, tức là ông Vương chưa đọc trọn năm bản dịch gốc. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, “khử thủ vị tận” (lấy, bỏ chưa trọn hết). Đây là lời Liên Trì đại sư phê bình, chê lão nhân gia (ông Vương Nhật Hưu) chọn và bỏ chưa trọn vẹn, tức là nói “thủ phồn di yếu, cải thâm vi thiển” (lấy chỗ rườm rà, bỏ chỗ quan trọng; sửa chỗ sâu thành cạn), ông ta mắc phải khuyết điểm này! Những chỗ rườm rà đáng nên tinh giản, ông ta vẫn cứ chép vào [bản hội tập]; những thứ quan trọng bị bỏ sót, vì sơ ý mà bỏ sót. Nêu ra thí dụ nhằm chứng tỏ lời [phê phán] này chẳng phải là nói tùy tiện: “Lệ như Liên Trì đại sư sở trách: Như tam bối vãng sanh” (Chẳng hạn như Liên Trì đại sư đã trách: Như trong phần ba bậc vãng sanh), trong đoạn kinh văn này, “Ngụy dịch giai viết phát Bồ Đề tâm” (bản dịch đời Ngụy ghi cả ba bậc đều phát Bồ Đề tâm), chữ “Ngụy” chỉ [bản dịch của] ngài Khang Tăng Khải; trong bản dịch của ngài Khang Tăng Khải, ba bậc vãng sanh đều phát Bồ Đề tâm, nhưng trong bản hội tập của Vương Long Thư, chỉ có bậc trung là phát Bồ Đề tâm, bậc hạ chẳng phát, chẳng hề phát Bồ Đề tâm, trong bậc thượng cũng chẳng nói, không đề cập. “Tắc cao hạ thất thứ, cố vân vị tận” (tức là thứ bậc cao thấp bị mất, cho nên bảo là “chưa trọn hết”), đây là nói “khử thủ vị tận”. Lời Ngài nói có căn cứ, Ngài bảo: “Do thượng lệ khả kiến, thượng cánh bất ngôn” (Do dựa theo điều này (bậc trung đã phát Bồ Đề tâm), có thể thấy [bậc thượng phải phát Bồ Đề tâm], nhưng [trong bản hội tập] bậc thượng hoàn toàn chẳng nói [phát Bồ Đề tâm, đó là điều vô lý]), “thượng” là thượng bối vãng sanh, [bản hội tập của ông Vương] chẳng nói tới phát Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm quan trọng lắm! Đây là “di yếu”, nghĩa là bỏ sót điều quan trọng! Đối với bậc Hạ, [chánh kinh] cũng nói là phát Bồ Đề tâm, nhưng ông ta viết là “chẳng phát”, tức là bậc Hạ có thể chẳng cần phát Bồ Đề tâm, [đó là] “cải thâm vi thiển” (sửa sâu thành cạn). Đây là những chỗ Liên Trì đại sư và Bành cư sĩ chê trách ông Vương, thật sự có căn cứ, chẳng phải là nói tùy tiện!
      Thứ ba, “suất ý tăng văn, nghiễm nhược tự trước” (tùy tiện tăng thêm văn tự, nghiễm nhiên tự soạn thêm), “suất ý” (率意) là tùy ý, tăng thêm văn tự, giống như chính mình sáng tác, điều này không thể chấp nhận! Phiên dịch thì được! Nếu quý vị dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán thì chấp nhận được, vì quý vị phải châm chước dùng câu chữ nào [cho lời văn gãy gọn, dễ hiểu, nhưng không sai ý]! Hội tập thì không thể, hội tập nhất định phải dùng nguyên văn [từ các bản dịch gốc], chẳng thể thay đổi văn tự, Ấn Quang đại sư hết sức coi trọng chuyện này. Bởi lẽ, tùy tiện sửa đổi văn tự, tôi nghĩ dùng câu chữ theo kiểu này mới hay, tôi bèn sửa; quý vị cho rằng hành văn theo kiểu kia mới hay, quý vị lại sửa. Sửa tới, sửa lui, đến cuối cùng chẳng còn cách nào đọc [nguyên dạng] kinh Phật nữa! Do vậy, phải tôn trọng lời dịch gốc, nhất định chớ nên sửa đổi. Dẫu nhận thấy [câu văn hay đoạn văn ấy] có vấn đề, có thể ghi chú bên cạnh, chẳng thể sửa chữ của người ta, đây là quy củ. Do vậy, chỗ này là sơ sót. “Cố Liên Trì đại sư trách viết” (Vì thế, Liên Trì đại sư trách rằng), quở trách ông Vương: “Sao tiền trước hậu, vị thuận dịch pháp” (sao chép kinh văn trong phần trước, ghép thêm lời văn của chính mình sáng tác vào sau đó, chưa tuân thủ cách dịch). Ngay sau đó, cụ Hoàng giảng rõ: “Cái trách kỳ sao dẫn kinh văn ư tiền” (ấy là chê trách [ông Vương] đã sao lục kinh văn trong phần trước), đó là “sao tiền”, “phục hựu tự trước cú tự ư hậu” (lại đem những câu chữ do mình đặt ra, ghép vào phía sau), ghép ý kiến của chính mình vào sau kinh văn, cũng giống như chính mình dịch vậy, sai lầm rồi! Phía sau [mỗi đoạn kinh], nếu có kiến giải, có thể dùng chữ nhỏ ghi chú bên cạnh, nhất định chẳng ghi lẫn lộn vào kinh văn. Đây là một điều kỵ húy rất lớn. Đó gọi là “sao tiền, trước hậu, vị thuận dịch pháp”. Dịch kinh có quy củ dịch kinh; ở đây là đã vi phạm quy củ dịch kinh, ông ta cũng chẳng phải là phiên dịch, mà là hội tập.
Tiếp đó, cụ Hoàng giảng: “Cái thị hội tập, tất tu y cứ nguyên kinh, vạn vạn bất khả ư nguyên dịch ngoại thiện tăng văn cú” (Đã là hội tập, cần phải dựa theo nguyên văn của bản dịch, muôn vàn chẳng thể tự tiện thêm câu văn [do chính mình đặt ra]). Cư sĩ Long Thư phạm quy củ này: Anh hội tập, chẳng phải là phiên dịch! Anh phiên dịch thì được, chính anh châm chước nên dùng chữ gì, dùng từ gì để dịch ý nghĩa tiếng Phạn này, được phép làm như thế! Nhưng hội tập thì không được! Bởi lẽ, anh chẳng dựa trên nguyên văn bằng tiếng Phạn, mà dùng bản dịch do người khác đã dịch sang tiếng Hán. Anh nhất định phải tôn trọng, phải tuân theo nguyên văn, chẳng thể thay đổi, động chạm chữ nào. Đây là quy củ hội tập. Vậy thì cư sĩ Long Thư đã sửa đổi, sửa có khéo hay không? Sửa thật khéo! Tuy sửa thật khéo, nhưng đã phá hoại quy củ, không được rồi! Quý vị chẳng thể phá hoại quy củ, chẳng thể tạo ra tiền lệ này! Quý vị đã sửa được, người khác cũng có thể sửa. Đối với quý vị thì không có vấn đề gì, đối với kinh Phật, sự tu dưỡng của quý vị đã đạt tới tiêu chuẩn, công phu và cảnh giới tu trì cũng đạt tới, quý vị có sửa cũng chẳng sao, nhưng hễ tạo nên tiền lệ này, người đời sau sẽ như thế nào? Người đời sau tuy chưa có trình độ như quý vị mà cũng sửa chữa: Cư sĩ Vương Long Thư đã có thể sửa, lẽ nào ta chẳng thể sửa? Hễ tiền lệ này được lập ra, sau này, những tệ đoan sẽ xuất hiện.
      Nói thật ra, [bản hội tập của] Vương Long Thư có vấn đề, bản của Ngụy Mặc Thâm cũng có vấn đề. Chúng ta xem kỹ, ông ta sửa có khéo hay không? Sửa đúng là khéo lắm, nhưng nếu quý vị nghĩ tới những tác hại về sau, đáng sợ lắm! Không thể tạo nên tiền lệ này! Chẳng phải là nói ông ta sửa không hay, mà là nói chẳng thể lập ra tiền lệ. Phải như thế nào mới trọn vẹn đôi bề? Tôi vừa mới nói đấy thôi, dùng chữ nhỏ ghi chú bên cạnh thì được, cách này có thể tận thiện tận mỹ. Do vậy, đây là: “Cố trách Vương thị vị thuận dịch pháp. Do thượng khả kiến Vương thị chi thất” (vì thế, mới trách là ông Vương chưa tuân theo cách dịch. Do những điều trên đây, có thể thấy khuyết điểm của họ Vương). Do ông ta có những chỗ thiếu sót, bản hội tập này có những chỗ sai sót, “phi thị bất ưng hội tập, nhi tại ư hội bổn chi đa tỳ dã” (chẳng phải là không nên hội tập, mà do trong bản hội tập có nhiều tỳ vết). Đó là tỳ vết. Do có những tỳ vết, nên chẳng thể gọi là “tận thiện tận mỹ”. Đây là kiến thức thông thường, nhưng là một kiến thức thông thường rất quan trọng: Chúng ta học Phật, cần phải tôn trọng kinh điển. Chẳng thể tùy tiện sửa đổi nguyên văn kinh điển, mà đối với chú giải của cổ đại đức cũng chớ nên tùy tiện thêm bớt văn tự. Cổ đức có thể chú giải bộ kinh này, bản chú giải ấy có thể lưu truyền cho tới hiện thời, nói chung là mấy trăm năm, trong mấy trăm năm ấy, người đọc tác phẩm ấy rất nhiều. Quý vị thấy cổ nhân đều tôn trọng, cớ sao chúng ta có thể tùy ý sửa đổi văn tự? Đấy là chuyện rất thiếu đạo đức. Chúng ta có ý kiến, có thể thêm ghi chú vào bên cạnh, làm như vậy thì được!
