"Trong pháp luyện tâm ta phải tập
buông xả, không bám vào lời khen hay tiếng chê. Muốn được ngợi khen và không
muốn bị khiển trách là con đường của thế gian. Con đường của Ðức Phật là chấp
nhận lời khen khi đáng được ngợi khen và chấp nhận lời khiển trách khi đáng bị
khiển trách..."
Ajahn
Chah
Phạm Kim Khánh & Sumanā Lê Thị Sương chuyển ngữ Việt
Phạm Kim Khánh & Sumanā Lê Thị Sương chuyển ngữ Việt
Bản chất của tâm là mỗi khi nó dính
mắc và bám níu thì có chao động và rối loạn. Nó có thể phóng đi đầu nầy rồi
nhảy đi đầu kia. Trong khi
quan sát ta nhìn thấy trạng thái chao động và có thể nghĩ rằng không làm sao
rèn luyện được tâm. Nghĩ như vậy ta đâm ra chán nản, buồn phiền, đau khổ. Ta
không thấu hiểu rằng tâm là vậy. Mặc dầu ta đang hành thiền, cố gắng tìm trạng
thái an tĩnh, luôn luôn có những tư tưởng và những cảm thọ di chuyển, chao động
lăng xăng. Nó là vậy.
Khi quán tưởng nhiều về bản chất của tâm ta sẽ thấu
hiểu rằng tâm là vậy, không thế nào khác. Ta sẽ thấu hiểu rằng sinh hoạt của
tâm chỉ là vậy. Bản chất của nó là vậy. Nếu thấy được rõ ràng như vậy ta có thể
tự tách rời ra khỏi những tư tưởng và thọ cảm. Trong khi luôn luôn tự nhủ rằng,
"nó là vậy, nó chỉ là vậy" ta
không cần phải thêm gì khác. Khi tâm thật sự hiểu biết nó sẽ để cho tất cả trôi qua mà không dính mắc. Tư
tưởng và thọ cảm vẫn còn đó. Nhưng chính những tư tưởng và thọ cảm ấy không còn
năng lực lôi kéo hay quyến rũ nữa. Nó là nó, tâm là tâm.
Sự kiện nầy cũng giống như có em bé đùa nghịch làm cho
ta khó chịu, la rầy, hay phát đít em. Ta nên hiểu rằng bản chất của trẻ con là
đùa nghịch. Khi đã hiểu như vậy rồi ta có thể không quan tâm đến và để nó chơi
đùa tự nhiên. Như vậy ta không còn khó chịu nữa. Trạng thái bực bội ắt chấm
dứt. Tại sao trạng thái bực bội chấm dứt? Bởi vì ta đã chấp nhận bản chất thật
sự của sự vật. Ta buông bỏ, không bám níu, và tâm trở nên an tĩnh. Ta đã có
"chánh kiến".
Nếu quan kiến của ta sai lầm thì dầu sống trong hang
đá sâu thẩm tối đen cũng vẫn bị xáo trộn, mà tung bay lên tận không trung mênh
mông cũng vẫn vị xáo trộn. Tâm chỉ được an lạc khi có chánh kiến. Chừng đó
không còn gì khó khăn bí ẩn để giải quyết, không còn vấn đề phiền phức.
Ðó là đường lối chân chánh. Ta tự tách rời để cho tất
cả trôi qua mà không dính mắc. Mỗi khi có cảm giác bám níu phát sanh ta tự tách
rời ra khỏi nó bởi vì đã thấu hiểu rằng chính cảm giác ấy cũng chỉ là vậy, đến
rồi đi, sanh rồi diệt. Nó đến, không phải để quấy rầy ta. Ta có thể nghĩ như
vậy, cho rằng nó đến để quấy rầy ta, nhưng trong thực tế đó chỉ là bản chất
thiên nhiên của nó - cũng như đùa nghịch là bản chất thiên nhiên của trẻ con.
Dầu ta có quán xét và suy tư sâu xa hơn nữa thì cũng vậy. Nó chỉ là vậy. Nếu ta
để cho tất cả trôi qua thì hình sắc chỉ là hình sắc, âm thanh chỉ là âm thanh,
mùi chỉ là mùi, vị chỉ là vị, xúc chạm chỉ là xúc chạm, và tâm chỉ là tâm. Cũng
như dầu với nước. Ta có thể để chung dầu và nước trong một cái lọ, hai thứ vẫn
không hòa lẩn nhau bởi vì bản chất của hai thứ khác nhau.
