Nếu
tâm tham lam tràn trề, không biết đủ, thì tương lai sẽ bị đọa lạc vào
địa ngục. Nếu tâm sân hận quá nhiều, từ sáng đến tối luôn giận dữ, thì
sẽ trở thành ngạ quỷ. Nếu tâm ngu si nặng nề, chỉ làm những việc ngu
xuẩn thì sẽ biến thành thú vật...
Pháp Ngữ của HT Tuyên Hoá
٭Tu Ðạo là cần phải "quay trở lại." Nghĩa là gì? Tức là phải nhường cho người việc tốt lành, còn mình thì nhận phần hư xấu--xả tiểu ngã để thành tựu đại ngã.
٭Ðối với ma đừng khởi tâm thù nghịch. Hãy xem chúng như các bậc Thiện-tri-thức trợ đạo cho mình.
٭Từ
vô lượng kiếp đến nay, hết đời này sang đời khác, mỗi người tạo bao
nghiệp không đồng, nên vọng tưởng cũng không đồng. Nghiệp nặng thì vọng
tưởng nhiều, nghiệp nhẹ thì vọng tưởng ít.
٭Người tu hành phải vì cắt đứt dòng sanh tử luân hồi, vì độ chúng sanh, chứ không vì cầu cảm ứng mà tu Ðạo.
٭Người
tu Ðạo phải luôn luôn hồi quang phản chiếu, không nên hướng ngoại truy
cầu. Tìm cầu bên ngoài không thể có được, quay về tự tánh thì đầy đủ cả.
٭Ðối
với kẻ mới phát tâm tu, điều chướng ngại nhất khi dụng công là lòng
tham đắm sắc dục giữa nam và nữ. Ðây là vấn đề căn bản nhất.
٭Người tu Ðạo nên chú ý! Chớ gieo duyên nhiễm ô với người khác. Sợi dây trói buộc bất tịnh này sẽ làm chúng ta đọa lạc.
٭Hiện
tại chúng ta may mắn có được thân người. Nếu không biết dùng thân người
để tu hành, thì đợi đến khi nào mới tu? Chỉ e đến lúc mất thân này rồi,
dẫu có muốn tu hành thì đã quá trễ!
٭Học Phật Pháp, điều thiết yếu là phải chân thật. Mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ đều phải chân thật.
٭Ở chùa, chúng ta phải biết tiết kiệm mọi vật dụng. Rằng:
"Thương tiếc vật của chùa
Như bảo vệ tròng con mắt."
٭Không thương, không ghét là Trung Ðạo.
٭Tu
Ðạo là tu đạo gì? Tức là tu theo Trung Ðạo--với ai cũng phải đối xử
bình đẳng, lấy lòng từ bi làm căn bản, và khi hành sự phải cẩn thận, chớ
đi lạc vào lưới rọ tình ái.
٭Chẳng hề có đạo lý "ngày nay tu Ðạo, ngày mai thành Phật." Mới cuốc một nhát đâu thể có giếng nước ngay được. Tu hành là đem khối sắt mài thành cây kim, công đủ tự nhiên sẽ thành tựu.
٭Việc
đầu tiên khi học mật chú là phải chánh tâm thành ý. Nếu tâm không chân
chánh thì khi học, mật chú nào cũng thành tà. Tâm nếu chân chánh thì học
mật chú mới được cảm ứng.
٭Vô
minh có hai đồng lõa. Hai đồng lõa ấy là gì? Tức là tham ăn và tham sắc
dục. Cả hai việc này trợ giúp vô minh tạo vô số nghiệp xấu.
٭Có câu rằng:
"Khi muốn làm người tốt thì nghiệp báo hiện,
Khi muốn thành Phật thì ma đến thử thách."
٭Nếu
không muốn trở thành người tốt thì nghiệp báo không tìm đến. Càng quyết
chí làm người tốt bao nhiêu thì nghiệp báo càng đến tới tấp bấy nhiêu,
đòi mình thanh toán nợ nần cho minh bạch.
٭Phật và ma chỉ khác nhau ở một tâm niệm--Phật thì có tâm từ bi, còn ma thì có tâm tranh hơn thua.
٭Người thực sự biết cách tu hành thì nhất cử nhất động đều là tu cả.
٭Người
tu Ðạo không nên đi khắp nơi quảng cáo sự tu hành của mình. Ai thường
quảng cáo sự tu hành của mình thì nhất định sẽ đọa lạc vào đường ma.
٭Người tu Ðạo ở bất cứ nơi nào cũng đều phải che giấu và tẩy xóa tông tích, đừng nên để lộ diện.
٭Tâm của chúng ta thường trú tại những nơi khác chứ không trú tại trong tâm mình. "Trú tại những nơi khác" nghĩa là có thân mà không có tâm.
٭Giảng Kinh thuyết Pháp là tu Huệ. Ngồi Thiền là tu Ðịnh. Không nói lời tạp nhạp là tu Giới.
٭"Phiền não tức Bồ-đề." Nếu biết dùng thì phiền não tức là Bồ-đề. Nếu không biết dùng thì Bồ-đề biến thành phiền não.
٭Tu Ðạo cần phải tập dại khờ. Càng "dại khờ" bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. "Dại khờ" cho đến mức cái gì cũng không biết cả thì vọng tưởng sẽ không còn.
٭Vô minh nghĩa là không hiểu rõ. Gốc rễ của vô minh là ái dục.
٭Mục đích chủ yếu của tu hành là cắt đứt dòng sanh tử, chứ không phải cầu cảm ứng.
٭Tu hành thì cần phải giữ mình cho trong sạch, như giữ đôi mắt không để dính một hột cát vậy.
٭Cờ bạc thì tạo nghiệp nặng. Bố thí thì tích lũy công dức. Ngồi Thiền thì trừ ngu si, sanh trí huệ.
٭Người
tu hành nên cẩn thận lời nói nơi chỗ đông người và canh giữ tâm khi
ngồi một mình. Lúc giữa đại chúng đừng nên nói nhiều. Khi riêng một mình
nên đề phòng tâm ích kỷ và vọng tưởng. Như thế thì chẳng bao lâu sẽ
được chuyên nhất thấy rõ tâm mình.
٭Thọ khổ thì dứt khổ.
٭Hưởng phước thì hết phước.
٭Người
chân chánh tu Ðạo phải xem xét mọi hành vi, cử động của chính mình. Ði,
đứng, nằm, ngồi, chớ rời chánh niệm. Ðừng như cái gương--chỉ biết soi
mặt người mà không tự soi lại mặt thật của mình.
٭Nếu còn chấp trước thì đó là tâm người thường. Nếu không chấp trước, đó là tâm Ðạo.
٭Nếu muốn không chết, phải sống như người đã chết--tức là phải giữ mình đừng tham lam, sân hận, si mê.
٭Người
học Ðạo nhất định phải phát nguyện. Nguyện lực có khả năng thôi thúc
chính mình tiến tu theo Chánh Ðạo, không lạc đường tà. Nhưng phát nguyện
mà không hành thì giống như cây có hoa mà không đơm trái, thật vô ích!
٭Dùng
lưỡi để thuyết Pháp thì tích tụ công đức. Cũng dùng lưỡi nhưng lại nói
lời thị phi thì tạo nghiệp tội. Thay vì thuyết Pháp mà lại nói những lời
vô nghĩa, thị phi là tạo một vạn hai ngàn nghiệp tội.
٭Người
tu Ðạo đối với kẻ trong người ngoài, già, trẻ, lớn, nhỏ, kẻ sang ngưới
hèn, đều thường dùng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, thì tự nhiên sẽ nảy sanh cảm
ứng.
٭Tu Ðạo là tu chân thành và thiết thật. Nên có câu: "Tâm thành thì linh ứng."
٭Chúng
ta sống trên thế gian này, luôn luôn phải làm việc lành. Mỗi hơi thở,
sức lực đều phải hành thiện tích đức. Trong hiện đời, chớ nên dựa vào
thiện căn đời trước mình đã trồng mà tận hưởng hết phước báo.
٭Phật có thể chuyển hóa tất cả chúng sanh thành Pháp-khí, nên có câu: "Mượn cái giả để tu việc chân thật. Túi da hôi thối này chì là căn nhà tạm bợ." Chúng ta trú tại căn nhà này để tu Ðạo, nghĩa là mượn "ngôi nhà" sắc-thân giả tạm để tu thành Pháp-thân chân thật.
٭Nếu
tâm tham lam tràn trề, không biết đủ, thì tương lai sẽ bị đọa lạc vào
địa ngục. Nếu tâm sân hận quá nhiều, từ sáng đến tối luôn giận dữ, thì
sẽ trở thành ngạ quỷ. Nếu tâm ngu si nặng nề, chỉ làm những việc ngu
xuẩn thì sẽ biến thành thú vật.
٭Khuyết
điểm lớn nhất của chúng sanh là si ái--ngày đêm sống trong si ái, không
thể xả bỏ được. Nếu chuyển được tâm háo sắc thành tâm tu học Phật Pháp,
từng giờ từng phút không lãng quên việc tu học, thì sẽ mau chóng thành
Phật.
٭Người
chân chánh khai ngộ thì không bao giờ nói mình đã khai ngộ. Bậc thánh
nhân xuất thế tuyệt đối không tiết lộ chân tướng. Phàm những kẻ tự xưng
là Phật là Bồ-tát, đều là tà ma.
٭Người
có đức hạnh không phải do nơi địa vị hay tuổi tác, mà trong những hành
vi kín đáo im lặng, tự nhiên hiển lộ phẩm cách đặc thù của họ, khiến
người khác đều kính nể. Phẩm cách đặc thù này không khiến cho kẻ khác sợ
hãi, vì nếu sợ hãi thì họ sẽ lánh xa.
٭Mọi
người đều có ba thằng giặc phiền não; đó là tham lam, sân hận, si mê.
Chúng ta không cần phải diệt trừ chúng mà hãy chuyển hóa chúng thành
những hạt giống Bồ-đề.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment