Là Phật-tử, chúng ta không nên
mê tín mà phải trừ mê tín. Thế nào là mê tín? Tức là hồ đồ, nghe theo
những điều người ta nói mà không suy xét. Người ta nói gì mình cũng tin
cả, tin một cách mơ hồ, nên gọi là mê tín. Mê tín chưa phải đáng sợ,
đáng sợ nhất là tin cái điều mê, tin thứ ngoại đạo điên đảo.
HT Tuyên Hoá
Nền không vững, nhà sẽ lung lay,
Gió thổi thì ngã, mưa to
liền sập.
Người học Phật có kẻ thích tham
thiền, có người thích học Kinh, thuyết Pháp, nghiên cứu Luật Tông, Mật-tông
hay Tịnh-độ Tông. Bất luận là thích tông phái nào, quý-vị cần kiên tâm
trì chí, dụng công tu hành thì mới thành tựu.
Nếu không chuyên tâm nhất chí
thì học gì cũng như không. Mình tham thiền hai ngày rưỡi lại nghĩ muốn niệm
Phật, niệm Phật nửa ngày lại muốn học Luật, học Luật chưa bao lâu lại muốn
học Mật; mục tiêu rối loạn không chuyên nhất được. Tại sao mình không thể
chuyên nhất? Tại vì mình còn hướng ngoại truy cầu. Chân đạp hai chiếc
thuyền cùng một lúc, không biết đi lên Giang Bắc tốt hay đi xuống Giang Nam
hay? Vì vậy, cả một đời vẫn cứ lầm lẫn.
Vì thế tham thiền lúc nào cũng
phải tinh tấn, một giây cũng không được làm biếng, tham cho tới lúc:
Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ,
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.
Nghĩa là:
Núi cùng, sông bặt, tưởng hết
đường,
Tàng liễu, hoa giăng, hiện thôn
trang.
Tức là mình sẽ thấy một bầu
trời khác, sẽ thấy được sự diệu thú thiên nhiên vô cùng. Nhưng mình cần
phải tham thiền đến cực điểm, đến chỗ "đăng phong tạo cực" nghĩa
là lên tới đỉnh cao nhất, đạt tới chỗ tột bực thì mới có một chút hy
vọng; nhưng hy vọng đó cũng không nhiều lắm. Tuy có một chút hy vọng nhưng
mình cũng đừng chấp đắm vào hy vọng đó. Nếu không mình sẽ tạo thêm sự
phiền toái, tức là chấp vào cái không có ý nghĩa gì cả. Tham thiền là phải
chân thật mà dụng công.
Trước hết cả mình phải biết
luyện cho chân biết nghe lời, không làm loạn cũng không làm đau. Làm thế nào
để chân không còn đau nữa? Có thần chú nào niệm cho chân hết đau? Hoặc
giả là mình phải uống thứ thuốc gì đó thì chân sẽ bớt đau. Không phải
thế đâu! Mình cần phải trải qua cơn đau nhức đó một thời gian, dần dần
chân mình mới chịu nghe lời mà hết đau. Nếu mình không nhẫn nại được cái
đau, vừa mới đau lại đổi chân, thì cái chân vĩnh viễn sẽ không bao giờ
chịu nghe lời mình; bởi vì mình đã chìu chuộng nó quá mức. Khi chân đau
mình phải dọa nó như dọa con nít. Nếu cha mẹ thương không cho con chịu khổ,
thì tương lai những đứa đó không cách gì chịu đựng được khổ. Cái chân
cũng như con nít vậy, mình sợ nó đau nhức thì lúc nào nó cũng đau nhức.
Lúc chân đau tất nhiên mình thấy đau, lúc chân không đau, mình cũng thấy
nhức nhối là bởi vì mình đã tập cho nó có một thói quen xấu.
Mình phải luyện cho cái chân,
cái lưng biết nghe mình; để chúng không còn đau không còn nhức; rồi thì
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều nghe lời mình cả, sáu căn nầy không còn
chạy ra ngoài mà truy cầu nữa. Không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm
cho xoay chuyển. Không bị lục căn, lục trần chuyển động thì đó chính là
biết dụng công. Cho nên nói:
Nhãn quán hình sắc nội vô hữu.
Nhĩ thính trần sự tâm bất tri.