Dầu và nước khác nhau cũng như
người trí tuệ và người si mê khác nhau. Ðức Phật sống giữa sắc, thinh, hương,
vị, xúc, pháp, nhưng đã là bậc A La Hán, Ngài xây lưng và tự tách rời ra dần
dần. Ngài thấu triệt rằng tâm chỉ là tâm và tư tưởng chỉ là tư tưởng. Ngài
không mơ hồ lầm lẫn và pha trộn lẫn nhau.
Tâm chỉ là tâm. Tư tưởng và thọ cảm chỉ là tư tưởng và
thọ cảm. Thật sự nó là vậy, hãy để cho nó là vậy. Sự vật như thế nào hãy để cho
sự vật đúng là vậy! Hãy để cho cái gì là cái đó! Sắc chỉ là sắc, thinh chỉ là
thinh, ý là ý. Tại sao ta phải bận tâm bám níu nó? Nếu suy tư và thọ cảm như
vậy ta sẽ buông bỏ và tự tách rời ra. Tư tưởng và thọ cảm sẽ ở một bên, còn tâm
thì ở bên kia. Cũng như dầu và nước - cả hai thể chất cùng ở trong một lọ nhưng
riêng biệt, không hòa tan lẫn nhau.
Ðức Phật và chư Thánh Tăng đệ tử của Ngài sống chung
với những người thường, những người phàm. Chẳng những sống chung với các người
ấy mà các Ngài còn giáo dục họ, những người phàm tục tầm thường và si mê ấy,
dạy họ phải làm thế nào để trở nên cao siêu thánh thiện, giác ngộ và có trí
tuệ. Các Ngài có thể làm điều ấy vì các Ngài thông suốt pháp hành thiền. Các
Ngài thấu hiểu rằng đây chỉ là vấn đề luyện tâm, như Sư vừa giải thích.
Như vậy, chớ nên lo lắng và hoài nghi pháp hành thiền. Chúng ta ly gia cắt ái để trở thành tu sĩ chớ không phải rời bỏ cửa nhà để lạc lối trong đám mây mù si mê ảo kiến. Cũng không phải vì hèn nhát hay sợ sệt. Chúng ta ra đi để tự rèn luyện, để làm chủ lấy mình. Hiểu biết như vậy ta có thể noi theo con đường của Giáo Pháp. Giáo Pháp ngày càng tỏ rạng hơn. Người nào hiểu biết Giáo Pháp hiểu biết chính mình, và người hiểu biết chính mình cũng hiểu biết Giáo Pháp. Ngày nay chỉ có phần tinh khiết còn lại của Giáo Pháp là được chấp nhận. Thật ra thì Giáo Pháp ở khắp cùng. Không cần phải đến nơi nào để tìm. Thay vì đi đâu tìm, hãy tìm đến bằng trí tuệ, đến bằng trí minh mẫn sáng suốt, đến bằng hạnh khôn khéo tinh xảo. Không nên tìm đến Giáo Pháp bằng si mê. Nếu muốn thật sự an lạc, trạng thái an lạc ấy phải là an lạc của trí tuệ. Ðủ rồi! Chỉ có bấy nhiêu!
Bất luận lúc nào thấy Giáo Pháp thì đó là con đường
chánh, đúng là chánh đạo. Ô nhiễm chỉ là ô nhiễm, tâm chỉ là tâm. Mỗi khi ta
buông bỏ và tự tách rời để thấy sự vật chỉ là sự vật, như thật sự nó là vậy,
chừng đó ta nhận thức rằng nó chỉ là trần cảnh, những đối tượng của ta. Khi đã
đi đúng trên con đường chánh ta trở thành hoàn toàn trong sạch, không còn
khuyết điểm, tức luôn luôn có trạng thái siêu thoát và tự tại.
Ðức Phật dạy: "Hãy lắng tai nghe, nầy chư tỳ khưu, chớ nên bám níu vào các pháp".
Nơi đây, "các pháp" có nghĩa là
"các pháp hữu lậu" [*]. Các pháp hữu lậu ấy là gì? -- Nó là tất cả.
Không có bất luận sự vật nào hay hiện tượng nào trên thế gian mà không phải là
pháp hữu lậu. Tình thương và thù hận là pháp hữu lậu, hạnh phúc và đau khổ là
pháp hữu lậu, ưa thích và ghét bỏ là pháp hữu lậu. Tất cả những sự việc ấy, dầu
là ít oi không đáng kể như thế nào, đều là pháp hữu lậu. Khi ta thực hành Giáo
Pháp, khi thấu hiểu sâu xa, ta có thể buông bỏ và để cho nó trôi qua. Và như
thế, ta có thể làm đúng theo lời của Ðức Tôn Sư là "không bám níu vào các pháp hữu lậu".
[*] Dhamma và dhamma: nên
ghi nhận những ý nghĩa khác nhau của danh từ "dhamma" (định luật
thiên nhiên về sự giải thoát mà Ðức Phật đã tìm ra và truyền dạy) và
"dhamma" (đối tượng của tâm), "các pháp hữu lậu" -- cũng
được gọi là các pháp hữu vi, hay các hành, hoặc các sự vật được cấu tạo.
Tất cả những hiện tượng phát sanh
trong tư tưởng, tất cả những hiện tượng phát sanh trong tâm, tất cả những hiện
tượng phát sanh đến thân của chúng ta đều ở trong trạng thái luôn luôn biến
đổi. Ðức Phật dạy không nên bám níu vào bất luận gì. Ngài dạy hàng đệ tử hành
thiền nhằm tách rời ra khỏi những điều ấy chớ không phải hành để đạt đến điều
gì. Hành để buông bỏ chớ không phải hành để có thêm được gì.
Nếu hành đúng theo lời dạy của Ðức Phật là chúng ta
hành đúng. Hành đúng, nhưng cũng phiền phức. Không phải giáo huấn của Ðức Phật
là phiền phức mà chính những ô nhiễm của chúng ta là phiền phức. Những ô nhiễm
được hiểu biết sai lầm gây phiền phức cho chúng ta. Thật ra, hành đúng theo
giáo huấn mà Ðức Phật truyền dạy thì không có gì phiền phức. Ta có thể nói rằng
bám sát vào con đường của Ðức Phật không đem lại đau khổ vì Con Ðường chỉ giản
dị là buông bỏ, "để trôi qua", tức không bám níu vào bất luận pháp
nào!
Ðến mức cùng tột, trong pháp hành thiền của Phật Giáo
Ðức Phật dạy thực hành nghệ thuật "để
trôi qua", "buông bỏ", chớ nên mang theo bất luận gì!
Hãy buông bỏ! Nếu thấy điều tốt đẹp, hãy để nó trôi qua. Nếu thấy điều chân
chánh, hãy để nó trôi qua. Nói rằng "để nó trôi qua" không có nghĩa
là không làm gì hết, mà thật sự có nghĩa là phải hành phương pháp "để trôi
qua" ấy. Phương pháp ấy là: không dính
mắc, không luyến ái, không bám níu, mà buông bỏ.
Ðức Phật dạy ta quán tưởng tất cả các pháp, phát triển
Con Ðường bằng cách quán niệm thân và tâm của chúng ta. Giáo Pháp không ở đâu
khác. Nó ở ngay tại đây! Không phải ở nơi nào xa lạ mà trong chính cái thân và
cái tâm nầy của ta.
Như vậy hành giả phải tinh tấn hành thiền. Phải làm
cho tâm của mình càng to lớn hơn và ngày càng sáng suốt, tỏ rạng hơn. Phải làm
cho nó tự do và độc lập. Khi đã thực hiện một hành động thiện, không nên mang
nó theo trong tâm mà để nó trôi qua. Khi đã tự chế, không làm một điều bất
thiện, hãy để nó trôi qua. Ðức Phật dạy ta sống trong hiện tại kế cận nhất, nơi
đây, và trong khoảnh khắc nầy. Chớ nên dể duôi tự buông trôi, lạc lối trong quá
khứ hay trong vị lai.
Giáo huấn mà người ta ít lãnh hội nhất, mà cũng thường
xung đột nhất với quan niệm của người đời là "hãy để trôi qua", hoặc "hành động với cái tâm
rỗng không". Ðây chỉ là một lối nói theo "ngôn ngữ của Giáo
Pháp". Khi diễn đạt giáo huấn nầy qua ngôn ngữ thông thường của thế gian
thì chúng ta trở nên mơ hồ, bối rối, và nghĩ rằng ta có thể làm bất luận gì mà
ta muốn. Có thể diễn dịch như vậy, nhưng ý nghĩa thật sự gần nhất của lời dạy
nầy là: Cũng như ta khuân một tảng đá nặng. Ði một đổi, ta cảm nghe tảng đá
càng nặng hơn, nhưng không biết phải làm thế nào để buông bỏ, tách rời nó ra.
Và như vậy, ta cắn răng mãi chịu đựng sức nặng của tảng đá. Nếu có ai thấy vậy
bảo ta quẳng nó đi, ta sẽ nói, "nếu quẳng nó đi thì tôi còn gì?" Nếu
có ai giải thích cho ta về những lợi ích của sự buông bỏ tảng đá xuống, ắt ta
không tin và nghĩ rằng, "nếu quẳng nó đi ta sẽ không còn lại gì." Và
như vậy, ta tiếp tục khuân vát tảng đá cho đến khi quá mệt mỏi, yếu dần và kiệt
sức, không còn chịu đựng được nữa. Chừng đó ta buông tảng đá xuống.
Khi buông tảng đá xuống bỗng nhiên ta kinh nghiệm lợi
ích của sự buông bỏ. Trong tức khắc ta cảm nghe thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn,
và chính tự bản thân, ta nhận thức rằng khuân vác, mang kè kè theo mình một
tảng đá là nhọc nhằn như thế nào. Trước khi tự tách rời, buông nó ra, ta không
thể hiểu biết lợi ích của sự buông xả. Do đó nếu có ai khuyên hãy buông bỏ,
người chưa giác ngộ sẽ không thông hiểu tại sao phải buông bỏ. Người ấy sẽ bám
níu tảng đá một cách mù quáng và từ chối, nhất định không buông ra, cho đến khi
cảm nghe quá nặng, mình không còn chịu nổi nữa mới chịu buông bỏ, quẳng xuống
gánh nặng. Chừng ấy mới nghe nhẹ nhàng, thoải mái dễ chịu, và chính tự bản thân
lãnh hội đầy đủ những lợi ích của sự buông xả. Về sau, có thể ta còn bắt đầu
khuân một tảng đá khác, nhưng lúc bấy giờ ta đã hiểu biết hậu quả của việc
khuân vát một tảng đá là nặng nhọc như thế nào, và ta sẽ buông bỏ dễ dàng hơn.
Sự hiểu biết rằng mang gánh nặng trên vai đi quanh quẩn là vô ích và đặt nó
xuống, bỏ nó lại, sẽ tạo cho mình trạng thái nhẹ nhàng thoải mái là một trường
hợp cho thấy lợi ích của sự tự hiểu biết mình.
Tính ngã mạn [*] của chúng ta và ý niệm về một tự ngã
mà ta bị chi phối nặng nề cũng giống như tảng đá. Cũng dường như đối với tảng
đá, nếu nghĩ đến việc buông bỏ, không chấp vào cái tự ngã của mình thì ta sợ
rằng sẽ không còn gì hết. Nhưng cuối cùng, khi buông bỏ được rồi tự chính ta
nhận thức rằng không bám níu là thoải mái dễ chịu.
[*] Nơi đây danh từ
"ngã mạn" được phiên dịch từ Phạn ngữ "Màna", không chỉ có
nghĩa là tự cao tự đại như thường danh từ nầy được hiểu. "Màna", ngã
mạn, là cố chấp vào cái "ngã" của mình và so sánh. Tự cho mình là hơn
người, tự cho mình là bằng người, và tự cho mình là thua kém người, là ba hình
thức khác nhau của tâm ngã mạn. Ngã mạn là một trong mười thằng thúc, tức mười
dây trói buộc cột chúng sanh vào vòng luân hồi. Ðến khi chứng đắc Ðạo Quả A La
Hán mới tận diệt được thằng thúc "ngã mạn". (Lời người dịch)
Trong pháp luyện tâm ta phải tập
buông xả, không bám vào lời khen hay tiếng chê. Muốn được ngợi khen và không
muốn bị khiển trách là con đường của thế gian. Con đường của Ðức Phật là chấp
nhận lời khen khi đáng được ngợi khen và chấp nhận lời khiển trách khi đáng bị
khiển trách. Chẳng hạn
như dạy dỗ trẻ con, nếu ta không rầy la suốt ngày thì thật là rất tốt. Có người
rầy la quá nhiều. Người sáng suốt biết la rầy đúng lúc và khen ngợi đúng lúc.
Tâm ta cũng vậy. Hãy dùng trí để hiểu biết tâm. Hãy khôn khéo chăm sóc tâm.
Chừng ấy ta sẽ trở thành người có tài luyện tâm. Và khi đã trở nên thuần thục,
tâm có thể loại trừ đau khổ. Ðau khổ ở ngay tại đây, trong tâm ta. Ðau khổ luôn
luôn làm cho sự vật trở nên phức tạp, luôn luôn biến chế, luôn luôn sáng tạo, làm
cho tâm nặng nề. Nó phát sanh ngay tại đây và cũng hoại diệt tại nơi nầy.
Bẩm chất của tâm là vậy. Ðôi khi có những tư tưởng
thiện, lắm lúc có những tư tưởng bất thiện. Tâm quả thật gian xảo. Không nên
tin nó. Thay vì tin, hãy nhìn thẳng vào sinh hoạt của nó. Nó như thế nào hãy
chấp nhận nó là vậy. Nó chỉ là nó thôi. Dầu là thiện, bất thiện, hay thế nào đi
nữa, nó là vậy. Không hơn, không kém. Nếu ta bám chặt vào ắt bị nó cắn và sẽ
đau khổ.
Với "chánh kiến" chỉ có an tĩnh. Tâm định (samàdhi)
phát sanh và nhường chỗ cho trí tuệ. Dầu trong tư thế nào, bất luận nơi nào mà
ta ngồi hoặc nằm, chỉ có trạng thái an tĩnh. An tĩnh ở khắp nơi, dầu ta đi đâu
cũng vậy.
Hôm nay quý Sư Huynh mang đệ tử đến đây để nghe Giáo
Pháp. Có lẽ quý vị lãnh hội được một vài điểm của thời Pháp. Cũng có vài điểm
quý vị không lãnh hội. Nhằm giúp quý vị thấu hiểu dễ dàng Sư đã đề cập đến pháp
hành thiền. Dầu quý vị nghĩ rằng lời của Sư đúng hay không đúng, hãy thọ lãnh
và suy niệm.
Chính Sư đây cũng là một thiền sư như quý Sư. Sư cũng
đã có trải qua những trường hợp khó khăn tương tợ. Sư cũng vậy, rất thèm muốn
được nghe Giáo Pháp bởi vì đi đến đâu Sư cũng phải giảng cho người khác chớ
không bao giờ được cơ hội để nghe. Như vậy, lần nầy quý Sư thật sự thưởng thức
một thời Pháp do một thiền sư thuyết giảng. Thời gian trôi qua rất nhanh khi ta
ngồi im lặng lắng nghe Giáo Pháp. Quý vị thèm khát được nghe Giáo Pháp nên hôm
nay thật sự quý vị muốn nghe. Lúc ban đầu, thuyết giảng Giáo Pháp cho người
khác là một thích thú, nhưng sau một thời gian cái thích thú ấy cũng tan dần.
Ta cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi, thế rồi ta muốn nghe. Do đó, khi lắng nghe
một vị thiền sư thuyết giảng ta lấy làm hứng thú và lãnh hội dễ dàng. Khi đã
lớn tuổi và đang thèm khát Giáo Pháp thì hương vị của Giáo Pháp quả thật đặc
biệt thích thú.
Là thầy của những người khác quý Sư là gương lành cho
họ, là khuôn vàng thước ngọc cho những vị tỳ khưu đệ tử của quý Sư. Quý Sư là
khuôn mẫu cho hàng đệ tử, là gương sáng cho tất cả mọi người. Vì lẽ ấy chớ nên
quên mình. Cũng chớ nên nghĩ đến mình. Khi có những tư tưởng vị kỷ phát sanh,
hãy loại trừ nó đi. Làm được vậy là tự hiểu biết mình.
