"Đau đớn phát sinh từ nghiệp mà chính người hấp hối đã tạo ra cho
mình. Bổn phận của ta là chữa chạy cho họ bớt đau đớn, nhưng trong trường hợp này
thì đành phải chịu". Trong hoàn cảnh ấy thì tốt hơn nên khấn nguyện cầu
xin những khổ đau mà họ đang phải gánh chịu sẽ sớm được hóa giải, hoá giải cả
những đau đớn mà họ còn có thể phải gánh chịu sau này và cả những đau đớn của tất
cả mọi người khác nữa, tất cả mọi đau khổ trên thế gian này đều sẽ được hóa giải..."
Dagpo Rimpoché
(Hoang Phong chuyển ngữ)
Hỏi - Đáp
- Một thính giả: Phải trả lời ra sao nếu một
người nào đó thổ lộ với chúng ta là họ biết chắc chắn họ sẽ chết ?
- Rimpoché: Nếu có ai thổ lộ những lo
lắng của họ với ta thì phải xét xem sự thể ra sao đã. Sự lo sợ của người ấy có
chính đáng hay không hay chỉ là những xúc cảm bi quan quá đáng. Nếu chưa chắc họ
sẽ chết thì nên trấn an họ, giải thích cho họ là chưa phải là giây phút tuyệt vọng.
Tuy nhiên nếu đúng là họ sắp chết thì tốt hơn hết cứ nói lên sự thật với họ:
"Thật thế, phải lo chuẩn bị cho phút ra đi, phải cố gắng tạo cho mình một
thể dạng thuận lợi".
- Một thính giả: Chúng ta sống trong một xã
hội mà mọi người đều tránh né không muốn nói đến cái chết. Những người chăm sóc
bệnh nhân hấp hối phải thường xuyên đối đầu với các cảnh đau thương mà chung
quanh không có ai tiếp tay để giúp đỡ họ và những người người sắp ra đi. Những
người hấp hối rên siết vì đau đớn, than thở về việc điều trị quá sức chịu đựng
của họ. Như vậy thì những người đứng ra giúp đỡ phải đối đầu với hoàn cảnh đó
như thế nào, có thể làm được những gì cho người hấp hối. Người giúp đỡ phải làm
thế nào để đủ sức chịu đựng trước những cảnh đau thương trước mắt ?
- Rimpoché: Khi nào vẫn còn thuốc men
và các phương tiện chữa chạy có thể giúp cho người hấp hối được nhẹ nhàng hoặc
kéo dài thêm sự sống của họ thì cũng phải tiếp tục. Tuy nhiên nếu tình thế đã
tuyệt vọng thì cũng nên tự hỏi là có nên bắt họ phải tiếp tục chịu đựng sự chữa
chạy mà ta tin chắc là sẽ không mang lại một chút hiệu quả nào hay không ? Luật pháp có bắt ta phải làm như thế hay không
? Nếu luật pháp bắt buộc và nếu giả sử việc chữa trị đã trở nên hoàn toàn vô ích,
chỉ mang thêm đau đớn cho người hấp hối và hoàn toàn không thể làm gì khác hơn cho
họ nữa, thì trong hoàn cảnh đó ít ra ta cũng nên tạo ra cho mình một thể dạng từ
tâm và nhân ái đối với người hấp hối. Tuy rằng sự chữa chạy mà ta đang làm không
còn mang lại một hiệu quả nào nữa, nhưng nếu ta thực thi với thật nhiều tình thương
và lòng từ bi thì cũng sẽ mang lại một chút gì đó cho người sắp ra đi.
Đối với Phật giáo thì không có bất cứ gì xảy ra một cách
ngẫu nhiên cả. Tất cả mọi hiện tượng đều bị chi phối bởi quy luật nguyên nhân
và hậu quả - tức là nghiệp và các thứ hậu quả do nghiệp mang lại. Vì thế với tư
cách là một người chữa trị thì vẫn phải tiếp tục chữa trị cho người sắp chết dù
biết rằng chỉ mang thêm đau đớn cho họ. Đứng trước tình huống như thế thì nên
suy nghĩ như thế này : "Đấy không hẳn là một cảnh huống bất công và không
thể hiểu được. Đau đớn phát sinh từ nghiệp mà chính người hấp hối đã tạo ra cho
mình. Bổn phận của ta là chữa chạy cho họ bớt đau đớn, nhưng trong trường hợp này
thì đành phải chịu". Trong hoàn cảnh ấy thì tốt hơn nên khấn nguyện cầu
xin những khổ đau mà họ đang phải gánh chịu sẽ sớm được hóa giải, hoá giải cả
những đau đớn mà họ còn có thể phải gánh chịu sau này và cả những đau đớn của tất
cả mọi người khác nữa, tất cả mọi đau khổ trên thế gian này đều sẽ được hóa giải.