      Chúng ta lại đọc đoạn tiếp theo: “Bành Thiệu Thăng cư sĩ hám ư Vương bổn chi thất” (cư sĩ Bành Thiệu Thăng tiếc nuối trước những khuyết điểm trong bản hội tập của họ Vương). Đây là nói: Rất đáng tiếc! Cảm thấy bản của ông Vương là một bản hay, nhưng hết sức đáng tiếc là có chút tỳ vết này, chưa hoàn mỹ. “Nãi thủ Ngụy dịch bổn nhi san tiết chi” (bèn lấy bản Ngụy dịch mà gạn lọc, trích lược), ông ta chỉ lấy một bản. Chẳng thể coi việc làm này của ông ta là hội tập, do chỉ lấy bản dịch của ngài Khang Tăng Khải đời Tào Ngụy. Vào thời đại Tam Quốc, Tào Tháo cầm quyền, [nên vương triều thời đó gọi là] Tào Ngụy. Ngài Khang Tăng Khải là người thuở đó. Bởi lẽ, trong thời đại Tam Quốc, Phật pháp đã khá hưng thịnh, [trong lãnh thổ của các vương triều] Ngụy, Thục, Ngô đều có [Phật giáo], các địa phương đều có đạo tràng Phật giáo. “Thị Vô Lượng Thọ kinh chi đệ thất chủng” (là phiên bản thứ bảy của kinh Vô Lượng Thọ), bản của ông Vương Long Thư vừa nói trong phần trên là loại thứ sáu. Năm loại trước là bản dịch gốc, loại thứ sáu là bản hội tập của Vương Long Thư, bản của Bành Thiệu Thăng là loại thứ bảy. Loại thứ bảy là tiết bổn, cũng được lưu thông, người ta cũng thích đọc. “Đản thử cẩn vi Ngụy dịch nhất chủng chi tiết bổn, nhi phi chư dịch chi hội bổn” (Chỉ là một bản trích lược của bản Ngụy dịch, chưa phải là bản hội tập của các bản dịch).
Trong thời đại hiện tại này, bản tiết bổn này là gì? Được gọi là “kiến thức bùng nổ”. Quý vị thấy số lượng sách so với xưa kia nhiều hơn bao nhiêu? Trước đây, in ra một quyển sách chẳng dễ dàng; hiện thời, nhất là do computer quá tiến bộ, xuất bản một quyển sách là chuyện dễ ợt! Chúng ta vào tiệm sách mà xem, trước kia, vào tiệm sách, từ trường hết sức tốt đẹp, bước vào thư viện hay tiệm sách, từ trường đặc biệt tốt. Nay thì không còn nữa, hiện thời thỉnh thoảng tôi đến tiệm sách tìm mấy cuốn sách, vừa bước vào tiệm, [cảm nhận] từ trường hết sức xấu, vì nguyên nhân gì? Chánh luận chẳng còn nữa, đều là tà tri tà kiến, nên tạo thành cảm giác hết sức lớn, hết sức rõ rệt. Lúc tôi còn trẻ, thường la cà tiệm sách, quả thật là tối thiểu những sách vở của cổ nhân chiếm phân nửa, một nửa là của người thời nay, nửa kia của cổ nhân. Hiện thời, tác phẩm của cổ nhân ít ỏi. Chúng ta tới tiệm sách, sẽ thấy chỉ là một góc nhỏ, những tác phẩm khác đều của con người hiện thời. Vì thế, từ trường rất bất hảo. Kiếm một nơi có từ trường thanh tịnh thoải mái, gần như hiện nay tìm không ra, do nguyên nhân gì? Tôi nghĩ mọi người chúng ta đều biết: Ai phá hoại từ trường? Khoa học kỹ thuật! Những thứ vừa mới được phát minh đã phá hoại từ trường của cả địa cầu!
      Chúng ta hãy quan sát cẩn thận cuộc sống của chúng ta. Những thứ người bình thường ăn, đúng như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: “Ẩm khổ thực độc” (ăn khổ, nuốt độc), toàn ăn thứ độc địa. Thịt các động vật, nếu là sáu mươi năm trước, chẳng nói xa xôi, so với sáu mươi năm trước, người bảy, tám mươi tuổi có thể nhớ lại, những món thịt quý vị đã ăn lúc nhỏ có mùi vị giống với thịt mình ăn trong hiện tại hay không? Tôi từng hỏi sư mẫu của tôi, tức phu nhân của tiên sinh Phương Đông Mỹ, tôi nêu ra câu hỏi: “Các bà ăn thịt heo, thịt gà, so với lúc tuổi thơ, tuổi thiếu niên, thấy có cùng mùi vị hay chăng?” Bà ta suy nghĩ ba bốn phút, rồi cho biết: “Khác hẳn!” Chúng ta là người ăn chay, hãy suy nghĩ cẩn thận, nay chúng ta ăn rau, những thứ rau thường ăn, cải bẹ trắng cũng vậy, rau giền cũng thế, củ cải cũng thế, đặc biệt là các loại nấm, có giống như sáu mươi năm trước hay không? Quá khác biệt! Sáu mươi năm trước, vị nấm đông cô ngon hơn nhiều, tuyệt hơn nhiều! Hiện thời chẳng có mùi vị gì! Thấy chúng rất lớn, hình dáng rất dễ ưa, nhưng chẳng có vị gì hết! Rau dưa cũng chẳng tươi ngon như trước, đều chẳng còn nữa, do nguyên nhân gì? Thuốc trừ sâu và phân hóa học đã phá hoại rồi! Do vậy, đất đai hiện thời có chất độc, quý vị trồng thứ gì cũng đều có độc, đây chẳng phải là “thực độc” (ăn chất độc) ư? Đúng vậy! Chẳng giả tí nào! Vì thế, người sống trong thế gian này, càng sống càng vô vị, cuộc sống càng ngày càng khổ sở. Khoa học hiện thời nói tới gì? Cơ nhân (genes)! Phá hoại toàn bộ cơ nhân, phá hoại hoàn cảnh thiên nhiên, phá hoại cuộc sống của chúng ta.
      Chúng ta coi phần tiếp theo: “Ư thị, vãn Thanh Ngụy Thừa Quán (tự Mặc Thâm) cư sĩ” (Do vậy, vào cuối đời Thanh, cư sĩ Ngụy Thừa Quán, tên tự là Mặc Thâm), chúng ta thường gọi ông này là Ngụy Mặc Thâm, đáng ra phải gọi là Ngụy Nguyên[6]. Ngụy cư sĩ là người đời Thanh. Nói “vãn Thanh” vì ông ta sống vào thời Hàm Phong. Chúng ta biết Từ Hy Thái Hậu là phi tử của hoàng đế Hàm Phong[7]. “Vị cứu Long Thư chi thất, thủ ngũ chủng nguyên dịch, lánh hành hội tập, biệt thành nhất thư, sơ nhưng danh Vô Lượng Thọ Kinh, hậu kinh Chánh Định Vương Canh Tâm thị cải danh vi Ma Ha A Di Đà kinh” (Nhằm cứu chữa khuyết điểm của ông Long Thư, bèn lấy năm bản dịch gốc, tiến hành hội tập lần nữa, soạn thành một bản khác, thoạt đầu vẫn gọi là Vô Lượng Thọ Kinh; về sau, được ông Chánh Định Vương Canh Tâm đổi tên thành Ma Ha A Di Đà Kinh). Bản này hiện thời không được lưu thông, nhưng trong Đại Tạng kinh thì có. Đây là bản thứ tám của kinh Vô Lượng Thọ. “Ngụy bổn văn tự giản khiết, tinh đáng, viễn quá Vương bổn” (bản của ông Ngụy văn tự đơn giản, trong sáng, tinh vi, thỏa đáng, vượt xa bản của ông Vương), hội tập khá lắm, tiến bộ hơn bản của ông Vương Long Thư. “Đản suất tự tăng văn chi bệnh, vị năng tận miễn, cố Ngụy bổn diệc vị tận thiện dã” (Khuyết điểm tự tiện thêm lời văn vào vẫn chưa thể hoàn toàn tránh khỏi, cho nên bản của ông Ngụy cũng chưa phải là hoàn thiện). Trong Văn Sao, Ấn Quang đại sư phê bình ông Ngụy đã tùy tiện dựa theo ý mình, sửa chữa văn tự trong kinh văn. Chuyện này, lúc chúng tôi mới học kinh giáo với thầy Lý tại Đài Trung, thầy có nêu lên vấn đề này. Ông ta sửa có khéo hay không? Sửa thật khéo lắm, nhưng cũng là tạo ra tiền lệ. Quý vị thấy Vương Long Thư đã lập ra tiền lệ này, Ngụy Mặc Thâm lại noi theo lệ ấy, đáng sợ quá! Sợ là sẽ tạo thành [tiền lệ] cho những kẻ chưa đạt trình độ như vậy, chưa có cảnh giới này, sẽ mặc sức sửa kinh. Vấn đề này nghiêm trọng lắm!
      Tiết bổn như chúng tôi vừa mới nói, đối với xã hội hiện tại rất cần thiết, vì người trong xã hội hiện tại chuộng đơn giản. Quý vị có một quyển kinh sách kích thước to như thế, người ta chẳng muốn đọc, mà cũng chẳng có thời gian đọc. Càng đơn giản càng hay, người ta càng ưa thích, đặc biệt là đối với phần tử tri thức. Do vậy, tôi cũng soạn tiết bổn, biên soạn tiết bổn cho kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo; đối với Đệ Tử Quy, tôi cũng soạn tiết bổn. Tiết bổn Thập Thiện Nghiệp Đạo của tôi đại khái chỉ có sáu trăm chữ, thuận tiện, mọi người đọc sẽ vui vẻ, lưu thông dễ dàng. Tôi còn có một tiết bổn nữa. Đó là tiết bổn cuốn Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông. Cuốn Giảng Nghĩa phân lượng rất lớn, tôi trích lấy những điều trọng yếu. Tôi đã từng giảng kinh Kim Cang một lần, hình như là giảng Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa Tiết Yếu, dùng cuốn tiết bổn này để giảng. Tiết bổn này cũng được lưu thông, có thể nói là rất thuận tiện cho người mới học. Quý vị muốn thâm nhập hãy đọc nguyên bản. Trong thời đại hiện tại có nhu cầu này!
      Tiếp theo đó là nói đến bản hội tập này, giới thiệu nhân duyên khiến cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập. “Tiên sư Hạ Liên Cư lão cư sĩ”, thầy của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã qua đời, đã vãng sanh, nên gọi là “tiên sư” lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Trước hết, giới thiệu giản lược đức hạnh của lão cư sĩ. “Bi trí song vận”, cụ thật sự có lòng từ bi, có trí huệ. Chữ “song” () chỉ từ bi và trí huệ, tự hành, hóa tha, “vận” () là vận dụng để tự hành, dạy người. Điều này khá khó khăn! Có những người sẵn lòng từ bi nhưng thiếu trí huệ; có kẻ có trí huệ lại thiếu lòng từ bi, không chịu dạy người khác, đều chẳng hoàn bị. Có trí huệ lại chịu dạy người khác, Bồ Tát đấy! “Tông Thuyết câu thông”, Tông () là Thiền Tông, Thuyết () là Giáo Hạ. Nói đến Đại Thừa Phật pháp của Trung Quốc thì chính là Tông Môn và Giáo Hạ. Do vậy, bản thân Phật giáo được gọi là Tông, Giáo, chẳng liên quan gì đến [từ ngữ] “tôn giáo” như chúng ta nói trong hiện thời, nhất định phải biết điều này. Phật pháp tự xưng là Tông Giáo, Tông ở đây là Thiền Tông, còn gọi là Tông Môn, chín tông phái ngoài Thiền Tông đều gọi là Giáo Hạ. Vì sao nói như thế? Phương thức giáo học khác nhau! Thiền Tông là “ngộ hậu khởi tu” (sau khi đã ngộ, sẽ tu). Khi chưa khai ngộ, chẳng xem kinh giáo, chẳng đọc kinh điển. Sau khi khai ngộ rồi mới xem kinh điển; còn Giáo Hạ dốc sức nơi kinh điển trước, đến cuối cùng là khai ngộ. Vì thế, đây là hai con đường [khác nhau].
      Như vậy thì Thiền Tông thích ứng với căn tánh nào? Bậc thượng thượng căn, đó là đối tượng của Thiền, người thường không tu được, chúng ta phải hiểu điều này. Người tầm thường không tu Thiền được. Bởi lẽ, chẳng phải là bậc thượng thượng căn, nếu quý vị tham Thiền, tham suốt đời, vẫn gọi là tham uổng công. Quý vị chẳng khai ngộ! Nếu quý vị chẳng thể khai ngộ, sẽ chẳng thể liễu sanh tử. Nói cách khác, đáng luân hồi như thế nào thì vẫn luân hồi như thế ấy. Do vậy, lúc tôi mới học Phật, ba vị thầy đều cảnh cáo tôi đừng nên học Thiền Tông, quyết định không thể học theo Lục Tổ Đàn Kinh, chẳng thể học đòi ngài Huệ Năng. Họ thẳng thừng bảo tôi: “Anh không hội đủ điều kiện!” Thầy Phương giới thiệu Pháp Tướng Duy Thức và Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Thầy Lý giới thiệu Tịnh Độ và Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, đó là Giáo Hạ. Đối tượng của Giáo Hạ là ba căn thượng, trung, hạ, dốc sức nơi kinh điển, theo thứ tự tiến lên dần dần, giống như đi học, quý vị học từ Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, đến nghiên cứu sinh, từ từ tiến lên. [Đối tượng của] Thiền Tông là đứa trẻ thiên tài; nó chẳng cần đến Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, chẳng hề cần, có thể vào ngay ban nghiên cứu sinh, có bản lãnh này! Vì thế, thiếu bản lãnh này, chẳng thể học theo họ được! Đúng là chẳng thể tùy tiện học tập được!
      Vì thế, trong Phật pháp, giữa Thiền và Mật, Mật hay hơn Thiền một chút; đúng là nếu chẳng phải là bậc thượng thượng căn, sẽ chẳng đạt lợi ích nơi Thiền Tông. Mật cũng như vậy, nhưng Mật còn có thứ tự, trước hết học Hiển Giáo, Hiển Giáo có trình độ nhất định. Hiển Giáo là Giáo Hạ, có trình độ nhất định, phải tham gia khảo thí. Cũng có nghĩa là chưa đại triệt đại ngộ trong Hiển Giáo [sẽ chẳng thể học Mật]; đại triệt đại ngộ kiến tánh rồi, so ra, mức độ đại triệt đại ngộ thấp nhất phải là đại ngộ. Có tiểu ngộ, có đại ngộ. Nói cách khác, [người muốn tu Mật phải] đạt được tâm thanh tịnh. Đối với đại triệt đại ngộ, chúng ta dùng ngay tiêu chuẩn trong tựa đề kinh này: “Thanh tịnh bình đẳng giác”. Giác là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, đó là điều kiện của Thiền Tông, điều kiện của Tông Môn. Trong Giáo Hạ, quý vị đắc thanh tịnh tâm, thưa quý vị, đắc thanh tịnh tâm là buông Kiến Tư phiền não xuống, chẳng còn chấp trước nữa, đương nhiên trí huệ mở mang, tâm thanh tịnh sanh trí huệ, đó gọi là “khai ngộ”. Vẫn chưa phải là đại ngộ, nhưng nếu đã thật sự đắc thanh tịnh tâm, đoạn hết Kiến Tư phiền não, có thể học Mật được hay không? Có thể được! Nhưng vẫn chưa phải là học sinh chính thức của Mật Tông! Học sinh chính thức của Mật Tông còn phải nâng [cảnh giới] lên cao hơn một tầng nữa là đại ngộ, chưa phải là triệt ngộ, mà là đại ngộ. Đại ngộ là gì? Vẫn phải buông Trần Sa phiền não xuống, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng phân biệt, đó là học sinh chính thức của Mật Tông, quý vị mới có tư cách học tập, chẳng dễ dàng đâu nhé! Người ấy đã đại ngộ, nhưng vẫn chưa triệt ngộ. Vì sao? Vẫn còn khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm tức là chưa phá vô minh phiền não.
      Chúng ta chọn lựa pháp môn, chính mình hiểu rõ ràng căn tánh của chính mình. Chọn sai là quý vị đã uống lầm thuốc! Bị mắc bệnh mà uống lầm thuốc, không chỉ chẳng trị hết bệnh, mà không chừng bệnh còn nặng hơn. Quý vị nói có phiền lắm không? Phật pháp là thuốc. Tám vạn bốn ngàn pháp môn giống như vào tiệm thuốc, thấy các món thuốc bày la liệt nhiều ngần ấy, quý vị có thể uống hết hay chăng? Có dám uống hay chăng? Chúng ta biết: Không có bác sĩ kê toa, chẳng dám uống, sợ uống vô là rồi đời! Vậy mà Phật pháp quý vị tùy tiện tu, chẳng sợ hay sao? Vì thế, trong kinh Đại Thừa, trong kinh Hoa Nghiêm có nói: “Phật pháp không có ai nói, dẫu là người trí cũng chẳng thể hiểu”. Những vị tổ sư đại đức từ xưa giống như bác sĩ, hay giống như y tá, họ thông hiểu. Chúng ta muốn học Phật, hãy kiếm những người ấy. Họ thấy chúng ta thuộc căn tánh nào, sẽ giới thiệu cho chúng ta kinh điển nào; đấy là chuyện tất yếu, chính mình chớ nên tùy tiện mò mẫm. Do vậy, quý vị thấy: Trong sự học Phật, thầy là mấu chốt quyết định sự thành bại đối với sự tu học của quý vị trong một đời này. Nếu quý vị thật sự gặp được thiện tri thức hay một vị thầy thật sự tốt đẹp, quý vị sẽ chiếm tiện nghi rất lớn. Vì sao? Không đi theo đường vòng! Chính mình mắc bệnh, hãy tìm một bác sĩ giỏi, bác sĩ khám bệnh, kê toa, quý vị uống thuốc ấy vào, sẽ khỏi bệnh. Vì thế, thiện hữu trong Phật môn khó gặp gỡ! Chúng ta đến nơi đâu để cầu? Bất quá, trong hiện tại cũng chẳng có ai cầu! Vì sao? Ngay cả đối với cha mẹ mà cũng không hiếu thảo, chẳng cần đến họ, còn nói gì đến tôn trọng thầy?
      Phật pháp là giáo dục của thánh hiền, là giáo dục của bậc đại thánh đại hiền. Nếu quý vị không biết tôn sư trọng đạo, đến nơi đâu để cầu? Chẳng có chỗ nào để cầu! Nhà Phật thường nói: “Phật độ hữu duyên nhân”, ai là người có duyên? Thưa chư vị, hiếu thuận phụ mẫu, tôn sư trọng đạo, kẻ ấy có duyên. Bất hiếu phụ mẫu, bất kính tôn trưởng, không coi trọng thánh đạo, vô duyên! Có gặp bậc thiện tri thức chân chánh cũng vô dụng. Vì sao? Quý vị chẳng thể tiếp nhận! Quý vị đọc kinh chẳng hiểu, hiểu lệch lạc ý nghĩa, chính mình suy tưởng kinh có ý nghĩa gì, nghe kinh cũng không hiểu. Vì thế, bài Khai Kinh Kệ đã nói rất hay: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Quý vị thiếu tâm tôn kính, thiếu tâm thành kính, nghe rồi sẽ hiểu vặn vẹo ý nghĩa, dùng phiền não tập khí của chính mình, dùng tri kiến bất chánh để giải thích kinh Phật, giải thích hoàn toàn sai bét. Học được mấy chục năm, cuối cùng bảo kinh Phật chẳng linh, lại còn hủy báng. Vì thế, thiện tri thức chân chánh suốt đời mong kiếm được truyền nhân. Thầy truyền dạy Phật pháp cho ta, ta phải truyền cho ai? Nếu không có truyền nhân, quý vị phải soạn sách, đem sở học và sở ngộ của ta viết thành sách, hòng lưu truyền sách ấy cho hậu thế, hòng truyền cho người hữu duyên trong đời sau. Chẳng dễ dàng! Quá khó khăn!
      Thầy Lý bảo tôi: Học trò kiếm thầy đã khó, mà thầy kiếm được một học trò để truyền pháp càng khó hơn, đến đâu để tìm? Chẳng thể nói học trò của thầy Lý không đông! Đông lắm! Tính toán dè đặt nhất cũng phải hơn năm mươi vạn người! Trong số đó, có mấy ai có thể truyền pháp của cụ? Người vãng sanh thì có, người vãng sanh không ít, niệm Phật vãng sanh; kẻ thật sự truyền pháp ít lắm! Khó quá! Người thật sự truyền pháp phải hội đủ điều kiện như Ấn Quang đại sư đã dạy: Đối với thầy, một phần thành kính, được một phần lợi ích; hai phần thành kính, được hai phần lợi ích; mười phần thành kính, quý vị phải mười phần lợi ích. Chẳng thành kính, quý vị nghe suốt một trăm năm ở nơi đó cũng chẳng có lợi ích, mấu chốt ở chỗ này. Thành kính do đâu mà có? Thành kính là Tánh Đức, từ hiếu dưỡng phụ mẫu sanh ra. Dùng tâm hiếu dưỡng cha mẹ để đối đãi thầy, đó là tôn sư trọng đạo. Nếu đối với cha mẹ cũng chẳng hiếu thuận, vậy là xong luôn! Học Phật suốt đời này, chẳng có lợi ích gì, [chỉ là] gieo chủng tử Phật pháp trong A Lại Da Thức, chẳng thể thành tựu trong một đời này. Chúng ta nghe lời này, rất kinh sợ, chẳng thể thành tựu thì làm thế nào đây? Khéo sao có duyên phận đặc biệt với pháp môn Tịnh Tông! Quý vị phải thật sự học, sám trừ nghiệp chướng, khi còn có một hơi thở, tới cuối cùng một niệm hay mười niệm đều có thể vãng sanh. Đây là chỗ thù thắng trong Tịnh Tông. Do vậy, tại Đài Trung Liên Xã, chúng tôi thấy quả thật có không ít liên hữu vãng sanh. Tính toán dè dặt nhất thì thầy Lý giảng kinh, dạy học tại Đài Trung ba mươi tám năm, người theo cụ niệm Phật vãng sanh Cực Lạc thế giới, thật sự vãng sanh, tôi phỏng đoán phải hơn năm trăm người! Công đức này thù thắng, thật sự khó có, khá lắm!
      Do vậy, Phật pháp là sư đạo. Sư đạo nhất định lấy hiếu đạo làm cơ sở. Quý vị thấy Tịnh Nghiệp Tam Phước đã nói rất rõ ràng! Câu đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu”, câu thứ hai là “phụng sự sư trưởng”, “từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”, đấy là điều kiện cơ bản để vào Phật môn. Quý vị phải thực hiện bốn câu này thì mới có thể trở thành một đệ tử Phật thật sự. Nói cách khác, đối với kinh Phật, quý vị có thể tin, có thể hiểu, đó là thiện căn của quý vị. Quý vị có thể y giáo phụng hành, đó là phước đức. Quý vị có thể hành, có thể chứng, vãng sanh là chứng quả, bất luận ba bậc chín phẩm, dẫu là Hạ Hạ Phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, quý vị cũng chứng đắc Phật quả viên mãn rốt ráo. Vì sao? Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, không một ai chẳng viên thành Phật đạo trong một đời. Chúng ta nghiệp chướng nặng nề, sám trừ như thế nào? “Sám trừ” là sửa đổi. Kinh điển là tiêu chuẩn [để biện định] thị phi, thiện ác, bắt đầu học từ chỗ nào? Đức Thế Tôn chỉ dạy chúng ta, bắt đầu bằng Thập Thiện Nghiệp Đạo. Ngẫu Ích đại sư có soạn tiết bổn cho Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, dài hơn tiết bổn của tôi, hãy dùng [kinh này] để sửa lỗi, đổi mới, rất thực dụng! Trên thực tế, trong những năm qua, ba món căn bản của Nho, Thích, Đạo do chúng tôi đề xướng là có căn cứ hay không? Có phải là bịa đặt, đồn thổi hay không? Có căn cứ! Căn cứ gì vậy? Căn cứ theo điều thứ nhất của Tịnh Nghiệp Tam Phước. Hiếu dưỡng phụ mẫu bằng cách nào? Phụng sự sư trưởng bằng cách nào? Chúng ta thi hành Đệ Tử Quy. Một trăm mười ba điều trong Đệ Tử Quy đều là hiếu thân tôn sư (hiếu thảo đối với cha mẹ, tôn trọng thầy), xuất phát từ Tịnh Nghiệp Tam Phước. Đối với từ tâm chẳng giết, chúng ta bèn thực hiện Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo Gia, [do sách ấy] giảng nhân quả, giáo dục. Để thực hiện câu cuối cùng, chúng ta tu Thập Thiện Nghiệp. Do vậy, chúng ta thi hành ba món căn bản của Nho, Thích, Đạo, đấy là dựa trên điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước. Trước hết, quý vị thi hành ba món căn bản, sau đấy mới có thể nhập Phật môn, mới có thể thật sự tiếp nhận Tam Quy, Ngũ Giới. Điều thứ hai là “thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Trong điều này, chuyện rất tuyệt vời là trọn đủ các giới, “trọn đủ” là chẳng thiếu một điều nào. Trong Tiểu Thừa có bao nhiêu điều? Ba ngàn oai nghi, tức ba ngàn điều; Đại Thừa có bao nhiêu điều? Tám vạn bốn ngàn oai nghi, Bồ Tát mà! Tận thiện, tận mỹ. Nhiều điều như thế, do đâu mà có? Thưa quý vị, từ Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp triển khai. Tám vạn bốn ngàn oai nghi Bồ Tát quy nạp lại sẽ là ba thứ này, mà triển khai ra sẽ nhiều như thế đó. Có một lần ở Úc, tôi phỏng vấn Do Thái Giáo, trưởng lão Do Thái Giáo bảo tôi: Họ có sáu trăm điều giới luật. Tôi nghe xong rất hoan hỷ, tôi cũng mời ông ta giới thiệu cho tôi, mời họ tới học viện của chúng ta giảng về môn này để chúng ta học tập khuôn mẫu sống.
      Cụ Hạ “Tông Thuyết câu thông” tức là Tông Môn lẫn Giáo Hạ đều thông, chữ “thông” này chẳng dễ dàng! Trong câu trước, “bi trí song vận” là nói đến đức hạnh của cụ, “Tông Thuyết câu thông” là nói về học vấn. “Viên dung hiển mật, Thiền Tịnh ư nhất tâm” (viên dung Hiển Mật, Thiền Tịnh trong một tâm) là nói về công phu và cảnh giới của cụ. Hiển Giáo, Mật Giáo, Thiền Tông, Tịnh Độ, bốn chữ này bao quát hết thảy những pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, chẳng sót thứ gì, viên dung trong nhất tâm. Tuy là như thế, lão nhân gia “chuyên hoằng Trì Danh Niệm Phật nhiếp vạn đức” (chuyên hoằng dương pháp môn Trì Danh Niệm Phật nhiếp thâu muôn đức), đây là nói cụ phát đại Bồ Đề tâm phổ độ hết thảy chúng sanh, dùng phương pháp gì? Dùng Tịnh Độ, dùng phương pháp Trì Danh Niệm Phật trong Tịnh Độ. Phương pháp này từ đâu ra? Từ kinh Vô Lượng Thọ, từ kinh Di Đà, từ phép Quán thứ mười sáu trong kinh Thập Lục Quán. Phép Quán thứ mười sáu là trì danh niệm Phật. Những cách khác gồm có Thật Tướng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật, đến cuối cùng là nói Trì Danh Niệm Phật, Trì Danh là phương tiện rốt ráo. Đây là Hạ lão cư sĩ từ bi đến tột cùng, cụ dùng pháp môn này để nhiếp vạn đức. Vạn đức là trí huệ và đức tướng xứng tánh nơi quả địa Như Lai. “Vị hoằng Tịnh Tông, cố nguyện thử Tịnh Tông đệ nhất chi kinh, phá trần sanh quang” (vì hoằng dương Tịnh Tông, nên nguyện khiến cho bộ kinh đệ nhất trong Tịnh Tông này được tan bụi, tỏa sáng). “Phá trần sanh quang” là tỷ dụ, do mong muốn bộ kinh bậc nhất của Tịnh Tông nhất định phải có bản tốt nhất, có một bản tiêu chuẩn, cho nên phải hội tập lần nữa. Hai lần hội tập trước kia đều có tỳ vết, có sai lầm, dẫu hay nhưng chưa viên mãn. Đó là điều đáng tiếc nuối, cho nên lão nhân gia phát tâm hội tập lần nữa.
      “Ký thử vô thượng chi điển, nhiêu ích đương lai” (mong cho cuốn kinh vô thượng này lợi lạc mai sau). Trong tương lai, hãy còn có chín ngàn năm nữa, thời Mạt Pháp là một vạn năm. Kẻ học Phật chúng ta chẳng thể không biết pháp vận của đức Phật, rất nhiều người nói tới ngày tận thế, trong Phật pháp không có cách nói này. Pháp vận của Phật hãy còn chín ngàn năm nữa. Những năm qua, tôi đã lớn tuổi, trí nhớ chẳng tốt lắm; trước kia, tôi nhớ rất rõ ràng, các vị trẻ tuổi hãy kiểm xem, theo ghi chép của người Trung Quốc, từ các trước tác của cổ nhân sẽ có thể tra ra, từ lúc Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ cho đến hiện tại, tôi nhớ hình như là ba ngàn ba mươi mấy năm, cụ thể là ba mươi mấy năm thì các vị hãy kiểm xem. Trong Niên Phổ của lão hòa thượng Hư Vân có nói ba ngàn ba mươi mấy năm. Pháp vận của Phật: Chánh Pháp là một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, hiện thời đã qua hai ngàn năm, sau đó, còn có Mạt Pháp một vạn năm. Một vạn năm mới trải qua một ngàn lẻ ba mươi mấy năm, cho nên thời gian về sau vẫn còn dài, lẽ nào có ngày diệt vong? Trong thời kỳ Mạt Pháp dài như thế, Phật pháp có hưng, có suy, xưa kia Chương Gia đại sư đã bảo với tôi chuyện này. Ngài bảo tôi: Hiện tại Phật pháp đã suy đến chỗ cùng cực, nhưng chớ sợ, sẽ hưng khởi, Phật pháp sẽ lại hưng khởi, có hưng, suy, nhưng chẳng diệt. Tới khi nào sẽ diệt? Chín ngàn năm sau, Phật pháp thật sự diệt. Chúng ta tin đức Phật chẳng vọng ngữ, Như Lai là đấng chân ngữ, đấng thật ngữ, đấng như ngữ, đấng không nói dối, chúng ta tin tưởng Ngài. Vì thế, cụ Hạ mong bộ kinh này có được một bản tiêu chuẩn hoàn thiện vô cùng tốt đẹp. Bản này sẽ lợi lạc tương lai trong khắp chín ngàn năm sau.
