Chân tâm vốn chưa từng bị lạc mất, nhưng dường như họ bỏ quên
mất chân tâm. Họ không biết rằng họ vẫn còn có bản tâm. Thế nên chân tâm thường
trú đã bị vật xoay chuyển, thay vì vật bị xoay chuyển bởi chân tâm...
TUYÊN HÓA THUỢNG NHÂN
Giảng thuật
KINH
ĐẠI PHẬT ĐẢNH
NHƯ LAI MẬT NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ-TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM
(QUYỂN HAI)
Kinh văn:
又則汝今見物之時。汝既見物物亦見汝。體性紛雜則汝與我。并諸世間不成安立.
Lại như cái thấy là vật, thì khi ông nhìn thấy vật,
ông đã thấy vật thì vật cũng thấy được ông. Thế là thể tánh xen tạp, nên ông với
Như Lai cùng cả thế gian đều không an lập được.
Giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
nói: “Vì ông không thể thấy được tánh thấy của tôi, vì tánh thấy không có sắc
tướng riêng biệt để thấy được, rốt ráo có cái thấy không? Tánh thấy vẫn có đó,
nhưng dù nó có hiện hữu, nó vốn không có hình trạng và không có thể tánh, cũng
không có nơi chốn để trả về. Thế nên ông hãy nói cho Như Lai biết, vì sao ông
không nhận ra tánh thấy ấy là của ông? Nếu ông vẫn khăng khăng không nhận, nếu
ông vẫn còn chấp trước, thì ông nên biết rằng: Lại như cái thấy là vật, thì
khi ông nhìn thấy vật, ông đã thấy vật thì vật cũng thấy được ông.
Nếu ông vẫn khăng khăng
cho rằng tánh thấy của ông dứt khóat là vật, thì lẽ ra vật cũng thấy được tánh
thấy của ông. Rốt ráo, ông nói rằng tánh thấy chỉ là vật, một vật có thể thấy
được vật khác. Trong trường hợp đó, vật kia cũng sẽ thấy được, và các vật ấy lẽ
ra sẽ thấy được tánh thấy của ông.
Thế là thể tánh xen tạp – ông nhìn thấy vật và vật nhìn thấy ông; rốt cuộc ai nhìn thấy ai? Nói
nhanh! Cái nào thấy cái nào? Có lẽ A-nan sẽ trả lời: “Cũng như hai người thấy
nhau. Con thấy người ấy, và người ấy thấy con.” Nhưng khi người nầy nhìn thấy
người kia, là có sự nhận biết lẫn nhau; như khi tôi nhìn thấy quý vị, quý vị biết
được điều ấy; và khi quý vị nhìn tôi, tôi cũng biết được điều ấy. Nhưng khi vật
thể nhìn quý vị, liệu vật thể có biết chăng? Khi tánh thấy của quý vị mà quý vị
đã cho nó là vật, khi nhìn thấy vật tượng, thì liệu vật tượng có nhận biết về
cái nhìn ấy chăng? Đây đúng là thể tánh lẫn lộn. Đều ở trong tình trạng xen tạp.
Vật thấy được quý vị và quý vị thấy vật, và vật thấy được các thứ khác. Điều nầy
gây nên nhiều sự nhầm lẫn. Đem gộp mọi thứ vào cùng một loại. Thế nên ông
cùng Như Lai và cả thế gian đều không an lập được.
“Thế gian” có nghĩa là
thế giới hữu tình và thế giới vô tình (khí thế gian)– đó là, người và các vật
tượng như núi sông, đất đai, nhà cửa. Mọi loài chúng sinh bao gồm cả loài người,
được gọi là chính báo. Núi sông, đất đai, nhà cửa... được gọi là y
báo. Gọi là chính báo vì sinh mệnh mà chúng sinh có được bây giờ chính là
quả báo do họ đã tạo ra trong vô số đời trước. Tóm lại, nếu tánh thấy của quý vị
là vật, thì chẳng có gì để nói nữa cả, và mọi việc sẽ ở trong tình trạng hỗn loạn.
Sẽ không có thế gian; mọi hiện tượng trong thế gian sẽ không tạo thành một thế
giới. Ý nghĩa đoạn kinh văn nầy là như vậy.
Kinh văn:
阿難,若汝見時,是汝非我。見性周遍,非汝而誰。
A-nan, như khi ông thấy,
thì chính ông chứ chẳng phải Như Lai, tánh thấy trùm khắp đó chẳng phải ông thì
ai?
Giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
một lần nữa lại gọi đệ tử: “A-nan, bây giờ ông đã hiểu chưa? Như Lai đã
giải thích cho ông rất nhiều giáo lý mà nay ông vẫn còn mê muội. Ông chưa được
thông đạt. Như khi ông thấy, thì chính ông chứ chẳng phải Như Lai – cái
thấy mà ông có thể thấy được là tánh thấy của ông, chứ chẳng phải của
Như Lai – tánh thấy trùm khắp đó chẳng phải ông thì ai? Ông có tánh thấy,
Như Lai có tánh thấy, và mọi người đều có tánh thấy. Tánh thấy bao trùm khắp tất
cả, và thực chất tánh thấy nơi chúng sinh và tánh thấy của chư Phật là giống
nhau.” Nên nói: “Nơi thánh không tăng, nơi phàm không giảm”. Đến địa vị bậc
thánh, tánh thấy ấy không tăng thêm một mảy may. Ở địa vị phàm phu, tánh thấy ấy
chẳng giảm bớt một chút ít nào. “Ông có tánh thấy của ông, Như Lai có tánh thấy
của Như Lai, mọi người đều có tánh thấy của họ, và thực chất tánh thấy ấy là đồng
như nhau; đó chính là điều quan trọng mà mọi người đang vận dụng, nó không bao
giờ thiếu sót. Điều kỳ diệu là nằm ở điểm nầy. Vì mọi người đều có tánh thấy của
mình– vì tánh thấy bao trùm khắp tất cả – thế thì ông định cho ai tánh thấy nầy
nếu ông không muốn nhận nó? Nếu ông không dám nhận tánh thấy của mình, thế thì
tánh thấy ấy là của ai? Nếu tánh thấy ấy không phải là của ông, hãy nói cho Như
Lai biết ngay nó là của ai?”
Đến đây A-nan lại lúng túng không trả lời được.
A-nan bị líu lưỡi một lần nữa.
Kinh văn:
云何自疑汝之真性。性汝不真,取我求實.
Sao ông tự nghi chân
tánh của mình là chẳng chân mà bám vào Như Lai cầu cái chân thật?
Giảng:
“Sao ông tự nghi chân
tánh của mình là chẳng chân mà bám vào Như Lai cầu cái chân thật? Tại sao ông nghi ngờ những gì của mình? Ông nghi ngờ tánh thấy của ông,
nhưng tánh thấy của ông là chân thực, không một chút hư vọng nào cả. Nhưng ông
cứ nghĩ rằng tánh thấy ấy không chân thực, nên ông quay sang cầu mong Như Lai
chứng minh cho tánh thấy ấy là của ông. Với suy nghĩ như vậy, ông càng chạy
càng xa mục tiêu. Ông đang quay lưng với đạo, lạc mất lối về. Ông thật đáng
thương xót.”
Đến lúc nầy Đức Phật chẳng
còn cách nào để giúp A-nan được nữa. Cũng giống như khi đệ tử không vâng lời
tôi nữa; tôi cũng chẳng có cách nào giúp họ. Đức Phật đã giải thích rất nhiều đạo
lý, nhưng A-nan không chịu nghe. Đức Phật càng giảng giải cho ông, ông càng
không hiểu. Không còn cách nào giúp A-nan nữa, Đức Phật trông chờ vào lời đáp của
A-nan.
Kinh văn:
阿難白佛言,世尊。若此見性必我非餘。我與如來觀四天王勝藏寶殿,居日月宮。此見周圓遍娑婆國。退歸精舍,只[1]見伽藍。清心戶堂但瞻簷廡。
A-nan bạch Phật: “Bạch Đức
Thế tôn, nếu tánh thấy nầy nhất định là con chứ chẳng phải là gì khác, thế khi
con và Như Lai xem lầu các bảo điện thù thắng của Tứ thiên vương trong cung nhật
nguyệt, cái thấy nầy bao trùm cả cõi Ta-bà. Quay về tinh xá chỉ thấy vườn chùa,
nơi giảng đường thanh tịnh thì chỉ thấy hành lang.”
Giảng:
A-nan bạch Phật: “Bạch Đức
Thế tôn, nếu tánh thấy nầy nhất định là con chứ chẳng phải là gì khác– Như Lai chắc chắn bảo rằng tánh thấy có thể thấy được vật nầy hiển nhiên
là của con và của mọi người; mà chẳng phải là cái gì khác. Thế khi
con và Như Lai xem kho tàng bảo điện thù thắng của Tứ thiên vương – Như Lai
đã dùng thần thông đề giúp cho con thấy được cung điện của Tứ thiên vương. “Thù
thắng” có nghĩa là rất tốt đẹp và vi diệu, “lầu các” có nghĩa là những châu ngọc
đặc biệt quý báu được dùng để làm cung điện. “Trong cung nhật nguyệt, chúng
ta cũng đang cùng đi tới cung nhật nguyệt. Cái thấy nầy bao trùm cả cõi Ta-bà.”
Bây giờ tánh thấy nầy có thể nhìn thấy được rất xa và rộng; có thể thấy được mọi
thứ ở khắp nơi. Điều nầy chứng tỏ rằng tánh thấy hòan toàn bao trùm khắp.
Đến đây có người sẽ bảo
rằng cụm từ “cõi ta-bà” và “cõi Diêm-phù-đề” như vừa nói ở trước nên được thay
đổi, nhưng thực ra nó có cùng ý nghĩa như nhau, không cần phải thay đổi. Điều ấy
không quan trọng. Vấn đề chính là quý vị phải hiểu được lý trong đoạn kinh văn
nầy. Có người cho rằng “cõi ta-bà” là chỉ cho thế giới chúng ta đang sống, còn
“cõi Diêm-phù-đề” là bao gồm rất nhiều thế giới. Nhưng có thể xem “cõi ta-bà” với
ý nghĩa là có nhiều thế giới cũng được. Theo ý nghĩa tôi đang giảng kinh nầy,
thì 2 thuật ngữ trên là không có gì thay đổi.
“Quay về tinh xá chỉ thấy
vườn chùa, nơi thiền đường thanh tịnh thì chỉ thấy hành lang.”
Chữ già-lam trong
Kinh văn là chỉ cho Tinh xá Trúc Lâm. Già-lam [2] dịch sang tiếng Hán có nghĩa là chúng viên - vườn chùa, là nơi có
các vị Hộ pháp như Kuan Ti Kung (Quan Công) với bộ râu dài và gương mặt đỏ.
A-nan nói rằng : “Con thấy có rất nhiều vị Bồ-tát Hộ pháp Già-lam đang ở quanh
đây.”
Trong cụm từ thiền đường
thanh tịnh - thanh tâm hộ đường, chữ tâm (心) không
có nghĩa là con tim mà có nghĩa là trung tâm của khu già-lam. A-nan nói:
“Khi con vào bên trong, con chỉ thấy hành lang, hiên nhà trước mặt con chứ
không có gì nữa cả. Còn khi nhìn lên trời, con thấy rất nhiều, bây giờ trong phòng nầy,
con thấy ít hơn!” Rốt cục, cái thấy của con co rút vào đâu? Tại sao không thấy
được bên ngoài?” A-nan vẫn còn lý lẽ để thắc mắc. A-nan vẫn còn muốn tranh luận
với Đức Phật và muốn Đức Phật phải quan tâm đến lý lẽ của mình. Những lý lẽ
A-nan sẽ trình bày tiếp sau đây rất là kỳ đặc.
Kinh văn:
世尊,此見如是。其體本來周遍一界。今在室中,唯滿一室.為復此見縮大為小。為當牆宇夾令斷絕。我今不知斯義所在。願垂弘慈為我敷演.
Bạch Thế tôn, cái thấy nầy
như vậy, bản thể của nó trùm khắp cả pháp giới. Nay tại trong phòng thì chỉ khắp
một phòng. Vậy cái thấy nầy rút lớn thành nhỏ, hay bị tường vách xen vào giữa
làm cho đứt đoạn? Nay con chẳng biết nghĩa ấy như thế nào? Kính mong Như Lai từ
bi dạy rõ.
Giảng: Tánh thấy vốn không thay đổi, nhưng có sự phân biệt to-nhỏ,
rộng-hẹp nên cho rằng thay đổi
Dạy một đệ tử
như A-nan thì thật là mệt nhọc, thật quá nhức đầu. Anh ta hỏi xa rồi hỏi gần, hỏi
lớn rồi nhỏ, hỏi vuông rồi lại hỏi tròn. A-nan hỏi tánh thấy tại sao có thể thấy
được nhiều thứ mà lại nhỏ như vậy? Phải chăng tường vách ép lại hay cắt đứt đoạn
tánh thấy ấy đi? “Bạch Thế
tôn, cái thấy nầy như vậy. Khi con ở cõi trời Tứ thiên vương, con thấy được rất nhiều và nay con ở
trong phòng, con lại thấy rất ít. Bản thể của nó trùm khắp cả pháp giới. Thể
tính của tánh thấy nầy vốn trùm khắp cả hư không pháp giới. Nay tại trong
phòng thì (tánh thấy) chỉ khắp một phòng. Bây giờ cái thấy chỉ còn lại
trong pham vi căn phòng nầy. Vậy cái thấy nầy rút lớn thành nhỏ chăng?
Phải chăng cái thấy đã lớn nay bị co rút lại nên hóa thành nhỏ? Từ bao la
như pháp giới nay rút nhỏ lại bằng kích thước trong một căn phòng. Rốt ráo,
tánh thấy ấy đã bị rút nhỏ lại như thế nào? Con không hiểu được đạo lý nầy.
Trái banh thì lớn khi nó chứa đầy không khí, nhưng khi xả không khí ra thì
nó trở thành nhỏ. Không khí biến mất, hành dáng trái banh cũng không còn. Phải
chăng tánh thấy cũng như trái banh? A-nan vẫn lẫn lộn tánh thấy với vật thể.
A-nan vẫn nghĩ rằng: “À! Tánh thấy là một vật. Con vừa nghĩ ra một cách dùng
thí dụ để tranh luận với Thế tôn và đã thắng. Con sẽ nghĩ ra cách để vô hiệu
hóa lý lẽ của Thế tôn. Con sẽ tìm ra cách chứng minh cho lập luận của con đưa
ra là đúng, và Thế tôn sẽ chứng minh cho con.” Đó là những gì đang diễn biến
trong đầu A-nan. “Thế tôn bảo rằng mọi điều con nói đều sai. Con dứt khóat sẽ
tìm ra cách chứng tỏ đó là đúng và Thế tôn phải công nhận.” Người ta cho rằng
ngã chấp của A-nan bấy giờ quá kiên cố. “Sao Thế tôn bảo rằng mọi điều con nói
đều sai?” Thế nên A-nan bảo rằng tánh thấy bị co rút nhỏ lại, “hay bị tường
vách xen vào giữa làm cho đứt đoạn? Khi con từ ngoài đi vào trong nhà, thì
tường vách ép lại và cắt đứt đoạn tánh thấy của con. Nếu không thì tại sao tánh
thấy bị nhỏ lại khi nó vốn rộng lớn trùm khắp bao la như thế?”
Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện. Thuở xưa, ở Trung Hoa có một gia đình
rất giàu có, thấy cậu con trai lớn của mình rất tối dạ, nên mời một vị thầy rất
giỏi đến nhà dạy cho con mình học. Phú ông thấy con mình quá chậm lụt sẽ sợ khổ
nhọc khi học chữ, nên ông nói với thầy giáo: “Đừng nghiêm khắc quá, nếu thầy
dạy được cho nó dù chỉ một ngày một chữ thôi, tôi xin tạ ơn thầy rất hậu hỹ.
Thực vậy, thầy chỉ cần dạy cho nó biết được một chữ cũng là đủ lắm rồi.”
“Việc ấy quả dễ!” Vị thầy trả lời. Rồi ông ta bắt đầu dạy. Cậu học trò thật
là quá ngu. Thầy dạy cho cậu ta chữ nhất (一 ), trong tiếng Hán đó là một nét ngang. Thầy viết ra giấy nhiều lần và bảo:
“Này, nhìn đây! Đây là chữ nhất. Đọc là yi. Hãy nhớ nằm lòng.” Ông thầy
dạy như thế suốt mấy ngày và cuối cùng cậu học trò không quên. Cậu nhớ được chữ
nhất. Một hôm phú ông mời vị thầy đến nhà mình dùng cơm. Sau khi ăn
xong, họ cùng đi dạo ngắm hoa trong vườn. Vị thầy rất tự hào nói với phú ông:
“Ông bảo con trai ông rất ngu đần nhưng tôi thấy nó rất thông minh, tôi đã dạy
cho nó biết được chữ.”
Phú ông vui mừng hỏi: “Nó biết được chữ rồi sao? Hãy hỏi thử nó xem sao?”
Vị thầy bèn dùng chân mình viết một chữ nhất thật lớn trên mặt đất. Rồi hỏi
cậu học trò mình: “Đó là chữ gì?”
Cậu học trò ngẩng đầu lên nhìn săm soi hết bên nầy đến bên kia rồi nói:
“Con chẳng biết.”
Vị thầy bảo: “Tôi đã dạy cậu chữ nầy
mấy ngày nay rồi không nhớ sao! Đó là chữ nhất, có nhớ không?”
Quý vị có đoán được cậu học trò trả lời như thế nào không?: “Chữ nhất mà
thầy dạy cho con đâu có lớn như thế!”
A-nan cũng như cậu học trò ấy. A-nan nói:
“Khi con ở bên ngoài, con thấy được rất nhiều; tại sao khi ở trong phòng lại thấy
được ít như vậy? Lạ thật! Có phải tường vách đã ép lại và cắt đoạn tánh thấy đi
chăng?” Nay con chẳng biết nghĩa ấy như thế nào? Nay con không hiểu
được. Càng nghe giải thích con càng thấy mờ mịt. Chuyện ấy như thế nào? Rốt
ráo, làm sao mà tánh thấy lớn rồi nhỏ? Con không hề rút nó lại; sao nó trở
thành nhỏ. Nếu có thể rút nhỏ nó lại được, thì ít nhất cũng có người đã rút nó
rồi. Hay có lẽ là do tường vách chắn đứt đoạn tánh thấy ấy đi! Con không hiểu
được điều nầy. Đơn giản đó là gì? Kính mong Như Lai từ bi dạy rõ.
Bạch Thế tôn! Cúi mong Ngài rủ lòng đại từ bi
thương xót giải từ mối nghi nầy cho chúng con và từng lúc giảng bày rõ ràng
giáo lý thâm diệu.”
A-nan mê muội hơn tôi nhiều. Bây giờ tôi đã
thông hiểu được giáo lý nầy, nhưng lúc ấy, A-nan chưa rõ được điều ấy.
Kinh
văn:
佛告阿難一切世間大小內外。諸所事業各屬前塵。不應說言見有舒縮.
Đức
Phật bảo A-nan: “Tất cả các thứ trong ngoài, lớn nhỏ trên thế gian đều thuộc về
tiền trần. Chẳng nên cho rằng cái thấy có co giãn.”
Giảng:
A-nan chỉ nói rằng
tánh thấy của A-nan bỗng dưng lớn ra rồi bỗng dưng nhỏ lại. Tánh thấy ấy co rút
lại rồi giãn lớn ra chăng? Có thể như vậy không? Đức Phật bảo A-nan: “Tất cả
các thứ trong ngoài, lớn nhỏ trên thế gian. Bao gồm chúng hữu tình và khí
thế gian, đều thuộc về tiền trần.
Chúng có thể lớn,
có thể nhỏ, có thể ở trong, có thể ở ngoài: “Tất cả các thứ ” có nghĩa
là những đặc tính nầy và các hiện tượng khác, tất cả đều là tướng trạng của tiền
trần.
Chẳng
nên cho rằng tánh thấy có co giãn.”
