Pages

28 January 2014

Cúng Dường – Hiểu Sao Cho Đúng?



"Nhân dịp xuân về có biết bao điều chúng ta cần phải nhìn lại, thức tỉnh và ước nguyện. Tuy nhiên nếu chúng ta không cùng nhau nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo, tất những sự hiểu lầm của năm cũ sẽ mãi còn tồn đọng và một năm mới đến sẽ còn có những sự không vừa ý với nhau..."




- Bác ơi! Bác làm ơn cho cháu hỏi: Đĩa hoa quả cháu để cúng Phật ở chỗ kia, đâu mất rồi hả bác?
- Cô ơi! Đĩa bánh cháu đem đến để cúng  Phật, vừa rồi còn trông thấy, nhưng bây giờ cháu quay lại lấy lại không thấy đâu nữa?
- Chị ơi! Những đồ chay em mang đến từ nhà để cúng Phật, sao bây giờ không thấy đâu nữa hả chị?
- Chú! Chú làm ơn cho tôi  hỏi: Đồ tôi cất công làm từ nhà, rồi mang tới đây để làm lễ, cúng Phật, định bụng sẽ xin về cho người nhà dùng, sao bây giờ mất tiêu rồi hả chú?
- Em, cho chị hỏi: Đồ mang đến đây cúng, có được lấy lại, mang về nhà không?
- Kỳ cục quá đi! Đồ tôi mang cúng Phật, tôi vừa ra ngoài một chút thôi, trở lại đã thấy mấy tiêu rồi.
- Ơ, đĩa bánh trái, hoa quả tôi để đây, đâu mất rồi? Chị ơi, có biết ai lấy đĩa bánh và hoa quả của em không chị? v.v...

Trên đây chỉ là một trong vô số những câu hỏi tương tự, cùng những cử chỉ, lời nói khá bức xúc được đặt ra từ những người „bị mất đồ“ Cúng Dường Phật.

Nếu để ý đôi chút chúng ta sẽ nhận thấy, thông thường và đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết các Phật tử có tâm thường hay mua hương, hoa quả, hoặc mua, hoặc tự làm bánh trái, đồ chay... rồi mang đến chùa, tịnh xá, thiền viện, niệm Phật đường... để cúng Chư Phật, Chư Bồ Tát và Chư Tăng. Hẳn ai ai cũng đinh ninh (mang trong lòng) một mối hy vọng: Phật, Bồ Tát sẽ hiển linh, sẽ chứng minh cho tấm lòng thành của mình, mà gia hộ cho mình, cho thân quyến... của mình bước sang một năm mới có một cuộc sống thịnh đạt, sung túc và bình an hơn...

http://media.thethaovanhoa.vn/2012/02/04/10/45/Dinhchua.jpg
 Ảnh chỉ mang tính minh hoạ (Nguồn: NET)

Trong những ngày rằm, mùng một, hoặc các ngày Lễ lớn như Phật Đản, hay Vu lan, các Phật Tử đi lễ chùa, mua hương hoa, trà quả về cúng chùa là một điều đáng quý, đáng trân trọng lắm rồi. Tuy nhiên nếu chúng ta không để tâm tìm hiểu kỹ về ý nghĩa đích thực của việc Cúng Dường Chư Phật, tất sẽ có nhiều điều hiểu lầm trong nội tâm xảy ra, từ đó sẽ khiến cho tâm của chúng ta – những người phát tâm đến Cúng Dường Chư Phật (Chư Bồ Tát, Chư Tăng) thêm bức xúc và có những hoài nghi về việc ý nghĩa của việc Cúng Dường cũng như việc làm của chính mình.

Để hiểu rõ ngọn ngành sự việc, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu đôi chút về cụm từ Cúng Dường.
Cúng Dường là gì? Tại sao chúng ta – những người Phật tử lại phải năng làm việc đó; ý nghĩa đích thực và lợi lạc của việc Cúng Dường?

Cúng Dường có nguồn gốc từ hai từ Cung Dưỡng. Cung Dưỡng hiểu giản đơn là sự cung cấp,  nuôi dưỡng. Trước khi thành Phật, Đức Phật là Thái Tử Sĩ Đạt Ta, Ngài rời bỏ cung điện, từ chối ngôi vua, đi vào rừng sâu, một lòng tìm đạo. Ngài chỉ sống bằng sự bố thí cúng dường của những người hảo tâm. Chư Tăng là những đệ tử Ngài cũng theo hạnh của Ngài, đi trì bình khất thực. Ðức Phật dạy cho các Phật tử tại gia có 4 loại vật bố thí để tạo nên phước thiện, gọi là tứ vật dụng cần thiết đối với bậc xuất gia. Bốn loại vật người Phật tử nên thực hành Bố Thí là: Y phục (Y áo, giày, dép…); Vật Thực (đồ ăn, thức uống); Chỗ ở (xây cất am cốc, bệnh xá, chùa, thiền viện…) và thuốc Trị Bệnh.

https://giacngo.vn/UserImages/2012/09/03/11/IMG_8010.JPG
Ảnh mang tính minh hoạ (Nguồn: NET)
 
 Cúng Dường còn mang một ý nghĩa cao đẹp hơn: Cúng dường là một hình thức của sự bố thí. Hạnh Bố Thí là hạnh đầu trong 6 hạnh của Bồ tát ( Lục Độ). Trong đạo Phật Bố Thí là tạo cho chúng ta xả bớt Xan-Tham; biết san sẻ, giúp đỡ, yêu thương người khác, thay vì luôn toan tính, bỏn sẻn, thu gom, làm lợi lạc cho chính mình (Hạnh Bố thí  có thể chữa lành  bệnh tham lẫn). Những người hiện nay giàu có, dư ăn dư để là do kết quả của nhân đời trước đã cúng duờng, bố thí nhiều.
Cúng dường là tạo một cơ duyên với Tam Bảo. Ai tạo được cơ duyên với Tam Bảo sẽ dễ được
hóa độ (vì trong kinh có câu: Phật hóa hữu duyên nhơn).
Muốn tiến bộ trên con dường tâm linh, người Phật tử nên thường hành hạnh bố thí.

Trở lại việc những ngày lễ, ngày Tết… Phật tử chúng ta thường phát tâm mang những hương, hoa quả, bánh trái, hay tài vật đến các Chùa (Thiền viện, Đạo tràng, Niệm Phật Đường…) để cúng Phật, Bồ Tát, Chư Tăng. Hiểu cho đúng nghĩa lời Phật dạy: đó chính là hành động nhớ ơn Phật, nhớ ơn Bồ Tát, nhớ ơn Chư Tăng – Người đã mang ánh sáng, giáo lý Phật pháp để truyền dạy, giúp cho chúng ta có một cuộc sống an lạc, hạnh phúc hơn… Như vậy khi chúng ta cung kính đặt những bình hoa, những đĩa hoa quả, bánh trái, đồ chay… lên bàn thờ Phật, Bồ Tát, đồng nghĩa việc chúng ta tạo cơ duyên với Tam Bảo, muốn xả san tham, cũng như tạo phước báu cho chính bản thân của chúng ta. Hiểu như thế thì tài vật mà chúng ta dâng lên, Cúng Dường đó tất không thể lại tự ý lấy lại mang về nhà để phân phát, hay tự mình hưởng dụng.

Trong những ngày Lễ, Tết… Phật tử khắp nơi thường hành hương về Chùa để dâng hương, và cúng dường tài, vật… rất đông. Vì thế trong các Chùa, hay các Thiền viện… thường có một Ban Hộ Trì Tam Bảo (chuyên lo việc sắp xếp nội sự trong Chánh Điện). Và để tiện cho các Phật tử đến sau có được cơ duyên cùng được vào Chùa, vào Thiền viện… để dâng hương, dâng cúng tài vật, những người trong ban Hộ Trì Tam Bảo phải thường xuyên sắp xếp, bài trí lại bàn thờ Phật, Bồ Tát… cho gọn gàng, trang nghiêm, sạch sẽ hơn. Cũng vì thế những hương, hoa, bánh trái… mà các Phật tử đến trước mang đến Cúng Dường cũng thường xuyên được thu gom lại một nơi. Đây là lý do nhiều Phật tử khi thấy những đồ Cúng Dường của mình bỗng dưng „biến đâu mất“, vì không hiểu rõ ngọn nguồn, nên nhiều khi chúng ta đã tỏ ra quá lo âu, hoảng hốt, rồi có những lời lẽ, hành vi thiếu tế nhị, ngay những nơi trang nghiêm nhất.
Đây là điều chúng ta thực sự nên hiểu rõ ngọn ngành và nên tránh. 

http://a9.vietbao.vn/images/vn901/the-gioi/12956196-tetconrong2.jpg
Ảnh mang tính minh hoạ (Nguồn: NET)

Trong trường hợp chúng ta muốn có một chút lộc mang về tặng người nhà, người thân… làm quà năm mới, chúng ta có thể thưa cùng Chư Tăng, để các Tăng Ni sẽ vô cùng hoan hỉ trao cho chúng ta những món quà, hay lộc xuân để chúng ta mang về nhà hay tặng những người thân không có cơ hội đến chùa. Và như thế món quà (lộc xuân) mà chúng ta mang về lúc này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác: Được sự chứng giám của Tam Bảo và tận tay các Chư Tăng trao tặng.

Tuy nhiên trong kinh Niết Bàn Phật cũng nói có ba sự bố thí không thanh tịnh:
1. Trước nghĩ muốn cho nhiều, đến khi cho lại rút bớt.
2. Chọn vật xấu đem cho người, vật tốt giữ lại cho mình.
3. Đã cho xong, sinh tâm hối tiếc của đã cho.
Những kẻ thí chủ như vậy không thể gặp đức Phật và các bậc Hiền Thánh được.

Một chi tiết tuy nhỏ, nhưng cũng khá vi tế và quan trọng mà chúng ta cũng nên tường tận là trong các dịp Lễ, Tết Phật tử chúng ta vốn thường mang đồ, vật phẩm đến Chùa để Cúng Dường, nhưng nhiều người (có lẽ) vì sơ ý nên đã cài tiền vào những đĩa hoa quả, đĩa bánh trái… để dâng cúng Chư Phật và Chư Bồ Tát. Làm vậy là làm không đúng với  quy định trong Chùa, hay Thiền Viện. Tất cả tịnh tài Cúng Dường nên cho vào phong bì có viết tên họ, hoặc bỏ thẳng vào thùng Cúng dường Tam Bảo. Làm như vậy đã đơn giản, còn làm bớt đi sự hiểu lầm giữa các Phật tử với nhau, và cũng giúp cho những người trong Ban Hộ trì Tam Bảo bớt đi những điều khó xử khi phải tự tay gom tiền, rồi cho vào thùng Cúng dường Tam Bảo. Điều thứ nữa là món Quà Đầu Xuân hay còn gọi là Lộc Xuân, trong các dịp Lễ, Tết, chúng ta thường được các Chư Tăng Ni trao cho những Bao Lì Xì, trong đó có: Một lá Xăm; Một đồng tiền xu nhỏ (1đồng, hay 1Cent…). Lá Xăm nhà chùa lựa từ xăm trung bình đến xăm Thượng có ý muốn chúc lành cho quý Phật tử; Đồng Tiền Xu là biểu tượng cho sự thành đạt cũng như tài lộc trong năm mới. Vì nó mang tính tượng trưng do vậy không thể nói, hay suy luận: Những thứ này sẽ gắn chặt với vận mạng (suy-thịnh, bại-thành, giàu-nghèo…) của mình hay của người thân mình…, bởi thực tế: Sự thịnh-suy, bại-thành, giàu-nghèo, hạnh phúc-bất hạnh, an lạc-bất an… vốn phụ thuộc vào lý nhân quả, những hành vi ứng xử, và những kết quả do thân, khẩu, ý đúng đắn của mỗi chúng ta tạo ra.


http://www.baoquangngai.vn/dataimages/201201/original/images623813_4.JPG
Ảnh mang tính minh hoạ (Nguồn: NET)


Nhân dịp xuân về có biết bao điều chúng ta cần phải nhìn lại, thức tỉnh và ước nguyện. Tuy nhiên nếu chúng ta không cùng nhau nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo, tất những sự hiểu lầm của năm cũ sẽ mãi còn tồn đọng và một năm mới đến sẽ còn có những sự không vừa ý với nhau.
Ôn cố tri tân! Không ngoài ý nghĩa nào khác: mỗi Phật tử chúng ta phải tự tỉnh thức và thay đổi chính mình.
Xin kính chúc quý Phật tử muôn phương cùng gia quyến một năm mới thật nhiều an lạc và dũng tiến trên con đường tu Đạo.
Lập xuân Giáp Ngọ 2014 – Thiện Lợi










0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites