Cũng thế, ngài không bố thí kinh thành của mình cho những người có dã tâm tổn hại, làm đau khổ và gây xung đột cho cuộc đời, trái lại ngài sẽ cho đến những người sáng suốt lương thiện hộ quốc an dân bằng chánh pháp.
Một góc nhìn từ văn học
Pali
Thích Thanh Hương
Luận tạng Pali (Pali atthakatha) là một bộ phận rộng lớn
của văn học Pali Phật giáo. Chữ Atthakatha có nghĩa là “giải thích ý nghĩa” hay
“lời chú thích, lời dẫn giải” và nó có thể được đề cập đến như các luận thư có
tính cách dẫn giải về các kinh điển thuộc Tam tạng Pali. Chủ đề chính của nó,
do vậy, là giải thích những thuật ngữ khó và các khái niệm trừu tượng của giáo
lý xuất hiện trong các kinh điển đồng thời cho thêm những thông tin chú giải
khi cần thiết.[1]
Với lý do đó, Atthakatha thường được coi là bộ Bách khoa Phật học vĩ đại. Chúng
ta có thể tìm thấy từ kho tàng quý báu này mọi giải thích về các thuật ngữ Phật
học, các khái niệm có tính triết lý về Tam Tạng giáo điển; bởi mỗi bộ kinh
trong tam tạng đều có các bộ chú giải của riêng nó.
Khái niệm
Ba-la-mật không chỉ nổi tiếng đối với Phật giáo đại thừa trong mục đích hoàn
thành giác ngộ mà còn được lý giải và thực hành bằng hầu như cùng một cách
trong Phật Giáo Thượng Tọa Bộ đặc biệt nó liên hệ tới nền văn học Pali. Về mặt
lịch sử, trong quá trình phát triển, có nhiều điểm tranh cãi và không đồng tình
với nhau giữa hai truyền thống này đặc biệt khi Đại Thừa phát triển nhiều khái
niệm mới như khái niệm và con đường của Bồ-tát đạo với rất nhiều phương tiện
quyền xảo (upayakasalya), cái mà
trông có vẻ như đi quá xa với giáo lý chánh thống của đức Phật theo trường phái
Thượng Tọa bộ. Tuy vậy, người ta bảo rằng trong chính các luận thư Pali, có sự
đồng tình về giáo lý giữa hai truyền thống. Do vậy, việc tìm hiểu các luận thư
Pali là rất quan trọng để có thể tìm thấy những giáo nghĩa đích thực của Phật
giáo giữa những sự đồng tình chung. Để hiểu thêm về luận điểm này, chúng ta hãy
tìm hiểu khái niệm ba-la-mật được đề cập đến trong văn học Pali. Trong đây
chúng ta sẽ dựa trên tác phẩm danh tiếng “Thanh Tịnh Đạo Luận” của ngài Phật Âm
(Buddhaghosa) và cuốn “Luận Giải Về
Ba-la-mật” của Bikkhu Bodhi để làm sáng lên ý nghĩa này.
2. định nghĩa Ba-la-mật trong các luận thư
Trong tiếng
Pali, chữ Pāramitā có nghĩa là
sự toàn vẹn, sự hoàn hảo, trạng thái cao nhất. Đó là các pháp được coi như là
sự hoàn mãn hướng tới Phật quả và được mô tả trong nhiều câu chuyện Bản Sinh (Jatakas). Các câu chuyện tiền thân này
nói về việc làm thế nào một vị Bồ-tát thực hành và phát triển các Ba-la-mật để
hoàn thành các phẩm hạnh của ngài trong các kiếp sống quá khứ hướng đến đạo quả
vô thượng bồ đề (sammasambodhi). Các
Ba-la-mật, do đó, được coi là điều kiện tiên quyết cho những ai muốn trở thành
một đức Phật. Trong nền văn học Pali về sau, các Ba-la-mật này đã được phân
nhóm lại và được biết đến một cách phổ quát như là mười sự hoàn mãn, những pháp
môn thực hành viên mãn về mười phẩm chất của một vị Bồ-tát (bodhisatta), những chúng sinh (satta) hướng tới đạo quả bồ đề (bodhi). Theo đó, vô thượng chánh đẳng
chánh giác hay sự khám phá lý Tứ đế không phải một điều được thực hiện duy nhất
bởi một người hay là sự kiện không thể lặp lại trong thế gian. [2]
Mà nó là một sự đạt chứng mở ra đối với tất cả mọi người, những ai háo hức nỗ
lực hướng đến sự thanh tịnh tuyệt đối, trí tuệ siêu việt nhất, với một ý chí
không mỏi mệt đối với sự thực hành các Ba-la-mật.
Các Ba-la-mật
này là : Bố Thí (Dàna), Trì Giới (Sìla), Xuất Ly (Nekkhamma),
Trí Tuệ (Pannà), Tinh Tấn (Viriya), Nhẫn Nại (Khanti),
Chân Thật (Sacca), Quyết Ðịnh (Adhìtthàna), Tâm Từ (Mettà),
và Tâm Xả (Upekkhà).
Các Ba-la-mật
này được diễn tả chi tiết và được thực hành một cách riêng biệt bởi một vị
Bồ-tát, vốn được chỉ cho chính đức Phật Cồ Đàm (Gotama) ở trong các kiếp quá khứ
của mình, và chúng thường được hoàn thiện từng cái một. Mỗi câu chuyện tiền
thân sẽ diễn tả về một sự thực hành đến trọn vẹn một Ba-la-mật. Tuy nhiên,
trong các luận thư, từ Bồ-tát được dùng cho tất cả những hành giả và để cho rõ
ràng dễ hiểu hơn, các Ba-la-mật được giải thích một cách triết lý và lô-gic hơn
với nhiều góc nhìn thú vị. Đây là một đặc điểm của các luận thư trong Phật học.
Ba-la-mật được hệ thống hóa với các chú thích và hướng dẫn để thực hành, nhờ đó
người đọc biết được rằng bằng cách nào các Ba-la-mật được hoàn thiện và các
điều kiện trợ duyên của nó. Vậy phương cách thực hành và trợ duyên của chúng
như thế nào?
3. Các Ba-la-mật và Phạm Hạnh (Brahmaviharas)
Trong luận tạng,
Ba-la-mật thường được gắn kết với sự thực hành các phẩm chất siêu việt (Brahmaviharas) được biết đến như là bốn
tâm Vô Lượng (Sanskrit: apramana). Thanh Tịnh Đạo Luận mô tả rằng thông
qua việc tu tập bốn tâm vô lượng – từ (metta), bi (karuna), hỷ (mudita) và xả
(uppekkha) – người ta có thể đạt đến mười sự hoàn thiện này[3].
Luận nói, một Bồ-tát, khi quan tâm đến sự phúc lạc của các chúng sinh thì không
thể chịu nổi các nỗi khổ của chúng sinh; mong muốn kéo dài các thành công mà
chúng sinh đã có và không thiên vị đối với chúng sinh, ngài (1) bố thí (dāna) cho chúng sinh không với sự phân
biệt so đo nào, để họ có được an vui; để tránh làm hại các chúng sinh (tesam upaghātam parivajjayantā) các ngài
(2) giữ gìn giới luật (sila); (3)
thực hành sự xả ly (nekkhamma) để đưa
giới đến sự toàn hảo (silaparipuranattham);
(4) thanh tịnh hóa trí tuệ của mình (paññampariyodapenti)
với mục đích là hiểu rõ những gì có lợi lạc và bất hại đối với chúng sinh; (5)
thường xuyên dấy khởi sự tinh tấn (viriyam
arabhati) vì hạnh phúc và an vui của chúng sinh (sattanam hitasukhatthaya); (6) dù có trở thành các anh hùng thượng
tôn của mọi người thông qua sự nỗ lực lớn, tâm ngài vẫn đầy sự nhẫn nại và
khiêm cung (khanti) đối với mọi tội
lỗi của chúng sinh (nanappakkaram
aparadham khamanti); (7) một khi thệ nguyện bố thí hoặc làm một điều gì
ngài không hề lừa dối (sacca); (8) vì
hạnh phúc và an vui của chúng sinh mà làm việc với sự quyết tâm kiên định (aviccaladhitthana); (9) bằng từ tâm
không lay chuyển (metta) ngài cứu
giúp chúng sinh và; (10) bằng sự bình đẳng tuyệt đối (upekkha) ngài không mong chờ bất cứ sự đền đáp nào (paccupakaram nasimsanti).
Tứ phạm hạnh
được giải thích riêng biệt trong mỗi một chương riêng trong Thanh Tịnh Đạo Luận
với phương pháp tu tập từ từ, từng bước một, cho đến khi chúng đạt đến sự Vô
lượng. Chúng thường được thực hành lần lượt mỗi một phạm hạnh và áp dụng trước
hết đối với chính người đó, ước muốn chính mình được sống an lành, và rồi đối
với những người xung quanh, vân vân, cho đến với tất cả mọi người trên thế
gian, và đối với mọi chúng sinh trong khắp vũ trụ. Trong khi đó, ở trường hợp
này, sự thực hành tứ phạm hạnh, lại được mô tả ở vào giai đoạn cuối cùng; đó là
quan tâm tới an vui và hạnh phúc của tất cả chúng sinh với những hành động thực
tế. Do đó ta có thể thấy rằng động lực thúc giục bên trong của trái tim thương
yêu (karuna) được coi là cốt tủy của
các Ba-la-mật và chính tự thân các Ba-la-mật là các hành động được thể hiện qua
thân của Karuna. Song nếu các Ba-la-mật được coi như là các hành động thực tế
thì chúng phải có một số các điều kiện để hoạt dụng mà chúng ta bàn tới dưới
đây.
4. Niềm khát vọng (nguyện lực - abhinihara)
Điều kiện tiên
quyết cho các pháp Ba-la-mật, trước hết là nguyện lực lớn hay niềm khao khát vô
biên (abhinihara), đó có nghĩa
là kiên quyết thành tựu Phật quả và có tám điều kiện trợ duyên phải hoàn thành
(Buddhavamsa.p.59)[4].
Điều kiện này tương tự như khái niệm Bồ đề tâm trong Đại thừa Phật giáo khi nó
chính là trái tim của lý tưởng Bồ-tát đạo. Bồ đề tâm (bodhicitta) một
mặt được biết đến như là khao khát lớn đạt đến Phật quả và mặt khác là tình
thương yêu rộng lớn cứu độ mọi loài chúng sinh khỏi nỗi khổ trong vòng sinh tử.
Nguyện lực này, như được mô tả trong Cariya-atthakatha, được hỗ trợ bởi
tám phẩm tính[5],
và nó được diễn tả như sau: “Vượt qua tôi đã vượt qua, giải thoát tôi đã thành
tựu, thuần thục tôi đã thuần thục, an tịnh tôi đã an tịnh, nhu nhuyến tôi đã
thành tựu, niết bàn tôi sẽ thành tựu niết bàn, người đã thành tựu thanh tịnh
tôi sẽ thành tựu thanh tịnh, người đã giác ngộ tôi sẽ thành tựu giác ngộ!” Đây
là trợ duyên cho tất cả các Ba-la-mật mà không có ngoại lệ nào.
Cũng giống như
nguyện lực, tâm đại bi (mahakaruna) và phương tiện thiện xảo (upayakosalla) cũng là các điều kiện
cho sự thực hành các Ba-la-mật. Một lần nữa, các luận thư của Cariyapitaka
đã có một giải thích dài và đầy tính phương pháp luận về các Ba-la-mật. Theo
đó, các Ba-la-mật là những phẩm tính được tu tập cùng với đức từ bi như là
phương tiện để đạt đến sự thành thục. Khi các phẩm chất này hoàn mãn và được
nắm giữ bởi các Bồ-tát, chúng được xem như là sự siêu việt (parama). Do đó các Ba-la-mật có thể được
miêu tả như các phẩm tính được tu tập cùng với lòng từ bi hướng tới tất cả các
chúng sinh mà không bị chi phối bởi các động cơ vị kỷ đồng thời không bị vẩn
đục bởi các niềm tin sai quấy của các độc tố tham lam (tanha), ngã mạn (mana) và
tà kiến (ditthi) v.v. Vị Bồ-tát đang
thực hành các pháp Ba-la-mật này xuyên suốt những chuỗi dài vô số đời sống nỗ
lực đoạn trừ khổ đau, tôn kính ngay cả đối với những người khốn khổ và những
người thấp hèn, để giúp đỡ người cần cứu độ bằng mọi cách có thể với phương tiện
thiện xảo. Trái tim của ngài đầy tình thương và ngài không bị thúc giục bởi một
sự tham đắm vào quyền lực hay các sở hữu thế tục. Danh dự hay sự hủy báng không
còn là những đối tượng có thể làm lay động tâm tư của ngài nữa bởi chúng chỉ là
huyễn tướng không hơn không kém.