Kinh văn:
譬如方器中見方空。吾復問汝此方器中所見方空。為復定方為不定方.
Thí như trong vật hình
vuông, ta thấy hư không trong ấy có hình vuông. Nay Như Lai lại hỏi ông, hư
không hình vuông được nhìn thấy trong vật vuông ấy là vuông cố định hay vuông
không cố định?
Giảng:
“ Tại sao Như Lai bảo ông không nên cho rằng
tánh thấy có co giãn? Thí như trong vật hình vuông. Như Lai sẽ đưa ra ví
dụ. Có một đồ vật hình vuông, một cái hộp chẳng hạn, ta thấy hư không trong ấy
có hình vuông. Vì cái hộp có hình vuông, nên hư không trong ấy có
hình vuông. Nay Như Lai lại hỏi ông: Nay Như Lai lại hỏi ông câu khác: hư
không hình vuông được nhìn thấy trong vật vuông ấy, khối vuông hư không bên
trong cái hộp, là hình vuông cố định hay hình vuông không cố định? Có phải
hình dáng của hư không trở nên bị vuông trong cái hộp chứa nó hay chăng?
Nếu đúng như thế, thì khi vật chứa bị thay đổi, thì hình dáng khối vuông hư
không sẽ không còn ăn khớp với khoảng không hiện thời của vật thể khác.” Thế
nên Đức Phật hỏi: “Hư không có hình dáng vuông là cố định hay không cố định? Nếu
nó không vuông, thì nó rộng lớn trùm khắp, hòan toàn giống như tánh thấy của
ông. Sao ông còn nghi ngờ nó trở nên lớn hoặc nhỏ, co hoặc giãn?”
Kinh văn:
若定方者,別安圓器,空應不圓。若不定者,在方器中,應無方空.
Nếu cố định vuông, thì khi ở
trong vật tròn, hư không lẽ ra chẳng tròn. Nếu không cố định vuông, thì khi ở
trong vật vuông, lẽ ra hư không chẳng phải vuông.
Giảng:
“Nếu cố định vuông, thì khi ở
trong vật tròn, hư không lẽ ra chẳng tròn. Nếu ông cho rằng hư không có
hình dáng nhất định vuông, thế khi nó được chứa trong vật hình tròn, thì hư
không lẽ ra chẳng trở nên có hình dáng tròn, mà nó vẫn giữ hình dáng vuông. Nếu
không cố định vuông, nếu ông bảo rằng khoảng trống mà hư không chóan chỗ ấy
không cố định, thì khi ở trong vật vuông, lẽ ra hư không chẳng phải vuông. Nếu
ông bảo rằng không có hình dạng vuông cố định, thì tại sao hư không lại có hình
dạng vuông khi nằm trong vật vuông? Đạo lý ở điểm nầy là sao?”- Đức Phật hỏi
A-nan- “Rốt ráo, ông nói hư không vuông hay tròn? Hư không dụ cho tánh thấy.
Ông nói tánh thấy có co giãn, có nghĩa là trở thành lớn hoặc nhỏ. Như thế, ông
có cho rằng hư không trở nên vuông hay tròn được chăng?”
Quý vị có nhận ra rằng tại sao câu hỏi Đức Phật
đưa ra càng lúc càng khó giải đáp không? A-nan càng hỏi, càng trở nên mờ mịt.
Kinh văn:
汝言不知斯義所在。義性如是,云何為在。
Ông nói chẳng biết nghĩa nầy
thế nào. Nghĩa tánh là như vậy. Sao còn hỏi như thế nào nữa?
Giảng:
Ông nói chẳng biết nghĩa nầy
thế nào.
A-nan, ông nói ông không hiểu được nghĩa lý nầy
và không biết nghĩa lý ấy nằm ở đâu. Rốt ráo, tánh thấy, nghĩa tánh là như vậy.
Nếu ông cho rằng tánh thấy và hư không là đồng như nhau, thế thì ông hãy
nói là hư không tròn hay vuông? Trên đã giải thích rằng nếu ông cho hư không
vuông, thì khi nó ở trong vật tròn thì lẽ ra nó phải trở nên tròn; nếu ông cho
hư không tròn, thì khi nó ở trong vật vuông thì lẽ ra nó phải trở nên vuông.
Trong lần phân tích sau cùng, ông có nói được hư không tròn hay vuông chăng? Thể
tính nghĩa lý của hư không cũng giống như vậy. Thể tính của tính thấy mà ông đề
cập đến cũng giống như nghĩa lý về thể tính của hư không. Vậy nên ông cho rằng
tánh thấy co rút lại từ lớn thành nhỏ hoặc là bi tường vách ép lại và bị cắt rời
từng đoạn? Nghĩa lý nầy đã được giải thích rất rõ ràng. Sao còn hỏi như thế
nào nữa? Nay ông đã nhận rõ đạo lý về hư không; vậy sao ông còn hỏi tánh thấy
chỗ nào làm gì nữa? Tánh thấy bao trùm khắp mọi nơi. Sao ông còn giả định cho
tánh thấy một nơi chỗ rồi hỏi Như Lai tánh thấy ở chỗ nào nữa?”
Kinh văn:
阿難,若復欲令入無方圓。但除器方,空體無方。不應說言更除虛空方相所在.
A-nan, nếu muốn nhận ra tính
chẳng vuông tròn, thì chỉ cần trừ bỏ cái vuông của đồ vật, thể hư không vốn chẳng
vuông; không nên nói phải bỏ đi tướng vuông của hư không.
Giảng:
“Tại sao? A-nan, nếu muốn nhận ra tính chẳng
vuông tròn– ông muốn hư không trong đồ vật chẳng có hình dạng vuông hay
tròn và không cần phải thích ứng với khối vuông hay tròn của đồ vật. Thì chỉ
cần trừ bỏ cái vuông của đồ vật, vì thể hư không vốn chẳng vuông. Thể
tánh của hư không vốn chẳng vuông hay tròn. Nó có thể là vuông hay tròn. Vậy
ông không nên nói phải bỏ đi tướng vuông của hư không. Đem hư không từ
tướng vuông tạm thời mà nó có được khi thích ứng với hình dáng đồ vật chứa nó.
Đơn giản là chỉ cần thay đổi vật chứa. Ông chẳng cần phải làm điều gì hết đối với
chính hư không; ông chẳng cần phải cố gắng làm thay đổi hình dáng hư không, vì
hư không vốn không có hình dáng. Nó thích ứng với đồ vật chứa nó, hư không bên
trong chẳng bị cắt rời với hư không bên ngoài. Nó vẫn dung thông với nhau.
A-nan, ông nghĩ rằng vật chứa là chướng ngại như cách ông nghĩ về tường vách đã
ngăn che và cắt đứt tánh thấy của ông. Nhưng thực ra hư không chẳng trở thành
vuông hay tròn do vật chứa, và tánh thấy của ông cũng chẳng trở nên lớn hay nhỏ
do tường vách. Chẳng còn đạo lý nào khác hơn như vậy nữa. Sao ông còn muốn nêu
ra nữa? Ông không nên nói như vây!” Đây là lời Đức Phật quở trách A-nan.
Kinh văn:
若如汝問,入室之時。縮見令小,仰觀日時。汝豈挽見齊於日面。若築牆宇能夾見斷。穿為小竇寧無竇跡。是義不然。
“Nếu như ông hỏi, khi vào trong nhà, tánh
thấy đã rút nhỏ lại, vậy khi ông ngước xem mặt trời, phải chăng tánh thấy đã
giãn ra để tiếp xúc với mặt trời? Nếu bị tường vách ngăn ép khiến cho tánh thấy
phải đứt đoạn, thì khi xoi một lỗ nhỏ sao không thấy dấu nối? Nghĩa ông nói chẳng
đúng.”
Giảng:
“ Nếu như ông hỏi,
khi vào trong nhà, tánh thấy đã rút nhỏ lại – ý của ông cho rằng tánh thấy
của ông là cái gì đó có thể trải ra, có thể gấp lại và cũng có thể vứt bỏ đi–vậy
khi ông ngước xem mặt trời, phải chăng tánh thấy đã giãn ra để tiếp xúc với mặt
trời? Thực vậy, tất cả những gì ông cần nhìn thấy mặt trời là ngẩng mặt lên
và nhìn. Nhưng, nếu như ông vừa nói, tánh thấy của ông co rút lại khi ông vào
trong nhà, vì lẽ ấy, liệu ông có thể cầm tánh thấy trong tay rồi kéo giãn nó ra
như cách khi ông nhìn mặt trời được chăng?
Nếu bị tường vách ngăn ép
khiến cho tánh thấy phải đứt đoạn, thì theo ý ông, khi ông làm nhà, tường vách
có thể ép lại và cắt đứt đoạn tánh thấy của ông. Nếu tánh thấy của ông có thể
được cắt rời ra, thì lẽ ra nó cũng sẽ được nối liền lại khi ông khoét một lỗ nhỏ
trên tường để nhìn xuyên qua, thì khi xoi một lỗ nhỏ sao không thấy dấu nối?
Chẳng hạn, nếu áo bị rách, sau khi vá xong sẽ
còn thấy vết
mạng trên đó. Cũng vậy, nếu tánh thấy của ông
tự nó bị cắt đứt bởi tường nhà rồi lại được nối liền lại, sao chẳng thấy chút dấu
vết nào? Lẽ ra chắc chắn phải có vết tích còn lại. Do vậy, nghĩa ông nói chẳng
đúng. Lý lẽ mà ông giả định là hòan toàn sai lầm.”
Kinh văn:
一切眾生從無始來,迷己為物。失於本心,為物所轉。故於是中觀大觀小.
Tất cả chúng sinh từ vô thuỷ
đến nay, mê mình là vật, lạc mất bản tâm, bị vật xoay chuyển, nên trong ấy xem
có lớn nhỏ.
Giảng:
“Tất cả chúng sinh từ vô thuỷ
đến nay, mê mình là vật.”
“Tất cả chúng
sinh” là bao gồm các loài sinh từ bào thai, sinh từ trứng, sinh từ nơi ẩn thấp,
và do hóa sinh,[3] các loài có sắc
tướng, không có sắc tướng, các loài có tưởng, các loài không có tưởng, loài chẳng
phải hữu sắc, loài chẳng phải vô sắc, loài chẳng phải hữu sắc, loài chẳng phải
vô sắc, loài chẳng phải hữu tưởng, loài chẳng phải vô tưởng.[4] Tất cả các loài
chúng sinh ấy đều quên mất chính mình và xem mình là vật. Họ không biết rằng
các vật ấy đều vốn là vật lưu xuất từ chân tâm. “Lạc mất bản tâm, bị vật
xoay chuyển. Chân tâm vốn chưa từng bị lạc mất, nhưng dường như họ bỏ quên
mất chân tâm. Họ không biết rằng họ vẫn còn có bản tâm. Thế nên chân tâm thường
trú đã bị vật xoay chuyển, thay vì vật bị xoay chuyển bởi chân tâm. Nên
trong ấy xem có lớn nhỏ. Ông xem xét rồi cho rằng tánh thấy là lớn rồi biến
thành nhỏ. Điều ấy chứng tỏ rằng ông hòan toàn điên đảo. A-nan, ông thật đáng
thương xót.”
Kinh văn:
若能轉物,則同如來。身心圓明,不動道場.
Nếu chuyển được vật,
tức đồng Như Lai. Thân tâm tròn đầy sáng suốt, là đạo tràng bất động.
Giảng:
“Nếu chuyển được vật, tức đồng
Như Lai. Nghĩa lý câu nầy như thế nào? Bị vật xoay chuyển có nghĩa là dính mắc với
bất kỳ cảnh vật bên ngoài nào mà ông gặp phải, bất kỳ hòan cảnh nào mà ông đang
ở trong đó, và bị kẹt dính trong đó. Ngay khi ông bị dính mắc, là ông bị chạy
theo vật. Tâm tánh của ông bị mất tự chủ và chạy đuổi theo cảnh vật bên ngoài.
Một khi đã chạy đuổi theo cảnh vật bên ngoài rồi thì càng chạy đuổi theo, càng
xa mục đích. Và càng xa mục đích, càng chạy đuổi theo. Cũng như khi quý vị bị lạc
đường, càng khó tìm ra lối về càng trở nên bực dọc, càng trở nên bực dọc, càng
đi xa lối về. Càng đi xa lối về, càng rơi vào con đường lầm lạc. Chạy theo vật
và bị vật xoay chuyển cũng có cùng ý nghĩa như vậy.”
Thế nào là ý nghĩa của “chuyển được vật?” Có
nghĩa là không chạy theo cảnh vật; mà thay vì vậy, khiến vật phải xoay chuyển
theo mình và chạy theo mình.
“Vật thì vô tri,” - quý vị nói - “Làm sao nó
chạy theo con được?” Nhưng vật hữu tình có thể chạy theo con người, và con người
chúng ta có thể chạy theo vật, vì chúng ta đều là sinh vật. Nhưng làm sao mà vật
có thể chạy được?
Đừng nên quá cứng ngắt trong kiến giải của
mình. Vật xoay chuyển quý vị, hoặc quý vị xoay chuyển vật; nếu quý vị không chạy
theo vật, thì vật sẽ bị xoay chuyển bởi quý vị: ý nghĩa ở chỗ nếu quý vị nhận
ra chân tâm, thì tất cả mọi cảnh giới bên ngoài chỉ là biểu hiện từ tâm. Nó chỉ
là vật hiện ra từ trong chân tâm quý vị. Vì nó là vật trong tâm quý vị, tại sao
quý vị còn muốn chạy theo nó nữa? Đừng chạy theo chúng nó nữa.
Cơ bản là vốn chẳng có sự phân cách giữa quý
vị và vật. Chuyển được vật có nghĩa là nhận ra mọi vật chỉ là lưu xuất từ tâm.
Bị xoay chuyển bởi hòan cảnh có nghĩa là “quay lưng lại với giác ngộ và hòa
nhập vào trần cảnh.[5]” Đi ngược lại với
giáo lý giác ngộ và tạo mối quan hệ với cảnh trần, với thế gian, đó là bị vật
xoay chuyển. Quay lưng lại với giác ngộ và hòa nhập vào trần cảnh là tạo mối
quan hệ với vật. Cũng như khi có người muốn mở một dịch vụ thương mãi mà không
có đủ vốn, và có người khác giúp đỡ bằng cách đề nghị mua chứng khóan. Khi quý
vị quay lưng lại với giác ngộ và hòa nhập vào trần cảnh, đó là cũng như thể quý
vị hùn chung phần với cảnh trần. Quý vị đã tham gia cùng với nó. Có nghĩa là
quý vị đã bị vật xoay chuyển. Nếu quý vị xoay chuyển được vật thì quý vị sẽ là
“quay lưng lại với trần cảnh và hòa nhập cùng giác ngộ.[6]” Quý vị khác hẳn
với những vật mà quý vị hiện đang nhìn thấy, quý vị tự tách biệt hẳn chúng và
hòa nhập cùng tánh giác. Cũng giống như khi quý vị xoay bàn tay mình. Lưng bàn
tay biểu tượng cho sự quay lưng lại với giác ngộ và hòa nhập vào trần cảnh. Lật
ngửa bàn tay biểu tượng cho sự quay lưng lại với trần cảnh và hòa nhập
cùng tánh giác. Chỉ là trở bàn tay. Đó là ý nghĩa chuyển được vật. Nếu quý
vị có thể chuyển được vật thì quý vị đồng với Như Lai. Tại sao Như Lai được gọi
là Như Lai? Vì Ngài đã hồi đầu thị ngạn. Ngài là Đấng hiểu biết chân
chánh, thế nên được gọi là Như Lai. Nếu quý vị đã nhận ra được chân tâm mình,
thì quý vị tức đồng Như Lai.
“ Làm sao mà thân tâm được tròn đầy
sáng suốt? Ông đã đạt được sự giác ngộ và có đồng thể tánh với Như Lai, thế
nên ông có được sự sáng suốt và hòan toàn viên mãn, là đạo tràng bất động.”
Thế nên bất kỳ quý vị ở đâu thì đó cũng là đạo tràng. Mọi nơi đều là Pháp thân.
“Đạo tràng” là nơi để công phu tu tập. Chẳng hạn như nơi Đức Phật ngồi dưới cây
bồ-đề, tu tập thiền định, được khai ngộ, nên gọi nơi đó là Bồ-đề đạo tràng. Nay
chúng ta đang ở trong Phật giáo Giảng đường, nên đây được gọi là Đạo tràng Phật
giáo Giảng đường. Nếu quý vị có thể chuyển được vật, thì bất kỳ ở đâu cũng là
Pháp thân. Bất luận quý vị ở đâu đều là như như bất động. Bất luận đi
đâu cũng là vô ngại. Bất luận đi đâu cũng là bất động đạo tràng. “Bất động” là
biểu thị cho một lọai định lực. Quý vị chuyển được vật vì quý vị có định lực,
là năng lực của Thủ Lăng Nghiêm đại định.
Kinh văn:
於一毛端,遍能含受十方國土.
Trên đầu mảy lông có thể chứa
trọn cả cõi nước trong mười phương .
Giảng:
“Trên đầu mảy lông” , không chỉ đề cập
đến tóc trên đầu mà còn cả lông trên thân. Nó có thể chứa trọn cả cõi nước
trong mười phương.” Các cõi nước khắp mười phương đều có thể chứa trọn trên
đầu một mảy lông. Một điểm nhỏ như thể lại chứa được cả mười phương cõi nước.
Quý vị có thể nói được những cõi nước nầy rộng lớn như thế nào không?
“Tôi không tin nghĩa lý nầy được.”- Quý vị
nói - “Sợi lông nhỏ của tôi còn không thể chứa nổi một người, huống gì cả mười
phương cõi nước. Nói gì đến một người, nó còn không thể chứa nổi một phần tử nhỏ
bé của vật nào đó. Làm sao nó có thể chứa được cả mười phương cõi nước?”
Đơn giản
đó là sự vi diệu của Phật pháp. Sự không liễu đạt Phật pháp của quý vị nằm ở
đây. Dù trên đầu mảy lông là nhỏ, nhưng cái nhỏ lại chứa đựng được cái lớn.
Trong cái nhỏ ấy có thể hiện ra cảnh giới các cõi nước khắp mười phương. Nếu
quý vị khai được Phật nhãn, quý vị thấy được cảnh giới nầy rất rõ ràng. Quý vị
đã có được thần thông, lực dụng bất khả tư nghì. “Trong cái nhỏ hiển bày cái lớn.[7]” Chỗ tuy nhỏ,
nhưng có thể hiển bày cảnh giới rộng lớn vô cùng. Sao vậy? Vì quý vị có đồng thể
tánh với Như Lai. Như Lai có thể:
Ư nhất mao đoan
hiện bảo vương sát
於 一 毛 端 現
寶 王 刹
Toạ vi trần lý
chuyển đại pháp luân.
坐 微 塵 裡 轉
大 法 輪
Trên đầu
mảy lông hiện ra vô số bảo vương quốc độ.
Ở
trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân.
Vi diệu của Phật pháp là như vậy.
[1] Bản của Vạn Phật Thánh Thành chép là 祇. Ở
đây chúng tôi dựa vào bản của Đại Chính tân tu Đại tạng
kinh (T19n0945_p0111c10).
[2] Già-lam 伽 藍; C: qiélán; J: garan. E: Sublime
abode; Monastic ground. Gọi tắt của Tăng-già-lam-ma (僧
伽 藍 摩;
s: saṃgha-ārāma), nghĩa
là khu vườn của chúng tăng, “Chúng viên”. Là nơi thanh tịnh để tu
tập thiền định. Chùa hay Tu viện Phật giáo.
[3]Tứ sinh: Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hoá sinh.
[4] Thập nhị loại sinh: Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hoá sinh, hữu
sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu sắc, phi vô sắc, phi hữu tưởng, phi
vô tưởng.
[5] Bối giác hiệp trần 背 覺 合 塵.
[6] Bối trần hiệp giác 背 塵 合 覺.
[7] Tiểu trung hiện đại.
0 Kommentare:
Post a Comment