"Những vấn đề của chúng ta, dù đến từ bên ngoài,
như chiến tranh, như bạo lực, như tội ác, hay đến từ bên trong dưới
hình thức khổ đau về tâm lý hay tình cảm, đều sẽ không tìm ra giải pháp
chừng nào chúng ta còn không hiểu chiều sâu nội tâm của ta..."
Tác giả: Cao Huy Thuần
(Trích từ bài: Hãy bay hai cánh vào hiện đại)
(...)
Con
người Tây phương khám phá ra rằng cách đặt vấn đề của đạo Phật đáp ứng
nhu cầu của thời đại mới. Tây phương đang chối từ Thượng Đế thì đạo Phật
giải thích không có Thượng Đế. Tây phương phải nhờ Darwin để cắt nghĩa
rằng vũ trụ không phải do một Đấng nào sáng tạo ra cả trong bảy ngày thì
đạo Phật đã nói cách đây hơn 2500 năm rằng thời gian là vô thủy vô
chung, vũ trụ là vô cùng vô tận. Tây phương ngay ngáy lo sợ về ngày phán
xét cuối cùng của Thượng Đế thì Phật giáo nói: không có ai phán xét ta
cả, chỉ có con người phán xét con người thôi. Tây phương trăn trở về
những vấn đề siêu hình thì Phật giao kể chuyện mũi tên: khi anh bị mũi
tên độc bắn vào thân thì anh phải rút nó ra ngay hay anh ca vọng cổ hỏi
mũi tên do ai bắn, lý lịch thế nào, hộ khẩu ở đâu. Rút mũi tên ra: đó là
nhu cầu giải phóng con người ở Tây phương và họ thấy nơi Phật giáo một
đáp số hợp với lý tính, đặt nặng trên kinh nghiệm, trên thực hành, và
kiểm chứng được bằng kết quả bản thân, ở ngay đời này, chứ không phải
đợi đến khi lên thiên đường, xuống địa ngục.
Hợp với lý tính: người Tây phương ngưỡng
mộ nét đặc biệt đó của Phật giáo, làm Phật giáo khác với các tôn giáo
khác. Phật giáo từ chối lòng tin nếu không đặt cơ sở trên trí tuệ. Bởi
vậy, trong Phật giáo không có tín điều. Tây phương ngưỡng mộ kinh Kâlâma
khi Phật dạy: Đừng vội tin một điều gì dù điều đó được ghi trong kinh
điển hay sách vở. Hãy quan sát, suy tư, thể nghiệm, thực chứng rồi mới
tin. Tinh thần đó xuyên suốt kinh kệ Phật giáo. Người trí thức Tây
phương thấy tinh thần đó hợp với khoa học, hợp với đầu óc phê phán.
“Phật giáo là tôn giáo duy nhất thích ứng với khoa học hiện đại”,
Einstein đã phát biểu như vậy.
Ảnh nguồn: Pagode phathue
Tại sao Phật giáo hợp với khoa học? Tại
vì Phật giáo không nói điều gì mà không có kiểm chứng. Phật giáo nói: sự
vật là vô thường. Hãy nhìn chung quanh với mắt của mình, kinh nghiệm
của mình: có cái gì là thường còn đâu? Cái thường còn duy nhất là khoảnh
khắc này đây. Vậy thì tìm thiên đường ở đâu nếu không phải nơi chính
cái khoảnh khắc này? Hạnh phúc nằm ngay nơi mỗi khoảnh khắc: đó là bài
học hiện đại quý giá nhất mà Phật giáo đem đến cho người Tây phương. Và
hãy nhìn thêm nữa: mọi sự mọi vật đều tương quan lẫn nhau mà có và tương
quan lẫn nhau mà diệt. Màu hồng nơi đóa hoa kia có phải tự nó mà có
không? Đâu phải! Nếu không có mặt trời thì nó đâu có hồng thắm như vậy?
Nhưng mặt trời có phải là tác giả duy nhất của màu hồng kia không?
Không! Vì nếu không có mưa thì làm sao hoa sống? Nhưng mưa có cũng là do
mây, mây có cũng là do hơi nước. Cái này có thì cái kia có, cái này
không thì cái kia cũng không. Đó là luật vô ngã của Phật giáo và cũng là
luật tương quan tương sinh. Ai đọc sách của nhà vũ trụ vật lý học Trịnh
Xuân Thuận đều biết: những luật đó có nhiều điểm hội tụ với khoa học vũ
trụ vật lý. Áp dụng được luật đó vào đời sống bản thân, đời sống gia
đình, đời sống xã hội, cam đoan không cần tìm thiên đường ở đâu xa. Đó
là chưa kể đến luật nhân quả mà ai cũng có thể dễ kiểm chứng. Từ đó,
người Tây phương đi đến một cái nhìn hiện đại hơn nữa vào bản chất của
cuộc đời để hiểu chữ “khổ” trong Phật giáo. Họ chất vấn Thượng Đế: Nếu
Thượng Đế là toàn năng thì sinh ra làm chi thiên tai, động đất, triều
cường, dịch này dịch nọ giết hại phút chốc hàng trăm ngàn người như vậy?
Nếu Ngài là nhân từ thì sao con người khổ thế, con người khổ thế thì
Ngài ở đâu? Phải chăng, người Tây phương hỏi, khổ nằm ngay trong bản
chất của cuộc đời như muối nằm trong biển, mà sinh lão bệnh tử chỉ là
những khía cạnh dễ thấy nhất? Từ đó, Tây phương hiểu chữ “niết bàn” của
Phật giáo đúng hơn hồi thế kỷ 19: niết bàn là hết khổ, mà hết khổ là tự
mình. Bản thân tôi, mỗi khi tôi nghe ai cầu cho người chết được siêu
thoát, tôi không khỏi cười thầm, bởi vì “siêu” là vượt lên, “thoát” là
giải thoát, vượt lên trên tham sân si thì giải thoát, vậy thì nên cầu
cho cả người sống được siêu thoát. Tôi không dám đùa đâu, người Tây
phương hiểu điều đó hơn ta, bởi vì họ hiểu tư tưởng nhân bản của chính
họ: nhân bản nghĩa là con người vượt lên trên con người, con người có đủ
khả năng để vượt lên trên chính mình.
Ảnh nguồn: Pagode Phathue
Nhưng vượt lên như thế nào, cụ thể bằng
cách nào? Đây là cái mới mà Phật giáo đem đến cho Tây phương và đem đến
trong tinh thần khoa học. Trong lịch sử, Tây phương đã vượt quá ta hằng
mấy thế kỷ nhờ khám phá thế giới bên ngoài. Nhưng đến một lúc họ bỗng
giật mình thấy rằng khám phá thế giới bên ngoài không đủ để đem lại hạnh
phúc như họ tưởng bởi vì con người còn có đời sống ở bên trong. Ngài
Đạt Lai Lạt Ma nhắc họ: “Những vấn đề của chúng ta, dù đến từ bên ngoài,
như chiến tranh, như bạo lực, như tội ác, hay đến từ bên trong dưới
hình thức khổ đau về tâm lý hay tình cảm, đều sẽ không tìm ra giải pháp
chừng nào chúng ta còn không hiểu chiều sâu nội tâm của ta” (3). Đó là
lúc mà ngài và các vị sư đắc đạo của Tây Tạng đến Âu Mỹ, mang theo một
ánh sáng khoa học mới rọi soi vào nội tâm của con người, để làm một cuộc
cách mạng thứ hai mà người Tây phương gọi là “cách mạng ở bên trong”,
bổ túc cho “cách mạng ở bên ngoài” mà Tây phương đã từng làm, từng biết
với khoa học. Chìa khóa của hạnh phúc không nằm ở đâu khác hơn là trong
nội tâm mỗi cá nhân. Mà muốn nhìn thấy cái chìa khóa đó thì phải rọi soi
vào bên trong bằng những kỹ thuật thiền định mà các nhà sư Tây Tạng đã
thực chứng do chính kinh nghiệm của họ. Trong lĩnh vực này, đừng hòng
các lang băm đến làm ăn bịp bợm: khoa học Âu Mỹ đã đặt nền móng vững
chắc cho cuộc thám hiểm vào não bộ của con người. Các nhà sư Tậy Tạng đã
đem chính bản thân để các máy móc tối tân trong các đại học danh tiếng
nhất của Mỹ đo lường ảnh hưởng của thiền định trên não bộ. Họ không phải
chỉ đem lời nói, họ đem thực hành, họ đem kỹ thuật, phương pháp cụ thể
để các nhà khoa học quan sát, phán xét tính hiệu nghiệm của thiền định,
góp phần lớn vào sự phát triển của ngành sinh học thần kinh. Tôi xin thú
thực: bản thân tôi có tính đa nghi, khi đọc lịch sử đức Phật, tôi không
hiểu làm sao Phật có thể ngồi thiền định dưới bóng cây bồ đề trong suốt
49 ngày. Bây giờ thì tôi hiểu: mỗi người chúng ta đều có một sức dự trữ
tâm linh mà ta không ngờ bởi vì chưa bao giờ sử dụng. Tôi sẽ trở lui
lại điểm này - cuộc hành trình của ta tìm ta để chữa bệnh cho chính ta
và chữa bệnh cho thời đại.