      Pháp môn nào, kinh điển nào khế cơ nhất? Phải là bộ kinh này. Trong bộ kinh này, từng câu, từng chữ đều do đức Phật nói, chẳng giả tí nào. Bản dịch gốc được dịch từ tiếng Phạn, trong bản tiếng Phạn có rất nhiều chỗ khác nhau, cho thấy Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng phải chỉ tuyên giảng kinh này một lần, mà là tuyên giảng nhiều lần. Nhìn từ năm bản dịch gốc, tối thiểu là ba lần tuyên giảng. Chúng ta bị thất truyền bảy bản, chẳng thấy nữa. Nếu cả bảy bản ấy hãy còn, có phải là còn có những chỗ chẳng giống nhau hay không? Quý vị có thể tìm thấy [bằng cớ chứng tỏ] kinh này đã được giảng hơn ba lần. Đây là đức Thế Tôn vô tận từ bi, chúng ta có hiểu rõ mới có thể sanh tâm cảm ơn. Chẳng do pháp môn này, chúng ta sẽ chẳng thể đắc độ, chắc chắn là vậy! Chúng ta có thể sanh lên trời, nhưng không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Thoát lục đạo luân hồi rất khó, đoạn Kiến Tư phiền não chẳng dễ dàng [đoạn trừ]. Chẳng đoạn Kiến Tư, quý vị chẳng thoát khỏi luân hồi. Sanh lên trời thì có ai đã chưa từng sanh lên trời? Tất cả chúng sanh trên quả địa cầu này, quý vị nghĩ xem có ai chưa từng sanh lên trời? Trong quá khứ đều đã ở trên trời, hưởng hết phước trời, nghiệp chướng hiện tiền, lại đọa xuống, chuyện là như thế đó! Lên lên xuống xuống trong lục đạo! Có người nào chẳng từng đọa địa ngục? Có chứ, trong các đồng học học Phật của chúng ta có [người đã đọa địa ngục], làm sao biết? Do thôi miên nên biết. Người ấy được chuyên viên thôi miên đến mức độ sâu, rồi hỏi: “Bạn đang ở đâu?” Trong địa ngục. Trạng huống của địa ngục khổ vô cùng, chịu khổ trong địa ngục. Người ấy đi vào địa ngục, mà cũng lên thiên đường, thật đấy! Trong lục đạo, đường nào người ấy cũng đều đã từng trải; cho nên chẳng có chi là lạ lùng, hiếm có cả!
      Liễu giải chân tướng sự thật này. Quý vị biết con người có chết hay không? Không chết, mà là luân hồi trong lục đạo. Cái thân xác thịt sanh tử, nhục thân có sanh diệt, đây là một hiện tượng bình thường, linh hồn (thần thức) bất diệt. Thưa quý vị, linh hồn là mê, khi mê gọi là linh hồn; hễ giác ngộ chẳng gọi là linh hồn, mà gọi là “linh tánh”, linh tánh bất diệt. Chưa thoát khỏi lục đạo thì gọi là linh hồn, vượt thoát lục đạo bèn gọi là linh tánh, đó là ai? Từ bậc A La Hán trở lên. Chỉ cần quý vị thoát khỏi lục đạo luân hồi, bèn là A La Hán. A La Hán được gọi là linh tánh, chẳng mê; cho nên A La Hán đắc Chánh Giác. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề là mục tiêu chung và duy nhất của người học Phật chúng ta, học Phật để mong đạt được gì? Đạt được điều này. Dịch sang nghĩa tiếng Hán, [A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề] là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. A La Hán đắc Chánh Giác, Bồ Tát đắc cao hơn, Chánh Đẳng Chánh Giác. Sở đắc của Phật có thêm Vô Thượng, tức là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác vượt thoát mười pháp giới, trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai, chúng ta cũng thường gọi cảnh giới ấy là Nhất Chân pháp giới. Bồ Tát vẫn thuộc trong tứ thánh pháp giới của mười pháp giới.
      Đây là nói rõ với chúng ta: Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật hãy còn chín ngàn năm nữa. Chín ngàn năm sau, khi thế gian này không còn Phật pháp, thật là khổ! Phật, Bồ Tát chẳng bỏ chúng sanh khổ nạn, cho đến lúc này, dù Phật, Bồ Tát chẳng hiện, vẫn có một vị đại diện. Tôi nghĩ vị này chư vị đều biết: Địa Tạng Vương Bồ Tát! Ngài thay Phật hóa độ chúng sanh, đại diện cho Phật, mãi cho đến khi đức Phật kế tiếp xuất thế. Đức Phật kế tiếp là Di Lặc Bồ Tát. Hiện thời có rất nhiều lời đồn đại Di Lặc Bồ Tát đã giáng hạ. Thưa quý vị, giả trất, chẳng thể tin tưởng được! Di Lặc Bồ Tát ứng hóa trong thế gian này là chuyện bình thường, chẳng hiếm lạ tí nào! Trong các truyện ký của Phật môn Trung Quốc đã ghi chép rất rõ ràng, Bố Đại Hòa Thượng là Di Lặc Bồ Tát hóa thân vào thời Tống. Nay chúng ta thờ tượng Bố Đại Hòa Thượng chính là thờ hóa thân của Di Lặc Bồ Tát. Chúng ta thấy Di Lặc Bồ Tát ở Tây Tạng, hoặc thấy tượng Di Lặc Bồ Tát của Phật Giáo Nam Truyền (Phật Giáo Nam Tông, Theravada), Ngài có hình dáng giống như Quán Thế Âm Bồ Tát, gầy nhom, chẳng phải là dáng vẻ [mập mạp này]. Do Ngài thị hiện tại Trung Quốc dùng hình dạng Bố Đại Hòa Thượng, nên dùng hình dáng ấy để tạc tượng. Theo truyện ký ghi chép, một hóa thân khác là Phó Đại Sĩ vào đời Đường, hiện thân cư sĩ, đó là Di Lặc Bồ Tát tái lai. Phật, Bồ Tát thường đến ứng hóa trong thế gian, nên dùng thân nào để độ được, bèn hiện thân ấy. Nói Di Lặc Bồ Tát chưởng quản thiên bàn[8], hay Di Lặc Bồ Tát giáng hạ nhân gian làm Phật, đều là giả. Di Lặc Bồ Tát sẽ giáng sanh cõi nhân gian làm Phật vào lúc nào? Trong Di Lặc Hạ Sanh Kinh[9] đã nói rất rõ ràng: Năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau. Trong thời gian không có Phật xuất thế, Địa Tạng Bồ Tát thay mặt. Chúng ta nhất định phải căn cứ trên những điều kinh điển đã ghi chép, đó là thật, chẳng phải giả.
      Do Phật pháp còn có thời gian [tồn tại] dài như thế, trong thời kỳ Mạt Pháp, pháp môn này sẽ dần dần biến thành pháp môn chánh yếu. Vì sao? Các pháp môn khác tuy hay, nhưng chẳng hợp căn tánh, quý vị nương theo những pháp môn khác tu học hết sức khó khăn, rất khó thành tựu, nên Tịnh Tông biến thành chủ yếu. Trở thành chủ yếu mà nếu không có một kinh điển tiêu chuẩn để chúng ta nương theo, đúng là rất đáng tiếc. Do vậy, mới có “cảm”, cũng có nghĩa là nói do người tu hành trong chín ngàn năm của thời Mạt Pháp có nhu cầu, nhu cầu ấy là cảm, nên Phật, Bồ Tát có ứng. Sự “ứng” ấy chính là cư sĩ Hạ Liên Cư xuất hiện trên thế gian. Do chúng sanh có cảm, Ngài tới ứng hóa. Ngài tới thế gian này để làm chuyện gì? Để làm chuyện này! Chúng ta hiểu rất rõ ràng. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ biết, nhưng tôi không biết, tôi thỉnh giáo cụ, tôi hỏi: “Rốt cuộc cụ Hạ là vị nào tái lai?” Cụ Hoàng mỉm cười: “Hiện thời phải giữ kín, hiện thời chẳng thể nói được!” Chẳng thể nói, hiện thời cụ cũng đã khuất bóng rồi, tôi chẳng hỏi ai được! Chắc chắn [cụ Hạ] chẳng phải là phàm nhân. Quý vị hãy nghĩ xem: Vương Long Thư có phải là phàm nhân hay không? Ngụy Mặc Thâm có phải là phàm nhân hay không? Phàm nhân không thể làm được! Cụ Hạ Liên Cư hội tập một bản viên mãn như vậy, chúng tôi suy đoán: Nếu cụ chẳng phải là A Di Đà Phật tái lai, nhất định là Quán Thế Âm Bồ Tát tái lai, mới có trí huệ, mới có đức năng để làm chuyện to lớn này! Điều này cũng giống như thầy Lý thường nói với chúng tôi: Nói theo Lý thì thông suốt, nhưng trên mặt Sự chưa có chứng cứ, nhưng nói theo Lý thì hợp lý.
      Lợi lạc tương lai, “nãi kế tiền hiền, trùng hành hội tập” (bèn kế tục tiền hiền, hội tập lần nữa). “Tiền hiền” là ba vị trước đó, trên thực tế là hai vị, tức Vương Long Thư và Ngụy Mặc Thâm, hội tập lần thứ ba. Đây là phiên bản thứ chín. Đoạn tiếp theo nói rõ tâm thái và những điều từng trải khi cụ Hạ hội tập lần nữa, cụ dùng tâm tư thái độ như thế nào? “Bình khí vạn duyên” (Ngăn bỏ muôn duyên), chúng ta thường nói là “buông xuống vạn duyên”, điều gì cũng đều buông xuống. “Yểm quan tam tái”, nghĩa là bế quan trong thời gian ba năm, dùng cách thức này để buông xuống hết thảy những thứ quấy nhiễu. Một mình, vì trong phần sau, cụ Hoàng có viết một câu: “Minh tâm cô nghệ” (lặng lẽ tiến hành một mình), đấy là chỉ có một người, không có đồng bạn. “Tịnh đàn kết giới” là cụ chân thành thực hiện công tác hội tập. Ba năm sau, hoàn thành bản thảo. Sau khi đã hoàn thành, “cảo kinh thập dịch”, nghĩa là trải qua mười lần sửa chữa, “phương khánh kinh thành” (mới mừng kinh đã được hội tập xong), kinh này mới thành tựu. Chẳng phải là ba năm bèn thành tựu, ba năm mới hoàn thành bản thảo đầu tiên, mất mười năm mới hoàn thành bản [hoàn thiện] này. Quý vị thấy Ngài rất nghiêm túc, đã biểu thị cho chúng ta thấy, biểu thị ý nghĩa gì vậy? Mười phần thành kính, bèn được mười phần lợi ích. Kinh này công đức viên mãn, chẳng thể có mảy may khinh mạn nào. Dùng cái tâm khinh mạn, chắc chắn quý vị chẳng thể làm thành công, chắc chắn có tỳ vết! Cụ Hạ hội tập chân thành như vậy, nay chúng ta thọ trì, cũng phải dùng tấm lòng chân thành như cụ Hạ để thọ trì mới đạt được lợi ích. Nếu chẳng có lòng chân thành như thế, quyển kinh bày ra trước mặt quý vị, đọc tụng mỗi ngày, chẳng có lợi ích! Chúng ta nhất định phải hiểu điều này!
    Vì sao chúng ta học Phật học lâu năm như thế mà vẫn cứ hời hợt, bộp chộp? Trong tâm lý vẫn đầy ắp tham, sân, si, mạn, nghi? Học Phật đã lâu năm như thế mà Ngũ Độc có giảm được vài phần hay chăng? Không có! Giống hệt như chẳng học Phật thì kể ra vẫn còn chưa sao, sợ nhất điều gì? Bản thân ta mỗi năm mỗi lớn tuổi, càng phiền toái hơn, phiền não tập khí càng ngày càng nặng! Nếu là tình huống như vậy, chính mình phải hiểu rõ: Chẳng tránh khỏi luân hồi. Luân hồi vào đâu? Đời sau ta còn có thể được làm thân người hay không? Vậy là phải hỏi quý vị, quý vị tu Thập Thiện Nghiệp ra sao? Trong kinh, đức Phật đã dạy chúng ta, Trung Phẩm Thập Thiện sẽ được làm thân người, đời sau vẫn được làm người. Quý vị hãy tự suy nghĩ: Hãy dựa vào lương tâm của quý vị để chấm điểm Thập Thiện Nghiệp Đạo của bản thân, có được bảy mươi hay tám mươi điểm hay không? Có thể chấm đến bảy mươi, tám mươi điểm, đời sau quý vị chẳng mất thân người. Nếu nói ta chỉ được năm mươi điểm, chẳng chắc ăn! Cơ duyên đọa lạc vô cùng nhiều! Nếu đạt điểm trọn vẹn, sẽ là Dục Giới Thiên, đại đa số sanh về đâu? Lên trời Đao Lợi. Trời Đao Lợi thì phải được trọn điểm. Thực hiện Thập Thiện Nghiệp bằng cách nào? Đệ Tử Quy! Đệ Tử Quy là bước đầu thực hiện Thập Thiện Nghiệp. Một trăm mười ba điều của Đệ Tử Quy, quý vị có làm được hay không? Từ chỗ này mà suy nghĩ, quý vị sẽ run sợ, vì sao? Nếu chẳng thể vãng sanh, vẫn phải tiếp tục luân hồi, cơ duyên tam ác đạo quá nhiều! Duyên trong ba thiện đạo quá mỏng, làm thế nào đây? Đáng sợ hay chăng? Đáng sợ! Có thể sửa đổi hay không? Vẫn chẳng thay đổi thì có sợ cũng vô dụng!
      So với pháp sư Oánh Kha đời Tống, chúng ta kém xa! Người ta quả thật là kẻ xuất gia, phá giới, hủy phạm Thanh Quy, tự biết do khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, hành vi của chính mình chắc chắn sẽ đọa địa ngục. Sư sợ, biết địa ngục khổ não, hỏi đồng tham đạo hữu có phương pháp nào cứu giúp hay không? Bạn đồng học cũng tuyệt lắm, tặng Sư một quyển Vãng Sanh Truyện, bảo Sư tự xem. Sư đọc bèn cảm động, cứ xem một bài, lại đau đớn khóc ròng, tâm sám hối nẩy sanh, hạ quyết tâm bế quan niệm Phật, ba ngày ba đêm chẳng ngủ, chẳng ăn, chẳng nghỉ ngơi, một câu Phật hiệu chân thành niệm đến cùng. Vì lẽ gì? Sợ nỗi khổ địa ngục! Cầu cứu mạng nên thật sự thực hiện. Ba ngày ba đêm niệm được A Di Đà Phật hiện đến. A Di Đà Phật thật sự từ bi, quý vị thật sự tu, Ngài sẽ thật sự quan tâm chăm sóc quý vị. A Di Đà Phật hiện đến bảo Sư: “Ông còn thọ mười năm nữa, hãy gắng niệm Phật. Chờ tới khi ông đã hết tuổi thọ, ta sẽ đến tiếp dẫn ông”. Oánh Kha nghe xong bèn xin với A Di Đà Phật, Sư nói: “Con chẳng cần mười năm thọ mạng. Nếu con sống thêm mười năm nữa, bản thân con không chống nổi dụ dỗ, mê hoặc, chẳng biết sẽ tạo bao nhiêu tội nghiệp, con chẳng cần mười năm thọ mạng, nay con đi theo Ngài”. A Di Đà Phật thông tình đạt lý, bảo Sư: “Được! Ba ngày sau ta đến đón ông”. Sư vui sướng, mở toang cửa phòng, bảo đại chúng: “Tôi niệm A Di Đà Phật ba ngày, cảm Phật hiện đến. Ba ngày nữa A Di Đà Phật sẽ tiếp dẫn tôi vãng sanh”. Đồng tham đạo hữu trong chùa ai nấy đều cảm thấy rất ngạc nhiên: “Thời gian ba ngày coi bộ chẳng dài, xem ngươi ba ngày sau có vãng sanh hay không?” Nhưng nghe ra lời lẽ của ông ta chẳng giống như gạt người, dường như là thật sự có chuyện như vậy. Tới ngày thứ ba, Sư yêu cầu đại chúng niệm Phật đưa Sư vãng sanh; đương nhiên đại chúng vui vẻ, được rồi, đều niệm Phật hồi hướng cho ông ta. Niệm Phật chưa đầy một khắc, Sư bảo mọi người: “A Di Đà Phật tới rồi, tôi thấy Ngài đón tôi đi” liền tịch, thật sự đi. Kinh Di Đà có nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày”, là thật, chẳng giả. Pháp sư Oánh Kha biểu diễn cho chúng ta xem, thật sự sợ khổ địa ngục, buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, lập tức vãng sanh. Thọ mạng bao nhiêu cũng chẳng cần, ở trong thế gian này đều là tạo nghiệp! Chỉ cần bản thân chúng ta buông xuống, vứt bỏ muôn duyên, thật sự làm!
      Ba năm trước, có một vị cư sĩ ở Thâm Quyến, là một người còn trẻ, ba mươi mấy tuổi, tức ông Hoàng Trung Xương, nghe trong Vãng Sanh Truyện có nói: “Niệm Phật ba năm bèn có thể vãng sanh”, ông ta bế quan coi thử ba năm có thể thành tựu hay không? Ở trong quan phòng hai năm mười tháng, còn thiếu hai tháng nữa mới mãn thời hạn, ông ta liền biết trước lúc mất, vãng sanh, cũng không sanh bệnh. Sau khi hỏa táng, lưu lại xá-lợi, nay đang được thờ trong một tiểu đạo tràng tại Thâm Quyến, chứng minh cho chúng ta thấy [ba năm thành tựu] là thật, chẳng giả! Ba năm trong quan phòng, mỗi ngày ông ta niệm kinh Vô Lượng Thọ một lần, ngoài ra, Phật hiệu chẳng gián đoạn. Phương pháp tôi đã dạy ông ta là phương pháp do pháp sư Đế Nhàn đã dạy người đồ đệ làm thợ vá nồi: Niệm mệt bèn nghỉ ngơi, chẳng phân biệt ngày hay đêm. Tỉnh dậy sẽ niệm tiếp, thật sự làm được “tâm vô nhị niệm”, chỉ một câu A Di Đà Phật. Ông ta khác với người thợ vá nồi ở chỗ mỗi ngày niệm kinh Vô Lượng Thọ một lần, thêm vào một bộ kinh Vô Lượng Thọ, nhưng Phật hiệu chẳng gián đoạn, bèn thành công. Vãng sanh khó hay không? Chẳng khó! Vấn đề là quý vị có chịu buông xuống hay không, mấu chốt ở chỗ này! Vứt bỏ vạn duyên là câu mấu chốt, chỉ cần làm được câu này là được rồi!
      Vì thế, ở đây, bằng sáu câu, mỗi câu gồm bốn chữ, giới thiệu tâm thái và sự từng trải trong hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Sau khi kinh này được hoàn thành, bản [sửa chữa lần] thứ mười là bản hoàn thành, “thủ mông Tông Giáo câu triệt chi Huệ Minh lão pháp sư thủ trì hội bổn nhiếp ảnh ư Phật tiền, vị tác chứng minh” (trước hết, được lão pháp sư Huệ Minh là một vị thông triệt Tông lẫn Giáo, cầm bản hội tập chụp ảnh trước Phật đài để chứng minh). Lão hòa thượng Huệ Minh là một vị đại đức trong Phật môn thuở ấy. Trong bản in này không có [bức hình ấy]; khi tôi in [cuốn chú giải của cụ Hoàng] lần đầu, phía trước có bức ảnh lão pháp sư Huệ Minh tay nâng cuốn sách này chụp hình trước Phật đài để chứng minh. Bức hình này rất dễ tìm, chúng tôi in ra với số lượng khá nhiều. “Luật Tông đại đức Từ Châu lão pháp sư kế chi, chuyên giảng thử kinh ư Tế Nam, tịnh thân vi khoa phán” (Tiếp đó, bậc đại đức trong Luật Tông là lão pháp sư Từ Châu chuyên giảng kinh này ở Tế Nam, lại còn đích thân viết khoa phán). Khoa phán là phân định kết cấu, đề cương, và những chủ điểm trong một bộ kinh, nay chúng ta nói là phân đoạn, chia thành tầng lớp rõ ràng để giải thích bộ kinh này. Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có tặng tôi bản khoa phán này của lão pháp sư Từ Châu, chẳng phải là tặng bản gốc, mà là bản sao chụp, tôi cất giữ tại Úc. Đọc khoa phán, ta thấy: Thuở ấy, pháp sư Từ Châu giảng kinh này tại Tế Nam chẳng phải là giảng bằng bản hiện thời. Bản hiện tại là bản hoàn thiện đã được hiệu đính trong lần tu chỉnh thứ mười, [bản do ngài Từ Châu sử dụng] chính là bản trước của bản hiện tại. Vì sao? Chúng ta xem bản hiện thời, cụ Hạ chia ra chương tiết, nhà Phật gọi là phẩm, [bản hiện thời] có bốn mươi tám phẩm, còn bản do pháp sư Từ Châu đã dùng thuở ấy gồm ba mươi bảy phẩm, tức là toàn bộ bản kinh được chia thành ba mươi bảy phẩm. Vì vậy, cũng biết đấy chẳng phải là bản cuối cùng. Tôi dựa theo bản khoa phán của Ngài, lấy nó làm gốc để soạn một bản khoa phán rất tỉ mỉ, bản ấy đã được chỉnh lý hoàn thiện, tức là bản [khoa phán dựa trên bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ gồm] bốn mươi tám phẩm. Chúng ta có cuốn Khoa Hội được lưu thông rất rộng. Sau khi tôi viết xong, đã tặng một quyển cho lão cư sĩ Triệu Phác Sơ. Cụ Triệu trông thấy, hết sức vui vẻ, bảo kinh Vô Lượng Thọ nói chung đã được hoàn thiện. Quý vị thấy: Có bản hội tập, có chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ, tôi có giảng ký, vì trong quá khứ, tôi đã giảng mười lần. Có giảng ký, lại có khoa phán tỉ mỉ như vậy, cụ nói bộ kinh này điều gì cũng đều trọn vẹn, vui vẻ vô hạn!
      Chúng ta đọc tiếp: “Tiên cữu phụ Mai lão cư sĩ” (người cậu đã khuất của tôi là Mai lão cư sĩ), tức lão cư sĩ Mai Quang Hy. Mai lão cư sĩ là thầy của thầy Lý Bỉnh Nam, chúng tôi gọi cụ là “sư ông”. Cụ Lý Bỉnh Nam học Phật pháp với Mai lão cư sĩ, có quan hệ thầy trò. “Tại trung ương quảng bá điện đài, bá giảng thử kinh, xưng chi vi tối thiện chi bổn” (truyền giảng kinh này trên đài phát thanh Trung Ương, gọi bản này là bản hoàn thiện nhất). So với hai bản hội tập trước kia, bản này là hoàn thiện. Nói cách khác, trong bản này, không tìm được tỳ vết nào. “Hậu phục ư kinh tự trung tán viết” (sau đấy, trong phần lời tựa của kinh này, cụ lại ca ngợi rằng), cụ Mai có viết một bài tựa rất dài để giới thiệu bộ kinh này với đại chúng. Bài tựa này hay vô cùng, trong ấy có những câu như thế này: “Tinh đáng minh xác, tạc nhiên hữu cứ” (tinh yếu, thỏa đáng, rõ ràng, xác thực, rành rành là có căn cứ). “Tinh” là tinh yếu, “đáng” là thỏa đáng, “minh” là minh bạch, “xác” là xác thực. Sau khi quý vị đọc [lời tựa và bản kinh này], từng câu, từng chữ đều khẳng định, quý vị sẽ không nghi hoặc. “Tạc nhiên hữu cứ” là dựa theo năm bản dịch gốc, không hề sửa đổi mảy may, ngay cả tên kinh cũng chẳng sửa đổi. Tựa đề của kinh cũng là hội tập, đến phần sau chúng ta sẽ thấy. “Vô nhất nghĩa bất tại nguyên dịch chi trung, vô nhất cú dật xuất bổn kinh chi ngoại” (không nghĩa nào chẳng có trong bản dịch gốc, không một câu nào vượt ngoài nguyên văn), hai câu này [cho thấy bản hội này] đã sửa trừ khuyết điểm trong hai bản hội tập trước đó, quả thật đã tùy thuận cách dịch, tự mình chẳng dùng ý kiến của chính mình để sửa đổi một chữ nào.
      “Gian sáp trầm hối” (khó khăn, trúc trắc, nặng nề, tối nghĩa), đây là nói về những chỗ trong bản dịch gốc, “gian” () là gian nan, rất khó đọc, “sáp” () là khó hiểu, “trầm” () là quá sâu, “hối” () cũng là không dễ gì hiểu rõ, trong các bản dịch gốc có [những khuyết điểm này]. Đây là lý do vì sao kinh này chẳng được lưu thông rộng rãi; đó là vì khi phiên dịch đã dùng những văn tự như thế, quả thật cụ Hoàng đã miêu tả khá chính xác, “gian sáp trầm hối”. Quý vị đọc các bản dịch gốc sẽ nhận thấy khó hiểu lắm! Còn bản của cụ Hạ thì sao? “Sử chi sảng lãng” (khiến cho trôi chảy, rõ ràng), cụ Hạ gạt bỏ những chỗ [gian, sáp, trầm, hối] này! Đây là “thủ, xả” (lấy hay bỏ, tức là chọn phần nào để giữ lại trong bản hội tập, phần nào bỏ đi), là sự chọn lựa, cân nhắc trong khi hội tập. Phàm những chỗ nào khó khăn, tối nghĩa, trúc trắc, cụ không dùng, cụ chọn lấy những chỗ rất sáng sủa, trôi chảy, khiến quý vị đọc sẽ thấy rất thoải mái. Như trong hiện tại, chúng ta đọc bản này, quý vị đọc thấy thoải mái lắm, không cảm thấy kinh văn quá sâu, mà cũng chẳng khó hiểu, ý nghĩa đều rất rõ rệt, không có chỗ nào tối nghĩa. Điều này khó có lắm! “Phiền phức trầm mạn” (rườm rà, trùng lặp, lan man), chúng ta gọi điều này là “cà kê, rườm rà, trùng lặp”, vì người Ấn Độ thích lặp đi, lặp lại, không như người Hoa, người Hoa chuộng đơn giản, dễ hiểu, còn người ngoại quốc chuộng lặp đi, lặp lại. Lặp đi, lặp lại cũng có lợi, vì sao? Khiến cho quý vị nhớ sâu hơn; do vậy, nó cũng có lợi. Người Hoa từ xưa tới nay đòi hỏi “giản yếu tường minh”, tức là ngôn ngữ văn tự đều phải tuân theo nguyên tắc sau đây: Phải đơn giản, nêu lên được ý nghĩa chánh yếu, cốt lõi, lại còn rõ ràng, vừa phải dễ hiểu. “Giản yếu tường minh” là vừa chi tiết, vừa rõ ràng, phải hội đủ bốn tiêu chuẩn này. Vì thế, khi đọc những thứ của Trung Quốc có thể đọc nhiều, chứ đọc kinh Phật rất khó. Trong toàn bộ Đại Tạng kinh, những chỗ “gian sáp trầm hối, phiền phức trầm mạn” (khó hiểu, trúc trắc, nặng nề, tối nghĩa, rườm rà, trùng lặp, lan man) được nhắc đến ở đây đúng là rất nhiều! Bản hội tập của cụ Hạ “quy ư giản khiết” ([biến đổi những chỗ nặng nề ấy] trở nên đơn giản, rõ ràng), “Lăng loạn tỷ thành chỉnh nghiêm”, tức là cụ Hạ đã điều chỉnh, rút gọn [những chỗ luộm thuộm, rườm rà]. “Khuyết sơ tất linh viên mãn” (khiến cho những chỗ thiếu sót được viên mãn): Những chỗ khiếm khuyết, cụ bèn sắp xếp, bổ sung ý nghĩa, khiến cho [độc giả] đọc đến sẽ thấy ý nghĩa viên mãn. Công việc này chẳng dễ thực hiện, lão nhân gia làm suốt mười năm, chẳng phải là hội tập cẩu thả, hời hợt, mà suốt mười năm, mỗi ngày đều nghiên cứu và tu đính.
      “Tất kỳ hữu mỹ giai bị, vô đế bất thâu... Tuy dục bất vị chi thiện bổn, bất khả đắc dã” (Ắt mong cho mọi điều đẹp đẽ đều được hoàn bị, không điều chân thật nào chẳng bao gồm... Dù chẳng muốn bảo là bản văn hoàn thiện cũng không thể được). Đây là lời đại sĩ Mai Quang Hy đánh giá bản hội tập này. Cụ Hạ hội tập quá khéo, quả thật là do năm bản dịch gốc ghép lại; quý vị thấy bản này hay lắm, mà nay còn có kẻ hoài nghi, đó là gì? Đó là nghiệp chướng, kẻ ấy có chướng ngại, phiền não, tập khí, chẳng liễu giải bi trí hoằng nguyện của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Người ta đến thế gian này để làm gì? Đến để thị hiện: Tốn thời gian suốt mười năm nơi bộ kinh này, để làm chuyện [hội tập] này, đến để thị hiện. Cụ biết pháp môn này, bộ kinh này, trong thời gian dài đến chín ngàn năm sau như thế, sẽ khiến cho vô số chúng sanh do pháp môn này mà đắc độ. Đây là bản kinh tiêu chuẩn. Cụ vì chúng ta làm chuyện này, khó có ngần ấy, hy hữu dường ấy, chúng ta đã biết thì phải tri ân. Có tri ân, quý vị mới biết báo ân. Chúng ta dùng gì để báo ân? Y giáo phụng hành, trong một đời này, quyết định vãng sanh Tịnh Độ, đến thế giới Cực Lạc gặp cụ Hạ Liên Cư, đó là báo ân cụ đã tiếp dẫn chúng ta.