- Một thính giả: Đối với Phật giào thì phải
hình dung ra sao trường hợp phải giúp đỡ cho một người trong tình trạng vô thức
thực vật (pathologie
neurovégétative - neurovegetative pathology), và đã hôn mê (coma) ?
- Rimpoché: Tình trạng vô thức thực vật
bao hàm rất nhiều trường hợp khác nhau. Nếu một người nào đó rơi vào tình trạng
vô thức là do nhiều nguyên nhân gây ra. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng
đó, thí dụ như tai nạn xe cộ, tai biến mạch máu não, hay vì bất cứ một nguyên
nhân nào khác ? Trước hết là phải xác định xem người bệnh đang trong tình trạng
nào để chữa chạy. Theo quan điểm Phật giáo thì ngoài các nguyên nhân mang nguồn
gốc "bên ngoài" như vừa kể trên đây còn có các nguyên nhân phát sinh
từ những chủ tâm tiêu cực của các sinh linh hung ác. Các vết thương đơn thuần
thuộc cơ thể vật chất có thể chữa khỏi hoặc không thể hồi phục được. Thế nhưng
nếu đấy là phần số xui khiến hoặc do tác động tiêu cực phát sinh từ các sinh
linh tai ác thì Phật giáo cho rằng một số nghi lễ nào đó có thể trợ giúp cho người
bệnh hoặc cũng có thể chữa khỏi được cho họ (đây là một khía cạnh cá biệt của Phật giáo Tây tạng cần phải
có một sự hiểu biết nào đó mới có thể đánh giá được - ghi chú thêm của người dịch).
Nếu quá trình của cái chết đã bắt đầu và khả năng thính giác của người hôn mê đã
suy yếu thì sẽ không còn dùng lời lẽ để khuyên bảo hầu mang lại thể dạng tâm thức
lợi ích cho họ nữa. Tuy nhiên rất khó biết là người hôn mê còn nghe được những
gì ta nói với họ hay không, vì thế cứ tiếp tục giúp đỡ họ bằng cách khuyên bảo.
Nếu thành công thì càng tốt, nếu không thì ít ra mình cũng đã cố gắng.
- Một thính giả: Chúng ta đã bàn thảo khá
nhiều về vấn đề giúp đỡ người hấp hối. Thế nhưng đối với những người thân còn
quá bám víu vào người hấp hối thì sao, kể cả về sau này khi người thân đã qua đời
? Tình trạng bám víu của họ có ảnh hưởng
đến người chết hay không ?
- Rimpoché: Tất cả đều tùy vào cách xử
sự của người thân chung quanh. Nếu họ đủ sức chịu đựng sự đau đớn một mình
không quấy rầy làm cho người hấp hối bị dao động thì trong trường hợp đó tất
nhiên là họ không làm phương hại đến sự ra đi của người hấp hối. Ngược lại nếu
các cử chỉ bám víu của họ quá lộ liễu thì sẽ gây ra sự dao động ảnh hưởng đến
thể dạng tâm thức của người ra đi.
Thí dụ trường hợp một người mà ta rất quý mến đang hấp hối
bên cạnh nhưng ta đủ sức tự chủ, kìm hãm
được xúc động của mình giúp cho người hấp hối ra đi trong an bình và thanh thản,
nhưng sau đó ta vẫn còn tiếp tục bị tràn ngập bởi nhớ thương và đau buồn thì trường
hợp đó cũng không gây ra ảnh hưởng nào vì đơn giản là người thân không còn nữa.
- Một thính giả: Trường hợp một người chết
đột ngột và đã được xác định theo "tiêu chuẩn y khoa", và nếu người
ta lấy đi các cơ quan của họ để ghép cho người khác thì đối với người chết việc
gì sẽ xảy ra ?