Bây giờ, tiếp tục vấn đề nhân bản và khoa
học, có phải sức quyến rũ của Phật giáo chỉ nằm ở tính khoa học của
Phật giáo mà thôi hay không? Tôi không nói đến chiều sâu của triết lý
Phật giáo ở đây, cũng không nói đến tính minh triết mà Tây phương đang
tìm lại. Tôi chỉ hạn chế trong một vấn đề nữa thôi: đạo đức. Đạo đức học
ở Tây phương là những răn cấm, những mệnh lệnh. Người Tây phương hiện
đại có cảm tưởng như có ngón tay chỉ vào trán và ra lệnh: mày không được
thế này, mày không được thế kia, mày làm là phạm tội. Phạm tội với ai?
Tại sao như thế là phạm tội? Tại sao tội đó phải nhờ một người khác giải
tội với Trên Cao? Đạo đức đó, con người hiện đại chối bỏ vì họ cảm thấy
như vậy là hãy còn vị thành niên. Đạo đức của Phật giáo trái hẳn, bắt
nguồn từ con người. Không ai ra lệnh, không ai răn cấm. Phật giáo nói:
tham thì khổ, sân thì khổ, si thì khổ. Từ thì vui, bi thì vui, hỷ thì
vui, xả thì vui. Từ bi hỷ xả, cứ thực hành sẽ thấy vui. Tham sân si, cứ
mắc vào sẽ thấy khổ. Đừng giết hại, đừng nói dối, đừng trộm cắp, đừng tà
dâm, đừng say rượu: đó là năm điều tôi tự nguyện với tôi, làm được đến
đâu chính tôi nhẹ nhàng đến đó. Đạo đức của Phật giáo là thực nghiệm,
nhắm mục đích làm cho con người tốt hơn đã đành, nhưng cốt nhất là làm
nội tâm thanh thản, bởi vì thanh thản chính là hạnh phúc.
Hơn thế nữa, đạo đức Phật giáo còn thức
tỉnh con người hiện đại ở Tây phương ở chỗ nới rộng lòng từ bi và ý thức
liên đới ra khắp chung quanh, không những giữa người với người, mà còn
giữa người với thú vật, với thiên nhiên. Dưới ảnh hưởng của tôn giáo cổ
truyền của họ, Tây phương đã cổ vũ, huy động từ thế kỷ 17 mọi cố gắng để
chinh phục, cai trị thiên nhiên. Chiến công đó, nhân loại cám ơn. Xẻ
sông, lấp núi: cái gì con người cũng làm được, thiên nhiên đã bị nhân
hóa. Nhưng thiên nhiên cũng đã bị khai thác, bóc lột đến kiệt quệ, rừng
trọc đầu, mưa hóa chất, nước nhiễm độc, chúng ta biết rõ hơn ai hết. Và
rốt cục, con người ăn trong miếng ăn những chất độc do chính con người
thải ra. Đạo đức đối với thiên nhiên trở thành trách nhiệm của chính con
người. Các tôn giáo khác nói: không được giết người. Phật giao nói: tôi
nguyện không sát sinh, nghĩa là không giết sự sống, và sự sống đó, thú
vật đều có, cây cối thiên nhiên đều có, vũ trụ, khí quyển, trái đất đều
có, tất cả đều liên đới với con người, phải yêu thương nhau như một thì
mới sống còn với nhau.
Tôi vừa động đến một vấn đề hiện đại có
tính tiêu cực: vấn đề môi trường. Bởi vì hiện đại không phải cái gì cũng
hay. Hiện đại cũng có lắm tiêu cực. Hiện đại cũng đang gặp khủng hoảng.
Bởi vậy, sau khi tán thưởng hiện đại và giải thích Phật giáo hiện đại
như thế nào, tôi bắt qua điểm thứ ba, trình bày những khủng hoảng của
hiện đại.
(...)
(Sưu tầm: Huyền Anh)
(Sưu tầm: Huyền Anh)
0 Kommentare:
Post a Comment