Nghĩa là:
Mắt thấy hình sắc nhưng lòng
chẳng màng.
Tai nghe âm thanh song tâm chẳng
biết.
Mình phải thường hồi quang phản
chiếu. Ðừng truy cầu những điều bên ngoài, luôn luôn trụ vào pháp môn căn
bản, tức là tham thoại đầu "Ai là người niệm Phật?" Tức là làm sao
nắm được gốc, đừng chạy theo ngọn. Ðối với những vấn đề chi tiết nhỏ
nhặt, đừng nên để tâm âu lo, như vậy thì từ từ sẽ hiểu thấu mọi sự.
Lúc tu thiền, khi chưa biết tập
luyện làm sao để ngồi kiết già hay bán già cho thật vững vàng thì đừng nên
ham học làm sao tham thiền. Bởi vì nền tảng chưa vững chắc cơ mà! Do đó,
trước tiên phải xây nền tảng thiệt tốt rồi mới tham thiền.
Như tuần đầu tiên, mình phải
san bằng mặt đất. Xây nhà, trước hết phải dọn sạch đất đai, đạp bằng nó
ra.
Vào tuần thứ hai thì phải đặt
móng. Xây móng cần tốn nhiều công phu; tức là mình phải tu hạnh nhẫn nại:
chịu đau, chịu đói, chịu khát, chịu rét; bất kỳ hoàn cảnh gì mình cũng
phải chịu đựng. Tuy đây là việc tốn công tốn sức, song nó là việc tất yếu
phải làm. Ðất cần được đạp bằng, móng cần xây cho chắc thì nhà dựng lên
mới kiên cố. Nếu gió thổi, nhà sập hay mưa tạt, nhà rã thì tức là móng
đặt không chắc chắn, nền xây chẳng vững vàng vậy.
Ðến tuần thứ ba thì có thể
dựng cột, trụ, bắt kèo, khung cột, mái chèo.
Qua tuần thứ tư, thì xây tường,
bắt cửa, đóng cửa sổ, lợp ngói. Ðó là thứ tự xây nhà: Ta không thể
"Cuốc một phát mà đào thành giếng" được. Không việc gì làm mà
thành công tức khắc.
Tham thiền hay niệm Phật cũng
vậy; học Giáo, tu Mật, tập Luật đều như vậy cả. Tức là phải hết sức
chuyên tâm chú ý. Tâm phải thành khẩn, đừng tham muốn thứ cao siêu xa vời,
đừng nghe người ta nói Mật-tông tốt, thì chạy theo Mật-tông. Ðừng dại mà
mê muội, tới lúc chết vẫn không tỉnh ngộ. Không chấp nhận những bằng chứng
trước mắt, thì thật là mình mê quá độ. Mật, mật rồi chẳng biết do đâu,
bổng chết mất. Thật là bí mật. Do đó mật thì đúng là mê. (Hai chữ này,
tiếng Tàu phát âm giống nhau) Ủ Hết sức mê muội.
Quý-vị học Phật cần phải nghiên
cứu chân lý đừng nên nghe theo một cách mù quáng. Mình cần phải: "Thân
cận hữu đức, viễn ly hương nhân." Nghĩa rằng cần phải gần gũi những
bậc đức độ và xa lánh những kẻ tà ác. Kẻ xấu ác là thứ chuyên lừa
người. Người có đức độ thì không gạt ai cả. Kẻ vô đức thì luôn dùng
những thủ đoạn xảo trá; thì làm sao có đức được. Chỉ có những ai không
lừa bịp thì càng ngày công đức càng nhiều; lúc đó đức hạnh mới tồn tại
được. Quý-vị phải quan sát và phán xét người khác ở khía cạnh nầy. Ðừng
nhìn vẻ bên ngoài mà nói rằng: "Ôi! Tôi thấy anh chàng đó rất đức
độ, thật là một vị thiện-tri-thức." Thực ra chẳng xác thực, bởi vì
quý-vị phải rõ thân thế anh chàng đó ra sao? Hiểu rõ thì mới đáng kể.
Trong thời mạt pháp con người
đều phạm chứng bệnh thông thường là hay nói những chuyện xa vời, lấy lỗ tai
thay cho con mắt, nghe người khác nói tốt là chạy theo liền. Chạy theo như vậy
tốt xấu thế nào không cần biết, thậm chí bị người ta lừa mà vẫn chưa tỉnh
ngộ. Học theo những điều mê tín tài sắc, phong thủy, bói toán, đều là
những thứ hết sức đáng thương xót.
Hôm nay tôi đọc báo thấy ở
tỉnh Phước Kiến, Trung Hoa Ðại Lục, có sáu đứa trẻ, trốn ra biển tự sát
để thành tiên. Ðó là lý do gì? Là bởi vì do những thứ tà thuyết làm mê
hoặc lòng người. Họ nói rằng nếu ai làm ác thì thành quỷ, làm tốt thì
thành thần, thành tiên. Thế nào là chuyện tốt? Là đừng có sợ chết. Bởi vì
ở nơi thôn xóm xa xăm, nhiều đứa trẻ rất là chân thật, chất phát, nên nghe
thế chúng tin ngay. Tin là người tốt thì không sợ chết, mà khi chết có thể
thành tiên, nên sáu đứa trẻ nầy tự sát tập thể để mong thành tiên. Chúng
nghĩ rằng "Hồi xưa có tám ông tiên, đại khái là do tự sát tập thể.
Nay mình cần phải tự sát tập thể để thành sáu ông tiên, khỏi bị trôi trong
lục đạo luân hồi." Cho nên chúng tự sát tập thể để thành tiên.
Chúng nó có thể thành tiên hay
không? Tôi có thể chứng minh rằng chúng chẳng thành tiên. Tại sao chúng chẳng
thành tiên? Bởi vì chúng hết sức si mê. Người thành tiên rất thông minh
chẳng ngu si. Chẳng vị tiên nào không hiểu chân lý, không biết phải trái
đúng sai. Làm thế nào chúng đồng thời tự sát như thế để thành tiên? Nếu
như thành tiên quá dễ dàng như vậy thì sao đại chúng không mau tự sát để
thành tiên cho rồi. Ðây là chuyện không thể có được. Những người nhà quê
đó hết sức là đáng thương. Ðui mù tin theo tà thuyết khiến bọn trẻ chết
oan uổng. Ðây là chuyện thật đáng thương xót.
Bây giờ lại hỏi rằng vì sao mấy
đứa nhỏ không sợ chết, lại muốn thành tiên? Là vì hoàn cảnh bức bách mà
thành. Thấy rằng đời sống con người cũng không hơn gì cái chết. Làm người
giống như khúc thịt biết đi thì có ý nghĩa gì đâu? Nên mới tìm đường
giải thoát: cùng tự sát tập thể. Sáu đứa trẻ đó viết trên giấy chữ
"Tử" ngàn lần như vậy. Ngày nào cũng viết chữ chết, chết, chết...
Từ sáng đến chiều cứ nghĩ đến chữ chết. Bởi vậy những đứa trẻ nầy dại
dột, bị chuyện mê tín dụ hoặc khiến quên mất hẳn mục tiêu lẫn phương
hướng chính đáng.
Là Phật-tử, chúng ta không nên
mê tín mà phải trừ mê tín. Thế nào là mê tín? Tức là hồ đồ, nghe theo
những điều người ta nói mà không suy xét. Người ta nói gì mình cũng tin
cả, tin một cách mơ hồ, nên gọi là mê tín. Mê tín chưa phải đáng sợ,
đáng sợ nhất là tin cái điều mê, tin thứ ngoại đạo điên đảo. Có những
người tự cho mình là thông minh, song điều chánh thì không tin mà gặp điều
giả là tin ngay, đó là mê trong mê. Họ không nhận thức được chân lý, đem
điều chân thật cho là giả dối, đem điều giả dối cho là chân thật. Cũng
như sáu đứa trẻ đó, vốn muốn chết để thành tiên. Ðó là một phương
pháp để lừa gạt người nhưng sáu đứa trẻ đó lại tin theo. Nếu dạy chúng
rằng tu hành mới thành tiên, e rằng chúng nó chẳng tin. Bởi vậy trên thế
giới rất nhiều kẻ đáng thương xót và vô số những chuyện đáng tiếc. Một
lời khó diễn bày hết được.
(Trích Khai Thị của HT Tuyên Hoá - Giảng tối ngày 28 tháng 11, năm
1982)
0 Kommentare:
Post a Comment