- Rimpoché: Thêm một lần nữa phải nêu
lên nhiều trường hợp khác nhau. Thí dụ một người bị tai nạn đã chết theo tiêu
chuẩn y khoa và trước đây người này đã để lại di chúc hiến dâng cơ thể của mình,
thì đấy là một sự tự nguyện chứng tỏ lòng từ bi và rộng lượng của họ. Sự kiện ấy
không làm phương hại gì đến họ vì hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của họ. Vị
bác sĩ lấy các cơ quan của người chết đúng với nguyện vọng của người này do đó sẽ
không phạm vào một sự sai lầm nào cả.
Hãy lấy một thí dụ khác, người bị tai nạn xe cộ được công
nhận đã chết theo đúng tiêu chuẩn y khoa nhưng không để lại di chúc hiến dâng cơ
quan trên thân xác của mình (xin hiểu là đối với Phật giáo Tây tạng một người đã chết
theo tiêu chuẩn y khoa - tim ngưng đập, phổi hết thở và máu huyết không lưu
thông - chưa phải là chết hẳn, vì đấy chỉ là các dấu hiệu thuộc vào giai đoạn đầu
tiên của quá trình rất phức tạp của cái chết - ghi chú thêm của người dịch).
Tuy nhiên vị bác sĩ cứ lấy các cơ quan của họ thì trường hợp này cho thấy hai
khía cạnh khác nhau : một tiêu cực và một tích cực. Khía cạnh tiêu cực khá tế
nhị : vị bác sĩ cướp đi cơ quan của họ, theo một góc nhìn nào đó thì cũng có thể
bảo đấy là một cách giết họ. Khía cạnh tích cực là vị bác sĩ sử dụng cơ quan của
họ để cứu sống người khác và phần họ thì dù sao họ cũng sẽ chết, hành động ấy
nhất định là một hành động tốt. Vì thế trường hợp vừa kể có thể xem như không nên
nhưng cũng có thể nên làm.
Đối với vị bác sĩ khi lấy cơ quan của người chết mà không
có sự thỏa thuận trước của họ là phạm vào một điều sai lầm - nếu hiểu theo Phật
giáo thì đấy là một cách tích lũy nghiệp tiêu cực vì hành động thô bạo của họ đối
với người chết. Tuy nhiên mục đích của vị bác sĩ là chữa bệnh, hay ít ra cũng làm
giảm bớt được sự đau đớn cho người khác, do đó đồng thời cũng tích lũy được
nghiệp tích cực, (người
ta có khuynh hướng hiểu nghiệp một cách máy móc và đơn giản tương tợ như một sự
trừng phạt hay khen thưởng, thật ra nghiệp rất phức tạp chi phối bởi mọi tư duy
và hành động của ta, tức là từ những suy nghĩ và xúc cảm trong tâm trí cho đến
từng cử động trên thân xác, dù cho nhỏ nhặt hay vô nghĩa cách mấy. Trường hợp
trên đây là một thí dụ điển hình về sự phức tạp đó - ghi chú thêm của người dịch).
- Một thính giả: Người ta thường nghe kể về
nhiều câu chuyện liên quan đến các lời chỉ vẻ hay tiên tri của các người lên đồng
hay bói bói toán, hoặc chuyện của một số người khác nhìn thấy hoặc nghe thấy các
"linh hồn" (thần linh, ma quỷ...,
esprit - spirit) hay các "nhân vật" xuất hiện trong một vài bối cảnh
đặc biệt nào đó. Người ta kể rất nhiều chuyện đại loại như thế và cho rằng một
số người đã chết nhưng không tìm thấy được ánh sáng. Vậy quan điểm của Phật giáo
về các trường hợp này ra sao ?
- Rimpoché: Theo quan điểm của Phật
giáo thì phải hiểu rằng khi một người đã qua đời thì họ sẽ phải tái sinh ngay
sau đó. Vì thế phải loại bỏ tức khắc các trường hợp mà những sinh linh đã chết
nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy các điều kiện phù hợp để tái sinh, có thể khẳng
định là không thể hình dung ra được các trường hợp như thế. Sự tái sinh có thể
xảy ra trong những hoàn cảnh thuận lợi hay kém thuận lợi hơn, nhưng bắt buộc sự
tái sinh sẽ phải xảy ra vào một lúc nào đó trong thời gian bốn mươi chín ngày.
"Không thể đạt
được ánh sáng" thì đấy chỉ là một cách nói dùng đến các thuật ngữ đặc
thù của một vài nền văn hóa nào đó. Phật giáo không có cách diễn đạt như thế.
Tuy nhiên nếu người ta tin là những người đồng bóng có thể giao tiếp với những
gì mà người ta gọi là các "linh hồn" (thần linh, ma quỷ...) thì khi ta
nhìn thấy họ nói năng giống như thật dưới danh nghĩa của một người có tiếng tăm
nào đó và họ nhân danh người này để kể ra nhiều chi tiết mà ta chưa hề biết, chẳng
hạn như họ giúp khám phá ra nơi cất dấu các tài liệu nào đó hay các vật dụng nào
đó mà người ta đang muốn đi tìm..., thì trước nhất ta phải tự hỏi có đúng thật
là người trong câu chuyện đang phát ngôn hay không ? Nói một cách khác, nếu đấy
là một "linh hồn" tự cho mình là một người mang tên là X nào đó đứng
ra nói, thì có đúng thật đấy là người mang tên X hay không ? Thật ra thì không nhất
thiết là đúng và cũng vô cùng khó khăn để xem đấy là đúng. Các "linh hồn"
có nhiều khả năng và trong số này có khả năng nhận biết sáng suốt và có thể nắm
bắt bất cứ một thể dạng cảm nhận nào của ta . Vì thế chúng cũng có thể khoác
lên cho mình hình tướng bên ngoài của một người qua cố quen thuộc hay một người
xa lạ để tiếp xúc với chúng ta. Đương nhiên những người thân thuộc của chúng ta
cũng có thể tái sinh dưới thể dạng "linh hồn" (ma quỷ, thần linh...
esprit - spirit), nhưng thật ra rất khó tin là họ trở lại tìm chúng ta dưới thể
dạng hình tướng trước đây của họ. Nhân vấn
đề này cũng xin nhắc đến tiểu sử của Mật-lặc-nhật ba (Milarepa), quý vị hãy tự
tra cứu lấy. (cũng
xin nhắc thêm là ngài Dagpo Rimpoché là hoá thân của vị đại sư Mã-nhĩ-ba (Marpa,
1012-1097) thầy của đại sư Mật-lặc-nhật-ba (Milarepa, 1040-1123) - ghi chú của
người dịch).
Tuy nhiên dù sao cũng đừng tưởng tượng ra trường hợp một
người anh hay em đã chết trở lại thăm viếng mình. Người anh hay em quá cố đã hướng
vào một sự tái sinh khác, và không còn giữ một khái niệm nhỏ nhoi nào về mối liên
hệ anh em với ta nữa. Ta cũng không còn có gì liên hệ mật thiết với người ấy nữa,
sự liên hệ họ hàng giữa người ấy và ta không còn nữa. Người ấy đã thuộc vào một
sự hiện hữu khác.
Về vấn đề ám chỉ đến
ánh sáng thì có thể tạm xem đó như là thể dạng trung gian. Tuy nhiên sau
khi chết thì khoảng thời gian thuộc thể dạng đó chỉ kéo dài tối đa bốn mươi chín
ngày. Hết thời hạn đó thì bắt buộc phải tái sinh và một cái chết khác sẽ xảy ra
cho sự tái sinh mới đó, và cứ tiếp tục như thế. (Ma quỷ, thần linh, linh hồn... là những xung
năng ám ảnh người lên đồng cũng như người xem đồng bóng. Ma quỷ phát sinh trong tâm thức của người kể
chuyện và hiện lên trong tâm thức của người nghe kể chuyện, tất cả những thứ ấy
đều liên hệ đến các xung năng và kích động từ nghiệp của cả hai bên : một bên
là người lên đồng hay người kể chuyện và một bên là người xem hay người nghe.
Thích xem hay thích nghe những chuyện đại loại như thế cũng là những xu hướng
hay xung năng xuất phát từ nghiệp đang tác động trong tâm thức của mỗi người. Tuy nhiên
cũng có những câu chuyện về các đại sư Tây tạng nhờ sự quán thấy cực mạnh và sáng
suốt đã khám phá ra nhiều kinh sách được cất dấu, các khả năng thần giao cách cảm
cũng rất thường thấy nơi các nhà sư Tây tạng cao thâm và tinh luyện. Tuy nhiên những
khả năng này do sự tu tập mang lại, không liên hệ gì với những xung năng phát
sinh từ nghiệp đang tác động trong tâm thức của mỗi người chúng ta. Nếu một người
tu tập bị ám ảnh bởi những xung năng đó thì rất khó đi xa. Tốt nhất không nên lẩn
quẩn với những chuyện như thế, cứ tu tập một cách tinh khiết, chuyên cần, giữ
đúng theo con đường Đạo Pháp thì một lúc nào đó sẽ hiểu được những chuyện gì
trước đây mình cho là "thật" nhưng thật ra chỉ là những biểu hiện của
"vô minh" và những "xúc động bấn loạn" trong tâm thức của mình
mà thôi. Vậy chúng ta không nên tìm
hiểu "quá sớm" những chuyện đại loại như vị thính giả đã nêu lên câu
hỏi trên đây. Nên hiểu rằng Dagpo Rimpoché bắt buộc phải trả lời vì có người hỏi
thế thôi và ông cũng đã trả lời thật khéo léo và không dấu diếm một điều gì cả.
Tuy nhiên muốn hiểu hết những lời giải thích của ông thì cũng cần có một sự hiểu
biết nào đó về Phật giáo Tây tạng - ghi chú thêm của người dịch).
- Một thính giả: Tôi muốn được biết thêm
quan điểm của ngài liên quan đến sự sống và cái chết ngay trong sự hiện hữu này
của chúng ta, sự sống có nghĩa là sinh ra và chết đi. Không một ai dù là tỉ phú
hay người bần cùng có thể thoát ra khỏi phần số đó. Theo tôi nghĩ thì tuy là đang
sống nhưng đồng thời ta cũng đang chết. Chẳng hạn như có vô số nguy cơ mang lại
cái chết đang tiềm ẩn trong sự sống hằng ngày. Có phải là ý thức được mình đang
sống cũng có nghĩa là ý thức được mình đang chết hay không ? Có phải đấy là một
định mệnh bắt buộc ta phải sống cuộc sống thường nhật hay không ?
- Rimpoché: Trong quá trình của sự
sinh thì bất cứ một hiện tượng hình thành nào cũng đều tương quan với một hiện
tượng hủy diệt của nó. Sự tan biến đi kèm với một sự hiển hiện có phải là những
gì mà người ta gọi là cái chết hay không ? Ít ra thì đấy cũng không phải là thuật
ngữ thường được sử dụng. Trên phương diện quy ước người ta cũng có thể chấp nhận
cách sử dụng chữ "chết" để chỉ định một sự tan biến đi kèm với một sự
hiển hiện, cả hai xảy ra trong từng khoảnh khắc một. Tuy nhiên trong cách phát
biểu thông thường thì người ta phân biệt giữa sự sinh và cái chết là có ý nhấn
mạnh đến sự khác biệt căn bản giữa hai hiện tượng đó : sinh chỉ định thời điểm
mà một dòng tri thức nào đó tìm được một cơ sở vật chất nào đó. Sự sống kéo dài
trong một khoảng thời gian mà cơ sở vật chất và dòng tiếp nối liên tục còn duy
trì được sự kết hợp chung. Chết là thời điểm mà cơ sở vật chất trở nên quá suy
thoái không còn chuyển tải được tâm thức hay tri thức nữa, và tâm thức hay tri
thức phải hướng vào một cơ sở vật chất khác. Đấy là cách giải thích thường dùng
để định nghĩa cái chết.
Dầu sao thì Phật giáo cũng đồng ý với cách trình bày của
bạn về hiện tượng biến đổi trong từng giây phút một. Mỗi chúng sinh là một hiện
tượng cấu hợp vì thế cũng không thể nào tránh khỏi sự biến đổi từ lúc mới sinh (thụ thai).
Điều ấy có nghĩa là con người không bao giờ còn giữ được nguyên vẹn khi phải chuyển
từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Trong mỗi khoảnh khắc ta hiện ra một
cách khác hơn để rồi tan biến với thể dạng mới ấy và rồi lại hiển hiện ra,
v.v... Nếu biết suy tư sâu xa về hiện tượng vô thường mà ta phải gánh chịu tức
là quá trình biến đổi trong từng khoảnh khắc đang chi phối ta thì ta cũng sẽ có
thể làm thay đổi được toàn bộ cách quán nhận thông thường của ta về mọi sự vật.
Điều đó có thể làm thay đổi cả nếp sống của ta nữa và từ đó ta cũng sẽ rút tỉa
được thật nhiều lợi ích lớn lao.
- Một thính giả: Ngài nghĩ sao về trường hợp
một người nào đó muốn được gây chết để tránh đau đớn (euthanasie - euthanasia) ?
- Rimpoché: Có nhiều trường hợp khác nhau. Khi đề cập đến một người muốn được gây chết để
tránh đau đớn thì cũng phải chú ý đến nhiều trường hợp khác nhau khiến người ấy
quyết định chọn giải pháp đó. Những gì sẽ xảy ra sau khi chết sẽ không đặt thành
vấn đề đối với những người không theo một tôn giáo nào cả vì đơn giản là họ không
tin. Ngược lại đối với những người tin vào một tôn giáo, bất kể là tôn giáo nào,
thì hãy nói với họ nên suy nghĩ xa thêm một chút : "Thật thế trong lúc này
bạn đang đau đớn quá sức. Trước sau thì cũng chết và bạn muốn cho mọi sự xảy ra
nhanh chóng hơn. Tuy nhiên bạn có chắc chắn là nếu được chết nhanh chóng thì sau
đó bạn sẽ tìm được những gì tốt đẹp hơn chăng ? Bạn có thể quả quyết rằng cảnh
huống mà bạn sẽ tìm thấy sau này sẽ thoải mái hơn tình trạng của bạn hiện nay
hay không ? ". Có lẽ cũng nên cố gắng nói với họ là nên suy nghĩ theo chiều
hướng đó, (đau đớn
là do nghiệp mà ra, gây chết để tránh đau đớn cũng có thể xem là một cách
"hẹn nợ" sang kiếp sau sẽ trả tiếp).
Trên đây là những gì có thể giúp đỡ cho những người hấp hối.
Tuy nhiên đối với chính ta thì ta có thể làm gì được để chuẩn bị cho cái chết của
mình ? Có lẽ cũng nên nghĩ đến việc ấy. Phật giáo cho rằng không có gì tốt hơn
là được chết hoàn toàn tự do không còn lệ thuộc vào quá trình lôi kéo của sinh và
tử, có nghĩa là không còn bắt buộc phải tái sinh dưới vòng kiềm tỏa của nghiệp
và các yếu tố bấn loạn. Lý tưởng nhất là đạt được sự giải thoát toàn vẹn. Tuy
nhiên nếu ta chưa đạt được sự giải thoát như thế trong kiếp sống này, thì cũng sẽ
vô cùng tốt đẹp nếu được chuẩn bị cẩn thận để đến khi chết ta có thể tự thiền định
trong khi quá trình của cái chết đang diễn biến, mà không cần đến sự trợ giúp của
người khác. Nói một cách khác nếu ta biết tu tập để sau này đủ khả năng bước
theo con đường mà ta đã chọn, không nhờ đến người khác nhắc nhở : "Đây là
lúc phải nghĩ đến chuyện này, đây là lúc phải nghĩ đến chuyện kia...", thì
đấy là một cách giúp ta tự chủ và mang lại cho ta một tâm thức tỉnh táo để thực
thi thiền định vào lúc hấp hối.
Khi ta có đủ khả năng thiền định trong khi quá trình của
cái chết diễn tiến thì ta sẽ có nhiều hy vọng hướng vào một sự tái sinh thuận lợi
giúp cho ta cơ hội tu tập trong kiếp sau để đạt được sự giải thoát mà ta chưa đủ
sức thực hiện trong kiếp sống này.
Cái chết là một chủ đề then chốt đối với tất cả mọi người.
Nếu trong cuộc sống có một điều gì đó mà ta tin chắc là sẽ xảy ra thì đấy là cái
chết của ta vào một ngày nào đó. Vì lẽ cái chết không thể tránh được, do đó tốt
hơn hết là cứ nghĩ đến nó để mà chuẩn bị. Thật quả là không thích đáng chút nào
khi nghĩ rằng : "Tôi vẫn còn trẻ và còn nhiều thì giờ trước mặt. Tôi có thể
tu tập bất cứ lúc nào sau này". Thời điểm xảy ra cái chết thật vô định, tuổi
trẻ không phải là một sự bảo đảm vì người ta vẫn có thể chết khi còn trẻ. Do đó
tốt hơn hết là nên tu tập ngay lúc này dù cho ta còn rất trẻ. Tu tập là cách làm
hiển lộ trong ta lòng nhân ái đối với người khác. Cố gắng tập phát lộ lòng tốt
của ta ngày càng quảng đại hơn rồi một ngày nào đó mọi sự sẽ trở nên đơn giản hơn
và ta sẽ tận hưởng hạnh phúc.
Bures-Sur-Yvette,
24.10.10
Hoang
Phong chuyển ngữ
0 Kommentare:
Post a Comment