Bởi chỉ thuần
một nguyện ước hướng đến giác ngộ, hành giả thực hành pháp Ba-la-mật tu tập bố
thí, trì giới, nhẫn nhục, v.v., bằng cả sự nhiệt tâm của mình. Chẳng hạn như sự
thực hành bố thí Ba-la-mật, Cariyapitaka đã ghi chép một cách đầy lý thú về
cách mà vị Bồ-tát thực hành nó với một niệm duy nhất là hướng về quả vị bồ đề:
Bằng sự bố thí thức ăn ngài ước muốn cung cấp cho người nhận sự trường thọ (āyu), sắc đẹp (vanna), hạnh phúc (sukha),
sức khỏe (bala) và trí tuệ (pañña). Ngài cho người khát thức uống (pāna) để họ chấm dứt cơn khát của dục
vọng; bố thí quần áo để họ đạt tới hổ thẹn, sợ hãi đối với tội nghiệp; bố thí
phương tiện đi lại để họ tu tập các sức mạnh nội tâm; bố thí các hương thơm để
họ thành tựu hương thơm của giới (sila);
bố thí tràng hoa và mỹ phẩm v.v., để họ đạt đến sự huy hoàng sáng chói của các
phẩm tính của Phật; bố thí chỗ ngồi để có được chỗ ngồi của đấng giác ngộ; bố
thí chỗ ở với các tiện nghi để chúng sinh đạt đến một nơi nương tựa của thế
gian; bố thì đèn sáng để đạt tới năm loại mắt[6];
bố thí sắc thân để có được sắc tướng của đức Phật; bố thí âm thanh để tu tập
giọng nói thanh thoát của phạm thiên; bố thí mùi vị để thể hiện sự tôn quý của
mình đối với thế gian; và bố thí các vật chất để thành tựu sự đoan nghiêm thân
Phật. Ngài bố thí thuốc men nhờ đó về sau có thể đạt đến sự không già không
chết của Niết Bàn. Vị Bồ-tát bố thí cho các nô lệ món quà tự do nhờ thế về sau
giải thoát chúng sinh khỏi sự nô lệ cho phiền não, sự áp chế của dục vọng; từ
bỏ con cái để phát triển tình thương của cha mẹ đối với tất cả chúng sinh; từ
bỏ thê thiếp để trở thành bậc thầy của thế gian; từ bỏ cung vua để đạt đến kinh
thành của giác ngộ. Ngài bố thí các quà phẩm như vàng bạc, ngọc trai, san hô,
v.v., để đạt đến các hảo tướng của một Đại nhân (32 hảo tướng và 80 vẻ đẹp của
thân Phật).
Để hoàn thiện
các phẩm chất siêu việt này, tất cả các Bồ-tát khi thực hành bố thí Ba-la-mật
quán chiếu trên ba phương diện, đó là, không có người bố thí, không ai nhận của
bố thí và không có vật được đem ra bố thí. Nhờ đó họ có thể thực hành năm sự từ
bỏ lớn (mahā-pariccāya) về bố thí vợ,
con, kinh thành, đời sống và sinh mạng[7],
những thứ được yêu cầu cho. Nếu có một đối tượng có giá trị mà có thể được cho
đi và một người muốn xin, không một khoảnh khắc do dự, ngài liền mạnh dạn trao
cho, kính trọng người xin cứ như thể mình là một người không có tiếng tăm gì.
Tuy nhiên, vị Bồ-tát sẽ không bố thí vợ, con cái, các nô lệ, người làm, người
giúp việc của mình trong trường hợp họ chưa sẵn sàng muốn đi mà đau buồn khổ
sở. Ngài sẽ không bố thí các đối tượng này đến với những ai xin để cho yêu tinh
ăn thịt, các loài quỷ, ma quái hay người có tâm địa ác độc. Cũng thế, ngài
không bố thí kinh thành của mình cho những người có dã tâm tổn hại, làm đau khổ
và gây xung đột cho cuộc đời, trái lại ngài sẽ cho đến những người sáng suốt
lương thiện hộ quốc an dân bằng chánh pháp.
5. thứ tự các Ba-la-mật
Trong luận giải
của Cariyapitaka một vấn đề được đặt ra là thứ tự các Ba-la-mật như thế nào để
làm sáng tỏ lý do tại sao chúng phải nên theo thứ tự đó mà không phải theo thứ
tự khác. Thứ tự các Ba-la-mật được miêu tả ở trong luận thư Thượng Tọa Bộ gần
như trùng hợp với Đại Thừa.[8]
Luận thư này nói, “thứ tự của nó xuất hiện với một trật tự mà trong đó các
Ba-la-mật bắt đầu được thực hành, các pháp Ba-la-mật đến lượt lại bắt nguồn
theo một trật tự mà trong đó chúng được quán sát. Phẩm chất được quán sát và
thực hành đó đã được chỉ dẫn ngay từ khi mới khởi đầu. Theo đó, bố thí được đặt
ở trước tiên, bởi vì bố thí dễ dàng thực tập và có công năng hỗ trợ (việc phát
triển) trì giới. Bố thí được hỗ trợ bởi giới rất có hiệu quả và lợi lạc, vì thế
trì giới được đặt ngay sau bố thí. Trì giới được hỗ trợ bởi sự xả ly… xả ly
được hỗ trợ bởi trí tuệ … trí tuệ bởi tinh tấn, tinh tấn bởi nhẫn nhục, nhẫn
nhục bởi chân thật, chân thật bởi quyết định, quyết định bởi từ bi và từ bi
được hỗ trợ bởi sự bình đẳng. Như thế bình đẳng được đặt ngay sau từ bi. Bình
đẳng được hỗ trợ bởi từ bi và từ bi bởi bình đẳng.”[9]
Giáo sư T. Endo trong cuốn sách
của mình[10]
cho rằng số lượng các Ba-la-mật khác nhau theo các nguồn và chúng có khi là bốn
hoặc năm hoặc sáu hoặc mười. Về cơ bản,
các Ba-la-mật được cho là 10 về số lượng trong truyền thống Theravada. Tuy
nhiên, Luận sư Pháp Hộ (Dhammapāla) nói rằng sáu Ba-la-mật thường được đề cập đến
trong Đại thừa tương đương với danh số mười pháp trên, và mười pháp này có thể
được giản lược thành sáu như danh số của đại thừa. Khi Dhamapala nói: “Hệt như
mười Ba-la-mật trở thành ba mươi thông qua việc phân tích, thì chúng trở thành
sáu pháp thông qua tính chất đặc thù của chúng: như bố thí, trì giới, nhẫn nhục,
tinh tấn, thiền định và trí tuệ.” Ngài còn nói thêm, “khi cách này được chấp nhận,
Xả Ly Ba-la-mật, như là sự từ bỏ để sống đời sống không gia đình, được gồm thâu
trong Trì giới Ba-la-mật; hay sự xả bỏ các chướng ngại trong thiền định Ba-la-mật;
và như một phẩm chất tốt đẹp phổ quát, trong tất cả sáu Ba-la-mật.”[11]
Theo đó trong danh sách của Pali thì có sự buông xả (nekkham) thay cho thiền định (dhyāna)
trong khi đó Phương tiện thiện xảo (ūpaya),
Lực (bala) và Trí (jñāna) được thay thế bằng sự Chân thật (sacca), Bi (metta) và Bình đẳng (upekkhā).
Dù các Ba-la-mật căn bản có số
lượng là mười, các luận thư vẫn chấp nhận cách giải thích thành ba mươi về số
lượng. Đó là : mười Ba-la-mật (paramī),
mười Ba-la-mật cao hơn (upāparamī),
và mười Ba-la-mật tối hậu (paramatthapārami).
Bảng liệt kê này là một con số đặc thù của văn học Pali với nhiều cách giải
thích khác nhau. Một số cho rằng chúng tương ứng với bản chất của các phẩm chất
của chúng như theo thứ tự sự tối tăm (kanhadhamma),
sự sáng sủa (sukkhadhamma) và không
phải tối cũng không phải sáng. Số khác lại cho rằng ba cấp độ các Ba-la-mật được
hoàn thiện bởi vị Bồ-tát ở trong ba thời kỳ khác nhau, đó là, giai đoạn sơ khởi,
giai đoạn trung gian và giai đoạn cuối cùng, v.v. Trong khi Cariyapitaka
Atthakathā cho rằng chúng (apare) thật
ra chính là giai đoạn khởi đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn kết thúc của một Ba-la-mật
để tương thích với các giai đoạn của sự xác quyết, thực hành và hoàn mãn.[12]
6. Ba dạng Ba-la-mật
Các Ba-la-mật
thông thường được biết đến như sự thực hành của một hành giả hướng đến Phật quả
mà thôi. Tuy nhiên các pháp này vẫn có thể được thực hành bởi bất cứ ai đang
dấn thân vào một cấp độ nhất định hướng đến sự giác ngộ tùy theo nguyện ước của
họ. Trong một bài báo khác[13],
Giáo sư Endo tìm thấy trong Dhammapada-atthakatha rằng yếu tố quan trọng trong
giáo lý về các Ba-la-mật của luận tạng là chính bộ luận này đặc biệt ám chỉ tới
sự thành tựu các Ba-la-mật của các đệ tử đức Phật cả xuất gia cũng như tại gia
như hai đai đệ tử Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên (Moggallāna) etc., rồi thân mẫu
của Phật cũng được cho là đã thành tựu các Ba-la-mật trong khoảng thời gian một
trăm ngàn kiếp (kappa) cũng như trong
trường hợp của các thánh đệ tử như Ananda, Patācārā, v.v.. Điều này giả định
rằng sự thành tựu các Ba-la-mật không nhất thiết là điều kiện duy nhất cho
những người hướng tới Phật quả mà thôi. Vì lý do đó mà luận thư phân tích có ba
hạng Bồ-tát (bodhisatta); đó là
mahābhodhisatta, paccekabodhisatta và sāvakabodhisatta được nêu ra trong
Theragathā-atthakatha (ThagA I 9-12) có liên hệ tới sự hoàn thành các Ba-la-mật
với các hạng Ba-la-mật tương ứng là paramitas hoặc pāramī, upapāramī và
paramatthapāramī như được nêu trên. Đây là một phát hiện thú vị khi các loại
Ba-la-mật trên có liên hệ tới ba dạng giác ngộ, đó là, savakasambodhi,
pratyekasambodhi, và sammasambodhi tương ứng. Đây chính là điểm đặc biệt của các
luận thư Theravada khi sự thực hành các Ba-la-mật tương thích với các mức độ
giác ngộ khác nhau.
Trong truyền
thống đại thừa, các Ba-la-mật chỉ được thực hành bởi các vị Bồ-tát những người
hướng tới Phật quả mà thôi,[14]
điều này có nghĩa là các quả vị khác là không rốt ráo và nó đi đến một sự dung
hợp rằng có ba dạng giác ngộ nhưng chỉ có Phật thừa (Buddhayāna /ekayāna) mới
thật sự được nhấn mạnh nhất như đề cập trong kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarika
sutra). Tuy nhiên chừng nào các Ba-la-mật được thực hành bởi mọi người, chừng
đó không có sự phân biệt giữa các cấp bậc tu tập hay nói cách khác chỉ có một
con đường duy nhất hướng đến giác ngộ viên mãn, đó là sự thực hành các pháp
Ba-la-mật. Văn học Pali cũng đi đến cái nhìn này vậy.
7. kết luận
Qua những trình
bày trên chúng ta có thể đi đến một số kết luận. (1) Pháp môn thực hành các
Ba-la-mật trong luận tạng là một pháp môn thù đặc khá khác biệt với sự giải
thích trong các chuyện bổn sinh (Jataka) hay các kinh điển Pali khác. (2) Thuật
ngữ Bodhisatta dùng trong luận tạng không riêng chỉ cho bất cứ một người đặc
biệt nào mà được dùng để chỉ cho mọi người, những ai tu tập các Ba-la-mật. (3)
Các luận thư do đó giải thích và phát triển cách thực hành các Ba-la-mật một
cách chi tiết cho những ai có ước nguyện thành tựu Phật quả.
Theo đó, thuật
ngữ paramita được hiểu một cách đặc trưng bằng ba dạng tương ứng với ước nguyện
thành tựu của các hành giả thấp, trung bình hay cao hơn hướng tới các cấp bậc
giác ngộ tương ứng với các hạng chúng sinh phát tâm cầu đạo Bồ-đề. Tuy nhiên
một điểm cần chú ý là chính đức tính Từ (karuna) và Bi (metta) đối với các
chúng sinh đau khổ cùng với nguyện ước hướng đến giác ngộ vô thượng được chú
trọng cho sự hoàn thành các Ba-la-mật cũng chính là tinh thần của Đại Thừa nhấn
mạnh và kết tinh sự thực hành Ba-la-mật trong lý tưởng Bồ-tát đạo. Từ đó chúng
ta có thể kết luận rằng khái niệm về Ba-la-mật trong Thượng tọa bộ có một sự
tương đồng với văn học Đại Thừa. Hay nói cách khác, giác ngộ vô thượng của Phật
đạo là đích đến cuối cùng của tất cả các hành giả không kể người đó là ai.
Chú thích:
[1] Lal Hazra, Kanai, Pali
Language and Literature, D.K.PRINTWORLD (P) Ltd, India 1998, p. 479
[2] Đây là ý kiến trước đây của Tiểu Thừa cho rằng các thanh văn đệ tử
Phật thì không thể thành Phật. W.G. Weeraratne, Encyclopedia of Buddhism, Vol.
VII, Published by Government of Sri Lanka 2003, p. 312
[3] Ñānmoli, The Path of
Purification, Chapter IX, Description Of Concentration – the Divine Abiding
(brahmavihāra-niddesa), p. 352-353
[4] Encyclopedia of Buddhism, vol. III, Published by Government of Sri Lanka
1971, p. 228
[5] (1) Được làm người (manussatta) (2) Làm người nam (Iingasampatti)
(3) Nhân (hetu) (4) Có tướng làm Thầy (sattharadassana)
(5) Tinh tấn (pabbajja) (6) Thành tựu các thánh pháp (gunasampatti)
(7) Thiền định thâm sâu (adhikara) (8) Ước nguyện dõng mãnh (chandata).
[6] Nhục nhãn - mamsa cakkhu,
Tuệ nhãn - nana cakkhu, Thiên nhãn - dibba cakkhu, Phật nhãn - Buddha cakkhu và con mắt của Nhất thiết
trí - samata cakkhu
[7] Bodhisattva, Encyclopedia
of Buddhism, p. 228
[8] Kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarika) liệt kê sáu ba-la-mật: Bố
Thí (Dāna
paramita), Trì Giới (Śīla
paramita), Nhẫn Nhục (Kṣānti
(kshanti) paramita); Tinh Tấn (Vīrya
paramita); Thiền Định (Dhyāna paramita); Trí Tuệ (Prajñā
paramita). Kinh Thập Địa (Dasabhumika Sutra) liệt kê thêm bốn Pháp
ba-la-mật nữa : Phương tiện (Upāya paramita), Nguyện (Praṇidhāna (pranidhana) paramita), Lực (Bala paramita) và Trí (Jñāna
paramita).
[9] Bhikkhu Bodhi, http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/bodhi/wheel409.html September 31 2011
[10] Endo, Buddha in Theravada
Buddhism: A Study of the concept of buddha in the Pali Commentaries, Dehiwala, Sri
Lanka, 1997, p. 269
[11] Bhikkhu Bodhi, http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/bodhi/wheel409.html September 31 2011
[12] Endo Toshiichi, Buddha in
Theravada Buddhism: A Study of the Concept of Buddha in the Pali Commentaries,
Dehiwala, Sri Lanka, 1997, pp. 272, 273
[13] Dammapala’s Contribution to Theravāda Buddhism: With Special
Reference to the Concept of Buddha
[14] Cụm thuật ngữ Phật Học Hán Việt “修諦緣度”
Tu Đế Duyên Độ nhằm phân biệt các Pháp tu của ba thừa : Thanh Văn với pháp môn
Tứ đế, Duyên giác với pháp môn Thập nhị nhân duyên và Bồ Tát với pháp môn đặc
thù Lục Độ hay Lục Ba-la-mật.
0 Kommentare:
Post a Comment