Có hằng triệu đường lối hành thiền. Nói về pháp hành
thiền thì không cùng. Có rất nhiều điều làm cho ta hoài nghi. Hãy dẹp sạch nó
đi thì không còn hoài nghi nữa! Khi có chánh kiến thì dầu ngồi đâu, đi nơi nào,
cũng được an tĩnh và thoải mái. Bất luận nơi nào mà ta ngồi xuống hành thiền
thì đó là nơi mà ta chú niệm và luôn luôn tỉnh thức. Chớ nên đinh ninh rằng chỉ
có lúc ngồi và khi đi mới hành thiền. Tất cả mọi sự vật và bất luận nơi nào
cũng có thể tỉnh thức. Lúc nào cũng có thể chú niệm. Bất luận nơi nào ta cũng có thể thấy thân và tâm luôn luôn sanh diệt.
Chớ nên để nó động lại trong tâm. Hãy để cho nó trôi qua.. Nếu có tình thương
đến, hãy để nó trôi qua và đi về nhà. Nếu có tham ái đến, hãy để cho nó đi luôn
về nhà. Nếu có sân hận đến, hãy để cho nó đi luôn về nhà. Theo dõi nó! Xem coi
nó ở đâu, rồi hộ tống nó đi. Không nên cất giữ bất cứ gì. Nếu thực hành
như thế ta có thể giống như một ngôi nhà trống. Hoặc nữa, giải thích theo một
lối khác, đó là cái tâm trống không. Một cái tâm rỗng không, không còn chứa
đựng mảy may bất thiện pháp nào. Ta gọi nó là "tâm rỗng không", nhưng
không phải rỗng không là không có gì trong đó. Rỗng không, không còn chứa chấp
mảy may bất thiện pháp nào, nhưng nó đầy trí tuệ. Chừng đó, bất cứ điều gì mà
ta làm, ta làm với trí tuệ. Ta sẽ suy tư với trí tuệ. Ta sẽ ăn uống với trí
tuệ. Chỉ còn lại trí tuệ.
Bấy nhiêu đó là những lời dạy ngày hôm nay mà Sư lấy
làm hoan hỷ hiến tặng quý Sư. Thời Pháp nầy đã được ghi âm. Nếu nghe Pháp mà
tâm quý Sư được an tĩnh thì bấy nhiêu đó cũng đủ rồi. Quý Sư không cần phải ghi
nhớ điều gì. Nói vậy có thể vài người không tin. Nhưng nếu ta giữ tâm an tĩnh
và chỉ nghe thôi, cứ để thời Pháp trôi qua và liên tục suy tưởng, tức nhiên ta
cũng giống như cái máy ghi âm. Về sau, khi ta vặn nó lại để nghe thì tất cả đều
còn đó. Chớ nên sợ rằng sẽ không có gì. Mỗi khi mà quý Sư vặn lên cái máy ghi
âm của quý Sư để nghe thì tất cả đều còn đó.
Sư muốn tặng thời Pháp nầy đến tất cả quý Sư và tất cả
mọi người. Có thể vài người trong quý vị chỉ biết chút ít tiếng Thái, nhưng
không hề gì. Ước mong quý vị có thể học ngôn ngữ của Giáo Pháp. Bấy nhiêu cũng
tốt rồi!
Ghi chú:
[1] Ngài Ajahn Mun có lẽ là vị Thiền Sư
được quý trọng nhất và cũng có nhiều uy tín nhất tại Thái Lan trong thế kỷ nầy.
Theo sự hướng dẫn của Ngài tập tục thực hành hạnh Ðầu Ðà (Dhutanga kammatthàna)
của chư vị tỳ khưu sống trong rừng đã trở thành quan trọng. Phần lớn các Ngài
Ðại Thiền Sư hiện nay và những vị đã viên tịch trong thời gian gần đây đều,
hoặc là đệ tử chánh thức hoặc đã chịu nhiều ảnh hưởng của Ngài. Ajahn Mun tịch
diệt vào tháng 11 năm 1949.
[2] Ajahn Sao là thầy của Ajahn Mun.
0 Kommentare:
Post a Comment