      “Ư thị, tiên sư hội bổn vấn thế dĩ lai, bất hĩnh nhi tẩu” (do vậy, từ khi bản hội tập của tiên sư ra đời, không chân mà đi khắp chốn), “hĩnh” () là bắp chân (phần từ đầu gối xuống đến bàn chân). Không có chân mà đi được, có nghĩa là được truyền bá rất nhanh. Thật ra, cũng chẳng phải là chuyện đơn giản như thế. Hoàng lão cư sĩ bảo tôi: “Thầy tôi là cụ Hạ Liên Cư bảo trong tương lai, bản hội tập này sẽ từ hải ngoại truyền vào trong nước”. Trong lúc đó, mọi người bọn họ đều cảm thấy chẳng biết nói sao, làm sao có thể như thế được? Sau này gặp tôi, thật sự là từ hải ngoại truyền vào trong nước! Chúng tôi là người đầu tiên hoằng dương tại hải ngoại, chỉ có hai ba bản đưa về Đài Loan. Thầy tôi là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nhận được, đọc lời tựa do thầy mình là cụ Mai Quang Hy viết dài như vậy ở đầu sách, cho nên hết sức nghiêm túc học tập. Do vậy, cụ bắt đầu giảng kinh này tại Đài Trung, giảng bằng bản này, cụ có viết lời mi chú. Khi lão nhân gia bắt đầu giảng bản này tại Đài Trung, tôi vẫn chưa học Phật; sau này, tôi đã học Phật, tới Đài Trung quen biết cụ, cụ tặng cho tôi bản ấy. Tôi đọc xong, hết sức hoan hỷ, thật đấy! Vì lời chú giải của cụ rất rõ ràng, phân đoạn rất rõ rệt, tôi đã toan giảng kinh này, nhưng cụ bảo thời tiết nhân duyên chưa chín muồi. Nhưng hôm nay đã hết thời gian rồi, chuyện này để đến mai tôi kể tiếp. Khó khăn trùng trùng! Hiện thời chẳng còn nữa. Hiện thời, đối với bản này, mọi người chẳng còn nghi hoặc nữa, đã được quốc gia khẳng định. Tại Trung Quốc, cục tôn giáo nhà nước đã chấp nhận. Nay chẳng còn ai dị nghị nữa, thật sự trở thành bản hoàn chỉnh trong Tịnh Tông. À! Hôm nay học tới đây, cảm ơn mọi người.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Phần 3 hết



[1] Một mẫu () Trung Hoa bằng 666.67 mét vuông.
[2]Cấp sáu” nói ở đây chính là dựa theo cách đánh giá theo tiêu chuẩn Richter. Quy định này được Charles Francis Richter và Beto Gutenberg đưa ra vào năm 1935 nhằm đánh giá mức độ chấn động của các trận động đất. Tuy báo chí vẫn viết là “một trận động đất mấy độ Richter”, nhưng thật ra thang đo hiện thời được sử dụng là MMS (moment magnitude scale, thường dịch là Cự Chấn Cấp) căn cứ trên mức năng lượng do một trận địa chấn phóng thích. Nói chung, một trận động đất cấp sáu sẽ phóng thích một năng lượng bằng 15 kilotons, có sức tiêu hủy trong vòng bán kính 160 km. Cấp tám là rất mạnh, có thể tàn phá hàng trăm km.
[3] San đính (刪訂): Nói gọn của “san cải, tu đính” tức là gạt bỏ những chỗ rườm rà, trùng lặp, sửa những chữ bị chép lầm. San đính khác với “san định” (刪定). Khổng Tử san định Ngũ Kinh của Nho gia chính là hệ thống hóa, gạt bỏ thẳng thừng những phần được coi là không đúng với tư tưởng Nho gia, đồng thời sắp đặt, chỉnh lý, thay đổi kết cấu của cả một bộ kinh; trong khi san đính chỉ nhằm mục đích làm cho một văn bản trở nên mạch lạc, rõ ràng, sửa những chữ sai, lược bỏ những đoạn văn trùng lặp thường thấy trong tiếng Phạn, hay những phần khó hiểu, rườm rà, không ảnh hưởng đến ý nghĩa chánh yếu của cả bản kinh.
[4] Long Tạng là tên gọi tắt của Càn Long Đại Tạng Kinh, còn gọi là Càn Long Tạng, hoặc Thanh Tạng, là Đại Tạng Kinh được triều đình Thanh chủ trì khắc in. Công trình này được khởi xướng từ năm Ung Chánh 11 (1733), do Hòa Thạc Thân Vương Doãn Lộc chủ trì, Hòa Thạc Thân Vương Hoằng Trú và Trụ Trì chùa Hiền Lương Siêu Thánh phụ tá. Chính thức tiến hành khắc in vào năm Ung Chánh 13 (1735) đến năm Càn Long thứ ba (1738) mới hoàn thành, gồm 79.036 tấm ván in, chia thành 724 hòm, dùng những chữ trong bài Thiên Tự Văn để đánh số thứ tự (tập một là Thiên, tập hai là Địa, tập ba là Huyền v.v...) gồm 1.669 bộ kinh sách, 7.168 quyển, trình bày giống như bộ Vĩnh Lạc Bắc Tạng (Đại Tạng Kinh đời Minh).
Đại Chánh Tạng gọi đủ là Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taishō Shinshū Daizōkyō), tức là Đại Tạng Kinh Nhật Bản được đề xướng từ năm Đại Chánh 13 (1922). Đại Chánh (Taishō) là niên hiệu của hoàng đế Yoshihito (Gia Nhân thiên hoàng, tức ông nội của Nhật Hoàng Akihito (Minh Nhân Thiên Hoàng) hiện thời). Công trình này do hai ông Cao Nam Thuận Thứ Lang (Takakusu Junjirō) và Độ Biên Hải Húc (Watanabe Umiakira) biên tập, nhóm các ông Tiểu Dã Huyền Diệu (Ono Genmyo) v.v... giảo chánh, ấn hành năm 1934. Sách được chia thành 100 tập, chia thành Chánh Tạng 55 tập, Tục Tạng 33 tập, Biệt Quyển 15 tập (gồm Đồ Họa, Chiêu Hòa Pháp Bảo Tổng Mục Lục v.v..)
[5] Khuê () còn gọi là ngọc khuê, vốn là một vật dụng tượng trưng cho quyền lực vào thời cổ, thường làm bằng ngọc quý, nhất là loại ngọc trắng, tạc thành hình thuôn dài, dẹp, trên đầu khắc thành hình tam giác, phía dưới cắt thẳng. Quý tộc thường cầm ngọc khuê khi vào chầu vua, dự tiệc, cúng tế, hoặc trong tang lễ. Tùy theo địa vị mà kích thước, chất liệu được quy định chặt chẽ, loại quý nhất là bạch khuê, nên về sau chữ “bạch khuê” được dùng với ý nghĩa “trân quý”.
[6] Ngụy Nguyên (1794-1857) vốn có tên là Ngụy Viễn Đạt, sau đổi thành Ngụy Nguyên, tên tự là Mặc Thâm, hoặc Mặc Sanh, hiệu Lương Đồ, pháp danh là Thừa Quán, người huyện Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, là bạn thân của Lâm Tắc Từ. Ông ta được coi là một nhà tư tưởng lỗi lạc cuối đời Thanh. Khi ông ta thi Cử Nhân, bài thi đã được vua Đạo Quang rất tán thưởng, nhưng khi vào thi Hội liền bị rớt. Chủ khảo Lưu Phùng Lộc rất nuối tiếc. Mãi cho đến năm Đạo Quang 25 (1845), ông ta mới đỗ Tiến Sĩ, đỗ hạng ba mươi chín, làm quan tới chức Tri Châu. Tuổi già, chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo, ẩn cư tại Hàng Châu. Ngoài bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ ra, ông còn có những tác phẩm biên khảo nổi tiếng như Hải Quốc Đồ Chí, Thánh Vũ Ký, Hoàng Triều Kinh Thế Văn Biên. Những trước tác khác của ông được môn sinh biên tập thành Ngụy Nguyên Toàn Tập.
[7] Sau Hàm Phong chỉ còn ba đời vua là Đồng Trị, Quang Tự và Phổ Nghi, nhà Thanh bị lật đổ dưới thời vua Phổ Nghi. Vì thế, sống vào thời Hàm Phong là sống vào những năm cuối cùng của nhà Thanh nên mới nói là “vãn Thanh”.
[8] “Chưởng quản thiên bàn” là nắm quyền cai quản thiên đình, giáng phước phạt tội, quyết định ai sẽ được cứu. Đây là một quan điểm rất phổ biến của các tà phái, chẳng hạn tà giáo Nhất Quán Đạo của Trung Hoa bịa chuyện lịch sử con người được chia làm ba thời kỳ: Thanh Dương, Hồng Dương và Bạch Dương. Trong mỗi thời kỳ, Minh Minh Lão Mẫu (Thượng Đế) sẽ cử một người xét đoán tội phước của nhân gian, giáng tai họa, khuyến thiện, cứu vớt những người nào thật sự tin theo Nhất Quán Đạo. Vị đó được gọi là Chưởng Quản Thiên Bàn, cụ thể là ba vị chưởng quản Thiên Bàn cho ba thời kỳ theo thứ tự là Nhiên Đăng Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật và Di Lặc Phật. Theo họ, thế giới đang thuộc vào thời kỳ Bạch Dương và Di Lặc Bồ Tát đã giáng thế, chưởng quản thiên bàn. Quan điểm này cũng có thể thấy rất rõ trong các tà phái Minh Lý, Long Hoa Trai Hội, Minh Sư Đạo v.v...
[9] Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Kinh do ngài Trúc Pháp Hộ người xứ Nhục Chi dịch vào đời Tây Tấn, một quyển. Theo kinh này, trong tương lai, cõi đất đẹp đẽ, bằng phẳng, sản vật dồi dào, tại đại thành Sí Đầu, lúc ấy pháp vương Thương Khư xuất hiện, dùng chánh pháp giáo hóa dân chúng. Vua có một vị đại thần tên Tu Đạt Ma, vợ là Phạm Ma Việt, đoan chánh, xinh đẹp như vợ Thiên Đế. Di Lặc Bồ Tát bèn giáng sanh làm con họ, thị hiện thành Phật dưới cội Long Hoa, ba lượt chuyển pháp luân.

(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites