"Đằng
này cả hai vợ chồng nhất định không nghĩ đến việc phân chia tài sản cho con cái.
Sự kiện cả hai không soạn di chúc cho thấy là họ còn bám víu vào của cải. Chờ đến
lúc hấp hối người thân đến bên giường cố nài ép phải ký vào giấy tờ thì thử
nghĩ xem họ phải nhịn nhục và khổ sở đến mức nào..."
Dagpo Rimpoché
(Hoang Phong chuyển ngữ)
Dưới
đây là một bài thuyết giảng của Lạt-ma Dagpo Rimpoché tại ngôi chùa Tây tạng
Kadam Tcheuling tọa lạc tại Aix-En-Provence miền nam nước Pháp, vào ngày 23
tháng 3, năm 2003.
Thông
dịch viên : Marie-Stelle Boussemart. Ghi chép : Laurence Harlé, Michel
Langlois, Cathérine Baguet, Marie-Stella Boussemart
Mỗi lần phải đi đâu đó dù chẳng
có gì quan trọng thì ta cũng phải chuẩn bị tối thiểu. Trong một "chuyến ra
đi trọng đại" thì nhất định ta phải lo toan nhiều hơn.
Trong tập Phổ Diệu
Kinh (Lalitavastara) Đức Phật có
nêu lên một số hình ảnh về cái chết chẳng hạn như hình ảnh sau đây : "Giống
như những chiếc lá của một cội cây, trên cành tất cả những chiếc lá đều gần bên
nhau qua những ngày đẹp trời. Thế rồi mùa thu đến, lá rơi bay vèo trong gió lốc".
Trước đây những chiếc lá ấy tạo ra một tàn cây thì giờ đây phải phân tán. Ta không
thể nào thu góp chúng để kiến tạo lại một tàn cây giống như trước. Mỗi chiếc lá
sẽ không bao giờ còn có thể mọc lại đúng vào vị trí trên cành cây của nó như ngày
xưa. Lẽ tất nhiên là phải như thế. Đức Phật còn đưa ra hình ảnh như sau :
"Cũng giống như những giọt nước tạo ra dòng sông. Dòng nước cuồn cuộn trôi
đi từ nơi này đến nơi khác, nhưng tuyệt nhiên không có một giọt nào chảy ngược
về nguồn".
Phải chuẩn bị như thế nào trong giây phút hấp hối
Trước hết chúng ta thử bàn đến các trường hợp tổng quát
liên quan đến những người không theo tôn giáo nào cả để xem có thể giúp họ được
gì. Sau đó thì chúng ta sẽ đề cập đến các khía cạnh đặc biệt hơn, tuy nhiên cũng
phải nói ra một cách thẳng thắn là các quan điểm sẽ được trình bày liên quan đến
cái chết, cách chuẩn bị cho cái chết cũng như cách giúp đỡ người hấp hối là các
quan điểm của Phật giáo. Dầu sao thì đấy cũng chỉ là những quan điểm giống như
tất cả những quan điểm khác, không hơn không kém. Dù trong trường hợp nào thì cũng
không nên xem đấy là Sự thật, xin tất cả quý vị ghi nhận cho điều này. Mục đích
của chúng tôi không phải là muốn dành lấy Sự thật cho mình. Đấy chỉ là một cách
mô tả các kết quả mang lại từ sự suy nghiệm về cái chết. Sau đó tùy mỗi người tự
suy xét để xem có rút tỉa được gì hay không. Xin đừng để bất cứ một sự hiểu lầm
nào có thể xảy ra. Xin nhớ là không bao giờ đấy nhé ! Nhất định và tuyệt đối không
nên gán cho người Phật giáo nắm giữ toàn bộ Sự thật với hậu ý kết án các người
khác là sai lầm.
Trước hết, đối với tất cả mọi người, dù có hay không theo
một tôn giáo nào thì những gì cần thiết hơn hết là một bầu không khí yên tịnh
khi ra đi. Tốt nhất là tránh cho người hấp hối mọi dao động và ồn ào.
Nói cách khác là nên tránh đừng khóc ồ ồ hay nức nở bên cạnh
người sắp chết.
Tại các xứ phương Tây, trong đó có nước Pháp, thường xảy
ra trường hợp người thân hối hả bắt người hấp hối phải ký vào giấy tờ. Trong lúc
sắp lìa đời mà người thân chung quanh cứ cố nhét vào tay một cây bút để bắt phải
ký vào một lô giấy tờ thì thật là đáng buồn. Chúng ta không nên hành động như
thế đối với người hấp hối.
Cứ thử đặt mình vào vị trí một người hấp hối thì sẽ rõ. Người
hấp hối dù sao cũng là một con người, nhất là một con người đang phải trải qua
một giai đoạn khó khăn... Nếu ta mang giấy tờ, hồ sơ đến bên giường để cố nài ép
cho được một vài chữ ký thì thử nghĩ xem người hấp hối sẽ nghĩ gì về ta...
Nếu biết chắc chắn người hấp hối là một người sẵn sàng,
bao dung và thấu hiểu được ý định của ta để mà nghĩ rằng : "Thật vậy, những
giấy tờ này rất quan trọng cho những người còn sống, ta nên cố gắng để ký tên vào
đấy". Thế nhưng nếu người hấp hối lại là một người không hề muốn làm việc ấy
và nhất là vẫn còn bám víu vào của cải vật chất thì họ sẽ nghĩ rằng ta chỉ muốn
giật hết của cải của họ trước khi quá trễ, hoặc họ cũng có thể đơn giản nghĩ rằng
ta tìm cách lợi dụng sự đau yếu của họ để cướp hết những gì mà họ có. Như thế
ta sẽ tạo ra một tình huống vô cùng đau đớn và tệ hại cho người sắp ra đi.
Tôi quen biết một gia đình thật khiêm tốn, hai vợ chồng làm
lụng cực khổ và gom góp được một ít của cải. Nhưng gia đình lại đông con và họ quyết
định giữ nguyên của cải cho mình và nhất định không làm di chúc. Bất cứ ai cũng
phải hiểu rằng một ngày nào đó mình sẽ chết. Nếu có được một ít của cải mà con
cái lại đông thì cũng nên lo việc thừa kế, hoặc giả để lại của cải cho người phối
ngẫu còn sống, hoặc soạn sẵn một tờ di chúc theo như ý mình muốn. Như thế sẽ không
có gì phiền phức về sau cho người ra đi cũng như cho những người còn lại. Đằng
này cả hai vợ chồng nhất định không nghĩ đến việc phân chia tài sản cho con cái.
Sự kiện cả hai không soạn di chúc cho thấy là họ còn bám víu vào của cải. Chờ đến
lúc hấp hối người thân đến bên giường cố nài ép phải ký vào giấy tờ thì thử
nghĩ xem họ phải nhịn nhục và khổ sở đến mức nào.
Tóm lại bên giường người hấp hối trước hết không nên khóc
lóc và làm ồn ào, sau đó không nên bắt ép người ra đi phải ký giấy tờ.
Chúng ta không đề cập đến trường hợp của những người quá
bám víu vào của cải vật chất đang hấp hối trong bệnh viện vì đấy là một khung cảnh
đặc biệt. Chúng ta chỉ nêu lên trường hợp của những người sắp qua đời trong nhà
của họ. Trong trường hợp này nên cất hết nữ trang và những vật mà họ yêu thích,
không nên để cho họ nhìn thấy. Người hấp hối có thể nghĩ rằng sẽ phải xa lìa tất
cả những thứ ấy và những ý nghĩ đó nhất định sẽ làm cho họ khổ sở vô ngần và càng
làm cho họ thêm bám víu.
Như vậy tốt nhất nên kín đáo cất hết nữ trang. Ở Tây tạng
nhiều người khi biết mình sắp chết tự động bảo người thân hãy mang những vật mà
họ yêu quý đi nơi khác : "Đem vật này sang phòng khác giúp tôi. Đừng để cạnh
tôi nữa". Đấy là trường hợp của những người biết cảnh giác. Đối với những
người không ý thức được nguy cơ đó thì người thân cũng tự động lén cất đi những
vật quen thuộc của người sắp chết tránh cho họ khỏi bám víu làm cho họ khổ
thêm.
Những gì trình bày trên đây cho thấy việc chăm sóc cho
người hấp hối thật tế nhị, đòi hỏi phải thật khéo léo, biết xử thế và phải thật
chú tâm. Đôi khi cũng nghĩ rằng: "Không nên để mất thì giờ, phải làm cho
thật nhanh !" Tuy nhiên dù tình trạng có cấp bách đến đâu thì cũng nên nghĩ
đến người hấp hối có thể đang trong tình trạng căng thẳng và dao động để cân nhắc
và thận trọng trong từng cử chỉ của mình.
Chúng ta nên bàn thêm về các trường hợp có thể xảy ra cho
người hấp hối không theo một tôn giáo nào. Nhất định là không nên dựa vào cơ hội
đó mà thuyết giảng để gợi lại đức tin của họ vì vào lúc đó không còn thích hợp
nữa. Tốt hơn hết chỉ nên nói như thế nào để gợi lên tình thương yêu và lòng từ
bi trong lòng họ. Nếu không thành công thì cũng cố gắng làm bất cứ gì có thể được
để giúp cho họ thư giãn, thanh thản và an bình, làm được đến đâu hay đến đấy. Điều
cốt yếu là giúp cho người hấp hối ra đi trong những điều kiện tốt đẹp.
Tốt hơn hết là tìm cách trấn an, khuyên họ đừng lo lắng, nói
với họ là mọi sự sẽ xảy ra suông sẻ, tất cả sẽ an bài một cách tốt đẹp, vậy họ cứ
thanh thản ra đi. Tóm lại là tìm cách giúp họ được an lòng.
Sau đây là trường
hợp của những người tin vào một tôn giáo.
Trước hết ta phải
biết rõ tôn giáo của người hấp hối để có thể giúp họ một cách thích nghi. Nếu
phải giúp cho một người Thiên chúa giáo thì phải nói đến Trời ; nếu họ tin tưởng
vào Đức Mẹ Đồng Trinh, thì phải nói đến vị này cho họ nghe. Đối với người Phật
giáo thì tất nhiên là nói đến Đức Phật. Nhất thiết là phải nói với người hấp hối
đúng với tín ngưỡng của họ, tìm cách giúp người hấp hối nhìn thấy các biểu tượng
có thể gợi lại đức tin của họ. Đối với người Thiên chúa giáo là cây thánh giá
hoặc ảnh tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh. Dầu sao thì cũng phải khéo léo đặt các vật
ấy trong tầm mắt của họ nhưng không nên ép buộc họ một cách quá trắng trợn :
"Nhìn vào đây này, hãy cứ nhìn vào đây !" Dầu sao cũng phải dành cho
người hấp hối một chút tự do tối thiểu. Tạo ra một khung cảnh thuận lợi nhưng cũng
phải để cho người hấp hối được nghĩ đến những gì họ muốn làm. Ta không thể nào biết
hết những suy tư trong tâm trí họ trong lúc đó vì thế chỉ nên nhắc lại khe khẽ bên
tai họ những lời cầu xin mà họ thường khấn nguyện trước đây, hoặc nêu lên những
điều gì mà ta đoán rằng sẽ phù hợp với họ. Một cách thiết thực nhất là nêu lên
đức tin để giúp cho họ đỡ sợ, (xin được nhắc đây là bài thuyết giảng cho những người Tây
phương, tuy cử tọa hầu hết là người Phật giáo nhưng môi trường gia đình và xã hội
của họ gồm hầu hết là những người "vô thần" hoặc Thiên chúa giáo, hoặc
thuộc các tôn giáo khác - ghi chú của người dịch).
Nếu hiểu rõ người hấp hối trước đây đã thực hiện được những
nghĩa cử nào quan trọng thì cố gắng nhắc lại những chuyện đó để cố đưa họ trở về
thể dạng tâm thức khi thực thi những nghĩa cử đó. Hoặc giả nếu biết trước đây họ
cũng từng là một người có lòng từ... thì ta nên lựa lời thế nào để làm hiển lộ trở
lại lòng từ tâm trong tâm thức họ. Nếu một người ra đi mà tâm thức tràn đầy lòng
rộng lượng và yêu thương thì không gì tốt bằng.
Nếu người hấp hối trước đây từng tham gia vào các công
tác từ thiện thì đấy cũng là một dịp tốt để nhắc lại, chẳng hạn như tham gia vào
các công trình xây cất bệnh viện, phát thuốc cho người nghèo, giúp người trong
cảnh túng quẫn, chăm lo cho trẻ em hay người già yếu... Cố gắng tìm xem người hấp
hối đã làm được gì tốt nhất trong đời họ để nhắc lại và bảo với họ là dù cho phải
ra đi trong lúc này thì cũng không có gì để hối tiếc : "Bạn có còn nhớ không,
bạn đã tận tình giúp đỡ người ấy. Nhất định bạn phải hãnh diện lắm. Hành động của
bạn thật tích cực và hậu quả tốt lành sẽ đến với bạn. Bạn đã từng giúp ích cho
biết bao nhiêu người và cả loài thú vật nữa. Vậy bạn hãy nhìn vào đấy để cảm thấy
hân hoan và vui sướng...". Trên quan điểm Phật giáo biết hân hoan về những
hành động tốt của mình cũng là một thể dạng tâm thức lợi ích. Thật tuyệt vời
khi nhắm mắt với những tư duy như thế hiển hiện lên trong tâm trí.
Khi nói năng với người sắp chết thì phải thận trọng từng
lời. Thật ra thì lời nói nào cũng quan trọng như nhau kể cả âm điệu của từng lời.
Tránh nói năng to tiếng, trừ trường hợp người sắp ra đi quá lãng tai thì mới nói
to hơn. Ăn nói lớn tiếng sẽ làm cho người hấp hối bị dao động. Cố gắng nói bằng
một âm điệu thật êm dịu để người hấp hối được vững tâm. Không nên để lộ sự lo lắng
và bất an của mình trong lời nói, vì có thể sẽ làm cho người hấp hối dao động
thêm làm phương hại đến sự ra đi của họ. Âm hưởng cũng quan trọng như chính ý
nghĩa của lời nói.
Nếu muốn thật hữu hiệu thì chính ta cũng phải phát lộ một
thể dạng tâm thức tràn đầy yêu thương và nhân ái hướng vào người hấp hối. Không
phải chỉ biết ngồi bên cạnh để phát biểu như sau : "Thật sự ra thì tôi cũng
rất muốn giúp bạn ra đi trong những điều kiện tốt nhất". Tình thương và lòng
từ bi phải thoát ra trong từng cử chỉ và lời nói của mình thì mới hiệu quả. Ngược
lại nếu ngồi bên giường người hấp hối mà lại nghĩ rằng : "Đây chỉ là công
việc bắt buộc phải làm và ta cũng phải trả nợ cho xong", nếu đúng thế thì
dù cho ta có tìm được những lời thích nghi để nói với người hấp hối cũng chẳng có
hiệu quả gì.
Khi giúp đỡ họ thì đồng thời ta cũng nên mở rộng tâm thức
mình để nghĩ đến ngay trong giây phút này còn có vô số những người khác trên toàn
thế giới đang phải gánh chịu khổ đau và đang hấp hối. Hãy nghĩ đến họ để cầu
xin : "Tất cả đều thoát khỏi đớn đau, mỗi người đều được giúp đỡ trong giây
phút ra đi". Ta cố gắng phát động lòng từ bi không phải vì một người duy
nhất đang hấp hối đang bên cạnh ta mà còn vì vô số chúng sinh đang phải lìa đời
trên thế gian này. Cách mở rộng lòng mình như thế sẽ mang lại một sức mạnh vô
biên và hữu hiệu.
Muốn tạo ra một sự an bình thật sự cho người hấp hối thì không
nên đụng chạm vào thân thể họ hay lay họ. Rất tiếc đấy lại là phản ứng thường
thấy của một số người khi họ thấy người hấp hối sắp hôn mê. Họ ôm hoặc xô lắc người
hấp hối, có khi còn lay thật mạnh, gọi tên người ấy và hét lên : "Tỉnh lại,
hãy tỉnh lại đi !". Không nên làm như thế, tốt nhất nên để người hấp hối được
yên ổn ra đi. Nếu ta biết được tính khí và sở thích của người này, chẳng hạn như
họ không thích bép xép ba hoa thì ta cũng không nên ăn nói huyên thuyên, phải tôn
trọng tánh khí của họ, đơn giản là phải giữ sự yên lặng.
Thí dụ trường hợp
ta là một người Phật giáo và phải chăm lo cho một người hấp hối theo một tôn
giáo khác, Thiên chúa chẳng hạn.
Vậy phải làm thế nào ?
Đối với Phật giáo thì niệm hồng danh Đức Phật sẽ mang lại lợi ích, bất cứ
ai được nghe tiếng niệm Phật sẽ tiếp nhận được điều lành. Vậy có nên làm như thế
đối với người hấp hối theo Thiên Chúa giáo hay không ? Đây cũng lại đòi hỏi ta
phải suy nghĩ cẩn thận và hành động khéo léo, phải suy nghĩ cẩn thận xem như thế
có tạo ra nguy cơ làm cho tình thế trở thành tệ hại hơn hay không ? Nếu như ta
nghĩ rằng niệm hồng danh Đức Phật là điều tốt thì cũng không bắt buộc phải niệm
to tiếng, chỉ cần khe khẽ niệm bên tai người hấp hối hoặc chỉ cần giữ sự yên lặng
cũng đủ. Không bắt buộc phải hét thật to vào tai người sắp ra đi nhất là nhắc
nhở đến những gì thuộc Phật giáo điều đó có thể làm cho người hấp hối không thích.
Khi còn phân vân vì không hiểu được tính khí người sắp ra đi và không thể quyết
định được phải xử trí ra sao thì tốt hơn là không nên làm. Đối với chúng ta khi
nghe niệm hồng danh của Đức Phật cũng cảm thấy an bình ngay tức khắc, tuy nhiên
nếu việc ấy làm phật ý hay bất mãn cho người hấp hối thì nhất định là không nên.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment